Chế Lan Viên – ngọn tháp kỳ quan đồ sộ thi ca hiện đại

 

Đoàn Trọng Huy (*)

Chế Lan Viên (1920 – 1989) là một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa tiêu biểu – mà cuộc đời và sự nghiệp thi ca gắn bó chặt chẽ với đời sống Dân tộc và sự nghiệp Cách mạng. Các sáng tác thơ và trước tác phê bình, tiểu luận trên nhiều phạm vi của ông có ảnh hưởng rộng rãi và có tác động tích cực đến đời sống văn học và văn hóa Việt Nam hiện đại.

Luôn sống hết mình với thời đại, Chế Lan Viên chính là người ca sĩ hào hùng hàng đầu của một thời lịch sử. Tiếng thơ của ông thật xứng đáng là tiếng nói nhân danh Dân tộc, Cách mạng và Chân lý  còn vang vọng mãi với thời gian.

                                               *

 Hành trình và vai trò nhà  thơ Chế Lan Viên là  rất tiêu biểu.

 Đó là hành trình từ Tháp ngà thi ca dấn thân mạnh  bước tới  Quảng trường xã hội nhân quần, “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” .Bản thân nhà thơ đã vượt thoát cái mê cung bế tắc, cái tuyệt lộ siêu hình để nhận  ra cuộc đời hiện hữu, có thực của nhân dân. Cuộc tìm đường ấy đầy nhọc nhằn và dũng cảm như nhà thơ tự bạch: “Đi xa về hóa chậm/ Biết bao là nhiêu khê”

Cách mạng đến đã đổi đời và đổi thơ, đưa cả đội ngũ vào đại lộ cách mạng và con đường lớn của văn học nghệ thuật mới.

Chế Lan Viên đã mạnh dạn  dấn bước trên con đường lựa chọn và đã có cuộc hành trình gian nan, vất vả còn kéo dài suốt những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ đi thực tế chiến đấu từ khá sớm. Tuy nhiên, đầu óc còn u mê trong “hàng triệu nỗi buồn” hư ảo. Con người đã qua những cơn sốt vỡ da để thay da, đổi thịt, khỏe khoắn, lớn lên.

Ánh sáng và phù sa là dấu ấn rõ rệt về sự chín lại của một hồn thơ trong chế độ mới. Cuộc lên đường đầy  hứng thú và hào hùng.

Chế Lan Viên nhanh chóng đi vào đội ngũ những người mở đường mạnh mẽ , táo bạo, tạo ra một thời đại thi ca mới cách mạng.

Đặc biệt các tác phẩm những năm chống Mỹ đã nâng nhà thơ lên một tầm cao mới. Với những nỗ lực đổi mới và sáng tạo nghệ thuật, Chế Lan Viên đã vượt lên tuyến đầu, trở thành một trong những người dẫn đường xuất sắc cho thi ca đương thời.

Đó là hành trình mở đường và dẫn đường bền bỉ, quả cảm và sáng tạo của  nhà văn – chiến sĩ cách mạng, một hành trình vẻ vang rất đáng tự hào.

                                                                *

               Chế Lan Viên có thể  được vinh danh là ca sĩ hào hùng thời đại mới.

Cách mạng tháng Tám đã mở ra Kỷ nguyên mới cho dận tộc – Kỷ nguyên của Độc lập,Tự do.

Ba mươi năm ( 1945 – 1975) là một cuộc thử thách gay go, quyết liệt để bảo vệ nền độc lập, thống nhất, bảo vệ lý tưởng tự do, dân chủ và quyền sống hạnh phúc của người dân. Đây cũng chính là thời kỳ mà Dân tộc nhịp bước cùng Thời đại.

Thời đại mới – thời đại sôi động dữ dội của ba dòng thác cách mạng đã đào luyện con người dân tộc trở thành những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường trong lao động sản xuất và chiến đấu. Đồng thời, thời đại mới cũng tạo nên nhân cách cao đẹp cho văn nghệ sĩ và chắp cánh ước mơ sáng tạo của họ.

Chế Lan Viên đã trở thành một nhân cách lớn mang tầm vóc vượt trội trong hoàn cảnh lịch sử thời đại.

Trước hết, nhà thơ có một con mắt nhìn lịch sử và nghe  tiếng nói thời đại : ViệtNam – Hồ Chí Minh “Và danh hiệu Hồ Chí Minh xuất hiện trên xứ sở trống đồng bốn nghìn năm như vậy đó/ Phải có những trống đồng mới, những hùng ca mới  thời đại ta ca vang công đức của Người” (Thời sự hè 72, bình luận)

.     Ca ngợi Hồ Chí Minh là ca ngợi thời đại mới- thời đại Hồ Chí Minh. Và đó cũng là sự tôn vinh Lãnh tụ biểu trưng cho Dân tộc, cho Đất nước trong thời đại.

 Hoa trước lăng Người gồm một số bài thơ viết về Bác từ 1954 – 1976, là tiếng thơ xuất sắc, rất tiêu biểu như một thể tụng ca mới cách mạng sáng tạo của Chế Lan Viên. Cũng như Tố Hữu, một đời Chế Lan Viên viết về lãnh tụ cũng là quá trình tự nâng mình lên: “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người” để làm mình, xứng tầm một ca sĩ đủ ý thức và tâm huyết thấu hiểu tâm hồn nhân cách thời đại Hồ Chí Minh.

Cái Tôi trữ tình nhân danh cá nhân đã dần dần mang tư cách cộng đồng thế hệ và toàn dân. Giọng điệu từ Người thay đổi tôi, Người thay đổi thơ tôi có sự gắn kết riêng chung rõ rệt như  sự đối chiếu song hành  rất tự nhiên cá nhân với lãnh tụ.  Sau này, Ta bao trùm lên mỗi dòng thơ: “Và ta yên tâm đi trên trái đất này/ Có Bác bên mình, có Bác đâu đây” (Giờ phút chót), “Tiếng khóc lọc hồn ta như lửa chói ngời” (Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối), “Nhận vào ta phẩm chất của Người/ Ngỡ như cả tâm hồn ta đổi khác” (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người). Và ở rất nhiều bài khác nữa: Cách mạng, chương đầu; Đọc văn Người; Di chúc của Người; Lộc của đời; Người chẳng có gì riêng; Trận đánh của tình thương; Nếu quên thanh gươm, ta chẳng hiểu Người; Trong lăng và ở bên ngoài.

Chế Lan Viên đã quan sát, chiêm nghiệm lãnh tụ ở mọi vị thế, tư cách để tìm ra những nét phẩm cách đặc trưng, tiêu biểu – Người đi tìm Hình của Nước... Nhưng hôm nay, Bác là mặt trời chiến thắng... Trên tất cả. Bác là vị tướng… Có gì lạ? Bác chính là Tổ quốc…Còn như Người, Người đã hóa hương sen… Ngôi sao sáng đưa ta qua đêm trường thế kỷ/ Đã thành mặt trời chói lọi bình minh…”

Hồ Chí Minh đồng thời mang hai vị thế của xây dựng hòa bình và chiến đấu, chiến thắng trong nước, cũng như trên thế giới:

Trong thế giới bạo tàn này, Người là những bóng cây xanh

Trong thế giới bạo tàn này, Người cũng là vị tướng Hồ Chí Minh

 Chế Lan Viên là một trong những người xây dựng thành công nhất hình tượng toàn vẹn tuyệt vời Hồ Chí Minh – một con người đã trở thành huyền thoại của nhân loại “ Bác nằm kia như một sự kết tinh… Bác nằm kia, tinh khiết tuyệt vời (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người).

Khuynh hướng của Chế Lan Viên, cũng như của Tố Hữu, là miêu tả cái vĩ đại nhưng kết hòa được nét phi thường trong cái bình thường.

Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ Chế Lan Viên tập trung vào việc thể hiện bậc thiên tài cách mạng lỗi lạc

Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng đạo đức, bậc hiền triết:

                         … Đây cũng là nhà hiền triết hiểu chỗ đến, chỗ đi sự vật

                                      … Bác nghe bể và tìm ra quy luật

        … Ngôi sao sáng đưa ta qua đêm trường thế kỷ.

Hồ Chí Minh – hiện thân của chiến đấu và chiến thắng:

… Của trăm chiến trường, đây người chiến sĩ

                       Từng xông pha từ bão tuyết châu Âu đến tù ngục phương Đông

… Là chiến thắng huy hoàng trời Tổ quốc

Người hóa dựng xây, người hóa vun trồng

                        … Cánh phượng hoàng bão bùng của những trời cách mạng.

Hồ Chí Minh – ngọn cờ sáng láng của chủ nghĩa nhân văn cách mạng:

                                … Họ khóc một người Cha – một con người, người nhất

                              … Muôn vàn tình yêu thương trùm lên khắp quê hương

         … Bác nằm đây, lòng động đến trăm nơi.

Cùng với dư luận xã hội, tình cảm tôn vinh của nhân dân thế giới, Chế Lan Viên đã nâng lãnh tụ Hồ Chí Minh lên hàng vĩ nhân của lịch sử nhân loại, người góp phần tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng những phận Người cùng khổ, sáng tạo nên văn hóa, văn minh nhân loại.

Tuy nhiên, nhân vật huyền thoại Hồ Chí Minh vẫn là câu hỏi mở với dân tộc và nhân loại. Đó là tầm cao đặc hiệu của nhà thơ trí tuệ Chế Lan Viên:

Với đất nước sinh ra mình, Bác vẫn là điều bí mật

       Một thế hệ, vài thế hệ chúng ta chưa đủ hiểu hết Người

                      Cứ mỗi bước đi lên, dân tộc lại định nghĩa về Người từ bản chất

                            Đọc vào sự nghiệp, núi sông, Di chúc của Người và hỏi “Bác là ai”

                                                            Thời sự hè 72, bình luận

Nữ sĩ Ấn Độ Amrita Pritam cũng có chung ý tưởng ấy: “Đức vua ta nghe nói đó là ai? Thánh nhân đó là ai?... Đó là ai… Người yêu thương nhân loại là ai đó? Bậc hiền nhân đó là ai? (Hồ Chí Minh).

Tổ quốc là hình tượng nổi bật và bao trùm trong thơ Chế Lan Viên. Hình tượng ấy thường được vẽ nên bằng cảnh tượng mỹ lệ, kỳ vỹ và hào hùng từ Ánh sáng và phù sa lại sáng đẹp kỳ lạ trong những tập thơ tiếp theo. Qua đó là cảm quan lịch sử thật mạnh mẽ: “Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng/… Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ”.

Đặc biệt là vẻ đẹp thời đại, vẻ đẹp hiện tại của sự nghiệp thế kỷ: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Đó là Tổ quốc độc lập tự chủ, được xây đắp bằng xương máu thế hệ tiếp thế hệ: “Như Hồng Lĩnh tự mình xây núi lớn/ Cửu Long dài đảm nhiệm lấy phù sa” (Con mắt Bạch Đằng – Con mắt Đống Đa).

Hình tượng Tổ quốc thường gắn với hình tượng lãnh tụ: “Bác chính là Tổ quốc”, đồng thời gắn với con người dân tộc.

Con người Việt Nam trong thời đại cũng là một hình tượng tuyệt đẹp trong thơ Chế Lan Viên. Đó là nhân vật trung tâm của cuộc sống từ sau Cách mạng.

Đó là con người từ chân trời một người đến chân trời mọi người. Theo từng chặng đường lịch sử, đó là từ tôi đến ta rồi tôi – ta hay ta – tôi: con người của chủ nghĩa tập thể trong xã hội dân chủ tự do.

Sau đó, nổi bật trong thời chống Mỹ là con người của chủ nghĩa yêu nước anh hùng mới: con người thời đại – thời đại cách mạng hào hùng.

Trong tập Ánh sáng và phù sa, Tiếng hát con tàu là tiếng hát lên đường, tiếng hát xây dựng. Thực chất, đây là một thử thách hết sức mới mẻ của những người lao động trên các dặm đường, trên các công trường xây dựng Tổ quốc. Tàu đến, tàu đi là tiếng hát của người thợ mỏ, cũng là tiếng reo vui vủa con người trong cuộc sống hạnh phúc mới.

Cuộc đấu tranh để hòa hợp riêng – chung là một hiện trạng lịch sử. Tâm trạng riêng của nhà thơ cũng phần nào thể hiện với niềm chung.

Con người phải gạt bỏ mọi buồn đau, lo toan cũ để tìm niềm vui mới : “Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa/ Nay trở về ta lấy lại vàng ta”.Nhật ký một người chữa bệnh miêu tả những “ánh nắng vàng”, những “hương thơm” đầu tiên:

Khi được lúa ta được cả chim trời đến hót

Hạnh phúc khi trả về hạnh phúc hóa thành đôi.

Tuy nhiên, một cuộc chiến đấu mới lại diễn ra.

Chủ nghĩa yêu nước thiêng liêng được khơi dậy. Nhà thơ dõng dạc cất lên tiếng nói đầy quyền uy: “Yêu Tổ quốc là điều không thể giấu”. Chân lý dân tộc, cũng là lẽ phải của loài người: “Người bị giết phải vùng lên nổ súng”.

Hoa ngày thường, Chim báo bão là bản hùng ca khởi đầu cho thời chống Mỹ. Con người bất khuất tiến hành vũ trang tự giải phóng mình:

Hàng triệu anh hùng của chúng ta đang còn tại ngũ

Hàng triệu anh hùng mới lên đường, súng chắc trong tay

                                                Ở đâu? ở đâu? ở đất anh hùng

             Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng (1965), Con mắt Bạch Đằng – con mắt Đống Đa (1966) là tiếng gọi thôi thúc xung trận. Suy nghĩ 1966 gợi một hào khí truyền thống

… Thế của ta là thế cuộn sông Hồng

… Từ trận Hoa Lau, từ cọc Bạch Đằng

              Cho đến buổi hạ trăm nghìn “thần sấm sét”

Bài thơ kết thúc bằng ý chí quyết liệt:

Ôi! Hôm nay lòng ta như họng súng

       DIỆT MỸ LÀ CAO CẢ CỦA TÌNH YÊU

Những tập thơ chống Mỹ: Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Ngày vĩ đại (1976) vang động chiến trận và chiến công. Cho đến tận Hái theo mùa (3/1977) vẫn còn âm hưởng hào hùng, kết thúc bằng hai bài thơ đậm chất anh hùng ca: Ngày vĩ đại (5/1975), Thơ bổ sung (19/5/1975) viết với khí thế Đại thắng mùa xuân 1975.

Nổi lên trên bình diện cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh là hình ảnh nhân dân anh hùng, chiến sĩ anh hùng.

Lý tưởng Không có gì quý hơn độc lập, tự do ngời sáng qua những dòng thơ. Chủ nghĩa anh hùng như một hào khí mới của dân tộc trong thời đại.

              Việt Nam mang vị trí địa – lịch sử, đóng chốt “ngã ba máu” giữa các dòng đối địch, các lực lượng đối kháng về ý thức hệ, vì vậy phải gánh trọng trách có một không hai: “Lịch sử gọi “có mặt” thì Việt Nam có mặt” (Đường sáng tuyệt vời).

Lý tưởng chiến đấu rực sáng trong mỗi hồn người: “Ta xé mình ra ngang dọc chiến hào/ Cho Tổ quốc liền sông núi vạn đời sau”. Cao cả thay là nghĩa khí thiêng liêng:

                                         Việt Nam chịu vạn ngày lửa đạn

   Cho nghìn năm nhân loại ngẩng cao đầu

                        Thời sự hè 72, bình luận

“Phép lạ” Việt Nam được hiện hình qua đất nước, con người:

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm

                                          Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

   Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng

                                    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Người lính đánh giặc không chút phân vân. Lòng quả cảm hy sinh bất chấp cả vũ khí hạt nhân: “Thần chiến thắng, là những người áo vải/ Những binh nhất, binh nhì mười tám tuổi”.

Anh hùng cách mạng là anh hùng quần chúng, vô cùng bình dị mà hết sức phi thường. Người dân đánh giặc còn vì sức mạnh vô hình của các truyền thống văn hóa dân tộc: “Đêm thắng giặc Bảo Ninh, mẹ Suốt ngâm Kiều” (Gửi Kiều em những năm đánh Mỹ).

Anh hùng và lạc quan: “Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng/ “Ta mọc dậy trước mắt nhìn nhân loại” 

Chủ nghĩa lạc quan Việt Nam cũng là nguồn sức mạnh chiến thắng. Con người chiến đấu tin tưởng và hy vọng mãnh liệt ở chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa trên phi nghĩa, bạo tàn, văn minh trên dã man, hủy diệt: “Vành vạnh  Vầng – Trăng – Nghìn– Năm vẫn là Gương – Mặt – Việt – Nam cười/ Mặt tục ngữ, hò khoan bốn mùa trong suốt” (Suy nghĩ 1966).

Kết tụ trong chủ nghĩa anh hùng Việt Nam là trí tuệ siêu việt của “cái nỏ thần” chiến lược, chiến thuật. Dũng gắn với Trí trên cơ sở của Nhân – một tình yêu cao cả, lớn lao: “Ta đã yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu Kiều, bờ tre, mái rạ,…/ Mái đình cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo,/ Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả,/ Cái đôn hậu, nhân tình trong nét chạm chùa Keo” (Thời sự hè 72, bình luận.

Thơ Chế Lan Viên một thời đã làm biểu hiện hình ảnh sáng đẹp của Tổ quốc Việt Nam đồng thời với gương mặt và tâm hồn của Con người Việt Nam trong thời kỳ lịch sử mới: “Nay nhân loại gọi và ta nghe thời đại gọi”.

Việt Nam đã trở thành lương tri lương tâm thời đại.

Thơ Chế Lan Viên đã vượt lên nhiều thơ đương thời chính vì đã có sự cân bằng cần thiết của cả tình cảm và lý trí, giữa cái rực lửa và cái tươi xanh. Hoa ngày thường, Chim báo bão đã thể hiện khuynh hướng ấy, là những trang thơ làm dịu mát tâm hồn trong bão lửa chiến tranh.

Hồn thơ phong phú Chế Lan Viên đã nhập vào cơn bão lớn của thời cuộc. Tuy nhiên, hồn thơ ấy cũng rung động thiết tha sâu đằm với đời thường, với vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người.

Quan niệm thơ của ông cũng là ước nguyện chính đáng: thơ phải vừa là hầm chông giết giặc, lại vừa là cành hoa mát mắt cho đời. Có những xúc động trong tình cảm gia đình: Bé Thắm đàn, Con đi sơ tán, Súng bên bàn,… Những kỷ niệm không thể nào quên về cái bàn học năm xưa, quyển vở xưa,… nhưng nhìn khẩu AK dựng bên tường vẫn: “Giục con đi đến chiến hào/ Thiêng liêng nghe tiếng gọi đầu từ đây”.

Tình yêu đằm thắm, thủy chung, thiết tha, xao xuyến, thâm trầm trên những dòng thơ: Tình ca ban mai, Hoa đào nở sớm, Hoa trắng đỏ,…

Hùng ca xen lẫn với tình ca, vừa trí tuệ vừa trữ tình, tỉnh táo mà mê say… Đó là Hoa những ngày thường: “Lửa đạn, hoa mùa cứ nở… Yêu quá thành hoa chiến đấu”.

Thơ Chế Lan Viên như vượt qua thời gian, đã thể hiện được chân thật bộ mặt tinh thần con người Việt Nam yêu thương và chiến đấu một thời cho mãi mãi.

Chế Lan Viên có hai tập thơ giai đoạn sau này: Hoa trên đá (1984), Ta gửi cho mình (1986).

Đây là các tập thơ có những thay đổi quan trọng về tư tưởng và nghệ thuật, đi thẳng vào thế sự, mặc dù còn có âm hưởng sử thi. Khuynh hướng chính luận đã chuyển sang triết luận với suy tư, chiêm nghiệm về đời và thơ. Ba tập Di cảo thơ, trong đó hơn 300 bài vào mấy năm cuối đời được gom lại, công bố và đặc biệt, được nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 1994.

Nhà thơ phác họa thêm một số nét về con người nhân tình thế thái, trong đó có cả sự lưu giữ những tính cách tốt đẹp và những biểu hiện mới của tiêu cực xã hội thời kỳ hậu chiến vào đêm trước Đổi mới.

Chế Lan Viên vẫn mạnh dạn suy tư, sớm thay đổi nhận thức, dám “nghĩ lại”, “suy nghiệm lại” nhiều vấn đề lớn về cuộc đời liên quan đến chiến tranh, xây dựng. Đan lồng tự  nghiệm bản thân, nhà thơ tiếp tục phê phán những điều đáng phê phán, phủ định những cái đáng phủ định và khẳng định lý tưởng hướng tới tương lai.

Trước sau Chế Lan Viên vẫn là một nhà thơ kiên định, can trường và trung thành với lý tưởng cao đẹp, xứng đáng với vai trò lịch sử là người ca sĩ hào hùng của thời đại mới cách mạng

                                            *

Chế Lan Viên là một ngọn cờ cách tân của thơ ca hiện đại Việt Nam

Cuộc đấu tranh, vận động tự thân của Chế Lan Viên là một quá trình đầy quả cảm. .Khi đã có hướng rồi, nhà thơ bước hẳn vào quỹ đạo nghệ thuật mới và trang bị cho mình những quan niệm mới như vũ khí hiệu nghiệm để vào cuộc đấu tranh cho thắng lợi nghệ thuật cách mạng.

Trước hết là biểu hiện khuynh hướng đổi mới nghệ thuật Chế Lan Viên trong chặng đường thơ từ 1945 – 1975.

Thơ mang khuynh hướng chính trị nổi bật và bao trùm sáng tác. Đó là thơ lấy cảm hứng sáng tạo trực tiếp từ những sự kiện chính trị, đặc biệt là nổi lên trong thời đánh Mỹ

Thơ đồng thời thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới về con người, về thế giới và lịch sử.Từ con người phi chính trị, con người cô đơn, siêu thoát trong thơ trước 1945 đến con người chính trị ­‑ nhân vật của thời đại mới là một sự phát hiện lớn lao, kỳ diệu.

Gửi các anh nhận ra con người quần chúng cách mạng. Ánh sáng và phù sa phát hiện con người lý tưởng tập thể. Những năm chống Mỹ, sáng tác thơ Chế Lan Viên nhận diện và tôn vinh con người khí phách dân tộc qua chủ nghĩa yêu nước anh hùng.

Thi pháp mới thể  hiện  qua cảm quan không gian và thời gian, nghệ thuật mới đa dạng, phong phú, linh hoạt, sinh động.

Tư duy thơ đảo lộn cách mạng: từ hướng nội chuyển qua hướng ngoại. Cái tôi khép kín đã bung ra,  hướng thẳng vào những vấn đề trọng tâm của dân tộc và thời đại. Đã có sự hòa hợp hai con người riêng – chung trong tâm hồn thơ. Ngôn ngữ thơ, giọng điệu thơ cũng thay đổi, biến hóa, đa âm sắc và  phức điệu hơn.

Âm hưởng chung là trữ tình cá nhân hòa lẫn trữ tình sử thi. Tài hoa qua trí tuệ, tâm tình gắn triết lý. Hùng ca hào sảng nổi lên vang dội, nêu bật lý tưởng dân tộc trong thời đại:..

Khuynh hướng vận động của thơ Chế Lan Viên từ sau 1975 đi vào một bước ngoặt mới.Chế Lan Viên từ khai thác lịch sử dân tộc chuyển về hướng thế sự - đạo đức trên thể tài trữ tình chính trị đã có đổi khác.Vẫn có âm hưởng của chiến đấu, nhưng là tái hiện chiến tranh, qua đó là sự chiêm nghiệm trên một tầm cao triết lý mới trên cơ sở nhận thức rõ đời sống đa đoan, đa sự, chuyện đời tưởng như bình thường mà có cả phức tạp, dữ dội.

Khuynh hướng tư duy hướng nội như sự đảo chiều với hướng ngoại .Nổi lên trong thơ là những triết luận nhân sinh. Ngôn ngữ mới mang chất đời hơn. Giọng trầm đã thay cho giọng cao. Nhà thơ vẫn hát ca mạnh mẽ nhưng sâu lắng, trầm tĩnh. Thực chất, đó là sự chuyển biến điệu  tâm hồn thi sĩ

.

Nhìn chung lại,có thể ghi nhận công lao và vai trò Chế Lan Viên trên một số phương diện nổi trội

            Thể tài trữ tình chính trị - trữ tình công dân ngày càng trở nên phổ biến.có đóng góp tích cực của Chế Lan Viên.

Khuynh hướng chính luận, triết luận đặc biệt nổi bật thời chống Mỹ là công lao dẫn đầu của nhà thơ trí tuệ giàu suy tưởng.

Cũng nổi bật là khuynh hướng hiện đại hóa thơ của Chế Lan Viên có ảnh hưởng sâu rộng trong phát triển thơ ca trên một số phương diện. Đặc biệt  là định hướng dân chủ hóa nhằm khai mở cho thơ tự do một sản phẩm đã định hình trên thi đàn mang đặc hiệu Chế Lan Viên.Thể nghiệm thơ văn xuôi cùng với thơ tự do thơ điệu nói mới. Đó là sự biến hóa của phú, cảo hịch thời văn học trung đại. Vẫn mang nét cổ điển, nhưng đã có thêm nét hiện đại được thể hiện đặc sắc trên thể thơ. Tứ tuyệt của Chế Lan Viên cũng bốn câu, nhưng chấp nhận cả 7,8 và tự do  .

Sau cùng mà cũng chính là trước hết, phong cách nghệ thuật thơ mang nét cơ bản trí tuệ suy tưởng tân kỳ đã và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ đương đại.

***

Đời thơ Chế Lan Viên có ba ngọn tháp lớn - cụm tác phẩm đỉnh cao - ứng với ba thời kỳ: Điêu tàn Thơ không tên trước 1975; Ánh sáng và phù sa với Hoa ngày thường Chim báo bão và cụm thơ chống Mỹ (1955 – 1975), Di cảo thơ (3 tập).

Nhìn chung lại, nhà thơ hiện lên như một Ngọn tháp kỳ quan đồ sộ thi ca hiện đại.

Sự nghiệp thơ còn gắn liền với văn trước tác nghiên cứu, lý luận, phê bình đã khẳng định vị trí chắc chắn của nhà thơ lớn trong lịch sử văn học dân tộc.

Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu của thế kỷ - thế kỷ XX  bi tráng, anh dũng của dân tộc cũng là nhà thơ của những thế kỷ tương lai.

                                                     CHÚ THÍCH

(*) PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

                                          TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (2006), Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên – Đại học Sư phạm.

[2] Đoàn Trọng Huy (2007), Chế Lan Viên – Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX – Giáo dục.

[3] Đoàn Trọng Huy (2009), Ngọn tháp kỳ quan Chế Lan Viên – nhìn từ hôm nay – Tạp chí Hồn Việt số 24.

[4] Đoàn Trọng Huy (2014), Chế Lan Viên – nhà tư tưởng làm thơ – Tạp chí Hồn Việt số 82.

[5] Nhiều tác giả (2000), Chế Lan Viên – Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục.

[6] Nhiều tác giả (2000), Chế Lan Viên giữa chúng ta – Giáo dục, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

Thông tin truy cập

60516232
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7743
12997
60516232

Thành viên trực tuyến

Đang có 297 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website