Cổ tháp, biểu tượng trăm năm của Đại học Nam Kinh
Đại học Nam Kinh có lịch sử hình thành lâu đời nhưng nguồn gốc của nó khá phức tạp, đại khái có thể quy về hai nguồn sau: vào năm 1902, Tam Giang Sư phạm Học đường được thành lập; sau đó, tổ chức giáo dục này không ngừng được đổi tên, cụ thể: Lưỡng Giang Sư phạm Học đường (1906), Nam Kinh Cao đẳng Sư phạm Học hiệu (1914), Quốc lập Đông Nam Đại học (1921), Đệ Tứ Trung Sơn Đại học (1927), Giang Tô Đại học (1927), Quốc lập Trung Ương Đại học (1928), và chính thức đổi tên thành Đại học Nam Kinh vào năm 1949.
Một nguồn quan trọng khác đến từ Đại học Kim Lăng. Vào năm 1910, Kim Lăng Đại học đường được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Thư viện Vựng Văn, một thư viện lớn do Giáo hội Cơ Đốc giáo Hoa Kỳ thành lập vào năm 1888 và Thư viện Hoằng Dục, cũng do Giáo hội thành lập vào năm 1891. Dưới thời Dân Quốc, Đại học Kim Lăng được xem là một trong những đại học danh tiếng nhất, đặt dưới sự quản lý của Giáo hội. Vào năm 1951, sau khi chính phủ mới tiếp quản, đã đem Kim Lăng Nữ tử Văn lý Học viện sáp nhập thêm vào, đồng thời đổi tên thành Công lập Kim Lăng Đại học. Vào năm 1952, trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại các trường đại học, một số ngành như Công nghiệp, Nông nghiệp, Sư phạm,…thuộc Đại học Nam Kinh tách ra thành lập các đại học chuyên ngành riêng; kế đó lại đem hai Học viện khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thuộc Đại học Kim Lăng và Đại học Nam Kinh nhập chung với nhau, nhưng tên gọi vẫn là Đại học Nam Kinh.
Về cơ sở vật chất, Đại học Nam Kinh hiện có ba cơ sở: Cổ Lâu, Phố Khẩu và Tiên Lâm; trong đó cơ sở chính đặt tại Cổ Lâu, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Nam Kinh, đây vốn là trụ sở chính của Đại học Kim Lăng. Trường có diện tích rộng lớn, hệ thống phòng học khang trang, mỗi cơ sở đều có thể coi là một thành phố khép kín, trong đó mọi tiện ích của một cuộc sống hiện đại đều có thể được đáp ứng. Trường còn có hệ thống phòng thí nghiệm dày đặc, trong đó có 7 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hệ thống thư viện với số lượng sách báo, tài liệu đồ sộ, cập nhật, lại được trang bị đến tận cấp khoa và các trung tâm nghiên cứu, thế nên, không chỉ thỏa mãn nhu cầu của người học, mà còn đáp ứng phần lớn nhu cầu của cả các nhà nghiên cứu.
Một số hình ảnh về Đại học Nam Kinh
Về đội ngũ giáo viên, Đại học Nam Kinh có trên 1000 giáo sư, phó giáo sư, trong đó có 31 viện sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc; 4 viện sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba và 1 viện sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Việc tuyển dụng nhân sự để bổ sung vào đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường được tiến hành hàng năm, yêu cầu tối thiểu đối với ứng viên là phải có học vị tiến sĩ, có tiềm năng và giàu thành tựu nghiên cứu khoa học. Nhà trường cũng hoan nghênh những nhà khoa học danh tiếng thuộc các trường đại học khác muốn xin về công tác tại Trường.
Về cơ cấu tổ chức, tính đến tháng 4 năm 2010, toàn trường có 25 học viện, 71 khoa, với 82 chương trình đào tạo cử nhân, 225 chương trình đào tạo thạc sĩ, 213 chương trình đào tạo tiến sĩ và 28 chương trình đào tạo sau tiến sĩ. Toàn trường có trên 28000 sinh viên hệ chính quy, trong đó phần lớn thuộc các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; riêng chương trình đào tạo cử nhân, Trường chủ yếu đào tạo theo xu hướng tăng cường, giống như hình thức đào tạo sinh viên hệ cử nhân tài năng ở Việt Nam. Ngoài ra, Trường còn tổ chức một số trường chuyên hệ Trung học, nhằm thu hút và bồi dưỡng học sinh giỏi từ khắp nơi trong nước, hướng đến việc bảo đảm đầu vào cho các chương trình đào tạo chất lượng cao ở những bậc học cao hơn thuộc Trường.
Về phương thức và quy trình đào tạo, Đại học Nam Kinh được coi là một trong những trường đầu tiên ở Trung Quốc hoàn thành quy trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Quy chế đào tạo này hiện ứng dụng cho cả ba hệ đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đối với hệ đào tạo cử nhân, trong toàn khóa học, sinh viên cần tích lũy đủ 150 tín chỉ, đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và vi tính, bảo vệ thành công tiểu luận tốt nghiệp là có thể hoàn thành khóa học. Đối với hệ đào tạo thạc sĩ, học viên cần tích lũy đủ 32 học phần, sau đó vượt qua được kỳ thi khảo hạch giữa khóa học là hội đủ tư cách xin bảo vệ luận văn thạc sĩ. Đối với hệ đào tạo tiến sĩ, thời gian đào tạo từ 3 đến 4 năm, riêng nghiên cứu sinh là cán bộ trong trường, có thể kéo dài từ 4 đến 5 năm. Ở bậc học này, nghiên cứu sinh dưới sự chỉ đạo của giáo sư hướng dẫn khoa học, chọn học 5 môn trong số những môn học chỉ dành cho nghiên cứu sinh, trong số 5 môn này, phải có 2 đến 3 môn thuộc chuyên ngành, còn lại có thể chọn các môn khác gần chuyên ngành.
Viện văn học thuộc Đại học Nam Kinh
Tháng 5 năm 2007, Khoa Văn học Ngôn ngữ Đại học Nam Kinh đổi tên thành Viện Văn học. Viện gồm 4 khoa: Văn học, Ngôn ngữ học, Nghệ thuật học và Văn hiến học, ngoài ra còn hai bộ môn: Ngữ văn đại học và Hán học quốc tế.
Viện Văn học vốn hình thành trên cơ sở sáp nhập hai khoa Trung văn thuộc hai trường Đại học Nam Kinh và Đại học Kim Lăng; là một viện lớn, ra đời sớm và luôn giữ vị trí dẫn đầu trong số các ngành khoa học nhân văn thuộc Trường và trong cả nước. Tính đến tháng 4 năm 2010,tổng số cán bộ của Viện là 83, trong đó có 39 giáo sư, 21 phó giáo sư, số còn lại phần lớn là cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp tiến sĩ được giữ lại làm công tác giảng dạy và một vài chuyên viên. Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, Viện Văn học Đại học Nam Kinh từng là nơi giảng dạy của rất nhiều bậc Quốc học Đại sư, các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc, như Lý Thụy Thanh (李瑞清), Hoàng Khản (黄侃), Ngô Mai (吴梅), Phương Quang Đảo (方光焘), Hồ Tiểu Thạch (胡小石), Lã Thúc Tương (吕叔湘), Uông Tích Cương (汪辟疆), Trần Trung Phàm (陈中凡), La Căn Trạch (罗根泽), Đường Khuê Chương (唐圭璋), Phan Trọng Quy (潘重规), Dương Hối (杨晦), Tiền Nam Dương (钱南扬), Chu Đông Nhuận (朱东润), Hồng Thành (洪诚), Trần Bạch Trần (陈白尘), Trình Thiên Phàm (程千帆),….
Về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, Viện có hệ thống thư viện rộng lớn, khang trang, trong đó thư viện trung tâm đặt tại cơ sở Cổ Lâu, có diện tích trên 1000 m2, cất giữ hơn 340000 đầu sách, trong đó thiết lập rất nhiều kho chuyên dụng, như kho tài liệu trước 1930, kho tư liệu Cách mạng Văn hóa, kho tư liệu điện ảnh, kho sách bắt buộc phải đọc đối với sinh viên ngành văn,…không chỉ có sách, các báo, tạp chí chuyên ngành nổi tiếng trong và ngoài nước đều được thư viện cập nhật thường xuyên, kết hợp hệ thống phòng đọc rộng lớn, phòng máy hiện đại, nhiều phòng thực nghiệm đạt chuẩn quốc gia với nhiều công năng khác nhau, có thể nói, nhu cầu học tập và nghiên cứu của cán bộ và sinh viên trong Viện phần lớn đều được thỏa mãn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng bài báo khoa học của cán bộ thuộc Viện đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước lên đến gần 600 bài, 220 đầu sách được xuất bản.
Về các chương trình đào tạo, Viện hiện có 02 chương trình đào tạo cử nhân, 13 chương trình đào tạo tiến sĩ và 14 chương trình đào tạo thạc sĩ, trong đó có một chương trình đào tạo thạc sĩ nghệ thuật mới được mở đào tạo thí điểm trong vài năm trở lại đây. Việc đào tạo đại học vốn là công việc chủ yếu của Viện từ khi thành lập, nhưng từ những năm 90 của thế kỷ 20 trở lại đây, do sự bùng nổ của thị trường giáo dục đại học ở Trung Quốc, cũng do sự phân công của xã hội, Viện dần dần thu hẹp quy mô đào tạo đại học, chỉ chuyên chú vào đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và các chương trình đào tạo chất lượng cao; hiện Viện chỉ đào tạo hai chuyên ngành hệ cử nhân tăng cường (cử nhân tài năng): Văn học Ngôn ngữ và Nghệ thuật học. Đầu vào của hai hệ cử nhân tăng cường này cũng chủ yếu lấy học sinh từ các lớp chuyên văn thuộc hệ thống các Trường Phổ thông Năng khiếu của Trường.
Như trên đã đề cập, tất cả mọi sinh viên thuộc hệ đào tạo cử nhân trong suốt khóa học đều phải tích lũy đủ 150 tín chỉ, trong đó các môn chung, môn chuyên ngành bắt buộc, niên luận, tiểu luận tốt nghiệp 116 tín chỉ; 34 tín chỉ còn lại là những môn tự chọn. Chẳng hạn, đối với chuyên ngành Văn học Ngôn ngữ, các môn chuyên ngành bắt buộc gồm Tiếng Hán hiện đại, Khái luận ngôn ngữ học, Hán ngữ cổ đại, Tu từ và kỹ năng viết, Văn học khái luận, Văn hóa khái luận, Hướng dẫn đọc tác phẩm văn học cổ đại, Lịch sử văn học cổ đại Trung Quốc, Văn học Trung Quốc hiện đại, Văn học đương đại Trung Quốc, Văn học nước ngoài, Mục lục học, Nguyên lý mỹ học,…. Ngoài ra, sinh viên còn phải tham gia thực tập thực tế, viết niên luận và tiểu luận tốt nghiệp, tổng cộng ba môn 16 tín chỉ. Các môn chung tổng cộng 55 tín chỉ, bao gồm Tu dưỡng đạo đức tư tưởng, Quân sự, Tiếng Anh, Vi tính, Lịch sử cách mạng Trung Quốc, Triết học khái luận, Pháp luật khái luận, Logic học, Kinh tế chính trị, Tiến trình hiện đại hóa thế giới,….Các môn tự chọn bao gồm Ngôn ngữ học xã hội, Huấn hỗ học, Âm vận học, Hán ngữ ngữ pháp sử, Cách dùng sách công cụ, Tôn giáo và nghệ thuật, Mỹ học và văn hóa đương đại, Nghiên cứu về Lỗ Tấn, Nghiên cứu về Ba Kim, Tiểu thuyết Trung Quốc, Nghiên cứu về Tân Nguyệt phái, Nghiên cứu về Hồng lâu mộng, Nghiên cứu về Thi phẩm của Chung Vinh, Nghiên cứu về Trang tử, Kinh học thảo luận, Trào lưu văn học đương đại, Văn học Hồng Kông-Đài Loan, Hý khúc khái luận, Nghiên cứu về điện ảnh truyền hình Trung Quốc, Khái luận về nghệ thuật điện ảnh, Văn học hiện đương đại phương Tây, Lý luận văn học phương Tây, Nghiên cứu về truyện ký,….Với lượng môn học phong phú như trên, sinh viên có thể thoải mái lựa chọn để học vào mỗi học kỳ.
Về quy trình đào tạo, hai năm đầu, sinh viên sẽ học những môn chung và một số môn chủ lực thuộc chuyên ngành; năm thứ ba, tiếp tục học những môn chủ lực, một số chuyên đề tự chọn và viết niên luận, cuối năm này sẽ tổ chức phân ban để đào tạo chuyên sâu. Sinh viên sẽ được phân chia thành hai hướng: một hướng đào tạo chuyên sâu, chuẩn bị nguồn đầu vào cho bậc học thạc sĩ; một hướng kiến nghị sinh viên chọn học những môn như Thông tin học, Pháp luật, Xã hội học, Kinh tế học, Quản lý học,…nhằm trang bị cho sinh viên lượng kiến thức vừa cơ bản vừa thực tế sau khi ra trường. Cũng trong năm thứ tư này, Viện sẽ tổ chức cho sinh viên đi thực tập thực tế và huấn luyện chuyên sâu kỹ năng đứng lớp giảng dạy.
Ở bậc học thạc sĩ, hệ này hiện đào tạo trong khoảng thời gian 2,5 năm, trong đó 1,5 năm dùng để học và 1 năm viết luận văn. Người tham dự bậc học này phải tích lũy đủ 32 tín chỉ, bao gồm 4 nhóm môn học như sau:
Môn học loại A (môn chung): tổng cộng 09 tín chỉ, bao gồm các môn như Ngoại ngữ, Triết học Mác – Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Tư tưởng Đặng Tiểu Bình,… đối với sinh viên Trung Quốc. Nếu là người nước ngoài theo học, các môn trên được thay thế bằng các môn như Tiếng Hán, Đất nước Trung Quốc, Tiến trình cải cách mở cửa tại Trung Quốc,….
Môn học loại B (môn chuyên ngành bắt buộc): không ít hơn 09 tín chỉ, các môn loại này tùy chuyên ngành có sự quy định khác nhau, ví dụ: đối với ngành Văn học cổ đại Trung Quốc và Văn hiến học, bắt buộc phải học các môn như Trung Quốc cổ đại văn học sử chuyên để nghiên cứu (Nghiên cứu về một số chuyên đề trong lịch sử văn học cổ đại Trung Quốc), Trung Quốc cổ đại văn hóa sử chuyên đề nghiên cứu (Nghiên cứu về một số chuyên đề trong lịch sử văn hóa cổ đại Trung Quốc), Văn hiến học lý luận dữ phương pháp (Văn hiến học, lý luận và phương pháp); nếu là ngành Hán ngữ cổ đại và Hán ngữ hiện đại, bắt buộc phải học các môn như Hán ngữ sử (Lịch sử Hán ngữ), Hán ngữ ngữ âm học (Ngữ âm học tiếng Hán),….
Môn loại C (môn chuyên ngành tự chọn): đây là môn học nhằm mở rộng lượng kiến thức chuyên ngành cho học viên, cũng là môn học để học viên lấp đầy khoảng trống 11 tín chỉ còn lại. Người học có thể tùy theo sở thích của mình để lựa chọn môn học, có thể chọn học nhiều hơn số tín chỉ nói trên.
Môn học loại D (môn ngoài chuyên ngành): không ít hơn 3 tín chỉ, đây là loại môn học yêu cầu học viên lựa chọn một số môn thuộc chuyên ngành khác trong khoa, cũng có thể là môn học ở các khoa khác hoặc trường khác đăng ký học để lấy thành tích. Thiết kế loại môn học này các nhà giáo dục không chỉ nhắm tới mục tiêu giáo dục toàn diện, mà còn nhắm tới thỏa mãn sở thích, nguyện vọng của từng học viên.
Sau khi đã tích lũy đủ số lượng tín chỉ, học viên sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch cấp khoa, xem có đủ tư cách để bước vào giai đoạn hoàn thành luận văn tốt nghiệp hay không. Sau khi chính thức thông qua kỳ sát hạch, học viên cần đem đề cương luận văn tốt nghiệp của mình trình bày trước Hội đồng khoa học Khoa. Sau khi nghe từng thành viên trong Hội đồng cho ý kiến nhận xét về tính khả thi của đề tài, Hội đồng sẽ ra quyết định có để cho học viên tiếp tục thực hiện đề tài tốt nghiệp mà mình đã chọn hay không. Trong kỳ sát hạch này, nếu như học viên nào có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc, có thể được tuyển thẳng lên học hệ đào tạo tiến sĩ, bỏ qua giai đoạn hoàn thành luận văn tốt nghiệp thạc sĩ.
Về bậc học tiến sĩ, thời gian đào tạo từ 3 đến 4 năm, riêng nghiên cứu sinh là cán bộ trong trường, có thể kéo dài từ 4 đến 5 năm. Ở bậc học này, nghiên cứu sinh dưới sự chỉ đạo của giáo sư hướng dẫn khoa học, chọn học 5 môn trong số những môn học chỉ dành cho nghiên cứu sinh, trong số 5 môn này, phải có 2 đến 3 môn thuộc chuyên ngành, còn lại có thể chọn các môn khác gần chuyên ngành thuộc Viện hoặc các môn học thuộc các Khoa, Viện khác. Dưới đây là một số môn chỉ dành cho nghiên cứu sinh thuộc Viện: Khái niệm và phạm trù trong văn nghệ học (Ideas and Concepts in Literary Theory), Nghiên cứu mỹ học phương Tây (Modern Western Aesthetics), Trung Quốc hiện đại văn luận sử chuyên đề (Special Topics in History of Modern Chinese Literary Theory), Ngôn ngữ quan hòa phương pháp luận (Ideas and Methodology in Language), Cổ âm học sử (The History of Archaic Chinese Phonology), Chuyên đề ngữ pháp Hán ngữ (Special Topics in Chinese Grammar), Sử liệu học văn học cổ điển Trung Quốc (Historiography of Chinese Classical Literature), Trung Quốc hý khúc học (Classical Chinese Drama), Chuyên đề văn học Đường Tống (Special Topics in Classical Literature in the Tang and the Song), Nghiên cứu thi học Trung Quốc (Chinese Poetics), Chuyên đề văn học Minh Thanh (Special Topics in Classical Literature in the Ming-Qing Dynasty), Nghiên cứu bối cảnh văn học sử Trung Quốc (Traditional Culture and Classical Literature in China), Văn học hiện đương đại Trung Quốc và văn hóa Đông Tây (Modern Chinese Literature & Cultural Relation between China and the West), Chuyên đề văn học Trung Quốc nửa cuối thế kỷ 20 (Special Topics in Chinese Literature of the Second Half of the 20th Century), Nghiên cứu về lưu phái, đoàn thể trong văn học hiện đại Trung Quốc (Literary Societies and Schools in Modern China), Chuyên đề lịch sử phê bình văn học phương Tây (Special Topics in the History of Western Criticism), Văn hóa và văn học Nga (The Russian Literature and Culture), Lý luận hý kịch (Theory of Theatre and Drama), Nghiên cứu về Nam hý Tống Nguyên (The South Opera in the Song and the Yuan Dynasty), Trào lưu hý kịch Trung Quốc thế kỷ 20 (Main Trends in Modern Chinese Theatre of the 20),….
Về phương thức giảng dạy, ở bậc học này, hầu hết các môn học được chuyển sang hình thức đối thoại, bao gồm cả đối thoại giữa giảng viên và nghiên cứu sinh lẫn đối thoại giữa các nghiên cứu sinh với nhau. Sau khi hoàn tất số lượng môn học theo quy định, vào khoảng cuối học kỳ thứ hai hoặc đầu học kỳ thứ ba, nghiên cứu sinh phải trình bày đề cương luận án của mình trước Hội đồng khoa học Khoa, nhằm có thể tranh thủ ý kiến của các giáo sư, những người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.
Trên cơ sở những điều đã trình bày trên đây, có thể thấy rõ một số điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, tính liên thông giữa các hệ đào tạo, từ bậc phổ thông trung học lên đại học, từ đại học lên cao học, từ cao học lên nghiên cứu sinh, có thể nói, quy trình đào tạo của Viện luôn hướng tới đảm bảo lượng sinh viên đầu vào với chất lượng ưu tú nhất.
Thứ hai, có sự phân cấp rõ ràng trong quy trình đào tạo, nếu như hệ đào tạo cử nhân chủ yếu hướng sinh viên đi vào khám phá kiến thức chuyên ngành theo bề rộng, thì hệ đào tạo thạc sĩ bắt đầu hướng tới bề sâu, nhưng điều quan trọng hơn hết ở bậc học này vẫn là hướng học viên vào xâu chuỗi, hệ thống hóa những tri thức chuyên ngành đã được học, nhằm giúp họ vừa nắm được những kiến thức tổng quan vừa nắm được những cái tế vi, giúp họ nhìn rõ mối quan hệ qua lại, mật thiết giữa hai yếu tố nêu trên. Riêng bậc đào tạo tiến sĩ, các môn học được thiết kế hầu hết đều chuyển vào khối kiến thức bề sâu, nhằm khơi gợi cũng như phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tư duy của người học.
Thứ ba, về việc hoàn tất môn học, đối với hai bậc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, Viện Văn học Đại học Nam Kinh nhất quán chủ trương để học viên hoàn thành tiểu luận, đề tài cũng thường để người học tự ý lựa chọn, tất nhiên dù trong bất kỳ tình huống nào cũng phải thỏa mãn một tiêu chí: mới.
Thứ tư, không giống như ở Việt Nam, nghiên cứu sinh Trung Quốc vẫn phải chọn học ít nhất là 5 môn, điều này không chỉ giúp họ có thể hiểu hơn về học phong của trường mình đang theo học, mà còn giúp họ mở rộng lượng kiến thức chuyên ngành, cũng như khả năng linh hoạt trong việc xử trí những vấn đề phát sinh trong quá trình nghiên cứu.
Thứ năm, mục tiêu đào tạo luôn có sự thống nhất tuyệt đối giữa hai tiêu chí đào tạo ra người tài và đào tạo ra những người có khả năng thích ứng với mọi nhu cầu của xã hội.
Tp. Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 11 năm 2010