(Nhân trả lời Đài truyền hình Quốc hội Việt Nam - quochoith.vn)
ĐOÀN TRỌNG HUY (*)
Nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua (19/5/2019) , tôi đã trả lời phỏng vấn của Dài Truyền hình Quốc hội và đã được phát trên các kênh quochoith.vn và baomoi.com .Nay xin được nói lại và nói rõ thêm đôi điều.
1. TỪ CẢM NHẬN KÍNH YÊU LÃNH THỤ VĨ ĐẠI…
Tôi sinh ngày 12 tháng 10 năm 1934 tại Hà Nội. Khi Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ tôi mới chưa đầy 11 tuổi. Vậy là sinh ra đã gặp thời: Một thời đại mới cách mạng. Còn nhỏ tuổi chưa đủ tiêm nhiễm nhieu cái xấu của xã hội cũ lại may mắn đón nhận và tiếp thụ ngay tràn ngập những mới mẻ, tốt đẹp của cuộc đời mới cách mạng.
May mắn cũng là hạnh phúc kỳ diệu trong đời là cậu bé học sinh đã chứng kiến, hơn thế, tham dự những sự kiện lịch sử của Thủ đô vào những năm tháng ấy.
Đó là những ngày cùng cha anh đi dự mít tinh Tổng khởi nghĩa ngày 19/08/1945 và dự lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 02/09/1945. Lần đầu tiên trong cuộc đời non nớt, cậu nhỏ đã biết ngóng trông từ xa, nghe vọng từ xa hình ảnh và tiếng nói vị anh hùng cứu quốc của dân tộc. Và cũng chỉ biết hô vang như hét lên: “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt nam độc lập muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm” cũng như hát vang bài Lãnh tụ ca buổi bình minh cách mạng: “Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà / Khiến dân Việt Nam thoát ách xưa / Hồ Chí Minh anh hùng bao năm luôn tranh đấu / Thắng gian nguy, ghi công đầu... Hồ Chí Minh muôn năm / Làm cho nước Việt Nam quang vinh” .
Khi lớn lên đi dạy học tôi được gặp Bác hai lần. Một lần ở Trại hè Giáo dục tại trường Chu Văn An, Hà Nội. Bác đến thăm bất chợt, nói chuyện ngắn và ra về trong niềm vui bàng hoàng của mọi người. Một lần khác, tại Hội nghị Giáo dục toàn quốc tại trường Nguyễn Trãi, phố Cửa Bắc. Bác thăm hổi các thầy cô giáo và căn dặn nhiều điều. Đó là hai lần được gặp Bác khi đã được làm người thầy giáo trẻ tuổi mới đi dạy tại trường Sư phạm sơ cấp khu Tây Bắc.
Về Hà Nội học và sau đó công tác giảng dạy tại Đại học Sư phạm, tôi lại may mắn một lần nữa được gặp Bác khi đến thăm và nói chuyện tại trường.
Thật là một diễm phúc trong đời vì tôi được gặp và nghe Người căn dặn những điều tâm huyết nhất, tuy giản dị và vắn tắt về công tác và nhiệm vụ cũng như đạo đức làm thầy. Những ngày mới bước vào nghề trên bục giảng đại học lại được tâm niệm nhớ đời lời Bác dạy: “Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Từ đó tôi và thầy trò cả trường lại được phấn đấu để thực hiện cho được mục tiêu: “ Trường sư phạm phải là trường mô phạm”..
Khi giảng dạy phần Văn học Việt Nam hiện đại tôi đã ra sức học hỏi về cuộc đời và sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh để lên lớp truyền đạt cho thế hệ trẻ về chân dung tính cách và chân dung nghệ thuật của một con người vĩ đại.
Sự thấu hiểu và kính yêu vô hạn con người và thơ văn của Người là ngọn lửa nồng đượm trong truyền đạt tri thức và tình cảm cho lớp lớp sinh viên Ngữ Văn trong suốt thời gian hơn 40 năm.
2… ĐẾN Ý THỨC, CẢM HỨNG VIẾT VỀ NGƯỜI
Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu ở đại học tôi đã được dự nhiều dịp kỷ niệm và hội thảo quốc gia và quốc tế về cuộc đời và văn thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự hiểu biết qua học tập, trải nghiệm cùng với tình cảm, lòng kính yêu, ngưỡng mộ và biết ơn vô hạn tự nhiên thúc đẩy tôi phải cầm bút viết về Người, viết thêm với cảm hứng văn chương ngoài những trang viết giáo trình.
Thực ra thời học Sư phạm Trung cấp (1951) tôi có làm thơ về Bác dự thi và đã được giải thưởng trong dịp sáng tác 19/05 tại Khu học xá Trung ương. Học ở Đại học Sư phạm Hà Nội, khoảng 1960, tôi cũng có sáng tác một bản trường ca Hồ Chí Minh có dáng dấp Trường Ca Lênin của Maiacovxki. Sau đó tôi mạnh dạn gửi tặng nhà thơ Tố Hữu trong buổi đầu tiếp xúc với tư cách cán bộ giảng dạy trẻ của trường Đại học Sư phạm. Nghĩ lại, thấy việc tặng thơ khác nào “múa rìu qua mắt thợ” nhưng đó là một tình cảm hồn nhiên, vô tư.
Tôi không có khiếu sáng tác mà thấy có hứng thú và thiên hướng nghiên cứu, phê bình.
Vì vậy, viết về Hồ Chí Minh là một thách thức rất lớn với tmọi người cầm bút.
Rất nhiều tài liệu, sách báo xưa nay ở trong nước và nước ngoài đã viết về tác gia lớn Hồ Chí Minh.
Viết vấn đề gì và viết như thế nào được đặt ra trước tiên. Sau đó là sự thể hiện qua trang viết.
Hiểu biết là vô cùng nhưng tôi tự thấy đã tạm đủ. Tình cảm, ý thức thì tự tin là tràn đầy.
Đầu tiên là định hướng viết.
Hướng sáng tác . về văn xuôi, đã có đại biểu xuất sắc đáng khâm phục là nhà văn Sơn Tùng, từng nổi tiếng vớt tiểu thuyết Búp sen xanh và Bông sen vàng cùng nhiều sang tác khác.Ông cũng từng được mệnh danh là một “ Nhà Hồ Chí Minh học” trên cơ sở các sản phẩm viết về Người. Hướng nghiên cứu, có đại diên ưu tú rất đáng ngưỡng mộ là Giáo sư Hà Minh Đức đã có một số công trình nghiên cứu tổng hợp có giá trị về văn thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh giá cao qua các giải thưởng.
Tôi chọn một hướng khác.Đó là kết hợp nghiên cứu và sáng tác
Chính vì vậy , công trỉnh có cả nghiên cứu , phê bình tiểu luận và xen kẽ tự nhiên sinh động với tản văn.Lý luận kết hợp với thực tiễn cuộc đời , sự nghiệp cách mạng và văn chương của Người.Có chuyện chính trị, xã hội và cả chuyện đời sống, chính sự và thế sự.Mục tiêu của công trình là làm nổi bật chân dung nghệ thuật cùng với chân dung tính cách của Người.Lý luận vỉ vậy sẽ bớt tính hàn lâm kinh viện mà tang thêm được tính thực tiễn sinh đông .Chẳng hạn đồng thời với đề xuất quan điểm văn hoá là những ứng xử văn hoá thực tiễn của Người.
Một vấn đề hệ trong hàng đầu là quan điểm viết.
Không thể nào khác là ngưới viết phải thể hiên minh bạch lập trương quan điểm chính trị, xã hội.
Khi tôi cầm bút viết thì đã có một thực trạng là đang có sự xung đột của những luồng ý thức tư tưởng. Văn thơ, tiểu luận viết về Người trên luồng chính thống vẫn là tiếng nói nghiêm túc, thiết tha, hào sảng, tạo được sự đồng thuận. Nhưng lại có một bộ phận , dù hết sức nhỏ bé, lạc long lại muốn “giải thiêng” nhân vật quyền uy bậc nhất. Đó thật sự là một sai lầm về nhận thức, quan niệm.
Một thời do ấu trĩ, có khuynh hướng sùng bái cá nhân, thần thánh hóa lãnh tụ cả trong chính trị và văn nghệ. Ngoài một số mắc sai lầm ở những mức độ khác nhau, có một số phản động, chủ yếu ở hải ngoại, đi vào hướng bôi nhọ, hạ bệ lãnh tụ.
Chống sùng bái, huyền thoại hóa, thần thánh hóa lãnh tụ là cần thiết nhưng không thể đi ngược là tầm thường hóa con người vĩ nhân. Khuynh hướng chính xác nhất, thuyết phục nhất vẫn là tôn vinh đúng mức đầy đủ, chính xác cái cao cả lớn lao phi thường, đồng thời những cái bình thường bình dị. Đúng ra là cái bình thường mà phi thường.
Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chủ trương chống sùng bái cá nhân, thần thánh hóa con người với ý tưởng bất hủ: “Người ta không ai là thánh cả”. Tố Hữu từng kiến giải tư tưởng này của Bác: “Trời không có thiên thần / Đất không có thánh nhân / Chỉ có nhân dân – thần thánh”.
Vậy là phải viết về Bác với quan niệm đúng đắn ấy
Khi miêu tả thể hiện Người qua cuộc đời và văn thơ đặc biệt phải nhấn mạnh phẩm chất nhân văn.
Hồ Chí Minh rất vĩ đại nhưng là con người rất người, có đủ tình cảm gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, hiếu đễ với anh chị em, yêu mến bà con xóm giềng quê hương và thương cảm đồng bào, đồng chí.
Đặc biệt lòng nhân ái Hồ Chí Minh là bao la trời biển. Người mang cảm thức nhân loại sâu sắc khi bị giam hãm, tù đày thời hoạn nạn ở Trung Quốc (Nhật ký trong tù). Tóm lại phải thể hiện cái đại nhân, đại trí, đại dũng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh có nhiều tư cách, nhiều vị thế xã hội. Người viết phải làm nổi bật điều đó : chính khách của thời đại, nhà tư tưởng lớn, nhà đạo đức cách mạng lớn. Đặc biệt Người còn là một nhà văn hóa, nhà giáo dục và nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Đó là cái nhìn ở nhiều góc độ, nhiều phương diện và những tầm ảnh hưởng lan tỏa khác nhau.
Tôi đã viết Hồ Chí Minh – Niềm thơ cao cả, in 1000 cuốn ( Thanh niên, 2015). Sau đó, sách đạt giải thưởng Tuyên giáo Trung ương, được Nhà nước đặt hàng in lần thứ 2, 3000 cuốn (Văn hóa Văn nghệ, 2018). Năm 2019, sách Hồ Chí Minh – Hồn cách mạng, hồn thơ được tiếp tục ra mắt vẫn do Văn hóa Văn nghệ ấn hành.
Kết cấu nói chung là thống nhất tuy qui mô có khác nhau:
- Thân thế sự nghiệp Hồ Chí Minh.
- Văn thơ Hồ Chí Minh.
- Cảm nhận văn thơ Hồ Chí Minh.
Ba phần liên quan hữu cơ, soi chiếu cho nhau.
1/ Con người như lịch sử cuộc đời vẻ vang tỏa sáng.
2/ Con người được thể hiện một cách hồn nhiên qua văn thơ như bức tự họa sinh động.
3/ Con người được cảm nhận qua văn thơ như sự đồng cảm chia sẻ của người đọc.
Phần 1 như đã nói, là lịch sử chân thật về cuộc đời và sự nghiệp được xem xét ở nhiều vị thế.
Phần 2, con người nhân cách lớn qua sự bộc lộ hồn nhiên của chủ thể sáng tạo.
Phần 3, sự cảm thụ nhận thức sâu sắc thể hiện thành công nhất của các tác giả tiêu biểu.
Tôi chọn thêm một hướng viết phái sinh từ ảnh hưởng lớn lao lan toả của Người.Đây cũng là một cách viết khác về Người.
Hồ Chí Minh là một nhân vật đặc biệt hiếm có trên thế giới.Người vừa là lãnh tụ vĩ đại, chính khách tầm thế giới , vừa là một nhà văn hoá lỗi lạc của thế giới .Như một nhan đề tác phẩm ở nước ngoài, Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ với nhân loại tiến bộ và văn nghệ dân tộc , có sức lan toả vô cùng mạnh mẽ.
Riêng trong nước, các nhà khoa học,văn nghệ sĩ đã hoạt đông khoa học, văn nghệ theo ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Giải thưởng danh giá cao quý nhất là mục tiêu phấn đấu của những trí tuệ và tâm hồn tràn đầy khát vọng sáng tạo. Trong quá trình ấy nhiều người đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ và Văn học Nghệ thuật từ đợt 1 đến nay.
Tôi đã lựa chọn và giới thiệu 10 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh từ đợt đầu qua công trình Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX, Tập 1,Tập 2 (Nhà xuất bản Giáo dục, 2006). Theo hướng này hiện đã đủ bản thảo cho 3 tập tiếp theo.cho các nhà văn được tặng thưởng ở đợt gần đây nhất, 2017 (nâng tổng số lên 28 người ).
3. NHÌN LẠI VÀ TRÔNG TỚI
Vậy là, sơ kết cho tới nay, nếu kể từ 1951, từ nghiêm túc học tập, nghiên cứu và bước đầu cảm hứng cầm bút viết những vần thơ đầu tiên về Bác đến các công trình nhều công phu cho đến nay, với nhữngtrang giáo trình, sách phê bình tiểu luận có qui mô đã có tới 60 năm.
Đã “60 năm cuộc đời” (lời bài ca). Và, tất nhiên còn sẽ tiếp theo nhưng năm tháng tới.
Trong vòng mươi năm qua hầu như tôi viết đều và nhiều về đề tài liên quan văn thơ Hồ Chí Minh trên các phương tiện báo chí truyền thông . Không kể các trang báo mạng, có tới 34 bài/lượt được đăng báo Trung bình 3,4 bài/năm. Có năm tới 7 bài (2015). Năm nay,vào dịp Tết Kỷ Hợi, tôi có bài trả lời phỏng vấn được phát vào đúng phút giao thừa thiêng liêng về kỷ niệm 50 năm bài thơ Chúc Tết 1969 của Bác Hồ: Đọc lại bài thơ Chúc Tết 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã có bài gửi tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam để kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người: Nhớ lời Di chúc theo chân Bác có thể sẽ công bố vào thời gian tới.Vậy là đã tự thắp sáng cho mình ngọn lửa đam mê viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những bài viết , cuốn sách đã kể trên đã được đánh giá cao trên công luận , đặc biệt của các nhà khoa học có học hàm, học vị qua Tạp chí Khoa học các trường Đại học trong cả nước và các báo chí ( Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh…). Có cuốn đã được giải thưởng như đã nêu. Điều đó là minh chứng cho kết quả của công sức và tâm huyết viết về Người , có ý nghĩa động viên rất lớn đối với tôi.
Viết về Người là một thách thức lớn, cũng là một ý thức thôi thúc thường xuyên suốt đời. Lại cũng là ham muốn và say mê vô hạn của tôi với những ý tưởng sáng tạo. Công việc sẽ được tiếp tục với ý thức và tình cảm công dân và trách nhiệm của một nhà khoa học nghiên cứu, phê bình văn học, từ trách nhiệm và trải nghiệm của người cầm bút.
Có thể tôi vẫn viết phê bình, tiểu luận hoặc cả sáng tác nữa (tùy bút, tản văn...) với những tìm tòi , sáng tạo mới
Rất mong được sự sẻ chia và góp ý chỉ bảo của bạn đọc rộng rãi.
CHÚ THÍCH
(*)PGS.TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.