Đánh thức hạnh phúc

(TBKTSG Xuân AL) - Hạnh phúc. Khát vọng của mọi khát vọng. Lời chúc của mọi lời chúc. Ngôi sao của mọi ngôi sao. Nhưng nó là gì vậy?

20190115 hanh phuc

Người ta không nghĩ cùng một điều khi nghĩ về nó. Cái đem lại hạnh phúc cho người này có thể đem đau khổ đến người khác.

Điều này có thể nói ngay: không ai CÓ hạnh phúc. Bởi hạnh phúc không phải là một vật để ta có, ta sở hữu.

Khi ta vui, ta nằm trong hạnh phúc và đó là hạnh phúc đang có ta-ta buông mình vào lòng nó.

Dẫu như thế, hạnh phúc, cũng như lương thiện, không phải ở bên ngoài ta mà nó ở ngay bên trong ta. Không có hạnh phúc nào ở bên ngoài ta.

Hạnh phúc không phải là một vật. Vì thế nó không thể ở bên ngoài. Thế giới của nó thuộc về bên trong. Bên trong ta.

Gọi một vật nào đó hay một người nào đó ở bên ngoài là hạnh phúc của ta thì đó chỉ là một cách nói, một cách lầm lẫn.

Tất nhiên, một vật và một người nào đó có thể làm cho ta hạnh phúc trong thời điểm nào đó khi nó có khả năng xuyên thấm vào thế giới bên trong ta, chân trời đón đợi của ta. Đó là lúc ta đánh thức hạnh phúc bên trong ta, giấc ngủ quên của ta như thi hào Ba Tư Hafiz diễn tả từ thế kỷ mười bốn:

Hạnh phúc đã ở trong ta từ bao giờ, từ ban đầu. Và nó thường ngủ quên. Nên ta cần đánh thức.

Hạnh phúc ngủ quên của tôi

vật vờ từ lâu lắm

sáng nay thức dậy rồi.

Hạnh phúc đã ở trong ta từ bao giờ, từ ban đầu. Và nó thường ngủ quên. Nên ta cần đánh thức. Vậy thì ai đánh thức? Chính là ta. Ta đánh thức ta. Nghịch lý ư? Thì nghịch lý mà. Thế mới là đời sống, một đại nghịch lý chứ sao!

Ta đang ngủ quên và ta phải đánh thức ta thôi. Đánh thức thế nào?

Tạm để hạnh phúc của ta ngủ quên trong khi ta chú tâm vào cuộc sống. Nhìn. Học cách nhìn. Nhìn chú tâm. Chẳng hạn nhìn một bông hoa nhỏ nơi hàng giậu. Như Nguyễn Trãi nhìn một cái cây mà thấy tĩnh và động trong cùng một lúc, cùng một nơi:

Cây tĩnh

Chim về

Rợp bóng xuân

(Quốc Âm Thi Tập)

Cái nhìn đó Nguyễn Du gọi là “khai nhãn mộng”: mộng mà vẫn mở mắt, mở mắt mà vẫn mộng, mở cả giấc mộng, mở cả thực tại, tĩnh mà động, động mà tĩnh... Đó là cách Nguyễn Du vào ra trần thế và vào ra giấc mộng của mình (Trần thế bách niên khai nhân mộng).

Đó cũng là cái nhìn của Ngô Thì Nhậm, người cho văn và võ là một, đạo và đời là một, mộng và thực là một. Trong bài phú Mộng Thiên Thai, ông cho rằng không cần đến một Đào Nguyên nào để tìm thấy hạnh phúc. Ta có thể tự trồng được cội đào của chính mình: Đâu chỉ Đào Nguyên có cội đào?

Đó là tự đánh thức hạnh phúc.

Đó là chú tâm nhìn và ghi nhận những khoảnh khắc đẹp mà ta thường bắt gặp. Bằng cách đó ta chuyển hóa nó, nội tại hóa nó. Một bông hoa nhỏ sẽ hóa thành ta và ta đồng thời hóa thành nó. Như nhà thơ Bashô ở Nhật nhìn hoa nazuna:

Ta nhìn bên ta

bên hàng giậu nở

đóa nazuna.

Đó là một khoảnh khắc đẹp. Bởi vì nó rất bình thường, rất đơn sơ.

Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc. Bởi vì nó đẹp trong một toàn thể đẹp.

Cái đẹp đó, hạnh phúc đó không mất đi đâu bởi vì Bashô đã chú tâm nhìn nó và ghi nhận nó. Chỉ là một bông hoa trắng nhỏ, đóa nazuna ấy. Cái nhìn của Bashô tự đủ đầy, tự chứa chan hạnh phúc. Ông không có ý chiếm hữu nó hay chiếm hữu cái gì. Cái không có gì này chính là hạnh phúc: không cướp đoạt, tranh giành...

Bông hoa nở trong an nhiên và Bashô nhìn trong tự tại. Hạnh phúc của nở và nhìn chan hòa trong một ánh sáng tương chiếu. Khoảnh khắc hạnh phúc đó cần được đánh thức mỗi ngày.

Để mỗi ngày ta là hoa, là chim, là mây, là hạt bụi, là tia nắng..., là khoảnh khắc mà cũng là vô tận.

Có một anh chàng luôn cầu nguyện nữ thần Hạnh phúc đến với anh, rất khẩn thiết và gần như kiệt sức. Cuối cùng anh nghe tiếng nói: Ta đây! Anh hỏi: Ai thế?

- Ta là Hạnh phúc, người mà anh gọi suốt.

- Sao tôi không thấy?

- Ta vô hình kia mà.

- Xin ngài làm ơn hiện hình.

- Hạnh phúc không có hình. Nó ở bên trong của bên trong. Nếu có hình thì nó đã mất từ lâu, trước khi mi kịp cầu nguyện!

Chàng ta òa khóc. Còn câu chuyện thì cười.

Còn đây là thơ của Goethe, thi hào Đức:

Không có gì thuộc về tôi,

tôi biết chứ

Nhưng trong hồn tôi

không gì cản nổi

tư tưởng một dòng trôi.

Và hân hoan khi Tình yêu Mệnh

mang đến cho tôi

biết bao khoảnh khắc tuyệt vời

mà tôi đón đợi từ đời thắm sâu.

Chỉ cần chú tâm, chỉ cần ghi nhận thôi, thì trong một tuần, thậm chí trong một ngày ta sẽ “bắt” được biết bao khoảnh khắc tuyệt vời mà cuộc đời trong khẳm sâu sẵn sàng ném về phía ta. Như một ánh nhìn, một nụ cười, một giọt sương, một tiếng chim, một câu hát, một hơi gió, một trang sách, một cái bóng trong hồ nước, một chóp núi, một mẩu bánh, một nụ hôn, một quả quýt đang được ai đó từ từ bóc vỏ... Biết bao thứ đang chờ ta đón bắt hoàn toàn “miễn phí”, nghĩa là tự do.

Ngoài cách ghi nhận và đón bắt tự do đó, còn một cách đạt hạnh phúc đơn giản hơn, cứ như là đang chơi, đang giỡn.

Thử gọi tên mọi thứ, cả thứ dễ chịu lẫn khó chịu bằng những cái tên trìu mến. Tập gọi như thế cho đến khi trong tâm thức ta, cái tên và sự vật hòa lẫn vào nhau hết sức tự nhiên.

Như thi hào Kalidasa gọi mây là sứ giả của tình yêu. Như Krishnamuzti gọi cơn đau thường hành hạ mình là cái thân yêu. Như gọi đất là mẹ, cỏ cây là chị em. Bashô gọi bốn mùa là bạn. Hafiz gọi vầng trăng là thú cưng.

Như Adam trong vườn Eden, ta gọi tên từng sự vật quanh mình. Đặt những cái tên mới. Đầy thân ái.

Cái gì sẽ xảy ra? Bắt đầu một cái nhìn mới mẻ. Đời sống bỗng thanh tân. Khi ta gọi tên sự vật theo cách mới, thì ý nghĩa mới sẽ nảy sinh, nhịp điệu mới sẽ ngân theo tiếng gọi nồng nàn của ta. Niềm vui được đánh thức.

Điều ấy thường được diễn tả trong thơ Hafiz, như:

Tôi lấy ra một mặt trời

mỗi ngày từ ví tôi.

Và tôi thả con thú cưng là vầng trăng

chạy rong trên cánh đồng trời.

Khi tôi huýt gió

trăng quay đầu ngó nhìn tôi.

Khi tôi vẫy tay

nàng vẫy lại cái đuôi sao lộng lẫy.

Hàng ngày tôi tưới nước

cái cây trồng yêu quý của Trời

là trái đất này đây.

Có người sẽ cho rằng điều ấy viển vông quá. Hoặc là lãng mạn quá. Hoặc là tưởng tượng.

Nhưng niềm hân hoan và cái đẹp nào cũng cần pha lẫn cái chân thật với tưởng tượng đến độ nó trở thành một. Pha lẫn bờ bên đây với bờ bên kia, đến độ nó trở thành một. Như trên một vòng tròn, đâu là bờ nào?

Khi gọi vầng trăng là thú cưng, Hafiz khởi động một vòng tròn. Có gọi thì có hồi đáp. Và do đó, vầng trăng quay đầu ngó nhìn “tôi” và vẫy cái đuôi sao lộng lẫy.

Vậy thì gọi hạnh phúc đi. Đánh thức đi! 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 15.02.2018.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60424403
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5378
6820
60424403

Thành viên trực tuyến

Đang có 208 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website