Năm Ngọ tản mạn về ngựa trong văn hóa nghệ thuật

TÓM TẮT

Ngựa là loại vật được thuần dưỡng từ khá sớm, là loài gia súc đa dụng, thân thiết trong sinh hoạt hằng ngày của con người. Ở các nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam,…ngựa vinh dự được chọn vào 12 địa chi. Nhân năm Giáp Ngọ 2014, chúng tôi tản mạn đôi dòng về hình ảnh con ngựa trong văn hóa nghệ thuật Trung Quốc và Việt Nam, tập trung vào mấy chủ điểm là ngôn ngữ, thơ ca và hội họa.

Trong những gia súc được con người nuôi nấng, thì ngựa và chó là hai con vật gần gũi, trung thành nhất với người chủ, nên từ xưa người ta có câu “khuyển mã chi tình”. Người Trung Quốc đã lấy tính trung thành, tận tâm của chúng để ví với sự tận tụy, trung thành của nô bộc với chủ, của tôi thần với vua chúa như: “khuyển mã chi tâm”; “khuyển mã chi thành”; “khuyển mã chi báo”; “khuyển mã chi lao”; “khuyển mã luyến chủ” v.v… Đặc biệt, ngựa được xem là loài vật tinh khôn, biết phân biệt được dòng tộc của chúng. Người ta nói rằng, những con ngựa cùng huyết thống, mặc dù lưu lạc, xa cách nhau nhiều năm, nhưng khi gặp lại nhau, chúng chỉ ngửi mồ hôi là nhận ra họ hàng thân tộc. Cho nên với loài ngựa thì không có chuyện loạn luân như các giống vật khác.

Ngựa là loài vật được con người thuần dưỡng từ khá sớm, trở thành loài gia súc đa dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Ngựa được con người dùng làm phương tiện đi lại, chuyên chở, sản xuất, nó còn kề vai sát cánh cùng chiến binh xông pha trận mạc, cùng các bậc văn nhân đủng đỉnh thơ túi rượu bầu ngao du đây đó, cùng chú rể rộn ràng hân hoan đón rước cô dâu,... Vì nó hữu ích và gần gũi với con người như thế nên hình tượng con ngựa đã hiện diện từ sớm trong cả hai nền văn hóa Đông và Tây, nó xuất hiện không ít trong tín ngưỡng, thần thoại, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày (tục ngữ, thành ngữ,…) và các bộ môn nghệ thuật như văn học, điêu khắc, hội họa, âm nhạc,… Ngựa không những là biểu tượng cho sự trung thành, tận tụy mà còn là biểu tượng cho tài lộc, thành công, cho sức mạnh, kiêu hãnh và tự do.

Trung Quốc tuy không phải là nguyên quán của ngựa, nhưng ngựa đã đi vào văn hóa Trung Hoa từ rất sớm. Trong Thuyết văn giải tự, quyển tự điển thuộc hàng cổ xưa nhất trên thế giới, Hứa Thận (khoảng 58 – 147) đã kê ra đến 116 chữ thuộc bộ Mã . Đến thời Thanh, trong Khang Hi tự điển, những chữ thuộc bộ Mã đã lên đến 475 chữ (bao gồm những dị tự). Một số lượng chữ khiến người ta dễ “choáng” khi muốn chiếm lĩnh nó. Điều đó cho thấy ngựa đã đi vào văn hóa Trung Hoa hết sức sâu đậm. Xin kê ra một số chữ thuộc bộ Mã để độc giả hình dung sự phong phú về mặt từ ngữ có liên quan đến ngựa trong tiếng Hán:

+ Về loại ngựa: câu (ngựa 2 tuổi, ngựa non khỏe); nô (ngựa xấu, ngựa hèn); phò (ngựa đóng kèm bên xe); nhân (ngựa trắng hơi đen); lạc (ngựa trắng lông gáy đen); 駿tuấn (ngựa tốt); hãn (ngựa chứng, ngựa hung hãn); chuy (ngựa sắc trắng đen lẫn lộn); kì (ngựa hay); lưu (ngựa xích thố bờm và lông đuôi đen); duật (ngựa đen giữa háng trắng); dịch (ngựa trạm); kí (ngựa giỏi, ngựa thiên lí);…

+ Về hoạt động của ngựa: bằng (ngựa đi nước kiệu); trì (chạy nhanh, dong ruổi); sử (phi nhanh); sính (phi, phóng); vụ (chạy lồng); đằng (nhảy chồm lên, vọt lên cao); phiêu/phiếu (ngựa phi, dũng mãnh); kiêu (ngựa lồng, không phục tùng, kiêu căng); kinh (giật mình, sợ hãi);…

+ Về những hoạt động, vật dụng liên quan đến ngựa: ngự (người đánh xe ngựa, kiểm soát, điều khiển); đà (thồ hàng); tuần (thuần hóa, dễ bảo); bác (chuyên chở, dỡ hàng); trú (lưu lại, trú đóng); giá (đóng ngựa vào xe, đánh xe, xe ngựa, điều khiển); tứ (xe tứ mã); kị (cưỡi ngựa); biển (nhảy lên lưng ngựa, nhảy lên); phiến (thiến súc vật); sô (người cưỡi ngựa dẹp đường, quan coi việc ngựa xe);…

Ở Việt Nam ngựa tuy không nhiều, nhưng những từ ngữ có liên quan đến ngựa cũng khá phong phú và tinh tế (dĩ nhiên là có một số lượng đáng kể người Việt vay mượn từ Trung Quốc). Trong cuộc sống hằng ngày, người Việt thường lấy ngựa ra để ví von đủ kiểu. Chẳng hạn: Chẳng tìm hiểu được cái gì cho kĩ càng, tới nơi tới chốn thì gọi là “cưỡi ngựa xem hoa”; Tính tình thẳng thắn, bộc trực, nói năng không úp mở, quanh co là “thẳng như ruột ngựa”; Người có tài thường có những tật xấu, được xuê xoa “ngựa chứng là ngựa hay” hoặc “ngựa hay lắm tật”; Đua đòi bắt chước người ta một cách lố bịch, không nhìn lại mình thì gọi là “ngựa lồng cóc cũng lồng”; Một thân một mình chống lại khó khăn, không có sự trợ giúp của ai thì gọi là “đơn thương độc mã”; Đơn độc lẻ loi trong cảnh tình nào đó là “một mình một ngựa”; Đàn bà con gái lăng loàn, hư thân mất nết thì bị chửi là “đồ đĩ ngựa”; Dân làng chơi trở về làm ăn lương thiện thì gọi là “ngựa hoàn lương”; Người hư hỏng không sửa đổi, chứng nào tật ấy, giở lại thói tật cũ thì gọi là “ngựa quen đường cũ”; Bồ bịch, yêu đương rồi anh bỏ chị hoặc chị bái bai anh, thất tình đau khổ thì gọi là “bị ngựa đá”; Gây hậu quả nghiêm trọng rồi chuồn lủi mất thì gọi là “quất ngựa truy phong”; Con cái hư hỏng, không giáo dục được gọi là “ngựa đứt dây cương”; Đang chăm chỉ làm ăn bổng dưng phá ngang, bỏ bê công việc gọi là “ngựa chứng”; Làm ăn thất bại, công danh đổ vỡ, thân bại danh liệt thì gọi là “ngã ngựa”; Bất trị, không quản nổi là “ngựa bất kham”; Vô lại, bất lương, lưu manh, ngang ngược ức hiếp người là “đầu trâu mặt ngựa”; Người trẻ tuổi hung hăng, thiếu chín chắn trong lời nói việc làm thì được tiếng là “ngựa non háu đá”; Chơi xấu, phản phé, đâm sau lưng nhau thì được mang danh “ngựa đá giò lái”; Gặp chuyện buồn rầu thì “mặt dài như mặt ngựa”; Cùng cảnh ngộ, cùng tính cách tìm đến nhau là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”; Chỗ nguy hiểm, phải cẩn thận, không nên đụng đến là “mõm chó vó ngựa”; Giỡn mặt với quan quyền, cấp trên là “mó dái ngựa”; Đang giữ quyền cao chức trọng mà bị quan thầy lật đổ đưa kẻ khác lên là “thay ngựa giữa dòng”; Đang sung sướng, mê li mà ngã ngang giữa trận thì gọi là “thượng mã phong” v.v...

Trong thơ ca Trung Quốc chúng ta bắt gặp không ít hình ảnh ngựa trong những vần thơ biên tái, những bài thơ nói về chiến tranh. Đây là cảnh người ngựa nhốn nháo, kẻ đi người tiễn trong chiến tranh:

Xa lân lân/ Mã tiêu tiêu/ Hành nhân cung tiễn các tại yêu.

Xe rầm rập/ Ngựa hí râng/ Người đi cung tên đeo bên lưng.

(Đỗ Phủ - Binh xa hành)

Và đây là một hình ảnh sinh li chẳng biết tử biệt lúc nào trong cảnh trạng vó ngựa Hồ tung bụi che lấp cả bầu trời:

Sinh biệt triển chuyển bất tương kiến/ Hồ trần ám thiên đạo lộ trường.

Cuộc sống chia lìa bấp bênh, chẳng được gặp mặt/ Bụi ngựa Hồ mù trời, đường sá xa xôi.

(Đỗ Phủ - Càn Nguyên trung ngụ cư Đồng Cốc huyện tác ca)

Hình ảnh ngựa Hồ tung hoành ngang dọc chốn biên tái luôn hiện lên như một ám ảnh thường trực trong tâm khảm những người lính thú:

 Sơn xuyên tiêu điều cực biên thổ/ Hồ kị bằng lăng tạp phong vũ.

Non sông xơ xác khắp biên thổ/ Quân Hồ phi ngựa như mưa gió.

(Cao Thích – Yên ca hành)

Người ta ao ước có một vị tướng giỏi để chặn bước chân của những con ngựa kiêu hùng chốn thảo nguyên hoang dã ấy:

Đãn sử Long Thành Phi tướng tại/ Bất giao Hồ mã độ Âm San.

Phi tướng Long Thành nếu còn đây/ Thì đâu để ngựa Hồ vượt qua Âm San.

(Vương Xương Linh – Xuất tái)

Hình ảnh người lính gian khổ chốn biên cương đồng hiện với hình ảnh của những chiến mã gian lao:

Mã mao đái tuyết hãn khí chưng/ Ngũ hoa liên tiền tuyền tác băng.

Lông ngựa đọng tuyết mồ hôi bốc hơi/ Ngựa ngũ hoa băng đóng cứng yên cương.

(Sầm Tham – Tẩu mã xuyên hành…)

Cuộc sống nơi quan ngoại thật khắc nghiệt, người và ngựa như đôi bạn bên nhau cùng chia ngọt sẻ bùi:

Ẩm mã độ thu thủy/ Thủy hàn phong tự đao.

Nước thu cho ngựa uống/ Nước buốt, gió như dao.

(Vương Xương Linh – Tái hạ khúc)

Gặp người về kinh trong cảnh gấp gáp, thiếu thốn, người lính chỉ kịp ngồi trên mình ngựa nhờ báo về nhà rằng mình vẫn bình an:

Mã thượng tương phùng vô chỉ bút/ Bằng quân truyền ngữ báo bình an.

Trên ngựa gặp nhau không giấy bút/ Nhờ anh nhắn hộ tớ bình an.

(Sầm Tham – Phùng nhập kinh sứ)

Thỉnh thoảng cảnh biên cương cũng pha chút lãng mạn, kiêu hùng, nhưng cuộc vui phải dở dang vì đâu đó đã vẳng lại tiếng đàn tì bà của người Hồ tấu trên lưng ngựa:

Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.

Rượu quý bồ đào uống bằng chén lưu li/ Toan nhắp thì tiếng tì bà trên ngựa đã giục ra đi.

(Vương Hàn – Lương Châu từ)

Trong chiến tranh, ngựa đã sát cánh bên người vào sinh ra tử trăm trận, đến nỗi mồ hôi chảy ra máu, hồn cứ quẩn quanh nơi quan ải phơi xương trắng:

Bách chiến sa trường hãn lưu huyết/ Mộng hồn do tại Ngọc Môn quan.

Sa trường trăm trận mồ hôi chảy ra máu/ Hồn mơ hãy còn ở ải Ngọc Môn.

(Đường Ngạn Khiêm – Vịnh mã nhị thủ)

Ngựa chứng kiến những cuộc chia tay của con người và nó cũng rầu rĩ, hí lên não nùng trước cảnh li biệt:

Huy thủ tự tư khứ/ Tiêu tiêu ban mã minh.

Vẫy tay tiễn, từ nay bạn lên đường/ Buồn rầu, ngựa hí vang vì xót tình li biệt.

     (Lí Bạch – Tống hữu nhân)

Con ngựa một đời chở chủ nhân của nó trên những nẻo đường bôn ba mưu sinh, tìm an tránh loạn. Nay già yếu bệnh tật, chủ nhân đau lòng, tâm sự với nó như một người bạn:

Thừa nhĩ diệc dĩ cửu/ Thiên hàn quan tái thâm/ Trần trung lão tận lực/ Tuế vãn bệnh thương tâm.

Cưỡi ngươi cũng đã lâu/ Trời rét quan ải xa/ Cõi trần già dốc sức/ Cuối đời bệnh đau lòng.

(Đỗ Phủ - Bệnh mã)

Đặc biệt, nhà thơ Lí Hạ đã làm đến 23 bài Mã thi trứ danh. Trong những bài thơ này Lí Hạ đã lấy ngựa tự dụ, ngầm than thở đời không còn Bá Nhạc. Chẳng hạn ở bài Mã thi thứ 4, Lí Hạ ví mình không phải là một con ngựa phàm mà là một thiên mã ở trên ngôi sao Phòng, một trong Nhị thập bát tú, sao rơi xuống trần mà biến thành ngựa:

Thử mã phi phàm mã/ Phòng Tinh bản thị tinh/ Hướng tiền xao sấu cốt/ Do tự đái đồng thinh.

Ngựa này chẳng phải ngựa phàm/ Phòng Tinh vốn là vì sao/ Trước đây khua xương cỗi/ Nên thân vẫn còn mang tiếng đồng. 

Văn học Việt Nam có những câu thơ thể hiện hình ảnh chiến mã kiêu hùng sau chiến thắng, mà tiêu biểu là hai câu thơ tràn đầy hào khí Đông A của vua Trần Nhân Tông đề ở nhà Thái miếu:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Xã tắc hai phen nhọc ngựa đá/ Sơn hà muôn thủa vững âu vàng. 

Phạm Sư Mạnh ca ngợi ải Chi Lăng hiểm trở bằng hình ảnh tiêu sái, oai hùng:

Lâm phong bạt mã cao hồi thủ/ Cấm khuyết thiều nghiêu vân khí tê.

Thúc ngựa lướt gió, lên cao quay nhìn lại/ Cung khuyết chót vót trong bóng mây trời tây.

Do ảnh hưởng văn học Trung Quốc, nên hình ảnh con ngựa trong văn học Trung Quốc cũng được tiếp nhận khá nhiều trong văn học trung đại Việt Nam. Chẳng hạn, trong Chinh phụ ngâm khúc ta thấy xuất hiện không ít những hình ảnh về ngựa. Đây là hình ảnh oai hùng của một đấng nam nhi ngồi trên mình ngựa ra trận:

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn nhẹ nữa hồng mao/ Giã nhà đeo bức chiến bào/ Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

Áo chàng đỏ tựa ráng pha/ Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.

Và rồi người chinh phu ở chốn chiến trường xa xôi, dãi dầu sương gió, mệt mỏi cùng con chiến mã của mình:

Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn/ Dòng nước sâu ngựa nản chân bon/ Ôm yên gối trống đã chồn/ Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.

Cả hai cùng ở trong cảnh hiểm nguy trước làn tên mũi giáo:

Xông pha gió bãi trăng ngàn/ Tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành.

Chinh phu và con chiến mã của mình xa hút, lạc loài nơi biên ải xa xôi ngàn dặm, để cô phụ ở nhà quẩn quanh trong nỗi sầu muộn:

Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ/ Thiếp dạo hài lối cũ rêu xanh.

Trong thơ ca Việt Nam, có lẽ Truyện Kiều là tác phẩm có nhiều từ ngữ nói đến ngựa nhất. Điều thú vị là năm người đàn ông của Kiều khi xuất hiện trong truyện đều có những từ ngữ liên quan đến ngựa. Mở đầu là cảnh ngựa xe đông đúc trong tiết Thanh minh, “Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”:

Dập diều tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Và Kim Trọng xuất hiện. Chàng buông lỏng dây cương cho ngựa đi thong thả:

 Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

Ngựa chàng cưỡi là một con ngựa trắng non đang độ sung sức, rất tương xứng với phong thái “Đề huề lưng túi gió trăng” của một thư sinh nho nhã:

Tuyết in sắc ngựa câu dòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời/ Nẻo xa mới tỏ mặt người/ Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.

Chiều xuống, hai bên ở trong cảnh “Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn”, nhưng cũng đành phải chia tay:

Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.

Mã Giám Sinh sau khi “đã tỏ đường đi lối về”, đã “giục giã vội vàng ra đi”. Cũng “vó câu” kéo xe chở Kiều, nhưng không đỉnh đạc, ung dung như “ngựa câu” của chàng Kim:

Đoạn trường thay lúc phân kì/ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.

Người đàn ông thứ ba trong đời Kiều là Sở Khanh. Khi lừa Kiều y ba hoa “Rằng: Ta có ngựa truy phong”. Kiều tin theo mà:

Cùng nhau lẻn bước xuống lầu/ Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn.

Nhưng khi bị phát hiện thì y bỏ Kiều mà “quất ngựa truy phong” một cách tệ hại:

Nàng càng thổn thức gan vàng/ Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!

Đến Thúc Sinh, người đàn ông thứ tư của Kiều, lúc chia tay nàng để về nhà “thu xếp” với vợ cho Kiều về ở chung, cũng đã ra đi bằng ngựa. Khung cảnh mùa thu trong buổi chia tay đẹp đến nao lòng:

Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Còn Từ Hải, người đàn ông thứ năm “đội trời đạp đất” của Kiều dĩ nhiên là phải có ngựa (Từ là một võ tướng thì làm sao thiếu ngựa được!):

Nửa năm hương lửa đương nồng/ Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương/ Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong.

Và khi cho quân lính rước Kiều về dinh, Từ đã tự mình cưỡi ngựa ra ngoài nghênh đón nàng:

Kéo cờ lũy, phát súng thành/ Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài.

Nếu như hình ảnh ngựa ở Chinh phụ ngâm khúc còn đậm chất “ngựa Trung Quốc” thì đến Truyện Kiều hình ảnh ngựa đã được Nguyễn Du chuyển hóa hết sức cao tay, nó mang phong thổ Việt khá đậm đà.

Ngựa có vai trò rất quan trọng trong lịch sử văn hóa của Trung Quốc. Sở dĩ nó có vai trò quan trọng là vì: Thứ nhất, đây là vùng đất luôn có chiến tranh. Chiến tranh ở Trung Quốc thời cổ đại, ngựa giữ vai trò rất quan trọng, có thể gọi là nền tảng của sức mạnh quân sự. Kị binh du mục trên lưng các chiến mã thần tốc và dũng mãnh luôn là mối kinh hoàng cho binh lính Trung Quốc. Do đó Trung Quốc rất quan tâm tới vấn đề cung cấp và huấn luyện ngựa cho quân đội. Thứ hai, Trung Quốc sông ngòi ít, người ta dùng ngựa làm phương tiện đi lại, vận chuyển là chính yếu. Thứ ba, như đã nói, ngựa là một loài vật quen thuộc, thân thiết và trung thành với con người. Có lẽ vì vậy mà nó đã trở thành chủ đề quen thuộc trong tranh Trung Quốc.

 Ngựa xuất hiện trong tranh Trung Quốc như là biểu tượng của sự mau chóng và thành đạt. Bức tranh có chủ đề phổ biến nhất là “mã đáo thành công”, thể hiện một bầy ngựa phi nước đại gió bụi mịt mù.

Theo Lê Anh Minh, họa gia vẽ ngựa nổi tiếng ở Trung Quốc, đời Ðường thì có Hàn Cán 韓幹 và Tào Bá 曹霸; đời Nguyên thì có Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫. Hàn Cán (không rõ năm sinh, năm mất) người Kinh Triệu 京兆 (nay thuộc Thiểm Tây), có thuyết nói ông người Ðại Lương 大梁 (nay thuộc Hà Nam). Cũng như thầy ông là Tào Bá, Hàn Cán nổi tiếng về vẽ ngựa và vẽ nhân vật. Tào Bá (không rõ năm sinh, năm mất) người quận Tiêu (nay là huyện Bạc , tỉnh An Huy), là họa gia của triều đình, chuyên vẽ ngựa và chân dung các công thần. Nhà thơ Ðỗ Phủ xem tranh của Tào Bá vô cùng thích thú và không tiếc lời tán tụng. Đời Nguyên, thư pháp gia kiêm họa gia Triệu Mạnh Phủ (tức Triệu Tùng Tuyết) nhận xét trong Tùng Tuyết Trai văn tập rằng: “Ðời Ðường có nhiều họa gia giỏi về vẽ ngựa, nhưng nổi bật nhất là Hàn [Cán] và Tào [Bá]” (唐人善畫馬者甚眾而韓曹為之最).

 

 

Triệu Mạnh Phủ (1254-1322) tự là Tử Ngang 子昂, hiệu là Tùng Tuyết Đạo nhân 松雪道人, Thủy Tinh Cung Đạo nhân 水晶宮道人. Ông là Đạo sĩ tại gia, nguyên quán Hồ Châu 湖州 thuộc Chiết Giang 浙江, là dòng dõi tôn thất nhà Tống, từng giữ nhiều chức quan cao ở thời Nam Tống và thời Nguyên. Người đời khen tặng ông là “Vinh tế ngũ triều, danh mãn tứ hải” (Vinh hiển trải năm đời vua, danh tiếng đầy bốn biển). Về thư pháp ông giỏi đủ loại thư thể. Thể chữ Khải của ông (gọi là Triệu thể) thật yểu điệu kiều lệ, đứng ngang hàng với ba đại thư pháp gia đời Ðường là Liễu Công Quyền, Nhan Chân Khanh, Âu Dương Tuân. Về hội họa, Triệu Mạnh Phủ giỏi vẽ ngựa, nhân vật, trúc thạch, sơn thủy. Về vẽ nhân vật, ông chịu ảnh hưởng phong cách đời Tấn, đời Ðường. Ông học vẽ ngựa nơi họa gia Lí Công Lân李公麟, học vẽ sơn thủy ở các họa gia Ðổng Nguyên 董源 và Lí Thành 李成. Giới thưởng ngoạn xem ông là “Nguyên họa chi quán元畫之冠” (người đứng đầu hội họa đời Nguyên). 

 

Tranh Người cưỡi ngựa ( ) của Triệu Mạnh Phủ

 

 Ðến thời hiện đại, họa sĩ nổi tiếng vẽ ngựa có Từ Bi Hồng 徐悲鴻 (1895-1953). Ông quê ở Nghi Hưng 宜興, tỉnh Giang Tô 江蘇. Từ Bi Hồng từng du học hội họa ở Pháp. Khi về nước ông vừa dạy hội họa vừa sáng tác. Ông chủ trương dung hợp cách vẽ truyền thống của Trung Quốc (gọi là Quốc họa) với lối vẽ theo định luật phối cảnh và một số kĩ pháp khác của hội họa Tây phương. Trong tranh của Trung Quốc người ta thấy rõ hai loại bút pháp: công bút và ý bút. Tranh cổ đại đa số là công bút, vẽ vật thể gì thì cũng phải có đường viền, rồi tỉ mỉ tô màu lên, lá lan lá tre thì cũng thế, nên những đường viền này làm nét vẽ cứng và thiếu sinh động. Ý bút thì ngược lại, nét bút phóng khoáng sinh động vì loại bỏ các đường viền. Một lá lan lá tre chỉ do một nét bút nhưng chính độ đậm nhạt của màu đã tạo ra sáng tối và sự sinh động. (Trước lúc vẽ, búp lông của cây bút được tẩm màu tươi sáng, rồi ngọn bút được chấm vào màu tối; do đó chỉ một nét vẽ mà hiệu quả sáng tối đậm nhạt đều có đủ). Tranh theo chủ trương dung hợp Ðông Tây có xu hướng dùng ý bút. Ý bút thể hiện rất rõ trong các tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng. Những mảng sáng tối, những chỗ chừa trắng, những nét bút phóng khoáng ở bờm và đuôi ngựa, và bố cục theo luật phối cảnh Tây phương, tất cả những điều ấy đã giúp tranh có sinh khí và thần thái. Ngoài Từ Bi Hồng, còn có Diệp Túy Bạch cũng là họa gia hiện đại rất nổi tiếng về vẽ ngựa.

 

Tranh ngựa của Từ Bi Hồng (1895-1953)

 

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Gia Khánh-Bùi Duy Tân-Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam (thế kỉ X – nửa đầu thế kỉ XVIII), Nxb Giáo dục, 1997.

2. Lê Anh Minh, Ngựa trong tranh Trung Quốc, anhminh.zxq.net/thuhoaTQ/horse.htm

3. Nhiều người dịch, Thơ Đường, 2 tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987.

4. Nguyễn Hữu Phước, Ngựa trong âm nhạc và văn thơ, www.dactrung.com/Bai-bv-2673-Ngua_Trong_am_Nhac_Va_Van_Tho.aspx

5.  許慎撰,段玉裁注 :《說文解字注》,中州古籍出版社,2006.

6.《康熙字典》,中華書局(香港)有限公司,2001.

7.《成語大字典》,北京,商務印書館 國際有限公司,2006.

 

FOR THE YEAR OF HORSE:

IDLE THOUGHTS ABOUT HORSES IN CULTURE AND ARTS

 

Abstract

Being domesticated very early, horse has become one of the closest and most helpful cattle. Horse receives the honour of being listed to the Chinese zodiac, which consists of twelve animals representing twelve years of a circle. For the year Giap Ngo 2014, a year of horse, this article gives some idle discussion on horse in Chinese and Vietnamese arts and culture, focusing on language, poetry and painting.

Nguồn: Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 15 (69), THÁNG 1 NĂM 2014


(*) ThS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Thông tin truy cập

60757378
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1548
10454
60757378

Thành viên trực tuyến

Đang có 170 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website