Khi văn học thiếu nhi chưa là tiếng nói của thời đại

Đưa đến cho văn chương những điều mới mẻ bằng những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân là ước vọng thường trực của người cầm bút. Tuy nhiên, khởi nguồn cho muôn nẻo sáng tạo ngẫm cho cùng là thực tại không ngừng biến chuyển. “Hiện thực của văn học là thế giới ý nghĩa do thực tiễn gợi ra” (Trần Đình Sử). Tính thời đại là một phẩm tính cần thiết của văn học nghệ thuật, trong đó có văn học thiếu nhi.   

Ở Việt Nam, kể từ sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới, văn học thiếu nhi đã có những bước chuyển đáng kể, nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà văn. Nhật kí, tự truyện, truyện cổ viết lại, truyện giả cổ tích… là những thể nghiệm khả dụng. Nhưng cuộc tìm kiếm những hình thức biểu đạt đậm hơi thở thời đại nhiều khi lại không trùng khít với việc lắng nghe, phản ánh tiếng nói tâm hồn con người mới. Hình tượng thiếu nhi trong văn học hôm nay cơ bản vẫn bị đóng khung trong sự hồn nhiên trong sáng, trong cách ứng xử giản đơn các mối quan hệ. Mô thức tâm lí này tỏ ra phù hợp với lí thuyết của tâm lí học nhưng lại vênh lệch với thực tế. Văn học thiếu nhi sau 1975 xao nhãng mối quan hệ với hiện thực, điều mà văn học những giai đoạn trước làm khá tốt. Giai đoạn 1930-1945, vấn đề thân phận của trẻ em nông thôn được đặt lên hàng đầu. Có thể kể đến Một đám cưới, Từ ngày mẹ chết (Nam Cao), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Bữa no đòn, Thằng ăn cắp (Nguyễn Công Hoan), Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Nhà nghèo (Tô Hoài)... Từ 1945 đến 1975, hình tượng thiếu nhi yêu nước, anh hùng trở thành cảm hứng nghệ thuật chủ đạo của văn học kháng chiến: Quê nội (Võ Quảng), Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (Xuân Sách), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Lượm (Tố Hữu), Kim Đồng (Tô Hoài)...  Không khí của những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đi vào các tác phẩm: Ngày công đầu tiên của cu Tí (Bùi Hiển), Khi mùa xuân đến (Lê Phương Liên), Mái trường thân yêu (Lê Khắc Hoan), Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa)…

Sau 1975, văn học thiếu nhi cơ bản vận động theo những khuynh hướng sau:
- Khai thác đề tài lịch sử, kháng chiến: Cơn giông tuổi thơ (Thu Bồn), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Búp sen xanh (Sơn Tùng), Ông Trạng thả diều (Hà Ân)...  (1)
- Viết lại hoặc phỏng theo cốt truyện, đề tài trong truyện kể dân gian: Chuyện ngày xưa - một trăm cổ tích (Tô Hoài), Truyện thơ cổ tích Việt Nam (Thái Bá Tân), Lá đa mặt nguyệt (Trần Quốc Toàn)…  (2)
- Hồi cố, tự thuật về tuổi thơ xa: Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa (Lê Bầu), Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương), Trên đôi cánh chuồn chuồn (Trần Đức Tiến), Quân khu Nam Đồng (Bình Ca)… (3)
- Viết về loài vật, cây cỏ, các hiện tượng tự nhiên, đồ vật: Chú ếch ăn trăng (Dương Thuấn), Con lật đật (Đặng Hấn), Sự tích mùa thu (Nguyễn Hoàng Sơn), Những chú lợn con (Nguyễn Lãm Thắng), Dòng sông mặc áo (Nguyễn Trọng Tạo)... (4)
- Viết về xúc cảm đầu đời của tuổi mới lớn: Ngồi khóc trên cây (Nguyễn Nhật Ánh), Khóc nữa đi sớm mai (Mường Mán), Hoàng tử online, Shock tình (Kawi), Thưa thầy em yêu anh (Ngọc Hân),Xu Xu đừng khóc (Hồng Sakura), Osin nổi loạn (Suly)... (5)
- Phản ánh sinh hoạt đời thường của trẻ em trong cuộc sống hôm nay: Đốm lửa trên đồng (Mai Bửu Minh), Nhật kí hội Cầu Vồng (Đỗ Bích Thúy), Ông ngoại (Nguyễn Ngọc Tư), Cuộc chiến tóc ngắn tóc dài (Vũ Thị Thanh Tâm), Con ma da sau vườn (Nguyễn Ngọc Hoài Nam)… (6)

Những hướng đi này đều có những thành công nhất định. Với khuynh hướng (1), góc nhìn về hiện thực lớn có nhiều thay đổi. Các tác giả đã quan tâm nhiều hơn đến những giông gió dữ dội của lịch sử có khả năng sinh thành một thế hệ anh hùng nhỏ tuổi nhưng cũng đồng thời thổi bạt sự bình yên, lấy đi nhịp đập của những trái tim chưa đến tuổi mười lăm. Những tác phẩm ở khuynh hướng (2) thể hiện ý thức giữ gìn văn hóa dân gian một cách sáng tạo của các tác giả. Khuynh hướng (3) gắn với những cuộc trở về bồi hồi xúc động của những nhà văn tuổi trung niên. Tự truyện đã dẫn lối để họ được chân thành úp mặt cười khóc với ấu thơ nghèo khó mà nghĩa tình, khí khái. Ở hướng đi (4), văn học thiếu nhi ít có khả năng dẫn dắt trẻ thơ vào những cuộc rong chơi mới như các tác phẩm thuộc khuynh hướng (5) với những câu chuyện về tình yêu tuổi teen. Đây là sự tiếp tục đề tài rung động đầu đời của tuổi học trò trong văn học thiếu nhi trước đấy, đặc biệt là trong văn học đô thị miền Nam đầu những năm 70 của thế kỉ XX. Tuy nhiên, chúng ta không có nhiều nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh, Mường Mán nên nhiều tác phẩm trở thành thứ ngôn tình nặng tính giải trí, thiếu sự đầu tư về nghệ thuật.


Tập trung vào những sinh hoạt thường nhật của trẻ em thời đại mới với quan hệ trường lớp, thầy cô, bè bạn, gia đình, láng giềng, thiên nhiên... là lối đi rộng nhất, thường xuyên nhất của văn học thiếu nhi sau 1975. Tiếp cận trẻ từ góc đời thường làm tầm vóc nhân vật bé nhỏ so với văn học kháng chiến nhưng gương mặt nhân vật góc cạnh hơn, và quan trọng là đời hơn. Tuy nhiên hướng đi (6) được kì vọng này đã không thực sự thành công. Các tác giả thể hiện thái độ nhập cuộc nửa vời, không thăm dò được bản chất mối liên hệ của những hiện tượng đơn lẻ với các vấn đề thực tế xã hội. Kiểu nhân vật là mẫu số chung cho mọi thời đại xuất hiện thường xuyên cho thấy văn học thiếu nhi không phản ánh thành công thực tiễn. Sóng bước cùng với nhịp sống mới đã mấy mươi năm nhưng văn học thiếu nhi không làm dậy vang được mạch đập đặc trưng của văn hóa và lịch sử thời kì này. Bộ phận văn học này luôn luôn chậm trễ trong việc truyền tải hiện thực. Có những tiếng kêu lớn của trẻ em đương đại mãi chưa có lời đồng vọng. Những vấn đề nóng của xã hội cho đến lúc nguội lạnh mới có mặt trên trang văn. Kiểu sáng tác mang màu sắc hoài cổ như thế làm cho thiếu nhi mãi khát thèm những tác phẩm riêng biệt cho thời của mình, cho tuổi của mình. Và nếu gặp được những tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài chạm đến những nỗi niềm gan ruột, trẻ sẽ hồ hởi đón nhận và tri âm đặc biệt, bất chấp sự khác biệt về văn hóa. Thành ra, những tác phẩm văn học thiếu nhi nước nhà dẫu cùng chung đề tài nhưng vì ra đời sau nên không đủ sức đánh bật những yêu thương đã có trong lòng độc giả.

Dù là quán tính hay sở thích, dù là nỗ lực làm mới hay là sự quẩn quanh an toàn, văn học đương đại nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng vẫn chưa thể là người đồng hành tin cậy và trách nhiệm của thời đại. Nếu các nhà văn của thiếu nhi sau 1975 không “đóng cửa phòng văn hì hục viết”, họ sẽ nhìn thấy những vấn đề thuộc về trẻ từ văn minh công nghiệp, từ xu hướng toàn cầu hóa như phát triển nhanh về tâm sinh lí, nhạy cảm trước cái mới, đa dạng về thị hiếu... và cả những căn bệnh rất thời sự như tự kỉ, vô cảm, lối sống hưởng thụ, đua đòi, bắt chước, tâm lí cả thèm chóng chán, mối quan hệ lỏng lẻo với văn hóa truyền thống, sự non kém về kĩ năng sống, bạo lực học đường... Thực tế cuộc sống đã cho các tác giả những gợi ý mà nếu hứng bắt được thì tác phẩm của họ sẽ rất tươi mới, cập thời. 

Văn học thiếu nhi không chỉ là câu chuyện riêng của các em. Những tác phẩm có tầm vóc, có tuổi thọ vượt không gian và thời gian thường phản ánh sâu sắc, tinh tế đến không ngờ những vấn đề lớn của xã hội mà mãi đến những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời trẻ mới thức nhận được, còn người đọc lớn tuổi hiện tại thì không khỏi giật mình và nhức nhối. Nhà văn không thể cứ ngây thơ tìm cách bóc tách trẻ ra khỏi bối cảnh sống hiện tại, cho trẻ lửng lơ trên đôi cánh thiên thần. Thầy cô, bè bạn, xóm giềng, ông bà, cha mẹ, anh chị của trẻ, cho đến cỏ cây, muông thú, núi rừng, biển cả... đều đang từng ngày từng giờ bị cuốn vào guồng quay của cơ chế thị trường nhiều cơ hội và cũng lắm thử thách. Thế giới “phẳng” mang con người đến gần nhau hơn và cũng dễ dàng đẩy họ ra xa nhau.   Hiện đại - truyền thống, giàu sang - khốn khó, thiên thần - ác quỷ, sáng tạo - giới hạn... sẽ luôn song tồn trong bối cảnh sống vẫn được xem như sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu thụ. Sự biến đổi môi trường sống từ đồng bằng đến rừng núi, biển cả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, số phận và phương cách sinh tồn của con người, trong đó có một bộ phận không nhỏ tuổi học trò. Di tích văn hóa bị xâm hại. Những trẻ thơ chưa kịp sống với tuổi xanh đã phải làm mẹ vì nạn ấu dâm... Nếu văn học thiếu nhi lưu giữ sinh động những “vỉa đời” đó, hẳn độc giả nhí không mải cúi đầu vào smartphone và người lớn cũng không còn dửng dưng đi giữa cuộc sống.

Thực tế, một số tác giả, tác phẩm văn học thiếu nhi sau 1975 khá thành công trong việc rút ngắn khoảng cách giữa trang văn và cuộc sống hiện đại. Thằng nhóc xóm tôi (Cao Xuân Sơn), Đi đến ngày xưa (Vi Thùy Linh), Nguyện cầu (Đỗ Nhật Nam)... dù là thơ nhưng tươi rói những âm thanh cuộc đời. Vương quốc lụi tàn, Làm mèo (Trần Đức Tiến), Đàn vịt bơi qua sông (Trương Tiếp Trương), Mun ơi, chạy đi! (Farhammer Mai Clara và Nguyễn Phan Quế Mai), Tắm sông (Nguyễn Ngọc Tư)... thể hiện vị trí người trong cuộc của các nhà văn với các vấn đề của sinh thái. Chúc một ngày tốt lành (Nguyễn Nhật Ánh) dùng vẻ đẹp của trẻ thơ và thế giới loài vật để hạ bệ người lớn, kể cả giới nhà báo, các vị chức sắc. Ngày xưa có một chuyện tình (Nguyễn Nhật Ánh) là một bước tiến đáng kể của tác giả khi viết về rung động đầu đời của tuổi học trò gắn với sex... Thế nhưng, thành công riêng lẻ và hiếm hoi của các tác giả cho thấy tính thời đại chưa thể là giá trị lớn của văn học thiếu nhi Việt Nam giai đoạn này. Lấy làm lạ khi Quế Hương - một người phụ nữ gần như một đời loay hoay với bệnh tật lại là nhà văn lắng nghe thường xuyên tiếng nói của thực tại. Những truyện ngắn của Quế Hương là vọng âm chân thực của cuộc sống hiện đại với những vết nứt tinh thần không thể xóa bỏ (Bà mụ của búp bê, Tí bụi, Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh, Ả ìa âu, Thằng tò he Xuân La, Apsara hoang dại, Ngày nắng đầu tiên, Cò gà, Lại chuyện bóng đỏ, Đãi kiến một bữa...).

Liên quan đến tính thời đại của văn học thiếu nhi, chúng tôi muốn đề cập sâu về “siêu phẩm dành cho teen” của nhà văn tay ngang Lê Hoàng Sao thầy không mãi teen teen? Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của vị đạo diễn tuổi 62. Số phận của môn học lịch sử trong không gian trường học trở thành cảm hứng khơi nguồn cho tác phẩm. Một diễn viên đóng thế khá hoàn hảo xuất hiện ở lớp 11A trường cấp ba An Hoà báo hiệu cái chết của phương pháp dạy học lịch sử không riêng ở ngôi trường này. Nhà văn gửi “trai đẹp” đến bục giảng để thay đổi cách học của những cô cậu học trò từ lâu không còn tin vào sức hấp dẫn của lịch sử, để thay đổi cách dạy của thầy cô vẫn thường để học sinh ngồi trên bàn nhăn nhó, đau buồn mở sách giáo khoa. Lịch sử không chỉ có trong sách, mà có trong điện ảnh, trong âm nhạc và mọi thứ hàng ngày. Lịch sử không phải chỉ có chiến tranh mà còn có nhiều thứ khác. Nếu ta không học về mặt trời thì mặt trời mỗi ngày vẫn mọc lên nhưng nếu không có ai học lịch sử thì lịch sử sẽ dừng lại. Những công dân văn minh thường ghi sâu vào tiềm thức những di tích của thành phố vì để có những di tích ấy có khi một quốc gia phải trải qua ba ngàn năm. Không có bảo tàng nào có thể chứa hết mọi thứ, chỉ có đầu óc và tâm hồn con người may ra có thể... Những chia sẻ ý nghĩa ấy càng thú vị hơn khi được dẫn dắt bởi một Lê Hoàng hài hước, cá tính và có phần đanh đá.

Cũng trong tác phẩm này, lần đầu tiên, tuổi teen thời @ được khắc họa sống động và đúng điệu của teen đến vậy. Tuổi ô mai quá chừng thích thú khi nhìn thấy gương mặt tâm hồn, nghe thấy giọng của chính mình trong nữ sinh Ly cún, Mai tồ hay trong Sơn bóng... Đó là tập hợp một thế hệ dù cá tính nhưng hiện tượng mặc đồng phục về thị hiếu là điều không tránh khỏi: thích ăn mì cay, lướt web, đi xem phim, đi “siêu thị chỉ”, đi “uống trà chanh chém gió vù vù”; là fan cuồng của Sơn Tùng M-TP, Ông Cao Thắng, Đông Nhi, Khổng Tú Quỳnh; mặc hàng nhái rẻ tiền của Trung Quốc; mê trai đẹp… Nhân danh tuổi teen, tác giả xây dựng một thời khóa biểu thuộc thì tương lai mà ngày nào phim và ăn cũng trở thành một phần tất yếu với hi vọng việc học sẽ trở thành ngày hội. Lê Hoàng thấy được cái bóng bẩy, hào nhoáng của teen và chính thức thừa nhận, “nữ sinh là nghề tươi đẹp nhất” trong cuộc đời con người, là nghề duy nhất “có những tháng hè, có những lá me bay và có những tà áo dài buộc bụng”. Cũng không ít lần tác giả cho ta thấy sự chệch choạc của tâm hồn, xúc cảm thế hệ này ở văn hóa facebook, ở hiện tượng dễ dàng khóc cười với những thần tượng ca sĩ nhưng lại “đơ” trước lịch sử...

Lê Hoàng tạo ra sự khác biệt cho tác phẩm của mình bằng chính vốn liếng của một nhà đạo diễn dòng phim thị trường. Nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu tuổi teen (ăn uống, giải trí, thần tượng, ngôn ngữ...), tận dụng đặc quyền của nghệ thuật thứ bảy, tác giả đã tạo ra một hình tượng người thầy - trai đẹp như đến từ hành tinh khác dù phần đời trong nhân vật rất dày dặn. Với sự kiêu kì của một người hiểu tiếng nói đặc thù của điện ảnh, Lê Hoàng chỉ ra ranh giới giữa nhà giáo và diễn viên, giữa lí thuyết và thực tế. Người thầy đã quay về nghiệp diễn với suy nghĩ phim trường là nơi “có thể làm mà không theo sách giáo khoa”. Sự trở về ấy không đơn thuần chỉ là đam mê mà còn là ý thức về sự đơn độc của mình trong không gian giáo dục, vì giỏi về chuyên môn, yêu lịch sử “như yêu một con người”, nói như ba của Ly cún, điều đó không mấy ai có được. Nhưng khi theo đuổi nghiệp diễn, thầy giáo đặc biệt này nhận ra rằng, ở lớp học mình có thể nói những điều mình nghĩ, còn ở trường quay mình phải nói bằng suy nghĩ của đạo diễn.

Tiểu thuyết đầu tay của Lê Hoàng như một bộ phim ăn khách nhưng tất yếu không thể sạch “sạn”. Một chút mất mát, hư hao của tác phẩm suy cho cùng cũng là bởi chất đạo diễn của nhà văn. Xu hướng đánh bóng cho showbiz, cho điện ảnh là điều không thể phủ nhận. Sự chuyển đổi vội vàng các khung hình theo lối ước lệ của điện ảnh làm cho phần sau của truyện hơi đuối. Nỗ lực làm cho hình tượng người thầy bớt chất “tài tử xinê” vô tình làm giảm giá trị của nhân vật. Để cho ngữ điệu nói dẫn dắt tác phẩm cũng gây những phản ứng tâm lí trái chiều cho người đọc. Tuy nhiên, nói rất đúng “giọng của teen” và thông qua giọng của teen để điểm trúng chỗ nhức nhối của giáo dục Việt Nam hiện tại là lối đi mới của tác giả. Cái đau đáu về những vấn đề xã hội đã tìm được con đường đi hợp lí để đến với không chỉ riêng tuổi teen. Có thể xem tác phẩm này như một gợi ý thú vị về cách viết cho trẻ em hôm nay.

Độc giả trung thành của văn học thiếu nhi là những người luôn dõi theo tiến trình vận động của bộ phận văn học này với nhiều cảm tình và kì vọng. Ngày hôm nay, nhà văn viết cho các em cũng cần phải “xuống đường”, đóng góp vai trò vào việc hình thành hệ giá trị mới trong điều kiện mới. Am tường đặc điểm tâm sinh lí trẻ, dõi theo những chuyển động tinh tế của các em trong sự chuyển động lớn của đời sống... là cơ sở để văn học thiếu nhi trình hiện một gương mặt mới. Người đọc mong mỏi nhìn thấy hơi thở cuộc sống đương đại với sự đa dạng của văn hóa, lịch sử, tôn giáo... trong văn học thiếu nhi hôm nay. Khi nhà văn mạnh dạn phát quang những hành trình mới, văn học thiếu nhi tất yếu sẽ mở rộng ý nghĩa giáo dục. Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và công nghệ đang làm thay đổi cuộc sống và cách sống của giới trẻ. Cùng với khuynh hướng quốc tế hóa của đời sống, thế hệ trẻ được tự do chọn nơi học hỏi, làm việc, cư trú ở mọi nước, nếu thấy phù hợp. Lúc đó, vấn đề căn cội về dân tộc, về văn hóa và bản sắc văn hóa là một tài sản riêng, một nguồn tài nguyên riêng mà mỗi cá nhân cần được chuẩn bị. Văn học thiếu nhi sẽ đóng góp tích cực vào quá trình chuẩn bị ấy bằng nỗ lực tiếp cận thời đại mới của người cầm bút.
Văn học thiếu nhi không bé nhỏ như tên gọi của nó.

 N.T.T (Huế)

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, ngày 02.7.2018.

Thông tin truy cập

63660424
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4142
17595
63660424

Thành viên trực tuyến

Đang có 783 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website