Cách mạng tháng Tám và mối quan hệ văn học Việt - Xô

 

Từ Cách mạng Tháng Tám 1945, văn học Xôviết – ở khu vực chính thống của nó đã trở thành ngọn cờ, thành mục tiêu, thành điểm tựa cho nền văn học Việt Nam mới, đang phấn đấu vượt lên và thoát khỏi các ràng buộc không chỉ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới và các tàn dư phong kiến, mà còn đối với cả hệ ý thức tư sản và tiểu tư sản, nhằm kiên định lập trường vô sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong định hướng tiếp nhận như thế, những tên tuổi kinh điển gồm những người khai sáng văn học Xôviết, được xếp ở hàng đầu, đó là Goocki, Maiacopxki, Xêraphimôvitsơ, Phuốcmanốp, Glátcốp, Otxtơropxki, Solokhov, A. Tonxtôi.

Nếu hiểu lịch sử nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp, văn học là một hình thái ý thức xã hội, và tính chiến đấu là đặc trưng cơ hữu của văn học cách mạng, thì sự hình thành của nền văn học mới, văn học cách mạng bao giờ cũng phải gắn với một cuộc cách mạng văn học, tức là sự đoạn tuyệt với “thế giới cũ”. Một sự nghiệp như thế cần đến những người khai phá; và một thời rất dài, kể từ khi hình thành nền văn học vô sản ở Việt Nam, người đứng đầu của đội ngũ khai sáng ấy không ai khác ngoài M. Goocki – tác giả của tiểu thuyết Người mẹ, của kịch Dưới đáyNhững kẻ thù; của bộ ba tự thuật; của những truyện ngắn đánh thức những khát vọng cao cả ở con người, như Đancô, Bài ca chim báo bão; của sự khẳng định con đường hình thành và suy vong của giai cấp tư sản, như Phôma Gocđêep, Gia đình Actamônốp; của thái độ phê phán quyết liệt những mặt bạc nhược của con người cá nhân tiểu tư sản qua “lịch sử của một tâm hồn trống rỗng” như trong Cuộc đời Klim Sangghin, cuốn tiểu thuyết đồ sộ nhất vào cuối đời. Tác gia lớn Goocki còn là ông tổ của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, với Diễn văn tại Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ nhất – 1934, qua bản dịch tiếng Pháp đã đến với giới trí thức Việt Nam từ giữa những năm 30; và từ 1960, là bản dịch tiếng Việt của Hoài Thanh, với Lời mở đầu, khẳng định – Goocki – “qua bản báo cáo này là hình ảnh một vĩ nhân đứng trên bậc cửa rất cao của cuộc đời mới nhìn sâu đến những chỗ tận cùng thời tiền sử, nhìn suốt xưa nay và chỉ đường đi tới”(1).

Trong tư cách là người sáng lập nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, những bài báo, bút chiến, tiểu luận, kinh nghiệm sáng tác của Goocki cũng được giới thiệu từ rất sớm và luôn luôn được trích dẫn – như Tôi đã học viết như thế nào?, Tôi viết như thế nào?, hoặc Các ông đứng về phía ai, những bậc thầy văn hoá?... Một Goocki trong suốt, kiên định như kim cương và rất vững tin về con đường mà nền văn học Xôviết đã chọn. Nhưng bên cạnh những phẩm chất đó, vẫn còn một Goocki khác - đa diện và phức tạp, vừa thuận vừa không thuận với cách ứng xử của bộ máy quyền lực; đáng tiếc là các phẩm chất mới này ở Goocki, phải đến thời Cải tổ mới được phát hiện trong tập sách Những tư tưởng không hợp thời(2). Với cuốn sách này, Goocki không còn là một chân dung nguyên phiến đơn giản trong tư cách một nghệ sĩ vô sản mà là một chân dung vạm vỡ, lực lưỡng của một nhân cách văn hóa lớn, mà người đọc và cả giới Xôviết học ở Việt Nam, không dễ và không thể tiếp cận, khi Việt Nam còn đang trong hoàn cảnh chiến tranh, kể cả khi đã đến gần với công cuộc Đổi mới, mà Liên Xô chưa tiến hành công cuộc Cải tổ.

Cùng với Gocki, còn là một đội ngũ các chiến hữu đến sau ông, trong sứ mệnh xây dựng nền văn học Xôviết sau Cách mạng tháng Mười; với những tác phẩm đã trở thành kinh điển như Suối thép của Xêraphimôvits, Tsapaev của Phuôcmanốp, Xi măng của Glatkov, Con đường đau khổ của A. Tonxtôi, Thép đã tôi thế đấy của Otxtơropxki, và Sông Đông êm đềm của M. Solokhov...

ở hình ảnh “suối thép”, đó là khối sức mạnh dời non lấp biển của quần chúng, trong các chuyển động lịch sử nhằm phá vỡ thế giới cũ. Qua Tsapaev và Paven Korsaghin là biểu tượng con người mới của thời đại với tính phức tạp nhưng không khó hiểu về sự kiên định lý tưởng cách mạng là giải phóng giai cấp và giải phóng loài người. Trong Xi măng, là sự hình thành cuộc sống mới trong bề bộn những khó khăn do sự chống chọi của thế giới cũ và những tập quán cũ. Còn Con đường đau khổ là con đường của giới trí thức Nga trong chọn lựa giữa Tổ quốc và Cách mạng; một chọn lựa rất gay gắt, bởi chính tác giả của nó cũng đã phải trả giá bằng 5 năm lưu vong ở nước ngoài. Và Sông Đông êm đềm, bức tranh bi tráng và hoành tráng nhất cho cả một thời nước Nga cách mạng - và nội chiến, qua số phận một gia đình, một vùng quê Tác ta, một giải đất sông Đông của người Cô dắc.

Những tác phẩm trên đã đem đến cho bạn đọc Việt Nam, cho đời sống tinh thần Việt Nam một khí hậu mới, giúp cho thấy rõ về sự gian khổ của cuộc đấu tranh giữa hai thế giới; và để cho thế giới mới được ra đời nhất thiết phải có sự sinh thành của con người mới - và đó chính là chất men say, sức hấp dẫn đến từ Người mẹThép đã tôi thế đấy. Hai nhân vật có cùng tên Paven gần như đã trở thành biểu tượng, là hiện thân cho một sự sống vượt ra ngoài khuôn khổ của mọi khái quát nghệ thuật. Rất nhiều thế hệ trẻ, trong đó không chỉ là những người say mê đọc văn hoặc có hứng thú viết văn, đã ghi vào sổ tay phương châm sống của Paven Korsaghin: “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Quả là, những ai đã hiểu thế nào là xã hội cũ, đã từng biết hoặc tiếp xúc với những ông chủ thực dân, phong kiến; hoặc đã sống một tuổi trẻ trong chiến tranh, hẳn không ai không thấy trong câu nói của Paven Korsaghin chất muối cần cho cơ thể mình, và thế hệ mình.

*

Sau thế hệ khai sáng nền văn học mới, quan hệ văn học Xôviết và văn học Việt Nam còn được mở rộng và củng cố thêm bởi thế hệ những tác gia viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để giải phóng Liên Xô, giải phóng châu Âu và tạo nên cục diện mới của thế giới sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong số các tác giả sớm đến và chiếm vị trí cao trong sự đọc của người Việt Nam, và trở thành kiểu mẫu cho người viết Việt Nam trong chiến tranh, trước hết phải nói đến Solokhov, Ximônốp, Fadeev, Erenbua, Polêvôi...

M. Solokhov viết Họ chiến đấu vì Tổ quốc, Khoa học căm thù trong chiến tranh, và Số phận một con người sau chiến tranh. Trong khoảng mười năm, Việt Nam vừa kết thúc chống Pháp lại chuẩn bị bước vào chống Mỹ. Do vậy bài học mẫu mực về Số phận một con người ở một người viết bậc thầy là Solokhov, trong một tuyệt tác có số trang cực ngắn mà bao chứa một khái quát rất sâu về số phận của nhân dân, qua “số phận một con người”, với bi kịch được đẩy đến độ tận cùng, chưa thể được tiếp nhận trọn vẹn, khiến cho, nếu bản dịch Số phận một con người lần đầu tiên đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957 được nồng nhiệt đón nhận, thì phim cùng tên, cùng với các phim khác như Người thứ 41, Bài ca người lính, Đàn sếu bay qua vào đầu những năm 60, lại gây lo lắng cho giới lãnh đạo; và ít lâu sau chúng bị gom vào cùng một bị với các tác phẩm chịu ảnh hưởng chủ nghĩa xét lại. Thế nhưng tác giả Sông Đông êm đềmĐất vỡ hoang là một tên tuổi quá lớn, không chỉ “thuộc về nền nghệ thuật Xôviết mà còn là thuộc toàn bộ nền văn hóa nhân loại” (Bôndarep); là người đã nói một câu nổi tiếng làm vinh quang cho Đảng và tính Đảng: “Tôi viết theo chỉ thị của trái tim, mà trái tim tôi thì thuộc về Đảng” cho nên Số phận một con người vẫn giữ nguyên giá trị của nó, như một bi kịch lạc quan sâu sắc nhất; có ý nghĩa soi sáng cho các thế hệ viết về chiến tranh sau chiến tranh ở Việt Nam. Tôi nghĩ: có lẽ không có tác giả nào viết về chiến tranh, từ sau thập niên 80 ở Việt Nam mà không ao ước viết được một tác phẩm ngắn mà có độ nén của cảm xúc và chất liệu tuyệt vời đến thế.

C. Ximônốp là tác giả sớm đến với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch Đợi anh về nổi tiếng của Tố Hữu. Ximônốp từng được biết như là tác gia lớn của văn học Xôviết về chiến tranh, với những tiểu thuyết đặc sắc như Ngày và đêm, Những người sống và những người chết; và thật là gần gũi và chia sẻ: tập thơ Việt Nam, mùa đông năm bảy mươi. Ông còn là người lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô, nhiều lần sang thăm Việt Nam, có tình bạn với nhiều tác giả Việt Nam; nhưng chỉ cần một Đợi anh về đủ để đưa ông vào tên tuổi những người bạn thân thiết nhất với văn học Việt Nam.

A. Phađêep - nổi tiếng với Chiến bại viết thời nội chiến, càng được đón nhận với bạn đọc Việt Nam trong chiến tranh qua bộ ba Đội cận vệ thanh niên, bởi sự khai thác chất liệu anh hùng trong đời thực - người thực - việc thực. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh ở Liên Xô, cũng như ở Việt Nam, là hiện thực một trăm phần trăm, bởi đó là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ phẩm giá làm người. ở tư cách tác giả, Phađêep là thuộc số người được biết sớm và được yêu mến trong bạn đọc Việt Nam, kể từ Chiến bại; nhưng còn trong tư cách người lãnh đạo cao nhất của Hội nhà văn Liên Xô, với bi kịch dẫn tới cái chết - tự sát, năm 1956, thì phải đến thời Cải tổ  mới được hiểu - để thấy số phận thật nghiệt ngã đối với những nhà văn có phẩm cách và lương tâm trung thực.

Nói đến Đội cận vệ thanh niên của Phađêep lại không thể không nói đến Người chân chính của B. Pôlêvôi, cùng khai thác chất liệu là cuộc đời và chiến công của những người anh hùng. Với Pôlêvôi, đó là anh hùng phi công Maretxép; và qua Maretxép là chiến công chung của tất cả những anh hùng có tên hoặc không tên, trong tên gọi chung là Người Xôviết, như tên một tập truyện khác: Người Xôviết chúng tôi, được dịch từ rất sớm ở Việt Nam, và được in lại nhiều lần, khiến cho Pôlêvôi luôn luôn là cái tên quen thuộc đối với bạn đọc Việt Nam. Phải nói là bạn đọc và người viết Việt Nam trong chiến tranh đã rất hào hứng với việc đón nhận nội dung và cách viết của Pôlêvôi trong tư cách phóng viên chiến tranh.

I. Êrenbua, theo tôi nghĩ, có lẽ là tác giả được đọc nhiều trong giới trí thức Việt Nam, bởi tư chất một nhà văn hóa, nhà chính luận, nhà báo, nhà tiểu thuyết... Là tác giả những bài báo mà Hồng quân Liên Xô được lệnh phải giữ gìn và chuyền tay, chứ không được xé ra để hút thuốc, tùy bút của Êrenbua, như trong Thời gian ủng hộ chúng ta không chỉ quen thuộc, mà còn được “thuộc” trong giới bạn đọc trẻ tuổi Việt Nam một thời. Chạm vào cõi thiêng là lòng yêu nước, tôi nghĩ không ít người đọc thuộc thế hệ tôi thuộc đoạn văn định nghĩa về lòng yêu nước - đó là “lòng yêu những gì bình thường nhất. Yêu cái cây trồng ở trước nhà. Yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông. Yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu, hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...”. Êrenbua trong Con người - năm tháng - cuộc đời - một tùy bút thật khoáng đạt mà sâu sắc trong ý tưởng, ai tiếp xúc mà không thấy mình “vỡ ra” hoặc “khôn” hơn lên một chút. Rồi Cơn bão táp - cũng với tầm vóc hoành tráng như Mùa xuân trên sông Ôđe của Kazakiêvit, viết về cuộc chiến chống phát xít trên một không gian rộng gồm gần khắp địa bàn châu Âu, với số phận chìm nổi hoặc bi kịch của nhiều lớp người... Tôi nghĩ, mùa gặt đầu tiên trong văn xuôi mở đầu những năm 60 với những tiểu thuyết nhiều tập như của Nguyễn Huy Tưởng (mới có Tập I), Nguyễn Đình Thi (2 Tập), Nguyên Hồng (4 Tập), Chu Văn (2 Tập)... dường như có dấu ấn ảnh hưởng bởi những bộ ba như Cơn bão táp...

Thuộc số các nhà văn Xôviết đến với văn học Việt Nam trong chiến tranh, và để lại dư âm khá sâu nơi ký ức người đọc, đó còn là Pautopxky trong Bông hồng vàng, Bình minh mưa, và những truyện ngắn gợi rất nhiều bâng khuâng về những gặp gỡ thật ngẫu nhiên trong đời, về những gì có thể xẩy ra không ngờ mà như đã được chuẩn bị. Những truyện ngắn mở rộng không gian cho biết bao ước mơ, suy tưởng khiến cuộc đời trở nên rất đáng sống. Có thể nói nếu có một chất thơ đích thực nhưng khó nắm ở đời thì Pautovski chính là bậc thầy cao nhất để nhận ra và lưu giữ được nó, khiến cho mỗi chuyện đời bình dị qua ông bỗng trở nên lung linh một áng cổ tích, như trong Tuyết, Cô gái làm ren, Lẵng quả thông... Một âm hưởng hoặc dư vị Pautovski - dường như là có nguồn mạch trong văn học hiện đại Việt Nam, kể từ Thạch Lam, Hồ Dzếnh... đến Đỗ Chu, Nguyễn Ngọc Tấn, Lưu Quang Vũ...

Đón nhận những tác phẩm viết về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh Vệ quốc, văn học Việt Nam 1945-1975 đã tìm được một của kho dồi dào và một kiểu mẫu quý giá để xây dựng những tác phẩm mang âm hưởng anh hùng, xứng đáng với một thời vẻ vang và khốc liệt bậc nhất của dân tộc. Chúng ta đã hướng về văn học Xôviết để tìm bạn, tìm đồng chí, và cả những bậc thầy cho mình. Nhưng khi cuộc chiến đấu ở Việt Nam diễn ra khốc liệt nhất thì Liên Xô đã có hoà bình sau mười năm, rồi hai mươi năm, và ba mươi năm. Liên Xô đã bước vào nhiều kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong số những tác phẩm viết về cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội được dịch, qua chọn lọc, cho hợp với yêu cầu của ta, có thể kể ở hàng đầu, đó là Đất vỡ hoang của Solokhov, Mùa gặt của Nicôlaiêva, Kỹ sư Lôbanốp của Granin, Rừng Nga của Lêônốp, Xa Mạc Tư Khoa của Ajaép, Chuyện thường ngày ở huyện của Ôvetxkin...

Thế nhưng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam 1945-1975, hoặc nói đúng hơn từ 1960-1975, là chủ nghĩa xã hội chỉ diễn ra trên một nửa đất nước, và trong hoàn cảnh chiến tranh, cho nên bức tranh về nó, trong tất cả các góc khuất, không dễ được phát hiện, do thế chưa thể là một diện mạo trọn vẹn; càng không có độ sâu. Nếu có manh nha một ít tìm kiếm ở các góc khuất này thì rồi dễ rơi vào “tai nạn”. Không kể những “vụ” lớn như Nhân văn- Giai phẩm, hoặc “xét lại”... Cái chủ nghĩa xã hội đậm đặc ý chí luận được áp dụng từ mô hình Liên Xô và toàn phe này rồi sẽ được nhận diện và sửa sai sau khi chiến tranh kết thúc ngót mười năm; cùng lúc với sự nghiệp Cải tổ ở Liên Xô, khiến cho không ít kiểu mẫu trong khu vực chính thống, các Giải thưởng lớn nhỏ từng được giới thiệu rất sớm và đề cao ở Việt Nam hầu như đều bị giảm nhẹ giá trị; và công phát hiện gắn với những tiên tri về con đường đi của lịch sử đã phải trả lại cho những tên tuổi bị quên lãng hoặc vùi dập trong nhiều chục năm như Bungacôp, Platônôp, Grôtxman, Patxternac, Xôngiênhitxưn... những tên tuổi chưa một lần cho bạn đọc được làm quen, thậm chí có người còn bị “đánh hôi” trong văn học miền Bắc trước 1975.

Đã và vẫn cần tiếp tục ghi nhận một danh sách dài những tác gia Xôviết đến với văn học Việt Nam sau 1975, rồi những năm 80. Những tác gia lớn của văn học Nga, như Bêlov, Bưcốp, Abramov, Vassiliev, Astaphiev, Bondarep, Baklanov, Ratxputin, Zalưghin, Sucxsin... bên cạnh những tác gia đặc sắc của các dân tộc nhỏ khác trong Liên bang Xôviết như Aimatov, Gamdatov, Đumbatzê,... Bạn đọc và văn học Việt Nam trong những năm Đổi mới đã có dịp đón làn gió mới của sự nghiệp Cải tổ với biết bao sự thật được phát hiện mới, hoặc được nhìn nhận lại, để cho sự vật được trở về với gương mặt đích thực của nó. Nhưng đó là chuyện của một giai đoạn mới; và với giai đoạn này, văn học Việt Nam cũng tiếp tục nhận được những chỉ dẫn và kinh nghiệm từ văn học Nga để giúp cho sự nhìn nhận lại chính bản thân mình.

 

                                                                   Tháng 7 - 2008

                                                                             P.L

 

(1) Văn học Xôviết; Nxb. Văn học; 1960; tr.5.

(2) Tên cuốn sách tập hợp những bài Gocki viết, đăng trên báo Đời sống mới trong các năm 1917-1918; mới được in lần đầu năm 1990

Nguồn:http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8192

Thông tin truy cập

63694546
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14838
23426
63694546

Thành viên trực tuyến

Đang có 617 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website