Đầu năm 2012, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo Nghiên cứu - phê bình văn học hiện nay. Đây là hội thảo quan trọng nhằm nhận diện và đánh giá tình hình nghiên cứu, phê bình văn học và dịch thuật ở nước ta trong thời gian qua, đồng thời thúc đẩy phát triển hơn nữa tính học thuật, tính thời sự trong các sản phẩm nghiên cứu, phê bình nhất là của các nhà nghiên cứu trẻ.
Trong chương trình hội thảo, các vấn đề sự thay đổi về chủ thể và vị thế phê bình trong đời sống văn học và xã hội; những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động chức năng của phê bình hàn lâm và phê bình báo chí; phê bình trong cơ chế thị trường, thời đại bùng nổ thông tin, và bối cảnh toàn cầu hóa; phê bình trước những hiện tượng, vấn đề văn học mới; phê bình với lý thuyết văn học và ý thức hệ, với văn học sử và hiện tình dịch thuật; những vấn đề về thể chế phê bình trong cơ chế thị trường, yêu cầu và triển vọng phát triển phê bình trong thời gian tới; nghiên cứu và đánh giá những vấn đề của văn học quá khứ; thực tiễn vận dụng các lý thuyết nghiên cứu văn học phương Tây và những khả thể của nó ở Việt Nam… đã được đưa ra thảo luận. Hội thảo diễn ra trong ngày 12/01/2012 tại Viện Văn học, số 20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tính chất nghiêm túc, mang tinh thần khoa học thực sự là thành công đầu tiên của Hội thảo. Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Viện thông tin KHXH, Viện nghiên cứu Văn hóa, Đại học KHXH và NV- ĐHQG, Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm II, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Tạp chí Nhà văn, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ cùng toàn thể các nhà nghiên cứu, các chuyên gia của Viện Văn học tham dự đã nói lên tầm quan trọng, sức hút của các vấn đề được bàn luận từ hội thảo. Mục đích, ý nghĩa của hội thảo này đã được PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng ban tổ chức hội thảo khái quát trong diễn văn khai mạc. Theo đó, Hội thảo Nghiên cứu - Phê bình văn học hiện nay là hoạt động khoa học kế thừa truyền thống sinh hoạt khoa học thường niên của Viện Văn học, nhưng quan trọng hơn đây là điểm khởi đầu cho một hành trình mới, với sự kết nối rộng lớn mang niềm tin về sự phát triển cho nghiên cứu, phê bình văn học và dịch thuật của nước ta. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đã tin tưởng, đặt hy vọng vào thế hệ những người nghiên cứu trẻ sẽ mang đến cho đời sống nghiên cứu - phê bình, dịch thuật một nguồn sinh khí mới.
Với những vấn đề quan trọng được đặt ra trong chương trình làm việc, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị, ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận từ khắp nơi trong cả nước gửi về trao đổi, đóng góp ý kiến quan điểm. Đó là những công trình nghiên cứu - phê bình đầy tâm huyết, với trữ lượng tri thức khoa học cao của những nhà nghiên cứu trẻ, đang nỗ lực kế thừa và bước tiếp con đường học thuật tại các trung tâm nghiên cứu trên mọi miền đất nước. Các tham luận đã đề cập đến những vấn đề thời sự của nghiên cứu, phê bình và dịch thuật văn học ở nước ta hiện nay. Chúng ta có thể kể đến vấn đề Phê bình văn học dưới những thiết chế truyền thông của Ths. Phan Tuấn Anh (Đại học khoa học Huế), Những tranh luận về văn xuôi hư cấu lịch sử và sự chuyển biến của tư duy lịch sử hiện nay của Ths. Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học), Tình hình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học Nga tại Việt Nam những năm gần đây của Ths. Đỗ Thị Hường (Viện Văn học), Trước sự nô lệ của lý thuyết (Con đường thử thách của phê bình văn học Việt Nam) của Ths. Ngô Hương Giang (Đại học khoa học Huế), Cấu trúc luận trong nghiên cứu biểu tượng: từ ký hiệu học đến nhân học biểu tượng của TS. Đinh Hồng Hải (Viện nghiên cứu Văn hóa), Khái niệm tác giả hàm ẩn trong lý thuyết tu từ học tiểu thuyết của Ths. Cao Kim Lan (Viện Văn học), Vài nét về việc nhìn lại lý thuyết văn học ở Pháp của Ths. Cao Việt Dũng (Viện Văn học), Vi Thùy Linh giữa những quyền lực của lời của Ths. Nguyễn Thanh Tâm (Viện Văn học)… Các tham luận được trình bày và được sự phản biện của các GS, PGS, các chuyên gia đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu, được thảo luận ngay tại hội thảo đã đem đến không khí học thuật thực sự cho hội thảo.
Trong tham luận của Phan Tuấn Anh, nhiều vấn đề của phê bình được đặt ra: Thực chất đối tượng của phê bình văn học là gì? Nhà phê bình là nhà văn hay nhà khoa học? Giá trị của phê bình như thế nào? Phê bình văn học trong thời đại hiện nay đang bị áp lực từ những thiết chế gì?... Tác giả tham luận đi sâu vào khảo sát ba nhóm chính trong thiết chế truyền thông: multimedia, best-seller, comment, với những đặc tính của nó nhằm lý giải cơ chế hoạt động và khả năng áp chế của nó lên phê bình văn học. Tư tưởng cốt lõi trong tham luận của Phan Tuấn Anh được gợi dẫn từ một nhận định của C.Freeland: “Thật vậy, lịch sử nghệ thuật, nói một cách nào đó, chính là một lịch sử của những khái niệm nghệ thuật. Mỗi thời đại… sở hữu những khái niệm nghệ thuật khác nhau. Và chính những khái niệm nghệ thuật khác nhau đó, sẽ tổ chức các thực hành nghệ thuật khác nhau của mỗi thời đại” (Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật, Nxb Tri thức, 2010). Nhận định này đã được tư duy lại bởi Phan Tuấn Anh với sự thay thế khái niệm ‘nghệ thuật” bằng “phê bình”. Nghĩa là, mỗi thời đại sở hữu những khái niệm phê bình khác nhau, với những cách tổ chức thực hành phê bình khác nhau. Phê bình văn học hậu hiện đại có hình thái riêng của nó và truyền thông chính là một thiết chế quan trọng kiến tạo nên hình thái đó. Đây là một tham luận mang tính thời sự, với sự xét duyệt khá bao quát và công phu của Phan Tuấn Anh.
Đặt ra vấn đề, nền phê bình của chúng ta phải chăng “…đang là nô lệ của lý thuyết và nô lệ của chính mình?” (Ngô Hương Giang). Tác giả tham luận đã nêu lên một số tác giả phê bình, nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 (Nguyễn Văn Trung, Nguyên Sa-Trần Bích Lan, Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân, Huỳnh Phan Anh, Phạm Công Thiện…), xác lập hành trình đi ra từ triết học đến với mĩ học/văn học của họ. Theo Ngô Hương Giang, phê bình văn học miền Nam trước 1975 có nền tảng khởi xuất từ triết học, để từ đó tiến hành quá trình giải triết học, giải tư tưởng. “Một nền văn học như thế tôi (Ngô Hương Giang) gọi là nền văn học khai phóng”. Cũng trong tham luận của mình, khi bàn về phê bình văn học Việt Nam đương đại, Ngô Hương Giang cho rằng: “văn học Việt Nam đương đại dường như đang quay trở lại mốc ban đầu của nền học thuật những năm 1954-1960 ở miền Nam, khi tư tưởng phương Tây bước đầu in dấu ấn”. Đây là một trong những vấn đề được hội thảo tranh luận sôi nổi. Cũng từ bài viết, tác giả Ngô Hương Giang nêu lên biểu hiện của sự nô lệ về mặt lý thuyết, cũng như trong thực hành phê bình, diễn giải văn chương chính là chúng ta đang lâm vào tình cảnh “độc tôn lý thuyết và sự suy tôn thần tượng trong văn học”. Chính điều này đã làm mất đi khả năng “khai phóng” của nền văn học Việt Nam đương đại. Độc tôn lý thuyết và suy tôn thần tượng là nguyên cớ dẫn đến việc đẩy các lý thuyết, các hiện tượng văn học khác vào thế phi chính thống. Bên cạnh đó, “sự độc tôn lý thuyết, mà bản thân người sử dụng lý thuyết thiếu sự tiếp nhận bài bản, đã đẩy văn học Việt Nam vào giai đoạn thử nghiệm” (NHG). Việc quy giản tất cả những gì của văn học vào một mô hình lý thuyết nhất định nào đó chính là việc làm nghèo đi nền văn học của chúng ta, làm hạn chế những khả năng của văn học hướng đến một tinh thần khai phóng để vượt lên.
Đem đến một vấn đề khá lý thú, đậm hơi thở của cuộc sống văn chương hôm nay, tham luận của Ths. Đỗ Hải Ninh (Những tranh luận về văn xuôi hư cấu lịch sử và sự chuyển biến của tư duy lịch sử hiện nay) đã tạo nên những trao đổi hết sức sâu sắc về văn học đương đại Việt Nam, nhất là ở bộ phận văn xuôi hư cấu lịch sử. Lịch sử hiểu theo nghĩa chính sử, quan phương và lịch sử trong tác phẩm văn xuôi hư cấu chính là hai cực của tư duy về một vấn đề - văn xuôi hư cấu lịch sử. Trong diễn giải của Đỗ Hải Ninh, văn xuôi hư cấu lịch sử không phải là một tác phẩm sử ký, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, biểu đạt những trải nghiệm của chủ thể sáng tạo về lịch sử. “Khám phá và lý giải lịch sử bằng cái nhìn của cá nhân nên lịch sử trong quan niệm của nhà văn sẽ không trùng khớp với quan niệm của cộng đồng và không tránh khỏi sự “sai lệch tất yếu” (ĐHN). Tán thành quan điểm của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - “đọc văn phải khác với đọc sử”, tác giả tham luận phân tích nguyên nhân của những tranh luận về văn xuôi hư cấu lịch sử. Theo đó, sự tranh luận bắt nguồn từ những so sánh về lịch sử trong văn xuôi với sự thật lịch sử (chính sử) và sự vênh lệch so với nhận thức, quan điểm chung của cộng đồng. Tư tưởng cốt lõi trong tham luận của Đỗ Hải Ninh chính là chỉ ra những bất cập trong nhìn nhận, đánh giá về văn xuôi hư cấu lịch sử, nguyên nhân và cả những khả thể của nó. Đồng thời, từ tham luận, vấn đề tiếp nhận văn xuôi hư cấu lịch sử là tiếp nhận phẩm tính nghệ thuật của nó “chứ không phải thẩm định tính đúng sai của lịch sử”. Từ việc tiếp nhận văn xuôi hư cấu lịch sử đúng với đặc trưng thể loại của nó, vấn đề tư duy lịch sử và tư duy lịch sử trong văn xuôi hư cấu cũng được tác giả nhắc đến như là một dự phóng, một khả thể của văn học nói chung và thể loại này nói riêng trong đời sống văn chương đương đại Việt Nam.
Việc đi tìm kiếm con đường để tiếp cận đối tượng nghiên cứu được đặt ra khá rốt ráo từ tham luận Cấu trúc luận trong nghiên cứu biểu tượng: từ ký hiệu học đến nhân học biểu tượng của TS. Đinh Hồng Hải (Viện nghiên cứu Văn hóa). Đứng trước đối tượng là biểu tượng văn hóa, Đinh Hồng Hải cho rằng: “nghiên cứu biểu tượng (như ký hiệu học, nhân học biểu tượng...) dường như vẫn đang là một mảnh đất còn bỏ trống với số lượng các công trình nghiên cứu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí trong số những nghiên cứu ít ỏi đó, chưa một công trình nào thực sự “đặt nền móng” cho một khoa học nghiên cứu về biểu tượng. Tại sao có tình trạng như vậy? Thật khó để đưa ra một câu trả lời đầy đủ, nhưng nếu xét trên bình diện chung của các bộ môn khoa học có liên quan đến nghệ thuật và biểu tượng, chúng ta có thể nhận thấy: Thiếu nền tảng lý thuyết và phương pháp luận chính là mấu chốt của vấn đề”. Đi tìm một lý thuyết, một phương pháp luận cho nghiên cứu biểu tượng, tác giả tham luận cho rằng, cấu trúc luận là nền tảng quan trọng để tiến hành việc nghiên cứu biểu tượng. Theo tác giả: “cấu trúc luận đã được sử dụng làm một trong những lý thuyết nền tảng của nhiều chuyên ngành khác nhau trong khoa học xã hội như nhân học cấu trúc (structural anthropology), ngôn ngữ học cấu trúc (structural linguistics), ký hiệu học văn hoá (cutural semiology) v.v... Trong nội dung của nghiên cứu này, chúng tôi sẽ đề cập đến cấu trúc luận và việc sử dụng khung lý thuyết này dưới góc nhìn ký hiệu học và nhân học biểu tượng như một hướng tiếp cận cụ thể đối với nghiên cứu biểu tượng trong giai đoạn hiện tại”. Đây là con đường để tiếp cận và giải mã “văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó” - đối tượng của nhân học văn hóa. Từ bài viết của mình, những vấn đề quan trọng của cấu trúc luận, ký hiệu học và nhân học biểu tượng được Đinh Hồng Hải lý giải cùng với niềm hy vọng về một ngành Nghiên cứu biểu tượng hay biểu tượng học ở Việt Nam.
Nghiên cứu vấn đề Khái niệm tác giả hàm ẩn trong lý thuyết tu từ học tiểu thuyết, Ths. Cao Kim Lan (Viện Văn học) đã chỉ ra rằng đây là một trong những khái niệm quan trọng của tu từ học tiểu thuyết. Khái niệm tác giả hàm ẩn được để xuất năm 1961 và sự tranh luận về khái niệm này cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Tác giả hàm ẩn tồn tại phổ biến trong đời sống văn học của chúng ta, là người tối cao, chi phối mọi hoạt động sáng tác, xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật và đồng thời chỉ cho tác giả hướng khám phá tác phẩm. Nhận thức về tác giả hàm ẩn cho chúng ta hiểu về người kể chuyện. Người kể chuyện là ai trong tác phẩm, phương thức kể chuyện bên trong hay bên ngoài đều do tác giả hàm ẩn chi phối. Trong trao đổi với PGS.TS Trương Đăng Dung, Cao Kim Lan cho rằng, khái niệm “tác giả hàm ẩn” của W. Booth có mối quan hệ với khái niệm “người đọc hàm ẩn” của W. Iser.
Vấn đề lý thuyết văn học và những định chế của nó lên đời sống nghiên cứu, phê bình văn học là một trong những trọng tâm của hội thảo. Vấn đề này được đặt ra trong tham luận Vài nét về việc nhìn lại lý thuyết văn học ở Pháp của Ths. Cao Việt Dũng (Viện Văn học). Đã từng tồn tại một thực tế, những người sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học không cần đến lý thuyết. Tuy nhiên, những năm gần đây, lý thuyết đang tỏ rõ sự hiện diện của mình trong đời sống học thuật đương đại. Khảo xét lại những lý thuyết văn học ở Pháp, đặc biệt là những vận động của nó từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, Cao Việt Dũng muốn nhấn mạnh lý thuyết văn học thực sự là một “cuộc phiêu lưu” của trí tuệ. Sự khởi phát và du hành của lý thuyết đem đến những biến dạng, những thay đổi trong chính nội hàm của lý thuyết so với tiên khởi. Tuy nhiên, đó là sự sống của lý thuyết chứ không phải là kết quả của sự “đảo chính” hay lật đổ dẫn đến cái chết. Đi sâu vào một vấn đề khá nổi bật ở ta thời gian qua là sự xuất hiện của tác phẩm Văn chương lâm nguy của Tzvetan Todorov, Cao Việt Dũng đã nêu lên những luận điểm: Todorov đã thực sự nói gì? Một cuộc nhìn lại rộng lớn? Cái gì lâm nguy? Đây là những luận điểm chính trong tham luận. Tuy nhiên, có thể thấy Văn chương lâm nguy và Todorov chỉ là một sự minh họa cho vấn đề rộng lớn hơn mà Cao Việt Dũng muốn nói tới: sự vận hành của lý thuyết qua không gian, thời gian và qua những cảm quan mang tính ý thức hệ (của môi trường và hoàn cảnh du hành), nhận thức có tính lịch sử, cả những tham góp và phản tư cũng như khả năng, hiệu quả vận dụng của lý thuyết hướng đến việc hình thành những phương pháp luận về văn chương trong diễn trình của lịch sử. Kết luận bài viết của mình, trên tinh thần tư tưởng của Antoine Compagnon về sức sống của văn hóa Pháp, Cao Việt Dũng cho rằng “chừng nào lý thuyết văn học thôi quấy rầy “cảm nghĩ thông thường”, không còn làm cho ai khó chịu nữa, mà cứ thoải mái với những điều mặc định sẵn, thì chừng đó nó mới thực sự cần được đưa vào viện bảo tàng”. Và thực tế, trong đời sống nghiên cứu - phê bình văn học hiện nay, lý thuyết đang làm tất cả chúng ta phải suy nghĩ và ‘tương tư” về nó.
Văn học Nga là một nền văn học đồ sộ và rực rỡ. Nhìn nhận lại sự hiện diện của văn học Nga tại Việt Nam, người ta thấy có những thăng trầm nhất định, đôi khi nằm ngoài quy luật giao lưu và vận động của văn học. Đã có thời, nền văn hóa, văn học Nga “tỏa bóng” rợp rộng lên văn học Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa. “Người anh cả” của thành trì xã hội chủ nghĩa đã hiện diện một cách đầy quyền uy trong các nền văn học thuộc cùng hệ thống. Tuy vậy, sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), sau khi đổi mới ở Việt Nam (1986), văn học Nga, ngôn ngữ Nga rơi vào tình trạng bị “thất sủng” ở Việt Nam. Tham luận Tình hình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học Nga tại Việt Nam những năm gần đây của Ths. Đỗ Thị Hường (Viện Văn học), là những khái quát bước đầu về vấn đề này. Đặt vấn đề trên ba bình diện lớn: dịch thuật, nghiên cứu và phê bình văn học Nga ở Việt Nam, tác giả Đỗ Thị Hường cho rằng, “Việc dịch và giới thiệu văn học Nga tại Việt Nam hiện nay đã được tiến hành khá toàn diện tuy nhiên vẫn chưa thực sự hệ thống và quy củ. Phần lớn các tác giả dịch vẫn theo sở thích chứ chưa có một kế hoạch cụ thể. Số lượng các tác giả văn học Nga hiện đại và đương đại cùng số lượng tác phẩm của họ rất lớn, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa tiếp cận được hết kho tàng này”. Phần nghiên cứu và phê bình, tác giả tham luận cũng nêu lên thực trạng “nghiên cứu phê bình văn học Nga… đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng không thể phủ nhận vẫn còn rất nhiều khoảng trống”. Trong niềm âu lo về thực trạng ấy, có những dự phóng mang đầy động năng đang thôi thúc các nhà nghiên cứu trẻ.
Hội thảo nghiên cứu - Phê bình văn học hiện nay cũng đặt ra vấn đề nhận thức về những phê bình hướng tới các hiện tượng văn học nổi bật trong thời gian qua. Trong chủ điểm ấy, tham luận Vi Thùy Linh giữa những quyền lực của lời của Ths. Nguyễn Thanh Tâm (Viện Văn học) là một bài viết có tính tổng quát, khảo xét hệ thống lời của Vi Thùy Linh (lời ngoài thơ và lời thơ) cũng như những phê bình về Vi Thùy Linh (phê bình lời ngoài thơ và phê bình lời thơ). Mục đích của tham luận hướng tới việc làm hiện lên “chân tướng” và “hình tướng” của Vi Thùy Linh, ViLi và các diễn ngôn phê bình về hiện tượng này. Đặt Vi Thùy Linh trong sinh thái văn hóa hiện nay, với thế mạnh của truyền thông đa phương tiện, khảo xét những lời ngoài thơ, tác giả tham luận cho rằng: Vi Thùy Linh là con đẻ của truyền thông với khả năng phát huy những lợi thế ưu việt của phương thức này trong quảng bá giao lưu văn học. Đối với lời thơ, tác giả tham luận dành một phần với tiêu đề Thế giới nghệ thuật thơ Vi Thùy Linh để chỉ ra bản chất nghệ thuật - quyền lực của mĩ học ngôn từ trong thơ Vi Thùy Linh trên các phương diện: không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, cái tôi bản thể và những tương liên với các đối thể, ngôn ngữ, giọng điệu, nhịp điệu. Đây là những phương diện chính yếu để Nguyễn Thanh Tâm đi đến kết luận về “chân tướng” nghệ thuật của Vi Thùy Linh trong đời sống văn học đương đại và trong diễn trình thơ ca của dân tộc. Nghiên cứu những diễn ngôn phê bình về Vi Thùy Linh, tác giả tham luận chỉ ra hai dòng mạch: khen ngợi, tôn vinh, khẳng định và phê phán, phủ bác. Đó là “đòn roi” và “kẹo ngọt”, phần thưởng hay sự lừa mị, sự nanh ác của đòn roi hay là bài học cho sự trưởng thành… Tham luận của Nguyễn Thanh Tâm cũng đã đi đến những kết luận về “chân tướng” của những diễn ngôn này, nói lên quyền lực thực sự của lời cũng như nhận ra Vi Thùy Linh trong diễn giải của cộng đồng gần mười lăm năm qua.
Trở lên, chúng tôi mới chỉ có thể điểm qua những tham luận được trình bày, trao đổi trong thời lượng làm việc một ngày của hội thảo. Thời gian eo hẹp đã không cho phép hội thảo có thể trao đổi về những vẫn đề khác cũng rất quan trọng như: Phê bình văn học Việt Nam hiện nay: một số thách thức và giải pháp, Đỗ Văn Hiểu, Trường ĐHSP Hà Nội (NCS. Viện Văn học, Đại học Nhân dân Trung Quốc); Tại sao lý thuyết hay là (tiếp nhận) lý thuyết ở Việt Nam đương đại, Đoàn Ánh Dương, Viện Văn học; Phê bình tương tác, Đoàn Minh Tâm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội; “Trò chơi ngôn ngữ” và phê bình văn học: (trường hợp phê bình thơ Nôm Hồ Xuân Hương của Trần Thanh Mại và Xuân Diệu), Hoàng Phong Tuấn, NCS. Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; Phê bình - người đọc tiền phong, Khánh Phương, nhà phê bình văn học; Có một “diễn ngôn” phê bình văn học hiện nay hay không? Nguyễn Chí Hoan, Báo Văn nghệ; Về mối quan hệ giữa dịch thuật và nghiên cứu văn học ở Việt Nam, Nguyễn Duy Bình, Viện nghiên cứu văn hóa, Đại học Vinh; Lê Tuyên trong cái nhìn mơ mộng (Hay là phê bình hiện tượng học văn học tại Việt Nam), Nguyễn Mạnh Tiến, Viện Văn học; Vài nét về lý luận phê bình văn học nữ quyền phương Tây, phương Đông - nghiên cứu văn chương nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Hiền, Viện thông tin khoa học xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Vài suy nghĩ về đặc trưng của văn chương và chỗ đứng của nhà phê bình, Nguyễn Văn Thuấn, Đại học Sư phạm Huế; Ý thức về dân chủ: vai trò của các không gian công văn chương, Nhã Thuyên, nhà văn, nhà phê bình văn học; Phê bình - nhìn từ gốc, Phạm Xuân Thạch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam, Phùng Gia Thế, Đại học Sư phạm Hà Nội II; Phê bình văn học hiện nay: một vài nhận định, Trần Thị Thục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Người đọc - vị quyền của nhà phê bình trước thị trường dư luận, Vũ Thị Thu Hà, Viện Văn học; Khái niệm tác giả hàm ẩn trong lý thuyết tu từ học tiểu thuyết, Cao Kim Lan, Viện Văn học; Sự chuyển biến của thơ dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Kinh (Qua trường hợp sáng tác của Y Phương), Đỗ Thị Thu Huyền, Viện Văn học; Yếu tố nhân văn trong quan niệm văn học thế kỷ XVIII - XIX, Đinh Thị Minh Hằng, Viện Văn học; Edgar Allan Poe và những truyện ngắn “trong giới hạn của hiện thực”, Hoàng Tố Mai, Viện Văn học; Truyện ngắn đương đại Việt Nam - những đổi mới tư duy thể loại, Lê Dục Tú, Viện Văn học; Không gian mang tính “thư phòng” trong truyện ngắn Tagore, Lê Thanh Huyền, Viện Văn học; Tiếp nhận mới về những bài thơ cổ, Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học; Truyền thuyết “Thạch tướng quân” trong mối liên hệ với tín ngưỡng thờ thần đá, Nguyễn Huy Bỉnh, Viện Văn học; Cảm quan nghệ thuật của Đặng Huy Trứ qua chùm thơ về chủ đề nông thôn trong “Đặng Hoàng Trung thi sao”, Nguyễn Minh Huệ, Viện Văn học; “Giáo trình văn học so sánh” của Hồ Á Mẫn trong tương quan bộ môn văn học so sánh Việt Nam, Nguyễn Phương Thảo, Viện Văn học; Vấn đề phân loại truyền thuyết qua trường hợp truyền thuyết xứ Nghệ, Nguyễn Thị Thanh Lưu, Viện Văn học; Những bi kịch giới trong “Cửa hoa hồng” (Thiết Ngưng), Nguyễn Văn Nguyên, Viện Văn học; Cảm hứng đạo lý theo quan niệm Thiên chúa giáo trong truyện ngắn trên Nam Kỳ địa phận, Phạm Thị Thu Hương, Viện Văn học; Một số vấn đề xung quanh việc dịch tác phẩm văn học Trung Quốc ở Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Quỳnh Hương, Viện Văn học; Bước đầu tìm hiểu tiểu thuyết của Ngọc Sơn, Trần Văn Trọng, Viện Văn học; Những kiếm tìm mới cho kịch bản phim truyện qua “Chơi vơi” và “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di, Trịnh Đặng Nguyên Hương, Viện Văn học; Mối quan hệ người trần thuật - tác giả trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ (nhìn từ góc độc trần thuật học), Trần Thanh Thủy, Viện phát triển bền vững vùng Trung Bộ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Số lượng tham luận và những vấn đề được đặt ra từ các tham luận này cho thấy sự phong phú, đa dạng của các vấn đề nghiên cứu, phê bình và dịch thuật. Một cuộc hội thảo đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trên mọi miền đất nước với trữ lượng vấn đề khoa học thực sự dầy dặn đã nói lên thành công của sự kiện này.
Một trong những điểm thành công, gây được niềm tin cũng như sự đánh giá cao từ giới nghiên cứu, phê bình văn học chính là cách thức tổ chức của Hội thảo. Mỗi tham luận đều được một GS, PGS, một chuyên gia phản biện và trao đổi trực tiếp ngay sau khi trình bày. Điều đó đã đem đến không khí học thuật sôi nổi, nghiêm túc của hội thảo. Phần thảo luận chung sau khi các tham luận được trình bày cũng là phần thu hút được nhiều nhất các ý kiến trao đổi, tham góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cử tọa. Ý kiến trao đổi của PGS.TS Phan Trọng Thưởng (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học), PGS.TS Nguyễn Văn Dân (Viện thông tin KHXH), PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh (Viện Văn học), PGS.TS. Trương Đăng Dung (Viện Văn học), PGS.TS Lê Phong Tuyết (Viện Văn học), PGS.TS Văn Giá (Đại học Văn hóa), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn học)… đã đưa hội thảo đi sâu hơn vào những vấn đề nghiên cứu, nhằm hướng tới việc giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề được nêu ra trên diễn đàn của Hội thảo.
Bên cạnh những tên tuổi tiền bối, nòng cốt, yếu nhân của hội thảo là những nhà nghiên cứu trẻ. Đó chính là thành công to lớn của hội thảo trong việc kết nối thế hệ, kết nối không gian bằng tinh thần học thuật và uy tín khoa học của Viện Văn học như lời PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng, Trưởng ban Tổ chức hội thảo nêu ra trong diễn văn bế mạc hội thảo. Cũng trong những đánh giá tổng kết của Viện trưởng, Hội thảo đã thực sự có chất lượng, những vấn đề đặt ra trong hội thảo là hết sức cấp thiết. Từ diễn đàn này, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cũng lưu ý có những vấn đề cần phải xem xét cụ thể, kỹ lưỡng hơn và chú trọng đến quan điểm lịch sử.
Hội thảo Nghiên cứu - Phê bình văn học hiện nay mang tầm nhìn chiến lược hướng tới sự phát triển của khoa học văn học. Nhận định quan trọng đó của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho thấy, hội thảo vẫn chưa kết thúc trong khuôn khổ thời gian làm việc, mà còn tiếp tục phát triển, trên cơ sở niềm tin và ý thức trách nhiệm khoa học của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. Sau hội thảo, những dự phóng lại tiếp tục lên đường mang theo nguồn động năng được thôi thúc từ sự kiện khoa học này.
Nguyễn Thanh Tâm
Nguồn: http://vanhocquenha.vn/view.asp?n_id=4892&n_muctin=4