Nhân 70 năm ngày mất nhà văn Vũ Trọng Phụng (1939 - 2009): Dấu ấn Vũ Trọng Phụng

Ngày 6 tháng 10, tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Vũ Trọng Phụng trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại” do Hội Nhà văn Việt Nam, phối hợp với Viện Văn học tổ chức.

Đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng, cuộc đời và văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng được nhìn nhận và định vị như một giá trị lớn trong lĩnh vực nhận diện, khám phá và phản ánh hiện thực.

Văn nghệ xin giới thiệu bản tham luận của Giáo sư Phong Lê - trình bày tại Hội thảo.

…Cuộc hội thảo đầu tiên để nhận lại giá trị của Vũ Trọng Phụng được tổ chức vào ngày 12 tháng 10 năm 1989, nhân chẵn 50 năm ngày mất của ông. Vậy là sau 50 năm Vũ mới gỡ được một cái án oan. Nói đúng hơn là 40 năm, nếu tính từ Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc năm 1949, hoặc 30 năm khi cái gọi là Vấn đề Vũ Trọng Phụng chính thức được đặt ra. Cuộc hội thảo do Viện Văn học chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Sở Văn hóa Hà Nội, được tổ chức ở Văn Miếu, trong bầu không khí đổi mới đang đi những bước không còn rụt rè sau khởi động là Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm định lại giá trị của Vũ Trọng Phụng, như một sự xác nhận những gì của César phải trả lại cho César; và nhằm giải thích vì sao rơi vào giòng xoáy những tranh luận và quy kết không chỉ về nghệ thuật mà còn là về chính trị và đạo đức, về thế giới quan và nhân sinh quan, trong cả một thời dài, lại rơi vào Vũ Trọng Phụng, chứ không phải là một tên tuổi nào khác trong giòng văn học hiện thực trước 1945. Còn trào lưu lãng mạn thì đã bị chính những đại diện sáng giá của họ như Hoài Thanh, Xuân Diệu từ bỏ ngay từ sau 1945. Có nghĩa là một số phận không suôn sẻ, không may mắn đã rơi vào Vũ Trọng Phụng, người thuộc giòng hiện thực (tức tả chân, tả thực theo cách nói trước 1945), trong khi số lớn những tên tuổi thuộc giòng này đều được xem là bạn đồng minh của văn học cách mạng. Bởi, người ta đã không khó tìm trong tác phẩm của Vũ những nhân tố của chủ nghĩa tự nhiên - được xem như là một bước đi lạc, hoặc làm hỏng, chứ không phải là sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực (như trong văn học phương Tây); và tìm thấy trong một, hai bài báo viết trước 1945, những quan niệm mơ hồ hoặc sai lạc về chính trị. Và thế là Vũ Trọng Phụng bỗng trở thành vừa là tội nhân vừa là nạn nhân trong một cuộc giao tranh về ý thức hệ, về quan niệm nhân sinh và nghệ thuật trong cả một thời dài. Phải chờ đến Đổi mới, thì vị trí của Vũ Trọng Phụng mới được khẳng định như là người “thuộc vào con số ít người có công đầu trong việc làm giàu cho gia tài văn chương Việt Nam hiện đại” như trong Báo cáo khai mạc Hội thảo. Và mục tiêu của Hội thảo là để cho “giới nghiên cứu, sáng tác và bạn đọc tìm về chính Vũ Trọng Phụng - nhà văn, Vũ Trọng Phụng - nhà nghệ sĩ, Vũ Trọng Phụng với thế giới nhân vật cực kỳ sống động, và sự huyền diệu, sắc nhọn của ngôn ngữ tiếng Việt trong văn ông. Để tìm về và đón nhận những gì ông đã đem lại cho văn xuôi hiện đại nói riêng và văn học dân tộc Việt Nam nói chung như một văn mạch xuyên suốt”, chứ không hề có sự đứt đoạn...

*

Ở trên tôi có nói một lịch sử chìm nổi của Vũ Trọng Phụng không phải 50 năm mà là 40 năm. Tức là không phải ngay sau khi ông mất, hoặc ngay sau 1945. Mà là từ sau cuộc Hội nghị tranh luận văn nghệ năm 1949 ở Việt Bắc. Qua những thảo luận khá sôi nổi, cởi mở và tự do lúc này, chúng ta thấy các giá trị văn chương trước 1945 vẫn còn được tiếp nhận, trong đó Vũ Trọng Phụng là tên tuổi được nhắc đến qua ý kiến của Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu.

Xin được lược trích như sau:

Nguyên Hồng: “... tôi không đồng ý là nghệ thuật chép lại thực tại. Không, nghệ thuật phải là sáng tạo. Trong giai đoạn đả phá, tạo đúng cũng chưa toát lên được cái hiện thực. Cái xã hội của Xuân tóc đỏ, của bà Phó Đoan là cái xã hội thối nát, nhầy nhụa làm cho người ta ngấy lên. Tạo Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã có một thái độ không công nhận cái xã hội ấy. Nếu không, Vũ Trọng Phụng dù có tả nguyên xi cái xã hội ấy, chúng ta cũng không lợm. Tả đúng không đủ. Phải có thái độ cách mạng”.

Nguyễn Đình Thi: “Khi nền nghệ thuật tiến bộ cần đánh đổ một trật tự xã hội, một cách sống, công việc chính của nó là vạch rõ bộ mặt thực của cách sống ấy, của xã hội ấy. Một tác giả chép đúng thực tại cũng đã có giá trị cách mạng rồi (ví dụ Balzac, Vũ Trọng Phụng). Nhưng hình thức hiện thực ấy vẫn còn thấp”.

Tố Hữu: “Ta phải phân biệt một hiện thực không dẫn dắt đến đâu cả, chỉ đả phá mà thôi. Tạm đặt cho nó cái tên là hiện thực Vũ Trọng Phụng (...). Lối hiện thực Vũ Trọng Phụng chưa phải là hiện thực xã hội. Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng đã vạch rõ cái thực xấu xa thối nát của xã hội lúc ấy. Nếu Vũ Trọng Phụng đi vào cuộc đời cách mạng thì anh ta đã thành công”(1).

Như vậy là giá trị hiện thực ở Vũ Trọng Phụng vẫn được khẳng định; và sự hạn chế của Vũ chỉ là ở chỗ chưa vươn đến tả thực mới (tức hiện thực xã hội chủ nghĩa); dẫu theo đánh giá của cả ba, Vũ Trọng Phụng là cây bút hiện thực “có thái độ cách mạng”, hoặc “có giá trị cách mạng” và xứng đáng được “cách mạng cảm ơn”.

Trước đó, trong tạp chí Văn nghệ số 13 (6-1949), Nguyễn Đình Thi cũng đã viết: “Cuộc kháng chiến của ta hiện thời kỳ thực nguồn gốc đã ở bao nhiêu đấu tranh ngày trước. Những đấu tranh ấy trước ngày khởi nghĩa thể hiện trong văn chương thời đó gọi là “tả chân”, sau khởi nghĩa thì tiến lên như sóng. Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển, nhất là Vũ Trọng Phụng và các nhà văn nhóm Tự lực: Nhất Linh, Thạch Lam v.v... khi công kích xã hội cũ đều ở chính giữa hoặc bên cạnh cái dòng đi lên của văn chương”.

Thế nhưng chỉ dăm năm sau, trong các cuộc chỉnh huấn tư tưởng cho công chức- cán bộ, thì sự phê phán các độc tố của văn học trước 1945 (tức là những gì liên quan đến chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên và các biểu hiện của chủ nghĩa “suy đồi”), mới diễn ra, cùng với những quy kết gắt gao, những sám hối quá mức chân thành...

*

Nhìn lại lịch sử đánh giá Vũ Trọng Phụng diễn ra sau 1954, có một thời Vũ Trọng Phụng được bàn luận sôi nổi. Thời có những cuốn sách, những bài giảng, những hội thảo, những tranh luận, những khẳng định Vũ Trọng Phụng ở vị trí cao nhất trong giòng hiện thực. Và trong chiều hướng ngược lại, thì sự phê phán cũng khá nặng nề, trên hai phương diện: sự gợi dâm - để tiếp tục câu chuyện “văn chương dâm uế” trước 1945; và sự mơ hồ về chính trị, trong cách hiểu, cách miêu tả người cách mạng, qua nhân vật Hải Vân trong Giông tố mà tác giả hoặc ai đó muốn vận vào người cộng sản. Việc đẩy tới hai cực trong đánh giá Vũ Trọng Phụng, với những khen- chê trái ngược nhau, là có nguyên cớ trong bối cảnh phức tạp của cuộc đấu tranh chống Nhân văn- Giai phẩm, có thể xem là màn dạo đầu cho việc trở lại đánh giá Vũ Trọng Phụng. Phải từ sau 1960 thì “Vấn đề Vũ Trọng Phụng” mới chính thức được đặt ra sau một hội thảo của Viện Văn học, trong tình hình một cuộc đấu tranh ý thức hệ bỗng trở nên gay gắt khi cuộc chiến chống Mỹ là gắn với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong một thế giới chia làm hai phe. Nếu trong chính trị người ta cương quyết “đập cho nát chủ nghĩa xét lại” - như tên một bài báo lúc này, thì trong hoạt động văn chương- nghệ thuật người ta phải hết sức cảnh giác với mọi biểu hiện vi phạm tính Đảng và đi chệch khỏi con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa. Do vậy mà từ đây, với Vũ Trọng Phụng không còn là câu chuyện tả thực hoặc tả thực xã hội mà là câu chuyện chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa tự nhiên. Và vượt ra ngoài các khuynh hướng nghệ thuật còn là câu chuyện chính trị, qua hai bài báo Vũ Trọng Phụng viết vào năm 1937, được phát hiện khá muộn vào đầu 60 mà trở nên thích hợp và thuận lợi cho việc nhận xét thế giới quan và lập trường chính trị ở Vũ. Đó là bài Những việc đáng ghi chép của năm Bính Tý (Tương lai: số 18-2-1937) và Nhân sự chia rẽ giữa Đệ tam và Đệ tứ ta thử ngó lại cuộc cách mạng cộng sản ở Nga từ lúc khởi thủy cho đến nay (Đông Dương tạp chí, in 3 kỳ, tháng 9 và 10-1937). Một bài báo tỏ ra người viết muốn theo sát đời sống chính trị nhưng lại không phân biệt được Đệ tam và Đệ tứ; lại còn nói xấu cả Đệ tam và xúc phạm đến cả Lênin và Staline; trong khi thế giới mới sau Cách mạng tháng Mười ở Nga đang được kiến tạo theo tinh thần của Đệ tam quốc tế dưới ngọn cờ của Lênin. ấy là một cái lỗi nặng về tư tưởng, về chính trị. Dẫu có là vô tình, hoặc ngây thơ về chính trị thì cũng không thể tha thứ... Còn nhớ, vào năm 1937, thời Mặt trận Dân chủ ở Đông Dương, khi Vũ viết bài này thì không xẩy ra chuyện gì gây tranh cãi. Chỉ có chuyện nhóm tơrốtxkit Huỳnh Văn Tài in lại bài Nhân sự chia rẽ... của Vũ vào năm 1939 là năm Vũ chuyển bệnh rất nặng, rồi qua đời.

Tôi sẽ không đi sâu vào hai phương diện này để giải thích và biện minh vì sao Vũ Trọng Phụng bỗng bị lâm vào một tình thế khó khăn, rồi bị quy thành tội trọng trong một thời dài, kể từ sau 1960. Chỉ muốn nói thế kỷ XX trong lịch sử dân tộc đã trải nhiều giai đoạn, với những chuyện, những vấn đề, những yêu cầu đặt ra mà không một bậc tiên tri nào, một đầu óc thông tuệ nào trên các lĩnh vực hoạt động tinh thần mà lường hết được, để mà không mắc... sai lầm. Sa vào những Đệ tứ và Đệ tam, trong phân biệt, hoặc phân hóa của phong trào cộng sản quốc tế hồi 1936-1939, đó là câu chuyện lớn của các sử gia, chính trị gia, chứ đâu phải là chuyện của một người viết văn, nhất là người viết văn như Vũ Trọng Phụng. Sau Đệ tam và Đệ tứ, rồi còn là Đệ tam và Đệ nhị... đó là cả một chuyện dài mà sau các thể nghiệm của nhân loại suốt thế kỷ XX vẫn còn chưa có hồi kết trong toan tính và suy ngẫm của các chiến lược gia thời đại. Đem những vấn đề có tầm vĩ mô như thế mà so với một ít nhận thức mỏng manh, bất chợt, tùy hứng của một người viết văn trong xã hội cũ; một người chọn nghề viết văn để tồn tại, chứ không hề có ý nguyện gì khác; một nhà văn chuyên nghiệp; một người chưa từng được nhận “sự giáo dục của Đảng” như cách ta quen nói trước đây, thì quả là việc dùng dao giết trâu để mổ chim sẻ. Còn vấn đề “dâm hay không dâm” thì trong tranh luận trước 1945 đã là bất phân thắng phụ, bởi số người bênh vực Vũ cũng không ít, và những biện luận của Vũ là khá sắc sảo; còn sau 1945, dẫu nhu cầu giáo dục đạo đức phải đưa lên hàng đầu thì thực tiễn vẫn cứ đi theo con đường của nó, khiến cho người bị dồn vào phía “văn chương dâm uế” là Vũ Trọng Phụng vẫn chẳng là cái đinh gì so với khắp mặt văn chương của các bậc hậu sinh - hậu hiện đại trong nước và thế giới sau này. Hóa ra chặng đường 50 năm, rồi 70 năm của dân tộc và văn chương dân tộc đã trải một hành trình đáng kể trên tất cả các phương diện của sáng tác và tiếp nhận, để đến được với quỹ đạo đích thực của nó. Trên hành trình đó, lịch sử đã có biết bao lầm lẫn, ngộ nhận, khiến cho không ít người viết phải chịu những thất thiệt, hoặc những cái án oan mà Vũ Trọng Phụng lại là một cas tiêu biểu. Điều được an ủi là lúc sinh thời Vũ đã quyết liệt bảo vệ được mình trong sự đồng tình của không ít các đồng nghiệp, chiến hữu - những người rồi sẽ cùng nhau làm một cuộc tiễn đưa Vũ rất mực cảm động vào ngày 13-10-1939, ở Cầu Mới Ngã Tư Sở, không kém cuộc đưa thi sĩ Tản Đà trước đó bốn tháng. Một lễ tang lớn và một số Tao đàn - đặc biệt về Vũ Trọng Phụng vào tháng 12-1939, đủ xác định giá trị và vị thế của Vũ lúc đương thời. Chỉ có điều từ bấy giờ, ở thế giới bên kia, hẳn chắc Vũ sẽ không ngờ suốt nửa thế kỷ sau khi qua đời những gì mình viết ra sẽ phải chịu nhiều phán xét như thế, do từ trường chính trị và yêu cầu của đấu tranh tư tưởng nhằm giải quyết triệt để vấn đề Ai thắng ai, khiến cho một bài báo bâng quơ về thời sự bỗng trở thành nguyên cớ chính gây nên tai nạn, và một ít đặc tả hoặc lý thuyết về quan hệ nam nữ và tính dục, do chịu ảnh hưởng ít nhiều học thuyết Freud bỗng trở thành nguy hại cho việc giáo dục con người mới, theo yêu cầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Còn bây giờ, kể từ thập niên cuối thế kỷ XX, khi quan niệm nghệ thuật đã được trả về cho chính nó, mà bớt đi sự ràng buộc với quan niệm chính trị và đạo đức vốn có truyền thống rất dài và rất đậm ở phương Đông; và khi chính bản thân quan niệm chính trị và đạo đức cũng thay đổi một cách nhanh gấp theo thời cuộc thì vấn đề Vũ Trọng Phụng sẽ chẳng còn gì là căng thẳng, là gay cấn trong các mối quan tâm của người đọc.

*

Kể từ 1989 trở đi Vũ Trọng Phụng đã trở lại vị trí một gương mặt tiêu biểu và xuất sắc trong trào lưu văn học hiện thực nói riêng và văn học hiện đại nói chung. Từ đây là việc tái bản đầy đủ các tác phẩm, và sự xuất hiện lần lượt các Tuyển tập và Toàn tập; là các hội thảo và kỷ yếu; là chuyên khảo và luận án, luận văn về Vũ Trọng Phụng; là việc đặt tên đường, và xây nhà tưởng niệm... Nếu được chọn dăm sáu người, hoặc vài ba người tiêu biểu nhất cho giòng hiện thực trước 1945 thì phần tôi, không thể thiếu Vũ Trọng Phụng. Bởi giá trị nhận thức mà ông đem đến qua tác phẩm là những gam màu chói gắt, những đường nét sắc nhọn nhất trên bức tranh với nhiều góc khuất của hiện thực xã hội cũ. Những góc khuất được Vũ soi tìm qua rất nhiều phóng sự, khiến cho ông từng được vinh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc”. Tất cả những gì được gọi là tệ nạn, hoặc ung nhọt xã hội qua khảo sát và nhận diện của Vũ như cờ bạc, hút xách, tiêm chích, mãi dâm, buôn người... đã lùi sâu vào lịch sử ngót một thế kỷ, thế mà không hiểu trời xui đất khiến như thế nào bỗng trở lại gần như nguyên vẹn trong hiện thực hôm nay với quy mô và hiểm họa còn lớn gấp nhiều lần... Nhìn đời với cảm quan chua chát, thất vọng, hoài nghi, nói Vũ Trọng Phụng trước hết là nói đến một tiếng chửi vỗ mặt vào những gương mặt đại diện của xã hội cũ với bao khinh ghét và căm phẫn, khiến cho mỗi cảnh đời, hoặc mỗi hình tượng, mỗi biểu tượng nhà văn đưa ra đều gây nên rất nhiều ám ảnh cho người đọc. Cùng với tiếng chửi trong đối mặt với một xã hội “chó đểu”, như trong Giông tố, còn là một chuỗi cười dài, rất dài, với rất nhiều âm vực và giọng điệu nơi Số đỏ, về cảnh và người một thời nhố nhăng, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông của Hà Nội cũ. Thiên kiệt tác về một gã ưa may chó ngáp phải ruồi này quả là có sức sống thế kỷ; nếu thiếu nó thì làm sao mà hình dung được một khái quát nghệ thuật tuyệt vời đến thế về trò đời và nhân thế, ở bất cứ đâu, và vào bất cứ thời nào. Cái sức khái quát luôn luôn sống động, đến như sờ mó được trong những chân dung thực của một thời - Hà Nội, và cũng không riêng Hà Nội: những cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, cậu Phước - Em chã, ông Tipphờnờ... nơi Hàng Ngang, Hàng Đào, hoặc Tràng Tiền, Tràng Thi...; những lang Tỳ, lang Phế ở Thuốc Bắc, Lãn Ông; những thầy Minđơ, Mintoa trên những lộ trình dọc dài các đại lộ nội thành; những sân quần xem ra còn phảng phất hình tích biết bao Xuân tóc đỏ.

Chỉ với 27 năm tuổi đời và trên dưới 10 năm tuổi nghề thế mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng có thể nói là đồ sộ các tác phẩm trên nhiều thể loại, gồm 11 tiểu thuyết, 4 phóng sự dài, 2 vở kịch dài cùng nhiều chục truyện ngắn, vở kịch, bút ký, tiểu luận, bản dịch... Có năm như năm 1936, ở tuổi 24, Vũ đồng thời cho in trên báo bốn tiểu thuyết lớn và một phóng sự dài, trong đó có những tác phẩm xứng đáng vào hàng kiệt tác trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đó là một kỷ lục viết không chỉ người đương thời mà cho đến nay chắc chắn chưa có ai sánh bằng. Từ đó mà suy, giá trời cho Vũ một cơ thể khỏe mạnh và một tuổi thọ dài, ít ra cho đến ngoài 50, thì có lẽ số trang, số quyển của Vũ cũng chẳng kém gì Balzac - người thường được dẫn ra khi nói đến Vũ. Tất nhiên đây chỉ là một giả định cho vui, vì còn phải xét đến sự chi phối, thậm chí là quyết định, của hoàn cảnh... Cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là người khai mở và giành ưu thế tuyệt đối cho trào lưu hiện thực vào nửa sau những năm 30, với những gương mặt rất khác nhau, trong sự kế tục nhau, để có Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, rồi Tô Hoài, Nam Cao... mà làm nên những mùa màng thật ngoạn mục cho văn học 1930-1945. Với Vũ Trọng Phụng, những dấu ấn mà ông để lại cho văn học Việt Nam là cực kỳ đặc sắc. Cho đến hôm nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, và chìm nổi của bản thân, Vũ Trọng Phụng vẫn còn đấy, tác giả của Giông tố, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô...; người khai sinh và đem lại sự bất tử cho những Nghị Hách, Xuân tóc đỏ, Thị Mịch, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, “Em chã”...

Bất chấp một tuổi đời quá ngắn ngủi trong nghèo túng, bệnh tật; vượt thoát ra khỏi giới hạn lịch sử 1945, văn phẩm Vũ Trọng Phụng mang trong nó giá trị thế kỷ, bởi sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội, qua biết bao là chân dung con người - gồm cả phần con và phần người; bởi sự soi sáng những vấn đề lớn của dân tộc và số phận của nhân dân, trên một hành trình dài hướng tới sự thật, gắn bó với sự thật, không có gì khác ngoài sự thật, tìm chân lý trong sự thật, nhằm vào mục tiêu nhân đạo hóa hoàn cảnh và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Thái Hà 17 - 20/10/2009

Tạp chí Văn nghệ, số 17-18; tháng 11 và 12-1949. Biên bản Nguyễn Huy Tưởng ghi.

Nguồn: http://hnv.vn/News.Asp?Cat=28&SCat=&Id=2015

Thông tin truy cập

63695318
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15610
23426
63695318

Thành viên trực tuyến

Đang có 860 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website