Nhà văn Chu Lai – anh lính trẻ ngày nào của mặt trận văn chương – vẫn đang làm đặc nhiệm về chiến tranh cách mạng. Một minh chứng hùng hồn là, sau 40 năm cầm bút, vào tuổi xưa nay hiếm, tiểu thuyết Mưa đỏ tái hiện lại cuộc chiến dữ dội ở Thành cổ Quảng Trị đã xuất hiện (2016). Ký ức chiến tranh vẫn như ngọn lửa không tắt trong tâm hồn người chiến binh một thời...
Đoàn Trọng Huy (*)
Nhà văn Chu Lai – anh lính trẻ ngày nào của mặt trận văn chương – vẫn đang làm đặc nhiệm về chiến tranh cách mạng.
Một minh chứng hùng hồn là, sau 40 năm cầm bút, vào tuổi xưa nay hiếm, tiểu thuyết Mưa đỏ tái hiện lại cuộc chiến dữ dội ở Thành cổ Quảng Trị đã xuất hiện (2016).
Ký ức chiến tranh vẫn như ngọn lửa không tắt trong tâm hồn người chiến binh một thời
¯¯¯
I/ SỰ LỰA CHỌN DẤN THÂN ĐỘC ĐÁO VÀO TRẬN CHIẾN ĐẤU
Con đường đến văn chương của Chu Lai có nét vừa rất chung của một thế hệ, mà lại có nét riêng, độc đáo, hơi kỳ lạ.
Chu Lai (tên thật là Chu Văn Lai) – là con nhà nòi văn nghệ. Thân sinh là Học Phi – nhà cách mạng kiêm kịch tác gia tên tuổi, đã vào bậc đại thọ (năm nay vào tuổi 96). Ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2001.
Như một lẽ dĩ nhiên, những trang văn, kịch và ánh đèn sân khấu trở nên đầy sức hấp dẫn với chàng trai trẻ tuổi.
Chu Lai từng nhớ lại – nhà chật, nằm ngủ trong gậm giường vẫn nghe cha đàm đạo văn chương với bạn văn nghệ sĩ, như Thế Lữ, Đào Mộng Long. Thế là: “Những ngôn ngữ nghệ thuật ấy “nhập” vào anh em tôi từ tấm bé”.
Hồng Phi – người anh trai, cũng đã trở thành một gương mặt tiêu biểu trong kịch nghệ.
May mắn sinh ra trong một cái nôi văn chương và nghệ thuật, Chu Lai nhận được sự khích lệ và giúp đỡ chân tình của cha và anh sau này, khi đã trở thành một cây bút có sức vóc còn được thêm sự cộng tác cảm thông sâu sắc và tích cực cùa người bạn đời – nhà văn Vũ Thị Hồng.
Chiến tranh bùng nổ trong phạm vi toàn quốc. Cả nước mịt mù khói lửa, súng đạn.
Khởi đầu sự nghiệp của Chu Lai là diễn viên đoàn kịch Tổng cục Chính trị. Nghe theo tiếng gọi khẩn thiết của Tổ quốc, Chu Lai chợt nhận ra mình là “vô duyên” biết bao, khi hàng ngày son phấn trên sàn diễn (!) Trong khi đó, bao con người đã đổ máu cho sự nghiệp chống xâm lăng, và bảo vệ độc lập, tự do.
Chu Lai xung phong vào chiến trường như một chọn lựa quyết định. Mặc dù, trong gia đình đã có hai anh trai đang chiến đấu ngoài mặt trận. Và, anh cũng bỏ lại một tương lai đầy hứa hẹn, có thể được đi học đạo diễn ở nước ngoài. Và kể cả giấc mơ đại học quân y còn dở dang.
Và từ đây, là cuộc trường chinh của người lính.
Phải nói đó là cuộc lãng du đầy hiểm nguy trong trận mạc.
Chu Lai đã tham gia cuộc kháng chiến – mà thực chất là chiến tranh giải phóng vì độc lập và tự do của dân tộc. Đó là cuộc chiến mà nhà văn cảm nhận là khốc liệt, bi hùng nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, với tư cách là một người lính trận.
Như vậy, nhà văn đã cầm súng trước khi cầm bút. Anh lính trẻ là một chiến sĩ đặc công vùng rừng Sác ở miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”. Hoàn cảnh chiến đấu đặc biệt, rất âm thầm mà ác liệt. Tình thế thường xuyên đối diện với hiểm nguy, và cận kề cái chết. Vậy mà, anh lính trẻ dũng cảm và có phần mạo hiểm đã lập được nhiều chiến công và có nhiều lần thoát hiểm nguy ngoạn mục.
Trải nghiệm trong chiến tranh đã trở thành cái vốn vô giá của người chiến binh Chu Lai.
Đóng quân ở cách thành phố 15km, mà phải đến 10 năm sau mới được vào thành phố trong ngày giải phóng. Nhà văn tính ra, mỗi năm đội chiến binh đi được trung bình 1,5km. Đây cũng chính là trận địa của những chiến sĩ tình báo nổi tiếng: đội trưởng anh hùng Nguyễn Văn Tàu, điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn,…
Mỗi năm đi được một cây số rưỡi. Điều đáng ghi nhớ là, một cây số rưỡi đó đã phải để lại hàng ngàn đồng đội.
Cuộc đời chiến đấu đã rèn giũa cho Chu Lai thành một con người thép.
Đã có lần, nhà văn tự bạch: “Động cơ ra đi mãnh liệt, nhưng cuộc sống khổ chứ không phơi phới. Về đến đơn vị, bập ngay vào những điều khủng khiếp của một con người phải trải qua. Một đêm hành quân, chân đi rướm máu, triền miên đói… Khổ khủng khiếp, làm gì có phơi phới, nhưng có một sự tự trọng vô bờ thôi thúc”.
Nhà văn từng tự nghiệm: “Cuộc chiến thắng này là cuộc hành binh trên những nấm mồ đẫm máu, và ca khúc khải hoàn tức tưởi giữa thành đô. Đẫm máu và nước mắt”.
II/ CẦM SÚNG VÀ CẦM BÚT, ĐÃ VÀ SẼ VIẾT MÃI VỀ CHIẾN TRANH
Cho tới nay, Chu Lai là nhà văn mặc áo lính đã có thành công xuất sắc trong việc viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.
Đó là vì có vốn sống chiến trường đầy ắp, và cũng là do ý thức và tình cảm mạnh mẽ đã thôi thúc cấp bách nhà văn phải thể hiện ra trên trang giấy, đến mức không viết không được.
Đồng thời, đây cũng là do một quan niệm chính xác trong việc sáng tạo nghệ thuật.
Chu Lai từng tâm sự: “Chiến tranh chưa bao giờ thôi ám ảnh tôi”... “Chiến tranh chưa bao giờ là ngày hội. Tôi may mắn trở về đến nỗi tôi cảm giác thấy có tôi với bạn bè”.
Để tránh nhàm chán, Chu Lai đã mở rộng những không gian chiến trận với những diễn biến và tình hình khác nhau.
Nhà văn tự bạch:
“Tôi biết rằng, nếu cứ viết mãi về vùng ven Sài Gòn, về miền Đông Nam Bộ, nơi tôi đã đứng chiến đấu, thì chắc chắn sẽ nhàm chán. Nhưng, tôi đã mở rộng đề tài ra các vùng chiến địa khác. Tôi mở rộng lên Tây Nguyên với tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng, và với Mưa đỏ, tôi mở rộng tiếp ra chiến trường Quảng Trị. Những năm tháng cắm mặt vào màn hình máy tính, dường như đã cho tôi sống lại những năm tháng tuổi trẻ đầy hứng khởi với chiến trường của mình ngày xưa”.
Thực ra, cũng có lúc nhà văn rời xa chiến sự để trở về với thế sự.
Có những tác phẩm cũng có hình ảnh người lính, nhưng là về thời hậu chiến, có cả chuyện làm ăn kinh tế... Đó cũng là sự tham chiến trong thời bình với một cốt cách kiên cường của quân nhân.
Một số đồng nghiệp nhà văn quân đội cũng vậy. Lê Lựu viết về nông thôn, Trung Trung Đỉnh viết về đô thị,...
Đã có lúc, người viết về đề tài chiến tranh có những góc nhìn khác nhau, nhất là sau đổi mới văn nghệ. Cũng có quan niệm văn học về chiến tranh gần như đã hết thời – vì đã làm xong một nhiệm vụ lịch sử, cho dù là phản ánh hay suy ngẫm, tưởng vọng.
Tuy nhiên, với Chu Lai, hầu như nhà văn vẫn là người trung thành và gắn bó với đề tài, và chủ đề chiến tranh cách mạng trong suốt đời viết.
Những cuốn tiểu thuyết xuất sắc đã là minh chứng hùng hồn cho quan niệm viết chính xác của nhà văn. Có các dấu mốc quan trọng, lần lượt là Nắng đồng bằng (1978), Ăn mày dĩ vãng (1992), và gần đây nhất là Mưa đỏ (2016).
Ba tác phẩm mang sắc thái khác nhau, phản ánh những thời kỳ lịch sử khác nhau. Tuy vậy, tất cả đều nhất quán trong âm hưởng sử thi hiện đại.
Cách viết có biến báo, sáng tạo. Một cách viết đa chiều tuy vẫn quy về một hướng.
Sau đây là một số dấu ấn đặc sắc của Chu Lai trong hành trình tiến triển sáng tác tiểu thuyết.
Về khuynh hướng sáng tác của Chu Lai, cũng theo dòng sử thi một thời với mô hình tiểu thuyết sử thi (1978 – 1985): Nắng đồng bằng (1978), Đêm tháng Hai (1980), Gió không thổi từ biển (1985)…
Chặng đường tiếp theo đã có dấu hiệu của yếu tố phi sử thi: số phận người lính thời hậu chiến thành chủ đề xuyên suốt, với vẻ đẹp rạng ngời... từ Sông xa (1986), Vòng tròn bội bạc (1990), Ăn mày dĩ vãng (1992)…
Tuy nhiên, có sự hỗn hợp đan xen, và gần đây là sự trở lại sử thi với Mưa đỏ (2016) mang sắc thái mới về thế sự và nhân tình thế thái.
Đó cũng là do sự chuyển đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong tiểu thuyết Chu Lai.
Thế giới phân tuyến đối lập “địch – ta” trong tiểu thuyết sử thi chuyển sang thế giới phân tuyến đối lập giữa các nhóm người, và trong mỗi con người trong tiểu thuyết phi sử thi.
Trong Nắng đồng bằng, có hai mảng sáng tối giao tranh dữ dội, kẻ địch như quận trưởng Xầm, cố vấn Mỹ là những con người quỷ xấu xa, tội ác.
Tuy nhiên, ở đây đã có những dấu hiệu đổi khác. Hiện thực chiến tranh trong quá khứ đã lồng ghép với hiện thực thời hậu chiến ở Ăn mày dĩ vãng. Nhiều tuyến địch – ta, tốt – xấu trong nhân vật cũng đổi khác. Hai Hùng – anh hùng lý tưởng cũng mang cả thói hư, tật xấu. Ba Sương cũng tương tự.
Thế giới nhân vật, vì thế, cũng phong phú, đa dạng. Có người lính mặc cảm tàn phế thành bi quan, lạc thời. Có kiểu nhân vật nổi loạn (Phổ, Hùng Karô), nhân vật do đó tha hoá. Bên cạnh đó, có loại nhân vật bản năng về sống và tính dục.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng có đặc sắc qua việc tạo các mối quan hệ nhiều biến động giữa cá nhân và cộng đồng, tập thể và có cả mối quan hệ phức tạp. Đồng thời là tài năng tạo tình huống đa dạng, nhiều hình thái cho các nhân vật.
Kết cấu truyện cũng đa dạng, và theo khuynh hướng đổi mới, từ đơn tuyến đển đảo tuyến, đồng hiện. Các kết cấu này khá phổ biến trong tiểu thuyết Chu Lai.
Tóm lại, Chu Lai là nhà văn không ngừng làm mới thể loại với tất cả tâm huyết và cá tính sáng tạo mạnh mẽ.
III/ TRIỂN VỌNG VÀ HỨA HẸN TƯƠNG LAI
Văn học về người lính và chiến tranh cách mạng vẫn mang tính thời sự, chứ không bao giờ chỉ thuộc riêng về quá khứ.
Gần đây, như có sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng. Bởi, dòng văn học nàyluôn được nhiều thế hệ nhà văn quan tâm, nên đã có vị thế riêng trong sự phát triển văn học.
Một số tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh được dư luận đánh giá thành công, có thể kể sơ qua: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Biên bản chiến tranh... 1- 2,-3,-4... 1975 của Trần Mai Hạnh, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Miền hoang của Sương Ngọc Minh, Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân. Riêng Chu Lai có Mưa đỏ, Gió xanh xuất hiện liên tục trong 2 năm 2016, 2017. Trong đó, tiểu thuyết Mưa đỏ được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2016.
Phần lớn các tác phẩm là của các tác giả đã từng trong quân ngũ, đã tham dự chiến trận với vốn sống và trải nghiệm phong phú.
Ta có thể nhất trí với ý kiến cho rằng, chiến tranh là một siêu đề tài, và người lính là siêu nhân vật.
Các nhà văn chủ yếu của thế hệ chiến tranh giàu nhiệt tình cách mạng và nhiệt hứng văn chương, đã tôn vinh một quá khứ gần gũi, hào hùng và đau thương của dân tộc. Họ tri ân đồng đội, đồng bào và gửi thông điệp đạo lý đến cho thế hệ hậu sinh.
Nếu phân tích về tính chất và phương pháp viết, ta có thể thấy một đặc điểm của khuynh hướng viết là đa dạng và linh hoạt. Đã xuất hiện những góc nhìn khác nhau, và do đó, là những cách viết khác nhau.
Ngoài loại viết truyền thống là tiểu thuyết dựa vào vốn sống trải nghiệm, còn có loại tiểu thuyết tư liệu chiến tranh. Như tiểu thuyết tư liệu – lịch sử Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh đã đạt kỷ lục in đến 10000 cuốn (tái bản lần 4), tiểu thuyết có yếu tố tự thuật về chiến tranh – Thân phận tình yêu, sau đổi là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (1991).
Các tác phẩm tiêu biểu được nêu ra ở đây đều được giải thưởng của Hội Nhà văn, và được vinh danh ở cả nước ngoài.
Dĩ nhiên, có nhiều con đường của sáng tạo văn chương, cho dù là về một đề tài quen thuộc, thậm chí có giá trị vĩnh cửu với thời gian.
Chu Lai viết bằng những kỷ niệm, bằng ký ức như còn cháy sáng và nóng bỏng trong tâm hồn, dù đã hàng chục năm qua. Nhà văn còn viết với những tình cảm và nhận thức đúng đắn, sâu xa một thời. Nhất là những quan niệm chính xác về đề tài chiến tranh.
Dư luận tưởng rằng nhà văn đã cạn kiệt vốn liếng sau 40 năm nổi như cồn, và đã “gặm nhấm” kỹ lưỡng về đề tài chiến tranh.
Vậy mà, tiểu thuyết thứ 14 và 15 – Mưa đỏ, Gió xanh lại bùng phát sau bao nhiêu năm ấp ủ.
Dĩ nhiên, điều đó chứng tỏ tiềm năng khai thác và sáng tạo còn lớn của một nhà văn “gạo cội” về đề tài. Xét kỹ, còn là do cách nhìn nhận, tìm kiếm và cả cách thể hiện. Nghĩa là, cả tư duy và phương cách, kỹ thuật viết đổi mới.
Có cả lối viết truyền thống – chiếm chủ yếu, nhưng không ít tư liệu xác tín của hiện thực và pha trộn thêm cả yếu tố tự thuật!
Món nợ về chiến tranh là nỗi băn khoăn đeo bám một đời trước hết của những nhà văn mặc áo lính. Nhiều người có cảm nhận khác, sau khi hoàn thành một tác phẩm về đề tài này, là như trút được một gánh nặng, tức trả được món nợ nào đó với đồng đội, với mảnh đất chiến đấu.
Tuy nhiên, Chu Lai lại cho rằng, đó chỉ như một cách nói “làm duyên”. Bởi, ông tâm sự: “Với món nợ chiến trường, riêng nhà văn chưa bao giờ cảm thấy nó được vơi bớt, mà chỉ càng dày thêm, đầy thêm. Còn bao cuộc đời, bao số phận của những con người đã qua chiến đấu, đến nay trở về, lại tiếp tục oằn mình trong cuộc chiến đấu mới để mưu sinh. Đó là cảm giác, viết xong càng thấy nặng nợ! (theo Nguyệt Hà qua một bài viết về Chu Lai, http://plo.vn, 15/1/2017).
Mặc dù, gần như cả đời viết, hầu như chỉ có sản phẩm về đề tài người lính và chiến tranh, nên nhà văn vẫn có cảm giác như vậy, cảm giác của người gánh chịu một lịch sử nặng nề.
Dĩ nhiên, đây còn là trách nhiệm của nhiều thế hệ kế tiếp nhau.
Chu Lai tâm sự với bạn: nhà văn vẫn xung trận trong đời và trong văn, đang muốn “góp thêm vào thứ trận mạc ấy một kiểu đánh thông minh, gọn ghẽ và hiệu quả”. Rằng nhà văn “vẫn trung thành và mải miết với mảng miếng ấy”.
*
Với tâm huyết gần như trọn vẹn danh cho đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, độc giả thân thiết và giàu lòng ngưỡng một vẫn tin tưởng, và hy vọng những bứt phá mới của nhà văn mẫn cảm, mạnh dạn và xông xáo.
Chu Lai vẫn vững vàng cây bút như cây súng trong tương lai. Bởi, như nhà văn tự bạch: Không thể ăn mày dĩ vãng nữa, mà phải sòng phẳng với dĩ vãng. Còn đi, còn viết, còn “giải mã”, “giải mật” chiến tranh trong cuộc trường chinh đời người./.
CHÚ THÍCH
(*) PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyệt Hà (2016), Nhà văn Chu Lai: “Món nợ chiến tranh” chưa lúc nào vơi”, http://cand.com.vn, 24/4/2016.
[2] Hồng Thanh Quang (2013), Nhà văn Chu Lai: “Viết, nỗi cơ cực dịu dàng”, https://antgctcand.com.vn, 8/2/2013.
[3] Thanh Xuân (2017), Nhà văn Chu Lai: Còn sống là còn đi và còn viết, https://baomoi.com, 2/12/2017.