Hình dung một chiếc thắt lưng xanh...

Thắt lưng, đai lưng, giải rút… thuộc loại nhỏ nhất trong số các món phục sức, nhưng chiếm một vị trí nổi bật trên tổng thể trang phục. Quy ra khối lượng vật chất thì chẳng bao nhiêu, nhưng thiếu cái thắt lưng, cả bộ quần áo làm nên vẻ ngoài dường như chưa hoàn thiện.

Nếu có thể ví vẻ ngoài như một phong cảnh, thì thắt lưng là đường chân trời. Mắt chúng ta chẳng phải luôn dựa vào chân trời để biết trường nhìn của mình nông hay sâu đó sao? Vậy cái thắt lưng có giúp ta nhìn gì về con người đối diện?

Cái thắt lưng đã trở thành một vạch phân chia cơ thể thành hai phần đối sánh nhau cả về hình thái lẫn biểu tượng.

Thắt cạp quần, tranh khắc gỗ, sách Kỹ thuật của người An Nam. Henri Oger (1909). Ảnh: TL


Trước hết là đàn ông, khi có quần áo đi công chuyện, cái thắt lưng ngay ngắn thể hiện sự chỉnh tề. Những ngạn ngữ kiểu “đánh dưới thắt lưng” có gốc từ môn đấm bốc hay đàn ông đầu óc “nghĩ toàn chuyện dưới thắt lưng” ám chỉ tình dục nhập cảng từ Tây về đã thành vốn văn hóa bản địa.

Phụ nữ thì thuộc lòng câu “thắt lưng buộc bụng” có từ tổ tiên nghèo khó ở một đất nước lo cái ăn triền miên nhiều thế kỷ. Lo cái ăn là thế, nhưng cũng đồng thời là lo cái mặc. Nhìn vào lối thắt lưng, người ta cho rằng biết được không chỉ sự tháo vát mà còn đức hạnh của người đàn bà. Thắt lưng, kỳ lạ thay, cân xứng ý nghĩa cho cả hai giới.

Bức tranh vẽ Nguyễn Trãi, người nổi tiếng vì nỗi lo sao cho muôn dân có ăn có mặc, “để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than”, thờ ở làng Nhị Khê quê ông, có phiên bản trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử, cho thấy tay ông đang giữ một cái thắt lưng. Những bức ảnh chụp quan lại Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng thể hiện mỗi viên quan tay cầm một binh khí, cái quạt hoặc đỡ lấy cái đai lưng to bản, có người dường như còn gài được những tấm thẻ hay vài đồ dùng cá nhân vào đó.

 

Chân dung Nguyễn Trãi trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, bản phục chế từ tranh thờ của đền thờ Nguyễn Trãi, làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: TL


Nhìn chung thắt lưng có một vị thế khá nên thơ khi trở thành điểm nhấn trong bức tranh hoài niệm. Vốn dĩ thắt lưng khá thiết thực đối với loại áo giao lĩnh, khi hai vạt áo mở phía trước cần một dải thắt lại ở eo lưng. Chiếc thắt lưng thậm chí là tiêu điểm của trang phục:

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

(Mùa xuân xanh – thơ Nguyễn Bính)

Màu của thắt lưng ngày thường không lộng lẫy, nhưng vào mùa lễ hội được dùng những màu nổi bật như hoa lý, hoa hiên. Thắt lưng các vị bô lão kỳ hào trong lễ hội có màu đỏ. “Thầy theo sau cưỡi ngựa/ Thắt lưng dài đỏ hoe” (Chùa Hương – thơ Nguyễn Nhược Pháp). Màu rực rỡ là điểm nhấn trên những bộ trang phục thiên về màu trầm, nền nã. Những dải màu tươi ôm ngang lưng cơ thể con người như một tín hiệu thẩm mỹ của thời đại sự gọn gàng được duy trì đơn giản bằng một dải lụa – thời mà lụa và các thứ hàng dệt tay là vật liệu chủ đạo.

20200510 4

Tượng Bà Trắng, chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), ngực trần, đeo thắt lưng, gỗ phủ sơn, khoảng thế kỷ 18.


Làm thắt lưng thậm chí từng trở thành một nghề được thống kê từ trước 1945. Tạp chí Khoa Học vài số cuối năm 1938 đã liệt kê ở ven đô Hà Nội, có hẳn làng Triều Khúc thuộc tỉnh Hà Đông cũ chuyên làm các phụ kiện từ dây giày tây đến thắt lưng.

Khi áo dài cả hai giới phát triển theo hướng cách tân bằng cách có cúc cài hay khuy bấm ở bên cạnh thì chiếc thắt lưng đã không còn tác dụng, và đến loại áo dài tân thời thì chúng đã biến mất. Thắt lưng là thứ bị thừa ra cho tới lúc quần âu thành phổ biến.

Tuy nhiên trước cả khi áo dài đi kèm quần dài là trang phục “truyền thống” của đàn ông người Kinh thì họ cùng với nhiều dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam đã mặc duy nhất một thứ thắt ngang trên mình: cái khố.

Tượng Ngọc Nữ và Kim Đồng chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đeo thắt lưng, gỗ phủ sơn, thế kỷ 18.


Câu chuyện nổi tiếng nhất về cái khố chính là sự tích liên quan một trong bốn vị thần Tứ bất tử của người Việt – Chử Đồng Tử. Cái nghèo của người Việt xưa đã được mượn để kể câu chuyện cha con Chử Đồng Tử túng đến nỗi chung nhau một cái khố, thứ mà vốn dĩ vừa đóng vai một chiếc quần lót vừa như một cái thắt lưng tiện cho các công việc lặn lội vùng sông nước.

Chiếc “thắt lưng cổ” này mách bảo đời sau đọc ra bối cảnh sinh hoạt của cư dân Việt vài nghìn năm trước và là một đạo cụ ẩn dụ cho sự che đậy khía cạnh trần tục từ góc nhìn lễ giáo. Việc Chử liệm người cha bằng chiếc khố khi ông qua đời có lẽ thể hiện ảnh hưởng của đạo lý Nho gia, song cũng khéo tạo ra cái cớ dẫn đến tình huống Chử náu mình trong bãi cát để tránh bị thuyền rồng của công chúa Tiên Dung gặp phải.

Tất nhiên dân gian thông minh không kém các đạo diễn điện ảnh thời nay, cho Tiên Dung quây màn tắm tại đúng nơi Chử Đồng Tử náu mình. Đôi bên không mảnh vai che thân, chuyện gì đến đã phải đến, Tiên Dung còn cho đó là trời định: “…cùng ở trần với nhau trong một hố, đó chính là do trời xui khiến vậy” (Lĩnh Nam chích quái, truyện Nhất Dạ Trạch). Kho tàng truyện cổ dân gian sau này dường như không còn những tình huống gợi cảm lãng mạn như vậy nữa. Chúng tràn ngập những cái thắt lưng kín đáo của lễ giáo. Chúng được thay bằng một cái áo bỏ quên trên cành hoa sen, một cái nón qua cầu ngả trao nhau, một chiếc hài đánh rơi ngỏ ý về một sự khêu gợi nhẹ nhàng.

Đàn ông đóng khố đuôi lươn

Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh

Chiếc yếm thường có hai dải dài, người mặc cũng thắt thành một búi như dây lưng (“bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”, các cô gái xưa quả bạo dạn nhưng cũng đầy chất thơ!). Trong câu ca dao trên, bên cạnh yếm gợi ý một phục trang gợi cảm của phụ nữ, tựa như chiếc áo lót, thì hiển nhiên việc lấy cái khố làm đối sánh đã cho thấy người xưa ý thức về nhục cảm của món đồ này.

Thiếu nữ Hải Phòng mặc yếm đeo thắt lưng, ảnh đầu thế kỷ 20. Ảnh sưu tập Dieulefils


Tất nhiên một người đàn ông cường tráng phô bày cơ bắp, trên người chỉ có đóng một chiếc khố, mãi cho đến thời thẩm mỹ phương Tây du nhập vào mới trở thành một vẻ đẹp theo tư duy mỹ thuật Hy-La. Trên tâm lý xã hội Việt Nam, chiếc khố đã gắn với ẩn dụ về sự nghèo nàn, lam lũ, thậm chí sự kém văn minh. Câu chuyện “Trần Minh khố chuối” hay được lấy làm biểu tượng đối lập với sự đỗ đạt hiển hách. Cũng anh chàng lấy lá chuối làm khố đó đi thi đậu trạng nguyên, khoác lên mình mũ áo cân đai sánh vai cùng tiểu thư. Chiếc khố giống như một thử thách hơn là một phục sức hữu dụng.

Nông dân đóng khố đi cày, ảnh đầu thế kỷ 20. Ảnh sưu tập Dieulefils


Tiếp nối phép ẩn dụ Nho giáo, chiếc khố rơi tiếp vào phép ẩn dụ của lối quan sát phân biệt nhà quê và thành thị thời Pháp thuộc.

Dưới cái nhìn nhân học thuộc địa, cái khố hàm ý được xem như biểu tượng của tình trạng sống chưa được “khai hóa” của những người dân tộc thiểu số - những người đàn ông quanh năm lấy khố làm trang phục bình thường. Khi những chiếc trống đồng Ngọc Lũ hay Đông Sơn được chọn làm hình tượng cổ xưa của dân tộc và đất nước thì hình những người Việt cổ đầu đội mũ lông chim, mình trần đóng khố bỗng nhiên được nhìn nhận lại. Cái khố lại có màu huyền thoại, nhưng khi thanh niên Tây Nguyên chẳng còn thích đóng khố thì huyền thoại chỉ còn trong bảo tàng.

Cái thắt lưng trong không gian ảnh hưởng Nho giáo đi liền với những bộ áo dài tứ thân, năm thân, giống như rất nhiều thứ bén rễ ở đồng bằng Bắc Bộ trong nhiều thế kỷ, đã trở thành một quy ước về y phục truyền thống. Màu sắc của chúng nổi bật trong không gian ấy, như một màu xanh phiếm chỉ:

Hỡi cô thắt bao lưng xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề

Có sông tắm mát có nghề làm tranh.

Làng Mái là tên khác của làng tranh Đông Hồ. Ở một ngôi làng có nghề sống với màu sắc, hẳn màu xanh của chiếc thắt lưng phải bật hẳn lên trong không gian trữ tình lẫn thực địa để những cư dân đọng lại một ấn tượng nhận diện y phục. Chiếc thắt lưng bao xanh, loại thắt lưng kiêm ruột tượng để phụ nữ đựng vài món đồ cá nhân khi đi ra đường, gồng gánh chạy chợ hay đi hội… hằn trong tâm trí cộng đồng, trải qua bao biến cố vẫn còn kịp đi vào thơ ca cuối thập niên 1970:

Con sông Cầu làm bao xanh

Ngang lưng làng quan họ xanh xanh

(Làng quan họ quê tôi – nhạc Nguyễn Trọng Tạo, thơ Nguyễn Phan Hách)

Từ chiếc thắt lưng xanh đập vào mắt chàng trai trong thơ Nguyễn Bính đến dòng sông uốn quanh làng là nơi người xa xứ Nguyễn Phan Hách trở về nhìn thấy, là cả một truyền thống dãi dề huê tình.

Đánh ghen - tranh dân gian Đông Hồ. Hai người phụ nữ có dải dây lưng hoặc dải yếm rất nổi bật.


Trên thực tế, thắt lưng của ngày thường lại gợi cảm giác nai nịt gọn gàng, chuẩn bị cho một sự bận bịu. Quan niệm “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”, thắt lưng gợi ý về một chức phận của đời người. Nó còn phản chiếu quan niệm bản sắc: “Nào đâu cái yếm lụa sồi/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân… Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” (Chân quê – thơ Nguyễn Bính). Thật trùng hợp khi bất kể dân tộc, thắt lưng tôn lên cái eo người con gái, gián tiếp dẫn đến một ẩn ức nhục cảm: “Anh lê bước về nhà mà hồn còn ngủ nơi thắt lưng em” (dân ca Mông).

Ở phương diện khác, chiếc thắt lưng cũng đại diện cho một sự trói buộc. Trong thiên truyện Vợ chồng A Phủ mà học sinh Việt Nam nào cũng phải học, khi Tô Hoài cho nhân vật A Sử trói Mị vào cột nhà, trói tay vợ bằng cái thắt lưng để cô không đi chơi được, ông cũng tiết lộ hắn đeo một cái thắt lưng xanh. Thắt lưng giống như sợi lạt cuối cùng gói chặt một cái bánh chưng, như một cái khóa khóa kín tất cả những gì thuộc về bản thể và đến lượt nó đại diện cho chính bản thể. Thắt lưng trở thành thân phận.

Một nữ giáo viên trường Albert Sarraut (Hà Nội) trong bộ váy có đeo thắt lưng khoảng thập niên 1940.


Sự nai nịt gọn gàng cũng lại chuẩn bị cho một thực tế khác của lịch sử: những cuộc chiến tranh. Con người trong chiến tranh đương nhiên ý thức thắt lưng là nơi trung tâm cơ thể, chỗ nhiều bộ phận cần bảo vệ và vì thế, là yếu huyệt của mỗi cá thể. Cuộc chiến tranh du kích đem lại một vài thuật ngữ sống còn như “Bám thắt lưng địch mà đánh”, nghĩa là đánh ở sát cạnh địch, ngay chỗ chúng không ngờ tới và đúng điểm huyệt của đối phương.

Thắt lưng của người vũ trang là nơi gài vũ khí, vừa tầm cữ bàn tay rút lựu đạn, con dao hay khẩu súng lục. Thắt lưng vừa mới là biểu tượng lãng mạn tình tứ, thoắt đã có thể là nơi tập trung công cụ bạo lực.

Tuy thế, truyền thống thi ca vẫn kịp trữ tình hóa cái thắt lưng thời chiến: “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” (Việt Bắc – thơ Tố Hữu). Ở một vùng sơn cước, người kháng chiến vẫn kịp ghi lại “hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trắng, với nụ cười nàng quá xinh” (Nụ cười sơn cước – nhạc Tô Hải).

Các nhà thơ và nhạc sĩ ngẫu nhiên tiếp nối một hình ảnh đã có trong diễn xướng tâm linh: “Lưng đai xanh bồ đậy dao quai/ Trên đầu lược dắt trâm cài” (hát văn Chầu Bé Bắc Lệ, Hữu Lũng, Lạng Sơn). Người ta đọc thấy chiếc thắt lưng lấp lánh ánh đuốc của miền rừng cất giấu những khả năng sinh tồn của con người.

Quảng cáo làm thắt lưng da ở phố Hàng Gai (Hà Nội), báo Cứu Quốc 7.8.1946.

 

Những cuộc binh lửa đi qua cũng kịp gieo cấy cái nhìn lãng mạn về phẩm chất nam tính qua những phụ kiện thắt lưng giắt súng “côn bạt” hay loại thắt lưng gài băng đạn “xanh tuya”.  

…Nhưng ai nấy hầu như vương vấn nhiều về thị xã Tuyên Quang, cái Hà Nội tha hương của chúng tôi.

Thường ra thị xã chơi, ai đi những đâu, chiến dịch lên biên giới, chuyển công tác khu 3, khu 4, có khi vào tận miền Nam rồi trở lại đây, Trọng Hứa, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân và những trang hảo hán ngựa hồng súng côn bạt từ mặt trận về hậu phương, lạnh lùng làm điệu ném cương ngựa vắt lên cửa quán ven đường.

…Giờ đây như nhau, chiếc mũ ca lô dạ tím, đôi giầy có cổ, chiếc thắt lưng trễ tràng một điệu kiểu cách cố ý với bên hông khẩu súng lục, con dao găm.

(Những gương mặt – Tô Hoài)

Thời chiến tranh đi qua, chiếc thắt lưng nhà binh bằng da thuộc nâu sẫm, nhựa ép màu nâu gạch hay vải dù màu cỏ úa nhường chỗ cho những thắt lưng hàng hiệu đủ màu sắc. Đàn ông thời hiện đại có lẽ sẽ hãnh diện khi đeo một cái thắt lưng Hermes da cá sấu có mặt khóa chữ H bằng hợp kim trắng giá hơn 4000 đôla Mỹ.

Chúng dĩ nhiên đẹp, cái đẹp của một thời đại tiêu dùng đảm bảo bằng chữ tín của thương hiệu. Chữ H lấp lánh ở trước bụng người đàn ông xem ra có khả năng đem lại sự tin cậy của tiền bạc, khác nào một cái bao súng lục sĩ quan đeo ngang hông thời chiến làm thổn thức nhiều em gái hậu phương?

Tuy nhiên, chữ H hay bao súng cũng chỉ đẹp khi anh đàn ông đeo mấy thứ đó có vòng bụng khiêm tốn. Chiếc thắt lưng giờ đây lại có hơi hướng phù phiếm, kiểu cách. Nó bị gắn với ám ảnh vòng hai và cơn cuồng bụng sáu múi, phần nào mách bảo về điều kiện sống và sức khỏe của chủ nhân.

Những người Pháp làm ra những cái thắt lưng đắt đỏ nọ cũng là chủ nhân câu ngạn ngữ “Thắt lưng càng dài cuộc đời càng ngắn”, không lẽ muốn tiết kiệm da cá sấu làm thắt lưng?

Nguyễn Trương Quý

Nguồn: Người đô thị, ngày 17.4.2020.

Thông tin truy cập

63694289
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14581
23426
63694289

Thành viên trực tuyến

Đang có 536 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website