Nguyễn Thị Oanh
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
TÓM TẮT
Hiện nay ở Việt Nam, số lượng các nhà nghiên cứu Việt Nam nghiên cứu về văn học setsuwa (thuyết thoại) của Nhật Bản đã gia tăng đáng kể so với những năm trước đây, song sự hiểu biết liên quan đến văn học điềm báo, ghi chép về những chuyện chưa xẩy ra trong tương lai như “mộng ký”, “đồng dao”, “sấm ký” …ghi chép ở văn học thuyết thoại của Nhật còn nhiều hạn chế. Lẽ đương nhiên việc nghiên cứu các tác phẩm ghi chép truyện điềm báo như Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh …đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam tiến hành từ rất sớm, song trong bối cảnh toàn cầu hóa và giao lưu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày một phát triển mạnh mẽ thì việc tìm hiểu tình hình nghiên cứu liên quan ở nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập. Các nhà nghiên cứu Việt Nam nếu không thông thạo ngoại ngữ sẽ gặp trở ngại trong việc tiếp xúc và kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Trong nỗ lực chung nhằm truyền tải những thành tựu nghiên cứu nước ngoài cho các nhà nghiên cứu trong nước, báo cáo này sẽ giới thiệu khái quát một số luận văn, công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực trên của các học giả Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Báo cáo đi sâu giới thiệu một số vấn đề liên quan như người Nhật Bản cổ đại tin thế nào về giấc mơ điềm báo ? Các truyện về giấc mơ điềm báo có nội dung ra sao và sự hình thành thế giới giấc mơ điềm báo trong các tác phẩm setsuwa của Nhật được xây dựng thế nào ? Trên cơ sở đó sẽ so sánh với một số ghi chép về truyện giấc mơ điềm báo trong truyền thuyết và truyện cổ Việt Nam viết bằng chữ Hán như Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh, từ đó tìm ra những mảng màu chung và riêng biệt trong việc tạo dựng nhân vật và cốt truyện giấc mơ điềm báo của hai nước, hy vọng qua đó có thể gợi mở một số vấn đề nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này ở Việt Nam trong tương lai.