Thêm một số tư liệu hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm về quan hệ bang giao Việt Nam – Nhật Bản

Nguyễn Thị Oanh – Trịnh Khắc Mạnh

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Lời nói đầu

Việt Nam, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên đều là những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc. Tuy không cùng tiếng nói, nhưng cả ba nước đều lấy chữ Hán làm công cụ ghi chép, đồng thời đều có chung lịch sử tiếp thu văn hóa Hán khởi nguồn từ Trung Quốc. Trong việc tiếp thu tư tưởng Trung Quốc: Nho - Phật - Lão, các nước đều lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo. Hiện tại bán đảo Triều Tiên (Hàn Quốc) và Việt Nam tuy không sử dụng chữ Hán song hai nước vẫn trải qua lịch sử lâu đời trong chiếc nôi của văn hóa Hán. Trong khoảng thời gian và không gian đó, bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam đã có nhiều cuộc giao lưu tiếp xúc ở các lĩnh vực khác nhau.

Ở thời Trung đại, Việt Nam, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên thường xuyên có quan hệ với Trung Quốc, trên các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế song phương. Các cuộc bang giao trực tiếp giữa Việt Nam với Nhật Bản và Việt Nam với bán đảo Triều Tiên tuy không diễn ra đều đặn, song cũng để lại những dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước. "Sơn xuyên phong vực tuy vân dị; Lễ nhạc y quan thị tắc đồng" 山川風域雖云異,禮樂衣官是則同(Núi sông phong tục tuy rằng khác; Lễ nhạc, y quan có điểm chung) là hai câu thơ trong bài thơ "Đạt Lưu Cầu quốc sứ" 達琉球國使 của Phùng Khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613) sáng tác nhân dịp tiễn sứ giả Lưu Cầu (Ryukyu) về nước trong lần đi sứ năm 1597 và câu "Sơn hà ưng hữu dị, Hàn mặc tự tương đồng" 山河應有異,翰墨自相同 (Núi sông tuy có khác, Văn chương vốn tương đồng) là hai câu thơ trong bài thơ của sứ thần Hàn Quốc Nam Đình Thuận 南廷順 họa lại bài thơ của sứ thần Việt Nam Nguyễn Tư Giản 阮思間 vào năm 1864 ở Bắc Kinh là minh chứng cho quan hệ ngoại giao giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần các nước trong khu vực.

Trước nay đã có nhiều công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về quan hệ bang giao giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, song số lượng các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Gần đây, do giao lưu hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày một phát triển, việc tìm hiểu quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trong khối đồng văn trong quá khứ đã được sáng tỏ hơn nhờ nguồn tư liệu do các chuyên gia trong và ngoài nước cung cấp. Để giúp các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thêm thông tin, chúng tôi xin điểm lại tình hình nghiên cứu về quan hệ Việt Nam, Nhật Bản trong những năm gần đây và góp thêm một số tư liệu mới về quan hệ giữa hai nước trong lịch sử. Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ xin lược thuật những công trình và bài viết về bang giao Việt Nam - Nhật Bản có liên quan chủ yếu đến tư liệu hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (viết tắt là VHN). Hy vọng bài viết sẽ góp thêm tư liệu và nhận thức mới về quan hệ bang giao giữa hai nước trong lịch sử, góp phần thúc đẩy hơn nữa quá trình giao lưu, hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong khu vực.

1. Các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa hai nước

Trong các công trình nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thường sử dụng nguồn tư liệu lấy từ nước ngoài như ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Về nguồn tư liệu trong nước, các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書, Đại Việt sử ký tục biên 大越史記續編, Đại Nam thực lục 大南寔錄, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục欽定越史通鑑綱目... ngoài các sự kiện bang giao với Trung Quốc, rất ít khi đề cập các thông tin đến bang giao quốc tế, nhất là quan hệ đối với Ryukyu 琉球(nay là Okinawa) - nhóm đảo nằm ở phía Nam Nhật Bản, trung tâm kinh tế quan trọng giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á thời Trung đại. Tuy nhiên, một số tư liệu bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản được các nhà nghiên cứu Nhật Bản và nước ngoài công bố gần đây đã giúp cho các nhà nghiên cứu Việt Nam thêm nhiều nhận thức mới về vấn đề này. Chúng tôi xin điểm lại một số tư liệu theo dòng lịch sử đã được các nghiên cứu trong và ngoài nước công bố.

Theo một số tư liệu của Nhật Bản và Trung Quốc, người Nhật Bản đầu tiên đến nhậm chức ở Việt Nam vào thời nhà Đường là Abeno Nakamaro 阿倍仲麻呂, tên Trung Quốc là Triều Hành 晁衡. Ông sinh năm 698, trong gia đình quý tộc, thuộc dòng dõi thiên hoàng Kogen 孝元. Vào thời Na ra, ông sang Đường lưu học, thi đỗ rồi ra làm quan, do học vấn uyên bác, ông được vua Đường Huyền Tông 唐玄宗 sủng ái cho giữ chức vụ trông coi quản lý văn học ở triều nhà Đường. Trong thời gian này ông thường gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng đương thời như Lý Bạch, Vương Duy... Hiện thơ của Abe Nakama ro còn được đăng tải trong cuốn Toàn Đường thi 全唐詩. Do không thể về nước, ông đã sống ở Trung Quốc hơn 50 năm, làm quan với triều nhà Đường theo đề nghị của vua Đường Huyền Tông. Năm 761 ông đã sang Việt Nam giữ chức Tổng đốc, với tư cách là An Nam tiết độ sứ 安南節度使 (hàm Chánh tam phẩm). Sau 6 năm từ năm 761 đến 767 ông làm việc tại An Nam đô hộ phủ, sau đó ông trở về Nhật Bản và mất vào năm 770, thọ 72 tuổi(1).

Abe Nakamaro người Nhật Bản sang nhậm chức ở Việt Nam tuy không phải là sự kiện minh chứng cho mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, song cũng có thể coi đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa người Nhật với người Việt Nam trên cương vị cầm quyền được sử sách nước ngoài ghi chép lại.

Từ thế kỷ X, thời điểm Việt Nam giành được độc lập từ phong kiến phương Bắc đến thế kỷ XIV, thời kỳ xây dựng quốc gia Đại Việt, các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thưĐại Việt sử ký tiền biên 大越史記前編 đều không cung cấp tư liệu ghi chép về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, song việc vua Lý Anh Tông 李英宗 (1138-1175) cho mở trang Vân Đồn 雲屯vào năm 1149 để cho thuyền buôn các nước vào mua bán hàng hóa, dâng tiến sản vật địa phương mà sách Đại Việt sử ký toàn thư(2) ghi lại cho thấy nhà Lý bấy giờ đã thực hiện một số chính sách kinh tế tích cực và chủ trương ngoại thương khá rộng mở. Theo bài viết của Kin Seiki: Mậu dịch với Đông Nam Á của vương quốc Ryukyu và đồ gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa, trong các di chỉ khảo cổ ở Ryukyu, có nhiều đồ gốm sứ thời Lý - Trần, điều đó cho thấy ngoài thương thuyền của Trung Quốc chắc chắn còn có các thuyền của Đông Nam Á, nhiều khả năng là thuyền buôn của vương quốc Ryukyu, Nhật Bản cũng đã đến trao đổi hàng hóa ở Vân Đồn và một số thương cảng của Việt Nam(3)

Sang thế kỷ XVI-XVII, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng được các nhà nghiên cứu nước ngoài đề cập tới trong một số bài viết gần đây, như: Một văn thư Vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Namvào đầu thế kỷ XVI(4) của GS. Vĩnh Sính đã công bố sự kiện vào năm 1509, vua Chuzan 中山 của vương quốc Ryukyu đã phái đoàn sứ bộ gồm 130 người do Chánh sứ, Chánh nghị đại phu Teikyu, Phó sứ Masakai cùng thông dịch viên Tei Ko mang vật phẩm và quốc thư dâng lên vua An Nam.

Ông Yamabe Susumu (Đại học Nishogakushadaigaku), trong bài: Vài nét về quá trình tiếp thu và sử dụng chữ Hán ở Nhật Bản(5), cũng đã cung cấp thêm thông tin về quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản ở nửa thế kỷ thứ XVI. Đó là bức thư được viết bằng chữ Hán gọi là Trả lời vua nước An Nam, một bút tích còn truyền lại cho tới nay. Bức thư được viết theo chỉ của Thiên hoàng Nhật Bản cho phép Đương chủ Shimazu Iehisa 島津家久 đồng ý lời đề nghị giao hảo của vua An Nam gửi dòng họ Shimazu ở huyện Satsuma đảo Kyushu (九州 ). Bức thư có tiêu đề An Nam Bố chánh châu Hữu cơ phó tướng Bắc quân Đô đốc đồng tri Hoa Quận công 安南布政州右奇副將北均都督同知華郡公, trong thư có nhắc đến tên của Đô nguyên soái tổng quốc chính thượng văn Bình An vương 都元帥總國政尚文平安王 (tức Bình An Vương Trịnh Tùng 平安王鄭松, ở ngôi chúa từ năm 1570-1620). Người viết bức thư này là học giả tên là Văn Chi Huyền Xương 文之玄昌 (1555-1620), cũng là nhà sư của phái Lâm Tế tông làm việc cho dòng họ Shimatsuke 島津家 và là cố vấn ngoại giao của Shimatsuke.

Qua hai bức thư nói trên có thể thấy ngoài Ryukyu, vùng Kyushu của Nhật Bản từ thế kỷ XVI cũng đã có quan hệ với Việt Nam. Việc đề nghị được giao hảo cũng không phải chỉ xuất phát từ phía Nhật, mà còn có sự chủ động đặt quan hệ ngoại giao từ phía chính quyền họ Trịnh của Việt Nam.

Cũng từ các công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu nước ngoài, chúng ta đã biết rõ hơn thông tin về tư liệu quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cuối thế kỷ XVI từ ghi chép trong các bộ sử của Việt Nam. Trong sách Đại Nam thực lục tiền biên, có ghi sự kiện như sau:

"Ất Dậu, năm thứ 28 [1585], mùa xuân, tháng 3, bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy" 乙酉二十八年時西洋國賊帥號顯貴者,顯貴乃番酋所推尚,以為號非人名乘巨舟五艘泊于越海口劫掠沿海。上命皇六子領戰船十餘艘直抵海口擊破戰船。二船顯貴驚走 (Ký hiệu A.27/1-66 (VHN), Quyển 1, tờ 13b-14a)(6).

GS. Kawamoto Kunie trong bài viết Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, đăng trong sách Đô thị cổ Hội An(7) đã cho rằng, Hiển Quý chính là Bạch Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki). "Đến năm 1601, trong bức thư gửi cho tướng quân Tokugawa Ieyasu, khi nói đến sự kiện này, chúa Nguyễn Hoàng 阮皇 xác định: "Do không biết Hiển Quý là thương gia tốt" nên cuộc xung đột đáng tiếc đã xảy ra, đồng thời mong phía Nhật Bản bỏ qua sự việc trên để tiếp tục cử thuyền đến Đàng Trong buôn bán. Bức thư nói trên được đăng tải trong sách Ngoại phiên thông thư 外藩通書- một tài liệu lịch sử hết sức có giá trị về quan hệ quốc tế của Nhật Bản thời kỳ Edo hiện do Nhật Bản lưu giữ. Trong tác phẩm này có 56 bức thư của chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (Đàng Trong) gửi cho Mạc phủ Tokugawa trong thời gian từ 1601 đến 1694. Có thể bức thư của vua An Nam gửi cho Shimazu Iehisa 島津家久đề nghị giao hảo là một trong 56 bức thư trong sách Ngoại phiên thông thư .

Sau sự kiện phái đoàn sứ bộ Ryukyu đến Việt Nam vào năm 1509, việc bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản hầu như không được đề cập đến trong các bộ chính sử và tư liệu hiện còn của Việt Nam vào thời kỳ nhà Mạc thay nhà Lê lên nắm quyền từ năm 1527đến năm 1592, nhưng việc nhà Mạc tiếp tục duy trì hoạt động và thiết lập thêm một số cảng biển đã cho thấy thế kỷ XVI-XVII là thời kỳ phát triển hưng thịnh của kinh tế đối ngoại Việt Nam. Sách Lịch đại bảo án 歷代寶案 (Rekidaihoan) - là bộ chính sử ghi lại các hoạt động ngoại giao của vương quốc Ryukyu do triều trình Shuri tổ chức biên soạn từ thế kỷ XVII-XIX chỉ ghi duy nhất 1 chuyến thuyền đến Việt Nam vào năm 1509, nhưng theo Minh sử 明史 hay Hoàng Minh thực lục 皇明寔錄 của Trung Quốc thì Ryukyu đã cử 171 thuyền buôn sang Trung Quốc, 89 thuyền đến An Nam, 37 thuyền đến Java và 19 thuyền đến Nhật Bản(8). Nếu con số của Minh sử ghi là xác thực thì số thuyền của Ryukyu đến An Nam chỉ đứng thứ hai so với Trung Quốc, và Việt Nam trở thành đối tác có tiềm năng ngoại thương lớn của Ryukyu sau Trung Quốc ở châu Á.

(Thuyền Nhật Bản đến Việt Nam giai đoạn chúa Trịnh trị vì)

Sau khi giành vương quyền từ tay nhà Mạc, các hoạt động của nhiều thương cảng nước ngoài vẫn được chính quyền nhà Lê - Trịnh duy trì, và để tranh thủ sự ủng hộ từ phía Trung Quốc, nhà Lê đã chủ động cử các đoàn sứ bộ sang Bắc Kinh. Các tư liệu hiện còn đã cho biết trong chuyến đi sứ vào năm Quang Hưng 光興thứ 20 (1597), Phùng Khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613)(9) đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với sứ thần các nước Triều Tiên và Ryukyu. Trong tác phẩm Sứ hoa bút thủ trạch thi 使華筆手澤詩ký hiệu A.2011 (VHN) có chép bài thơ "Đạt Lưu Cầu quốc sứ" 達琉球國使 do Phùng Khắc Khoan sáng tác nhân dịp tiễn đưa sứ giả Ryukyu về nước. Bài thơ này đã được một số nhà nghiên cứu Việt Nam giới thiệu trong các công trình nghiên cứu về Phùng Khắc Khoan(10) và quan hệ của nhà nước Ryukyu với quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XVI đến XVIII(11).

Bài thơ như sau:

使

日表紅光照日隅

海天南接海天東

山川封域雖云異

禮樂衣冠是則同

偶合夤緣千里外

相期意氣兩情中

些回攜滿天香袖

和氣薰為萬宇風

(Ký hiệu A.2011, tờ 16b; VHv.2155, tờ 3b)

Dịch nghĩa:

Gửi ngài quốc sứ Lưu Cầu

Ngoài mặt trời lại có tia nắng hồng chiếu nơi chân trời,

Biển trời phương Nam nối tiếp biển trời phương Đông.

Núi sông, phong vực tuy rằng khác,

Lễ nhạc, cân đai vẫn có điểm tương đồng.

Cùng là quan, tình cờ gặp nhau nơi ngàn dặm.

Tình cảm, chí khí như đã được hẹn hò.

Lần này trở về, hương trời thơm đầy tay áo,

Tình thân nồng ấm như ngọn gió thổi tới muôn nơi.

Sang thế kỷ XVIII, nhân chuyến sang sứ nhà Thanh vào năm 1760, Lê Quý Đôn 黎貴敦(1726-1784) đã có dịp gặp gỡ trao đổi với các sứ thần Triều Tiên và Ryukyu. Trong Kiến văn tiểu lục 見聞小錄(12), Lê Quý Đôn đã hai lần đề cập đến sứ thần Ryukyu. Lần thứ nhất ông nhắc đến sự kiện sứ thần Lê Hữu Kiều 黎有橋 đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1738 để chúc mừng vua Cao Tông nhà Thanh lên ngôi. Lúc đó ở Hội đồng quán Bắc Kinh, Lê Hữu Kiều đã đọc bài thơ của viên sứ thần Ryukyu viết trên tường, ông khen: "vết mực còn tươi mới, lời thơ cũng thanh thoát đáng khen". Bài thơ như sau:

分明昨夜在家鄉

召入王門賜酒漿

曉角忽驚人好夢

醒來殘月照東廂

(Ký hiệu VHv.1322/1, Quyển 4, tờ 29b-30a)

Dịch nghĩa:

Đêm hôm trước rõ ràng còn ở quê nhà,

Được vua triệu đến cung đình dự tiệc rượu,

Tiếng tù và buổi sớm làm tan giấc mộng đẹp,

Tỉnh dậy, ánh trăng tà rọi chiếu mái nhà phía đông

Dịch thơ:

Rõ ràng đêm trước ở quê nhà,

Triệu đến cung đình dự tiệc hoa,

Còi sớm giật mình tan giấc mộng,

Mái đông tỉnh giấc ánh trăng tà(13)

Lần thứ hai, Lê Quý Đôn kể lại sự kiện vào chuyến đi sứ năm Canh Thìn (1760), ông gặp hai cử nhân nước Ryukyu là Trịnh Hiếu Đức 鄭孝德 và Thái thế Xương 蔡世昌 đến quán xin được yết kiến. Cuộc trò chuyện đã được ông ghi lại như sau: "Năm Canh Thìn ta đến Bắc Kinh gặp hai cử nhân nước Lưu Cầu là Trịnh Hiếu Đức và Thái Thế Xương đến quán xin thỉnh kiến. Cả hai người đều khoảng hơn 20 tuổi, trông rất thanh tú, nói là mới đến Bắc Kinh vào học ở Quốc tử giám, hỏi "đến đã được bao lâu? nói "đến từ mùa đông năm trước", hỏi "có ứng thí ở Bắc Kinh không? nói: "khi học xong sẽ về nước ứng thí" 庚辰東僕至北京有琉球國舉人鄭孝德,蔡世昌詣館請見並年二十餘,頗清秀稱始來京,入監讀書。問:到北幾年。曰:前年冬來。問:應舉北京否。曰:學成回國應試(VHv.1322/1, tờ 29b-30a).

Kiến văn tiểu lục tuy không ghi chép thơ xướng họa giữa phái đoàn sứ bộ của Lê Quý Đôn với các sứ thần Nhật Bản, nhưng việc gặp gỡ trao đổi với các sứ thần các nước cũng là một trong những hoạt động ngoại giao của đoàn sứ bộ nước ta khi đi sứ Trung Quốc.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thêm được tư liệu ghi chép cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Việt Nam và Nhật Bản. Trong bài Một tư liệu độc đáo về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản giữa thế kỷ XVII"(14), tác giả Nguyễn Thanh Tùng đã giới thiệu bài thơ Tiễn Nhật Bản sứ hồi trình 餞日本使回程 (Tiễn sứ giả Nhật Bản về nước) của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh 阮輝塋(15) làm nhân dịp đi sứ Trung Quốc vào năm 1765-1766 với vai trò Chánh sứ. Bài thơ này được ghi chép ở mục Hoàng hoa tặng đáp phụ lục 皇花贈答附錄 trong sách Thạc Đình di cảo 碩亭遺稿 của Nguyễn Huy Oánh, ký hiệu A.3135 (VHN). Phát hiện này có thể coi là sự đóng góp rất lớn của tác giả Nguyễn Thanh Tùng về tư liệu bang giao Việt Nam - Nhật Bản.

Bài thơ đó như sau:

使

朽岡虛路各天涯

多俟欣逢大米家

日送浮泥寧活計

手斟鮮素共金羅

傑奴羊賣西孫步

採落明東阿將梭

華蓋力哥非感擬

漫將粉地寓情多

(Ký hiệu A.3135, tờ 28a).

Bài thơ viết bằng chữ Hán, nhưng những người thông thạo chữ Hán cũng phải lúng túng khi lý giải nó. Nguyễn Thanh Tùng dựa vào phần cước chú của tác giả bài thơ: Hú cương 朽岡 là "vân" 雲 (mây); Hư lộ 虛路 là "nhật" 日 (mặt trời); Tiên tố 鮮素 là "trà"茶(trà); Đại mễ 大米 là "quan" 官 (quan nhân) ; Phù nê 浮泥 là "thuyền"船 (thuyền), Kim la 金羅 là "tiêm" 尖 (nghỉ ngơi); Dương mai 羊賣 là "sơn"山(núi); Tây tôn 西孫 là "du" 遊 (du chơi), Thái lạc 採落 là "dạ"夜 ; (đêm) Minh đông 明東là "thủy" 水 (nước); A tướng 阿將 là "tọa"坐 (ngồi); Hoa cái 華蓋là "thiếu niên"少年 (tuổi trẻ); Lực ca 力哥 là "thông minh"(sáng suốt); Phấn địa 粉地 là "Bút" 筆 (cây bút), để xác lập một văn bản như sau:

雲日各天涯,多俟欣逢大官家,日送船寧活計,手斟茶共尖,昨日山遊步,夜水坐梭,少年聰明非感擬,漫將筆寓情多 - Giữa buổi chiều mây [che] mặt trời mỗi bên (đi về) một góc trời, trông đợi đã nhiều hân hạnh gặp được quan gia. Ngày tiễn thuyền [sứ thần] đi nên tính toán linh hoạt, tay rót chén trà, cùng nhau nghỉ ngơi. Hôm qua còn đi chơi bộ trên núi, đêm nay đã (như) thoi ngồi trên dòng nước. (Ngài) tuổi trẻ tài cao, đâu dám nối gót, mạn phép đem bút ra gửi gắm tình cảm dạt dào).

Dựa vào dòng cước chú dưới tiêu đề bài thơ "Dụng y quốc chi ngữ" (Nguyên văn chữ "y chu" 伊周 , không rõ nghĩa, đoán chữ "quốc" 國nhầm thành chữ "chu" 周 , nghĩa là: Dùng tiếng nói của nước ấy)(16), tác giả Nguyễn Thanh Tùng suy đoán "tiếng nước ấy" chính là đó là tiếng Nhật, "có lẽ đây là tiếng Nhật được ghi âm bằng chữ Hán và được dùng trong một bài thơ Đường luật Hán. Sau khi tìm các tư liệu ghi chép về từ vựng tiếng Nhật đương thời, được phiên bằng tiếng Hán như Hoàng Minh ngự Nụy lục 皇明御倭錄 của Vương Sĩ Kì (đời Minh); Nụy tình khảo lược 倭情略考 của Quách Quang Phục đời Minh và Trù hải trùng biên 籌海重編 của Đặng Chung (đời Minh)...và phần Nhật Bản dịch ngữ 日本譯語 , trong bộ Hoa di dịch ngữ 華夷譯語 (1377-1566) của bộ Lễ (Hội thông quán, Tứ di quán, Tứ dịch quán..) nhà Minh để phục lại âm tiếng Nhật cho các từ mà Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cước chú. Như: Da mại 耶賣 (âm bạch thoai hiện đại - tắt là BT: yemài = yama (núi); Phù nê 浮泥 (BT: funi) = fune (thuyền); Kiệt no 傑奴 (BT: jie nú) = kinou (ngày hôm qua); Hoa cái 華蓋: (BT:hoa gài) = wakai (trẻ, thiếu niên)' Thái lạc 採落 (BT:cài lùo) = yoru (đêm); Minh đông 明東 (BT: míng dong) = mizu (sông, nước)... Theo tác giả Nguyễn Thanh Tùng, đây là các chữ có sự trùng khít hoàn toàn với các bản tự vựng Nhật - Hán. Ngoài ra còn 3 trường hợp tỉnh lược như Đại mê 大迷là lược của đại mễ ô dã kê 大迷烏野雞; A tướng 阿將 là lược của di lộ a tướng 移路阿將; Tây tôn là 西孫sự thay đổi chữ và lược chữ của tứ tôn bộ 四孫步.

Dù còn phải sửa đôi chỗ nhầm lẫn do tác giả Thanh Tùng không biết tiếng Nhật khiến nội dung bài thơ có đôi chỗ sai lạc, như trường hợp: "hư lộ"虛路 chú là "nhật"日 Nguyễn Thanh Tùng dùng với nghĩa "mặt trời". Thực ra "nhật" có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là "mặt trời", nhưng cũng có nghĩa là "ngày". Từ "ngày" tiếng Nhật hiện đại đọc là "kyou", nếu so sánh phụ âm đầu của chữ "hư lộ" 虛路 với "kyou" thì chúng sẽ gần gũi về âm hơn. Hoặc trường hợp "Hú cương" 朽岡 chú là "vân" (mây). Từ "mây" trong tiếng Nhật đọc là "Kumo". Kumo nếu dùng chữ Hán để ghi sẽ là "cương hú" 岡朽, song ở đây ghi là "Hú cương". Thực ra "hú cương" là hiện tượng đảo trang từ Hán thường thấy trong từ vựng tiếng Nhật, như: từ Hán "giới thiệu" 介紹, tiếng Nhật thành "thiệu giới" 紹介; "uy hiếp" 威脅 thành "hiếp uy"脅威... "Hú cương hư lộ các thiên nhai" nghĩa là Mây hôm nay vẫn đầy khắp chân trời". Có thể do thời tiết xấu, mưa gió hoặc biển động nên sứ giả các nước phải chờ đợi lâu ngày tại Trung Quốc. Chúng ta đã biết, các thuyền đi biển xa đều phải lựa theo con nước và điều kiện gió mùa. Các hoạt động ngoại giao và thương mại của Ryukyu và các nước cũng phải tuân theo quy luật tự nhiên đó.

Bài thơ trên đã được chúng tôi dịch lại như sau:

Hôm nay mây vẫn đầy khắp chân trời,

Chờ đợi lâu may gặp được quý ngài,

Ngày lên thuyền cần tính toán linh hoạt,

Tay rót chén trà, cùng nhau nghỉ ngơi.

Hôm qua còn du chơi trên núi,

Như thoi đưa, đêm nay đã ngồi trên dòng nước.

Chẳng dám nghĩ tuổi trẻ mà đã tài giỏi như thế,

Mạn phép đem bút ra gửi gắm tấm chân tình.

Nét độc đáo của bài thơ đã được tác giả Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh trong phần kết luận: Nguyễn Huy Oánh đã sử dụng những từ có trong các bản tự vựng Nhật-Hán đã nêu trên để sáng tác bài thơ tặng sứ giả Nhật Bản; Việc Nguyễn Huy Oánh chủ động sử dụng chúng trong công việc ngoại giao với sứ thần Nhật Bản thể hiện sự "chuyên nghiệp" trong hoạt động ngoại giao của bản thân ông; Việc làm trên của ông có ý nghĩa nâng cao uy tín quốc gia, nâng cao vị thế dân tộc trong con mắt của sứ thần Nhật Bản. Hơn nữa, đây là bài thơ viết bằng chữ Hán theo thể Đường luật, nhưng có sự kết hợp giữa từ vựng Hán và từ vựng Nhật. Bài thơ đọc lên có âm hưởng hài hòa, cân đối, nhưng cần phải hiểu một phần theo ngôn ngữ Nhật, tư duy Nhật ở mảng từ vựng... Ngoài ra, từ bài thơ trên tác giả còn phỏng đoán Nguyễn Huy Oánh đã có ý thức "nghiên cứu tiếng Nhật" trước khi đi sứ và có thể do ông tổ dòng họ Nguyễn Huy Oánh kết hôn với người phụ nữ Nhật được cứu trong vụ đắm tàu Nhật Bản ở cửa biển Nghệ An nên sự lưu tâm đó đã được thể hiện trong việc ngoại giao với sứ thần Nhật Bản.

Sang thế kỷ XIX, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, có nhiều thay đổi. Sự phát triển của Thiên Chúa giáo bên cạnh Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo có lẽ đã đem lại không ít e ngại cho chính quyền nhà Nguyễn đương thời. Các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều cấm đạo Thiên Chúa và quan hệ thụ động với các nước phương Tây, khiến cho việc buôn bán giao lưu với các nước bên ngoài phần nào bị cản trở. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại thương vốn phát triển rất mạnh ở thế kỷ thứ XVI-XVIII thực sự là tiền đề tốt để triều Nguyễn mở rộng quan hệ thông thương với các láng giềng Đông Nam Á. Từ thời vua Gia Long đã cho thợ giỏi đóng các chiến thuyền, đồng thời cho đóng các loại thuyền bọc đồng lớn để đi lại tuần hành trên biển. Các chuyến đi của quan chức triều Nguyễn đến khu vực Đông Nam Á lúc này không chỉ đơn thuần là ngoại giao, mà còn tiến hành các hoạt động thương mại. Thang Hy Dũng trong bài: Giữa nhân đạo, ngoại giao và mậu dịch - lấy Triều Tiên, Lưu Cầu và Việt Nam cứu trợ thuyền Trung Quốc đời Thanh bị nạn làm trung tâm(17) đã cho biết "Thuyền và người bị nạn trên biển của Trung Quốc trôi dạt đến Việt Nam, quan phủ Việt Nam đưa ra sự trợ giúp nhân đạo, nhưng coi là một cơ hội để mở rộng việc trao đổi buôn bán, trong khi mượn việc hộ tống thuyền bị nạn Trung Quốc về nước, trong thuyền hộ tống có cái gọi là "hàng hóa chở theo thuyền", yêu cầu chính phủ Thanh đồng ý cho buôn bán ở Quảng Đông... .

Gần đây, nhân có dịp tìm hiểu về mảng tư liệu này, chúng tôi đã phát hiện bài thơ của Lý Văn Phức 李文馥 (1785-1849)(18) làm tặng sứ giả Ryukyu, nhân chuyến ông sang Phúc Kiến, Quảng Đông vào năm 1830 để đưa người Trung Quốc bị nạn gió bão về nước(19). Bài thơ có nhan đề: Kiến Lưu Cầu quốc sứ giả tịnh dẫn 見琉球國使者并引 được chép trong sách Mân hành tạp vịnh thảo 閩行雜詠草 . Trong phần dẫn Lý Văn Phức viết:

見琉球國使者并引

天地間同文之國者五,中州我粵朝鮮日本琉球亦其次也。琉球年號世世因稱寬永。其國在閩海之東,航路僅五六日。明堂朝會例,由閩館于柔遠驛。公完常隔年弗歸,蓋謀通商也。其俗頭髮於頂速之澤以油,插以簪,如父婦人然衣服亦長襟大袖,但多用文布如蠻習。余來閩其年適在此一日其正使向姓,副使王姓來相訪。余聞之欣然出迎。筆談間字畫亦楷正,惟辭語頗澀,殊令人不甚暢。既揖別偶成一律。

(Trong khoảng trời đất, có 5 nước trong khối đồng văn: Trung Châu (Trung Quốc), nước Việt ta, Triều Tiên, Nhật Bản, tiếp đến là Lưu Cầu. Niên hiệu của Lưu Cầu các đời đều xưng là Khoan Vĩnh. Nước đó ở phía đông Mân hải. Nếu đi tàu biển chỉ mất 5, 6 ngày. Cũng có lệ triều hội ở Minh đường, từ Mân quán vào ở trạm Nhu Viễn, sau khi việc công xong, thường ở lại khoảng 1 năm không về để mưu tính việc thông thương. Sứ thần Ryukyu có tục búi tó trên đỉnh đầu, lấy dầu sáp bôi rồi cài trâm lên đầu như phụ nữ, nhưng mặc quần áo vạt dài, ống tay to. Áo quần dùng vải có hoa văn như tục của người Man. Khi tôi đến Mân được hơn một năm, có một hôm, ngài Chánh sứ họ Hướng và Phó sứ họ Vương tới hỏi thăm. Tôi nghe tin rất vui bèn ra nghênh tiếp. Trong lúc bút đàm, đều dùng chữ khải nhưng từ ngữ nói ra không thật trơn tru, khiến cả hai bên đều không thật thoải mái. Khi tiễn biệt, ngẫu hứng làm bài thơ Đường luật như sau:

所見何如昔所聞

重洋夢醒各天雲

琉球使驛程由海

襟袖學儒飾用紋

最喜禮文同一脈

為憐筆墨遜三分

茫茫客旅誰相伴

半卷陳詩語夕曛

(Ký hiệu A.1291, tờ 21b-22a).

Dịch nghĩa:

Lưu Cầu là nước thế nào, trước đây tôi đã từng nghe đến,

Nơi trùng dương, khi tỉnh giấc mộng đã ở nơi chân trời.

Lịch trình của sứ giả Lưu Cầu cũng phải qua biển cả;

Trang phục kẻ Nho giả đều dùng hoa văn.

Vui nhất cả hai chúng ta đều mạch nguồn đồng văn,

Chỉ thương cho bút mực ba phần lời phải lẩn ý.

Lữ khách nơi xa vấn vương biết lấy ai làm bạn,

Nửa quyển thơ Trần cũng có thể nói chuyện tới chiều hôm).

Bài thơ và phần dẫn của Lý Văn Phức không chỉ góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu quan hệ bang giao giữa Ryukyu với Việt Nam triều Nguyễn, mà còn là tư liệu minh chứng cho nhận định của Thang Hy Dũng về tính nhân đạo kết hợp với ngoại giao và mậu dịch như chúng tôi vừa trình bày trên đây.

Đến những năm đầu thế kỷ XX, nhà lãnh đạo phong trào Đông Du Phan Bội Châu đã viết tác phẩm Lưu Cầu huyết lệ tân thư. Từ Lưu Cầu, nhà yêu nước Phan Bội Châu muốn gửi gắm lời khuyến cáo và thức tỉnh dân tộc đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy không phải là công trình khảo cứu về vương quốc Ryukyu, nhưng bức thư mang tên Lưu Cầu thực sự đã trở thành một minh chứng nữa cho mối quan hệ lâu đời giữa Việt Nam và vùng Rykyu, Nhật Bản.

Như vậy, nhờ những tư liệu bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản được các nhà nghiên cứu trong khu vực công bố gần đây, chúng ta có thể thấy quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã sớm được xác lập và tồn tại qua nhiều thế kỷ. Thông qua một số nguồn sử liệu đã được các nước cùng kiểm chứng có thể khẳng định rằng, từ xa xưa, Ryukyu và Nhật Bản đã từng có quan hệ tương đối thường xuyên với Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp đó đến nay vẫn được hai dân tộc gìn giữ và phát huy.

2. Các cuộc tiếp xúc thương mại, dân sự

2.1. Người Nhật Bản ở Việt Nam

Từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XVIII, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản trở nên hưng thịnh. Bên cạnh sự phát triển của kinh tế thương mại ở khu vực kinh kỳ với nhiều nghề thủ công truyền thống, ở những vùng phụ cận đã xuất hiện nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng như nghề gốm Chu Đậu, Hợp Lễ, Bát Tràng... nghề dệt vải ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương. Phố Hiến với nhiều phường thủ công như thợ nhuộm, nồi đất, thuộc da... Nhiều hiện vật đồ gốm sành của Việt Nam có niên đại từ thế kỷ XV - XVI đến XVIII được các nhà khảo cổ Nhật Bản tìm thấy ở vùng Ryukyu, Sakai, Nagasaki... đã cho thấy hoạt động ngoại thương giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn từ thế kỷ XVI - XVIII khá phong phú và nhộn nhịp.

Để phát triển kinh tế, ổn định chính trị và tăng cường khả năng quốc phòng, chính quyền phong kiến của Việt Nam kể cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã tạo điều kiện để cho các thuyền buôn Nhật đến Việt Nam làm ăn buôn bán, vì những "thương nhân Nhật Bản không tham gia vào các mưu toan chính trị, giành đoạt vương quyền mà chỉ chuyên tâm vào hoạt động thương mại"(20). Sách Đại Nam thực lục tiền biên cũng cho biết: thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa Hán [phong hóa văn minh] thấm dần vào đất Đông Phố (tức Gia Định ngày nay)(21). Nhờ có sự ủng hộ của chính quyền phong kiến Việt Nam mà các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản đã tự lập riêng cho mình khu phố người Tàu và khu phố người Nhật ở Hội An - thương cảng có vị trí quốc tế thuận lợi và danh tiếng nhất thời bấy giờ(22).

Trong quá trình sinh sống và làm ăn ở Việt Nam, thương nhân Nhật Bản với khả năng thương thuyết, sự hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ và tính trung thực... đã được người Việt và nhiều người nước ngoài tin cậy nhờ làm trung gian buôn bán. Để tăng thêm tình giao hảo giữa hai nước, một số chúa Nguyễn còn nhận các thương gia Nhật Bản làm con nuôi. Thậm chí chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) còn gả công chúa Ngọc Vạn cho thương gia người Nhật tên là Araki Sotaro. Hiện bảo tàng ở Nagasaki còn lưu giữ chiếc gương quý trên có bốn chữ An Nam quốc kính 安南國鏡do công chúa mang theo về Nhật Bản(23).

Tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật 普沱山靈中佛(ký hiệu 2097,1263) được dựng năm Canh Thìn (1640) ở động Hoa Nghiêm, chùa Non Nước còn ghi lại 5 trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng Nhật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phụ nữ Nhật Bản theo thuyền buôn, bị do gió bão xô đẩy đến Việt Nam và lấy chồng người Việt Nam, như trường hợp tiên tổ của dòng họ Nguyễn Huy Oánh mà chúng tôi vừa nói ở trên, hoặc trường hợp một phụ nữ Nhật Bản tên là Lý thị hiệu Diệu Quang kết hôn với võ quan nhà Lê, giữ chức Tổng binh sứ tước Lâm Thọ hầu mà GS. Phan Đại Doãn giới thiệu trong bài Về một gia đình Việt-Nhật, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 74/2000.

Vùng đất An Nam giàu có, tình người nồng hậu luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp trong tình cảm của những người Nhật sống ở Việt Nam, cho dù quan hệ chính thức giữa hai nhà nước không còn duy trì được như trước, nhưng những cảm nhận về thiên nhiên, con người ở xứ sở này vẫn được người Nhật tìm cách lưu lại. Cuốn An Nam kỷ lược cảo 安南紀略稿 (Annam kiryakuko) do Kondo Moroshige, một viên chức của Mạc phủ biên soạn vào năm 1796 là một tác phẩm giá trị, có thể coi là biểu tượng của mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt - Nhật. Tuy nhiên, những sách như Ngoại phiên thông thư hay An Nam kỷ lược cảo vẫn chưa dễ dàng được dịch, giới thiệu với độc giả Việt Nam.

2.2. Những người Việt Nam ở Nhật

Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cuốn Nhật Bản kiến văn lục 日本見聞錄 ký hiệu A.1164 (VHN) do Trương Đăng Quế 張登桂 (?-?)(24) viết vào năm 1828, có thể coi là cuốn sách do người Việt Nam viết về Nhật thuộc loại sớm. Tư liệu này đã được ông Ngô Thế Long, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu và dịch ra tiếng Việt, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (8) -1990. Nhật Bản kiến văn lục là bài ký sự do đại thần Trương Đăng Quế ghi lại theo lời kể của 5 người lính Việt Nam đi áp tải bè gỗ về kinh đô Huế bị bão cuốn trôi sang đất Nhật vào năm Gia Long thứ 14 (1815). Trong khoảng thời gian lưu lạc trên đất Nhật, những người lính không bao giờ quên được tình cảm mà người dân Nhật dành cho họ. Khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống thanh bình cùng với sự nồng hậu, dễ gần của người dân đã để lại cho họ nhiều ấn tượng tốt đẹp. Trong thời gian lưu lạc, họ đã tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người Nhật. Khi trở về nước họ đã kể lại cho vị đại thần Trương Đăng Quế nghe. Với tài làm văn và khả năng gợi chuyện, đại thần Trương Đăng Quế đã mô tả khá cặn kẽ và súc tích về hành trình phiêu dạt sang đất Nhật của 5 người lính, từ lúc bị bão cuốn trôi, được người dân địa phương Nhật cứu vớt, giúp đỡ rồi tìm đường cho về nước, cho đến phong tục tập quán sinh hoạt của người Nhật đương thời.

Có thể tóm tắt bức tranh sinh hoạt của người Nhật qua các mục sau: Con người Nhật Bản (hình dáng; trang phục...); Chế độ quan chức (tên quan chức; chế độ điều động...); Nhà ở, quan sảnh; Chế độ quân sự (nghi thức: cách xưng hô; trang thiết bị quân sự: thuyền bè, ngựa, vũ khí, chế độ điều động); Cuộc sống ở thành thị (thương mại, hình luật, tang ma, giao tiếp, ẩm thực, tiền tệ, chữ viết, buôn bán với nước ngoài...); Thời tiết khí hậu; Nông nghiệp (lúa gạo, hoa màu); Tôn giáo (đạo Phật, Thiên chúa giáo)...

Cuối bài ký sự, Trương Đăng Quế còn ghi lại 57 từ vựng tiếng Nhật theo âm đọc của người Việt (có lẽ là các từ vựng cơ bản do 5 người lính đọc cho ông ghi lại). Ví dụ : âm nhật "ác chí" 志, chú là "thự" (nóng); "đế", chú là "gia" 家 (nhà); "thả vi" 為, chú là "hàn" (rét)... Việc phiên âm tiếng Nhật tuy chưa thật chính xác do tiếng Nhật là ngôn ngữ chắp dính, khác xa với tiếng Việt, ví dụ "ác chí"惡志 nghĩa là "nóng" ở đây chỉ có hai âm tiết, trong khi từ này trong tiếng Nhật có ba âm tiết: " a tsui"; "đế" 螮 chỉ có 1 âm tiết, trong khi từ "nhà" trong tiếng Nhật có 2 âm tiết: "ie"... song việc xuất hiện bảng từ vựng Nhật ở cuối bài ký sự còn cho thấy thêm ý thức "học tiếng Nhật" để hòa nhập vào cuộc sống ở xứ Phù Tang của mấy người lính Việt Nam, đồng thời góp thêm tư liệu về ngôn ngữ tiếng Nhật dưới cách đọc của người nước ngoài giai đoạn đầu thế kỷ XIX.

Vài lời

Từ việc điểm lại vài nét về quan hệ bang giao Việt Nam-Nhật Bản qua các công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng ta có thể thấy rõ hơn về quan hệ bang giao, trao đổi kinh tế văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản được bắt đầu từ khá sớm, được phát triển hưng thịnh ở thế kỷ thứ XVI- XVIII và bị gián đoạn phần nào ở thế kỷ XIX. Song do điều kiện địa lý gần gũi, lại có nhiều điểm tương đồng về văn hóa lịch sử, mặc dù có nhiều bước thăng trầm song quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vẫn được duy trì và phát triển tốt đẹp qua nhiều thế kỷ. Những tư liệu về quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được lưu giữ ở hai nước sẽ góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu bang giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, tạo cơ sở cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc trong thời kỳ hiện đại.

 

CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Về Abe Nakamaro, có thể tra cứu trong các bộ từ điển của Nhật như Quảng từ uyển... hoặc xem thêm thông tin trên mạng Google.

2. Sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ, quyển IV - Kỷ nhà Lý, mục năm Kỷ Tỵ, [Đại Định] năm thứ 10 [1149] ghi như sau: "Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương" (Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H.1988, T.I, tr.317 春二月爪哇,路洛,暹羅三國商舶入海東乞居住販賣乃於海島等處立庄名雲屯買賣寶化,上進方物(大越史記全書,卷 4, 6b 頁 ).

3. Kin Seiki: Mậu dịch với Đông Nam Á của vương quốc Ryukyu và đồ gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Quan hệ Việt - Nhật thế kỷ XV-XVII qua giao lưu gốm sứ, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam & Giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc tế, Đại học Showa, Nhật Bản tổ chức, Hà Nội, 12-1999. Dẫn theo Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với Châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội. Nxb. Đại học Quốc gia, 2003, tr.175.

4. Vĩnh Sính: Một văn thư Vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI. Tạp chí Xưa & Nay, số 134, tháng 2-2003.

5. Yamabe Susumu: Vài nét về quá trình tiếp thu và sử dụng chữ Hán ở Nhật BảnTạp chí Hán Nôm, số 6 / 2008.

6. Đại Nam thực lục tiền biên. Nxb. Giáo dục. H. 2004, Quyển I, tr.32. Bản chữ Hán ký hiệu A.27/1-66 (VHN).

7. Kawamoto Kunie: Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, đăng trong sách Đô thị cổ Hội An. Nxb. KHXH, H. 1991, tr.171.

8. Dẫn theo Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Nxb. ĐH Quốc gia, 2003, tr.160-170.

9. Phùng khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613): người xã Phùng Xá 馮舍, huyện Thạch Thất 石室, tỉnh Hà Tây 河西 (nay là Hà Nội 河內) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân năm Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng thứ 13 (1580) đời vua Lê Thế Tông 黎世宗. Làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mai Quận công 梅郡公. Ông hai lần được vua cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi mất được tặng Thái tể, 太宰 phong làm Phúc thần. Hiện ông còn để lại nhiều tác phẩm (Xem thêm cuốn Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh. Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007).

10. Trần Lê Sáng: Phùng Khắc Khoan - cuộc đời và thơ văn. Nxb. Hà Nội. H. 1985, tr.234.

11. Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội. Nxb. Đại học Quốc gia. H. 2003.

12. Lê Quý Đôn 黎貴敦 (1726-1784): người xã Diên Hà, huyện Diên Hà (nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh năm Nhâm Thân 壬申, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời vua Lê Hiển Tông 黎顯宗. Ông là người thông minh, uyên bác, từng giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình đương thời như Thừa chỉ 承旨, Nhập thị Bồi tụng 入侍陪從, Tả Thị lang Bộ Lễ 禮部左侍郎, Tả Thị lang Bộ Hộ 戶部左侍郎, Đô Ngự sử 都御史, Hiệp trấn Nghệ An 乂安協鎮, từng được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Hiện còn để lại nhiều tác phẩm (Xem thêm cuốn Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh: Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007).

13. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Nxb. KHXH, H. 1997, tr.223.

14. Nguyễn Thanh Tùng: Một tư liệu độc đáo về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản giữa thế kỷ XVIIITạp chí Hán Nôm, số 6 (85) - 2007.

15. Nguyễn Huy Oánh 阮輝塋(1713-?): người xã Lai Thạch, huyện La Sơn (Nay thuộc xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông. Từng làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ; Lại bộ Tả Thị lang; Đô Ngự sử; được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Hiện còn để lại nhiều tác phẩm (Xem thêm cuốn Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh, Sđd.

16. Y Chu 伊周: theo ý kiến của GS.Komatsu Kazuhiko 小松和彥, Trung tâm nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản, Kyoto, "Y Chu" 伊周 (Korechika) là tên của người Nhật. Có lẽ là vị sứ giả người Nhật Bản mà Nguyễn Huy Oánh được tiếp kiến. Người Việt có thói quen dùng tên để xưng danh, khác với người Nhật Bản dùng họ để xưng danh. Có thể tham khảo cách ghi tên người Nhật ở sách Đại Việt sử ký toàn thư. Chưa rõ Korechika họ gì.

17. Thang Hy Dũng: Giữa nhân đạo, ngoại giao và mậu dịch - lấy Triều Tiên, Lưu Cầu và Việt Nam cứu trợ thuyền Trung Quốc đời Thanh bị nạn làm trung tâm. Dẫn theo Luận án Tiến sĩ Nghiên cứu về Lý Văn Phức và tác phẩm Tây hành kiến văn kỷ lược của Nguyễn Thị Ngân. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, năm 2009, tr.68.

18. Lý Văn Phức 李文馥 (1785-1849): người xã Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông đỗ Cử nhân năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819) đời vua Gia Long. Từng làm quan Hàn lâm viện Biên tu, sau thăng Tham tri Bộ Lễ. Do mắc tội trong lúc làm quan nên bị vua đưa đi Hiệu lực ở các nước Đông Nam Á và đảm nhận trọng trách đưa người Thanh bị nạn trên biển sang Quảng Đông (Trung Quốc).

19. Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục viết: "Sai Vệ úy Lê Thuận Tĩnh đem theo bọn quan bị cách làm việc chuộc tội là Lý Văn Phức đi thuyền lớn Thụy Long đưa bọn người Thanh về nước" (Đại Nam thực lục, Tập 3, tr.138).

20. Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với Châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Nxb. ĐH Quốc gia, 2003. tr.132.

21. Đại Nam thực lục, Sđd, Tập I, tr.91.

22. Nguyễn Văn Kim. Sđdtr.132.

23.Nguyễn Văn Kim. Sđd, tr.135.

24. Trương Đăng Quế: biệt hiệu Quảng Khê, sống vào thế kỷ XIX. Năm 1819 đỗ Cử nhân sau có dạy vua Thiệu Trị học. Đời Minh Mạng ông nhiều lần làm chủ khảo thi Hội. Ông là nhà sử học nổi tiếng, từng tham gia biên soạn các bộ sách như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục tiền biên v.v..../.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.757-781.

Thông tin truy cập

60530685
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12178
10018
60530685

Thành viên trực tuyến

Đang có 1696 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website