Mười năm làm lính đặc công ở vùng ven Sài Gòn, Chu Lai từng phải đối đầu thường xuyên giữa cái sống và cái chết. Điều đó đã tạo cho người lính một khả năng sinh tồn lạ lùng.
Đi vào cuộc chiến với một lý tưởng mãnh liệt và một sự gan dạ táo bạo, độc đáo, sau đó trở về từ khả năng tồn tại đặc biệt, Chu Lai càng trở thành một cá tính mạnh mẽ, đầy góc cạnh, đầy hồn cốt lính tráng.
Là chàng trai Hà Nội mà “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (Chính Hữu), Chu Lai mang nét đặc trưng của một lãng tử cách mạng.
Tính cách nổi bật, có lẽ là, con người say mê lý tưởng chiến đấu. Đó là chàng trai lãng mạn cách mạng, mà có ai đó đã gọi là lãng mạn trận mạc. Và, lãng mạn như thế, nhà văn đã có thể đi hết chặng đường khói lửa 10 năm.
***
Chu Lai là con người hoạt động, ưa hoạt động, là con người của công việc. Cầm súng rồi cầm bút, vừa cầm súng vừa cầm bút. Một hoạt động khẩn trương trong thách thức lớn lao, đầy hiểm nguy, nhưng lại rất hiệu quả và có nhiều chiến tích.
Từ đó là một tính cách cơ bản: tính hoạt náo.
Chu Lai là một người đa tài, năng nổ, làm việc cật lực ngày đêm để tự tạo cho mình một cuộc sống riêng khá ổn.
Nhà văn có tài thâm canh và biến báo tác phẩm của mình. Từ truyện, tiểu thuyết, nhà văn có thể chuyển thể thành kịch bản sân khấu và điện ảnh.
Thêm sân chơi là thêm sự hứng thú, vui vẻ, và cũng có thêm nhuận bút, nhà văn nghĩ rằng sẽ có thêm độc giả, va một số ít tiền để đảm bảo cuộc sống.
Chu Lai đã tự tạo cho mình một cuộc sống ổn định, dễ chịu. Không giàu có, nhưng không phải là “hàn sĩ”, như định kiến của xã hội xưa nay. Nhà văn là một trong số hiếm hoi các văn nghệ sĩ có xe hơi riêng, để tự do đi “phượt” xuyên Việt, vừa du lịch, vừa tìm hiểu và thâm nhập thực tế.
Mang tố chất nghệ sĩ, đa tài, đa tình và đa cảm. Bên ngoài vẻ ngang tàng, và tác phong sôi nổi, bốc lửa, là một tâm hồn rất nhạy cảm. Tâm hồn rất dễ rung động bởi những cảm xúc tinh tế. Con người cứng rắn, hầu như không biết sợ gì ấy cũng đã có những xao động “ngoài luồng” với các người đẹp.
Nguời vợ - Đại tá, Nhà văn Vũ Thị Hồng rất thông cảm, và không bao giờ ghen tuông về những điều tưởng như mây gió thoảng qua ấy.
Có những nét tưởng như trái ngược, nhưng lại thống nhất và hoà hợp trong con người nghệ sĩ Chu Lai.
Cả cuộc đời ông là những chuyến lãng du và trận mạc. Phải đi và thích đi, cũng có chút “máu xê dịch” như cố nhà văn Nguyễn Tuân. Đi để sống, đi để trải nghiệm, và để viết. Từ Bắc vào Nam, và từ Nam ra Bắc. Ông đã đi khắp các vùng miền tiêu biểu nhất, kể cả Tây Nguyên.
Đi với nhiều lý do, trong đó có việc đi lại nơi xưa, chốn cũ, chiến địa một thời để tìm mới và tìm lại tư liệu, ký ức, và cảm xúc để viết. Nhưng, đã tới thì lại phải tìm một chốn tĩnh lặng để ngẫm ngợi, và để tượng hình cho con chữ.
Chu Lai là trong số ít các nhà văn trở thành “người của công chúng” – như Phạm Tiến Duật vì nhiều lẽ. Ông thường được đi mời phỏng vấn, nói chuyện, hay có mặt ở hội nghị, hội thảo, và nhất là tới các đài truyền thanh, truyền hình. Tức là xuất hiện ở nhiều sự kiện truyền thông “ồn ào”.
Tuy nhiên, về thực tâm, nhà văn lại rất thích sự yên tĩnh, và mắc bệnh không thích xuất hiện nơi đám đông. Nhà văn thích được cô đơn, thậm chí “nghiện cô đơn”. Cô đơn để được tự do, tránh mọi phiền hà, cô đơn để tự do với chính mình, với con chữ. Nghĩa là cần khoảng tĩnh lặng một mình để sáng tạo.
Xét cho cùng, điều đó cũng chẳng phải của riêng ai. Cô đơn như là hứng thú, cũng là căn bệnh của bản thể nghệ sĩ.
Đã có lúc, cả hai vợ chồng nhà văn ngồi ở miền Thành cổ Quảng Trị, với sự tĩnh lặng của khung cảnh và tâm trí, như để lắng nghe tiếng đất, và cả tiếng vọng tâm linh từ hồn thiêng của các liệt sĩ.
Bạn văn kể, có tới chục năm trời, đôi “song kiếm hợp bích” – cặp Đại tá, nhà văn Chu Lai và Vũ Thị Hồng thực hiện nhiều chuyến đi xuyên Việt, và: “Hai vợ chồng đã nhiều lần ngồi lặng trên mảnh đất quật cường Quảng Trị, ngắm dòng sông Thạch Hãn bình lặng, năm xưa đã có bao chàng trai trẻ nằm lại dưới đáy sông , lần nào cũng vậy, dừng chân tại Thành cổ để thắp cho đồng chí, đồng đội một nén nhang thơm”.
Mưa đỏ chính là có nguồn cơn từ những phút giây lắng đọng tưởng niệm tâm hồn như vậy.
Theo Chu Lai, tình yêu làm nên sự lãng mạn của cuộc chiến. Nhận ra tính nhân văn cao cả trong tình cảm đời thường, đó chính là thể hiện bản chất nhân văn như cốt cách tâm hồn của nhà văn.
Văn là người. Đọc văn Chu Lai thấy rõ được con người nhà văn.
Đây là đoạn tâm sự:
“Sở dĩ văn của tôi được nhiều người đọc, là vì cái gì cũng được đẩy đến tận cùng của mọi buồn vui. Tôi không thích chơi những gam màu nhợt nhạt. Vì sao ư? Vì một tuổi thơ nhọc nhằn, đủ khổ, một thời trai trẻ đi qua chiến tranh, cộng thêm tính cực đoan, nên văn khốc liệt thế thôi”.
Bạn bè nhà văn thấy rõ một cá tính mạnh mẽ, là tính quyết đoán, có khi quyết liệt, triệt để, đi đến cùng,bởi sống cực đoan từ nhỏ, mà Chu Lai tự nhận, cũng là tính cực đoan trong văn học.
Tâm sự đó cũng bộc lộ rõ thêm bản chất thẳng thắn, bộc trực và khảng khái của nhà văn. Nói về cuộc đời bản thân, về tình yêu, và về nghiệp văn, bao giờ cũng là với chất giọng và tính cách ấy.
Chẳng hạn, sự thú nhận có những phút xao lòng trước người đẹp mà, như đã nói, chính người vợ , nhà văn Vũ Thị Hồng đã biết và rất thông cảm, .
Là người lính trận, lẽ dĩ nhiên cốt cách phải là quả cảm. Riêng Chu Lai có cái gan dạ, táo bạo mang sắc thái riêng. Gan đến mức như gan lì, thậm chí lì lợm.
Như khi đi bộ đội 10 năm, mà không hề gửi thư về nhà. Đến mức sau hoà bình, anh trai phải vào Nam tìm kiếm, và thông báo với gia đình, là thằng em “còn sống nhăn răng!”. Sau này, cầm bút là cái gan dám viết sự thật, cái bi tráng trong chiến tranh. Người ta đã nhận ra, nhà văm dám xoáy bút vào những góc cạnh nhạy cảm – ít hoặc chưa ai đụng tới.
Ở Nắng đồng bằng đã có những mất mát, cay đắng lớn dám đưa lên trang tiểu thuyết. Ở Mưa đỏ cũng có nét tương tự. Viết cả về ta và về đối phương.
Như nhân vật Quang – một sĩ quan nguỵ bên kia chiến tuyến, được khắc hoạ qua cả mặt xấu và mặt tốt của nó. Rất may là, những sự “cả gan, táo tợn” ấy đều qua mặt được các biên tập viên có trình độ hiểu biết, và rất tâm huyết đổi mới.
Chu Lai từng trải qua những tháng năm dài máu lửa, sống hào sảng mà rất lãng mạn. Yêu tha thiết, say đắm, và ca ngợi tình yêu hết mực trong đời và trong văn.
Với nhà văn, tình yêu trong chiến tranh bao giờ cũng đẹp, và rất thật. Cái đẹp, tình yêu chính là một nguồn lực động viên, thôi thúc và giúp đỡ người lính vững vàng tay súng, xông lên phía trước.
Chu Lai lý giải bản chất con người như một sự thật hiển nhiên: song song tồn tại cả sự lãng mạn của một chàng trai Hà Nội, lẫn sự lì lợm của một tay lính đặc công.
Đúng vậy. Bạn bè và bạn đọc cùng cảm nhận, Đó là Chu Lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Xuân Ba (2015), Nhà văn Chu Lai: tiếp tục sòng phẳng với dĩ vãng, http://tienphong.vn, 28/4/2015.
[2] Lê Mỹ Hạnh (2016), Nhà văn Chu Lai: “Viết không phải để ăn mày dĩ vãng”, https://dep.com.vn, 27/7/2016. Theo Vietnamplus.
[3] Trần Mỹ Hiền (2010), Nhà văn Chu Lai: “Gã lãng tử đa tình”, http://antg.cand.com.vn, 11/5/2010.
[4] Thương Huế (2011), Nhà văn Chu Lai – Tình yêu và cuộc chiến, http://vov.vn, 1/5/2011. Nguồn: Báo TNVN.
[5] Phúc Tiến (2017), Nhà văn Chu Lai: Tôi đã khóc trong ngày đầu tiên độc lập ấy, https://baovanntruong.org.vn, 30/4/2017.