Đoàn Trọng Huy (*)
Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao quát nhiều phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, xã hội…
Tư tưởng đạo đức lớn lao Hồ Chí Minh được bộc lộ sinh động không chỉ qua cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người mà đồng thời thể hiện những quan niệm qua nhiều văn kiện trong hệ tư tưởng phong phú của Người.
1/ Nhìn qua các quan niệm về đạo đức xưa nay
Xã hội loài người hình thành và cùng với nó là sự xuất hiện những quan niệm về đạo đức, tạo ra những phép tắc về quan hệ ứng xử giữa người với người, giữa cá nhân và cộng đồng.
Từ thời cổ đại đã xuất hiện nhiều quan niệm về đạo đức của nhà triết học cổ đại Hy Lạp – Socrates (469 TCN – 369 TCN) hoặc của Khổng Tử (531 TCN – 479 TCN) - nhà tư tưởng và triết học nổi tiếng với đạo Trung dung và quan niệm đạo đức của Nho giáo. Những triết học đó, Đông phương cũng như Tây phương đã xác định các giá trị và những chuẩn mực đạo đức theo các hệ tư tưởng khác nhau.
Nói chung xã hội nào, thể chế nào cũng có những quan niệm đạo đức, tương ứng về cơ bản, nhưng đều có hằng số chung là những giá trị ứng xử nhằm bảo đảm những mối quan hệ giữa người với người theo lợi ích riêng, lợi ích nhóm hoặc lợi ích chung của cộng đồng: “Ngũ luân, ngũ thường, tam tòng, tứ đức”.
Trong truyền thống đạo đức dân tộc, con người Việt Nam vốn có những quan niệm hồn nhiên mà sâu sắc về đạo đức từ trong gia đình, họ mạc, xóm làng đến cộng đồng rộng lớn xã hội.
Chữ “hiếu” được truyền tụng qua câu ca dao thấm thía: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Cũng vậy, tình anh em được diễn giải ngắn gọn: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” hoặc “Chị ngã, em nâng”. Tình xóm giềng thật sâu sắc: “Bán họ hàng xa, mua láng giềng gần”, nghĩa đồng bào, đồng loại cũng giản dị, thiết tha: “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hình ảnh – “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – là bài học về sức mạnh hợp quần.
Cũng có những tư tưởng rất tiến bộ của những bậc thức giả xưa, dám thay đổi những quan niệm đạo đức chính thống. Sử sách còn ghi chuyện Nguyễn Trãi khi theo cha đến tận biên ải: “Con hãy trở về rửa hận cho cha, trả thù cho nước, như thế mới là đạo làm con”. Nguyễn Du cũng thể hiện một quan niệm rất mới, khi cho phép nàng Kiều vượt qua rào cản của lễ giáo phong kiến. Nhà thơ ca ngợi chuyện bán mình chuộc cha: “Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho vẩn được mình mới hay”.
2/ Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức
Hồ Chí Minh là người từng bàn nhiều về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng.
Đức là gốc, là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tường đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là nhân tố chính yếu, là cốt cách, cũng là thước đo tầm tư tưởng và lòng cao thượng của con người.
Quan điểm đạo đức truyền thống của Việt Nam có ảnh hưởng từ tư tưởng đạo đức Nho giáo, trong đó có cả mặt tích cực và mặt hạn chế.
Tuy nhiên, quan điểm này còn bị chi phối bằng những quy ước, chế định của xóm làng – một hình thái cộng đồng mang đặc điểm Việt Nam:” tình làng, nghĩa xóm”, “phép vua thua lệ làng”. Tình nghĩa đạo lý thường được chiếu qua lăng kính đặc biệt, mang dấu ấn “có tình, có lý”, “thấu lý ,đạt tình” như phương châm sống và quan hệ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, lý luận toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục,...
Lênin từng bàn về đạo đức xã hội và cho rằng, đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột, và góp phần đoàn kết tất cả những người hoạt động xung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của người cộng sản.
Quan niệm đạo đức Hồ Chí Minh cũng có ý tưởng tương tự, là quan niệm mang tính khoa học và cách mạng, mà quan niệm đạo đức của các tôn giáo, của các xã hội cũ không thể đạt tới.
Đạo đức, xét cho cùng, phản ánh các quan hệ kinh tế - xã hội, gắn bó hữn cơ chính trị, xã hội,... Tiêu chí chính đáng nhất là hướng thiện, là cải tạo mối quan hệ giữa người với người từ trong gia đình đến toàn xã hội. Tiêu chí cao nhất là phục vụ cho xã hội, cho hạnh phúc con người.
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức được quan niệm là hình thái ý thức xã hội, mà con người dựa vào đó để tự giác thực hành thái độ, hành vi phù hợp với lợi ích cộng đồng trong quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ chính trị, quan hệ tư tưởng,... Theo đó, con người sẽ có tinh thần tôn trọng thiết chế xã hội, cụ thể là luật pháp và rộng ra là nhiệm vụ “làm người”, “ở đời” – tức ứng xử nhân sinh.
Hồ Chí Minh không định nghĩa cụ thể về đạo đức, nhưng đã vận dụng quan điểm và tư tưởng theo nghĩa rộng và hẹp.
Có hai loại đạo đức được kết hợp hữu cơ riêng – chung.
Đạo đức cá nhân thể hiện quan niệm trong ứng xử cá nhân với cộng đồng hẹp và rộng, từ gia đình ,họ mạc đến xóm làng, xã hội. Đồng thời với đối đãi, xử sự là bổn phận và nghĩa vụ. Từ đó, đạo đức cá nhân gắn với đạo đức công dân, tức là quyền lợi, nghĩa vụ, bổn phận của người công dân.
Theo Người, tóm tắt đạo đức công dân là: –Tuân theo pháp luật nhà nước –Tuân theo kỷ luật lao động –Giữ gìn trật tự chung –Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung –Hăng hái tham gia công việc chung –Bảo vệ Tổ quốc (1).
Trong quan niệm, Hồ Chí Minh cũng quan niệm rạch ròi đạo đức cũ và đạo đức mới.
Người từng phát biểu: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”. Có sự giải thích thêm: “Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” (2).
Quan niệm đạo đức của Hồ Chí Minh được xem xét toàn diện trong các mối quan hệ cá nhân, cộng đồng và môi trường. Điều này thể hiện một tư duy khoa học hoàn chỉnh về quan niệm con người theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Thường thường, quan niệm về đạo đức chỉ là thái độ, hành vi giữa những con người.
Khái niệm “con người” được hiểu theo nghĩa phổ quát: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là loài người” (3). Như vậy, đây là quan niệm mang tầm vóc nhân loại.
Tuy nhiên, Người còn đặc biệt nhấn mạnh hai đối tượng: bản thân và môi trường.
Đối với bản thân, ứng xử với mình là thái độ rất chặt chẽ, nghiêm minh, đòi hỏi tinh thần tự giác cao độ. Không chỉ là trách nhiệm mà cao hơn, đó còn là lương tâm. Từ tự chăm sóc sức khỏe, thể chất để sống, hoạt động, cống hiến cho xã hội, cho nhân dân, cũng như tinh thần tu dưỡng để có thể hòa hợp cộng đồng, đoàn thể, tổ chức, sẵn sàng phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp lớn lao chung là xuất phát từ quan niệm sâu sắc đó.
Ứng xử thứ hai là ứng xử với môi trường, đặc biệt là đối đãi với thiên nhiên. Không chỉ yêu mến mà còn phải làm cho thiên nhiên tươi đẹp hơn, thân thiện hơn, trong lành hơn. Không chỉ thưởng ngoạn mà còn phải hoà hợp, xây dựng theo quan điểm khoa học tiến bộ và triết lý cao cả.
Như đã đề cập, Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề đạo đức. Người từng phát biểu về cái gốc: “Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo” (4).
Người có quan niệm hoàn chỉnh về “đức và tài”, và cho rằng đức quyết định tài. Tài lớn thì đức cũng phải cao. Trong đức thực ra đã có tài vì có đức sẽ có chí – chí học tập tiến bộ để tạo tài năng. Đức, trí gắn liền với nhau. Trí là cái bảo đảm cho người cách mạng giữ vững chủ nghĩa, kiên trì với lý tưởng đã giác ngộ và tin tưởng, phấn đấu đến cùng.
3/ Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
Như đã nêu trên, đạo đức cách mạng là đạo đức mới, có tính cách mạng – đạo đức của con người mới cách mạng.
Về vai trò, đạo đức cách mạng là nền tảng tạo nên sức mạnh cho việc hoàn thành sứ mệnh to lớn, vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (5 ).
Có đạo đức tốt sẽ là nhân tố quyết định thắng lợi của mọi công việc.
Nội dung đạo đức cách mạng đã được quy định trên những nét cơ bản nhất.
Người đã phát biểu về đạo đức cách mạng rất nhiều lần: “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:
Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.
Tận trung với nước.Tận hiếu với dân”.
... “Quyết tâm giúp đỡ loài người ngày càng tiến bộ và thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, luôn giữ vững tinh thần chí công vô tư – đó là đạo đức cách mạng” (6 ).
Riêng Cần, Kiệm, Liêm, Chính được Người giải thích và nhắc nhở rất nhiều:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người.”
Như vậy, Cần, Kiệm, Liêm, Chính là một điều tự nhiên, tất yếu.
Trong quan hệ, Người nêu rõ: “Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính... Một người cần phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
... Làm việc Chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác. Siêng năng (Cần), Tằn tiện (Kiệm), Trong sạch (Liêm), Chính là Thiện” (7).
Đạo đức cách mạng như vậy là được mở rộng ra quan niệm nhân sinh: Thiện và Ác, Chính và Tà.
Hồ Chí Minh quan niệm có nhiều loại đạo đức trong xã hội: đạo đức sản xuất, đạo đức kinh doanh, đạo đức báo chí… Là người làm việc, Người rất quan tâm tới loại đạo đức công vụ, tức đạo đức của người cán bộ cách mạng cơ quan công quyền.
Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên, Hồ Chí Minh đã đặt vào đó ý tưởng về đạo đức công vụ. Thực chất đây chỉ là cụ thể hoá đạo đức cách mạng trong bộ máy nhà nước. Dần dần ý tưởng của Người được thể chế hoá, thể hiện trong các bản Hiến pháp sửa đổi, 1980 – 1992.
Tinh thần của Qui chế công chức ban hành theo sắc lệnh (76/SL 20/05/1960) hay được phát triển trong Luật cán bộ, công chức sau này (Điều 8 – Hiến pháp 1992) đều thâu tóm những chuẩn mực pháp lý và đạo đức công chức Việt Nam: “Phải tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”.
Đạo đức công vụ Hồ Chí Minh được nhận thức tóm tắt trên mấy điểm:
1. Cần, kiệm, liêm, chính – chí công vô tư.
2. Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc.
3. Chấp hành kỷ luật, có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ.
4. Có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu hoàn thành công việc.
5. Có tinh thần thân ái hợp tác với đồng nghiệp.
Đây cũng chính là tinh thần cơ bản đúc kết từ những cuốn sách chỉ dẫn để huấn luyện cán bộ cách mạng từ rất sớm trong đời hoạt động Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Đường kách mệnh (1927), Sửa đổi lối làm việc (1947), Đạo đức cách mạng (1958).
Dĩ nhiên,Hồ Chí Minh là ngưởi Cán bộ Việt Nam mẫu mực nhất thực hiện đạo đức công vụ.
***
Quán triệt sâu sắc tư tưởng về đạo đức cách mạng cùng với thấu hiểu thấm thía cuộc đời, sự nghiệp lãnh tụ vĩ đại luôn luôn là yêu cầu quan trọng hàng đầu có tính tiên quyết. Từ đó mỗi người sẽ tạo ra được ý chí, quyết tâm mạnh mẽ để sống, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
CHÚ THÍCH:
(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7): Thành Duy – Danh ngôn Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Văn học, 2010.