Đọc Tố Hữu – đọc lịch sử tâm hồn nghệ thuật

  (Đoàn Trọng Huy, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

 

(Ảnh: Nhà thơ Tố Hữu)

Tố Hữu đi xa đã tròn mười năm.

Mười năm là một khoảng thời gian thật ngắn ngủi so với một thế kỷ, nhưng cũng tạo ra một độ lùi cần thiết và tạm đủ cho việc bao quát giá trị thơ và vị thế nhà thơ với cái nhìn khách quan khoa học mang tính lịch sử.

Vào dịp hội thảo Tố Hữu thân thế và sự nghiệp (2010) đã có nhiều công trình mang ý nghĩa tổng kết có giá trị, tập hợp trong Kỷ yếu. Một vài ý kiến ngoài luồng (phi chính thống) thể hiện sự không hoàn toàn đồng thuận. Điều đó cũng bình thường trong trao đổi bè bạn, xem như những phản biện có tính chất gợi ý.

Tố Hữu là nhà thơ lớn của nhân dân, đã được định vị chắc chắn trong lịch sử văn học dân tộc. Đó là điều không thể phủ nhận.

Đọc Tố Hữu là đọc một gương mặt văn học sử sáng giá, một nhà thơ tiêu biểu của thời đại cách mạng mới.

Chính vì vậy, trước hết cần nhìn nhận Tố Hữu với quan điểm lịch sử – cụ thể để thấy lịch sử qua một con người.

Tố Hữu xuất hiện trên thi đàn như một hiện tượng kỳ lạ của văn chương. Không “kinh dị” như ngọn tháp lẻ loi, cô độc Chế Lan Viên. Bình dị, hồn nhiên mà quyết liệt, với một tầm vóc, vị thế khác thường: “Tố Hữu nhà thơ của tương lai” (Mới, số 1, 01/6/1939). Giữa thịnh thời Thơ mới, lời dự báo ấy thật có ý nghĩa như tiên tri: nhà thơ của tương lai cách mạng, tương lai thơ.

1. Đọc Tố Hữu là đọc lịch sử một hồn thơ, những bước tiến sự nghiệp trước hết về tầm tư tưởng chính trị gắn với tư tưởng nghệ thuật.

Tố Hữu là người mang lý tưởng và phát ngôn hùng hồn lý tưởng cách mạng. Từ thời trai trẻ đến lúc đứng trên đỉnh cao của quyền lực vẫn là người đại diện ưu tú, xuất sắc mang “đôi mắt thần chủ nghĩa”:

“Ta bước tới, chỉ một đường: Cách mạng

Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công”

(Như những con tàu)

Một thời, giữa đấu tranh quyết liệt, cái sống kề bên cái chết, nhà thơ tự dặn lòng: “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”.

Sau này, trên đường chiến đấu cho sự nghiệp dân tộc, lúc thời thế có những chao đảo, vẫn là tự nhủ và nhắc nhở đồng đội “Dù ai nói ngả nói nghiêng/, Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”,… vẫn là sáng láng trung trinh:

“Dù ai quay hướng đổi lòng

Con thuyền ta, với cờ hồng cứ đi”

(Phút giây)

Một đời thơ Tố Hữu đã minh chứng cho niềm tin tưởng kiên cường vào chiến đấu và chiến thắng: “Biết đi tới và làm nên thắng trận!” (Bài ca xuân 68), “Chí ta sáng mãi một niềm tin. ”(Ta vẫn là xuân).

Xưa kia, trong tăm tối đã nhận rõ: “Chân trời lùi mãi lan lan rộng/ Hy vọng tràn lên đồng mênh mông” (Dưới trưa). Giờ đây, “Thêm một cuộc trường chinh/ Cho ánh sáng văn minh xóa bóng đêm lạc hậu”…, nhà thơ vẫn dõng dạc “Cảm ơn Đời đã cho ta, tám mươi hai tuổi bạc đầu/ Được vui sống một đời đáng sống dài lâu/Với đồng chí, anh em, bè bạn/ Với chân lý sáng ngời và niềm tin ở chân trời xán lạn!”. Ấy là những dòng Cảm nghĩ đầu xuân - bài thơ cuối cùng trước khi Tạm biệt cuộc đời nhà thơ “yêu quý nhất”, như bừng sáng tâm hồn Một người cộng sản kiên trung một nhà văn hóa tài năng như vinh danh của Đảng (Lời Điếu trong lễ tang).

Dễ nhận ra một giọng quyền uy như tuyên ngôn của chân lý cách mạng trong thơ Tố Hữu vì ông là một nhà tư tưởng xuất sắc ngày càng nâng mình lên với tầm vóc Đoàn thể, Nhân dân và vị thế của Dân tộc. Cái tôi của Tố Hữu nhanh chóng trở thành Cái ta rồi sau là Ta – Tôi (hay Tôi – Ta). Tuy nhiên khi phát ngôn thơ bao giờ Cái ta cũng phải thông qua lăng kính cá nhân. Như vậy tư tưởng thơ không hẳn là hoàn toàn đồng nhất với tư tưởng Đảng, mặc dầu sự gắn bó ấy là duyên tơ, duyên kiếp. “Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ”.

Đôi lúc, sự không ăn khớp, hòa nhập Tôi, Ta là có thật. Đó là những lý giải chưa hài hòa giữa chung và riêng, giữa cách mạng và cuộc đời.

Từ ấy, dấu hiệu này bộc lộ rõ qua một số bài “Hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé./ Phải hy sinh, phải nhất thiết hy sinh” nhưng đâu phải “Gạt phăng hết những tình riêng nhỏ nhặt”? Có những trạng thái tình cảm thái quá mặc dầu có thể thông cảm. Như cái uất điên người “Như một con chó dại bỗng lên cơn/Tôi lồng lên, tôi cố thét to hơn” (Tranh đấu) hoặc cái vui say như mê đi ngày giải phóng “Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà/ Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác” (Huế tháng Tám, bản in cũ -1945).

Hoặc như lãng mạn có màu sắc ảo tưởng (Tiếng hát sông Hương) mà sau này nhà thơ đã tự nhận ra .

Ca ngợi lãnh tụ thoáng có nét thần thánh hóa cũng đã được điều chỉnh (trong tập Việt Bắc). Đó là sự hưng phấn quá đà vượt lên tầm kiểm soát của lý trí tỉnh táo. Cũng như nhiệm vụ tuyên truyền đôi khi lấn át tình người chân thật qua đôi bài tâm tình (cũng trong tập Việt Bắc). Sự kìm nén tình cảm cá nhân nhất là tình yêu thật “tội nghiệp” một thời, đã được bổ sung ở Toàn tập sau này (Sợ, Mưa rơi).

Nhìn chung trên bước đường thăng tiến, nhà chính trị trưởng thành, vững vàng dần đã trở thành ca sĩ hào hùng của một thời. Nhà thơ Tố Hữu đã nâng sự nghiệp dân tộc lên đỉnh cao thời đại: “Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm”

Tuy nhiên, lịch sử có những bước gấp khúc, ngoắt ngoéo, không chiều theo hy vọng chân chính. Trong niềm “vui bất tuyệt”  mới, những tưởng “Độc lập, tự do từ nay vĩnh viễn” nào ngờ “Dập dồn gió bắc, gió tây/ Sóng to biển cả, một tay chống chèo”. Âu đó cũng là cái ngây thơ chính trị của một thời mà Tố Hữu chỉ là người nói lên bằng thơ!

Những năm nhà thơ làm công tác quản lý nhà nước đã gặp bao tình huống khó khăn, phức tạp chồng chất. Mặc dầu gắng sức hết mình nhưng cá nhân không đủ sức vẫy vùng, tháo gỡ: “Làm ăn, hai chữ quen mà lạ”. Ngổn ngang bao tâm sự, nỗi niềm trong công việc không xuôi chèo, mát mái, cảm nhận nỗi buồn thấm thía cô đơn:

“Có thể đôi lần mắt ta lạc lối.”

Đó là lời tự nghiệm cũng là tự kiểm nghiêm khắc của một nhà lãnh đạo cao cấp – xét cho cùng đó không phải chỉ là trách nhiệm cá nhân mà do hạn chế lịch sử của một tầm nhìn một thời đất nước chậm đổi mới. Ở đây chữ Ta lớn hơn chữ Tôi!

Tư duy ý chí, tự hào có phần quá đáng cũng là một căn bệnh cũ có tính xã hội (Chân dép lốp/ Mà lên tàu vũ trụ” - Một nhành xuân) đã được nhận ra để làm công cuộc Đổi mới lớn lao của sự nghiệp cách mạng.

Chính do biết tự điều chỉnh mà chiều sâu tư tưởng triết lý trong thơ Tố Hữu đã tăng tiến. Trước đây triết lý cách mạng thường đậm đặc và đôi khi còn được phát ngôn khô cứng như khẩu hiệu, thì sau này nhanh chóng chuyển thành triết lý nhân sinh cách mạng nhuần nhị hơn, hồn nhiên, bình dị mà sâu lắng hơn. Như về tình yêu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau” (Bài ca mùa xuân 61), “Con người muốn sống con ơi/ Phải yêu đồng chí, yêu người anh em (Tiếng ru), về tình bạn: “Cuộc đời không chỉ thiết miếng ngon/ Cần vui có tâm hồn bè bạn” (Gặp anh Hồ giáo).

Tâm sự đời hơn, chân thành hơn, nhất là sự trải lòng cuối đời. Đó chính là tầm cao mới của tư tưởng,tình cảm cũng là tâm hồn thơ của một nhà chính trị lão thực.

 

2. Bước tiến nghệ thuật thơ Tố Hữu là sự quan tâm của giới nghiên cứu từ rất sớm. Các tác giả nổi tiếng Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh.. đã từng có nhận xét thơ Tố Hữu từ buổi xuất hiện ban đầu sau Cách mạng. Nhiều thập kỉ sau, xuất hiện những công trình quy mô lớn của một số nhà phê bình có trình độ cao, chủ yếu là phái “Tây học” mới từ Liên Xô (cũ) về (Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử…). Trường ảnh hưởng của Tố Hữu còn được mở rộng tới nhà trường từ cấp dưới đến bậc trên đại học – xuất hiện các dạng sách nhà trường thật phong phú cho cả học sinh và giáo viên. Từ khi công nghệ thông tin phát huy hiệu lực, trang mạng Internet về Tố Hữu phát triển đến mức khó kiểm soát nổi.

Nghệ thuật thơ Tố Hữu được chú tâm từ khi có các cuộc tranh luận về Việt Bắc qua tiến trình khá dài (11/3/1955 – 7/8/1955) và sau đó là Từ ấy khi tác phẩm chính thức được in năm 1959, lần 3 (Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội). Như Phong mở đầu (4/1959), Xuân Diệu kết thúc (3/1960).

Đánh giá nói chung là nhất trí, có một vài ý kiến trái chiều. Dù sao cũng đã có một không khí dân chủ bước đầu. Và sau đó cho đến nay, là những tranh luận “ngầm” khi đối chiếu sáng tác của Tố Hữu với cách tân táo bạo của một số nhà thơ hiện đại kể cả hậu hiện đại.

Nhìn chung lại, có thể thấy những chặng đường sáng tác lớn và những đóng góp quý giá trong sáng tạo nghệ thuật thơ của Tố Hữu.

Bước tiến của nghệ thuật thơ Tố Hữu là theo sơ đồ đường thẳng vút lên cao với mốc là những tập thơ trong chặng đường thơ tiêu biểu. Định hướng là tiến bộ nghệ thuật của thơ ca hiện đại.

Điều cần chú ý là những bước tiến không có trồi, sụt nhưng nhanh, chậm có khác nhau, tiếng thơ có những trầm bổng, căng trùng cũng khác nhau.

Xét về mặt tác gia, Tố Hữu đến nay vẫn là một nhà vô địch, chưa ai vượt nổi. Số tác phẩm thơ không thật đồ sộ nhưng được in lại nhiều lần và được dịch ra ngoại ngữ và xuất bản ở nước ngoài – kể cả ở Mỹ- là trên 100. Tiểu luận văn xuôi khoảng trên 50. Số phê bình, tiểu luận kể cả sách báo là khoảng trên 650 – tính đến hết 2010 (1) .

Không có tham vọng tổng duyệt số mục tư liệu đồ sộ và có thể có phần nhiễu tạp nếu tham khảo trang mạng, cũng không có ý định tổng kết đời thơ Tố Hữu, sau đây chỉ xin phác thảo vài cảm nhận hết sức khái quát.

Ở chặng đầu đời, với Từ ấy Tố Hữu đã mở một đột phá khẩu để tiến vào trận chiến văn chương thời đại. Các hội thảo về 80 năm Thơ mới – nhìn lại quy mô vừa qua đều khẳng định lại số phận, vai trò của một phong trào tuy đã chấm dứt nhưng đã mở ra một thời đại thơ ca mới mang tính hiện đại. Đó là công lao chủ yếu về hiện đại hóa để chấm hết với thi pháp thơ Trung đại Việt Nam và qua đó là bài học lớn về hội nhập thơ ca thế giới.

Đóng góp xuất sắc của Tố Hữu đã được khẳng định: làm mới lại một lần Thơ mới, làm mạnh thêm một chất mới cách mạng.

Nói cách khác, Tố Hữu đưa thơ vào một quỹ đạo mới: quỹ đạo thơ cách mạng – quỹ đạo của tiến bộ nghệ thuật mới.

Rất có lý khi ta xác định là một thời đại mới thi ca đã bắt đầu. Cùng với kỷ nguyên độc lập, tự do thơ bước vào thời kỳ phát triển lịch sử mới. Nói chính xác hơn – Từ ấyViệt Bắc đã làm nhiệm vụ xung kích mở đường dũng cảm. Nói dũng cảm là chính xác bởi phải qua luận chiến với Thơ mới như nhà thơ tự bạch qua cuốn hồi ký sau này và cũng đương đầu với loại ý kiến phản bác từ hai tranh luận 1959, 1960.

Kể từ đây, Tố Hữu cũng dần dần từng bước khẳng định một thi pháp nghệ thuật mới.

Chủ yếu nhất là đề xướng một quan niệm nghệ thuật mới về con người với những nhân vật quần chúng -  chủ nhân mới của đất nước. Đặc biệt là sự phát hiện một lãnh tụ kiểu mới (Sáng tháng Năm) và người anh hùng mới qua hàng loạt bài viết về anh bộ đội Cụ Hồ, bà mẹ kháng chiến mà nổi bật là Bầm ơi. Từ đó là tạo dựng được nhân vật trữ tình mới.

Một không gian nghệ thuật mới mở ra: không gian công cộng và thời gian nghệ thuật mới cũng xuất hiện: thời gian sự kiện lịch sử. Giọng điệu mới, ngôn ngữ đời thường gần như lần đầu tiên được bác học hóa nhuần nhị trong thơ.

Tuy nhiên công bằng mà xét, Từ ấy, còn ảnh hưởng khá nhiều của hơi thơ, điệu thơ thời Thơ mới mà thi sĩ ngưỡng mộ hàng đầu của Tố Hữu là các ngôi sao Thế Lữ, Xuân Diệu… kể cả ảnh hưởng Võ Liêm Sơn (Cô lâu mộng) Huy Thông (Tiếng địch sông Ô).    

Giác ngộ giai cấp nhưng cũng vì vậy ý thức hệ giai cấp còn chi phối mạnh việc xây dựng hình ảnh  thơ buổi đầu. Phải đến Việt Bắc và sau này nữa, hình ảnh “nhân dân – thần thánh” mới đích thực được khắc họa và có tính chất bao trùm thơ. Ngay cả miêu tả Hồ Chí MinhSáng tháng Năm cũng thể hiện sự bất cập ban đầu. Bác Hồ trong bài thơ sau là lãnh tụ đã mang tính nhân dân – là lãnh tụ nhân dân. Tất nhiên so với kiệt tác Bác ơi, Theo chân Bác với  những hình tượng toàn vẹn thì có khoảng cách lịch sử khá xa.

Nếu Từ ấy có hơi thơ chủ yếu vẫn là trong quỹ đạo Thơ mới (thơ 7,8 chữ) thì Việt Bắc mang giọng điệu mới qua hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh thơ khai thác chủ yếu ở nguồn dân gian,do đó phong vị ca dao, dân ca nổi bật.

Sự đổi mới rõ rệt nghệ thuật Tố Hữu có thể thấy ở thời kỳ từ Gió lộng. Nhà thơ mạnh dạn bước vào quỹ đạo nghệ thuật mới với các khuyng hướng thẩm mỹ đã mở rộng. Không ra tuyên ngôn cách tân một cách “ồn ào” mà âm thầm lặng lẽ, tự trải nghiệm và muốn nêu gương khiêm tốn từ mô hình sáng tạo bản thân.

Phải nói là hình thức biểu hiện đa dạng hơn, hình ảnh lung linh, biến báo thực, ảo. Người con gái Việt Nam mở đầu thật kỳ diệu: “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi”. Mộng và tỉnh, hiện tại và quá khứ còn đan lồng nhuần nhuyễn qua cảm hứng lịch sử mạnh mẽ (Xuân sớm, Tiếng hát sang xuân, Kính gửi cụ Nguyễn Du…).

Hiện thực cách mạng lãng mạn cách mạng cùng đậm sắc từ Ra trận. Thơ bay cùng với sự cất cánh mới của chiến thắng và niềm tin tất thắng. Ấy là nhờ chất men mới của thời cuộc đã tạo ra chất say “Thơ ta cần “say” mới thích… tôi rất thèm trong thơ một chất lãng mạn mới, một chất mê mới” (2) .

Một thi pháp nghệ thuật hoàn chỉnh được khẳng định cùng với một phong cách nghệ thuật sáng tạo đã định hình khá rõ để ngày càng bộc lộ vẻ đẹp nhiều sắc màu.

Cho đến 1975, một không gian nghệ thuật mới mang đặc sắc vĩ mô thời gian nghệ thuật tương tự – thời gian sự kiện – lịch sử hiện rõ trong thơ. Cùng với nhân vật mang tính hào hùng hiếm có “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi”, con người mang phong cách huyền thoại của thời đại mới “Ta sẵn sàng xé trái tim ta/ Cho Tổ Quốc và cho tất cả” cũng hiện diện trong thơ. Tất cả tạo nên khuynh hướng sử thi một thời mà Tố Hữu là đại biểu ưu tú nhất.

Tuy nhiên trong cái mạnh, cái hùng cũng bộc lộ “gót Asin” mà nhà thơ thể hiện một cách “nửa ý thức”: vừa ý thức, vừa vô ý thức.

Tình yêu – đúng hơn là thơ tình yêu -  thiếu vắng trong thơ. E ấp trong Bài ca mùa xuân 61, thấp thoáng trong Chiếc áo xanh. Tố Hữu có nói đến tình yêu lớn là tình tập thể (Bài ca mùa xuân 61) nhưng sao lại không quan niệm tình yêu đôi lứa cũng có cái lớn, thậm chí mang tính nhân loại? Tình yêu nào hết mình, triệt để cũng đều đáng tôn vinh. Tố Hữu đã tự nhận nhược điểm này và chỉ có thể khắc phục sau này.

Ấy là khi sau 1975 nhất là sau 1986, khi bước vào Đổi mới. Đổi mới kinh tế, xã hội, nghệ thuật trước hết là từ trong chuyển động của con tim, khối óc.

Từ đây, thơ Tố Hữu có sự hài hòa mới trong tư duy nghệ thuật truyền thống – hiện đại, dân tộc – nhân lọai, thời sự – thế sự, tỉnh và mộng, hiện thực và tượng trưng…

Về cơ bản, theo khuynh hướng chung là sử thi chuyển thế sự, nhưng đan lồng vào nhau, xen kẽ với nhau. Tố Hữu vẫn giữ âm hưởng hào hùng trong mạch thời sự tuy có giảm cường độ. Không gian vĩ mô vẫn còn nhưng hiện thực hơn qua khung cảnh vùng, miền qua loạt thơ “du ký” miền Nam, nhất là miền Trung. Vẫn có sự đan lồng không gian hiện thực và không gian tâm tưởng, hồi ức được mở ra rõ rệt từ Nước non ngàn dặm và trước đó, Quê mẹ. Xuất hiện không gian vi mô (Vườn nhà, Ly hôn) tuy không nhiều. Cùng xu hướng ấy là ngày, giờ, tháng, năm…. cụ thể như thời gian biểu, như tờ lịch tâm hồn được mở ra đã khác xưa (Đêm cuối năm, Sáng đầu năm, Ngày và đêm, Đêm xuân 85, Đêm thu quan họ, Đêm trăng Năm Căn). Thời gian lịch sử -  sự kiện được thay thế dần với sự có mặt nhiều hơn của thời gian tâm hồn, tâm tưởng. Thiên nhiên sinh động cũng xuất hiện với tầm khoáng đạt triết lý bộc lộ rõ con người thiên nhiên Tố Hữu(3). Giọng điệu hào hùng còn dư âm nhưng đã xuất hiện giọng tâm tình giàu trải nghiệm, triết luận và có màu sắc cá nhân rõ rệt. Một tiếng đờn - bài thơ, tập thơ là minh chứng. Nhịp điệu thơ trước đây là “tốc độ” là “thôi thúc” (Tố Hữu: “Thơ phải mang được nhịp điệu của thời đại mình” Sách đã dẫn(2)) nay như khoan hòa hơn như tâm thế ung dung tự tại của nhà thơ. Cũng chính vì ở trạng thái đang muốn tìm sự thanh thản tâm hồn trên những nỗi niềm, ngổn ngang vui buồn nên nhà thơ ít quan tâm hơn đến chăm sóc câu chữ, hình ảnh. Không còn những đột phá táo bạo kiểu Tiếng chổi tre, Êmily, con, … và thơ xuân một thời tung hoành, phóng khoáng. Xét kỹ, mặt bằng ngôn ngữ không có những xao động mới. Có cái “mênh mông sông biển… nước xuống, triều lên” mà thiếu đi ngọn gió lay động làm “sóng biển tung trắng bờ” (lời thơ trong Mẹ Suốt). Chừng nào đó sự trùng lập trong tư duy, sự sáo mòn trong ngôn ngữ hình ảnh ở vài thời đoạn sáng tác trước lại trở về. Căn bệnh cũ tái phát tuy chưa đến mức trầm trọng. Cũng không hẳn “lão lai, tài tận”, có một biến thể, biến hình mới. Tố Hữu cuối đời tập trung vào dịch thơ dồn sức vào mảng thơ hấp dẫn mới: vừa hiệu chỉnh, vừa dịch mới thơ cổ kim, đông tây của các nhà thơ  cổ điển cũ và mới: Baudelaire, Verlaine, Hugo, Musset, Petofi, Vartsarov, Jozsev, Mickiewicz, Majacovski, Simonov, Chichipatchev, Karim, Hikmet, Aragon, Bretch, Neruda, Tagore, Guillén, Nezval, Pritam… rồi Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Cao Bá Quát (33 bài). Tài năng dồn tụ vào đây để được vinh danh: Tố Hữu một tài năng dịch thơ lỗi lạc (4).

Thơ Tố Hữu có một trường độc giả và một trường ảnh hưởng hết sức rộng rãi đã từ lâu. Từ lúc “văn bản” được truyền khẩu bạn tù hoặc được ghi trên lá trao tay qua song sắt, đến lúc được in ấn hàng trăm lần qua các nhà xuất bản trong và ngoài nước. Thế giới người đọc hết sức đa tạp, hoành tráng trải dài mọi không gian và thời gian, theo những tháng năm dần dần có thêm những  cách tiếp cận khách quan khoa học - lịch sử. Xưa kia, người ta đọc để tìm một liều thuốc tinh thần tiếp sức và bổ dưỡng, nhất là bạn đọc tù nhân. Trong đó có các độc giả bình thường và có “siêu độc giả” như Trương Tấn Sang. Khi thăm Tố Hữu lâm trọng bệnh, ông nói: “Tôi đến thăm thầy tôi, thơ của thầy đã nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều khi tôi còn ở nhà tù Phú Lợi”(5). Nhà trường có người đọc nhiều nhất. Anh sinh viên ưu tú Nguyễn Phú Trọng từ rất sớm đã chọn đề tài luận văn: Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu. Nay với tư cách Tổng Bí thư Đảng, đồng ý cho đăng bài trên Kỷ yếu hội thảo thân thế và sự nghiệp Tố Hữu (sách đã dẫn(3)).

Nhiều thế hệ đã đọc thơ Tố Hữu để tìm lịch sử, tiếng nói lịch sử bài học lịch sử cũng tìm lịch sử tâm hồn Tố Hữu và của chính mình. Cuộc đời Tố Hữu cũng là Bài thơ lớn trao tặng cuộc đời. Nhà thơ đã phát biểu chí lý: “Thơ là tấm gương của tâm hồn. Thơ cũng như con người…” (6).

Phải đọc thơ như tìm một tiếng thơ còn nhiều tiềm ẩn để khai thác hiện thực tâm hồn cá nhân và cộng đồng, những tiên tri dự báo và cảnh báo đầy bổ ích về cuộc đời.

Thơ Tố Hữu đã được đọc, đang được đọc và sẽ được đọc mãi chừng nào con người còn nhân cách, lương tri cao đẹp và tồn tại trên đất nước Việt Nam Vạn xuân và trên thế giới của lẽ phải, tình yêu và hy vọng.

ĐTH.

___________________________

 

(1)           Xem Đoàn Trọng Huy, Tố Hữu – nhà cách mạng – nhà thơ, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2012.

(2)           Xem Hà Minh Đức, Tố Hữu – cách mạng và thơ, Nxb. Văn học, 2008.

(3)           Xem Đoàn Trọng Huy, Hình tượng thiên nhiên đất nước qua nghệ thuật thơ Tố Hữu, in trong Tố Hữu – thân thế và sự nghiệp, Nxb. Hội Nhà văn, 2011.

(4)           Mai Quốc Liên, Giới thiệu Đợi anh về, Trung tâm Nghiên cứu

(5) Theo Vũ Thị Thanh. Ký ức người ở lại. Văn học, 2012

 
 Quốc học – Nxb. Văn học, 2010.

(5)           Theo Vũ Thị Thanh, Ký ức người ở lại, Nxb. Văn học, 2012.

(6)           Tố Hữu Toàn tập, Tập II, Nxb. Văn học, 2009.

 

 

 

Danh mục website