Sách tham khảo mới mua rất đắt nên tôi tìm đến các hiệu sách cũ, giá tiền mềm hơn. Hoặc là tôi tìm và sưu tầm những cuốn sách của anh chị đi trước để học hỏi kinh nghiệm quý báu của họ và rút ra bài học dẫn đến thành công.
Tôi viết lên những tâm sự này khi tôi đang là sinh viên năm 4 của ĐH Luật Hà Nội. Thành quả đó không phải bỗng dưng mà có, nó được đánh đổi bằng cả một quá trình học tập miệt mài thâu đêm, suốt sáng trong những năm tháng tôi học phổ thông và cả những ngày này khi tôi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở trung du miền núi phía Bắc, gia đình làm nông nghiệp nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Ngoài công việc đồng áng, những khi rảnh rỗi ngày 3 tháng 8 bố mẹ tôi lại tìm thêm việc khác như đi xây, làm phụ hồ, đi chợ nhằm kiếm thêm thu nhập để có tiền trang trải sinh hoạt, chi phí cho chị em chúng tôi học hành. Công việc vất vả là thế nhưng thù lao thu được về chẳng được là bao, phập phù, bấp bênh bữa được bữa không, ăn bữa nay, lo bữa mai nên cái nghèo, cái đói cứ bám theo gia đình tôi mãi.
Chính vì vậy mà ngay từ khi còn rất nhỏ bố mẹ luôn bảo ban chúng tôi phải gắng học thật giỏi, sau này tìm kiếm một công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống. Ý thức được điều đó nên chị em chúng tôi cũng cố gắng học hành. Bắt đầu bước chân vào trường THPT tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tự chọn cho mình một khối thi, một định hướng nghề nghiệp trong tương lai và tôi đã chọn nghề luật sư vì yêu thích nó. Tôi ước ao sau này sẽ trở thành một luật sư tài ba, một thầy cãi đứng trước toà bảo vệ cho công lý, bảo vệ cho lẽ phải.
Muốn làm được điều đó thì trước tiên tôi phải vượt qua hai kỳ thi là tốt nghiệp THPT và đỗ vào ĐH Luật Hà Nội. Ngay sau khi xác định được điều mình sẽ phải làm trong tương lai tôi đã lên cho mình một kế hoạch để đạt đượt mục tiêu đó. Đối với những môn không thuộc khối thi đại học tôi cố gắng tiếp thu ngay trên lớp, còn những môn thuộc khối thi C, không những tôi phải lắng nghe từng lời thầy cô nói ngay trên bục giảng mà còn phải dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn nữa.
Tôi đọc đi đọc lại những bài văn mình đã học, đến nỗi cuốn sách giáo khoa của tôi cuốn nào cũng bị nhàu nát, te tua. Tôi đã thuộc lòng những bài văn, cốt truyện trong sách giáo khoa, những truyện Chí phèo, Vợ nhặt… tôi đều có thể nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Quá trình tha hoá dưới xã hội phong kiến thực dân đến nỗi một người hiền lành không biết một tý gì, lành như đất đến nỗi còn run sợ khi bị vợ Bá kiến sai đấm lưng, để rồi trở thành một thằng, một người không ra người, quỷ không ra quỷ, và cuộc đời bế tắc đến phải tự kết liễu đời mình, tại sao vậy? Câu hỏi đó cứ quẩn quanh trong đầu tôi, thôi thúc tôi phải học, phải đọc thật nhiều hơn nữa.
Hay những trận đánh lịch sử của dân tộc ta chống Pháp, chống Mỹ đều hằn sâu trong tâm trí tôi, từ cách mạng tháng 8 năm 1945 đến chiến dịch biên giới năm 1950, rồi đến chiến dịch mậu thân năm 1968, đại thắng 30/4 năm 1975…Ngày nào cũng vậy tôi đều thức khuya đến 23h đêm để học bài, đọc sách và tập làm những đề văn có sẵn nhằm không bị bí từ khi bước vào phòng thi. Mặt khác buổi sáng hôm sau tôi vẫn dậy sớm để có thể ngồi vào học khoảng 30 phút cho những môn mình sẽ học trong ngày.
Nhận thấy điều đó là chưa đủ nếu chỉ học nhờ sách giáo khoa, muốn thành công thì cần phải nhìn nhận một bài văn, một trận đánh dưới nhiều góc cạnh. Tôi bắt đầu tìm mua những cuốn sách tham khảo về khối thi, làm quen với các dạng đề thi của những năm trước. Nhưng phiền một nỗi sách tham khảo mới mua rất đắt nên tôi tìm đến các hiệu sách cũ, giá tiền mềm hơn. Hoặc là tôi tìm và sưu tầm những cuốn sách của những anh chị đi trước, để học hỏi những kinh nghiệm học tập quý báu của họ, và rút ra bài học dẫn đến thành công.
Thời gian trôi nhanh, thấm thoát đã đến kỳ thi, với những gì chuẩn bị trước tôi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp không mấy khó khăn với số điểm khá cao, cũng phải đứng vào top 10 của lớp. Ngày tôi lên Hà Nội dự kỳ thi đại học mẹ tiễn tôi đi mà mắt cứ đau đáu nhìn theo. Nhìn vào đôi mắt mẹ tôi cảm nhận được niềm hy vọng mà mẹ dành cho tôi lớn biết nhường nào. Trong suốt quãng đường tôi đi hôm đó, tôi quyết mình phải đỗ bằng được để không phụ công lao to lớn của mẹ, của gia đình.
Bước vào phòng thi mặc dù đề ra không có nhiều xa lạ so với những bài, những đề mà tôi từng làm trong những buổi tối học, nhưng tôi vẫn cẩn thận gạch đầu dòng các ý mà đề bài hỏi ra nháp. Để rồi bám sát vào đó triển khai phân tích sâu hơn trong bài làm thi, tránh tình trạng hấp tấp dẫn đến mình viết dài, lan man gây ra lệch hướng, lệch đề.
Sau kỳ thi tôi phấp phỏng chờ đợi, ngày có kết quả đỗ đại học, tôi đã vỡ oà lên sung sướng, mẹ tôi đã rưng rưng nước mắt khóc chúc mừng cho tôi. Ngày tựu trường lòng tôi bao tâm trạng rối bời, vui vì mình đã đặt đượt một chân trên con đường tìm kiếm ước mơ trở thành luật sư, nhưng cũng đầy lo lắng, không biết đến với môi trường sống mới, mình sẽ xoay sở thế nào.
Nhưng tôi biết bố mẹ đặt nhiều niềm tin vào tôi, kỳ vọng vào một tương lai của tôi sẽ sáng lạn hơn. Chính điều đó làm cho đôi vai tôi trở lên trĩu nặng và sự quyết tâm lại ngùn ngụt tăng lên. Tôi quyết tâm không để mình mắc bất cứ sai lầm nào, không được sa đà vào bất cứ một cám dỗ tầm thường nào của cuộc sống nơi đô thị.
Giờ đây khi đã chuẩn bị bước qua giảng đường đại học, con đường phía trước còn nhiều chông gai và khó khăn nhưng mỗi khi nhìn lại quãng đường mà mình đã đi qua cho đến thời điểm này lại làm tôi có thêm động lực để phấn đấu tiếp. Tôi tin rằng với nghị lực của bản thân, với khát khao của tuổi trẻ, con đường tôi đang đi rồi sẽ có ngày thu được trái ngọt.
Nguyễn Thanh Tâm
(Bài tham gia cuộc thi viết "Tôi lập trình tương lai" , http://vn.news.yahoo.com/miệt-mài-ôn-luyện-khối-c-để-thi-033800231.html)