Xuân Quỳnh trong nỗi nhớ thương

Đoàn Trọng Huy

PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Xuân Quỳnh đã ra đi vĩnh viễn, nhưng bóng hình vẫn còn mãi trong tâm tưởng của những người thân, bè bạn và bao thế hệ độc giả.

Nữ sĩ như một hình ảnh toàn vẹn của người phụ nữ mang nhiều nét truyền thống. Nhưng đó lại chính là một hình mẫu một nghệ sĩ chân chính, một con người thời đại mới.

*

Trước hết, Xuân Quỳnh là một cô gái có khát vọng mạnh mẽ.

Như một lẽ thường tình, Xuân Quỳnh là một cô gái khát vọng một tình yêu đẹp và hạnh phúc, viên mãn trong cuộc đời.

Nữ sĩ đã gặp một tình cảm yêu đương ban đầu đầy thơ mộng, và cũng nhanh chóng tan vỡ.

Từ trái đắng đầu đời, Xuân Quỳnh đã lại tìm được quả ngọt thực sự cho đời mình. Việc gặp gỡ Lưu Quang vũ là sự gặp gỡ một tài năng, một tài hoa đầy hấp dẫn. Tình yêu mới được đền bù là một tình yêu lý tưởng. ThuyềnBiển gặp nhau như một định mệnh.

Hai người yêu thương nhau, sống trong tình yêu.

Đó là tình yêu thực sự, tình yêu sống cho nhau, sống vì nhau.

Nguyễn Thị Minh Thái ca ngợi: Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Cõi tình màu hoàng hoa. Và đã có nhận xét riêng: “Với tôi, Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu cho đến hết và đến chết”.

Xuân Quỳnh tự bạch:

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Bạn văn đã ca ngợi: “Xuân Quỳnh chấp nhận làm một dòng sông nhỏ, dồn tất cả mồ hôi, nước mắt để nuôi lớn cho biển khơi Lưu Quang Vũ” (Châu La Việt).

Họ gắn bó, tâm sự với nhau qua đời và qua thơ.

Lưu Quang Vũ:

Khi tàu đông anh đã lỡ chuyến đi dài

Chỉ một người ở lại với anh thôi

Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới

Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn

Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương

Anh lạc lối, em đưa anh trở lại

Khi cằn cỗi tháng ngày mệt mỏi

Em là sớm mai, em là tuổi trẻ của anh

Một triết lý mới về tình cảm, chứ không phải là tư duy:

Anh yêu em, và anh tồn tại

Xuân Quỳnh có những vần thơ như đáp lời. Với chị, tình yêu là cao quý, là vô giá: “Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/ Trái tim em anh đã từng biết đấy/ Anh là người coi thường của cải/ Nên nếu cần, anh bán nó đi ngay/ Em cũng không mong nó giống mặt trời/ Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống/ Lại mình anh với đêm dài câm lặng/ Mà lòng anh xa cách với lòng em...

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Đó là tình yêu bất tử Anh yêu em và anh tồn tại. Và quả là họ đã đi vào cõi vĩnh hằng cùng nhau với trái tim chung thuỷ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Vần thơ về Hoa cỏ may vừa say đắm, vừa chông chênh:

Khắp nẻo, dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Xuân Quỳnh không giấu nỗi phấp phỏng, lo âu trong tình yêu, và luôn khát vọng một tình yêu đích thực, bền vững cho hạnh phúc cuộc đời. Tình yêu đồng nghĩa với hạnh phúc: “Quỳnh cứ mãi dạt dào, thắm thiết/ Khao khát và mê say/ Lam lũ chắt chiu từng tháng, từng ngày/ Và khao khát một tình yêu trọn vẹn”. Đó là những vần thơ tặng “nàng thơ” của bạn thơ  Phan Thị Thanh Nhàn – người thấu hiểu tận đáy sâu tâm hồn Xuân Quỳnh.

Tuy nhiên, có một tình yêu mạnh liệt không kém là tình yêu thơ, gom lại thành một khát vọng khôn cùng, như những vần thơ tâm tình đề tặng:

Sống hết mình cho từng trang viết

Đã viết là đặt hết trái tim mình vào đấy.

Xuân Quỳnh đến với thơ một cách hồn nhiên.

Tuổi trẻ hào hứng làm thơ, và làm được thơ hay, nên dư luận chú ý. Vậy là, nữ thi sĩ tiếp tục con đường hứng thú tự chọn của mình.

Dĩ nhiên, vốn không được đào tạo bài bản ngay  từ đâu, không có một vốn văn hoá – xã hội lớn, Xuân Quỳnh phải nỗ lực tự học, tự bơi trong mênh mông kiến thức  nhiều lắm. Sau này, đến năm 1987, mới được qua trường Gorki ở Liên Xô.

Cái may lớn nhất, là được dấn thân vào thực tế, và được học tập, rèn giũa để nên người, nên thơ. Hoa dọc chiến hào,  Gió Lào, cát trắng là một thành quả như minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Xuân Quỳnh là con người thèm sống, thèm yêu và cũng thèm viết.

Sáng tác phẩm chưa thể gọi là đồ sộ, nhưng đều có giá trị, là sự chắt lọc tinh tuý của tâm hồn.

Ở chặng đầu đời, chất hồn nhiên, sôi nổi, mạnh mẽ bộc lộ rõ. Những năm sau 1975 và thập kỷ 80, thì đằm hơn, và đã có những suy tư tự nghiệm.

Thời gian có sức ám ảnh lớn và thường xuyên với nhà thơ.

Chồi biếc là những gì đang qua và sẽ tới. Đến những năm 80, thì đã xuất hiện sự nuối tiếc thời gian như “vó câu qua của sổ”. Thực ra, đó cũng là lẽ thường tình, khi con người có nhiều trải nghiệm.

Hoa cúc có những xót xa âm thầm, khi tự nghiệm mình không còn được như ngày hôm qua: “Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là khác với em xưa (...) Bao ngày tháng đi về trên mái tóc/ Chỉ em là khác với em thôi”. Mặc dù nhà thơ vẫn hướng về phía trước, và nghĩ tới ngày mai: “Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ/ Nhưng không phải là điều em ao ước”.

Thời gian trắng làm trong những ngày cuối đời, trong bệnh viện, là dấu hiệu của một trái tim khát vọng khôn cùng về đời và về đạo. Thời gian hiện thực mà huyền ảo:

Thời gian của ta không bao giờ mất

*

Xuân Quỳnh là người đàn bà đức hạnh, thuần hậu, đã sống hết thân phận trong gia đình.

Hơn ai hết, Quỳnh biết mình xinh đẹp, và như bạn bè nhận xét, lại có duyên và có tài. Tuy nhiên, cô gái quan niệm rất chính xác: nhan sắc là để giao tiếp bè bạn, đức hạnh là đạo sống trong gia đình.

Cũng hơn ai hết, Xuân Quỳnh cảm nhận những khó khăn, trở ngại khi đến với Lưu Quang Vũ. Từ khi hai người đều bị “tình yêu sét đánh” cả hai phía. Nhưng đối với Lưu Quang Vũ là biết bao éo le.

Xuân Quỳnh ngại nhất là mẹ chồng. Cô từng tâm sự với bạn thơ Phan Thị Thanh Nhàn, sau này được bạn thuật lại: “... Ca dao đã có nhiều câu: “Thật thà cũng thể lái trâu/ Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”, “Cô kia đội nón đi đâu/ Tôi là phận gái làm dâu mới về/ Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê/ Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi”.

Nhưng rồi, theo bạn, than thở và nghi ngại chán rồi, Quỳnh lại cười rất tự tin: “Nhưng tao nhất định yêu quý bà, coi bà như mẹ đẻ. Hy vọng rồi bà cũng sẽ quý tao”.

Quả nhiên, Quỳnh đã làm được cái việc khó tày trời ấy, đảo ngược dư luận và thiên kiến xã hội, để tạo ra mối quan hệ thân thiết ruột thịt mới.

Phải yêu quý và cảm phục chân thành lắm, mới rút ruột làm nên bài thơ Mẹ của anh. Bài thơ không chỉ chinh phục hoàn toàn bà mẹ chồng Vũ Thị Khánh, mà còn với tất cả các bà mẹ chồng khác, bởi ai cũng mơ ước có cô con dâu như con đẻ của mình:

“Mẹ đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ, không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.

Xuân Quỳnh bày tỏ một tình yêu thành thật hiếm có:

“Mẹ không ghét bỏ em đâu/ Yêu anh, em đã là dâu trong nhà/ Em xin hát tiếp bài ca/ Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn... Hát tình yêu của chúng mình/ Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng/ Giữa ngàn hoa có núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông vô bờ/ Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”...

Theo bạn thơ Phạm Thị Thanh Nhàn, thì bài thơ được lan truyền rộng rãi, và được đánh giá là bài thơ hay nhất viết về mẹ chồng ở Việt Nam.

Tất nhiên, không phải Xuân Quỳnh đã chinh phục mẹ chồng bằng bài thơ, mà bằng cả cuộc sống thơ nàng dâu – mẹ chồng trong đời thật. Và Xuân Quỳnh, cô bé bất hạnh mồ côi mẹ từ đầu xanh tuổi trẻ, đáng thương và đáng quý biết bao, đã tìm được người mẹ thân thương trên đời như một hạnh phúc mới bằng chính đức hạnh của mình.

Đức hạnh cũng đem lại tình yêu trong gia đình, chan hoà, bình đẳng giữa những đứa con. Điều đó giúp nhà thơ – người mẹ vượt qua việc ứng xử đặc biệt khó khăn giữa ba đứa bé: Lưu Minh Vũ – con riêng của Lưu Quang Vũ với nghệ sĩ Tố Uyên, Vũ Tuấn Anh – con riêng của Xuân Quỳnh với người chồng cũ ở đoàn văn công. Và đứa con chung Lưu Quỳnh Thơ – được cả hai hết lòng thương yêu và chăm sóc.

Đặc biệt là việc đối xử với Lưu Minh Vũ bằng tình yêu chân thành như của người mẹ đẻ, một tình cảm cũng có thể coi là quý hiếm. Ở đây, tất nhiên là trái ngược hẳn với câu ca dao: “Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào những năm gần đây, Lưu Minh Vũ đã nói lên tấm lòng quý mến ba má – Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh thật chân thật qua những mẩu chuyện cụ thể, sống động trong đời với má Quỳnh. Từ việc chăm sóc, chuyện ăn ở, sinh hoạt cụ thể - như cắt tóc, nhổ răng, vá áo, vá quần; cho đến việc lớn cả tháng trời ở bên  Minh Vũ khi nằm viện mổ ruột thừa, phải hàng ngày, hàng giờ đắp chườm khăn nóng vào vết thương.

Lưu Minh Vũ nhắc lại bài thơ Cắt nghĩa tặng Lưu Minh Vũ – Chùm thơ xuân cho 3 con nhỏ:

Con làm bằng yêu thương

Của cha và của mẹ

Của bà và của ông

Của má nữa – biết không

Con làm bằng tất cả

MC  Lưu Minh Vũ đã nói một câu tự đáy lòng mình: “Tôi có hai người mẹ, và tôi ơn cả hai người”, và có sự đánh giá chân thành, tự hào về ba má  “Theo tôi, tình yêu của hai người là hình mẫu, là lý tưởng cho những người biết yêu nhau, biết vì nhau, và cùng nhau làm nên một sự nghiệp văn chương lớn lao”.

Vậy là, Xuân Quỳnh xứng đáng được tôn vinh là người phụ nữ đức hạnh trong một đại gia đình ba thế hệ.

Và nữ sĩ đã làm được cả ba chức năng: người vợ đảm đối với chồng, người dâu thảo với bố mẹ chồng, và người mẹ hiền với cả ba đứa con.

Đức hạnh đó đậm chất đạo lý  truyền thống, trong thời đại mới còn mang thêm tính nhân văn cách mạng: những con người biết thương yêu nhau trong tình yêu thân thiết, ruột thịt, vì họ biết tôn trọng và tin tưởng nhau, tin yêu ở con người mới của một thể chế mới, trong xã hội mới.

Đúng như tinh thần trong câu thơ của Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau”. Tất cả là ở tấm lòng, tấm lòng của những con người vừa có tâm, vừa có tài như cặp đôi Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

*

Xuân Quỳnh là người  bạn thân thiện, hoà đồng trong quan hệ, như một thanh nam châm có sức hút mạnh mẽ các bè bạn gần xa.

Người ta mến Xuân Quỳnh vì lẽ đó là cơ bản. Nhưng bạn bè cũng thấy ở Quỳnh một nét đáng yêu khác: thông minh, dí dỏm, trung thực và rất đáo để. Nghĩa là ráo riết, quyết liệt, triệt để.

Phong Thu nhận xét Xuân Quỳnh cũng đáo để, hóm hỉnh. Phan Thị Thanh Nhàn rất thân thiết, đã nhận xét về tính cách đáo để, dễ thương ấy – cái nét có phần rất cực đoan: “Như Xuân Quỳnh đã yêu là bỏ chồng, dù biết người mình yêu chưa chắc đã bỏ vợ để sống với mình. Và khi đã không yêu là không thèm nhìn mặt”. Phải chăng đó cũng là nét  “dữ dội và dịu êm” của  “biển” ?

Xuân Quỳnh có nhiều bạn bè trong giới văn nghệ, nhất là nhà văn, nhà thơ.

Nhất là có lần công tác Hội, làm phóng viên, và thường khi làm biên tập các báo, thì tiếp xúc với đủ loại. Từ các bậc  “danh thủ”, “cao thủ”, đến những người mới bước vào nghề, đang thử bút. Với các bậc đàn anh, đàn chị, tất nhiên kính nể. Với người đang chập chững thì chị sẵn sàng giúp đỡ tận tình. Đây cũng là cảnh “làm dâu trăm họ” trong văn chương, không phải lúc nào cũng thông thuận, dễ dàng.

Với bạn bè thân thiết, mọi người đều thuộc tính nết Xuân Quỳnh: thông minh, sắc sảo, nhưng cũng chua ngoa và ác khẩu. Khi bình luận giới văn chương, đôi khi chị có phần cường điệu: người này như cô hàng xén tỉnh lẻ, bà kia thơ như có mùi dầu cù là, ông nọ thỉnh thoảng giận giữ một cách đàn bà...

Thực ra, nữ sĩ có bụng liên tài, biết tôn trọng và yêu mến bạn bè:

Ta càng yêu chồng vợ, mẹ cha

Yêu bè bạn, một tình yêu mãnh liệt

Phan Thị Thanh Nhàn có lẽ là người rất thuộc tính cách của Xuân Quỳnh qua cả công việc, và nhất là cuộc sống riêng tư, đã thâu tóm cô bạn thân trong một định nghĩa: “Bồng bột, cả tin, đã yêu là yêu hết mình, sống rất bản năng và quả quyết, đó là Xuân Quỳnh”.

Hai nét tính cách có vẻ như trái ngược, mà lại thống nhất trong con người cô gái làm thơ. Đó là sự thống nhất biện chứng trong tính cách Xuân Quỳnh: Hiền lành, tốt bụng nhưng ác miệng. Ta có câu “khẩu xà tâm phật” là thế.Sống hoà thuận, thân thiện, nhưng khi cần lại phải mạnh bạo, quả quyết, điều đó cũng thể hiện cốt cách con người có bản lĩnh.

*

Khi Xuân Quỳnh đột ngột ra đi, đã có biết bao lời ca ngợi, thương yêu trong sững sờ, tiếc nuối vô hạn. Năm tháng qua đi, trong diễn biến nhân tình, thế thái, lòng mến thương và cảm phục như càng tăng thêm mãi.

Trước hết, và lâu bền nhất, vẫn là tình cảm và đánh giá của những người thân, trong đó có những bạn bè, văn nghệ sĩ đương thời:

“Chị không phải chỉ là một nữ thi sĩ tài năng, mà trước hết là một tâm hồn bao dung, độ lượng, giàu sự nhẫn nại và hy sinh” (Châu La Việt, 5/2017).

Các nhà thơ, nhà phê bình có tên tuổi và thân thiết như  như Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn,Vương Trí Nhàn ... đều có lời ca ngợi phẩm cách phụ nữ cao đẹp của Xuân Quỳnh.

Hai người con đã trưởng thành đều nhớ lại và suy ngẫm về người mẹ Xuân Quỳnh.

Xin ghi lại đôi lời của Vũ Tuấn Anh nói về  mẹ đẻ qua phỏng vấn:

“Trong con mắt tôi, mẹ tôi là một người phụ nữ vẹn toàn. Ngoài tài năng thơ, cho tới giờ, mẹ tôi luôn là một hình mẫu sống cho tôi về lòng nhân ái và các giá trị làm người.

(...)

Mẹ nói với tôi rằng, cuộc sống có cái thiện, và cái ác. Nhưng mẹ chỉ viết về cái thiện, mà tránh nói nhiều tới những điều xấu xa của cuộc sống.

(...)

Bà có niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và trong mỗi con người”.

Và, anh như muốn gửi cho chúng ta một thông điệp có ý nghĩa xã hội: “Mẹ mãi là người mẹ tuyệt vời”.

 

Thông tin truy cập

60518928
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
421
10018
60518928

Thành viên trực tuyến

Đang có 189 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website