Huyền thoại – Northrop Frye và Roland Barthes

20170811. N Frye

Huyền thoại là tự nhiên (nature), và “tự nhiên” cũng là bản chất. Trong cách lý giải huyền thoại hay hiện tượng huyền thoại, huyền thoại bị đẩy về phía đó, tức phía tự nhiên và bản chất như một bảo chứng về toàn bộ sự thật/bản chất của huyền thoại. Đó là cuộc truy tìm thú vị. Trong cuộc truy tìm này có Northrop Frye (1912-1991), nhà phê bình và lý luận văn học người Canada, một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20 và Roland Barthes (1915-1980), nhà lý luận văn học, triết gia, nhà ký hiệu học người Pháp, có một ảnh hưởng đặc biệt đối với chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu cấu trúc, ký hiệu học… Cả Northrop Frye lẫn Roland Barthes đều nghiên cứu huyền thoại dưới góc độ ngôn ngữ/ngôn từ/phát ngôn trong mối quan hệ huyền thoại với văn học/ký hiệu. Tại đây, chúng ta chứng kiến cuộc gặp gỡ của Northrop Frye với Roland Barthes mặc dù xuất phát điểm của hai ông là khác nhau: một người từ phê bình huyền thoại, người kia từ kí hiệu học.

Trong Phê bình huyền thoại, khi khảo sát về mối quan hệ giữa huyền thoại với văn học hay là hiện tượng chuyển hoá của huyền thoại trong văn học, chúng tôi đã có đề cập đến quan niệm của Northrop Frye[1]. Theo N. Frye, huyền thoại là hạt nhân của  toàn bộ nền văn chương nhân loại mà trung tâm là huyền thoại truy tìm (quest-myth). Trong công trình nổi tiếng Giải phẫu phê bình (Anatomy of Criticism, 1957), N. Frye đã phân loại toàn bộ văn chương thành bốn phạm trù hay là bốn thể tự sự (generic narratives) tương ứng với bốn huyền thoại tố (mythoi): mùa xuân – hài kịch, mùa hạ – truyện diễm tình, mùa thu – bi kịch, mùa đông – châm biếm và trào phúng.

Chúng ta có thể  nhận ra sự tiếp thu và đối thoại của N. Frye đối với J. G. Frazer và Jung. Vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông nhắc chúng ta về huyền thoại trung tâm theo cách nhìn của J. G. Frazer. Còn khái niệm mythoi lại gần gũi với khái niệm mythologems (các huyền thoại tố) của Jung và người cộng sự của ông là Carl Kerényl. Nhưng đồng thời, trong công trình này, N. Frye đề cập đến và đặt lại vấn đề cổ mẫu. Một mặt, giống Jung, ông cho rằng cổ mẫu là hình ảnh nguyên thuỷ, một bộ phận của vô thức tập thể, và thừa nhận một số cổ mẫu của Jung như persona, aima, counseller, shadow; mặt khác ông định nghĩa lại và bố trí lại cổ mẫu trên những căn cứ mới, tách cổ mẫu ra khỏi tâm lý học chiều sâu; thậm chí ông cho rằng dùng lý thuyết vô thức tập thể để giải thích cổ mẫu là một việc làm không cần thiết trong phê bình văn học. N. Frye coi cổ mẫu tự thân là một sự kiện văn học, một hiện tượng lặp lại đặc biệt mang tính liên văn bản trong văn học. Đồng thời ông gắn chúng (những cổ mẫu) với thứ nhịp điệu trong sáng tác văn học (các/tính chu kỳ) với tư cách là thuộc tính cơ bản của tư duy huyền thoại. Từ đây, huyền thoại về lịch biểu được N. Frye coi là hướng lý giải một tổng thể nghi lễ - huyền thoại - cổ mẫu - văn học. Huyền thoại là cổ mẫu và cổ mẫu là sự kiện văn học được lặp lại mang tính chu kỳ và làm nên hiện tượng liên văn bản trong văn học.

Huyền thoại là một quyền lực thông tin trung tâm cung cấp ý nghĩa cổ mẫu cho nghi lễ và câu chuyện cổ mẫu cho lời sấm truyền. Vì thế huyền thoại là cổ mẫu, mặc dù có thể là thích hợp khi ta đề cập huyền thoại là ám chỉ đến tự sự, và cổ mẫu là nói về ý nghĩa. Trong chu kỳ mặt  trời của ngày, chu kỳ mùa của năm, và chu kỳ hữu cơ của cuộc sống con người, có một mẫu hình ý nghĩa duy nhất, từ mẫu hình này huyền thoại cấu tạo một câu chuyện trung tâm xoay quanh một nhân vật, nhân vật này một phần là mặt trời, một phần là sự phì nhiêu sinh trưởng và một phần là vị thần hoặc con người cổ mẫu…:

1/ Giai đoạn bình minh, mùa xuân và sự sinh. Những huyền thoại về sự sinh của người anh hùng, về sự sống lại hoặc sự phục sinh, về sự sáng tạo và (bởi bốn giai đoạn là một chu kỳ) về sự tiêu tan của những quyền lực bóng tối, mùa đông và sự chết. Những nhân vật phụ: người cha và người mẹ. Cổ mẫu của truyện diễm tình và của phần lớn thơ tụng ca (dithyrambic) và thơ khoa đại (rhapsodic).

 2/ Giai đoạn thiên đỉnh, mùa hạ, và sự hôn phối hoặc chiến thắng. Những huyền thoại về sự phong thần, về cuộc hôn phối thần thánh và về việc đi lên thiên đường. Những nhân vật phụ: người bạn đồng hành, nàng dâu. Cổ mẫu của hài kịch, thơ đồng quê, thơ điền viên.

3/ Giai đoạn mặt trời lặn, mùa thu và sự chết. Những huyền thoại về sự sụp đổ, về thần chết, về sự chết và sự hiến tế mãnh liệt. Nhân vật phụ: kẻ phản bội, người đàn bà quyến rũ nguy hiểm. Cổ mẫu của bi kịch và bi khúc.

4/ Giai đoạn bóng tối, mùa đông và sự tan rã. Những huyền thoại về sự chiến thắng của những quyền lực, những huyền thoại về sự lũ lụt và sự quay trở lại của hỗn mang, về sự thất bại của người anh hùng, và những huyền thoại Gotterdammerung. Nhân vật phụ: yêu tinh, mụ phù thuỷ. Cổ mẫu của văn thơ châm biếm trào phúng (hãy xem, ví dụ, đoạn kết của tác phẩm The Dunciad)[2].

Trên cơ sở những lý giải như thế về mối quan hệ giữa huyền thoại với văn học, ngành phê bình huyền thoại đến N. Frye đã trở thành một hợp lưu của nghi lễ và cổ mẫu, đồng thời mở ra cùng với những quan tâm về cấu trúc thể loại, các yếu tố tác phẩm… Nó mang tham vọng bao trùm toàn bộ phê bình văn học.

Ở một phương diện khác, tức phương diện cấu trúc tổng thể, các phương thức tư duy và những mối quan tâm chung, N. Frye đi ngược về phía đầu nguồn, và ông cho rằng toàn bộ cấu trúc của văn học… là khởi nguyên từ huyền thoại. Trong tiểu luận Huyền thoại, hư cấu và sự dịch chuyển[3], N. Frye cho rằng “huyền thoại là và luôn luôn đã là một yếu tố cấu thành văn học, mối quan tâm của các nhà thơ đối với huyền thoại và hệ huyền thoại là đặc biệt và không thay đổi kể từ thời Homer”. Từ đây, ông đã khảo sát tính thống nhất của tác phẩm văn học, của văn học như một tổng thể.

Trước tiên, ông chú ý đến đặc trưng thể loại của huyền thoại mà toàn bộ hình thức nghệ thuật của nó là “một thế giới mà nội dung là tự nhiên và hình thức là con người; vì thế khi nó “mô phỏng” tự nhiên là nó đồng hoá tự nhiên với hình thức con người. Thế giới nghệ thuật là con người trong viễn cảnh, một thế giới mà trong đó mặt trời cứ tiếp tục mọc và lặn sau khi khoa học đã giải thích rằng việc mọc và lặn của mặt trời là ảo ảnh”. Trong thế giới nghệ thuật đó, huyền thoại đã nói về con người, nguồn gốc của nó, số phận của nó, những giới hạn của nó, những hy vọng và khát vọng của nó. Và trong cái nhìn lịch sử, huyền thoại đã cung cấp những nét phác thảo chính thức, quan trọng về một vũ trụ ngôn từ mà về sau văn học chiếm lĩnh. Vai trò đầu nguồn ấy của huyền thoại là không thể phủ nhận được trong mối quan hệ giữa huyền thoại với văn học với tư cách cả hai đầu là nghệ thuật ngôn từ về con người.

Theo N. Frye, phép so sánh và phép ẩn dụ của văn học là đến từ hai nguyên tắc nhận thức và cũng là hai nguyên tắc cấu trúc của huyền thoại là tính tương tự (analogy) và tính đồng nhất (identity). Trong những huyền thoại về mùa xuân, bình minh, sinh nở cưới hỏi, phục sinh, sự vận động đi lên đã trở thành nguyên tắc cấu trúc của hài kịch; cũng như thế, trong những huyền thoại về cái chết, sự biến hoá, sự hiến tế, sự vận động đi xuống là cấu trúc của bi ki kịch, “văn chương là một hệ huyền thoại được tái xây dựng với những nguyên tắc cấu trúc xuất phát từ những nguyên tắc cấu trúc của huyền thoại”. Từ chính cách nhìn như thế, N. Frye cho rằng cái làm nên hình dạng của văn học đã có từ lâu xa nơi đầu nguồn là huyền thoại chứ không phải là cuộc sống như các nhà hiện thực chủ nghĩa quan niệm. Nếu nhận thức đầy đủ truyền thống văn học thì, theo N. Frye, chúng ta có thể tìm thấy khung sườn và ngữ cảnh của tác phẩm văn chương trong hệ huyền thoại bởi vì cả hai cùng chiếm lĩnh không gian ngôn từ; và chỉ như vậy chúng ta mới bắt gặp ở tác phẩm văn chương những chiều kích nghĩa vang dội rộng lớn.

Đối với nguyên tắc tổ chức tác phẩm văn học, N. Frye, trong tiểu luận Archetypes of Literature, đặt vấn đề rằng có một vài nghệ thuật vận hành dựa vào thời gian như âm nhạc và một số khác dựa vào không gian như hội hoạ, nhưng nếu chúng ta đi tìm nhịp điệu trong một bức tranh hoặc hoặc mẫu hình trong một nhạc phẩm thì lập tức mọi nghệ thuật đều dường như mang cả hai tính chất thời gian và không gian. Tác phẩm văn chương xuất hiện như một nghệ thuật trung gian giữa âm nhạc và hội hoạ. Ngôn từ của nó một mặt tạo nên nhịp điệu gần như một chuỗi những âm thanh mang nhạc tính, mặt khác tạo nên những mẫu hình gần như hình ảnh tranh vẽ hoặc (chữ) tượng hình.

Chúng ta gọi nhịp điệu là câu chuyện, và mẫu hình là sự nắm giữ tinh thần đồng thời của cấu trúc ngôn từ, (tức - ĐNC) nghĩa hoặc ý nghĩa. Chúng ta nghe hoặc lắng nghe một câu chuyện, nhưng khi chúng ta nắm bắt được mẫu hình tổng thể của nhà văn thì lúc đó chúng ta “thấy” (see) điều mà nhà văn muốn nói[4].

Chúng ta có thể hình dung từ chuỗi những quan hệ: 1/ Thời gian, nhịp điệu, câu chuyện, giới thiệu những sự kiện, sự vận hành tuyến tính; 2/ Không gian, mẫu hình, (ý) nghĩa, phản ánh ý tưởng ngoại tại, tổng thể hình thức trọn vẹn.

Tương tự như thế, một hình ảnh không chỉ là bản sao ngôn từ của một đối tương ngoại tại, mà còn là bất cứ đơn vị cấu trúc ngôn từ nào cũng được nhìn nhận như bộ phận của một mẫu hình hoặc nhịp điệu tổng thể… Nếu mượn thuật ngữ của âm nhạc, câu chuyện và nghĩa như thế trở thành những ngữ cảnh du dương và hoà ân của hình tượng[5].

Từ đây, N. Frye gắn nhịp điệu vào câu chuyện, mẫu hình vào nghĩa, và gắn cả hai  vào nhau để làm xuất hiện huyền thoại như là đầu nguồn của nghi lễ - nhịp điệu - câu chuyện, của mẫu hình - các cấu trúc tổng thể của nghĩa - cổ mẫu, và, như thế, của (tác phẩm) văn chương:

1/Nhịp điệu - chu kỳ tự nhiên - sự đồng bộ hoá của sinh thể với môi trường tự nhiên - các nghi lễ - cội nguồn của chuyện kể - một chuỗi những hành động mang nghĩa ngầm - sức kéo của nghi lễ hướng về phía câu chuyện thuần túy, lặp lại một cách tự động và vô thức…

2/ Các mẫu hình của hình tượng hay những mảnh của nghĩa - hình thức những câu tục ngữ, câu đố, thành ngữ, truyện dân gian về cội nguồn chứa đựng thành tố truyện kể - cấu trúc tổng thể của nghĩa từ những mảnh ngẫu nhiên và theo kinh nghiệm. Câu chuyện thuần túy là hành động vô thức, nghĩa thuần túy là trạng thái ý thức không thể truyền đạt bởi vì sự truyền đạt bắt đầu từ việc xây dựng câu chuyện kể.

Hai yếu tố nhịp điệu và mẫu hình hay câu chuyện và nghĩa tìm thấy trong tự nhiên, trong những hoạt động gắn với tự nhiên mà huyền thoại là trung tâm phân phối đầy quyền lực. Trong cách nhìn như thế của N. Frye, huyền thoại chính là/trở thành (tác phẩm) văn học trong yếu tính của nó, tức cái Tự nhiên hay là cái Bản chất tự nhiên[6] (Nature). Yếu tính ấy được Roland Barthes khảo sát từ một hướng (hoàn toàn) khác và không chỉ riêng đối với (tác phẩm) văn học: ký hiệu học, và là “huyền thoại ngày nay”[7], tức là tất cả những hệ thống ký hiệu thứ hai (trên cơ sở hệ thống ký hiệu ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure).

“Huyền thoại ngày nay” là phần thứ hai trong công trình Những huyền thoại (Mythologies), và chính tại đây, Roland Barthes trình bày quan niệm của mình về huyền thoại (ngày nay), huyền thoại học và vai trò của các nhà huyền thoại học.

Có hai điểm chúng ta cần lưu ý. Đó là cái Tự nhiên hay cái Bản chất tự nhiên và con đường đi của Northrop Frye và Roland Barthes. Trong cách triển khai của N. Frye, như chúng tôi sơ lược trình bày, Tự nhiên là nhịp điệu và mẫu hình, là nguồn cội của mọi nghi lễ và chuyện kể, hiện ra trong huyền thoại, và từ đây huyền thoại là “đầu nguồn” của truyền thống/lịch sử văn học. Tự nhiên ấy là yếu tính của văn học được hiểu như bản chất (nature) của nó. Con đường của Northrop Frye là của nhà lý thuyết văn học, đi tìm bản chất của văn học và bắt gặp huyền thoại, rồi ở lại với huyền thoại để mở ra vô vàn những vấn đề thú vị cho phê bình văn học mà ông gọi là phê bình huyền thoại. Cái tự nhiên ấy của Northrop Frye như thế là gắn với lịch sử. Cái tự nhiên trong quan niệm của Roland Barthes đối với “huyền thoại ngày nay” hoàn toàn không phải như thế, tức không gắn với lịch sử; và con đường đi của ông là của nhà ký hiệu học mà khởi điểm của con đường đó là “huyền thoại ngày nay”. Đọc phần hai “Huyền thoại ngày nay” trong công trình Những huyền thoại, theo trình tự của bố cục, chúng ta có cảm giác như Roland Barthes đi từ ký hiệu học đến tư tưởng học nhưng thực sự ngược lại. Ông đã đi từ tư tưởng học đến ký hiệu học. Vì thế, cuộc gặp gỡ mà chúng ta nói đến giữa Nothrop Frye với Roland Barthes khi đề cập mối quan hệ giữa huyền thoại với tác phẩm (văn học)/(tác phẩm) văn học chỉ là cuộc gặp gỡ mang tính hình thức. Tự nhiên (nature) đã được dựng dậy như là một hình thức trống và hai ông, mỗi người tự điền vào đó những nghĩa có thể từ quan điểm của mình: Northrop Frye là văn học còn Roland Barthes là chính trị.

Chúng ta có thể làm rõ điểm nêu trên về Roland Barthes, trước hết, bằng cách ghi lại các đề mục của Phần hai, “Huyền thoại ngày nay”, trong Những huyền thoại:

-       Huyền thoại là một ngôn từ.

-       Huyền thoại như một hệ thống ký hiệu.

-       Hình thức và khái niệm.

-       Sự biểu đạt.

-       Đọc và giải mã huyền thoại.

-       Huyền thoại như ngôn ngữ bị đánh cắp.

-       Giai cấp tư sản như công ty vô danh.

-       Huyền thoại là ngôn từ phi chính trị hoá.

-       Huyền thoại, ở phe Tả.

-       Huyền thoại, ở phe Hữu.

-       Sự cần thiết và các hạn chế của huyền thoại học.[8]

Roland Barthes là nhà Marxist, ông trích dẫn ý kiến Marx như là tư tưởng chỉ đạo, và ông nghiên cứu huyền thoại ngày nay trong xã hội tư sản, của xã hội tư sản. Ông nhiều lần khẳng định như thế trong công trình này mặc dù ông có nói đến “Huyền thoại, ở phe Tả”[9]. Đối với Roland Barthes, xã hội tư bản là bao trùm, giai cấp tư sản “tiến hành chiến dịch thoát danh”:

Dù lịch sử đem đến cho chúng ta những biến cố, những thỏa hiệp, những nhượng bộ và những phiêu lưu chính trị thế nào đi nữa, các thay đổi về kỹ thuật, về kinh tế hoặc cả về xã hội thế nào đi nữa, thì xã hội chúng ta vẫn còn là một xã hội tư sản. Tôi chẳng phải không biết là từ năm 1789, ở Pháp, nhiều kiểu giai cấp tư sản nối tiếp nhau nắm quyền; nhưng cơ cấu sâu xa vẫn thế, đó là cơ cấu của một chế độ tư hữu nhất định, của một trật tự nhất định, của một hệ tư tưởng nhất định. Thế nhưng trong việc định danh lại xảy ra một hiện tượng đáng chú ý: về mặt kinh tế, giai cấp tư sản được gọi tên chẳng khó khăn: công khai là chủ nghĩa tư bản[10]. Về mặt chính trị, giai cấp ấy thừa nhận mình một cách khó khăn: không có các đảng “tư sản” ở Nghị viện. Về mặt tư tưởng, nó biến mất hoàn toàn: giai cấp tư sản đã xóa tên mình bằng cách chuyển từ thực tế sang biểu hiện của nó, từ con người kinh tế sang con người tinh thần: nó dễ dàng dàn xếp về các sự kiện, nhưng nó không thỏa hiệp về các giá trị, nó tiến hành chiến dịch thoát danh[11] thật sự; giai cấp tư sản tự xác định như giai cấp xã hội không muốn được gọi tên. “Tư sản”, “tiểu tư sản”, “chủ nghĩa tư bản[12]”, “giai cấp vô sản[13]” là những nơi xảy ra tình trạng chảy máu không ngừng: nghĩa thoát ra khỏi chúng cho đến khi tên gọi là gì trở nên vô ích[14].

Và, vì thế, công việc của Roland Barthes là “lật tẩy” bằng cách giải mã huyền thoại ngày nay trong xã hội tư sản. Đó là điểm quan trọng về tư tưởng của Roland Barthes mà chúng ta cần nắm rõ để có thể hiểu toàn bộ những lý giải thập phần rắc rối của ông về huyền thoại (ngày nay) mà khởi đầu bằng hệ thống ký hiệu ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure. Thực ra, Roland Barthes bắt đầu với một định nghĩa về huyền thoại[15]: “Qu’est ce qu’un mythe, aujourd’hui? Je donnerai tout de suite une première réponse très simple, qui s’accorde parfaitement avec l’étymologie: le mythe est une parole” (Ngày nay, huyền thoại là gì? Tôi sẽ ngay lập tức đưa ra câu trả lời đầu tiên rất đơn giản, hoàn toàn phù hợp với từ nguyên: huyền thoại là một ngôn từ [16])[17]. Chính từ đây, Roland Barthes bắt đầu với hệ thống ký hiệu ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure và ông coi huyền thoại là hệ thống ký hiệu thứ hai trong sơ đồ do chính ông thiết kế trong Những huyền thoại:  

20170811. Huyen thoai

Chúng ta cần chú ý một điểm thú vị là Daniel Chandler khảo sát sơ đồ trên của Roland Barthes tại mục “Hiển ngôn và hàm ngôn” (Denotation and Connotation) trong công trình The Basics Semiotics (hoặc Semiotics – the Basics).

Hàm ngôn và hiển ngôn thường được miêu tả là những bình diện trình bày (levels of representation) hoặc những bình diện nghĩa (levels of meaning). Roland Barthes tiếp nhận từ Louis Hjelmslev quan niệm rằng có nhiều cấp độ khác nhau của sự biểu đạt (Barthes 1957, 124; 1961; 1967a, 89-94; 1967b, 27ff; Hjelmslev 1961, 114ff). Cấp độ thứ nhất của sự biểu đạt là cấp độ hiển ngôn: ở bình diện này có một ký hiệu gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Hàm ngôn là cấp độ thứ nhì của sự biểu đạt sử dụng ký hiệu hiển nghĩa (cái biểu đạt và cái được biểu đạt) như là cái biểu đạt của nó và gắn vào cái biểu đạt ấy một cái được biểu đạt thêm vào (Hình 4.3, tức là hình trên đây – ĐNC). Trong cấu trúc này, hàm ngôn là ký hiệu xuất phát từ cái biểu đạt của ký hiệu hiển nghĩa (vì hiển ngôn dẫn đến một chuỗi những hàm ngôn). Cái được biểu đạt ở bình diện (level) này có thể trở thành cái biểu đạt ở bình diện khác. Đây là cơ cấu mà bằng vào nó những ký hiệu có thể biểu đạt (signify) một vật nhưng lại được chồng chất nhiều nghĩa[18].

Như thế, nếu căn cứ trên sơ đồ của Roland Barthes và cách lý giải của Daniel Chandler thì huyền thoại là hàm ngôn: “Trong cơ cấu những nghiên cứu văn hoá của Barthes, huyền thoại, giống như hàm ngôn, có thể được coi như là cấp độ sự biểu đạt cao hơn”.

Đối với Hjelmslev, bên trên phương diện hàm ngôn có một siêu ký hiệu (metasemiotic). Những vấn đề địa lý, lịch sử, chính trị… liên quan đến những khái niệm như quốc gia, tôn giáo, cá tính… đều thuộc về siêu ký hiệu. Trong một cách nhìn nào đó, huyền thoại với tư cách là siêu ngôn ngữ, theo cách nhìn của Roland Barthes, tương tự với hay là thuộc về khu vực khái niệm siêu ký hiệu của Hjelmslev. Đối với Roland Barthes, huyền thoại không phải nói (chỉ thị) sự vật mà (còn) là nói về sự vật. Tính hàm ngôn của nó là của siêu ngôn ngữ.

Chúng tôi nghĩ là cần thiết trích dẫn một miêu tả (ví dụ thứ hai) của Roland Barthes về con đường đi từ “ngôn ngữ” đến “huyền thoại” trong sơ đồ của ông. “Và bây giờ là một ví dụ khác: tôi đang ở tiệm hớt tóc, người ta đưa cho tôi tờ tạp chí Paris-Match. Trên trang bìa, một thanh niên da đen mặc bộ quân phục…

Bước chuyển, theo Barthes, xảy ra ngay tại thời điểm cái ký hiệu của ngôn ngữ, tức cái tổng liên kết hai cái: cái biểu đạt và cái được biểu đạt, mang đầy nghĩa của cấp độ thứ nhất biến thành một hình thức rỗng làm xuất hiện cái biểu đạt của huyền thoại (tức ở cấp độ 2). Như thế, cái biểu đạt của huyền thoại vừa là nghĩa (của cấp độ 1) vừa là hình thức (của cấp độ 2). Đó là tính hai mặt của cái biểu đạt huyền thoại. Cái hình thức này làm cho nghĩa nghèo đi, gạt bỏ tính ngẫu nhiên của nghĩa để nắm lấy cái nghĩa nghèo đi đó mà sử dụng theo cách của nó, tức biểu đạt cái được biểu đạt (cấp độ 2). Số phận của anh lính da đen, các buồn vui của anh lính da đen…bị lược bỏ đi, chỉ còn lại cái hình thức “anh da đen chào cờ”, và ngay tại đây, vào lúc này cái hình thức đó cung cấp cho tôi (tức người tiếp nhận/người nhận) một khái niệm, “đó là tính chất đế quốc Pháp” và biểu đạt cho tôi một nghĩa khác, rộng lớn hơn gắn với “tính chất đế quốc Pháp” là “toàn bộ thế giới: với Lịch sử đại cương nước Pháp, với những cuộc phiêu lưu thuộc địa của nó, với những khó khăn của nó hiện nay”[19]. Để làm được điều này, khái niệm đã làm biến dạng nghĩa (của cấp độ 1) và đồng thời nó mở ra theo hướng “ý định” của ngôn ngữ huyền thoại, tức làm xuất hiện một khái niệm có chủ định.

Theo chúng tôi, cái tính chất chủ định này xuất hiện với tôi, cho tôi, trong một bối cảnh, môi trường xã hội nhất định. Và chính bối cảnh, môi trường này tạo ra sự chuyển hướng của huyền thoại bằng cách “bản chất hoá” khái niệm, nghĩa là nó biến đổi cái lịch sử thành cái bản chất tự nhiên, cái nhất thời thành cái thiên tải, cái ngẫu nhiên thành cái đương nhiên. “Tất cả diễn ra như thể hình ảnh gợi ra khái niệm một cách tự nhiên, như thể cái biểu đạt tạo lập cái được biểu đạt: huyền thoại hiện hữu ngay từ lúc tính chất đế quốc Pháp chuyển sang trạng thái bản chất tự nhiên: huyền thoại là một ngôn từ được minh chứng hết mức”.

Như vậy, bằng cách chiếm lấy hệ thống ký hiệu thứ nhất, chuyển hướng sang hệ thống ký hiệu thứ hai với tư cách là một siêu ngôn ngữ: huyền thoại chiếm lĩnh mọi kiểu ngôn ngữ, đánh cắp ngôn ngữ, biến đổi nghĩa thành hình thức, tạo lập khái niệm chủ định, biến khái niệm thành bản chất tự nhiên. Đó là con đường đi của huyền thoại ngày nay trong xã hội/môi trường tư sản. Nó đã biến cái ngẫu nhiên, nhất thời của tư sản thành cái bản chất tự nhiên (nature) vượt lên trên giai cấp, vượt lên trên chính trị, vượt lên trên thời gian, là cái cố kết, là cái giá trị cố kết. Cái phương diện hàm ngôn (connotation) nọ của ngôn ngữ là huyền thoại và cái giá trị cố kết kia cũng là huyền thoại[20].

Điểm gặp gỡ của Northrop Frye và Roland Barthes là ở đây: bản chất tự nhiên (nature) nhưng rõ ràng từ hai hướng, một từ văn học và một từ tư tưởng học. Và từ điểm gặp gỡ này, hai con đường sẽ mở ra cho phê bình, nghiên cứu văn học - phê bình huyền thoại và phê bình ký hiệu (tư tưởng) học.  

                                                                    ĐNC.


[1] Phê bình huyền thoại, Nxb Đại học Quốc gia, Tp. HCM, 2008. Nay xin nhắc lại.

[2] Northrop Frye, The Archetypes of Literature trong sách Twentieth Century Criticism, William J. Handy và  Max Westbrook chủ biên, The Free Press, tr.233-243.

[3] Northop Frye, “Myth, Fiction, and Displacement”, Twentieth Century Criticism, William J. Handy…edited, The Free Press, New York 1974, tr.159-169.

[4] Northrop Frye, sđd, tr.238-239.

[5] Northrop Frye, sđd, tr.239

[6] Đây là từ mà GS. Phùng Văn Tửu dịch thuật ngữ “Nature” trong công trình Những huyền thoại của Roland Barthes, Nxb Tri Thức, 2008.

[7] Vấn đề huyền thoại ngày nay (Le mythe aujourd’hui/Myth Today) đã được Roland Barthes chú ý trong Độ không của lối viết (1953) nhưng phải đến Những huyền thoại (1957) thì tất cả mới trở nên rõ ràng.

[8] Những trích dẫn trong Những huyền thoại của Roland Barthes mà chúng tôi sử dụng trong mục này đều từ bản dịch của GS Phùng Văn Tửu, Nxb Tri Thức, 2008. Chỉ một số thuật ngữ hoặc một số điểm cần chú ý chúng tôi mới chú thích thêm bằng bản tiếng Pháp hoặc bản (dịch) tiếng Anh.

[9] Theo chúng tôi, mục này Roland Barthes viết quá sơ lược, thậm chí chúng ta có cảm giác như ông tránh né điều gì đó.

[10] “Chủ nghĩa tư bản bị lên án là làm giàu cho công nhân”, tờ Match nói với chúng ta (Chú thích của Roland Barthes).

[11] Nguyên văn: Ex-nomination (Chú thích của GS. Phùng Văn Tửu)

[12] Từ ngữ “chủ nghĩa tư bản” không phải là điều cấm kỵ về phương diện kinh tế, nó là điều cấm kỵ về phương diện hệ tư tưởng: nó không thể xâm nhập vào từ vựng của những biểu hiện tư sản. Cần phải ở Ai Cập của Farook mới có được phiên tòa kết án đích danh một can phạm về “những âm mưu chống chủ nghĩa tư sản” (Chú thích của Roland Barthes)

[13] Giai cấp tư sản chẳng bao giờ dung từ “giai cấp vô sản” là một huyền thoại nổi tiếng của cánh tả, trừ trường hợp có lợi khi hình dung giai cấp vô sản bị Đảng Cộng sản dắt đi sai đường lạc lối (Chú thích của Roland Barthes).

[14] GS Phùng Văn Tửu, Sđd, tr.337-339.

[15] Xin đọc các ý kiến liên quan đến định nghĩa về huyền thoại trong chuyên luận Phê bình huyền thoại của Đào Ngọc Chương, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2008.

[16] Người ta sẽ nêu lên cả ngàn nghĩa khác của từ huyền thoại để bác lại tôi. Nhưng tôi đã tìm cách định nghĩa các sự việc, chứ không phải các từ ngữ (Chú thích của Roland Barthes - GS. Phùng Văn Tửu dịch).

[17] Đây là đoạn có trong bản thảo (dịch) của GS Phùng Văn Tửu nhưng Ban Biên tập Nxb Tri Thức bỏ, không rõ lý do. Theo ý kiến GS Phùng Văn Tửu thì có thể nhà xuất bản sử dụng một bản  nguyên tác khác với bản của GS dịch.

[18] Daniel Chandler, Semiotics: the Basics, tr.139-140

[19] Chúng ta có thể liên tưởng ý kiến của Hjelmslev về “siêu ký hiệu” (metasemiotic)

[20] Ý nghĩa này gợi cho chúng ta khái niệm “đại tự sự” của Francois Lyotard, và trong một cách nhìn nào đó, nó soi sáng những vấn đề lịch sử của chủ nghĩa hậu hiện đại và phản ứng chính trị của nó.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013

Thông tin truy cập

63667665
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11383
17595
63667665

Thành viên trực tuyến

Đang có 699 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website