Huyền thoại kẻ mị tình

bia sach nhat ky ke mi tinh 8269 1435726213

LỜI GIỚI THIỆU cho tác phẩm “NHẬT KÝ KẺ MỊ TÌNH” của triết gia Soren Kierkegaard do Quế Sơn dịch sang tiếng Việt và sẽ được Phuong Nam Book ấn hành trong quý 2, 2015.

Nguyên tác tiếng Đan Mạch: Forförerens Dagbog trong tập: Enten- Eller (Hoặc là-Hoặc là), xuất bản lần đầu năm 1843 ở Copenhagen, Đan Mạch.

Dịch từ bản dịch tiếng Anh, The Seducer’s Diary, Nhà xuất bản Princeton University Press, New Jersey, Mỹ, bản in năm 1997; và tham khảo thêm bản dịch tiếng Pháp, Le Journal du séducteur, Nxb. Gallimard, Paris, Pháp, bản in năm 2011

“Tôi chính là một huyền thoại về chính tôi,” Kierkegaard viết trong Nhật Ký Kẻ Mị Tình.

Cái huyền thoại ấy có thể nhìn thấy ngay trên đường phố Copenhagen, Đan Mạch, khi trẻ con chạy theo triết gia-thi sĩ Kierkegaard mà hét “Hoặc là Hoặc là ơi!” (Enten…Eller!)

Hoặc là Hoặc là ấn hành năm 1843 là tên quyển sách quan trọng đầu tiên của Kierkegaard, trong đó có thiên tiểu thuyết Nhật Ký Kẻ Mị Tình là phần nổi tiếng nhất và được đọc nhiều nhất.

1.

Soren Kierkegaard (1813-1855) là một trong hai tên tuổi lừng lẫy nhất của Đan Mạch, cùng với nhà văn Hans Christian Andersen (1805-1875).

Đan Mạch là một xứ rất nhỏ và thành phố Copenhagen, nơi Kierkegaard sống và viết, chỉ có hai trăm ngàn dân thời đó.

Trong xứ sở tí hon đó từ bấy đến nay, hình bóng Kierkegaard cứ từ từ lớn dần và rồi nổi lên như một người khổng lồ. Ngoài đời thật, K. có hình dạng gầy còm lom khom như Don Quixote. Và cũng như chàng hiệp sĩ Mặt Buồn ấy, ông phải chiến đấu không mệt mỏi với cối xay gió của hệ thống triết lý (đặc biệt với triết học Hegel [1])

Có hai con người tỏa bóng liên hồi xuống những trang tư tưởng và đời sống của Kierkegaard là cha ông và người tình Regine Olsen.

Nhưng trước hết phải kể đến tình yêu của ông đối với thành phố Copenhagen và ngôn ngữ Đan Mạch.

“Tôi vui hưởng cuộc hiện sinh, tôi vui hưởng cái thế giới nhỏ bé bao quanh tôi,” ông nói về Copenhagen.

Và đối với ngôn ngữ Đan Mạch mà thế giới rất ít biết, Kierkegaard hết lời ca ngợi, “cái thứ tiếng mà tôi kiêu hãnh được viết với tất cả vinh dự hân hoan… Nhiều khi tôi có thể ngồi hàng giờ trong tình yêu với thanh điệu của nó – khi mà nó dội vang để cưu mang tư tưởng – cứ thế tôi ngồi hàng giờ, ôi chao! Tựa như người chơi sáo say mê ống sáo của mình. Những gì tôi viết ra thì hầu hết tôi phải đọc lớn nhiều lần, có thể mười hai lần, trước khi ghi thành chữ…” (Nhật Chiêu dịch, dựa vào tiếng Anh của Walter Lowrie trong cuốn A Short Life of Kierkegaard [2])

Xem thế, có thể không chỉ yêu, Kierkegaard còn viết tiếng mẹ với đam mê và chăm chút biết chừng nào!

Trừ ba lần đi Berlin, ông không rời xa Copenhagen bao giờ. Chính ở đó, ông dùng tiếng mẹ đẻ để thể nghiệm các hình thức văn chương thượng thừa nhằm phê phán thứ triết lý siêu hình trừu tượng, hòng đưa nó về với đời sống hiện sinh của cá thể. Ông tấn công vào hệ thống tư tưởng chỉ biết đề ra phạm trù và đám đông chỉ biết a dua đua đòi.

2.

Kierkegaard là con út trong một gia đình giàu có. Mẹ ông trước kia là người hầu được người cha cất lên làm vợ. Người cha ấy nghiêm khắc, kính tín (theo đạo Tin Lành, quốc giáo của Đan Mạch) nhưng xưa kia thời trẻ tuổi nghèo khó đã buột miệng nguyền rủa Thượng đế. Cha ông tin rằng vì sự báng bổ đó mà các con ông sẽ phải chịu tội chết trước tuổi ba mươi như Đức chúa khổ nạn. Tuy nhiên, trong bảy đứa con của ông sống sót được hai người và Kierkegaard cảm thấy ngạc nhiên sung sướng vượt ngưỡng tuổi lời nguyền. Cái tâm lý Sợ hãi và Run rẩy của người cha đã truyền sang Kierkegaard và đó cũng là tên một tác phẩm lớn của ông trong sự nghiệp đồ sộ lên đến ba mươi lăm cuốn sách.

Năm 1830, Kierkegaard vào Đại học Copenhagen theo đuổi thần học và triết lý và mãi đến mười năm sau mới lấy học vị tiến sĩ. Đáng lẽ trở nên một mục sư trong một nhà thờ ở Đan Mạch, Kierkegaard chỉ ngồi nhà viết sách, nhờ vào gia sản mà người cha đã mất để lại. Là một thanh niên giàu có, ông chẳng xa lạ gì với những thú vui tửu sắc, lại còn phóng đãng nữa, cùng với một hội bạn bè gọi là “Liên minh thần thánh” tán đủ thứ chuyện về âm nhạc, triết lý và gái.

Chàng tiến sĩ năm 1840 ấy chinh phục được người đẹp Regine Olsen, cô con gái mười bảy tuổi của một chính khách, hứa hôn với nàng trong khi hình như nàng vẫn còn đang yêu một thầy học của mình. Ngoài sách vở, đó là một thành công lớn của Kierkegaard.

Nhưng nhanh chóng, chàng nhận ra sai lầm của mình dù lý do không rõ lắm, chẳng làm sao hiểu nổi, chàng quyết định từ bỏ nàng, như một kẻ mị tình.

Tháng 9 năm 1840 : Cầu hôn

Tháng 8 năm 1841 : Trả nhẫn cho Regine

“Trên mọi thứ, hãy quên người lá viết thư này, hãy tha thứ người không có khả năng làm cho một cô gái hạnh phúc, dù cho y có đôi chút khả năng khác,” đó là lời Kierkegaard gởi nàng.

Kể lại chuyện này, ông đưa ra một lời tự nhận xét mơ hồ nhưng có lẽ tinh tế: “Tôi quá nặng đối với nàng, còn nàng thì quá nhẹ đối với tôi” (I was too heavy for her, and she was too light for me)

Regine đã “chiến đấu như một con cọp cái” để kéo Kierkegaard trở lại nhưng vô vọng, đành buông xuôi, về sau kết hôn với người thầy học đã yêu là Schlegel.

Sau vụ tai tiếng, Kierkegaard trốn chạy khỏi Copenhagen, đến Berlin trú ẩn và nghiên cứu với lời xưng tụng Regine: “Nàng đã biến tôi thành nhà thơ”

Và đúng vậy, nhờ Regine, Kierkegaard đã thi hóa triết học.

Đổi lại, nhờ Kierkegaard, Regine trở nên bất tử như Beatrice của Dante[3]. Hình ảnh của Regine hầu như xuyên thấm mọi trang văn của ông. Từ bỏ nàng mà vẫn yêu quý nàng, mà tâm linh tràn ngập nàng, đó mới là nghịch lý của tình yêu bất tử.

Kierkegaard còn nói rõ khi còn rất sớm là sau khi ông mất, tác phẩm và sản nghiệp của ông sẽ dành tặng Regine, người đã vô tình mặc khải cho ông con đường tâm linh.

Từ xa nàng, Kierkegaard lui về đời sống cô đơn. Những trang mơ tưởng kỳ lạ được viết theo những cách như chưa từng ai viết với những bút danh khác nhau, những mặt nạ tác giả, cứ tràn ra với đời gây sửng sốt, hoặc chế diễu, hoặc hoảng sợ, hoặc im lặng không hiểu, hoặc ngộ nhận…

Từ cuốn Hoặc là Hoặc là năm 1843 lần lượt ra đời những kiệt tác Sợ Hãi và Run Rẩy, Sự Hồi Khởi, Những Chặng Đường Đời, Cơn Bệnh Chết Người, Những Mảnh Vụn Triết Học…

Tác phẩm cuối cùng là Bất Biến Của Thượng Đế (1855)

Nếu phải khắc chữ nào đó trên mộ bia của mình, Kierkegaard không muốn chọn gì khác ngoài chữ Cá Thể (The Individual)

Ông chỉ là một cá thể. Cá thể trong chọn lựa, xao xuyến và ưu tư.

Kierkegaard mở một con đường mới cho triết học. Dưới bóng của ông sẽ xuất hiện những Paul Tillich[4], Heidegger[5], Sartre[6], Derrida[7]…

3.

Nhật Ký Kẻ Mị Tình là một tác phẩm kỳ lạ, độc đáo vô song. Nó là tiểu thuyết của một triết gia. Một truyện tình. Một bi kịch. Một tự truyện hư cấu, có vẻ là vậy.

Trong lời giới thiệu hiện đại cho Nhật Ký này, nhà văn lừng danh John Updike[8] nhận xét: “Trong nền văn chương bao la của tình yêu, Nhật Ký Kẻ Mị Tình là một kỳ thư mê lộ – một vận dụng trí tuệ cuồng nhiệt để tái dựng một thất bại sắc tình thành một thắng lợi giáo huấn, một thương tích đeo lấy mặt nạ của một niềm kiêu hãnh.”

Tác phẩm mang giọng điệu trữ tình của nhật ký này thực ra là một thiên nằm trong bộ sách Hoặc là Hoặc là. Dường như ai cũng muốn xem thiên này như là tự thú của Kierkegaard về quan hệ tình yêu với nàng Regine xinh đẹp. Nàng nhỏ hơn ông mười tuổi, ông chính thức hứa hôn rồi hủy hôn ước trong vòng một năm sau.

Tuy nhiên, nhân vật Johannes, Kẻ Mị Tình ấy dù có giống Kierkegaard ở mức độ nào đó, phương diện nào đó thì vẫn là một nhân vật hư cấu mà Kierkegaard tạo ra để phát ngôn cho lối sống đam mê hiếu cảm (còn gọi là cuộc sống hiếu mỹ) Nhân vật này có triết lý “hiến mình cho lạc thú nhục cảm”, có mưu mô tính toán khi săn đuổi nàng Cordelia, xem nàng như con mồi. Vì thông minh, Johannes biết cách biện minh (mị Cordelia là để phát triển kinh nghiệm mới cho nàng, lợi cho cả hai đấy thôi…) và cũng ý thức được đời thì phù phiếm, lạc thú thì ngắn ngủi, tuổi trẻ là mộng mị, làm gì thì cũng hối tiếc mà thôi, vô vọng mà thôi.

Ở phần khác của bộ sách Hoặc là Hoặc là sẽ có một quan điểm khác với lối sống hiếu cảm, ở đó một vị thẩm phán tuyên giảng về đời sống đức lý.

Thực ra, bộ sách Hoặc là Hoặc là còn nhiều nhân vật khác, mà ta không xét ở đây. Và cuối sách còn gợi lên lối sống tâm linh, tôn giáo. Kể ra như thế để thấy viễn tượng của Kierkegaard về ba chặng đường: hiếu cảm, đức lý và tôn giáo – chứ ông không đồng hóa mình với nhân vật Johannes.

Nhưng hãy chỉ xét đến Nhật Ký Kẻ Mị Tình, ta cũng đã lạc vào một thế giới phong nhiêu của huyền thoại, thẩm mỹ, tâm lý, triết lý… với một văn phong đầy biến hóa, đầy khơi gợi, ám ảnh.

Từ tiêu đề, ta biết rằng ta đang tiếp xúc với một kẻ mị tình. Dần dần, ta biết rõ hơn, đó là một kẻ mị tình thông minh và tài ba. Anh ta không chỉ quyến rũ nàng Cordelia mà còn đẩy nàng tới chỗ nàng tự quyến rũ mình, tự mị mình.

Và ta, người đọc, cũng bị Johannes quyến rũ, đẩy ta tới chỗ tự mị mình, chẳng khác gì nàng Cordelia ngây thơ kia. Trong mắt nàng, anh ta hiện ra “rạng rỡ với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của thế gian” như có thể thấy trong lá thư của nàng:

Anh Johannes của em,

Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, sở hữu những đàn bò, đàn cừu lớn nhỏ không kể xiết. Và có một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, nó chỉ có độc nhất một con cừu non mà nó tự tay cho ăn, cho uống. Anh là người đàn ông giàu có đó, rạng rỡ với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của thế gian; em là đứa con gái tội nghiệp đó, cả tài sản có được thì không gì khác ngoài tình yêu của em thôi. Anh đã nắm lấy tình yêu đó, đã vui hưởng nó. Rồi dục vọng vẫy gọi anh, và anh liền hy sinh ngay cả chút ít tài sản mà em có đó — nhưng anh chẳng hy sinh chút gì từ của riêng anh. Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, sở hữu những đàn bò, đàn cừu đông đúc. Và có một đứa con gái nhỏ tội nghiệp, nó chỉ sở hữu một tình yêu của mình.

Cordelia của anh

(Quế Sơn dịch)

Nàng đã ý thức được mình là nạn nhân và tình yêu tội nghiệp của nàng đang bị hy sinh vô tội vạ. Vậy đó, mà nàng vẫn tiếp tục bị lừa mị. Trong mấy câu thôi, tâm lý của nạn nhân trong tình yêu được thể hiện tột bực, lóe sáng như một lằn chớp khi Kierkegaard đưa ngòi bút của mình lướt ngang tâm hồn Cordelia. Con cừu non của nàng đã bị Johannes hiến sinh trong đền thờ Lạc thú của anh ta!

Và kẻ mị tình sẽ chạy đến một cô gái khác cũng chỉ sở hữu một con cừu non thôi để “hồi khởi” một lạc thú vừa cũ vừa mới, một trải nghiệm hiếu sắc khác:

“Tôi không muốn nhớ lại mối quan hệ của mình với nàng; nàng đã mất đi mùi hương trinh nữ, và người ta không còn ở vào cái thời mà nỗi buồn rầu của một cô gái bị người tình không chung thủy bỏ rơi biến đổi nàng thành cây hoa hướng dương.” (Quế Sơn dịch)

Kẻ mị tình sẽ “hồi khởi” lạc thú tận hưởng mùi hương trinh nữ ở một cô gái khác cho đến khi chính bản thân anh ta rã rời, tuyệt vọng.

Chân dung kẻ mị tình và nạn nhân của nó được soi chiếu qua nhiều góc độ khác nhau: từ tự sự đến trữ tình triết lý, từ thơ ca đến huyền thoại, từ cái bi đến cái hài, từ cái phổ quát đến chủ thể tính…

Chính vì thế mà Nhật Ký Kẻ Mị Tình của Kierkegaard có tầm vóc của một huyền thoại trong nền văn chương vô tận của Tình.

x

x x

Nhật Ký Kẻ Mị Tình là tác phẩm đầu tiên của Kierkegaard được dịch sang tiếng Việt và ấn hành ở Việt Nam, hy vọng mở đầu cho nhiều bản Việt dịch khác từ tác phẩm của triết gia-thi sĩ này.

Nhật Ký Kẻ Mị Tình do Quế Sơn chuyển ngữ. Trong dịch thuật, ông đã từng tạo dấu ấn thành công với các tiểu thuyết “Lụa”[9] của A.Baricco, “Người Đẹp Ngủ Mê”[10] của Y.Kawabata, và “Nắng Tháng Tám”[11] của W.Faulkner.

Kierkegaard khó dịch. Nhưng qua ngòi bút của Quế Sơn, ta vẫn có một văn bản NKKMT bằng tiếng Việt dễ đọc và đáng đọc mà chúng tôi giới thiệu ở đây với một niềm vui mong được chia sẻ.

NHẬT CHIÊU


[1] Georg Wilhelm Friedrich HEGEL (1770-1831), triết gia Đức. Các tác phẩm chính của ông như “Hiện tượng học Tinh thần” (1807), “Khoa học lô-gic” (1812) và “Các Nguyên lý của Triết học Pháp quyền” (1820) đã được Bùi Văn Nam Sơn dịch sang tiếng Việt và chú giải.

[2] Nhà xuất bản Princeton University Press, USA, 2013.

[3] Dante Alighieri (1265-1321), nhà thơ lớn người Ý cuối thời Trung Cổ, tác giả thi tập bất hủ “La divina commedia” trong đó Beatrice Portinari, một người yêu cũ của Dante, là nhân vật chính.

[4] Paul Tillich (1886-1965), nhà thần học và triết gia người Mỹ gốc Đức. Bộ sách 3 cuốn quan trọng của ông là “Systematic Theology” (Thần học có hệ thống) được xuất bản từ năm 1951 đến năm 1963.

[5] Martin Heidegger (1889-1976), triết gia về hiện hữu người Đức, với danh tác “Sein und Zeit” (Hữu thể và Thời gian ) ra đời năm 1927.

[6] Jean-Paul Sartre (1905-1980), triết gia hiện sinh, cũng là nhà văn, người Pháp. Các tác phẩm triết học quan trọng: “L’Être et le Néant” (Hữu thể và Hư vô, 1943), “L’Existentialisme est un Humanisme” (Chủ thuyết Hiện sinh là một chủ thuyết Nhân bản, 1946)… Được trao Giải Nobel văn học năm 1964 nhưng ông từ khước.

[7] Jacques Derrida (1930-2004), triết gia giải cấu trúc người Pháp. “La Voie et le phénomène” (Tiếng nói và hiện tượng, 1967), “L’Écriture et la différence” (Viết và khác biệt, 1967)… là những tác phẩm quan trọng của ông.

[8] John Updike (1932-2009), nhà văn Mỹ, với các tiểu thuyết danh tiếng như “Rabbit, Run” (Rabbit, chạy đi!, 1960), “The Centaur” (Con Nhân Mã, 1963)…

[9] Nhà xuất bản TRẺ, năm 2000, đã tuyệt bản từ lâu.

[10] Nhà xuất bản Thời Đại liên kết với Công ty Văn hóa Thiện Tri Thức, năm 2010; Nhà xuất bản Hội Nhà Văn liên kết với Phuong Nam Book tái bản, 2012.

[11] Nhà xuất bản Hội Nhà Văn liên kết với Phuong Nam Book, năm 2013. Giải thưởng “Sách Hay” về văn học (dịch) năm 2013.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60423746
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4721
6820
60423746

Thành viên trực tuyến

Đang có 190 khách và không thành viên đang online

Danh mục website