I. Luận thi thi, vài nét về quá trình hình thành và phát triển Dùng hình thức văn vần (vận văn, thơ) để thuyết văn đàm nghệ hoàn toàn không phải chỉ có trong văn học Trung Quốc.
Trong văn học phương Tây, như chúng ta thấy, nhà thơ La Mã cổ đại Horace (Quintus Horatius Flaccus), trong lá thư dài viết cho cha con Piso, tác phẩm được người đời sau mệnh danh là Poetics (Ars Poetica) của mình đã dùng thơ để bàn luận những vấn đề quan trọng về lý luận thơ và kịch. Cuối thế kỷ 17 (1674), nhà lý luận người Pháp Boileau (Nicholas Boileau-Despréaux) trong L’Art Poétique cũng mô phỏng cách làm của Horace, dùng hình thức thơ để bàn luận về những nguyên lý trong sáng tác của chủ nghĩa cổ điển. Đầu thế kỷ 18 (1711), nhà lý luận người Anh Alexander Pope trong bộ Essay on Critcism tiếp tục kế thừa thành tựu của Boileau, dùng thơ để bàn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và tự nhiên. Những tác phẩm nêu trên đều là những trước tác quan trọng và nổi tiếng trong lịch sử phê bình văn học phương Tây, nhưng nói cho cùng, việc dùng thơ để luận văn đàm nghệ, không đâu phong phú hơn, được vận dụng linh hoạt hơn trong văn học Trung Quốc. Ở đây việc dùng vận văn để luận văn đàm nghệ không chỉ hạn chế ở hình thức thơ, mà còn xuất hiện nhiều hình thức khác như dùng phú để luận phú (luận phú phú), dùng từ để luận từ (luận từ từ), dùng khúc để luận khúc (luận khúc khúc); nhưng tiêu biểu nhất, phong phú đa dạng về nội dung và hình thức nhất phải kể đến việc dùng thơ để luận thơ, hay còn gọi là luận thi thi. Cũng cần nói rõ, ngoài việc dùng thơ để luận thơ, người Trung Quốc xưa còn dùng thơ để luận khúc, luận từ, luận phú, luận thư pháp, luận hội họa, luận ấn chương, thậm chí còn dùng để phẩm bình danh lam thắng cảnh, bình phẩm việc tàng thư, nói chung tất cả mọi việc thuộc “văn nhân nhã sự” đều có thể lấy thơ để bàn bạc. Thế nên, có thể khẳng định rằng, luận thi thi là một trong những hình thức phê bình văn học quan trọng trong phê bình văn học Trung Quốc.Thường trong một bài thơ xuất hiện một vài câu bàn luận về thơ, hình thức này đã có từ rất sớm trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ví dụ, bài thơ Cát luỹ thuộc Ngụy phong trong Thi kinh có câu: “Vì người đàn bà này tâm địa hẹp hòi, lòng dạ xấu xa; cho nên tôi làm bài thơ này để chỉ trích.” (維是褊心,是以為刺。Duy thị biển tâm, thị dĩ vi thứ.) Bài Tứ nguyệt trong Tiểu nhã có câu: “Nay ta viết bài ca này, đem nỗi bi ai trong lòng thổ lộ ra.”(君子作歌,維以告哀。Quân tử tác ca, duy dĩ cáo ai.) Bài Tung cao trong Đại nhã có câu: “Cát Phủ sáng tác bài thơ này; lời thơ dài, tình thơ sâu nặng. Khúc điệu điển nhã âm tiết đẹp đẽ; đem tặng cho Thân Bá.” (吉甫作誦,其實孔碩,其風肆好,以贈申伯。Cát Phủ tác tụng, kỳ thi khổng thạc. Kỳ phong tứ hảo,dĩ tặng Thân bá)….Đây có thể coi là những câu thơ dùng để luận thơ sớm nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Thế nhưng luận thi thi hiểu theo nghĩa thuần túy, tức hiểu theo một hình thức phê bình văn học thì phải mãi đến Hý vi lục tuyệt cú 戲為六絕句của Đỗ Phủ ra đời mới chính thức được thành lập.Với tư cách là tác phẩm mở màn cho hình thức luận thi tuyệt cú (“開論詩絕句之端khai luận thi tuyệt cú chi đoan”(1)), Hý vi lục tuyệt cú của Đỗ Phủ để lại dấu ấn cực lớn lên phương thức phê bình văn học này ở giai đoạn sau, có thể nêu ra một số điểm nổi bật như sau:Thứ nhất, Hý vi lục tuyệt cú dùng hình thức thất ngôn tuyệt cú để luận thi, mặc dù chúng ta còn thấy sự tham gia không ít của các thể thơ như ngũ cổ, thất cổ, ngũ luật, thất luật, bài luật… nhưng chung quy hình thức tuyệt cú vẫn chiếm ưu thế nhất. Thế nên, xưa nay các tuyển bản, chú thích, nghiên cứu phần lớn đều lấy tuyệt cú làm đối tượng. Ví dụ, học giả đời Thanh Tông Đình Phụ có Cổ kim luận thi tuyệt cú古今論詩絕句, Quách Thiệu Ngu, Tiền Trọng Liên và Vương Cự Thường có bộ Vạn thủ luận thi tuyệt cú萬首論詩絕句, Ngô Thế Thường có Luận thi tuyệt cú nhị thập chủng tập chú論詩絕句二十種輯注, Dương Xuân Thu có Lịch đại luận thi tuyệt cú tuyển歷代論詩絕句選, học giả Đài Loan Chu Ích Trung có chuyên tác Luận thi tuyệt cú phát triển chi nghiên cứu論詩絕句發展之研究. Chỉ với một số tác phẩm vừa nêu, cũng có thể thấy rõ ưu thế tuyệt đối của thể thơ tuyệt cú ở lĩnh vực này.Thứ hai, cũng do ảnh hưởng của Hý vi lục tuyệt cú, các trước tác luận thi thi đời sau cũng thường lấy chữ “hý” để mệnh danh. Ví dụ, ở đời Thanh, Tiền Khiêm Ích có Diêu Thúc Tường quá Minh Phát đường cộng luận cận đại từ nhân hý tác tuyệt cú thập lục thủ姚叔祥過明發堂共論近代詞人戲作絕句十六首, Vương Sĩ Trinh có Hý phỏng Nguyên Di Sơn luận thi tuyệt cú tam thập nhị thủ戲仿元遺山論詩絕句三十二首, Viên Mai có Khảo cứ chi học mạc thịnh ư Tống dĩ hậu nhi cận kim vi vưu dư khánh chi hý phỏng Thái Bạch Trào Lỗ nho nhất thủ考據之學莫盛於宋以後而近今為尤余慶之戲仿太白嘲魯儒一首, Triệu Dực có Liên nhật phiên duyệt tiền nhân thi hý tác phỏng Tử Tài thể連日翻閱前人詩戲作仿子才體, Hoàng Thừa Cát có Hý đề mỗ quân tập戲題某君集, Phan Đức Dư có Hạ nhật Trần Định hiên trung thủ cận nhân thi tập túng lãm chi hý vi tuyệt cú夏日塵定軒中取近人詩集縱覽之戲為絕句, Trần Diễn có Hý dụng thướng hạ bình vận tác luận thi tuyệt cú tam thập thủ戲用上下平韻作論詩絕句三十首…. Liên quan đến cách hiểu chữ “hý”, có người dựa theo câu “tiền ngôn hý chi nhĩ前言戏之耳”(2) trong thiên Dương Hóa sách Luận ngữ, cho rằng chữ “hý” chỉ mang nghĩa đùa vui, tức Đỗ Phủ hoàn toàn không có ý cho quan điểm của mình là tuyệt đối.Tiền Khiêm Ích chỉ rõ, “lấy tên bài là ‘hý’ chứng tỏ quan điểm của tác giả đưa ra còn có thể thương xác bàn bạc, hoàn toàn không muốn tự cho ý kiến của mình là đúng.”(3) Nói tóm lại, luận thi thi lấy tựa thơ là “hý” thực đều mang nghĩa khiêm tốn, trước khi bình luận tác phẩm của người khác, người bình thường biểu hiện sự khiêm tốn sau đó mới chính thức đi vào bình phẩm, đây là điểm đặc biệt cũng là điểm ưu việt của văn luận Trung Quốc.Thứ ba, nhìn từ góc độ mỹ học, tuyệt cú là thể thơ khó đưa nghị luận vào nhất, nói như Thẩm Đức Tiềm đời Thanh “thể thất ngôn tứ tuyệt quý lời thơ tinh tế, ý chỉ sâu xa, lời cạn mà tình chan chứa, khác nào đàn sắt gảy nơi tôn miếu, lời tuy dứt mà ý còn dư”(4), nhưng luận thi thi lại hết sức cần đem nghị luận vào thơ. Điều này yêu cầu thơ tứ tuyệt của Đỗ Phủ tất yếu phải có sự cách tân so với thể tứ tuyệt truyền thống. Cừu Triệu Ngao trong Đỗ thi tường chú 杜詩詳注chỉ rõ: “Thơ tuyệt cú của Thiếu Lăng phần nhiều tung hoành hồi đãng, giỏi đem ý nghĩ trong lòng thông qua nghị luận bày tỏ ra; khí cách tài tình hoàn toàn khác điệu thường, không chỉ lấy phong vận làm thế mạnh vậy.”(5) Tiền Đại Hân nói: “Nguyên Di Sơn Luận thi tuyệt cú nói cho cùng đều phỏng Thiếu Lăng Hý vi lục tuyệt cú mà ra. Sau khi Vương Sĩ Trinh phỏng theo thể của Di Sơn, người đời tranh nhau mô phỏng, kế đó Tống Mục Trọng, Chu Tích Sưởng lại lấy đó để luận họa, Lệ Thái Hồng lấy đó để luận từ, luận ấn chương, cứ liên tục như thế tạo thành một phái mới trong thơ thất tuyệt.”(6) Như vậy, thể nghị luận trong thơ tuyệt cú là do Đỗ Phủ sáng lập, trong đó Hý vi lục tuyệt cú được coi là đại biểu ưu tú nhất, đồng thời có ảnh hưởng cực lớn tới thơ tứ tuyệt đời sau, đặc biệt là hình thức luận thi thi.Thứ tư, Hý vi lục tuyệt cú tuy là 6 bài tứ tuyệt kết hợp tạo thành, nhưng sự kết hợp này hoàn toàn không lỏng lẻo mà hết sức chặt chẽ, phục vụ cho một tư tưởng thi học chung, đó là “biệt tài ngụy thể” và “chuyển ích đa sư”. Điều này có ảnh hưởng lớn đến hình thức luận thi thi ở các đời sau, dẫu rằng các bài thơ trong tổ hợp không nhất thiết phải phục vụ cho một tư tưởng hay tôn chỉ thi học nhất định nữa, nhưng hình thức tổ hợp đã trở thành một hình thức cố định vĩnh viễn cho luận thi thi.Sau khi Hy vi lục tuyệt cú ra đời, hình thức luận thi thi vẫn tiếp tục được kế thừa và phát triển, hai tác phẩm được coi là kế thừa và phát huy một cách xuất sắc thành tựu của Đỗ Phủ là Luận thi thập tuyệt của Đái Phục Cổ đời Tống và Luận thi tam thập thủ của Nguyên Hảo Vấn đời Nguyên. Hai tác phẩm nói trên một thiên về lý luận, một thiên về bình luận cao thấp giữa các nhà thơ, nhưng trong quá trình bình luận các tác gia cũng thiết cập rất nhiều đến lý luận thơ ca. Nhìn chung, luận thi thi đời sau hoàn toàn không đi ra ngoài hai phạm vi nói trên.Luận thi thi phát triển đến đầu đời Thanh thì có sự đột biến cả về lượng lẫn chất, trào lưu phát triển này không chỉ tạo nên một thành tựu đồ sộ về luận thi thi cho lý luận và phê bình văn học Trung Quốc, đồng thời còn ảnh hưởng tới các nền văn học khác thuộc thế giới Hán hoá trong đó có Việt Nam. II. Tình hình dùng thơ để luận thơ trong văn học Việt NamTrần Thánh Tông trong bài Hạnh An Bang phủ幸安邦府có câu “Vạn tượng sinh hào đoan萬象生毫端”(7), ý là “Muôn nghìn hình ảnh nảy ra dưới đầu ngọn bút”; Trần Nhân Tông trong bài Đại Giác thần quang tự 大覺神光寺có câu “thập nhị lâu đài khai họa trục, tam thiên thế giới nhập thi mâu十二樓臺開畫軸,三千世界入詩眸”(8), nghĩa là “Cuốn tranh vẽ mở ra mười hai toà lâu đài, con mắt thơ thu về ba nghìn thế giới”; Nguyễn Phi Khanh trong Bồi Băng Hồ tướng công du xuân giang 陪冰壺相公遊春江có câu “Thanh thi ngư điểu cộng, giai cú chỉ lan hương清詩魚鳥共,佳句芝蘭香”(9), ý là “Thơ thanh nhã cá chim cùng thưởng vị, câu thơ hay có hương thơm như hoa chỉ hoa lan”; Phạm Nhữ Dực trong Tầm mai kiều ngoạn nguyệt 尋梅橋玩月có câu “Nhân gian thử cảnh thùy miêu đắc, tá dữ thi ông vị tả chân人間此景誰描得,借與詩翁為寫真”(10), nghĩa là “Cảnh nhân gian này ai có thể vẽ nên được, hãy cho nhà thơ mượn để tả chân”…. Những bài thơ có những câu thơ trình bày những kiến giải về thơ trên đây trong văn học Việt Nam rất nhiều, các nhà nghiên cứu từ lâu cũng đã chú ý khai thác chúng khi đi vào nghiên cứu, nhưng nói cho cùng, đây vẫn chưa phải là những bài luận thi thi mang ý nghĩa thuần tuý. Vậy luận thi thi mang ý nghĩa thuần tuý trong văn học Việt Nam bắt đầu từ khi nào? Qua khảo cứu một số tập thơ còn lưu giữ cộng thêm phán đoán chủ quan, chúng tôi cho rằng, hoạt động này chỉ bắt đầu vào đầu triều Nguyễn, với sự góp mặt của các tay bút như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Trương Đăng Quế, Nguyễn Miên Thẩm, Nguyễn Miên Trinh, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Miên Bảo, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Miên Triện, Mai Am, Huệ Phố, Nguyễn Thuật….Trong đó, đáng chú ý nhất là sự đóng góp của anh em Miên Thẩm.Phương Đình Nguyễn Văn Siêu trong Anh ngôn thi tập嚶言詩集có bài Miễn tác thơ勉做詩được viết như sau:Ngộ nhân bất thiển thị thi danh,Tam bách thiên trung kỷ giảng minh.Đáo để phong lưu thành phóng đãng,Túng nhiên kỳ xảo thất hoà bình.Cao sơn đại thuỷ phân hình sắc,Thu nguyệt xuân phong hội tính tình.Dục thức đắc thi chân thú vị,Tiên tương kinh điển phạm bình sinh. 誤人不淺是詩名,三百篇中幾講明。到底風流成放蕩,縱然奇巧失和平。高山大水分形色,秋月春風會性情。欲識得詩真趣味,先將經典范平生。(11)Tạm dịch là:Cái gọi thơ lâu nay khiến cho người ta ngộ nhận nhiều lắm,Ba trăm bài thơ trong Thi kinh có mấy bài được giảng rõ.Thành ra trong thiên hạ mỗi người đem thơ hiểu một cách khác nhau,Sáng tác thì quá trọng cầu kỳ, xảo diệu mà mất vẻ đẹp trung hòa tự nhiên.Núi cao sông sâu phân rõ hình sắc,Gió mát trăng thanh luôn có sự gặp gỡ đặc biệt với tình cảm con người.Muốn hiểu được niềm thú vị thật sự nơi thơ,Thì hãy đem kinh điển (Nho gia) đọc thông trước đã.Nguyễn Văn Siêu trong Trang Chu luận thượng莊周論上viết: “Người ta không may sinh phải thời loạn, nếu đạo nơi họ đủ để xét nỗi thịnh suy trong thiên hạ, thì có thể trước thư lập thuyết để lưu truyền hậu thế. Nếu đạo không đủ mà lại muốn trước thuật, chung quy cũng chỉ loạn mà thôi. Phàm những người có sự tu dưỡng sâu sắc về đạo (đạo đại giả), bất đắc dĩ mới phải trước thư lập thuyết, vì thế lời của họ thường tinh giản mà nội dung không đi ra ngoài phạm vi của đạo. Còn những kẻ tu đạo chưa thành nhưng lại thích việc trước thuật, lời phát ra từ sở hiếu ắt phồn tạp vụn vặt, không ra vu khoát cũng thành kỳ quái, nhưng chính họ lại hoàn toàn không biết điều đó.” (人不幸生於衰亂,苟其道足以究天下,始可著書以言望來世。若道不足,而妄欲以言究天下,終焉亂而已矣。蓋道大者,不得已而後言,故其言約而不易乎道。道之不足者必好言,言出於好必煩而支,不流於高虛,亦流於奇詭,而終不自知也。(12))Theo Nguyễn Văn Siêu, thi văn vốn xuất phát từ đạo, nếu tu dưỡng chưa tới mà cố ý tác văn ắt sẽ rơi vào “điêu trùng chi kỹ”, để vượt qua giới hạn của “kỹ” tiến tới nắm bắt “đạo”, người làm thơ phải đem kinh điển Nho gia tự tu dưỡng, sau khi thật sự thông tỏ, mới có thể bắt tay vào tác văn, như thế tác phẩm được sáng tác ra mới có thể đạt đến vẻ đẹp “trung hoà”, cũng là tiêu chí thẩm mỹ cao nhất của Nho gia.Bài thơ Văn tất kỷ xuất文必己出của Cao Bá Quát viết:Khởi hữu điêu nhiên thủ, Nhi vi tế thát văn.Tu từ thành tại kỷ,Si tảo tất siêu quần.Phiêu thiết đồng tao phách,Thanh tân xuất điển phần.Trần ngôn như khứ thảo,Diệu chế dục lăng vân.Lam bản không ô nhĩ,Thanh tiền thục tuyển quân?Ngôn chân thành nhất tử, Bút dĩ tảo thiên quân.Tự đắc thù đồng đắc,Nhân vân mạn diệc vân.Trừ tương thiên miếu khí,Ký vọng tối tình ân.豈有雕然手,而為祭獺文。修辭誠在己,摛藻必超群。剽竊同糟粕,清新出典墳。陳言如去草,妙製欲淩雲。藍本空污爾,青錢孰選君。言真成一子,筆已掃千軍。自得殊同得,人云漫亦云,儲將天廟器,寄望最情殷。(13)Tạm dịch là:Há có đôi bàn tay khéo chạm trổ,Mà lại đi làm bài văn bằng cách chắp vá văn của người khác.Chọn lời phải thật lòng từ chính mình,Văn từ viết ra ắt hơn hẳn người khác.Đánh cắp văn đồng nghĩa với cặn bã,Câu thơ hay mới mẻ vốn từ kinh sách điển tịch mà ra.Khí văn thông thoáng ào ạt tựa như giẫy cỏ rậm,Lời văn viết ra tinh diệu như muốn vút tầng không.Lam bản hoàn toàn không để ý đến,Kẻ có tài văn xuất chúng ai thèm theo lối của anh?Buông lời chân thật có thể trở thành một nhà trong thiên hạ,Vì thế ngọn bút cũng có sức mạnh quét được nghìn quân.Cái tự mình tìm được không giống cái mà mọi người cùng được;Điều người khác đã nói mình cũng dễ dãi nhại theo,Thì chỉ đáng dùng làm đồ tế khí nơi tông miếu mà thôi.Trên đây là những lời ký vọng hết sức ân cần của tôi.Bài thơ trên có thể coi là tuyên ngôn nghệ thuật của Cao Bá Quát, quan niệm văn tự kỷ xuất, văn là sự tuôn chảy từ suối nguồn tính linh nơi mỗi con người này còn được ông thể hiện rất rõ trong Thương Sơn công thi tập hậu tự: “Phàm việc luận thi tuy vẫn phải giữ cái phép tắc của thể cách, nhưng làm thơ ắt phải bám gốc ở tính linh. Nếu việc gì cũng bắt chước, lời nào cũng mô phỏng, giả như chỉ việc chia tay vụn vặt nơi đầu thôn đã dùng ‘chén rượu Dương Quan’; lân xá vừa qua đã dùng ‘tiếng gà điếm cỏ’; gộp dụng lời thơ biên tái, khoe chỗ tuyệt diệu của Gia Châu (Sầm Tham); chau chuốt thể thơ cung đình, huênh hoang cái tiếng nối theo Thiếu Bá (Vương Xương Linh). Như thế, dẫu dùng nghìn bài chất chứa bể khổ, dẫu có trăm vần vắt kiệt từ tấc dạ héo khô, dẫu có miêu tả hết cỡ cũng hoàn toàn không liên quan gì đến tính linh vậy. ” (夫論詩雖取其格法,作詩必本於性情。若但事事效顰,言言學步;村頭小別,遂歌杯酒陽關;鄰舍暫經,即賦雞聲茅店;隱括邊詞,詫嘉州之絕調;爬搔宮體,詡少伯之嗣音。苦海或積以千篇,枯腸有竭於百韻,誇多炫得,無關性靈。(14)) Như chúng ta đã thấy, hai bài thơ nói trên tuy được xem là thuần tuý luận thi thi, nhưng về mặt thể cách vẫn chưa thật gần với hình thức luận thi tuyệt cú, một hình thức được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực luận thi thi tại Trung Quốc. Ở Việt Nam, người có ý thức dùng tuyệt cú để luận thi sớm nhất có lẽ là Trương Đăng Quế, trong Trương Quảng Khê tiên sinh thi tập, sách do con rể của ông là Tùng Thiện vương Miên Thẩm biên tập, ngoài những bài luận thi viết theo thể thất luật, chúng tôi còn tìm thấy một số bài luận thi thi viết theo thể thất tuyệt, nay tạm đem một số bài trong đó nêu ra đây. Bài Độc tiền hậu Hồng lâu mộng hữu cảm nhị thủ 讀前後紅樓夢有感二首viết:Nhàn kiểm hồng lầu kỷ mộng dư,Kim thoa thập nhị tập quần cư.Ngã liên Đại Ngọc si tình chủng,Dục bả tiền nhân khấu bích hư.Châu cung hợp thị hữu tiền duyên,Lịch tận cùng tư mộng thuỷ viên.Thiên cổ hữu tình nhân thí khán,Tối căng nghiêm xứ thị tương liên.閑檢紅樓紀夢餘,金釵十二集裙裾。我憐黛玉癡情種,欲把前因叩碧虛。珠宮合是有前因,歷盡窮思夢始圓。千古有情人試看,最矜嚴處是相憐。(15)Tạm dịch là:Nhàn xem sách Hồng lâu mộng chép mộng,Mười hai chiếc thoa vàng biểu trưng cho mười hai cô gái đẹp tụ họp nơi đây.Ta thương cho nàng Đại Ngọc quá ư si tình,Muốn đem duyên kiếp trước lên hỏi trời xanh.Nơi cõi tiên vốn đã có tiền duyên,Trải qua bao thăng trầm mộng mới kết thúc.Mọi người hãy xem cái gọi là tình cảm xưa nay,“Tương liên” vẫn là thứ tình cảm làm cho người ta dễ xúc động nhất.Hai bài thơ trên tuy chỉ mượn hình thức tuyệt cú để bàn luận những vấn đề liên quan đến danh tác Hồng lâu mộng, nhưng thể thức tuyệt cú và hình thức xuất hiện theo dạng tổ hợp của chúng thực sự rất đáng quan tâm. Bài Đề tặng Tùng Vân thi xã viết:Tùng Vân hội thượng liệt quần anh,Thùy chủ tao đàn xướng thủ minh.Thiên hạ nhân thôn quy đế nữ,Phong lưu giang hữu thuyết tam khanh.松雲會上列群英,誰主騷壇唱首明。天下人村歸帝女,風流江右說三卿。(16)Tạm dịch là:Hội thơ nơi thi xã Tùng Vân có đủ mặt anh tài văn chương trong thiên hạ,Ai là chủ Tao đàn linh hoạt dẫn dắt hoạt động ngâm vịnh của mọi người?Tài trong thiên hạ quy hết về những người con gái của vua,Đất kinh kỳ nức tiếng trong giới phong lưu có tam Khanh.Phần dưới bài thơ này có lời tự chú: “Ba công chúa em gái ngài Thương Sơn đều lấy chữ ‘khanh’ làm tên tự, phủ đệ của ngài được xây cất ở phía trước Kinh thành, bờ nam dòng sông nên gọi Giang hữu.倉山公妹三貴主俱以卿為字,別業在京城前面、江之右故云。” Lời chú tuy đơn giản nhưng lại cho chúng ta thấy một điểm khá quan trọng về mặt hình thức của luận thi thi đời Thanh, đó là, cùng với phần chính văn, xuất hiện rất nhiều chú văn hoặc tự văn, đặc trưng này xuất phát từ tính hạn chế về hình thức của luận thi thi. Thứ nhất, thể thơ tuyệt cú chỉ vỏn vẹn 4 câu, thơ luật nhiều lắm cũng chỉ 8 câu, dù cho người viết có dùng thể thức cổ thi thì cũng không thể đem tư tưởng quan điểm chủ trương của mình viết thành những trường thiên đại luận. Thứ hai, dùng thơ để viết ắt phải chịu sự ước thúc của quy luật bằng trắc cũng như gieo vần của thơ, như vậy việc biểu đạt tư tưởng không thể tự do thoải mái như tản văn, lại thêm ước thúc về số lượng chữ trong một câu, dẫn đến đôi khi người viết phải lược đầu lược đuôi, chỉ giữ lại những thành tố quan trọng nhất của câu, cách làm này thường dẫn đến sự mơ hồ về mặt nghĩa, gây ảnh hưởng không tốt cho việc lập luận. Như vậy, tự văn và chú văn được dùng chính vì mục đích loại trừ những hạn chế nói trên. Với bài thơ của Trương Đăng Quế, nêu không có lời chú, không có hiểu biết nhất định về thi xã Tùng Vân và gia đình Thương Sơn, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó hiểu, thậm chí có thể hiểu lầm về hai chữ “tam Khanh”. Như vậy, có thể nói, Trương Đăng Quế đã có khá nhiều thử nghiệm về hình thức luận thi thi, nhưng có một điều rất rõ là ông vẫn chưa dùng hai chữ “luận thi” để đặt tên cho tác phẩm của mình, công việc này phải chờ đến học trò đồng thời cũng rể quý, bạn văn chương của ông là Nguyễn Miên Thẩm mới chính thức được hoàn thành.Nguyễn Miên Thẩm có thể coi là người viết luận thi thi nhiều nhất và có nhiều bài có giá trị nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, dưới đây chúng tôi xin dẫn một vài tổ hợp để minh chứng. Luận thi đáp nhân nhị tuyệt cú 論詩答人二絕句viết:Đương sơ chỉ đạo dị ngâm thi,Lý Đỗ Sầm Vương liễu vị kỳ.Tích ngọc đôi kim không tự huyễn,Khả liên Ngô thể cánh ti ti.Biện hữu văn chương hữu tính tình,Bất quan thị vật mãi công danh.Nam môn bắc hộ thôi nguy thậm,Hạnh vi sơn nhân tích hạc thanh.當初隻道易吟詩,李杜岑王了未奇。積玉堆金空自炫,可憐吳體竟卑卑。便有文章有性情,不關是物買功名。南門北戶崔巍甚,幸為山人惜鶴聲。(17)Tạm dịch là:Ban đầu chỉ nói dễ ngâm thơ,Các thể thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Sầm Tham, Vương Xương Linh đều thông làu, hoàn toàn không cảm thấy có gì kỳ lạ khó khăn.(Đến nay mới hiểu), tất cả những gì mình đã làm xưa nay chỉ là nhả ngọc phun châu, tỉa tót câu cú để khoe khoang chính mình;Đáng thương thay đến nay vẫn chưa nắm bắt được thể thơ Ngô thể của Đỗ Phủ.Văn chương chính là tư tưởng tình cảm trong lòng con người ta bộc lộ ra,Hoàn toàn không liên quan đến việc dùng nó để đổi lấy công danh.Người đời luận thơ phân nam môn bắc hộ cao ngất,Chỉ mình ta may được làm kiếp sơn nhân lắng nghe tiếng hạc.Chùm thơ bốn bài Phụng sắc phê tuyển Thẩm Quy Ngu thi tập, nhị nguyệt thập nhị nhật khởi, lục nguyệt cửu nhật thủy hoàn, khứ nhật trình lãm, hựu tư sao đắc sổ quyển, kim dạ trùng duyệt, phục gia khuyên điểm đồ tước, nhi dĩ bỉ ý vi đề từ tứ chương, dĩ thẩm chư thẩm âm giả, hạnh thùy hòa nhi tứ giáo yên奉敕批選〈沈歸愚詩集〉,二月十二日起,六月九日始完,去日呈覽,又私鈔得數卷,今夜重閱,復加圈點塗削,而以鄙意為題辭四章,以諗諸審音者,幸垂和而賜教焉( Phụng sắc phê tuyển Thẩm Quy Ngu thi tập, bắt đầu từ ngày 12 tháng 2, hoàn thành vào ngày 9 tháng 6, hôm qua đã dâng vua, lại tự sao lại được vài quyển, đêm nay đọc lại, lại thêm khuyên điểm tẩy xoá, lại theo bỉ ý viết thành 4 bài tứ tuyệt, để thấy được cái khó của kẻ thẩm âm, mong có người họa lại và có ý chỉ giáo) được viết như sau:Duyên hoàng dạ dạ nhạn đăng hồng,Cảm đạo tha sơn thác thạch công.Dục thức Khuông Lô chân diện mục,Trừu thân hợp xuất thử sơn trung.Tài kiêm thể bị Thanh Khâu tử,Cốt trọng thần hàn Tàm Vĩ ông.Dục bả Trường Châu luận khí lực,Hận cừ Tuyên vũ tự Tư không.Viên Vương Triệu Lý đấu tân kỳ,Thương hải hoành lưu khước thị thùy?Thán tích thế vô Đào Tạ thủ,Chỉ ưng tụng đắc lão phu thi.Cân cân củ hoạch thái câu khiên,Tuy thiểu ba lan cận chính truyền.Mạc hướng Kỳ đình văn nhạc phủ,Hồng nha bất án Lý Quy Niên.鉛黃夜夜雁燈紅,敢道他山錯石工。欲識匡廬真面目,抽身合出此山中。才兼體備青丘子,骨重神寒蠶尾翁。若把長洲論格力,恨渠宣武似司空。袁王趙李鬥新奇,滄海橫流卻是誰。嘆惜世無陶謝手,秖應誦得老夫詩。斤斤榘矱太拘牽,雖少波瀾近正傳。莫向旗亭聞樂府,紅牙不按李龜年。(18)Tạm dịch là:Vì việc phê tuyển đêm đêm phải đốt đèn miệt mài công việc,Dám xưng là người thợ đẽo ngọc ở núi khác!Muốn rõ bản lai diện mục của núi Lư,Trước hết nên dứt mình ra khỏi ngọn núi này.Cao Khải đời Minh tài cao, thơ ông kiêm sở trường của mọi nhà;Thơ Vương Sĩ Trinh đời Thanh cốt trọng thần hàn, cực giàu tính biểu cảm.Muốn đem khí lực trong thơ Thẩm Đức Tiềm để tăng thêm khí lực cho thơ,Hận nỗi thơ ông vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn là mô phỏng quá mức.Bọn Viên Mai, Vương Văn Trị, Triệu Dực, Lý Điệu Nguyên đua nhau tìm kiếm sự mới mẻ kỳ lạ trong thơ;Bậc đại gia có ảnh hưởng lớn trong làng thơ hiện nay là ai?Than tiếc đời nay không có bậc cự phách như Đào Uyên Minh, Tạ Linh Vận;Đành phải đọc thơ của lão phu họ Thẩm này mà thôi.Thơ Thẩm thị quá bị câu thúc bởi phép tắc,Tuy thiếu phần linh hoạt biến hoán nhưng giữ được đạo chính trong thơ xưa.Nhưng chớ có nghe nhạc phủ của ông ta,Vì nhạc phủ của ông ta đã khác xa những điệu nhạc của Lý Quy Niên ngày xưa.Chùm thơ bốn bài có cách đặt tên dài chẳng khác một lời tựa, cộng thêm ở các bài thứ 2, 3 và 4 đều có thêm chú văn. Ví dụ ở bài số 2, sau câu số 3 có chú “Thanh Cao tông (Càn Long) tựa Quy Ngu tập nói rằng, thơ Quy Ngu vượt hẳn thơ của Cao Thanh Khâu và Vương Sĩ Trinh, không có lĩnh vực nào thua kém vậy” (清高尊序《歸愚集》謂比之青丘高季迪、漁洋王貽上有過之,無不及也) ; ở bài số 4 sau câu cuối chú rằng “Tra Vi Nhân người đất Uyên Bình trong Liêm Pha thi thoại cho rằng, Thẩm Đức Tiềm rất giỏi nhạc phủ, ý này hoàn toàn trái ngược với ý tôi.”(宛平查為仁《蓮坡詩話》,謂長洲沈確士樂府尤為擅場,最與鄙意不合) Có thể thấy rất rõ, Miên Thẩm hoàn toàn không đề cao thơ cũng như quan điểm thi học của Thẩm Đức Tiềm, cùng với việc đề cao thuyết thần vận của Vương Sĩ Trinh, ý định muốn lấy khí lực nơi thơ Thẩm Đức Tiềm để bổ sung về mặt khí cách cho thơ cũng trở thành hình thức, vì ai cũng biết khí lực rất có thể sẽ phá vỡ lối thơ thần vận.Chùm thơ Hý đề Viên Mai Tiểu Thương Sơn phòng thi tập tam thủ戲題袁枚小倉山房詩集三首, trong đó bài thứ ba được viết như sau:Văn nhân ngạo tịch lệ tương khinh,Hủy dự đô vong các tính tình.Đãn hữu thiên thu công luận tại,Nhậm khanh quân ngã ngã khanh khanh.文人傲習例相輕,毀譽都忘各性情。但有千秋公論在,任卿君我我卿卿。(19)Tạm dịch là:Văn nhân xưa nay vốn có tật chê bai khích bác nhau,Trong khi sỉ vả hạ thấp danh dự của nhau, người ta quên mất văn chương xét cho cùng chỉ là tư tưởng tình cảm trong lòng mỗi người bộc lộ ra mà thôi.Duy chỉ có cán cân thời gian,Mới có thể giải quyết được những tranh luận kiểu anh anh tôi tôi.Là một người chủ trương thuyết thần vận, Nguyễn Miên Thẩm vốn không ưa mớ học thuyết tính linh mà Viên Mai, Triệu Dực đề ra. Thế nên, trong Thương Sơn thi thoại ông viết: “Cái mới của thơ nhiều khi chỉ cần đem lời của cổ nhân sửa lại vài chữ mà thành hay. Bọn Viên Mai, Triệu Dực không biết như vậy, lại chuyên tìm tòi tục sự, những chuyện vặt vãnh mà người đời không thèm để mắt tới, rồi tự khoe khoang với nhau cho là hay. Những điều này không phải người xưa chưa nói đến, mà do ghét sự thô lậu của nó mà không nói đó thôi. Tuy vậy, xét thi tập của hai nhà ấy cũng không ra ngoài lời nói của cổ nhân, chỉ tại thiếu kiến văn mà ra cả. ”(詩之新有用古人語而翻改一二字而愈新者。袁枚、趙翼不能知此,專好搜剔俗事,人所不屑,遂以相矜詡。此非古人未及言,乃厭棄其淺近而不取也。雖然,究二家詩集,亦何嘗出古人言語之外哉?見聞不廣故也(20)).Bài thơ trên biểu lộ sự bất mãn của Miên Thẩm trước việc Viên Mai sau khi thành lập thi phái, đã liên tục tấn công các thi phái đương thời như cách điệu, thần vận, điển cố, thanh điệu….Miên Thẩm còn có bài Đề Đường hiền tam muội tập題唐賢三昧集, viết theo thể ngũ ngôn luật rất đáng chú ý:Tuyệt mạo khứ châu duyên,Phương tâm huýnh tự nhiên.Thần thê Biểu Thánh luận,Tinh giản Thịnh Đường hiền.Thủy nguyệt sơ vô tích,Thiên hoa bất trước thiền.Dục tri huyền ngoại diệu,Ma Cật hợp cư tiên.絕貌去朱鉛,芳心迥自然。神棲表聖論,精揀盛唐賢。水月初無迹,天花不著禪。欲知絃外妙,摩詰合居先。(21)Tạm dịch là:Tuyệt mạo là bỏ đi tất cả màu sắc sặc sỡ,Tình cảm biểu đạt trong các tác phẩm hết sức tự nhiên.Vương Sĩ Trinh đã lấy quan điểm thi học của Tư Không ĐồLàm tiêu chí cho việc tinh tuyển các nhà thơ Thịnh Đường.Thủy nguyệt ban đầu hoàn toàn không có hình tích,Thiên hoa hoàn toàn không liên hệ gì tới thiền.Muốn biết sự huyền diệu bên ngoài tiếng đàn,Xin hãy bắt đầu bằng cách đọc thơ của Vương Ma Cật.Bài thơ này có lời tự chú như sau: “Vương Nguyễn Đình tiên sinh chủ yếu lấy quan điểm thi học của Tư Không Đồ kiêm ý chỉ “dĩ thiền dụ thi” của Nghiêm Thương Lang làm tiêu chí, tuyển thơ Thịnh Đường tổng cộng 43 nhà, trong đó thơ Vương Duy được tuyển nhiều nhất và được đặt ở đầu sách.” (王阮亭先生取司空圖論詩之要兼以滄浪禪喻之旨錄盛唐四十三人右丞為首) Tư Không Đồ từng nói, thơ có vị, vị ở đây hiểu là “chí vị”, không liên quan đến những chua cay mặn đắng của cuộc sống. Miên Thẩm cũng nói, “phàm thơ thuộc về hứng hội (hứng đến thơ đến, hứng đi thơ đi), không thể yêu cầu thật hoàn chỉnh về mặt hình thức; người đời thường chỉ thích đem thơ gắn liền với những chua cay mặn đắng của cuộc đời.” (夫詩者,屬之興會,篇豈盡工;譬則酸鹹,人惟所嗜。(22)) Trong bài thơ thứ 13 thuộc chùm thơ Đồng chư huynh đệ du Thuý sơn kỷ sự thập ngũ thủ phân đắc hạ bình thập ngũ vận, ông viết “Thiền tâm thi cảnh diệu năng tham”, ý là “Lòng thiền có thể thâm nhập vào cảnh giới tuyệt diệu của thơ”(23). Quan điểm thi học của Miên Thẩm rõ ràng có sự thống nhất với quan điểm thi học của Tư Không Đồ và Nghiêm Thương Lang, nên bài thơ trên đây tuy chỉ là quan điểm của ông về bộ thi tuyển Đường hiền tam muội tập của Vương Sĩ Trinh, nhưng cũng có thể coi đó là một tuyên ngôn nghệ thuật.Sau Miên Thẩm, luận thi thi bắt đầu phát triển mạnh mẽ, sự chuyển biến này bắt đầu từ các nhà thơ thuộc hoàng tộc triều Nguyễn, dần dần lan ra toàn xã hội, ban đầu chỉ dùng chữ Hán để viết dần dần dùng đến cả chữ Nôm, chữ Quốc ngữ để viết. Do hạn chế của bài viết, ở đây chúng tôi xin tạm liệt kê một số bài của một số tác giả tiêu biểu như sau:Nguyễn Miên Trinh trong Vĩ Dã hợp tập có Luận thi tuyệt cú 論詩絕句(24)04 bài:Mạc ngộ luận thi hữu biệt tài,Đỗ Lăng vạn quyển bất tu khai.Nguyên nguyên bản bản xưng cai thiệm,Hiêu phúc như hà hỗn đắc lai.莫誤論詩有別裁,杜陵萬卷不須開。原原本本稱該贍,枵腹如何混得來。Đạm viễn thanh không các thiện trường,Ca thi tứ lực vị cử ương.Quỷ viên chỉ điểm hồn di sự,Công tử từ nhân lược táng vong.淡遠清空各擅場,歌詩肆力未渠央。鬼園指點渾遺事,公子詞人略喪亡。Thát tế công phu vị túc sư, Hoàng phần quỷ phủ yếu lô chuy.Phong mang diệt tận quy hồn hậu, Tín hữu nghiên kinh thập tải trì.獺祭工夫未足師,皇墳鬼腑要鐪錘。鋒芒滅盡歸渾厚,信有研京十載遲。Do lai thụ xí vô y bạng,Tự tích đăng đàn thiểu định bình.Nỗ lực hội tu cùng chính biến, Vị ưng thiên tải tuyệt trung thanh.由來樹幟無依傍,自昔登壇少定評。努力會須窮正變,未應千載絕中聲。Nguyễn Miên Bảo trong Khiêm trai thi tập có Luận thi (25)2 bài:Tự độc minh lương hỉ khởi thi,Vô đoan phong nguyệt phí tầm tư.Tân thanh kim thạch tương xao hạ,Cổ khúc huyền hoàng vị phán thì.自讀明良喜起詩,無端風月費尋思。新聲金石相敲下,古曲玄黃未判時。Bất trước châu duyên Tam đại giản,Chuyên cầu ỷ mị Lục triều ti.Tức kim liệu đắc tài tình tập,Quý ngã nan vi nhất tự sư.不著朱鉛三代簡,專求綺媚六朝卑。即今料得才情集,愧我難為一字師。Miên Bảo còn Dữ nhân luận thi (26)2 bài như sau:Cảm nhân thâm xứ tại hoà bình,Tam bách dư thiên tuyệt kế thanh.Mạc quái Nghĩa Sơn đa hảo cú, Chỉ công thát tế tự thành danh.感人深處在和平,三百餘篇絕繼聲。莫怪義山多好句,只工獺祭自成名。Khả liên tự giải thổ bì pha,Lục nghĩa vưu kham cảm thế đa.Lãng đạo tri ti Vương Giới Phủ, Kỳ như thu cúc lạc anh hà.可憐字解土皮坡,六義尤堪感世多。浪道知詩王介甫,其如秋菊落英何。”Nguyễn Miên Tuấn trong Nhã Đường thi tập có Đề Vương Ngư Dương Đái Kinh đường tập題王漁洋帶經堂集 (27)như sau:Thuyết Hạng thôi Viên mại thế tình,Dương Phong cật Nhã trọng Tân Thành.Cự phách Ngu Sơn xưng quốc thủ,Biện hương Võng thuỷ chấn gia thanh.Lực biểu thiên thu quý thần vận,Công thâm tam muội đắc tinh anh.Trừng đạm vị toàn tài lực bạc,Văn nhân hà khổ thiện tương khinh.說項推袁邁世情,揚風扢雅重新城。巨擘虞山稱國手,辨香輞水振家聲。力表千秋貴神韻,功深三昧得精英。澄澹未全才力薄,文人何苦善相輕。Ngoài bài thơ trên, Miên Tuấn còn các bài Tự đề thơ văn, Luận thi đáp vấn nhân và Hý đề Tử Tài Giản Trai thi tập tứ thủ đều rất đáng xem. Nguyễn Miên Triện trong Ước Đình tthi sao có Sao thành chuyết tập lục quyển hý thư nhị tuyệt cú 鈔成拙集六卷戲書二絕句(28)như sau:Diệu ngộ tiên tùng Thương Ẩn thi, Vãn niên thanh luật tiệm thôi tri.Nhược đồ chủ khách phân tông phái,Thử thị Thương Sơn biệt nhất chi.妙悟先從商隱詩,晚年聲律漸推知。若圖主客分宗派,此是倉山別一支。Tiền thự tháo man hậu diệp như,Hử đa ỷ ngữ tận san trừ.Trịnh thanh duy khủng thương phong hoá,Phi mộ nho lâm thái sử thư.前署操縵後葉如,許多綺語盡刪除。鄭聲惟恐傷風化,非慕儒林太史書。Nguyễn Thuật trong Diệu Liên tập có Đề Diệu Liên tập題妙蓮集(29)ba bài như sau:Thi cốt như nhân vũ dục tiên,Cánh nông hoa xứ cánh thiên nhiên.Viêm bang khuê tú tri đa thiểu,Hồng lạc thiên thu thử nhất biên.詩骨如人雨欲仙,更濃華處更天然。炎邦閨秀知多少,鴻貉千秋此一編。Quần phương hợp nhượng nhất chi nam,Giang hữu tam Khanh tối diễm đàm.Ngâm đáo Ức mai thanh vận tuyệt,Bất phướng biệt hiệu tác Mai Am.群芳合讓一枝南,江右三卿最豔談。吟到憶梅清韻絕,不妨別號作梅庵。Thi phái Thương Sơn tố đại gia,Dã tằng vịnh nhứ thiện tài hoa.Khả liên linh lạc Tùng Vân xã,Do hướng Tao đàn biệt thụ nha.詩派倉山溯大家,也曾詠絮擅才華。可憐零落松雲社,猶向騷壇別樹牙。Chu Mạnh Trinh có bài đề từ cho tập thơ Bút hoa của Phan Mạnh Danh như sau:Thiên thụ hoa thành nhất thụ hoa,Nhất gia bút hạ hữu thiên gia.Đường sơn bích ảnh nhân tranh tiễn,Thập tải thuỳ năng tọa Đạt Ma.千樹花成一樹花,一家筆下有千家。堂山壁影人爭羨,十載誰能坐達摩。(30)Một trong 2 bài tuyệt cú mà Lại bộ tham tri Trần Trinh Cáp đề từ cho tập Bút hoa được viết như sau:Thi tứ văn tâm tận tính linh, Chân tài nhân dã hội đa tình.Mộng trung nhất bút hoa sinh hậu,Giai cú truyền văn mãn Lạc kinh.詩思文心盡性靈,真才人也會多情。夢中一筆花生後,佳句傳聞滿洛京。(31)Từ khi Việt văn thịnh hành, không ít người đã dùng Việt văn để viết luận thi thi, nay xin nêu vài bài của một số học giả đề từ cho tập Bút hoa của Phan Mạnh Danh:Hiên tây lặng lẽ bóng trăng tà,Nương ngọn đèn xem quyển Bút hoa.Câu truyện tả tình hay có một,Vần thơ thích nghĩa thú bằng ba.Mấy trăm thiên đã dồn công lại,Bốn chục năm vừa ấn bản ra.Vàng ngọc của xưa son phấn mới,Giữ nền quốc tuý Việt Nam ta. (32) (Ưng Bình Thúc Giạ Thị)Lác đác cây nho mấy trái già,Sông Đằng núi Đẩu một văn gia.Nước non khéo góp tài tô điểm,Thêu gấm hàng hàng ngọn bút hoa.Sâu ngang Lý, Đỗ, giọc Tô, Đào;Vấn vít tơ tình một khúc tao.Phong nhã pha vào cung bậc cổ,Muôn thu tuyệt diệu thổng cô đào.Gây mật nhiều công chịu hút hoa,Thanh tân tuấn đạt đủ trăm nhà.Biết bao hương nhị vườn thơ Hán,Thâu lại thêu giàu nhạc phủ ta.(33) (Phú Hà Dương Bá Trạc)III. Kết luậnVới những điều đã trình bày ở trên, chúng tôi đi đến một số kết luận như sau:Thứ nhất, luận thi thi đích xác là một phương thức phê bình văn học đã từng tồn tại trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam.Thứ hai, việc khai thác và nghiên cứu luận thi thi gợi mở rất nhiều vấn đề lý luận lý thú, có giá trị bổ trợ to lớn, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu văn học và phê bình văn học Việt Nam giai đoạn cổ trung đại, một giai đoạn còn rất nhiều vấn đề cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.Thứ ba, đây là một vấn đề lớn, rất cần có sự phối hợp nghiên cứu của nhiều học giả, nhiều thế hệ học giả trong nước và trên thế giới. Chúng tôi cũng tự nhận thấy khả năng có hạn, phần viết trên đây không tránh khỏi sai sót, nhất là phần dịch từ Hán văn ra Việt văn và một số phán đoán trong bài, rất mong nhận được sự chỉ giáo của các vị thức giả gần xa.Tài liệu tham khảo:(1) “Khai luận thi tuyệt cú chi đoan”, lời của Quách Thiệu Ngu dùng trong Đỗ Phủ Hý vi lục tuyệt cú tập giải杜甫戏为六绝句集解, Nhân dân văn học xuất bản xã, 2001, trang 3.(2) Chu Hy, Luận ngữ tập chú in chung trong Tứ thư tập chú, quyển 9, Trung Hoa thư cục, 1988, trang 176.(3) Tiền Khiêm Ích , Tiền chú Đỗ thi, quyển 12, Thượng Hải cổ tịch, 1979.(4) Thẩm Quy Ngu biên tuyển, Đường thi biệt tài, Trung Hoa thư cục, 1975.(5) Cừu Triệu Ngao chú, Đỗ thi tường chú, quyển 11, Trung Hoa thư cục, 1995.(6) Tiền Đạt Hân, Thập giá trai dưỡng tân lục, quyển 16, (7) Viện Văn học biên tập, Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 400.(8) Viện Văn học biên tập , Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 480.(9) Viện Văn học biên tập, Thơ văn Lý Trần, tập 3, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, tr. 469.(10) Viện Văn học biên tập, Thơ văn Lý Trần, tập 3, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, tr. 543.(11) Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình thi loại, bản khắc gỗ, Thư viện Viện KHXH tp. HCM điển tàng, ký hiệu HNv.221.(12) Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình văn loại, bản khắc gỗ, Thư viện Viện KHXH Tp. HCM điển tàng, ký hiệu HNv.222.(13) Mai Quốc Liên chủ biên, Cao Bá Quát toàn tập, tập I, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, 2004, tr. 1055.(14) Cao Bá Quát, Cúc Đường thi loại, quyển 2, bản viết tay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHv. 1433.(15) Nguyễn Miên Thẩm biên tập, Trương Quảng Khê tiên sinh thi tập, quyển 4, bản khắc in, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu A.2983.(16) Nguyễn Miên Thẩm biên tập, Trương Quảng Khê tiên sinh thi tập, quyển 4, bản khắc in, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu A.2983.(17) Nguyễn Miên Thẩm trước, Thương Sơn thi tập, quyển 43, bản khắc in năm Tự Đức thứ 25 (1872), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHb. 183/6.(18) Nguyễn Miên Thẩm trước, Thương Sơn thi tập, quyển 27, bản khắc in năm Tự Đức thứ 25 (1872), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHb. 183/4.(19) Nguyễn Miên Thẩm trước, Thương Sơn thi tập, quyển 51, bản khắc in năm Tự Đức thứ 25 (1872), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHb. 183/7.(20) Nguyễn Miên Thẩm, Thương Sơn thi thoại, bản viết tay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHv.105.(21) Nguyễn Miên Thẩm trước, Thương Sơn thi tập, quyển 8, bản khắc in năm Tự Đức thứ 25 (1872), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHb. 183/2.(22) Nguyễn Miên Thẩm, Phục mỗ khách thư, in trong Thương Sơn ngoại tập, quyển 10, bản khắc gỗ, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHv.119/5.(23) Nguyễn Miên Thẩm trước, Thương Sơn thi tập, quyển 46, bản khắc in năm Tự Đức thứ 25 (1872), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHb. 183/6.(24) Nguyễn Miên Trinh trước, Vĩ Dã hợp tập, bản khắc gỗ năm 1875, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu A.781/1-3.(25) Nguyễn Miên Bảo, Khiêm Trai thi tập, bản khắc gỗ, Thư viện Viện KHXH Tp.HCM điển tàng, ký hiệu HNv.013.(26)(27) Nguyễn Miên Tuấn soạn, Nhã Đường thi tập, bản khắc gỗ, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHb.7.(28) Nguyễn Miên Triện soạn, Ước Đình thi sao, bản viết tay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu A.778.(29) Nguyễn Trinh Thận soạn, Diệu Liên tập, bản khắc gỗ do Mặc Vân sào in năm 1867, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm điển tàng, ký hiệu VHv.686.(30) Phan Mạnh Danh, Bút hoa, TríĐức thư xã, Hà Nội, 1953, tr.39.(31) Phan Mạnh Danh, Bút hoa, TríĐức thư xã, Hà Nội, 1953, tr.40.(32) Phan Mạnh Danh, Bút hoa, TríĐức thư xã, Hà Nội, 1953, tr.23.(33) Phan Mạnh Danh, Bút hoa, TríĐức thư xã, Hà Nội, 1953, tr.25.