Trong thơ ca xưa, hình ảnh hạc - loan - phượng là biểu trưng của sự thanh cao, thoát phàm; hình ảnh của chim hồng chim hộc thường để ví những trượng phu chí lớn; hình ảnh chim nhạn lại gắn với nỗi mong chờ tin xa; hình cảnh chim cuốc - chim quyên gợi lên nỗi khắc khoải, bi ai... Và tiếng gà trong thơ là biểu hiện của thời gian, hoài niệm và sự cô đơn, tịch liêu.
Trong thơ Cao Bá Quát, tiếng gà vang lên như tiếng còi báo hiệu một ngày mới, ngày đầu năm. Tiếng gà eo óc gọi xuân mới xen lẫn tiếng pháo trúc, ánh ban mai và làn mưa bụi bay bay khiến cho buổi sáng đầu tiên của năm mới (Nguyên triêu) rộn rã và đẹp đến kỳ lạ:
Hao hao giác sơ kê minh
Thuỳ gia bộc trúc sậu phát thanh
Khai phi dẫn vọng ái thanh hiểu
Tế vũ như tuyến hi nhân hành…
Tiếng gà eo óc gọi ngày
Nhà ai pháo trúc nổ đầy trời xuân
Mở song nắng sớm trong ngần
Mưa như bụi rắc vắng chân lữ hành.
Tiếng gà ở bài thơ trên của Chu Thần rất gần với tiếng gà trong bài tán khúc “Thập nhị nguyệt lạc từ” của Mạnh Phưởng thời Nguyên. Tiếng gà đây cũng báo hiệu một ngày mới sang mùa trong đẹp, nhưng không phải Xuân, mà là Thu với những hình ảnh đặc trưng trong thơ Trung Quốc: lá ngô đồng, giếng vàng và ngàn giọt sương nhảy múa trên muôn lá cỏ dưới ánh trăng tà lạnh lẽo:
Kê minh hiểu sắc lung thông
Nha đề kim tỉnh ngô đồng
Nguyệt truỵ hành hàn lộ dũng…
Gà gáy sắc sớm như ngọc
Quạ kêu đồng rụng giếng vàng
Trăng tà sương bỡn cỏ hoang
Sáu thế kỷ sau, với Lưu Trọng Lư, tiếng gà lại gắn với những hoài niệm ấu thơ thời xưa xa:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không…
Theo “Nắng mới”, những kỷ niệm ùa về ngập tràn cõi lòng, trong muôn vàn thương nhớ có tiếng gà trưa “xao xác” đến “não nùng”. Tiếng gà thê thiết hoài vọng hay tiếng gọi thiết tha của quê nhà đối với người con xa xứ?
Nếu hỏi Thang Thức, một nhà thơ thế kỷ 14 bên kia bên giới câu hỏi đó, thì ông sẽ ngâm bài “Điệu linh nữ” thay cho câu trả lời:
Lâu không yến tử phi
Hạng tĩnh kê nhi khiếu
Vấn hương hà xứ phiêu phiêu…
Lầu không yến bay
Ngõ vắng gà kêu mãi
Hỏi hồn còn phiêu diêu đâu đấy?
Tiếng gà phiêu diêu trong ngõ vắng khiến khách tha hương giật mình tự vấn: Hồn ta còn phiêu dạt nơi nào? Đến bao giờ? Để làm gì? Cả quê hương như hiện ra rõ mồn một trong tiếng gà não lòng.
Có lẽ Chung Tự Thành - một khúc nhân thời Nguyên, cũng chung niềm cảm khái như vậy khi ông viết trong bài “Lăng ba tiên” rằng:
Đăng tiền phủ kiếm thính kê thanh
Nguyệt hạ tiêu dẫn phượng minh…
Trước đèn tuốt kiếm nghe tiếng gà
Dưới trăng sáo nổi phượng hoà ca
Đối với nàng Kiều của chúng ta, thì tiếng gà lại biểu thị sự cô liêu, tịch mịch đến đáng sợ:
Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giầy cầu sương
Thân gái dặm trường, cô đơn lạc lõng, nơm nớp, hoảng hốt giữa mịt mù sỏi cát rừng cây, sương lạnh, trăng mờ. Mỗi tiếng gà cất lên có lẽ là một lần trái tim Kiều run lên vì kinh hãi. Tuy Nguyễn Du đã hoá dụng hai câu: “Kê thanh mao điếm nguyệt, nhân tích bản kiều sương” của Ôn Đình Quân đời Đương thành câu bát trên đây, nhưng rõ ràng sự hoá dụng ấy thật đáng gọi là thần tình, tuyệt diệu, tự nhiên như nhiên, không ai cho là chắp vá hay khổ ép.
Cũng thân gái, cũng hồng nhan giữa đêm khuya trời vắng như Kiều, Hồ Xuân Hương không sợ Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh… đuổi bắt, nhưng Bà chúa thơ Nôm cũng sợ. Sợ sự cô đơn. Và nhiều khi nỗi cô đơn của Xuân Hương hoá thành giận dữ, oán hận, như ánh sao chổi dữ dội quét ngang bầu trời phong kiến Việt Nam thế kỷ 19. Tiếng gà trong thơ Xuân Hương nghe nhức nhối bao thảm - sầu:
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om…
Nỗi cô đơn, oán hận, sầu thảm của Xuân Hương như theo tiếng gà lan toả, bao trùm cả trời đất, vũ trụ. Với người khác, vũ trụ kia là bao la vô tận, nhưng với Xuân Hương, nó chỉ đi rộng hết một tiếng gà mà thôi. Bởi nếu không vậy, thì tại sao một người như bà lại trơ trọi ngồi giữa đất trời mà “Tự tình”, mà “oán hận”?
Một hình bóng cũng tựa hình bóng của Xuân Hương, cũng cô đơn giữa mênh mông vũ trụ, vô cùng trời đất hoang vắng, đến nỗi dư âm tiếng gà đã tắt, ánh trăng đã tàn úa, mà vẫn một mình lặng lẽ đơn côi trong lạnh giá canh năm:
Kê thanh bãi
Giác vận tàn
Lạc nguyệt ngũ canh hàn…
Tiếng gà dứt
Dư âm hết
Trăng tà lạnh lẽo canh năm
Đó là Trương Khả Cửu, nhà thơ tài hoa nhất của Nguyên khúc hậu kỳ và trích đoạn trên thuộc bài tán khúc “Tảo hành” của ông. Tất cả tĩnh tại, trống vắng, hư hư không không. Tiếng gà ở đây như có như không, như không như có, như thực như ảo. Tựa kiếp người.
Nguồn: Kiến Thức Ngày Nay 1/3/2010