Văn hoá Nhật Bản trong thế giới toàn cầu hoá

Bàn về văn hoá Nhật Bản trong thế giới toàn cầu hoá, chúng ta sẽ phải tiếp cận vấn đề này như thế nào? Trước hết chúng ta phải xem xét vấn đề là có toàn cầu hoá văn hoá không? Và sau đó đánh giá xem Nhật Bản đã chủ động gia nhập toàn cầu hoá ra sao để phát triển văn hoá dân tộc trong bối cảnh phát triển đất nước nói chung.

1. Vấn đề toàn cầu hoá văn hoá

Hiện nay, vấn đề toàn cầu hoá văn hoá vẫn đang là một vấn đề thời sự. Đây là một vấn đề mà trong các công trình viết về văn hoá ở Việt Nam, các nhà khoa học hầu như vẫn chưa bàn đến một cách thấu đáo. Họ bàn rất nhiều đến toàn cầu hoá kinh tế và giao lưu văn hoá, nhưng lại tránh không nói đến toàn cầu hoá văn hoá và văn hoá toàn cầu. Trên thực tế, trong khi các nhà khoa học trên thế giới khẳng định là có toàn cầu hoá văn hoá và văn hoá toàn cầu, thì cũng có người Việt Nam tuyên bố dứt khoát là không thể có toàn cầu hoá văn hoá. Họ nói: toàn cầu hoá kinh tế thì được, nhưng toàn cầu hoá văn hoá thì không.

Theo chúng tôi, toàn cầu hoá văn hoá là kết quả ảnh hưởng của toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra rộng khắp trên thế giới ngày nay. Tất nhiên điều kiện dẫn đến toàn cầu hoá văn hoá không chỉ có toàn cầu hoá kinh tế, mà nó còn bao hàm một điều kiện mang tính thời đại là sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, và một điều kiện mang tính chất là một hằng tố: đó là quá trình giao lưu văn hoá diễn ra liên tục và thường xuyên trong suốt chiều dài lịch sử của loài người.

Nói đến giao lưu văn hoá, năm 1921, Mahatma Gandhi, lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ, danh nhân văn hoá thế giới, đã tuyên bố: “Tôi không muốn ngôi nhà của tôi bị ngăn cách bốn bề, và tôi không muốn cửa sổ nhà tôi bị bít kín. Tôi muốn các nền văn hoá trên mọi miền đất của thế giới được thoải mái thổi qua căn nhà tôi. Nhưng tôi từ chối không để cho bất cứ cái gì thổi bay tôi đi”[1].

Trong lời tuyên bố này, Thánh Gandhi, đại diện cho nhiều trăm triệu người Ấn Độ thời bấy giờ, đã bày tỏ một nguyện vọng phổ biến của toàn thể nhân loại là loài người bao giờ cũng muốn giao lưu văn hoá với nhau, nhưng đồng thời mỗi một cá nhân cũng luôn luôn muốn giữ lại những cái gì là chính mình.

Chúng tôi xin nói rằng, điều kiện văn hoá trực tiếp của toàn cầu hoá là giao lưu, hay nói đúng hơn là tự do lưu thông văn hoá đến mức phụ thuộc lẫn nhau. Trong lĩnh vực kinh tế, toàn cầu hoá đã được Ủy ban Châu Âu định nghĩa từ năm 1997 như là một sự lưu thông và phụ thuộc lẫn nhau. Sự lưu thông và phụ thuộc lẫn nhau ở đây được thể hiện thành các thể chế quốc tế mà thể chế cao nhất là WTO. Trên thực tế, toàn cầu hoá kinh tế là lĩnh vực diễn ra đầu tiên, sau đó nó mới lan sang các lĩnh vực khác như chính trị, quân sự và văn hoá. Còn nếu phải định nghĩa toàn cầu hoá văn hoá thì ta có thể nói đó là một quá trình lưu thông mà thông qua đó, các nền văn hoá dân tộc đang ngày càng hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau, sự phụ thuộc này được thể chế hoá thành các tổ chức quốc tế của Liên Hiệp Quốc, thành các luật và công ước quốc tế, như công ước về quyền tác giả chẳng hạn.

Trong lịch sử nhân loại, giao lưu là một xu hướng tất yếu trong các hoạt động của đời sống xã hội. Giao lưu văn hoá luôn đi kèm với giao lưu kinh tế và giao lưu chính trị, con người. Ngay từ thời cổ đại, loài người đã rất coi trọng hình thức giao lưu này. Vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vua Philippe II xứ Maxêđônia, một quốc gia trong thế giới nói tiếng Hy Lạp thời bấy giờ, đã kéo quân xuống phía Nam chinh phục các thành quốc Hy Lạp rồi lập ra Đế quốc Maxêđônia. Sau đó con trai ông là hoàng đế Alexandros Đại Đế, đã kéo quân đi chinh phục Thổ Nhĩ Kỳ, qua miền Trung Đông tới Ai Cập, rồi nhằm hướng Đông qua miền Tiểu Á để chinh phục cả đế quốc Ba Tư rộng lớn, thâu tóm toàn bộ miền Trung Á và kéo quân chinh phục tới tận miền Tây Ấn Độ. Cả một khu vực rộng lớn đó ông chỉ bình định trong vòng 3 năm. Ông kéo quân tới đâu chiến thắng tới đó; và đi tới đâu ông cũng chú trọng truyền bá văn hoá và ngôn ngữ Hy Lạp cho các vùng đất mới. Sinh ra từ một quốc gia trong thế giới Hy Lạp, Alexandros luôn có ý thức truyền bá nền văn hoá và văn minh Hy Lạp cho các miền đất chinh phục của ông. Sau khi chinh phục Đế quốc Ba Tư, ông muốn lập ra một đế quốc rộng lớn hợp nhất giữa Đông và Tây, hoà nhập hai nền văn minh Hy Lạp và Ba Tư, xây dựng một “tình huynh đệ thế giới” cho tất cả mọi người. Ông cho dạy tiếng Hy Lạp cho thanh thiếu niên Ba Tư. Tiếng Hy Lạp được biết đến rộng rãi khắp nơi. Nhưng đồng thời ông cũng khuyến khích tiếp thu văn hoá phương Đông. Bản thân ông cũng bắt chước lối sống của người Ba Tư, lấy nhiều vợ người Ba Tư và khuyến khích các sĩ quan của mình lấy vợ Ba Tư. Nhưng giấc mơ vĩ đại của ông đã không thể trở thành hiện thực được. Ông đã chết đột ngột do cảm sốt ở độ tuổi quá trẻ: 33 tuổi. Tuy nhiên, với việc truyền bá văn hoá và văn minh Hy Lạp, Alexandros đã chuẩn bị cơ sở cho giai đoạn Hy Lạp hoá và cho những cuộc chinh phục của Đế quốc La Mã sau này.

Đế quốc La Mã, sau khi chinh phục thế giới Hy Lạp, đã tiếp thu văn hoá Hy Lạp, kết hợp với văn hoá bản địa La Mã để biến thành một nền văn hoá Hy - La nổi tiếng. Ví dụ điển hình là kho tàng thần thoại Hy Lạp đã được La Mã tiếp thu gần như toàn bộ, biến thành thần thoại Hy Lạp - La Mã mà cho đến nay nó được coi là tài sản của cả người Hy Lạp lẫn của người La Mã, đến mức có lúc người ta không phân biệt được đâu là thần thoại Hy Lạp và đâu là thần thoại La Mã. Trong lịch sử loài người, hiện tượng giao lưu văn hoá như vậy đã diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên trước đây, hiện tượng giao lưu văn hoá như trên mới chỉ diễn ra ở cấp khu vực. Chỉ đến ngày nay, cùng với quá trình toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra sôi động và theo hướng nhất thể hoá các hoạt động kinh tế - thương mại, người ta mới cho rằng văn hoá cũng sẽ tiến tới nhất thể hoá ở cấp toàn cầu. Nhà khoa học người Trung Quốc Ding Liqun đã tuyên bố: “Văn hoá thế giới là lý tưởng văn hoá mà phong trào toàn cầu hoá văn hoá cần hướng tới”, trên cơ sở “‘dung hợp tầm nhìn” văn hoá của các dân tộc khác nhau trên toàn cầu”[2]. Nhưng cũng có người, như hai nhà khoa học người Trung Quốc là Shi Bingjun và Ma Zhaoqi [Sử Bính Quân và Mã Triều Kỳ], trong khi công nhận rằng, “toàn cầu hoá văn hoá đã trở thành một sự thực không thể chối cãi”, “là một xu thế tất yếu trong lịch sử phát triển”, nhưng hai ông cũng cho rằng “toàn cầu hoá văn hoá không phải là nhất thể hoá văn hoá toàn cầu”, rằng sự nhất thể hoá này “chủ yếu biểu hiện ở các phương diện văn hoá đại chúng tầng ngoài”[3]. Ý kiến của hai nhà khoa học Trung Quốc trên đây là đáng chú ý, song chúng tôi cho rằng, mặc dù văn hoá toàn cầu không thể xoá bỏ được các nền văn hoá dân tộc, nhưng xu hướng nhất thể hoá trên một số phương diện văn hoá nào đó, không phải chỉ ở phương diện văn hoá đại chúng, vẫn là một xu hướng có thật, ví dụ như nhất thể hoá các thể chế hợp tác quốc tế khi các nền văn hoá hội nhập với nhau.

Nhưng thực ra không phải đến kỷ nguyên toàn cầu hoá như ngày nay người ta mới nói đến xu hướng nhất thể hoá văn hoá. Ngay từ thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản đã đạt tới giai đoạn phát triển mạnh mẽ, các nhà hoạt động văn hoá cũng đã nói đến sự lên ngôi của nền văn hoá - văn học toàn thế giới. Năm 1827, đại văn hào Gớt [Goethe] của nước Đức đã tuyên bố:

... nếu người Đức chúng ta không nhìn vượt ra ngoài cái khung biên giới hạn hẹp của chúng ta, thì không có gì dễ bằng việc chúng ta sẽ rơi vào căn bệnh tự phụ thông thái rởm. Chính vì thế mà tôi thích xem xét cả những gì xảy ra ở các dân tộc khác và tôi cũng khuyên tất cả mọi người hãy cùng làm như tôi. Ở thời đại chúng ta, văn học dân tộc không còn có ý nghĩa gì nhiều; bây giờ là thời đại của văn học thế giới và mỗi chúng ta cần phải góp phần làm cho thời đại đó hình thành càng sớm càng tốt[4].

Còn Các Mác cũng đã có ý tưởng tương tự trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản năm 1848:

Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. [...] Tính chất hẹp hòi và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa, và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn học toàn thế giới[5].

Ở đây, theo chúng tôi, khác với Gớt là một nhà văn, nhà triết học Mác khi nói đến “văn học toàn thế giới” là muốn ám chỉ đến cả một nền văn hoá toàn thế giới. Chúng tôi cho rằng ý kiến của Gớt và Mác là rất đáng chú ý. Đó là một ý kiến rất xác đáng và thực tiễn lịch sử có thể cho chúng ta tin chắc rằng đấy không chỉ là ý kiến của riêng hai ông.

Như vậy thì không phải chỉ đến ngày nay mới xuất hiện ý tưởng về văn hoá toàn cầu. Nhưng dù sao trước đây, văn hoá toàn cầu mới chỉ là xu hướng, là ước muốn của nhân loại tiến bộ (như Gớt đã khuyên là “mỗi chúng ta cần phải góp phần làm cho thời đại [văn học thế giới] hình thành càng sớm càng tốt”), và như Mác đã nói, nó mới chỉ là “đang nảy nở”. Chỉ đến bây giờ, khi quá trình toàn cầu hoá về các mặt, đặc biệt là về kinh tế, đã hình thành như những đợt sóng thủy triều không thể cưỡng nổi, thì văn hoá toàn cầu mới bắt đầu được quan tâm thực sự. Nhưng sự quan tâm này lại bị phân hoá thành hai xu hướng: Một xu hướng nối tiếp quan điểm của Gớt và Mác cho rằng toàn cầu hoá văn hoá là xu thế hợp quy luật; rằng toàn cầu hoá sẽ dẫn đến việc hình thành một nền văn hoá duy nhất trên toàn hành tinh. Chữ “duy nhất” là chữ dùng của nhà nghiên cứu người Nga O. N. Zheleznjak[6], tuy nhiên theo chúng tôi nên gọi là “nền văn hoá thống nhất” thì đúng hơn. Và theo một nhà khoa học phương Tây tên là Tyler Cowen, thì toàn cầu hoá đang thuần nhất hoá các nền văn hoá. Học giả Ding Liqun (Trung Quốc) thì cho rằng đây là quan điểm của chủ nghĩa tiến bộ văn hoá. Theo Ding Liqun, chủ nghĩa tiến bộ văn hoá nhấn mạnh tính toàn diện, tính tổng thể của sự phát triển văn hoá[7]. Xu hướng thứ hai mang tư tưởng bảo thủ hơn, nó tuyệt đối hoá việc bảo vệ bản sắc dân tộc xuất phát từ quan điểm đồng nhất bản sắc với truyền thống, nhân danh bản sắc dân tộc và chủ yếu là nhân danh truyền thống để phản đối toàn cầu hoá văn hoá. Từ chỗ phản đối toàn cầu hoá văn hoá, họ đi đến chỗ phủ nhận sự tồn tại khách quan của toàn cầu hoá văn hoá, cho rằng không thể có toàn cầu hoá văn hoá mà chỉ có đa dạng văn hoá.

Ở Việt Nam, trong nhiều cuộc diễn đàn, có nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá, tuy công nhận toàn cầu hoá văn hoá là “một xu hướng khách quan, tất yếu, không thể ngăn cản”, nhưng vẫn lo ngại và khuyến cáo một “sự đồng nhất đơn giản, tẻ nhạt và nghèo nàn”[8]. Còn có nhiều người khác thì, vì quan niệm theo lôgic của trò chơi “một thắng một thua”, cho nên nếu không phủ nhận công khai thì họ cũng né tránh không muốn công nhận toàn cầu hoá văn hoá, họ chỉ chủ trương phải bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc bằng mọi giá. Họ cho rằng mất bản sắc là mất gốc, mất dân tộc, mất tất cả mãi mãi. Quan điểm né tránh hoặc phủ nhận sự tồn tại khách quan của toàn cầu hoá văn hoá như vậy tỏ ra khá phổ biến và khá dai dẳng. Chẳng hạn như đến tận gần đây, có người ở nước ta vẫn còn tuyên bố một cách rất tự tin rằng: “Khi đã toàn cầu hoá về kinh tế thì tất yếu [nó] cũng sẽ tác động đến mối quan hệ giữa các nền văn hoá. [...] Nhưng nếu từ đó mà đồng [nhất] hoá kinh tế với văn hoá, coi toàn cầu hoá kinh tế tất sẽ phải toàn cầu hoá văn hoá lại là một sai lầm”[9]; rằng: “Cơ chế toàn cầu hoá đúng đắn không thể và cũng không nhằm tới mục đích toàn cầu hoá văn hoá, thủ tiêu bản sắc văn hoá dân tộc”[10]. Cũng như nhiều người khác, chúng tôi cho rằng bản sắc không hề là một cái gì cố định, tĩnh tại, bất biến. Chừng nào chủ thể mang bản sắc còn tồn tại, thì bản sắc không bao giờ mất mà chỉ biến đổi theo thời gian. Việc lo sợ đánh mất bản sắc chỉ là một sự biểu hiện của thái độ tự ti. Và việc chúng ta giống những người khác cũng chẳng có gì là đáng sợ, là xấu xa. Trong trường hợp như vậy, tại sao chúng ta không đặt ngược lại vấn đề là: Đó là người ta giống mình chứ không phải mình giống người ta. Vậy thì theo lôgic, việc người ta giống mình cũng chẳng khác gì việc mình giống người ta, và nếu chúng ta không sợ người ta giống mình, thì hà tất chúng ta phải sợ mình giống người ta!

Thực ra, theo lôgic và theo thực tế, thì việc “toàn cầu hoá văn hoá” và việc “thủ tiêu bản sắc văn hoá dân tộc” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đây không phải là hai vế của một trò chơi một thắng một thua. Không phải là nếu có toàn cầu hoá văn hoá thì không còn bản sắc, và không phải cứ giữ gìn bản sắc thì không thể có toàn cầu hoá văn hoá. Việc thứ nhất (tức toàn cầu hoá văn hoá) có thể xảy ra mà không nhất thiết phải kéo theo việc thứ hai (tức thủ tiêu bản sắc văn hoá dân tộc). Và thực tế trên thế giới tình hình đang diễn ra đúng như vậy.

Thậm chí, người ta còn nói đến khả năng của toàn cầu hoá văn hoá đối với việc làm phong phú thêm bản sắc dân tộc của các quốc gia. Nhất là gần đây, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc [UNDP] vừa đưa ra một khái niệm mới là “quyền tự do văn hoá” và cho rằng đó là quyền cao nhất của văn hoá. Điều này sẽ làm cho vấn đề bản sắc được nhận thêm một góc nhìn mới: Góc nhìn của tính vô số và tính bổ sung lẫn nhau của các bản sắc.

Vậy văn hoá toàn cầu được thể hiện cụ thể như thế nào?

Trước hết phải nói rằng văn hoá toàn cầu không phải là sản phẩm sáng tạo của một xã hội/quốc gia toàn cầu. Nó không phải là một nền văn hoá trừu tượng, siêu thoát vượt lên trên các quốc gia - dân tộc. Mà nó gắn rất chặt với các nền văn hoá dân tộc cụ thể. Văn hoá vẫn là những sản phẩm sáng tạo của những con người cụ thể mà trước hết là những sản phẩm đặc trưng cho một quốc gia - dân tộc. Xét đến cùng, các quốc gia - dân tộc vẫn là những chủ thể đích thực của văn hoá. Văn hoá toàn cầu phải có sự đóng góp rất cụ thể của từng quốc gia-dân tộc bằng những thành tựu văn hoá của chính mình. Những đỉnh cao tiến bộ của mỗi nền văn hoá sẽ được nhân rộng và lan truyền để trở thành văn hoá toàn cầu. Có nghĩa là văn hoá toàn cầu không phải chỉ được hình thành dựa vào những đặc tính chung của nhân loại, mà quan trọng là nó phải thu nạp tất cả những thành tựu tiến bộ tiêu biểu của riêng mỗi nền văn hoá để biến chúng thành cái tiến bộ phổ biến của toàn nhân loại. Trong chuyến thăm Nhật Bản năm 1916, đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã tuyên bố: “Mỗi dân tộc đều có nghĩa vụ tự thể hiện mình trước thế giới. Nếu như nó chẳng có gì đem lại cho thế giới thì phải coi đó là một tội lỗi dân tộc, điều đó còn tồi tệ hơn là cái chết, và lịch sử loài người sẽ không dung thứ...”[11]. Điều này là rất phù hợp với quy luật biện chứng của sự phát triển: biến cái một thành cái nhiều.

Có thể nói, nếu như ta coi những đặc điểm cơ bản chung của nhân loại là những cơ sở cố định của văn hoá toàn cầu, thì những thành tựu đỉnh cao của các nền văn hoá dân tộc sẽ là bộ phận linh hoạt phong phú và sinh động để thể hiện nền văn hoá toàn cầu. Văn hoá toàn cầu không thể là một quả bóng bay lơ lửng trên không, không bám vào bất cứ một mảnh đất văn hoá nào. Nó phải vừa là đại diện cho bản tính chung của nhân loại, nhưng lại vừa được thể hiện cụ thể và sinh động thông qua các nền văn hoá dân tộc. Nhưng, mặc dù được thể hiện thông qua các nền văn hoá dân tộc, văn hoá toàn cầu sẽ không phải là con số cộng của các nền văn hoá dân tộc riêng lẻ, mà nó phải là sự tổng hợp của các yếu tố tiến bộ và có ý nghĩa thế giới của các nền văn hoá riêng lẻ. Điều này rất phù hợp với vai trò đại diện cho nhân loại của văn hoá toàn cầu.

Để không trở thành một con số cộng đơn giản của các nền văn hoá dân tộc, văn hoá thế giới đòi hỏi phải có một sự đột biến để trở thành văn hoá toàn cầu. Chính các điều kiện thời đại như “toàn cầu hoá kinh tế”, “cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại” và “giao lưu văn hoá” đã tác động đến văn hoá thế giới và làm cho văn hoá thế giới trải qua một sự đột biến để trở thành văn hoá toàn cầu. Tức là ngoài những đặc điểm cơ sở chung của nhân loại và những nét đặc trưng tiến bộ của từng nền văn hoá dân tộc – những cái làm thành cơ cấu “từ dưới lên” của văn hoá toàn cầu – thì văn hoá toàn cầu cũng có một phương diện được cấu tạo “từ trên xuống” do những điều kiện của nền văn minh hiện đại tạo ra, phương diện này có một sức chi phối mạnh mẽ đối với các quốc gia. Nó chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nền kinh tế toàn cầu hoá và của nền khoa học - công nghệ hiện đại.

Như vậy, cho dù còn có nhiều người phản đối toàn cầu hoá văn hoá, cho rằng thế giới không thể có sự nhất thể hoá văn hoá[12], rằng loài người cần phải duy trì đa dạng văn hoá giống như giới tự nhiên phải duy trì đa dạng sinh học, thì, với tất cả những điều phân tích trên đây và cùng với nhiều người khác, chúng tôi có thể khẳng định rằng, phù hợp với giấc mơ cổ xưa về “toà tháp Babel” của loài người, và phù hợp với sự tiên đoán và ước vọng của Gớt và Mác, toàn cầu hoá văn hoá vẫn đang là một thực tế không thể phủ nhận. Dù muốn hay không, nó cũng đang và sẽ còn tồn tại cùng với loài người. Nó vừa kế thừa những truyền thống tốt đẹp và bản tính hoà nhập của con người, lại vừa là sản phẩm sáng tạo của thời đại văn minh công nghệ cao.

Trên tinh thần đó, chúng tôi cho rằng: Một nền văn hoá toàn cầu chân chính trước hết phải là nền văn hoá đại diện được cho những giá trị chung của nhân loại, thứ hai là nó phải dung hợp được những giá trị tiến bộ của các nền văn hoá dân tộc trên toàn thế giới, và thứ ba là nó còn phải đại diện được cho tinh thần của nền văn minh thời đại. Và một nền văn hoá như thế đang tồn tại một cách khách quan không thể phủ nhận trên toàn hành tinh, với tư cách là sản phẩm của nền văn minh hiện đại chứ không phải là của riêng lĩnh vực văn hoá.

Một nền văn hoá toàn cầu phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử loài người như vậy thì chắc chắn sẽ là một nền văn hoá có ích cho loài người. Nó không thể là một nền văn hoá đem lại cái xấu, cái ác cho nhân loại nói chung và cho các quốc gia - dân tộc nói riêng. Mà nó là một nền văn hoá chỉ đem lại hoà bình và an ninh cho toàn nhân loại; một nền văn hoá, như Báo cáo 2004 của UNDP khẳng định, thể hiện “đạo lý chung dựa trên các quyền phổ biến của con người, cũng như dựa trên sự tôn trọng tự do, bình đẳng và phẩm giá của mọi cá nhân”. Nó xứng đáng để cho các dân tộc phấn đấu vươn tới. Còn nếu quốc gia nào chỉ khư khư ôm giữ bản sắc truyền thống, sợ hãi không dám hội nhập, thì quốc gia đó sẽ nhanh chóng tụt hậu, và, như Goethe đã khuyến cáo, nó cũng sẽ nhanh chóng “rơi vào căn bệnh tự phụ thông thái rởm”, thậm chí còn góp phần tạo ra bầu không khí nghi kỵ giữa các dân tộc để rồi có thể dẫn đến các cuộc xung đột quốc tế.

Tóm lại, chúng tôi coi văn hoá toàn cầu phải hội đủ được cả ba loại yếu tố như chúng tôi quan niệm ở trên: giá trị nhân loại chung, giá trị văn hoá dân tộc tiến bộ, và tinh thần thời đại.

Tuy nhiên, cho dù thế giới có nhất thể hoá đến đâu thì trong văn hoá thế giới vẫn sẽ tồn tại sự đa dạng. Điều này là phù hợp với quy luật phát triển của phép biện chứng duy vật: sự thống nhất giữa các mặt đối lập, mà ở đây được cụ thể hoá bằng sự thống nhất của đa dạng. Chính vì thế mà trong lịch sử loài người luôn luôn tồn tại hai xu hướng thay phiên nhau: hợp nhấtphân ly. Hợp nhất để tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm đạt được những mục tiêu to lớn của loài người. Phân ly là xu hướng phát huy sức sáng tạo của bản sắc cá nhân. Trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hoá là thể hiện của xu hướng hợp nhất, đa dạng hoá là thể hiện của xu hướng phân ly. Khi chúng ta đã xác định được rằng hợp nhất và phân ly là hai xu hướng phổ biến, phù hợp với quy luật phát triển biện chứng của sự vật, thì chúng ta sẽ dễ dàng phản bác lại được quan điểm cho rằng toàn cầu hoá sẽ chỉ dẫn đến nhất thể hoá, hay phản bác cái quan điểm phản đối toàn cầu hoá để bảo vệ đa dạng hoá.

Mặc dù vậy, tỷ lệ giữa toàn cầu hoá và đa dạng hoá không phải lúc nào cũng ở thế cân bằng. Tỷ trọng của toàn cầu hoá so với đa dạng hoá có lẽ có xu hướng giảm dần từ lĩnh vực gần với thực tế nhất đến lĩnh vực gần với tâm linh con người nhất. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, tỷ trọng của toàn cầu hoá chiếm ưu thế vượt trội. Một nền kinh tế không tham gia hội nhập sẽ rất thiệt thòi và bỏ mất nhiều cơ hội để phát triển. Để khuyến khích và phát huy hiệu quả công cuộc hội nhập này, thế giới đã lập ra nhiều thể chế kinh tế, trong đó Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO] là thể chế cao nhất mà các quốc gia đang hướng tới. Chính vì thế mà tất cả các nước trên thế giới đều có nguyện vọng được là thành viên của tổ chức này. Mặc dù các quốc gia vẫn có những đặc điểm kinh tế - thương mại riêng, nhưng yêu cầu về việc phải tuân thủ những tiêu chuẩn và quy định quốc tế như hàng hoá đảm bảo chất lượng ISO, không bán phá giá, minh bạch trong sản xuất và nhất là trong kinh doanh, trao đổi đúng luật trong khuôn khổ của các hiệp định, đã làm cho các nền kinh tế, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối - tiêu thụ, đều phải tham gia vào quá trình toàn cầu hoá.

Nhưng lĩnh vực văn hoá, vì nó ít liên quan trực tiếp đến lợi ích vật chất sống còn của con người mà lại liên quan nhiều hơn đến nhu cầu tinh thần và tâm linh, cho nên nó vẫn có được một vị trí riêng, và hàng hoá văn hoá vẫn có một sự “ngoại lệ văn hoá” trong các hiệp định thương mại. Ở đây, vai trò của các quốc gia - dân tộc vẫn còn có một tầm quan trọng tương đối. Vì thế, đa dạng văn hoá vẫn sẽ mãi mãi tồn tại trong sự thống nhất của văn hoá toàn cầu, giống như đa dạng sinh học trong sự thống nhất của thiên nhiên. Và vì thế có người còn nói, văn hoá càng toàn cầu hoá thì càng đa dạng hoá.

2. Nhật Bản – nhu cầu hội nhập để phát triển

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, Nhật Bản nổi lên như một hiện tượng đặc biệt về hội nhập của Châu Á.

Từ thời xa xưa, mặc dù có những thời kỳ đóng cửa vì lý do chính trị, nhưng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, Nhật Bản vẫn có nhu cầu giao thương với lục địa để bổ sung nguồn cung cấp. Theo tinh thần đó, Nhật Bản đã phát triển ngành vận tải biển và mở rộng giao thương với Triều Tiên, Trung Quốc. Thậm chí, ngay từ rất sớm, Nhật Bản đã có ý định biến Triều Tiên - một vùng lãnh thổ gần nhất và yếu nhất trong khu vực - thành một vùng đệm, vừa là để ngăn ngừa sự ảnh hưởng và các nguy cơ xâm lược từ phía các đế quốc Trung Hoa, Mông Cổ, Nga, vừa là để bảo vệ cho các con đường thương mại của mình trên khu vực lục địa Châu Á. Thế là, Nhật Bản đã xâm chiếm Triều Tiên từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII, sau đó nó lại nhiều lần xâm chiếm vào thế kỷ XVI, XIX và đầu thế kỷ XX, thiết lập ở đây một sự áp chế quân sự và một mối quan hệ thương mại bán thuộc địa.

Bắt đầu từ thời đại Minh Trị (thời đại này được tính từ khi Nhật hoàng Minh Trị lên ngôi năm 1868 cho đến năm 1912 khi Minh Trị mất), người Nhật đã hiểu ra: Đất nước sẽ không thể phát triển nếu không mở cửa với bên ngoài. Đây cũng là thời điểm giai cấp tư sản Nhật Bản đã lớn mạnh, chính tư tưởng của giai cấp này đã chiến thắng phe bảo thủ và làm thành hậu thuẫn cho chính sách mở cửa của Nhật hoàng Minh Trị. Đây cũng là thời điểm chấm dứt chủ nghĩa biệt lập của Nhật Bản.

Từ đây, tư tưởng địa chính trị của Nhật Bản bắt đầu bộc lộ rõ quan điểm dân tộc chủ nghĩa, để rồi đến thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, nó phát triển lên thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khi mà quan điểm địa chính trị của Nhật Bản được hình thành theo mô hình địa chính trị của nước Đức.

Theo tác giả Akihiko Takagi (Đại học Ibaraki, Nhật Bản) thì đến thời đại Minh Trị, quan điểm của Nhật Bản về thế giới đã thay đổi căn bản. Trước đó, phần lớn người dân Nhật không biết gì về địa lý thế giới và vị trí của Nhật Bản trên thế giới. Sau công cuộc Trung Hưng của hoàng đế Minh Trị 1868, người ta bắt đầu xuất bản các cuốn sách giáo khoa giới thiệu về địa lý thế giới được biên soạn dựa trên các cuốn sách địa lý của phương Tây. Đến khi đó, phần lớn người dân Nhật, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, mới biết đến địa lý thế giới[13]. Có lẽ, do nhận thức rõ về tầm quan trọng của địa lý và về mối nguy hiểm của việc thiếu thông tin về địa lý trước đây, mà đến năm 1872, chính phủ mới của hoàng đế Minh Trị đã ban hành một đạo luật giáo dục có tên gọi là “Gakusei”, quy định trẻ em phải được học tiểu học. Cấp tiểu học này có hai bậc: bậc thấp và bậc cao, mỗi bậc học bốn năm, dành cho trẻ em từ 6 đến 13 tuổi.

Mặc dù khi ấy (1872), theo Takagi, hệ thống giáo dục tiểu học vẫn chưa phải là bắt buộc, nhưng trong các môn học của tiểu học bậc thấp, thì môn địa lý là môn học bắt buộc và được học từ năm thứ hai. Học sinh được học địa lý Nhật Bản trước rồi đến địa lý thế giới. Cách phân chia học phần như vậy vẫn được tiếp tục sau khi luật giáo dục được thay đổi nhiều lần.

Đến năm 1886, đạo luật giáo dục mới “Gakkorei” được ban hành. Lần này thì cấp tiểu học bậc thấp (bốn năm) trở thành bắt buộc, còn môn địa lý thì không còn là môn độc lập mà được nhập vào môn lịch sử. Takagi cho rằng điều này có nghĩa là tầm quan trọng của môn địa lý đã bị giảm bớt, nhưng theo chúng tôi, việc nhập môn địa lý vào môn lịch sử lại chứng tỏ một mối quan tâm khác của chính phủ Nhật Bản. Nó cho thấy các nhà làm luật và các nhà khoa học Nhật Bản không nhìn nhận môn địa lý một cách tự thân, biệt lập, mà gắn chặt nó với lịch sử và chính trị Nhật Bản. Trong nguyên tắc chung của việc dạy môn địa lý, đạo luật giáo dục bổ sung năm 1890 của Nhật Bản quy định rằng: “Mục đích của môn địa lý học Nhật Bản và địa lý học thế giới là nó phải dạy những nét đại cương của địa lý Nhật Bản và địa lý thế giới, phải làm cho trẻ em hiểu được những điều quan trọng về đời sống của các dân tộc trên thế giới và phát triển tinh thần yêu nước cho trẻ em”[14]. Theo hướng đó, cái giọng điệu giáo dục nhằm mục đích phục vụ quốc gia đã được tăng cường và củng cố để dần dần dẫn đến quá trình quân sự hoá Nhật Bản. Đây cũng chính là mầm mống dẫn đến sự ra đời của một ngành khoa học mới ở Nhật Bản: địa chính trị.

Đến thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, tư tưởng địa chính trị của Nhật Bản đã trở thành một tư tưởng chủ chốt trong chiến lược và chính sách bành trướng của Đế quốc Nhật, được thể hiện thành chính sách đặc trưng chủ trương một Khu vực Thịnh vượng chung Đại Đông Á, do Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Fumimaro Konoe đề ra vào năm 1940. Chính sách này chủ trương thành lập một khối Đại Đông Á, bao gồm Nhật Bản, Mãn Châu, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nhằm, theo sự tuyên truyền của Nhật Bản, xây dựng một khu vực thịnh vượng chung cho các nước Châu Á, tất nhiên là dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản, để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân và ách thống trị của phương Tây. Đây là chính sách được dùng để biện hộ cho cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Đông Á trong những năm 1930 và kéo dài cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời gian đầu, chính sách đó đã đánh lừa được nhiều nhân sĩ các nước Châu Á, trong đó có cả một số nhân sĩ Việt Nam.

Nói Nhật Bản là nước nghèo về tài nguyên cũng không hoàn toàn đúng. Về nông nghiệp, mặc dù diện tích đất trồng trọt không nhiều, nhưng khí hậu ưu đãi đã tạo cho đất trồng trọt Nhật Bản có năng suất rất cao. Với một diện tích lãnh hải rộng lớn và là nơi gặp gỡ của các dòng hải lưu, Nhật Bản đã biết phát triển thành một cường quốc biển và trở thành một quốc gia có ngành đánh bắt hải sản đứng vào hàng nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, với dân số hơn 100 triệu người trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai (ngày nay là 127 triệu), Nhật Bản cũng là nước đông dân đứng thứ mười trên thế giới. Có lẽ chính cái sức ép dân số cũng là một trong những lý do đưa một nước vốn có truyền thống khép kín trở thành một nước theo chủ trương mở cửa ở thời hiện đại, kể từ thời Minh Trị.

Để tạo động lực cho chính sách bành trướng Đại Đông Á, Chính phủ Nhật Bản đã dựa vào tư tưởng địa chính trị. Tư tưởng này đã được phổ biến rộng rãi cho toàn dân và được trình bày rõ ràng trong các cuốn sách giáo khoa địa lý dùng trong trường học.

Sau khi chính sách Đại Đông Á được ban hành năm 1940, Chính phủ Nhật Bản đã đưa tư tưởng này vào các cuốn sách giáo khoa địa lý xuất bản năm 1943 cho trường phổ thông. Cụ thể, các cuốn sách địa lý viết cho cấp tiểu học đã giới thiệu địa lý Nhật Bản ở phần 1 và địa lý khu vực Đại Đông Á ở phần 2. Trong phần 2, sau chương giới thiệu đại cương về khu vực Đại Đông Á, sách địa lý tiểu học giới thiệu các khu vực sau:

1. Địa lý Singapore và bán đảo Malay;

2. Quần đảo Inđônêssia;

3. Quần đảo Philipin;

4. Vùng Mãn Châu Lý;

5. Vùng Meng-chiang (khu vực ở phía Đông - Bắc Trung Quốc).

Ở chương một của phần 1, người ta đã mô tả đất nước Nhật Bản theo tinh thần khuyến khích lòng yêu nước và kích động chủ nghĩa bành trướng như sau:

Cái hình dạng mà theo đó mỗi quần đảo - quần đảo Kuril ở phía Bắc, hòn đảo chính Honshu ở trung tâm, quần đảo Ryukyu (Okinawa) ở phía Nam - đều nhô ra Thái Bình Dương như một cánh cung, đã làm cho cả quần đảo Nhật Bản được kéo căng ra. Từ hình dạng này, chúng ta có thể cảm thấy một sức mạnh nào đó.

Hình dạng của Nhật Bản không phải là một hình dạng thông thường. Chúng ta có thể hình dung hình ảnh một người dẫn đầu lục địa Châu Á đang hùng dũng tiến ra Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng được coi như là đang đóng vai trò bảo vệ Châu Á khỏi mọi hiểm nguy xuất phát từ Thái Bình Dương. Theo cách này, chúng ta cảm thấy rằng Thượng Đế đã thật sự tạo ra đất nước chúng ta, nước Nhật Bản, một đất nước được Trời phú cho một lãnh thổ vô song về vị trí và hình dạng[15].

Đây là một quan điểm địa chính trị đề cao Nhật Bản như là trung tâm của Châu Á và của khối Đại Đông Á. Điều này còn được nêu rõ và cụ thể hơn ở phần 2 của sách giáo khoa địa lý phổ thông, trong đó, ở chương cuối, người ta công khai coi Nhật Bản là trung tâm của khối Đại Đông Á:

Chính đất nước chúng ta, nước Nhật Bản, một đất nước mà từ đó mặt trời mọc lên hằng ngày, là đất nước có vị trí nằm ở trung tâm Đại Đông Á, một khu vực bao gồm Thái Bình Dương cùng những hòn đảo của nó, từ lục địa Châu Á đến Ấn Độ Dương. Theo ý chí của Thiên Hoàng, một trăm triệu đồng bào ta cần phải thực hiện công cuộc lớn lao là xây dựng khu vực Đại Đông Á để không làm cho tổ tiên thất vọng. Chúng ta phải chia sẻ niềm vui hoà bình vĩnh viễn của thế giới và sự thịnh vượng chung cho mọi dân tộc[16].

Đây đúng là một quan điểm địa chính trị theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Nó coi Nhật Bản là trung tâm thế giới, để từ đó dẫn đến chủ nghĩa phát xít và đưa nước Nhật đi đến chỗ phát động một cuộc chiến tranh bành trướng mở rộng ra toàn khu vực Đông Á trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Điều này cho thấy quan điểm địa chính trị của Nhật Bản trong thời kỳ này chịu ảnh hưởng rõ rệt của quan điểm địa chính trị của nước Đức phát xít. Và cả hai đều dẫn đến kết cục thất bại thảm hại.

Qua đây có thể thấy Nhật Bản luôn chú trọng tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cho trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. Ngay cả ngày nay, sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản vẫn không công nhận sai lầm và tội ác của đất nước này trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng tôi nói điều này là vì ở Việt Nam ngày nay không ít người cho rằng ở Nhật Bản người ta không tuyên truyền cho trẻ em về sự giàu có của thiên nhiên Nhật Bản như ở ta, mà người ta dạy cho các em nhỏ rằng đất nước Nhật Bản nghèo lắm, rằng vì thế mỗi người phải có ý thức để phấn đấu vươn lên xây dựng đất nước hùng mạnh. Điều này chúng tôi đã có dịp phản bác cách đây hơn mười năm[17]. Thực tế những điều vừa nói trên cho thấy rằng Nhật Bản chăm lo đến việc giáo dục lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc chu đáo đến mức nào, thậm chí chu đáo đến mức cực đoan, khi nó dạy cho trẻ em coi nước Nhật là trung tâm của thế giới.

Hiện tại, chính sách Đại Đông Á của Nhật Bản không có cơ hội được phục hồi. Nhưng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của Nhật Bản vẫn còn hiện diện trong quan điểm địa chính trị hiện đại của Nhật Bản. Nhật Bản đã biến chủ nghĩa dân tộc thành một động lực để thúc đẩy đất nước phát triển. Đất nước này không còn có thể dùng vũ lực quân sự để chinh phục thế giới, thay vào đó, nó đã dùng kinh tế để gây ảnh hưởng. Có thể nói, ngày nay, địa kinh tế đang trở thành cơ sở hậu thuẫn rất có hiệu quả cho địa chính trị của Nhật Bản trong quan hệ quốc tế. Bằng cách đó, Nhật Bản vẫn khẳng định được vị trí trung tâm của khu vực Đông Á, một ước mơ mà vì nó Nhật Bản đã phải trả giá đắt trong nửa đầu thế kỷ XX.

Tất cả những điều trên đây muốn nói rằng, Nhật Bản đang hội nhập với thế giới bằng tinh thần của chủ nghĩa dân tộc, vì thế mà Nhật Bản rất có tinh thần cầu thị đối với các giá trị văn hoá của nhân loại, đồng thời rất quý trọng giữ gìn các giá trị văn hoá của dân tộc mình. Chính vì vậy mà trên đất Nhật Bản, chúng ta luôn bắt gặp sự tồn tại song song của hai loại giá trị văn hoá: văn hoá dân tộc truyền thống và văn hoá toàn cầu hiện đại. Nhưng chính điều này cũng gây ra sự ngộ nhận của nhiều người: Ở Việt Nam nhiều người cho rằng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã kiệt quệ hoàn toàn, nhưng chỉ nhờ vào văn hoá truyền thống mà nó đã phát triển trở thành cường quốc. Đây là một sự ngộ nhận. Cần phải thấy rằng Nhật Bản sau chiến tranh đã biết kết hợp tiềm lực chưa mất hết của mình với nguồn hỗ trợ bên ngoài để phát triển.

Quả thực là sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi lâm vào cảnh bại trận và đất nước bị tàn phá nặng nề, Nhật Bản lại càng ý thức được việc phải nhanh chóng du nhập công nghệ phương Tây để phát triển kinh tế. Hàng năm Nhật Bản đã phải thắt lưng buộc bụng để chi phí cho học sinh sinh viên đi du học phương Tây. Hơn nữa Nhật Bản không chỉ du nhập khoa học - công nghệ phương Tây, mà còn du nhập cả văn hoá - văn nghệ phương Tây để làm giàu thêm cho văn hoá - văn nghệ của mình, và, theo chúng tôi, còn là để cải tạo nếp sống văn hoá Nhật Bản cho phù hợp với đời sống công nghệ mới. Tất cả những tác giả văn hoá - văn nghệ phương Tây mà cho đến thời kì đổi mới chúng ta mới giới thiệu vào Việt Nam thì đều đã được giới thiệu ở Nhật Bản ngay sau những năm chiến tranh. Như vậy không nên chỉ nhìn vào chiếc áo kimônô, vào những khung cảnh bảo tồn kiến trúc cổ (tức là vào “phần cứng” của văn hoá) mà chủ quan xét đoán rằng văn hoá Nhật Bản vẫn nguyên vẹn chỉ là văn hoá cổ trong bối cảnh hiện đại hoá đất nước. Không, văn hoá - văn nghệ hiện đại Nhật Bản có những khía cạnh rất mới mẻ và rất khác so với văn hoá truyền thống.

Điều này, theo tôi, đó là sự thể hiện tinh thần kết hợp động lực dân tộc với sức mạnh toàn cầu bên ngoài, đó là tinh thần hội nhập để phát triển đất nước của một dân tộc, chứ không phải là hội nhập để hoà tan, đánh mất bản sắc dân tộc mình. Cùng với tinh thần đó, Nhật Bản thời hiện đại đã mở cửa rộng rãi đón nhận mọi giá trị văn hoá của nhân loại. Và, với sự kết hợp nguồn lực dân tộc với sức mạnh ngoại sinh, văn hoá Nhật Bản đã đạt được những thành công đáng nể phục, trở thành nước Châu Á có số nhà khoa học và nhà hoạt động văn hoá đoạt giải Nobel nhiều nhất – 17 lượt người tính đến năm 2012, trong đó có hai nhà văn – tổng số giải Nobel của Nhật Bản còn nhiều hơn cả số giải Nobel của nước Nga từ thời Liên Xô đến nay.

Có thể nói, Nhật Bản là một tấm gương cho phát triển văn hoá thời kỳ hội nhập. Nhưng không nên có cái nhìn tuyệt đối hoá và phiến diện đối với đất nước này. Nhật Bản cũng còn nhiều những hạn chế về tổ chức xã hội mà chúng chỉ bộc lộ khi đất nước gặp thảm hoạ như những trận động đất vừa qua. Tuy nhiên, sự hội nhập của Nhật Bản vẫn cung cấp được nhiều bài học để chúng ta cùng suy ngẫm.

NVD.



[1] UNDP, Human Development Report 2004. Cultural liberty in todays diverse world [Báo cáo phát triển con người 2004. Tự do văn hoá trong thế giới đa dạng ngày nay], http://hdr.undp.org/reports/global/2004, (chương 5), tr.85.

[2] Ding Liqun, “Toàn cầu hoá văn hoá: rạn vỡ và dung hợp giá trị”, [Zhexue yanjiu, 2000n., d.12q., d.8-14y.]. (Tài liệu phục vụ nghiên cứu, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội – 2001, TN 2001, số 48, Viễn Phố dịch).

[3] Shi Bingjun, Ma Zhaoqi [Sử Bính Quân và Mã Triều Kỳ], “Xây dựng nền văn hoá tiến bộ của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hoá” [Wen hua yan jiu, (Nghiên cứu văn hoá), 2004, No. 11, trang 53-57.] (Bản dịch tiếng Việt của Viện Thông tin Khoa học xã hội, Nguyễn Thu Hiền dịch).

[4] Trích theo J. P. Eckermann, Convorbiri cu Goethe [“Trò chuyện với Goethe”], Ed. p. L.U., Bucuresti, 1965, tr.226-227 (tiếng Rumani, chúng tôi nhấn mạnh - NVD).

[5] C. Mác, Ph. Ăngghen, Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, H., 1980, tr.545-546 (chúng tôi nhấn mạnh - NVD).

[6] Xem O. N. Zheleznjak, “Văn hoá Nhật Bản trong điều kiện toàn cầu hoá” [“Japonskaja kul’tura v uslovijakh globalizacii”, Problema Dalnego Vostoka, 2003, No. 3, tr.156-161] (Bản dịch tiếng Việt của Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viễn Phố dịch).

[7] Xem Ding Liqun, bđd.

[8] Phạm Xuân Nam, “Phát biểu tổng kết” (Hội thảo tại Hà Nội), trong Văn hoá trong phát triển và toàn cầu hoá, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.354.

[9] Đình Quang, “Bản sắc văn hoá dân tộc và cơ chế toàn cầu hoá”, Văn nghệ, số 9, 28-2-2004. (Những từ trong ngoặc vuông là do chúng tôi (NVD) thêm vào để câu văn thêm rõ nghĩa).

[10] Đình Quang, bđd.

[11] Trích theo O. N. Zheleznjak, bđd.

[12] Chẳng hạn xem Li Zonggui, “Toàn cầu hoá kinh tế và xây dựng văn hoá dân tộc”, Zhexue ỵanjiu, 2001n., d.1q., d.16-20y. (Bản dịch tiếng Việt của Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viễn Phố dịch, <chúng tôi có biên tập lại đôi chỗ - NVD>).

[13]Akihiko Takagi, “Japanese Nationalism and Geographical Thought”, www.nuim.ie/staff/dpringle/igu_wpm/takagi.pdf.

[14] Trích theo Akihiko Takagi, bđd.

[15] Trích theo Akihiko Takagi, bđd.

[16] Trích theo Akihiko Takagi, bài đã dẫn.

[17] Xem Nguyễn Văn Dân, “Dấu ấn phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại - vài nhận xét tổng quan”, Tạp chí văn học, số 2-1997, tr.84.

 

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013

Thông tin truy cập

60793609
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13110
24669
60793609

Thành viên trực tuyến

Đang có 394 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website