Từ trước Cách mạng Tháng Tám cho tới nay, không ít học giả nổi tiếng trong công trình khoa học của mình vẫn khẳng định: bài thơ Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Có thể kể ra đây một vài công trình tiêu biểu như: Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim(1), Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn(2), Việt Nam cổ văn học sử(3) của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học sử yếu(4) của Dương Quảng Hàm, Tổng tập văn học Việt Nam(5) của Văn Tân, Lịch sử văn học Việt Nam(6) của Đinh Gia Khánh... và một số bộ tổng tập lớn của thời đại như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam(7), Thơ văn Lý - Trần(8), Tổng tập văn học Việt Nam(9) v.v..
Gần đây, đã có thêm những ý kiến mới về tác giả cũng như thời điểm ra đời của bài thơ. Có lẽ người đầu tiên đặt lại vấn đề tác giả của bài thơ này là Hà Văn Tấn. Ông cho rằng: “Không có một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó chỉ là “đoán” thôi, làm sao nói chắc được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt”(10). Bùi Duy Tân trong bài: Truyền thuyết về một bài thơ “Nam quốc sơn hà” là vô danh không phải của Lý Thường Kiệt(11), cũng đã đưa ra nhiều luận cứ khoa học để khẳng định bài thơ Nam quốc sơn hà là khuyết danh, không phải của Lý Thường Kiệt như chủ thuyết trước đây, mặt khác dựa vào truyền thuyết và huyền tích còn lại, ông cũng nêu lên những dự đoán về thời điểm ra đời của bài thơ, cho rằng "truyền thuyết trong có bài thơ không thể xuất hiện muộn hơn năm ra đời sách Việt điện u linh (VĐUL) của Lý Tế Xuyên: 1329". Và phỏng đoán "Truyền thuyết có thể xuất hiện từ thời Ngô và sau đó là thời Đinh Lê, tức đầu thời tự chủ"(12).
Như chúng ta đã biết, bài thơ Nam quốc sơn hà nằm trong truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát(13), loại truyền thuyết anh hùng thường thấy trong lịch sử dân tộc. Truyền thuyết này được văn bản hóa sớm nhất ở sách VĐUL (1329). Ngoài ra, truyền thuyết còn được ghi lại trong các bộ sử lớn như Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) và các sách sử khác như Việt sử tiêu án (VSTA), Việt sử tiệp kính (VSTK), trong các bộ sách khác như Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC), Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC)... Mặt khác, truyền thuyết này cũng sớm được lấy lại trong Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) (tương truyền của Trần Thế Pháp, biên soạn ở thời Trần) và các sưu tập truyện cổ dân gian khác Thiên Nam vân lục liệt truyện (TNVLLT), Mã lân dật sử (MLDS), các sách sử như Việt sử diễn âm (VSDA),Việt sử quốc âm (VSQA), Thiên Nam ngữ lục (TNNL) và các bộ sách khác như ĐNNTC và các bản thần tích sưu tầm trước đây và hiện nay. Với một khối lượng văn bản khá phong phú, có thể thấy truyền thuyết có sức hấp dẫn mạnh mẽ nhiều thế hệ độc giả. Ở các văn bản, truyền thuyết luôn được trình bày với tư cách là truyền thuyết dân gian thành văn. Tuy mang mầu sắc thần quái nhưng lại được hư cấu dựa trên các chi tiết lịch sử có thật nên truyền thuyết mang tính chất của loại hình tự sự dân gian sơ khai. Do được trình bày với tư cách là truyền thuyết dân gian thành văn nên ngay cả khi đã được định hình, nghĩa là đã bị đóng khung trong một nội dung cố định thì tính linh động do bản chất là truyền khẩu dân gian vẫn làm cho truyền thuyết không ngừng vận động và phát triển, vì vậy tính đa dị là phổ biến. Để có thể tìm hiểu thời điểm ra đời của bài thơ, tìm về "bản lai diện mục" của nó, việc thống kê, phân loại và xác định nguồn tư liệu gốc (đối tượng khảo sát của chúng tôi là tư liệu thành văn) là rất cần thiết. Nếu không giải quyết tốt vấn đề trên thì mọi sự phân tích, đánh giá đều khó tiếp cận sự thật.
Theo thống kê ban đầu, có khoảng 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích(14) về truyền thuyết trong có bài thơ được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hiện còn lưu trữ tại các thư viện ở Hà Nội. Dựa vào sự thay đổi về nội dung truyền thuyết và thời điểm ra đời của bài thơ, chúng tôi chia nguồn tư liệu trên thành hai nhóm. Hai nhóm này gắn với hai giả thiết về thời điểm ra đời của bài thơ(15). Giả thiết thứ nhất (nhóm Một): Bài thơ ra đời gắn với truyền thuyết thần đọc thơ ngầm giúp Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt vào năm Bính Thìn, niên hiệu Thái Ninh thứ 5 (1076) trên sông Như Nguyệt. Giả thiết thứ hai (nhóm Hai): Bài thơ ra đời gắn với truyền thuyết thần đọc thơ ngầm giúp Lê Đại Hành trong công cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất của dân tộc, năm Tân Tị, niên hiệu Thiên Phúc thứ 2 (981).
Để có thể tìm về bản xưa nhất ghi chép truyền thuyết qua hai nhóm tư liệu trên, việc xác định bản gốc, bản có đủ độ tin cậy về mặt văn bản là thao tác không thể thiếu trước khi đi vào nghiên cứu tư liệu.
Trong nguồn tư liệu thuộc nhóm Một, chúng tôi chọn bản VĐUL, ký hiệu A.751 của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) làm bản nền. Xem lại truyền thuyết trong có bài thơ ở các dị bản của sách VĐUL, chúng tôi thấy không có sự khác nhau giữa chúng. Do truyền thuyết được chép tương đối thống nhất nên việc tìm ra bản nào là bản cổ nhất của sách này là hết sức khó khăn. Sở dĩ chúng tôi chọn bản trên bởi bản này chép truyền thuyết tương đối thống nhất (tỉ lệ tương đồng có xê xích) với sách ĐVSKTT, bản Chính Hòa 18 (1697). Ngoài ra, trong nhóm Hai, chúng tôi cũng chọn bản LNCQ A.2914 (VNCHN)(16) làm bản gốc. Bản này được sao lại từ bản có niên đại khá sớm (1554), do Đoàn Vĩnh Phúc sưu tầm từ bản hiệu chỉnh của Vũ Quỳnh và là bản không có gì thay đổi nhiều so với cuốn Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp. Đây cũng là bản được Phan Huy Chú mô tả trong LTHCLC(17), và là bản được Quốc sử quán triều Nguyễn sử dụng khi biên soạn ĐNNTC(18) và Ngô Thì Sĩ giới thiệu trong ĐVSTTB (19). Với hai bản VĐUL và bản LNCQ trên, (trong khi chưa tìm được tư liệu đáng tin cậy hơn) có thể coi đây là tư liệu ghi chép xưa nhất về truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát trong có bài thơ Nam quốc sơn hà.
Theo sách VĐUL , kí hiệu A.751, truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát ra đời gắn với nhân vật lịch sử Ngô Nam Tấn. Truyền thuyết tóm tắt như sau: Theo Sử ký của Đỗ Thiện, Ngô Nam Tấn đánh giặc Lý Huy ở Long Châu đóng quân ở cửa sông Phù Lan nằm mộng thấy thần nhân. Thần nhân đến trước vua bái lạy và thưa rằng họ là hai anh em, anh là Trương Hống, em là Trương Hát là tướng của Triệu Việt Vương. Sau Triệu Việt Vương bị Lý Nam đế cướp ngôi, Nam đế cho vời ra làm quan, hai anh em không theo, ẩn vào núi Phù Long. Nam đế thuê người lùng bắt, hai anh em uống thuốc độc chết. Thượng đế cho hai người làm thủy thần, xin được giúp vua phá giặc. Sau đó quả nhiên giặc tan. Sau khi Long Châu được dẹp yên, vua Nam Tấn cho lập đền thờ và phong thưởng cho hai thần. Một là Đại đương giang đô hộ quốc thần vương, đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt. Một là Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương, đền thờ ở cửa sông Nam Bình.
Thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) quân Tống sang xâm lấn. Vua sai Lý Thường Kiệt lập trại ở ven sông để chống giữ. Một đêm thần hiển hiện đọc bài thơ Nam quốc sơn hà:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam đã có vua nước Nam ở,
Tại sổ trời đã ghi địa phận rõ ràng,
Sao bọn giặc kia lại xâm phạm,
Chúng bay sẽ thấy bị thua to).
Quả nhiên quân Tống bị thua, phải rút về nước"(20).
Theo LNCQ, bản A.2914, truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát (với tiêu đề truyện là Long Nhãn Như Nguyệt nhị thần truyện. Truyện hai vị thần Long Nhãn và Như Nguyệt) và bài thơ Nam quốc sơn hà ra đời gắn với vua Lê Đại Hành và cuộc kháng chiến chống quân Tống của quân dân nước ta vào cuối thế kỷ X [năm Tân Tị, niên hiệu Thiên Phúc (981)].
Truyền thuyết tóm tắt như sau: "Năm Tân Tị niên hiệu Thiên Phúc, triều Lê, Tống Thái Tông sai tướng quân Nhân Bảo, Tôn Toàn đem binh xâm lược phương Nam đến cửa biển Đại Than. Vua Đại Hành cùng tướng quân Phạm Cự Lượng dựng lũy, cầm cự với giặc ở sông Đồ Lỗ. Lê Đại Hành đêm canh ba nằm mộng thấy thần nhân tới bái lạy trên sông. Thưa rằng: "Hai anh em thần, một người là Trương Hống(21), một người là Trương Hát, trước theo vua Ngô dẹp nghịch tặc bình định được thiên hạ, đến đời hậu chúa Nam Tấn thì mất nước. Họ Đinh nghe tiếng anh em thần bèn triệu về, bọn thần vì nghĩa không theo bèn uống rượu độc mà chết. Thượng đế thương tình ban tên cho là Thần bộ quan, thống lĩnh tướng các âm binh. Nay giặc Tống sang xâm phạm bờ cõi, xin được cùng hoàng đế đánh giặc Bắc Tống để cứu sinh dân". Vua tỉnh dậy, lập tức thắp hương khấn vái xin được thần nhân trợ giúp, sau đó giết súc vật, đốt vàng mã làm lễ cúng tế. Đêm ấy, Đại Hành lại mộng thấy thần nhân thống lĩnh âm binh tiến đánh giặc. Canh ba, đêm tháng mười, trời đất tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng, quân Tống kinh hoàng, tháo chạy tán loạn, thần nhân ẩn mình trên không trung lớn tiếng ngâm thơ:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư,
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ.
(Núi sông nước Nam vua Nam ở,
Trời xanh đã định trong sách trời,
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm,
Sẽ gặp cuồng phong đánh tơi bời).
Quân Tống nghe bài thơ đó đánh giết lẫn nhau rồi mạnh ai người nấy chạy tháo thân về nước. Vua phong thưởng tướng sĩ rồi truy phong công lao hai thần. Một là Khước Địch đại vương, lập đền ở ngã ba sông Long Nhãn. Một là Uy Linh đại vương, lập đền ở ven sông Như Nguyệt".
Thử so sánh truyền thuyết này trong LNCQ với truyền thuyết trong VĐUL thì thấy giữa chúng có chung một môtip nội dung, bao gồm các yếu tố:
- Thần báo mộng: gắn với nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử.
- Hành trạng của thần: đều là bậc trung thần, có công trong việc giúp nước giúp dân, lại là bậc trung trinh, tuẫn tiết vì điều nghĩa.
- Công tích của thần: sau khi mất, hiển ứng giúp vua chống giặc nội phản và giặc ngoại xâm.
- Sự phong thưởng của triều đình phong kiến: sau khi phù giúp, được vua bao phong, lập đền thờ cúng.
Bên cạnh cái chung, sự khác nhau trong các tình tiết cụ thể cũng là điều dễ nhận thấy. Nếu truyền thuyết trong LNCQ gắn với nhân vật lịch sử Lê Đại Hành thì truyền thuyết trong VĐUL gắn với nhân vật lịch sử Ngô Nam Tấn. Nếu bài thơ trong LNCQ là thành phần hữu cơ của truyền thuyết thì bài thơ trong VĐUL là sự chép tiếp nối sau khi truyền thuyết kết thúc. Ngoài ra, việc phong thưởng của nhà nước phong kiến không có trong sự kiện thần phù giúp Lý Thường Kiệt.
Như vậy, truyền thuyết có trước hay bài thơ có trước ? Bài thơ gắn với truyền thuyết về Lê Đại Hành hay Lý Thường Kiệt ?
Theo bản LNCQ A.2914 (VNCHN), bài thơ Nam quốc sơn hà ra đời gắn với chiến công hiển hách đánh tan quân Tống xâm lược lần thứ nhất của vua Lê Đại Hành. Bài thơ được sáng tác để cổ vũ tinh thần của binh sĩ ta đồng thời khẳng định sự độc lập hoàn toàn của quốc gia và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng không thể xâm phạm của dân tộc. Nội dung của bài thơ hoàn toàn phù hợp với không khí sục sôi chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta thời bấy giờ. Xem lại các dị bản của bài thơ, [chúng tôi lấy bài thơ trong LNCQ A.2914 và VĐUL A.751 (VNCHN) đã nêu phía trên để đối chiếu](22) câu thơ thứ nhất "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" không thay đổi trong tất cả các dị bản. Câu thứ hai: Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư, câu này thay đổi ở các từ : "Hoàng thiên" (Trời xanh) thành "tiệt nhiên" (rõ ràng); "dĩ định" (đã định) thành "phận định" (địa phận đã định). Nếu đọc lướt qua thì có lẽ giữa hai dị bản của câu thơ này không khác nhau về ý nghĩa, nhưng thực ra chúng khác nhau về sắc thái tu từ. Dùng "Tiệt nhiên" có lẽ "dứt khoát, rành mạch, đúng với đạo lý hơn" và cũng mới thấy cái ngang ngược, bất chấp đạo lý của bọn giặc xâm lược. Nếu so với câu: Tiệt nhiên phận định tại thiên thư (Tại sổ trời đã ghi địa phận rõ ràng) thì câu: Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư (Trời xanh đã định trong sách trời) thì có thể thấy rõ tư tưởng "thiên mệnh" bao trùm tâm thức của người dân thời bấy giờ. Câu tiếp theo: Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm, trong câu này từ "Bắc lỗ" (giặc Bắc) được thay bằng "nghịch tặc" (bọn giặc). Từ "nghịch tặc" là chỉ chung bọn giặc, chẳng kể giặc Bắc, giặc Chiêm Thành và những bọn giặc ngoại xâm khác. Còn "Bắc Lỗ" thì chỉ có một ý nghĩa là "giặc Bắc" "giặc Tống" mà thôi. Vì vậy bài thơ có từ "Bắc Lỗ" là bài thơ nói về cuộc kháng chiến chống giặc Bắc (ở đây là giặc Tống) mà không phải chiến trận nào khác. Câu cuối cùng: Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ (Sẽ bị cuồng phong đánh tơi bời), câu này được thay hết bằng: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Chúng bay sẽ thấy bị thua to). Câu thơ: Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ so với câu thứ hai khác ở chỗ nó được gắn với khung cảnh thiên nhiên cụ thể, trong một chiến trận cụ thể. Còn Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư gắn kết có tính biện chứng với câu trước nó Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, (Sao bọn giặc kia lại dám xâm phạm, chúng bay sẽ thấy bị thua to), ý nghĩa của hai câu thơ đã được mở rộng không chỉ trong khung cảnh một trận đánh, với một đối tượng là giặc Bắc mà chỉ chung cho mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng là giặc ngoại xâm(23).
Phải chăng từ bài thơ có tính cụ thể đã được thay đổi bằng bài thơ mang tính khái quát. Bài thơ đã được thay đổi từ bao giờ ?
Trở lại sách VĐUL, tập sách sớm nhất ghi chép về truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát, bài thơ xuất hiện gắn với công cuộc kháng chiến chống quân Tống của Lý Thường Kiệt vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127).
Cứ theo thời điểm ghi trong truyền thuyết thì bài thơ gắn với truyền thuyết chống quân Tống của vua Lê Đại Hành phải có trước (năm 981) còn bài thơ gắn với Lý Thường Kiệt phải có sau (năm 1076). Thực ra hai sự kiện lịch sử này cách nhau không xa, khoảng 95 năm, nhưng vì sao trong các sách chính thống của nhà nước phong kiến như VĐUL, các sách sử như ĐVSKTT lại không chép bài thơ đó gắn với vua Lê Đại Hành ? Phan Huy Lê khi khảo cứu tác phẩm ĐVSKTT đã cho rằng: "Các tác giả Đại Việt sử kí toàn thư đã đứng trên quan điểm chính thống, đạo trung quân cùng với những nguyên tắc của tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức để viết sử, để khen chê, để đánh giá và bình luận các nhân vật lịch sử"(24). Vì vậy khi đánh giá về Lê Hoàn (Lê Đại Hành), người sáng lập ra nhà Tiền Lê (980-1009), một vị anh hùng dân tộc có công lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất, người đã được nhà viết sử Lê Văn Hưu hết lòng ca ngợi "Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, trói Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là các vua Hán, Đường cũng không hơn được" thì ngòi bút của Ngô Sĩ Liên lại phê phán gay gắt Lê Đại Hành về "tội" không hết lòng phò tá con vua Đinh, lập Dương Thị làm Hoàng hậu. Ông viết: "Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, mối của vương hóa... Đại Hành thông dâm với vợ vua rồi nghiễm nhiên lập làm Hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn vậy". Nếu đã đánh giá Lê Đại Hành như vậy thì dễ gì lại đem bài thơ như một bản "Tuyên ngôn độc lập" đó của dân tộc gắn cho Lê Hoàn được. Vì vậy có lẽ đến thời điểm biên soạn bộ ĐVSKTT, các tác giả đã gắn bài thơ đó cho Lý Thường Kiệt. Cũng có thể đến thời Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt đã mượn danh thần, cho người nấp vào đền ngâm bài thơ để cổ vũ quân sĩ, làm tiêu tan ý chí và tinh thần của kẻ địch. Việc mượn uy thần trong chiến trận cũng là một điều dễ hiểu, nhưng việc thần không được triều đình phong kiến nhà Lý phong thưởng sau khi thắng trận lại không theo lệ thường. Không lẽ vua Lý Nhân Tông "quên" không phong thưởng cho thần hay VĐUL "bỏ sót" không chép ?
Có một điều đáng lưu ý, việc lấy mĩ hiệu của thần làm tiêu đề cho các thiên truyện của VĐUL là khá nhất quán, ví dụ truyện về Phạm Cự Lượng có tiêu đề là Hồng thánh trung vũ tá trị đại vương, “Hồng thánh” là tên hiệu thần do vua Lý Thái Tông (1028 - 1053) phong cho, tiếp theo đến đời Trần, năm Trùng Hưng 1 (1285) , phong hai chữ “Khuông quốc”, năm thứ 4 (1288) gia phong hai chữ “Trung vũ”. Đến năm Hưng Long 21 (1311) thêm hai chữ “ Tá trị”. Hoặc truyện thần sông Tô Lịch với tiêu đề là Bảo quốc trấn linh định bang quốc đô thành hoàng đại vương. “Quốc đô thành hoàng đại vương” là do vua Lý Thái Tổ (1010) phong cho thần, tiếp đến đời Trần năm Trùng Hưng 1 (1285) được phong thêm hai chữ Bảo quốc, năm thứ 4 (1288) phong thêm hai chữ Hiển linh, năm Hưng Long 21 (1311) phong hai chữ Định bang. Nhưng ở truyện thần Trương Hống, Trương Hát dường như có sự thay đổi. Đại đương giang đô hộ quốc thần vương và Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương là tên hiệu thần do vua Ngô Nam Tấn phong cho vì có công ngầm giúp vua chiến thắng giặc ở Long Châu. Theo cách đặt tên truyện của VĐUL thì tên hiệu thần là Đại đương giang đô hộ quốc thần vương và Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương phải có mặt trong tiêu đề truyện Trương Hống, Trương Hát, nhưng tên truyện lại đặt là Khước địch thiên hựu, trợ thuận đại vương, Uy địch dũng cảm, hiển thắng đại vương. Khước địch và Uy địch mới phong sau ở thời Trần, không biết Lý Tế Xuyên quên không đưa vào tên truyện ? Hay truyền thuyết Ngô Nam Tấn là sự "thêm vào sau khi thay đổi truyền thuyết" của người đời sau ?
Chúng ta đã biết, LNCQ là sưu tập những câu chuyện dã sử có tính chất dân gian được sưu tầm ở cõi Lĩnh Nam (tức nước ta) thời cổ. Trong số các truyện của LNCQ, chí ít cũng có 4 truyện được lấy từ VĐUL, trong đó có truyện Trương Hống, Trương Hát(25). Theo chúng tôi, có thể ban đầu VĐUL đã chép truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát gắn với vua Lê Đại Hành và công cuộc chống giặc Tống xâm lược theo đúng hào khí lịch sử thời bấy giờ, nhưng về sau do quan điểm Nho giáo, coi trọng chính thống như đã phân tích trên, người biên soạn có thể đã thay đổi nội dung của truyền thuyết. Khi đã thay đổi nội dung của truyền thuyết, thì bài thơ vốn có trong truyền thuyết sẽ gắn cho nhân vật lịch sử nào ? Không phải vua Ngô Nam Tấn bởi vua Nam Tấn không đánh giặc ngoại xâm. Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc đã đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt có lẽ là người xứng đáng nhất để thần hiển hiện đọc bài thơ cổ vũ binh sĩ. Như trên đã phân tích, nếu được thần ngầm giúp thì sau khi chiến thắng vua Lý Nhân Tông phải phong thưởng, ban thêm mĩ tự cho thần, nhưng không thấy VĐUL ghi chép gì về điều này. Ngay trong tự điển các thần, tức các bản thần tích, thần phả được lưu giữ nhiều đời ở các đền họ Trương và trong hồ sơ gia phong tước hiệu các thần ở triều đình cũng không thấy ghi chép gì việc vua Lý Nhân Tông phong tước hiệu cho thần sau cuộc kháng chiến chống quân Tống thắng lợi. Việc phong thưởng phải chờ đến 200 năm sau, tức năm Trùng Hưng 1 (1285) hai thần mới được phong là Như nguyệt khước địch và Uy địch đại vương. Việc không được triều đình phong kiến phong thưởng chẳng phải nói lên sự kiện "Lý Thường Kiệt" chỉ là sự "tái tạo" truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát về sau này của các sử gia phong kiến sao ?
Có lẽ truyền thuyết ban đầu của VĐUL đã bị các sử gia phong kiến sau này sửa chữa cho phù hợp với nhãn quan Nho giáo, và như vậy, truyền thuyết trong có bài thơ của LNCQ cổ nói trên phải chăng là dạng ban đầu, xưa nhất của sách VĐUL mà nay chúng ta mới tìm thấy ?
Một điều đáng chú ý khác, trong các dị bản bài thơ sưu tầm ở đền họ Trương các vùng ven sông Cầu, bài thơ Nam quốc sơn hà đều được chép đúng ý nghĩa như bài thơ trong bản LNCQ A.2914, chỉ có thay đổi một vài từ ở câu cuối cùng, nhưng vẫn có nghĩa là mây mưa gió bão, gắn với khung cảnh thiên nhiên bài thơ ra đời(26). Mặc dù bài thơ gắn với Lý Thường Kiệt đã được các sử gia phong kiến chính thức chép vào quốc sử (ĐVSKTT), nhưng ở những nơi thờ hai vị thần họ Trương có công ngầm giúp Lê Đại Hành trong cuộc chiến với quân Tống, nhân dân vẫn giữ lại truyền thuyết trong có bài thơ trên, giống như người dân Hoa Lư vẫn lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương Hậu cùng ngồi như ĐVSKTT đã ghi lại(27). Thái độ của nhân dân ta thật rõ ràng, công minh, tôn kính những người có công với nước với dân, cho dù các sử gia phong kiến có lên án, buộc tội oan uổng.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, bài Nam quốc sơn hà ra đời gắn với Lê Đại Hành và công cuộc kháng chiến vĩ đại lần thứ nhất của dân tộc ta sau khi giành được quyền độc lập tự chủ từ tay đế chế phương Bắc. Bài thơ đã phản ánh đúng hào khí của thời đại, tâm thức và nguyện ước của nhân dân. Tác giả của bài thơ là hàng ngũ trí thức, những người đã tận mắt chứng kiến hoặc cùng tham gia chiến đấu trong khí thế sục sôi chống giặc xâm lược của cả dân tộc thời bấy giờ. Theo năm tháng, bài thơ từ chỗ gắn liền với một thời đại, một nhân vật lịch sử đã trở thành bài thơ cho mọi thời đại, "có tính chất quốc thi, quốc thiều, có giá trị như Tuyên ngôn độc lập". Chúng tôi cho rằng, dù bài thơ đã được thay đổi cho phù hợp với xu thế của lịch sử và thời đại nhưng thời điểm ra đời của bài thơ gắn liền với nhân vật lịch sử Lê Đại Hành và cuộc kháng chiến chống giặc Tống năm 981 là điều nên khẳng định.(28) (**)
N.T.O
CHÚ THÍCH
1. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, tái bản. Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.112.
2. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, tái bản. Sông Nhị, H., tr.303.
3. Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử. Hà Thuyên xuất bản cụ. H., 1942, tr.143.
4. Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ mười, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1968, tr.231-232.
5. Văn Tân: Tổng tập văn học Việt Nam, Tập I. Nxb. KHXH., Hà Nội, 1980, tr.231.
6. Đinh Gia Khánh: Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I. Nxb. KHXH., H., 1980, tr.192.
7. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam-Thế kỉ X - thế kỉ XVII. Đinh Gia Khánh - Bùi Văn Nguyên - Nguyễn Ngọc San. Tái bản. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976, tr.56-68.
8. Thơ văn Lý - Trần, Tập I, Khảo luận văn bản: Nguyễn Huệ Chi. Nxb. KHXH., Hà Nội, 1977, tr.318-322.
9. Tổng tập văn học Việt Nam, Tập I. Chủ tịch Hội đồng biên tập: Đinh Gia Khánh. Nxb. KHXH., Hà Nội, 1980, tr.114.
[Các chú thích từ 1đến 9, chúng tôi dẫn lại từ bài: Truyền thuyết về một bài thơ: “Nam quốc sơn hà” là vô danh không phải của Lý Thường Kiệt của Bùi Duy Tân, Tạp chí Văn hóa dân gian số 4 (72) năm 2000, tr.40-41.]
10. Hà Văn Tấn: Lịch sử, sự thật và sử học. Báo Tổ quốc, số 401, tháng 1-1988; In trong Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997, tr.85-94.
11. Bùi Duy Tân: Truyền thuyết về một bài thơ "Nam quốc sơn hà" là vô danh, không phải của Lý Thường Kiệt. Bđd., tr.32-42.
12. Bùi Duy Tân: Truyền thuyết về một bài thơ "Nam quốc sơn hà" là vô danh, không phải của Lý Thường Kiệt. Bđd, tr.36-37.
13. Cách gọi tên thần ở nhiều dị bản khác nhau, chúng tôi theo cách gọi của sách VĐUL. (Xem VĐUL. Trịnh Đình Rư dịch theo bản A,751, Thư viện Khoa học. Nxb. Văn hóa, 1960).
14. Về số lượng các dị bản của bài thơ, theo Trần Nghĩa, ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Sử học hiện lưu trữ 26 dị bản. (Xem Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Tạp chí Hán Nôm, số 1, 1986, tr.24-32). Theo Bùi Duy Tân, ngoài 26 dị bản nói trên còn tìm thêm được 4 dị bản nữa, cộng là 30 dị bản. (Xem xuất xứ ở chú thích 10). Chu Thanh Nga trong Khóa luận “Bước đầu khảo sát Trương Tôn thần sự tích” tr.18 cũng tìm ra 13 dị bản truyền thuyết hiện lưu trữ tại VNCHN.
15. Căn cứ vào sự thay đổi về nội dung truyền thuyết và thời điểm ra đời của bài thơ chúng tôi tạm chia làm 2 nhóm sau.
1/ Nhóm Một: gồm các bản:
- Việt điện u linh (VĐUL): A.47, A.1919, A.2879, VHv.1285/1-2, VHv.1503, A.751, A.335 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm - VNCHN).
- Lĩnh Nam chích quái (LNCQ): A.2107, A.750 (Bản thành Ba - lê) (VNCHN), R.6 (Thư viện Quốc gia - TVQG).
- Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT): A.3 (VNCHN).
- Việt sử tiêu án (VSTA): A.11 (VNCHN)
- Việt sử tiệp kính (VSTK): A.1493 (VNCHN).
- Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC): A.1551 (VNCHN).
- Bằng trình thản bộ (BTTB): A.802 (VNCHN).
- Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) A.69 (VNCHN).
- Trương Tôn thần sự tích, VHv.1286 (VNCHN).
- Thần tích xã Vịnh Kiều, tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. AE a7/8 (VNCHN).
- Thần tích xã Thống Hạ, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. AE a 7/30 (VNCHN).
- Thần tích xã Cẩm Hoàng, tổng Cẩm Bào, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. AE a14/1 (VNCHN).
2/ Nhóm Hai: gồm các bản:
- LNCQ: A.2914 (VNCHN), R.1607 (TVQG)
- ĐNNTC: A.69 (VNCHN)
- Mã lân dật sử (MLDS) A.1516 (VNCHN)
- Thiên Nam vân lục liệt truyện (TNVLLT) A.1442 (VNCHN)
- Việt sử diễn âm (VSDA) AB.110 (VNCHN)
- Lĩnh Nam chích quái: HV.486 (VSH), VHv.1473, A.1300, A.750 (Bản Nguyễn Hữu Kỉnh), VHv.1266, A.33, VHv.1200, A.1752 (VNCHN).
- Việt sử quốc âm (VSQA): AB.308 (VNCHN).
- Thiên Nam ngữ lục (TNNL): AB.478.
- Trương Tôn thần sự tích. VHv.1286 (VNCHN).
- Bản Thần phả ở thôn Quả Cảm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc của Dương Thái Minh, (VNCHN).
- Thần tích thôn Đỗ thị, xã Phù Lưu, tổng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. AE a.7/6 (VNCHN).
- Thần tích xã Đào Thục, tổng Xuân Nộn, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. AE a11/4 (VNCHN).
- Thần tích xã Phượng Nhãn, tổng Trí An, huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Giang. AE a.14/16 (VNCHN)
- Thần tích xã Xuân Nộn, tổng Xuân Nộn, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. AE.a11/4 (VNCHN).
[Trong 13 bản thần tích hiện lưu trữ ở VNCHN, chỉ có 8 bản chép truyền thuyết trong có bài thơ. Có bản còn gộp cả hai giả thiết vào một bản như Trương Tôn thần sự tích, kí hiệu VHv.1286. Các bản thần tích đều có niên đại khá muộn, chúng tôi chỉ tham khảo khi thấy cần thiết]
16. Xem thêm: Nguyễn Thị Oanh: Về quá trình lưu truyền văn bản Lĩnh Nam chích quái. Tạp chí Hán Nôm, số 3 (48), 2001, tr.34-45. Nguyễn Thị Oanh: Một số vấn đề liên quan đến văn bản Lĩnh Nam chích quái. Hội nghị Thông báo Hán Nôm năm 2001.
17. Lịch triều hiến chương loại chí, bản chữ Hán, kí hiệu A.1551/1-6 (VNCHN), phần Dư địa chí, tỉnh Bắc Ninh.
18. Đại Nam nhất thống chí, tập IV. Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Phạm Trọng Điềm phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Nxb. KHXH., Hà Nội, 1971, tr.104.
19. Đại Việt sử ký tiền biên. Lê Văn Bẩy, Nguyễn Thị Thảo, Dương Thị the, Phạm Thị Thoa (dịch, chú thích), Lê Duy Chưởng (hiệu đính). Nxb. KHXH., Hà Nội, 1997, tr.247.
20. Chúng tôi dựa vào bản dịch VĐUL do Trịnh Đình Rư dịch theo bản A.751 của Thư viện Khoa học, Sđd, để tóm tắt.
21. Nguyên văn là Trương Bạn. Xem thêm chú 13.
22. Bài thơ có rất nhiều dị bản, ở đây chúng tôi chỉ lấy 2 dị bản đại diện cho hai sách ghi chép xưa nhất về truyền thuyết trong có bài thơ để so sánh. Sở dĩ chúng tôi chọn bản VĐUL A.751 bởi đây là bản có cách ghi chép thống nhất với ĐVSKTT, bản Chính Hòa 18 (1697). Tuy nhiên ở câu thơ thứ hai "Tiệt nhiên phân (phận) định tại thiên thư", chữ Hán "phân" có hai cách đọc nên dịch giả của ĐVSKTT dịch là "Rõ ràng phân định tại sách trời". Để thống nhất với bản VĐUL đã chọn làm bản đối chiếu, chúng tôi lấy lại đúng bản dịch của ông Trịnh Đình Rư.
23. Bài thơ Nam quốc sơn hà, trong bản LNCQ A.2914, (VNCHN) còn có dị bản của hai câu thơ cuối như sau: "Như kim nghịch tặc lai công kích, Nhữ đẳng hồi ? khan tặc chúng hư". Tạm dịch: Như nay nghịch tặc tới công kích, Quân sĩ lại có thể thấy quân giặc sẽ bị thua to).
24. Đại Việt sử kí toàn thư. Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Lời giới thiệu: Gs. Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn. Khảo cứu về tác giả, văn bản, tác phẩm: Gs. Phan Huy Lê. Dịch và chú thích: Ngô Đức Thọ. Hiệu đính: Gs. Hà Văn Tấn. Nxb. KHXH., Hà Nội, 1993, tr.73.
25. Bốn truyện được lấy từ VĐUL là: Lý Ông Trọng, Tản Viên, Tô Lịch và Long Nhãn Như Nguyệt (tức hai vị thần Trương Hống, Trương Hát).
26. Trong bài: Thử xác lập văn bản bài thơ "Nam quốc sơn hà", Trần Nghĩa đã dùng phương pháp định lượng để chọn cho bài thơ những chữ có tần số xuất hiện lớn nhất, kết quả là văn bản khả dĩ do ông xác lập cũng có nội dung gần với bài thơ được chép xưa nhất trong LNCQ. Xem Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ "Nam quốc sơn hà". Bđd, tr.24-32.
27. Phan Huy Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Sđd, tr.73.
28. Sách ĐVSKTT , Kỷ nhà Lê, Đại Hành Hoàng đế, chép: "Năm Tân Tị, [Thiên Phúc] năm thứ 2 [Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 6]. Mùa xuân, tháng 3, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông. Quân Tống lui, lại đến sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, nhân đó bắt được Nhân Bảo đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đưa về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên" (ĐVSKTT, Sđd, tr.330-221).
Từ cách ghi chép trên của ĐVSKTT cũng có nhà nghiên cứu cho rằng "Lê Hoàn (Lê Đại Hành) có đánh nhau với quân Tống năm 981, dụ bắt được tướng Tống là Hầu Nhân Bảo, nhưng sự việc này xảy ra ở sông Chi Lăng (Lạng Sơn) chứ không phải ở sông Cầu (Hà Bắc), nơi có đền thờ Trương Hống được gán cho là tác giả của bài thơ Nam quốc sơn Hà (Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ "Nam quốc sơn hà". Bđd, tr.32). Theo bản A.2914, Lê Đại Hành dựng lũy chống cự với địch ở sông Đồ Lỗ. Hiện nay chúng tôi chưa tìm được tư liệu nào nói về con sông này, dựa vào sự thay đổi tên sông này thành địa danh Phù Lỗ trong truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát ở sách VSDA: "Đến thành Phù Lỗ đóng vây, quân ta quân nó đôi bên ngất trời" chúng tôi cho rằng sông Phù Lỗ (bắt giặc) có thể lúc nào đó đã được gọi là sông Đồ Lỗ (giết giặc) chăng. Có lẽ còn phải tra cứu thêm, nhưng theo ĐNNTT, sông Nguyệt Đức (tức sông Cầu) có một nhánh "bắt nguồn từ sông Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây, chia ra chảy qua địa phận các huyện Yên Lãng và Yên Lạc (xem Sơn Tây tỉnh chí) vào địa phận huyện Kim Anh, rồi chảy về phía đông 43 dặm làm sông Phù Lai, sông Hương Da, sông Phù Lỗ, lại chảy 53 dặm, đến sông Lương Phúc, huyện Thiên Phúc, hợp với sông Hương La, đấy là ngã ba, lại chảy qua địa phận các huyện Hiệp Hòa, Yên Phong, Việt Yên và Võ Giàng, gồm 112 dặm, đến sông Phả Lại huyện Quế Dương, vào sông Đại Than, huyện Gia Bình, hợp với sông Thiên Đức suốt đến sông Phao tỉnh Hải Dương, đấy là một nhánh của sông Lục Đầu" (ĐNNTC. Sđd., tr.78). Như vậy từ sông Phù Lỗ có thể ra đến cửa biển Đại Than, là địa điểm có trong truyền thuyết khi quân Tống đặt chân sang nước ta.
Dựa vào nguồn sử liệu thời Tống như Tống sử bản kỉ, Tục tư trị thông giám trường biên, Tống sử, Tống sử liệt truyện... cũng như nguồn sử liệu nước ta như VSL, ĐNNTC gần đây các nhà nghiên cứu sử học Việt Nam đã đi đến kết luận: "Hầu Nhân Bảo bị bắt và giết trên sông Bạch Đằng, không phải ở sông Chi Lăng như Toàn thư ghi chép" (Nguyễn Minh Tường: Trận Bạch Đằng năm 981. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa nay, số 86/2001; Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất. Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.37). Và năm 981, cũng có một trận Đồ Lỗ "là nơi gần gũi với sông Cầu và sông Cà Lồ, vì Bình Giang chính là sông Cầu, còn Như Nguyệt là chỗ sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu) (Nguyễn Vinh Phúc: Có một trận Bình Lỗ năm 981. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa nay , số 86/2001). Còn địa điểm Đại Than là "bãi giữa sông Thiên Đức (sông Đuống) với ở xã Đại Than, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nay là Xã Cao Đức, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, gần chỗ tiếp giáp với sông Lục Đầu (là khúc sông giáp giới hai tỉnh Hà Bắc và Hải Dương, nơi tập trung của ba con sông: sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu (Nguyệt Đức) và sông Thương (Nhật Đức). Đây là địa điểm mà tất cả các bản LNCQ nhóm Hai đã ghi chép khi quân Tống sang xâm lược nước ta. Cũng theo các nhà nghiên cứu sử học thì đại bản doanh của Lê Đại Hành có thể ở vùng Chí Linh, Hải Dương . Nếu đúng như nhận định trên thì có thể từ sông Đồ Lỗ (tức từ đoạn sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu) cho đến sông Đại Than là phòng tuyến chống giặc Tống của quân ta thời đó.
Như vậy, thời gian, địa điểm xảy ra chiến trận trong truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát trong bản LNCQ A.2914 xưa nhất đều phù hợp sự thật lịch sử và đã được các nhà nghiên cứu lịch sử xác nhận.
(**) Chúng tôi xin chân thành cảm ơn PGS. Trần Nghĩa đã góp nhiều ý kiến quý báu cho bài viết này.
Nguồn: http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0201.htm.
Dẫn theo link: http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=11782%3Ave-thoi-diem&catid=4135%3Ahan-nom&Itemid=7246&lang=vi&site=30