Thần tích hay còn gọi là thần phả, ngọc phả, phả lục... là loại hình văn bản ghi chép sự tích các thần được thờ ở đình, đền, miếu. Trước khi chữ Quốc ngữ ra đời, thần tích được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, sang thời kỳ thực dân, trong các bản kê khai thần tích ở các làng xã, bên cạnh thần tích, thần phả viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, còn có cả thần tích viết bằng chữ quốc ngữ. Các thần tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm được lưu trữ chủ yếu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Các bản thần tích bằng chữ Quốc ngữ được lưu trữ ở Thư viện Viện Thông tin KHXH. Ngoài ra, còn một số bản thần tích hiện còn nằm rải rác ở một số đình, đền ở các địa phương.
Thần tích Hán Nôm của Hà Nội, trước hết chúng ta phải kể đến 57 cuốn sách, ký hiệu AE a7/12, AE a2/14-38, AE a2/59-86, AE a2/103 và AE a11/1-4 ghi về thần tích của các huyện Gia Lâm, Hoàn Long, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh. Tiếp đó là một số thần tích của Hà Nội mang ký hiệu A, như An Lãng hậu thổ sự tích (Láng), ký hiệu A.2879; Định Công Trang thần tích (Thanh Trì), ký hiệu A.711; Thượng Thụy xã ngũ vị thần tích (A.2510) (Từ Liêm)... Ngoài ra, còn có các sách ghi chép về sự tích các thần ở Hà Nội khác như Hà Thành linh tích cổ lục (A.497); Đại Nam thần lục (A.1213); An Lãng Chiêu Thiền Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục (A.587); Cổ Loa thành sự tích điền thổ sắc phong hợp biên (A.92)...
Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin đi sâu giới thiệu mảng thần tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của 143 phường, thôn, xã các huyện Hoàn Long, Thọ Xương (nay hầu hết thuộc nội thành Hà Nội) và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, với các ký hiệu AE a7/12, AE a2/14-38, AE a2/59-86, AE a2/103 và AE a11/1-4. Các thần tích trên hầu hết được các quan chức địa phương sao chép lại từ thần tích do các quan phụ trách việc lễ nghi của triều đình biên soạn, được đặt thờ ở các đình, đền Hà Nội.
I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM, SỐ LƯỢNG
1. Về nguồn gốc sao chép
Thần tích Hà Nội cũng như thần tích các địa phương khác hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nguồn gốc từ Thư viện của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO). Năm 1901, EFEO chính thức được thành lập tại Hà Nội với nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa... và nhiệm vụ trọng tâm là sưu tầm các văn bản thư tịch cổ. Thần tích cũng như các văn bản thư tịch cổ khác được nhà trường cho sao chép từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu vẫn là nguồn từ các bản thần tích hiện đang thờ cúng ở các địa phương, còn đầy đủ chứng thực "sao y bản chính" của chính quyền địa phương. Cũng có một số bản được sao chép ở Kinh đô Phú Xuân, ví dụ thần tích chùa Thủ Lệ thờ Linh Lang, đóng chung với thần tích phường Kim Mã, huyện Hoàn Long được chú thích "sao ở Kinh đô Phú Xuân" (nay là thành phố Huế); hoặc sao lại từ một số sách vở, như thần tích xã Tranh Khúc, huyện Thanh Trì, ký hiệu AEa2/82, thờ thần Quý Minh đại vương được ghi chép theo sách Địa dư; hoặc sao chép từ văn bia, như thần tích phường Kim Hoa thờ Cao Sơn đại vương (tức thần tích phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/30, do Lê Doãn Địch sao năm 1840 từ văn bia soạn năm 1742.
Về hình thức, các văn bản thần tích có chung đặc điểm: đều là bản chép tay (không có bản in), được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Cho đến nay, mảng thần tích ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm vẫn giữ nguyên ký hiệu AE do EFEO đặt ra.
2. Về tên gọi
Thần tích Hà Nội cũng như thần tích các địa phương khác hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có nhiều tên gọi khác nhau: "Ngọc phả" 玉譜, "Thần phả" 神 譜; "Phả lục" 譜 錄 ... tên gọi "Thần tích" 神 跡 là do EFEO đặt tên theo sự phân loại thư mục học và từ đó được giới khoa học sử dụng rộng rãi. Tên gọi "thần tích" thường gắn với địa danh làng xã và được EFEO thống nhất ghi ở trang đầu của các bản sao thần tích. Ví dụ: thần tích xã Mai Động, ký hiệu AE.a2/23 ghi: Hoàn Long Mai Động xã thần tích 環 龍 梅 洞 社 神 跡(Thần tích xã Mai Động, huyện Hoàn Long); hay thần tích xã Ngọc Xuyên, ký hiệu AEa2/38, tờ đầu ghi là "Hoàn Long Ngọc Xuyên xã thần tích"環 龍 玉 川 社 神 跡.
Tuy nhiên, ngoài tên gọi "thần tích", EFEO vẫn giữ lại tên gọi vốn có gắn với các từ như "Ngọc phả", hay "phả lục", “thần phả”... được ghi chép ở tờ 2a của thần tích. Ví dụ, Thần tích xã Mai Động, ký hiệu AE.a2/23 ghi: Hoàn Long Mai Động xã thần tích 環 龍 梅 洞 社 神 跡(Thần tích xã Mai Động, huyện Hoàn Long), nhưng ở tờ 2a ghi như sau: Trưng Nữ Vương triều nhất vị đại vương phả lục 徵 女 王 朝 一 位 大 王 譜 錄(Ghi chép về phả một vị đại vương triều Trưng Nữ Vương); Thần tích xã Vĩnh Tuy, ký hiệu AE a2/35, tờ đầu ghi: Hoàn Long, Vĩnh Tuy xã thần tích 環 龍 永 綏 社 神 跡, ở tờ 2a ghi: Vĩnh Tuy xã ngọc phả lục 永 綏 社玉 譜 錄(Ngọc phả xã Vĩnh Tuy); Thần tích xã Ngọc Xuyên, ký hiệu AEa2/38, tờ đầu ghi là Hoàn Long Ngọc Xuyên xã thần tích 環龍玉川社神跡, nhưng tờ trong ghi cụ thể hơn: Việt Thường thị Lý triều công thần khai quốc đại hữu huân lao khả gia thần tước linh ứng khả phong nhị vị đại vương ngọc phả cổ lục 粵 裳 氏 李 朝 功 臣 開 國 大 有 勳 勞 可 加 神 爵 靈 應 可 封 二 位 大 王 玉 譜 古 錄(Ngọc phả ghi chép về hai vị đại vương triều Lý, họ Việt Thường là công thần khai quốc có công lao, được gia phong tước hiệu linh ứng).
Đi sâu tìm hiểu hình thức sao chép thần tích, chúng tôi thấy những thần tích có ghi hai chữ "Ngọc phả", "Thần phả" cho đến nay vẫn được gọi chung là "thần tích", song thực tế chúng chỉ là bản sao chép các thần tích đang được thờ cúng ở các địa phương (lẽ đương nhiên, không có bản gốc của thần tích, tức bản được Bộ Lễ ở triều đình lưu giữ hoặc đang được người dân các địa phương thờ cúng, mà chỉ có bản sao chép thần tích có chữ ký hoặc chứng thực của các chức sắc địa phương). Các bản thần tích Hà Nội nói riêng, cũng như thần tích các địa phương khác nói chung đều được gọi là "thần tích" song chúng lại có sự khác nhau về hình thức kết cấu thần tích. Xem xét cụ thể thần tích của 143 phường, thôn, xã của Hà Nội chúng tôi nhận thấy thần tích có thể chia làm hai loại:
- Một loại là bản sao chép lại các thần tích mang tính quan phương đã được các quan trông coi việc lễ nghi của triều đình biên soạn thành văn bản, có ghi rõ tên người năm tháng biên soạn và sao chép. Phía dưới có chứng thực của các chức sắc địa phương (thường là Lý trưởng).
- Một loại là bản ghi chép ngắn gọn (hay có thể gọi là bản kê khai sự tích ) của các quan lại, chức sắc địa phương về lai lịch các vị thần làng xã mình hiện thờ cúng nhưng chưa được các quan chức phụ trách việc lễ nghi của triều đình biên soạn thành văn bản, không ghi năm tháng, tên người biên soạn và sao chép.
Để dễ dàng phân biệt hai loại thần tích trên, chúng tôi xếp mảng tư liệu thần tích Hà Nội thành hai loại và tạm đưa ra tên gọi như sau:
Thứ nhất: các thần tích sao lại theo chính bản của bộ Lễ do Nguyễn Bính, giữ chức Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ biên soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572); Nguyễn Hiền, Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh sao chép chủ yếu vào các năm niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) và một số thần tích do các tác giả khác biên soạn, sao chép được xếp vào loại một, tạm gọi là "bản sao thần tích ".
Thứ hai: các bản ghi chép lai lịch các thần khác được địa phương thờ cúng, viết theo lối ngắn gọn, không có niên đại, tên người biên soạn và năm tháng sao chép, tạm gọi là "bản kê khai thần tích ".
3. Về kết cấu thần tích
Để phân biệt rõ hơn sự khác nhau giữa "bản sao thần tích " và bản "bản kê khai thần tích " chúng ta có thể tìm hiểu thêm kết cấu của hai loại trên.
Thứ nhất, các bản sao thần tích do Nguyễn Bính biên soạn, Nguyễn Hiền sao chép thường biên soạn theo một công thức nhất định, gồm ba phần:
- Phần thứ nhất là lai lịch và công trạng. Phần này, ngoài mào đầu (thường kể về sự ra đời của nước Văn Lang và thời vua Hùng Vương thứ 18; hoặc nói về cương vực và các triều vua của nước ta), còn có các mục: lai lịch (cha mẹ, quê quán); sinh nở thần kỳ (hoặc hình dáng dị thường); tài đức; công tích; hóa thân thần kỳ; hiển linh âm phù.
- Phần thứ hai gồm: sự phong tặng của triều đình phong kiến và các nghi thức thờ cúng. Phần này có các mục như: sắc phong mỹ tự; ngày sinh, ngày hóa; các nghi thức trong ngay lễ chính; các điều cấm kỵ.
- Phần thứ ba là lạc khoản. Phần này gồm các mục như: ngày tháng năm, tên người biên soạn và sao chép; chứng thực của chức sắc địa phương.
Ví dụ thần tích làng Đông Xã, ký hiệu AEa2/18 (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ) ghi chép về hai vị thần Bảo Hựu đại vương và Quý Minh đại vương. Hai ông là các danh tướng công thần của Hùng Duệ Vương thời Hùng Vương. Cả hai vị danh thần này đều có gia đình, quê quán, nhưng lại được mô tả theo motip sinh nở thần kỳ, bà mẹ của hai ông nằm mơ thấy rồng vàng bay lên trời nuốt hai ngôi sao vào bụng rồi nhập vào người bà, từ đó bà có thai và sinh ra hai ông. Đến khi quân Thục sang xâm chiếm, hai ông cùng với Tản Viên sơn thánh đã tham gia đánh giặc, lập được chiến công, sau đó cả hai ông đều hóa. Việc hóa của hai ông cũng được mô tả theo motip hóa thân thần kỳ, người mất ở sông được thuồng luồng, ba ba rắn rết đến chầu, người mất trên núi có long ly quy phượng từ trên trời bay xuống. Kết thúc bản thần tích là mỹ tự của thần do triều đình phong tặng; các ngày sinh, ngày hóa, các lễ tiết khánh hạ, các điều cấm kỵ và dòng lạc khoản ghi tên thần Nguyễn Bính soạn thần tích vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám bách thần là Nguyễn Hiền phụng sao vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737).
Thứ hai là các "bản kê khai thần tích”. Các bản thần tích này thường chỉ có phần thứ nhất, thiếu hẳn phần thứ hai và ba. Ví dụ Thần tích phường Trích Sài, huyện Hoàn Long (AEa2/34) ghi chép về nhân vật lịch sử Mục Thận, người đã cứu vua Lý Nhân Tông (1072-1075) khỏi sự ám hại của đại thần Lê Văn Thịnh, tuy có ghi chép cả ngày sinh, ngày hóa của thần, song không theo kết cấu của bản thần tích thường thấy do Nguyễn Bính biên soạn. Bản thần tích này ngoài việc ghi chép những truyện lạ về gia đình họ Mục, còn bổ sung lai lịch, công trạng của các vị thần, đều là anh em, con cháu của dòng họ Mục với tư cách như một phả hệ thần. Hoặc Thần tích xã Yên Quyết, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc nội thành Hà Nội), ký hiệu AE.a2/60 ghi chép sự tích đền thiêng Diêm La Đại vương, nhưng cũng chỉ là bản kê khai sự tích. Thần tích này được ghi chép ngắn gọn, xin nêu làm ví dụ về loại thứ hai này như sau:
“Đại vương vốn là Nguyên Hy Diêm La thiên tử, là Thiên lão thần quân. Lão phu nhân sinh ra Đại vương vào ngày mồng 8 tháng 2, thác giáng xuống nhập vào 5 bức tranh tượng ở Thập điện Minh vương ở chùa Ngọc Quan là nơi cổ tích danh lam chùa xã ta. Đại vương phụng mệnh Thiên tào nắm giữ Địa phủ, chức chưởng ty tội phúc, phán việc sống chết, thường ở âm giới, răn bảo những kẻ tối tăm. Vào năm Ứng Thiên (nguyên văn là Thiên Ứng) (994-1005), thời Tiền Lê Đại Hành bỗng gặp dịch bệnh, dân bị tai ương, người dân trong thôn trẻ giả lão ấu bèn tới chùa thắp hương làm lễ âm cầu mật đảo, đều được ứng nghiệm, trừ được tai họa, dân yên vật thịnh, từ đó người dân trong thôn bèn lập ngôi miếu để thờ phụng, tôn Đại vương làm Phúc thần, tứ thời được hưởng tế lễ. Trải đến thời Lý, Trần, đều được nhà nước phong tặng. Cho đến trước thời Tiền Lê mở nước, Thái tổ từ đạo Sơn Tây mang binh tiến thẳng ra thành Thăng Long, tiễu trừ giặc nhà Minh. Tướng sĩ đóng đồn ở mé tây bên sông Tô Lịch, nghe nói miếu vũ thần thánh linh thiêng bèn cung kính làm lễ cầu đảo, quả ứng nghiệm thắng trận. Sau khi đại định vua bèn gia phong mỹ tự tôn làm Phúc thần, nêu trong tự điển. Hàng năm vào tiết xuân, cho phát tiền công, sai quan làm lễ tế ở miếu hiệu Diêm La Đại vương”.
Việc phân chia thần tích làm hai loại như trên cũng khá trùng hợp với sự phân chia của các nhà nghiên cứu đi trước khi phân loại và nghiên cứu thần tích. Tác giả Kiều Thu Hoạch khi phân tích văn bản thần tích cũng cho rằng, ngay trong thần tích cũng có hai loại, một loại “trong triều” (kiểu Việt điện u linh) (tức được ghi ở tự điển nhà nước-tác giả bài viết chú thích thêm) và một loại “ngoài nội” (thần tích để ở đền miếu địa phương)(1). Nguyễn Duy Hinh khi tìm hiểu mối quan hệ giữa thành hoàng và bách thần cũng cho rằng: “Nhà Lê đề cao Nho giáo tất nhiên phải cải tạo thần linh dân gian tự phong đó. Nhưng triều đình cũng không thể nào áp đặt thần linh cho dân làng”(2). Thực tế khi khảo sát thần tích Hà Nội, chúng tôi cũng thấy bên cạnh những thần tích của các thần làng được triều đình phong tặng, do bộ Lễ “đặt ra tiểu sử chính thức” từ thời Lê(3), còn có những thần tích do các cụ địa phương và thân hào lí trưởng khai báo theo mệnh lệnh của chính quyền đầu thế kỷ XX(4). Nguyễn Văn Huyên cho biết cụ thể hơn: “Đầu năm 1938 ông Georges Coedès, Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã có sáng kiến mở một cuộc điều tra về việc thờ cúng thành hoàng trong các làng xã Việt Nam. Để làm được việc đó, thông qua các quan chức hành chính địa phương, ông ta đã gửi một bản câu hỏi điều tra đến tất cả các làng có thờ một vị thần bảo hộ tại đình làng. Bản câu hỏi đó, bắt nguồn từ một bài báo quan trọng của ông Nguyễn Văn Khoan, phụ tá Trường Viễn đông Bác cổ được công bố vào năm 1930, gồm nhiều phần: sự tích của thần, những nơi thờ thần; ngày tháng các nghi lễ cúng tế, các tế vật, chủ lễ, y phục và đồ cúng, những điều cấm ký khi tiến hành cúng tế trong đời sống hàng ngày, sự tiến triển của việc thờ cúng...”(5)
4. Về các mục khác trong thần tích
Xem xét thần tích của 143 làng xã nội ngoại thành Hà Nội, chúng tôi thấy thần tích của nhiều địa phương không chỉ có “bản sao thần tích” và “ bản kê khai thần tích” mà còn bao gồm một số tư liệu văn hiến khác. Có thể chia làm 2 loại:
- Loại thứ nhất: chỉ có “bản sao thần tích”, như: Thần tích Hoàn Long, Hà Nội, ký hiệu AEa2/1; Thần tích xã Mai Động, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/23...
- Loại thứ hai: tập hợp cả “bản sao thần tích” và “bản kê khai thần tích”. Thông thường các “bản kê khai thần tích” thường được xếp sau “bản sao thần tích”, như: Thần tích Trại Ngọc Hà, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/26. Ở bản thần tích này sau “bản sao thần tích” ghi chép về nữ thần Ngọc Nương còn có các “bản kê khai thần tích” của các thần như: ghi chép về 3 thủy thần Minh Khiết, Triều Đình, Bảo Trung (thời Lý); ghi chép về Sĩ Nhiếp (thời Hán); nữ thần Quỳnh Hoa (thời Trần) và Đỗ Thiện (thời An Dương Vương).
Trong loại thứ hai còn tập hợp thêm cả tư liệu ghi chép khác như văn tế, câu đối. Văn tế, câu đối... thường được đặt phía sau các “bản sao thần tích” và “bản kê khai thần tích”. Ví dụ: Thần tích xã Nhật Tảo, ký hiệu AEa2/67; Thần tích xã Phú Gia, ký hiệu AEa2/66 (thuộc huyện Từ Liêm) đều ghi chép thêm nhiều văn tế, như văn tế an vị, văn tế nhập tịch, văn tế mật nghênh, văn tế giao thừa... ; Thần tích xã Yên Ngưu, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, ký hiệu AEa2/76 còn ghi thêm cả câu đối thờ ở đền.
5. Về số lượng thần tích
Theo thống kê thần tích của 143 phường, thôn, xã của Hà Nội có:
- 75 “bản sao thần tích “(tức thần tích do Nguyễn Bính biên soạn, Nguyễn Hiền sao chép); 21 bản thần sao thần tích do các tác giả khác biên soạn hoặc sao chép.
- 64 “bản kê khai thần tích”. Các bản kê khai thần tích đều ngắn gọn, hầu như không ghi một thông tin nào về niên đại biên soạn và người sao chép.
Có lẽ do sự tách nhập các làng xã sau này mà có sự khác nhau về mật độ xuất hiện “bản sao thần tích” giữa từng khu vực. Ví dụ, trong các xã của tổng Phương Canh huyện Từ Liêm chỉ có 1 thần tích của thôn Thị Cấm xã Hòe Thị ghi tên Nguyễn Bính và Nguyễn Hiền, các thôn xã khác không thấy xuất hiện. Trong khi đó thần tích ở các xã thuộc tổng Xuân Nộn, huyện Đông Anh có tới 8 trên 9 thần tích là do Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền biên soạn và sao chép. Đó là các xã Nhạn Tái, Thư Lâm, các thôn Biểu Khê, Cổ Miếu, Hương Trầm (xã Thư Lâm), Kim Tiên, Cán Khê.
Theo thống kê, trong 143 làng xã ở Hà Nội, số lượng thần tích của Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền chiếm hơn nửa, điều đó cho thấy việc cố định hóa văn bản thần tích, hay nói cách khác là “cố định hóa tiểu sử các thần” ở các địa phương và công việc khảo hạch bách thần luôn được chính quyền phong kiến đương thời coi trọng.
6. Về niên đại
Thần tích cũng như sắc phong thần thường được các làng, xã trân trọng đặt trong hòm sắc hoặc trong ống quyển, đặt thờ trong khám thờ ở đình hoặc đền. Vào ngày làm lễ khai sắc, nghênh thần, các làng lấy sắc ra làm lễ, việc xong lại cất sắc vào trong hòm sắc gọi là lễ nạp sắc. Thần tích cũng như vậy, do được viết chủ yếu bằng chữ Hán, người dân hầu như không được tiếp xúc với thần tích nên chỉ biết lai lịch của thần qua lời kể lại. Điều đó cho thấy thần tích là loại văn bản để thờ, người dân bình thường không dễ được tiếp cận, nó cũng chứng tỏ phần nào sự tin cậy về niên đại của thần tích (không thể dễ dàng tự ý sửa chữa nếu không được triều đình, hoặc chức dịch trong làng xã đó chấp nhận), nhưng ngược lại việc giả tạo niên đại cũng dễ xảy ra. Ví dụ, do trình độ của người kê khai sự tích có hạn nên hay nhầm lẫn về cả sự kiện, nhân vật và niên đại; hoặc do sự thiên lệch của các quan biên soạn thần tích từ chính Bộ Lễ... Ví dụ niên hiệu Hồng Phúc là niên hiệu vua Lê Anh Tông (tức Duy Bang) (1557-1573) chỉ tồn tại trong 1 năm, từ tháng Giêng, mùa xuân đến hết tháng 12 năm Nhâm Thân (1572). Năm 1573, vua Lê Thế Tông (tức Duy Đàm) lên ngôi, đổi niên hiệu Gia Thái. Nhưng có thần tích ghi niên đại năm Hồng Phúc thứ 2 (Thần tích xã Nha môn, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, ký hiệu AEa9/23), hoặc năm Hồng Phúc thứ 3 (Thần tích xã Thường An, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, AEa11/1), hoặc Hồng Phúc thứ 6 (Thần tích xã Vinh Quan, huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình, AEa5/36) (tr.31).
Về trường hợp làm giả mạo thần tích có thể nêu một trường hợp được nhiều người biết tới. Chúng ta đã biết, ngoài Nguyễn Bính được cho là tác giả của nhiều thần tích hiện được thờ ở các địa phương còn có một số tác giả khác. Ví dụ, thần tích phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, ký hiệu AEa2/30, do Chư Cát, giữ chức Chủ bạ Bộ Lễ biên soạn viết Tựa vào năm Cảnh Hưng Giáp Ngọ (1744). Tìm hiểu nhân vật này trong các bộ sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục và Quốc sử di biên được biết, Chư Cát tên thật là Nguyễn Gia Cát (1760-?), người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Nguyễn Gia Cát thi đỗ Đồng chế khoa xuất thân năm Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống thứ 1 (1787). Thời Tây Sơn ông làm Đốc học Bắc Thành. Thời Nguyễn làm quan đến chức Tả Tham tri Bộ Lễ, tước Quỳ Giang hầu được cử đi sứ nhà Thanh. Theo Đại Nam thực lục, ông còn giữ chức Cần chính điện học kiêm Chế cáo lệnh, cùng với Phạm Quý Thích hợp làm công việc từ chương ở Bắc Thành. Đến năm 1805 được thăng chức Tả Tham tri Bộ Lễ. Theo Đại Nam thực lục và Quốc sử di biên, năm Gia Long thứ 9 (1811) nhân việc nhà nước cho các xã dân nhận sắc phong đem về thờ nên triều đình mới phái hai quan ở bộ Lễ là Nguyễn Cát và Vũ Dĩnh xem xét ấn định rõ ràng đẳng cấp các vị thần linh để gia tặng. Trong khi phong sắc văn cho các thần linh, Nguyễn Cát đã tự ý thêm bớt sự tích và công đức các vị thần, liệt Việp Quận công (Hoàng Ngũ Phúc) bề tôi trung thành của họ Trịnh vào hàng thượng đẳng thần... Còn tên Dĩnh viết tổ phụ mình vào làm vị phúc thần làng Mộ Trạch, bị dân kiện tố cáo nên Dĩnh mắc tội "khi quân mạn thần" nên bị xử tử hình, bêu đầu tại quê ba ngày(6).
Khảo sát niên đại thần tích Hà Nội, chúng tôi thấy được phần nào tình hình sao chép thần tích qua các đời, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, trước khi bàn về niên đại của các thần tích cũng cần tìm hiểu việc gia phong bách thần qua các thời đại; cần tìm hiểu tình hình sao chép thần tích qua các thần tích cụ thể; cần tìm hiểu, đối chiếu việc gia phong phúc thần đối với một số nhân vật lịch sử của triều đình phong kiến với thần tích hiện được thờ ở các địa phương... từ đó mới có thể đưa ra kết luận khoa học về niên đại của thần tích. Trước mắt, chúng tôi tạm thống kê và đưa ra một vài thông tin về niên đại thần tích Hà Nội như sau:
Trong số các thần tích ghi chép năm biên soạn, ngoài thần tích do Nguyễn Bính biên soạn vào năm 1572 thì bản thần tích của 3 xã Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì (AEa2/77) có niên đại ghi chép vào năm Thái Bình thứ 7 (976), và đây được coi là bản sao thần tích có niên đại biên soạn sớm nhất.
Niên đại 1572 và tác giả Nguyễn Bính cũng còn nhiều điểm nghi ngờ khi khá nhiều thần tích mang tên tác giả này, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả Nguyễn Bính với cái mốc 1572 và Nguyễn Hiền với cái mốc từ 1735-1740 quả có ý nghĩa quan trọng trong việc biên soạn và sao lục thần tích. Vì thế chúng tôi tạm chấp nhận niên đại ghi trên văn bản, chưa bàn đến tính xác thực hay không của các niên đại này.
Về năm sao chép. Trong số các thần tích, ngoài niên đại do Nguyễn Hiền sao chép vào các năm Vĩnh Hựu (từ 1735 đến 1740) thường thấy trong các bản thần tích, thì bản sao thần tích sớm nhất vào năm 1476 là bản sao thần tích của xã Ngọc Du tổng Đại Mỗ huyện Từ Liêm (AEa2/62). Trang cuối của thần tích có nhận thực của Lý trưởng Nguyễn Huy Trinh.
7. Về tác giả biên soạn và người sao chép
- Về tác giả Nguyễn Bính
Các nhà nghiên cứu trước đây có một số ý kiến khác nhau khi đề cập đến tác giả Nguyễn Bính.
Thứ nhất: một số nhà nghiên cứu dựa vào một số sách như Trưng Vương công thần phả lục để suy đoán ông sống vào khoảng năm 1572, niên hiệu Hồng Phúc năm đầu(7). Một số nhà nghiên cứu khác dựa vào Nguyễn Trí tộc gia phả để đi đến suy đoán Nguyễn Bính là tổ thứ sáu, người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng (nay là Hà Nội). Ông sống vào khoảng nửa sau thế kỷ XVI, giữ chức Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, làm việc ở Bộ Lễ(8). Thứ hai, năm 1988, tác giả Nguyễn Hữu Mùi, trong luận văn Thạc sĩ: Tác giả Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền và quá trình tàng trữ, sao lục thần tích ở thời Nguyễn đã đi sâu phân tích nội dung 6 đạo sắc phong thời Lê được ghi chép trong cuốn Nguyễn Trí tộc trưởng chi phả ký do dòng họ Nguyễn Trí ở Sơn Đồng lưu giữ; đối chiếu với Nguyễn Trí tộc gia phả ký hiệu A.669 lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để đi đến nhận định: "tổ thứ 6 họ Nguyễn Trí ở làng Sơn Đồng không liên quan gì đến Nguyễn Bính"(9) như các nhà nghiên cứu đi trước suy đoán. Tuy nhiên, theo khảo sát bước đầu, chúng tôi cho rằng cần phải sưu tầm thêm tư liệu và xem xét thật kỹ mối liên hệ giữa tư liệu và “tổ thứ 6 họ Nguyễn Trí ở làng Sơn Đồng” để đưa ra nhận định khoa học về tác giả Nguyễn Bính. Do khuôn khổ của bài viết có hạn, chúng tôi xin tạm dừng ở đây, hy vọng ở bài viết sắp tới có thể công bố kết quả nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi về tác giả này.
Ngoài Nguyễn Bính, còn có một số tác giả khác tham gia biên soạn và sao chép. Có thể nêu một số vị như: Thần tích xã Hoàng Mai, huyện Hoàn Long (AEa2/15) do hai vị, một là Vũ Toản soạn năm Khai Đại (1403-1407) đời nhà Hồ và Lê Hựu biên soạn vào năm Thuận Thiên thứ 3 (1430); Thần tích xã Nội Am, huyện Hoàn Long (AEa2/81) do Phạm Thuần phu soạn năm 1738; Thần tích phường Thịnh Hào huyện Hoàn Long do Chư Cát giữ chức Chủ bạ ở Bộ Lễ biên soạn; Thần tích thôn Hậu Ái xã Vân Canh tổng Phương Canh huyện Từ Liêm (AEa2/69) do Nguyễn Bá Đôn ghi chép vào năm Tự Đức thứ 12 (1859). Thần tích được sao chép muộn nhất là thần tích xã Vĩnh Tuy huyện Hoàn Long (AEa2/35) được sao lại năm 1904.
- Về người sao chép.
Sao chép lại các bản thần tích của tác giả Nguyễn Bính là Nguyễn Hiền. Theo tác giả Nguyễn Hữu Mùi: "Nguyễn Hiền chính là nhà khoa bảng Tô Thế Huy, người xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Cao Bình, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông từng đi sứ, giữ nhiều chức quan, khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu, khi giữ chức Quản giám bách thần, ông lấy bút danh Nguyễn Hiền, chuyên sao lục và hoàn thiện tiếp các bản ngọc phả của Nguyễn Bính"(10).
Ngoài Nguyễn Hiền, còn có nhiều người tham gia sao chép thần tích. Có thể liệt kê một số vị như: Thần tích xã Dư Dụ, tổng Hà Liễu, huyện Thanh Trì, ký hiệu AEa2/78 do Nguyễn Nhu, Thư lại Bộ Lễ sao chép. Có bài Tựa của Định An Tổng đốc Nguyễn Trọng Hợp viết năm Tự Đức thứ 30 (1877); Thần tích Cao Sơn đại vương ở phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long (AEa2/30) do Lê Doãn Địch sao năm 1840 từ văn bia dựng năm 1742; Thần tích xã Tam Lạc, huyện Hoàn Long (AEa2/28) do Ngô Vĩnh Thuận sao năm 1827 từ bản thần tích soạn năm 1735. Các chức sắc địa phương là lực lượng tham gia sao chép thần tích đông đảo nhất. Có thể nêu một số trường hợp: Thần tích xã Ngọc Kiều, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm (AEa2/70) do Lý trưởng Nguyễn Văn Tri sao; Thần tích xã Phù Trung, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm do Lý trưởng Đỗ Văn Phả sao; Thần tích thôn Tổ Thượng xã Thượng Trì, tổng Thượng Trì huyện Từ Liêm (AEa2/73) do Lý trưởng Nguyễn Văn Nhuệ sao...
8. Về hình thức văn tự
Các bản thần tích Hà Nội chủ yếu được viết bằng chữ Hán, duy nhất 1 bản thần tích viết bằng chữ Nôm, đó là bản Thần tích xã La Dương, tổng Yên Lãng, huyện Từ Liêm (AEa2/64). Ở thần tích này, ngoài bản sao thần tích viết bằng chữ Hán về ba vị Việt công, Minh công, Tuất công dưới thời Hùng Vương do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Nguyễn Hiền sao chép vào năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), còn phụ thêm Tam thánh sự tích viết bằng chữ Nôm, được soạn năm 1822, do Tổng trưởng Nguyễn Bá Dụ phụng sao.
II. GIÁ TRỊ CỦA THẦN TÍCH HÀ NỘI
1. Giá trị về mặt lịch sử
Thần tích được sáng tác xuất phát từ sự tôn vinh lịch sử và là việc làm được các triều đại phong kiến nước ta coi trọng nhằm mục đích lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền. Trước khi được đưa vào thờ tự ở đình đền, miếu mạo thì các sự tích về thần đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, trong cộng đồng làng xã. Có thể nói gốc gác của các thần tích đa phần đều bắt đầu từ câu chuyện dân gian. Hồ Tông Thốc đã cho biết nguồn gốc của dĩ vãng chính là từ việc nghe người xưa kể lại: "Nước Nam ta ở vào dải nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu ràng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi về việc dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể lại, xét nghiệm ở tương lai thì đã có các đền miếu cúng thờ"(11) .
Vũ Quỳnh trong lời Tựa sách Lĩnh Nam chích quái cũng cho rằng: "Những truyện chép ở đây là sử trong truyện cổ chăng"(12). Như vậy, lịch sử trong thần tích không phải là "lịch sử ở bề mặt, mà là lịch sử ở chiều sâu". Những nhân vật lịch sử trong thần tích hay truyền thuyết dân gian (được nhà nước ghi lại và cố định ở thời điểm lịch sử nào đó, hoặc do dân gian truyền đi) đều trở thành "biểu tượng của tiến trình lịch sử mà ký ức cộng đồng còn lưu giữ được"(13).
Có lẽ thần tích cũng như các bản kê khai thần tích về người anh hùng rất khó có thể cung cấp những chi tiết chính xác của lịch sử, song trong đó vẫn tồn tại đơn vị lịch sử chất liệu, "hay ký sự về một sự thật lịch sử". Có thể đơn cử một thí dụ về nhân vật lịch sử Phùng Hưng. Về nhân vật này, Đại Việt sử ký toàn thư chép:
"Tân Mùi [791] (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch [766-780] đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Con là An Tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương. Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái Đại Vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang, phía đông nam ruộng tịch điển"(14).
Trong khi đó, hầu hết các thần tích thôn, phường ở Hà Nội thờ Phùng Hưng như thần tích thôn Kim Mã, huyện Hoàn Long, thần tích phường Thịnh Hào, thần tích phường Quảng Bá... đều ghi chi tiết về tổ tiên, dòng họ Phùng Đại vương, tuy được thêu dệt thêm bằng rất nhiều câu chuyện kỳ lạ về khả năng phi thường của cha mẹ, anh em nhà Vương (có tài chế ngự bóng ma đen thường tác yêu tác quái làm hại mọi người, hiển linh âm phù sau khi mất...), song dường như vẫn nhìn thấy sợi dây liên hệ giữa nhân vật lịch sử mang tính biểu tượng với quan niệm thẩm mỹ của dân gian. Qua nhân vật Phùng Hưng, có thể thấy hình tượng nhân vật trong thần tích được dân gian thêu dệt thường có tầm vóc cao hơn lịch sử mà nó phản ánh. Nó cho thấy những giá trị trường tồn của nhân vật và sự kiện. Có nhiều sự kiện và tình tiết được thần tích ghi lại, nhưng lại không được các nhà chép sử đề cập tới. Những ghi chép đó không có trong một bộ sử biên niên nào mà chỉ sống trong ký ức của người dân và không bị lụi tàn theo thời gian. Họ kể với niềm tin, không quan tâm nhiều đến tính xác thực miễn sao tôn vinh được những giá trị vĩnh cửu của nhân vật. Vì thế, truy tìm tính xác thực về các sự kiện và nhân vật mà thần tích đăng tải là việc làm ít có ý nghĩa.
Tuy nhiên, việc thờ cúng thần linh ở nước ta xưa kia nhiều vốn là hành động có ý nghĩa tích cực, bởi từ sự tích các anh hùng thần linh ít hoặc nhiều dấu vết cụ thể của những thời kỳ lịch sử nhất định. Ở họ là những kinh nghiệm làm ăn, chiến đấu, những đức tính yêu nước thương dân, trung thực, ngoan cường. Cho nên cũng như tục thờ cúng tổ tiên với ý nghĩa là tổ tiên vẫn tồn tại, tuy ở một thế giới khác, và vẫn theo dõi con cháu, khi cần thì phù họ cho con cháu vượt qua khó khăn, nhân dân ta từ xưa tới nay thờ cúng các vị thần linh vì đều tin rằng các vị đó vẫn sống mãi, bất tử và luôn phù hộ cho dân cho nước. Những anh hùng có công với dân với nước đều được nhân dân lập đền miếu thờ cúng, tôn làm thần linh và đã là thần linh thì có thể hiển ứng mỗi khi cần thiết.
Việc thờ cúng thần linh một mặt còn mang màu sắc tôn giáo nhưng một mặt thì lại gắn với ý thức vững bền của dân tộc về những kỳ tích của cha ông trong quá khứ. Việc thờ cúng như vậy rõ ràng là bao hàm những hy vọng và niềm tin chân thành của nhân dân. Xét đến cùng thì đây cũng là một hình thức bảo vệ truyền thống khá đặc biệt.
Như vậy, các vị thần linh đã thể hiện sức mạnh tinh thần bất diệt, và được miêu tả như những lực lượng viện trợ cho các thế hệ đời sau trong lúc nguy biến bằng con đường âm phù. Nhiều thần tích kể lại với một niềm tin chân thành, và dù có tin hay không tin vào sự việc hoang đường, khi kể lại sự âm phù của anh hùng đời trước đối với anh hùng đời sau, nhân dân lại muốn biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực giữa các thế hệ trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước, qua đó phản ánh sức sống mãnh liệt của những truyền thống dân tộc. Thăng Long là nơi còn lưu giữ được hàng trăm thần tích và các ngôi đình đền vẫn bền bỉ song hành với cuộc sống hiện đại. Người Hà Nội ngày nay dường như vẫn còn tìm một mối hòa đồng với thế giới tâm linh, thấy ở đó tiềm ẩn một năng lượng vô hình nhưng hữu hiệu.
2. Giá trị về mặt văn học
Trong các thần tích, motip của truyền thuyết dân gian được sử dụng đậm đặc. Đó là các motip sinh đẻ thần kỳ, chiến công phi thường và hóa thân thần kỳ. Ba motip nay được sử dụng như ba chặng chủ yếu của cốt truyện mà từ đó những chi tiết phụ được xâu chuỗi xung quanh.
Về motip sinh đẻ thần kỳ, thần tích có thể sử dụng nhiều dạng như: nuốt sao, giao long phủ, rắn quấn, mộng thấy thần nhân trao cho bông sen trắng...
Về motip chiến công phi thường, thì thần tích cũng kể ra vô số loại giặc có thật và không có thật, cùng với sự mô tả tính phi thường của nhân vật từ sức khỏe đến quyền phép. Khác với truyền thuyết thường chỉ kể vắn tắt, trong khi đó thần tích lại miêu tả tỉ mỉ cuộc chiến phi thường với nhiều tình tiết ly kỳ. Có lẽ đây là điểm khác nhau cơ bản giữa phương thức truyền miệng với phương thức ghi chép bằng văn tự.
Motip thứ ba mà ta thường gặp là motip hóa thân thần kỳ, trong dân gian gọi là ngài hóa. Theo các nhà nghiên cứu, trong khi miêu tả cái chết của các nhân vật phi thường, tác giả dân gian thường dùng motip hóa thân để chỉ sự bất tử của họ. Trong tiềm thức dân gian, người anh hùng luôn sống mãi, cái chết của họ chỉ là sự "trở về với tự nhiên, với hồn thiêng sông núi" và cho dù ở thế giới khác, họ vẫn hiện hữu, hiển linh âm phù và được người đời thờ phụng.
Cũng giống với hầu hết truyền thuyết về người anh hùng của Việt Nam, hiển linh âm phù cũng là chi tiết xuất hiện trong hầu hết các thần tích. Ví dụ thần tích phường Nhược Công, huyện Hoàn Long (AE.a2/27) kể về cái chết thần kỳ của Thưởng công: "Bấy giờ Thưởng công đang chiêu mộ binh sĩ ở châu Hoan, châu Ái, bỗng thấy Đông Hải Vương sứ thần tới triệu. Hôm đó, ông bèn hội binh tại huyện Yên Ninh được gần một ngàn người, lập tức truyền bắt lấy hơn 300 chiếc thuyền, đi theo đường biển, nhưng than ôi đạo trời khiến ra thành bại, việc hưng suy chỉ định một ngày (ngày mồng 10 tháng 9), ông tiến về mới đến con sông nhỏ Mãn Giang (bến Thanh Lũng huyện Thanh Lâm), bỗng cuồng phong nổi lên, trời đất tối sầm, sóng dâng cuồn cuộn, đáy sông cuồng dâng, ầm ầm sấm dậy, trên trời có dải mây xanh, rơi thẳng xuống thuyền của ông, làm thuyền ông tan ra, biến thành muôn màu lấp lánh. Bỗng có 3 tiếng sấm sét, đường thủy tan tành, thuyền của ông đột nhiên chìm mất. Gia thần ở các thuyền phía trước phía sau thấy ông đã hóa. Được một lúc, trời quang mây tạnh, thuyền của ông đã chìm từ lúc nào. Mọi người thấy thế ai cũng kinh ngạc, bàng hoàng cho là việc kỳ lạ, bèn tự giải tán trở về, chỉ còn vài trăm gia thần, chia làm hai đạo, một đạo trở về phường dinh báo cho phu nhân, một đạo theo sứ thần trở về báo với Đông Hải Vương".
Có thể thấy, các yếu tố truyền thuyết dân gian được sử dụng đậm đặc trong thần tích. Có hiện tượng này là bởi vì truyền thuyết dân gian luôn có xu hướng thiêng hóa thực tại để thể hiện sự tôn vinh của tác giả dân gian đối với nhân vật thông qua vai trò kỳ ảo. Thần tích đã dùng những yếu tố kỳ ảo để biểu hiện niềm tin của người dân vào tính thiêngcủa các vị thần trong tín ngưỡng thành hoàng mà họ phụng thờ.
Nhiều bản thần tích đã kể lại việc các vị thần báo mộng cho vua chúa để chỉ rõ điềm lành, điều dữ, hoặc là hiển linh âm phù để giúp triều đình dẹp giặc, trừ họa. Có khi các vị đó không giấu giếm mục đích của mình là lập công để mong được hưởng sự tế tự lâu dài, để được sửa sang hoặc xây dựng đền miếu. Không chỉ lúc chiến tranh, loạn lạc hay tai ương, ngay cả khi đất nước đã thái bình, thì việc mong muốn đất nước phồn thịnh, vận nước dài lâu, ngai vua bền vững cũng vẫn phải nhờ cậy thần linh giúp đỡ. Truyện Bảo quốc trấn linh định bang, quốc đô thành hoàng đại vương, sách Việt điện u linh kể về giấc mơ gặp thần nhân của vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long. Truyện kể rằng: Khi Lý Thái Tổ thiên đô về, thường nằm mộng thấy có ông già đầu bạc thấp thoáng ở trước sân rộng, lạy hai lạy, cúi đầu mừng hô: "Vạn tuế". Vua lấy lạ liền hỏi họ tên. Ông già tâu hết nguyên ủy. Vua cười nói: "Vị tôn thần muốn hưởng giữ hương lửa tới trăm năm hay sao ? Đáp: "Cốt mong cho cơ đồ của Hoàng đế bền lâu như Thái Sơn, bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận đều được thái hòa, thì lũ chúng tôi chẳng phải giữ được trăm năm hưởng lửa mà thôi đâu". Nhà vua tỉnh dậy, sai quan đền tế lễ phong thần làm quốc đô thăng Long Thành hoàng đại vương. Dân cư cầu đảo và làm lễ thề, thì họa hay phúc hiển ứng rõ ràng”.
Câu chuyện trên phản ánh mối quan hệ qua lại giữa “thần quyền” và “vương quyền”. Ở đây ta thấy có sự bắt gặp giữa một việc làm đáp ứng được hai nhu cầu. Một bên là nhu cầu muốn hệ thống hóa thần linh của triều đình phong kiến, một bên là nhu cầu muốn quan phương hóa thần linh sở tại. Không chỉ dân làng có thần được thờ mong muốn thần làng mình được công nhận thờ ở tầm quốc gia mà ngay cả thần linh cũng muốn được giữ hương lửa thờ cúng mãi mãi. Cho nên ở các bản thần tích, công tích của các thần thường được thêu dệt, tô vẽ quá mức, khiến cho văn phong các bản thần tích không còn gọn gàng súc tích mà trở lên dài dòng, nhàm chán. Đó cũng là một trong những hạn chế của các thần tích. Sự hạn chế đó là do điều kiện lịch sử quy định, khó có thể đòi hỏi người xưa phải vượt ra khỏi tư tưởng thần linh chủ nghĩa và ý thức hệ phong kiến.
Tóm lại, mặc dù còn có những hạn chế, nhưng những giá trị về mặt lịch sử, văn học, hay tâm linh... mà thần tích đem lại luôn được đánh giá cao. Hy vọng những vấn đề trong bài viết này sẽ được tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhằm làm sáng tỏ những giá trị mà thần tích Hà Nội đem lại, đồng thời để hiểu sâu hơn về mảnh đất Thăng Long "linh thiêng mà hào hoa".
Bài viết được sự tài trợ của Quĩ NAFOSTED, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120).2013; tr. 48-61.
Chú thích:
(1) Kiều Thu Hoạch: Truyền thuyết anh hùng trong thời kì phong kiến, in trong sách Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.290.
(2) Nguyễn Duy Hinh: Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 1996, tr.383.
(3) Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 1995, tr.290.
(4) Bách thần lục. Nguyễn Tá Nhí dịch, Tài liệu chép tay, Thư viện Viện Văn học, Ký hiệu DHL/146, tr.2.
(5) Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Sđd, tr.450.
(6) Đại Nam thực lục. T.1, Nxb. Giáo dục, tr.484, 527, 644, 815 và 866; Quốc sử di biên, Nxb. KHXH, H. 2010, tr.184-185).
(7) Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác giả Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.259.
(8) Xem thêm: Từ điển văn học; Từ điển văn hóa Việt Nam; Luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu và đánh giá văn bản thần tích địa phương Thái Bình của Mai Ngọc Hồng...).
(9)(10)Nguyễn Hữu Mùi: Tác giả Nguyễn Bính, Nguyễn Hiền và quá trình tàng trữ, sao lục thần tích ở thời Nguyễn. Luận văn Thạc sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(11) Thơ văn Lý - Trần. Nxb. KHXH, 1978, Tập 3, tr.77.
(12) Lĩnh Nam chích quái, sách chữ Hán, ký hiệu A.2914, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(13) Trần Thị An: Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Hà Nội. 2000, tr.47.
(14) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I, Nxb. KHXH. H. 1998, tr.191-192./.