Ảnh: Chân dung Tuy Lý Vương Miên Trinh
I. Tĩnh Phố thi tập tự tự
Phiên âm:
Khách hữu vấn ư dư viết: “Phù nhân chi ư thi giả, do sơn chi hữu lam, thủy chi hữu hương dã, giai nhân kỳ tâm chi động, phát chi vi thanh. Tâm động ư ai, kỳ thanh vi thê; tâm động ư hỷ, kỳ thanh vi nồng; tâm động ư lạc, kỳ thanh vi dâm; tâm động ư lạc, kỳ thanh vi hùng. Cố thi chi khả quý tại động, hoặc vi hoạt động, vi biến động, vi linh động, vi lưu động, vô phi động dã. Cổ nhân chi thi, diệc đa dĩ động kiến trường: Tạ Linh Vận đa dĩ động chi manh dã. Tào A Man đắc động chi hùng dã, Thẩm Thuyên Kỳ đắc động chi hoa dã, Tống Chi Vấn đắc động chi tinh dã, Lý Thái Bạch đắc động chi ảo dã, Đỗ Tử Mỹ đắc động chi cực dã. Thị số diệc túc trưng dã. Túc hạ hà thủ ư tĩnh, nhi dĩ tĩnh danh phố, dĩ Tĩnh Phố danh thi hồ. Ức hữu sở thuyết hồ, kính tương tẩy nhĩ !”.
Dư viết: “Hữu thi chi động dã, cố dư bất năng nhiên, diệc bất nguyện học dã. Tử hà ức tĩnh chi thậm da ? Cổ nhân diệc hữu chi dã: Đào Uyên Minh chi thần dã, Tả Thái Xung chi cao dã, Vương Ma Cật chi khoáng dã, Mạnh Hạo Nhiên chi viễn dã, Vi Ứng Vật chi đạm dã, Trữ Quang Hy chi hậu dã, phi tĩnh da ? Tức thủy chi ư ba, điểu chi ư thanh, cố kỳ động dã, sơn chi ư lam, hoa chi ư hương, diệc động nhi sinh da? Thử khả kiến động chi bất năng thiện trường, nhi tĩnh phi bất giai diệu dã. Nhiên dư ô đắc cổ nhân chi tĩnh hồ, diệc nguyện học chi nhĩ ! Dư tính lỗ nhi chuyết, động triếp kiến vưu, bất như tĩnh chi tàng chuyết, nhi quả vưu dã. Kỳ dĩ tĩnh danh phố, dĩ Tĩnh Phố danh thi, bất diệc nghi hồ ? Khách duy duy nhi thoái, dư toại biện vấn đáp chi từ ư quyển đoạn vân”. (Miên Trinh Tĩnh Phố thi tập tự tự, trích từ Vĩ Dã hợp tập(1).
Dịch nghĩa:
Có một ông khách tới hỏi tôi rằng: “Phàm người ta đối với thơ, cũng như núi có sương, nước có sóng, chim có tiếng hót, hoa cỏ có mùi thơm, ấy đều bởi lòng
người xúc động mà phát ra cả. Lòng người (tâm) cảm bởi đau thương, thì phát ra thanh âm bi thảm; mừng rỡ thì thanh âm nồng nàn; vui sướng thì thanh âm quyến rũ; tức giận thì thanh âm hùng tráng. Cho nên cái quý của thơ là ở chỗ “động”, (cái động ấy) có thể là hoạt động, là lưu động, là linh động, là biến động, thực không có gì ngoài cái “động” vậy. Thơ cổ nhân cũng phần nhiều lấy “động” làm sở trường, ví như Tạ Linh Vận sở đắc cái linh diệu của “động”, Tào A Man sở đắc cái hùng vĩ của “động”, Thẩm Thuyên Kỳ sở đắc cái anh hoa của “động”, Tống Chi Vấn sở đắc cái tinh túy của “động”, Lý Thái Bạch sở đắc lẽ huyền ảo của “động”, Đỗ Tử Mỹ đạt tới tột đỉnh của “động”. Chỉ bấy nhiêu cũng chứng tỏ được “động” đối với thơ có sự quan trọng đến mức nào. Vậy thì tại sao ngài lại cứ thủ lấy cái “tĩnh”, lấy “tĩnh” đặt tên vườn là Tĩnh Phố, lại lấy Tĩnh Phố đặt tên tập thơ. Phải chăng ngài có ý đồ riêng, mong được ngài bảo cho!”.
Tôi trả lời: “Đúng là có cái động trong thơ, nhưng tôi thì không làm được thế, cũng chẳng muốn học nó. (Còn ông), tại sao ông lại coi thường cái “tĩnh”, thơ xưa cũng không hiếm, ví như cái thần của Đào Uyên Minh, cái cao khiết của Tả Thái Xung, cái khoáng đạt của Vương Ma Cật, cái xa vời của Mạnh Hạo Nhiên, cái thanh đạm của Vi Ứng Vật, cái đôn hậu của Trữ Quang Hy, tất cả chẳng phải “tĩnh” đấy sao? Sóng nước, tiếng chim, cố nhiên do “động” mà ra, nhưng sương núi, hương hoa há cũng từ “động” mà sinh ra ư ? Như vậy có thể thấy điều mà cái “động” không thể đạt tới, thì cái “tĩnh” không phải không chứng tỏ được sự ưu tú của mình. Nhưng bản thân tôi, đâu dám tự nhận đã sở đắc được cái “tĩnh” của cổ nhân, chỉ nguyện học theo mà thôi. Tôi là kẻ thô vụng, chỉ cần hơi động một cái là phạm lỗi, chi bằng chọn “tĩnh” để dưỡng vụng, vừa bớt được lỗi lầm. Vì lẽ đó, việc lấy “tĩnh” đặt tên vườn, lấy Tĩnh Phố đặt tên cho tập thơ, há chẳng phải hợp lý sao? Khách (nghe xong) gật gù rồi cáo lui, tôi liền (đem giấy bút) ghi lại đoạn vấn đáp giữa chúng tôi và đặt nó ở đầu sách”. (Bài tự đề tựa tập thơ Tĩnh Phố của Miên Trinh, trích từ Vĩ Dã hợp tập).
II. Tĩnh Phố thi tập tự tự, một tuyên ngôn nghệ thuật của Miên Trinh
Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897) tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, còn có hiệu là Vĩ Dạ, là con thứ mười một của Hoàng đế Minh Mạng và bà phi Lê Tiệp dư. Vốn tư chất thông minh, bản tính chăm chỉ, lại thêm sự dạy bảo tới nơi tới chốn của từ mẫu; nên ngay từ nhỏ, Miên Trinh đã tỏ ra vượt trội trong đám anh em, vì vậy đương thời được vua cha yêu quý hơn cả. Sự sủng ái này được Miên Thẩm, anh kế ông, miêu tả bằng hai câu trong Minh Mạng cung từ:
“Bất thị Miên Trinh kim tật bệnh,
Thử gian hà xứ đắc thiên hương”
(Ví nếu Miên Trinh nay chẳng ốm,
Chốn này bao giờ được hưởng hương trời).
Miên Trinh là đứa con cưng của vương triều Nguyễn, ngoài tư cách một chính trị gia kém thành công, đương thời ông còn là nhà thơ, nhà lý luận khá nổi tiếng. Về thơ, ông có tập Tĩnh Phố thi tập, bài dịch trên đây chính là bài mà tác giả tự đề tựa cho tập thơ của mình.
Ngô Nạp trong Văn chương biện thể nói: “Nhĩ nhã vân: “Tự, tự dã”. Tự chi thể, thủy ư Thi chi Đại tự, thủ ngôn lục nghĩa, thứ ngôn Phong Nhã chi biến, hựu thứ ngôn Nhị Nam vương hóa chi tự. Kỳ ngôn thứ đệ hữu tự, cố vị chi tự dã”. [Sách Nhĩ nhã nói: “Tự, có nghĩa là đầu mối”. Tự bắt đầu với Đại tự trong Thi kinh, (bài tự ấy) trước hết nói về lục nghĩa (phong, phú, tỷ, hứng, nhã, tụng), tiếp đó nói về sự biến hóa của Phong Nhã, tiếp đó nói đến sự giáo hóa bắt đầu từ vua qua Chu nam và Thiệu nam. Những lời ấy có thứ tự trước sau, cho nên gọi nó là tự].
Lại nói: “Đông Lai vân: “Phàm tự văn tịch, đương tự tác giả chi ý... hựu đương tùy sư dĩ tư kỳ thực dã”... Cận thế ứng dụng, duy tặng tống vi thạnh”. (“Lữ Đông Lai nói rằng: “Phàm viết bài tựa cho sách vở, nên theo thứ tự nói rõ ý của tác giả, ... lại nên tùy theo sự việc mà nói rõ sự thực”... Gần đây người ta đem loại thể ấy ra ứng dụng, chuyên dùng cho văn nhân tặng nhau”).
Sách Văn thể minh biện của Từ Sơ Tăng khi đề cập đến thể loại tự chép rằng: “Tự... kỳ vi thể hữu nhị: nhất viết nghị luận, nhị viết tự sự”. (“Tự... thể loại của nó có hai, một là nghị luận, một là tự sự”).
Tự là lời giới thiệu thường đặt ở đầu sách (có trường hợp đặt cuối sách, nhất là thời cổ, ví như Sử ký, Văn tâm điêu long...), khái niệm này phân biệt với hình thức tặng tự thịnh hành từ Đường Tống về sau. Tự là lời giới thiệu viết cho sách, tặng tự là thư từ qua lại giữa văn nhân. Về mặt nội dung, tự có thể là nghị luận, có thể là tự sự, có thể bao gồm cả hai, bài tự của Miên Trinh chính viết theo hướng nghị luận.
Trên đây đã nói, Miên Trinh là thi sĩ, là nhà lý luận có tài, ở bài tựa này, chúng ta còn chứng kiến ở ông một lối văn hùng hồn như thác chảy, đề tài tuy khó mà kỹ pháp có thể nói là vượt quá tiền nhân. Tự luận thơ xưa nay không hiếm, nhưng viết được như bài tựa này, quả là rất ít, theo tôi đây có thể coi là bài tựa hay nhất trong thể loại tự dưới triều Nguyễn.
Về quan điểm thi học của Miên Trinh, trong Luận thi trát tử ông viết: “Thần huynh Tùng Quốc công Miên Thẩm thi vân: “Cách cao vận viễn Thanh Khâu tử, cốt trọng thần hàn Tàm Vĩ Ông. Dục bả Trường Châu luận khí lực, hận cừ Tuyên Vũ tự Tư Không”. Thần dĩ vi tri ngôn”. (Anh thần là Tùng Quốc công Miên Thẩm có thơ rằng: “Thanh Khâu tử luận thơ coi trọng cách cao vận viễn, Tàm Vĩ Ông luận thi coi trọng thi cốt thần hàn. Muốn lấy Trường Châu để luận khí lực của thơ, ghét nỗi ông ta quen thói bắt chước”. Thần cho đó là tri ngôn vậy).
Thanh Khâu tử tức học giả đầu đời Minh là Cao Khải, họ Cao luận thơ chú trọng ba yếu tố “cách”, “ý” và “thú”. Trong Độc Am tập tự ông viết: “Thi chi yếu hữu tam, viết cách, viết ý, viết thú nhi dĩ. Cách dĩ biện kỳ thể, ý dĩ đạt kỳ tình, thú dĩ trăn kỳ diệu dã”. (“Điều cốt yếu của thơ có ba, đó là cách, ý và thú. Cách dùng để biện thể, ý dùng để đạt tình, thú tức yêu cầu thơ đạt đến mức kỳ diệu vậy”). Việc đặt “cách” lên hàng đầu không phải đến Cao Khải mới có, mà nó đã bắt đầu từ Thương lang thi thoại của Nghiêm Vũ, đây cũng là nội dung cơ bản của phái phục cổ tiền hậu thất tử đời Minh.
Tàm Vĩ Ông tức học giả đời Thanh Vương Sĩ Trinh, thuyết thần vận trong thơ tuy có nguồn gốc xa xưa, nhưng phải đến tay ông mới định hình và phát triển. Trường Châu ở đây chỉ học giả đời Thanh là Thẩm Đức Tiềm, ông người Trường Châu, Giang Nam. Trong Trùng đính Đường thi biệt tài tập tự, ông viết: “Tân Thành Vương Nguyễn Đình Thượng thư tuyển Đường hiền tam muội tập, thủ Tư Không Biểu thánh ‘bất trước nhất tự, tận đắc phong lưu’ Nghiêm Thương Lang ‘linh dương quải giác, vô tích khả cầu’ chi ý, cái vị tại diêm toan chi ngoại dã. Nhi ư Đỗ Thiếu Lăng sở vân ‘kình ngư bích hải’, Hàn Xương Lê sở vân‘cự nhận ma thiên’ giả, hoặc vị chi cập. Dư nhân thủ Đỗ, Hàn ngữ ý định Đường thi biệt tài, nhi Tân Thành sở thủ, diệc kiêm cập yên”. (Thượng thư Vương Nguyễn Đình (tức Vương Sĩ Trinh) người Tân Thành tuyển Đường hiền tam muội tập, lấy ý của Tư Không Đồ, ‘bất trước nhất tự, tận đắc phong lưu’ và của Nghiêm Thương Lang ‘linh dương gõ sừng, không lưu dấu vết’ ấy là nói thơ ở ngoài cái chua mặn vậy. Còn như ‘cá kình biển xanh’ của Đỗ Thiếu Lăng, 'gươm lớn mài trời' của Hàn Xương Lê thì hầu như không nhắc tới. Tôn nhân đó lấy ý của Hàn, Đỗ làm chuẩn, soạn cuốn Đường thi biệt tài, còn những gì mà Nguyễn Đình đã tuyển, thì cũng tuyển một số vào đây).
Thẩm Đức Tiềm là người có công định hình thuyết cách điệu ở Trung Quốc. Nói đến cách điệu là nói đến xu hướng trọng Đường khinh Tống. Trong hoàn cảnh phái Thần vận độc tôn Vương (Duy), Mạnh (Hạo Nhiên), phái Tống thi độc tôn Tô (Thức), Hoàng (Đình Kiên), thì Thẩm Đức Tiềm đem Lý Bạch, Đỗ Phủ làm đối tượng học tập cao nhất của mình. Nhưng lý luận mà họ Thẩm đưa ra hầu hết đã thấy ở tiền hậu thất tử đời Minh, nên Miên Thẩm dù tiếp thu mặt khí cách từ ông, nhưng vẫn tỏ thái độ dè dặt.
Như vậy có thể thấy thi luận của Miên Thẩm bao gồm ba thành tố: một là “cách”, hai là “thần vận” và ba là “Trường Châu khí lực”. “Khí lực” ấy chính là khí cách, chính là cái hùng hồn bao la, là cái hùng vĩ của khí tượng, cảnh tượng trong thơ, một đặc điểm không có ở thần vận.
Với thuyết thần vận, Miên Thẩm nhìn thấy ở đó cái nhã, một yếu tố mà ông coi là bắt buộc đối với thơ văn. Trong Thương Sơn thi thoại ông nói: “Thi chi tân, hữu dụng cổ nhân ngữ nhi phiên cải nhất nhị tự nhi dũ tân giả. Viên Mai, Triệu Dực bất năng tri thử, chuyên hiếu sưu dịch tục sự, nhân sở bất tiết, toại dĩ tương căng hủ. Thử phi cổ nhân vi cập ngôn, nãi yếm khí kỳ thiển cận nhi bất thủ dã. Tuy nhiên, cứu nhị gia thi tập, diệc hà thường xuất cổ nhân ngôn ngữ chi ngoại tai ? Kiến văn bất quảng dã”. (Cái mới của thơ là ở chỗ dùng thơ của cổ nhân sửa đi một vài chữ làm cho câu thơ càng mới. Viên Mai, Triệu Dực không biết điều đó, chỉ thích thu thập tục sự, những việc mà người ta không thèm để ý tới, xong rồi tự khoe khoang với nhau. Lỗi này không phải người xưa không nói, nhưng bọn họ coi đó là thiển cận mà không chịu sửa. Nhưng xét thi tập của hai nhà ấy, cũng không ra ngoài thơ của người xưa, ấy do bởi thiếu kiến văn mà ra cả).
Trong Tùy Viên thi thoại bổ di tự, Miên Thẩm phê phán nhược điểm của thuyết thần vận: “Thi thủy ư Ngu Thuấn, biên ư Khổng Tử. Ngô nho bất phụng lưỡng thánh nhân chi giáo, nhi viện dẫn Phật Lão, hà da? Nguyễn Đình hiếu dĩ Thiền ngộ, thử thi nhân phụng vi chí luận. Dư bác chi viết: Mao thi tam bách thiên, khải phi tuyệt điệu? Bất tri nhĩ thời Thiền tại hà xứ, Phật tại hà phương? Nhân bất năng đáp”. (Thi bắt đầu từ Ngu Thuấn, thành sách từ Khổng Tử. Nhà Nho chúng ta chẳng chịu nghe lời giáo huấn của hai bậc thánh nhân ấy, lại đi viện dẫn Phật Lão xa xôi, ấy là vì sao vậy? Nguyễn Đình thích “dĩ thiền ngụ thi”, các nhà thơ đều cho đó là chân lý. Tôi hỏi ngược lại họ rằng: “Kinh Thi 3000 thiên, há chẳng phải là tuyệt điệu sao? Không biết khi ấy Thiền ở đâu, Phật ở đâu? Mọi người không ai đáp được).
Trên đây là một số đặc trưng cơ bản về quan niệm thi học của Miên Thẩm. Quan niệm về thơ ca của Miên Trinh, như trên đã nói, về cơ bản thống nhất với quan điểm này. Nhưng từ những điều đã phân tích, kết hợp với bài dịch ở trên, chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa họ. Quan điểm “động”, “tĩnh” mà Miên Trinh nêu ra, ấy chẳng qua là biến tướng của thần vận và cách điệu. Nếu Miên Thẩm là sự tổng hòa của thần vận và cách điệu, thì Miên Trinh hoàn toàn ngả sang thần vận, ấy là xu hướng đề cao cái “tĩnh”, đề cao thi ca Đào Uyên Minh, Vương Ma Cật, Mạnh Hạo Nhiên, Vi Ứng Vật,... Quan điểm của Miên Trinh về thơ ca là quan điểm tiến bộ, nó trả về cho thi ca giá trị nghệ thuật đích thực, có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy sáng tác, tạo đỉnh cao của thi ca chữ Hán trong giai đoạn này. Quan điểm thi học của Miên Trinh thực chất được xây dựng trên cơ sở lý luận của Miên Thẩm, đây cũng là nét chung của một số quan niệm về thi học khác thời này, nhất là ở các thi gia thuộc hoàng tộc triều Nguyễn. Quan niệm thi học của Miên Trinh trong tương quan với các quan niệm khác thời này thế nào, được tiếp thu và phản ứng ra sao? Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp khác để đề cập đến vấn đề này.
Chú thích:
(1) Dùng theo Vĩ Dã hợp tập, bản lưu trữ tại Thư viện KHXH, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu HNv.232./
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 2 (75) 2006, tr. 45-49