Kỷ niệm Kiev với Trần Đình Sử

Đầu tháng 5 năm 1989, từ Moskva, nhà văn Vương Trí Nhàn rủ tôi đi thăm nhà giáo Trần Đình Sử (*) đang làm thực tập sinh cao cấp ở thủ đô Kiev của nước Cộng hòa Ucraina.

20201106 7

Ảnh: Từ trái qua phải: Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Huỳnh Như Phương trước nhà bảo tàng M. Bulgakov ở Kiev (1989).

Tôi mừng quá, vì ở nước Nga đã hơn ba năm mà tôi chỉ mới một lần ra khỏi Moskva đi Leningrad. Những năm tháng đó, quy định nghiêm ngặt, người nước ngoài muốn đi từ thủ đô Moskva đến thành phố khác phải có visa, nếu không có mà gặp kiểm tra, thì sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị áp giải về nơi xuất phát. Nhiều người Việt Nam đánh liều, cứ đi khắp Liên bang Xô viết cũng chẳng sao; còn chúng tôi thì nhát gan, không dám phiêu lưu. Ông Nhàn và tôi phải đến cơ quan công an đợi một buổi sáng mới có visa cho phép.

Hai năm trước đó, tôi được ông Trần Đăng Suyền mời đến phòng gặp gỡ và dùng cơm với ông Trần Đình Sử lần đầu khi ông lên Moskva liên hệ công tác. Còn tên tuổi ông thì giới trẻ làm nghiên cứu văn học chúng tôi biết đến từ lâu, đặc biệt là sau khi ông bảo vệ luận án trở về và xuất hiện thật ấn tượng với hai bài viết về thi pháp Truyện Kiều trên tạp chí Văn học. Hồi đó trong đồng nghiệp hay có câu nói vui: “Ân - sử thi, Sử - thi pháp”. Ân là Lại Nguyên Ân, viết nhiều và sâu sắc về tiểu thuyết sử thi, văn học sử thi. Sử là Trần Đình Sử, người có công lớn trong việc đưa thi pháp học Nga vào khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam lúc đó còn bị ảnh hưởng nhiều bởi cách tiếp cận xã hội - lịch sử. Thời gian đầu khi sang Moskva học tập, tôi đã vào thư viện quốc gia đọc luận án của các bậc đàn anh để rút kinh nghiệm, trong đó có luận án của Trần Đình Sử: Thời gian như là nhân tố cấu thành của tác phẩm văn học (Trên tư liệu văn xuôi Xô viết về Lênin). Thì ra, ngay từ rất sớm, Trần Đình Sử đã tìm cách vận dụng thi pháp học Nga vào phân tích cấu trúc tác phẩm văn học, đặt những nền tảng bước đầu cho những công trình dài hơi của ông sau này như Thi pháp thơ Tố Hữu, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Thi pháp Truyện Kiều.

Chuyến đi đó thật vui. Kiev là một thành phố cổ kính, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, nằm bên bờ sông Dnepr, thuộc địa bàn Đông Âu. Tàu hỏa đi về Kiev thời gian lâu hơn đi Leningrad, gần như theo hai hướng ngược nhau. Trần Đình Sử được Trường Đại học Tổng hợp dành cho một căn phòng khá rộng rãi trong ký túc xá. Ông đi mượn hai chiếc giường xếp cho ông Nhàn và tôi, chuẩn bị thức ăn để cùng nấu ăn trong ba ngày chúng tôi ở đó. Ông dành hết thời gian cả ba ngày để đưa chúng tôi đi thăm các thắng cảnh của Kiev, thăm nhà bảo tàng các danh nhân, uống cà phê, mua sách, chụp ảnh. Mùa hè thành phố cây lá xanh tươi, hoa nở khắp chốn, đứng trên đồi cao nhìn xuống dòng sông Dnepr lững lờ trôi, thấy đời sống thật thanh bình, dù mới ba năm trước nơi đây từng bị ảnh hưởng bởi một thảm họa môi trường nghiêm trọng là vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl cách Kiev khoảng 110 km về phía bắc. Với những con đường dốc, những vỉa hè lát đá, những ngôi nhà cổ theo kiến trúc châu Âu, Kiev làm tôi nhớ Đà Lạt, tuy thành phố này hoành tráng hơn Đà Lạt rất nhiều.

Đời sống ở Kiev bình lặng chứ không chộn rộn như Moskva, tuy hơi buồn nhưng lại dễ tập trung cho chuyên môn. Tôi hiểu vì sao ông Sử thích trở lại nơi này và đã làm được nhiều việc như vậy trong thời gian ở đây. Nhưng hồi đó trông ông không được khỏe. Hình như bệnh suyễn làm ông dị ứng với mùi phấn hoa loang khắp các ngả đường thành phố. Có hôm ba chúng tôi đang nói chuyện văn chương rôm rả khi đi bộ qua một công viên, thì ông Nhàn và tôi chợt quay lại thấy ông Sử lạc đâu mất. Hoảng hồn, chúng tôi đi ngược trở lại mới thấy ông Sử ngồi một mình trên chiếc ghế đá bên đường vì khó thở, mệt đến nỗi không kêu được bạn đồng hành dừng lại chờ.

Nghĩ cũng lạ, chỉ vài năm sau là Liên Xô tan rã, Ucraina không còn phụ thuộc Moskva, trở thành thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập, rồi thành nước có chủ quyền, vậy mà lúc đó chúng tôi không hề nhận ra một dấu hiệu gì báo trước. Chúng tôi vẫn nghĩ là công cuộc cải tổ sẽ giúp Liên Xô trụ vững. Theo dõi và nắm bắt những chuyển biến đầy nhạy cảm của trí thức Xô-viết nhưng không ai trong chúng tôi hình dung được những biến cố chính trị sẽ diễn ra vào cuối năm 1989 và những tháng sau đó. Lịch sử quả đã đi những bước không ngờ, bước đầu rón rén nhưng đến lúc thì đột biến.

Trong những câu chuyện kéo dài mấy đêm ở Kiev, chúng tôi chỉ bàn bạc xoay quanh văn chương chữ nghĩa mà không đụng gì đến thời cuộc, dù ai cũng hiểu rằng cái nghề của chúng tôi không thể nào tách rời khỏi thời cuộc. Chỉ một thời gian sau chuyến đi ngắn ngủi đến Kiev đó, ông Nhàn, ông Sử và tôi lần lượt giã từ Liên bang Xô-viết, trong những ngày sân bay Tsheremechievo rối loạn, trước khi thể chế hùng mạnh này sụp đổ.

Theo dõi tin tức về những thay đổi ở Ucraina gần đây, tôi thầm biết ơn hai ông Trần Đình Sử và Vương Trí Nhàn đã cho mình cơ duyên có chuyến đi quý giá đó trong đời, không dễ gì có được lần thứ hai. Và tôi vẫn luôn ngẫm nghĩ về những câu chuyện nghề nghiệp với hai nhà văn đàn anh trong lần gặp gỡ đó.

Lịch sử giao lưu văn hóa Xô - Việt đã tạo điều kiện cho mấy thế hệ người Việt mở cửa nhìn ra bên ngoài, dù chỉ là một phần thế giới. So với hoàn cảnh cấm vận thời hậu chiến ở nước mình, dù sao Liên Xô nói chung, nước Nga nói riêng vẫn có một số cái khác và cái mới. Tuy ở xứ sở này nhiều phương diện về xã hội và mức sống còn thua sút phương Tây, nhưng căn cốt văn hóa của họ, được xây nền đắp móng từ những thế kỷ trước, làm nên bản sắc và bề dày mà thế giới phải nể trọng. Không chỉ A. Pushkin, T. Shevchenko, L. Tolstoi, F. Dostoievsky... ở thế kỷ 19, I. Bunin, M. Bulgakov, B. Pasternak, A. Solzhenitsyn... ở thế kỷ 20 trên bình diện sáng tác; mà cả trường phái Hình thức Nga, A. Veselovsky, M. Bakhtin, Yu. Lotman... trên lĩnh vực lý luận - phê bình đã được dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu rộng rãi và sâu sắc trong học giới nước ngoài, có khi còn sớm sủa hơn trên chính quê hương của các tên tuổi ấy. Qua Pháp tôi thấy sách lý thuyết văn học nào cũng trình bày cặn kẽ về quan niệm mỹ học của trường phái Hình thức Nga và Bakhtin; không có hai di sản đỉnh cao này thì không có chủ nghĩa cấu trúc Pháp, Claude Lévi-Strauss, Tzvetan Todorov và Julia Kristeva. Có lần, ngay giữa Tp. Hồ Chí Minh, tôi đưa ông Trần Đình Sử tìm mua được bộ Toàn tập Bakhtin bằng tiếng Trung trong một hiệu sách ngoại văn trên Chợ Lớn.

Có thể nói sự đổi mới văn học ở Liên Xô không chỉ góp phần đem lại làn gió mới cho khoa nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam; mà còn chuẩn bị tâm thế cho thế hệ học giả trẻ kế tục tiếp thu thuận lợi hơn những thành tựu và kinh nghiệm của học giới phương Tây, khi đất nước đã mở rộng cánh cửa hội nhập với thế giới. Sự kết hợp hài hòa của hai nguồn ảnh hưởng này được nâng cao là đặc điểm của sự phát triển khoa học nhân văn Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21.

Nhìn lại tấm ảnh chụp ba người chúng tôi trước nhà bảo tàng M. Bulgakov ở Kiev (in trong Tuyển tập Trần Đình Sử, tập 2, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2005, tr. 237), mới đó mà hơn 30 năm đã trôi qua. Sau chuyến đi đó, tôi có nhiều dịp cộng tác và gặp gỡ với giáo sư Trần Đình Sử, lúc ở Hà Nội, lúc ở Tp. Hồ Chí Minh. Qua những công trình mới của ông, những cuộc hội thảo khoa học, những đề tài nghiên cứu tập thể, tôi luôn học hỏi ở ông tinh thần lao động không mệt mỏi, kiên trì hướng đến những khám phá khoa học vừa đề cao tính nghệ thuật và đặc trưng thẩm mỹ, vừa tôn trọng chức năng xã hội và giá trị nhân văn của văn học; kết hợp tiếp thu tinh hoa văn học thế giới với nỗ lực phát huy phẩm chất văn hóa của dân tộc mình.

Huỳnh Như Phương

Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 378/08-2020.

........................................

(*) Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử sinh ngày 10/8/1940 tại thành phố Huế, nguyên quán thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Tác phẩm chính: Thi pháp thơ Tố Hữu, Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Những thế giới nghệ thuật thơ, Lý luận và phê bình văn học, Dẫn luận thi pháp học văn học, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Đọc văn - học văn, Văn học và thời gian, Thi pháp Truyện Kiều, Tuyển tập Trần Đình Sử (2 tập), Một nền lý luận văn học hiện đại (nhìn qua thực tiễn Trung Quốc), Trên đường biên của lý luận văn học, Giáo trình lý luận văn học (chủ biên, 2 tập), Tự sự học - lý thuyết và ứng dụng (chủ biên).

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63695761
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16053
23426
63695761

Thành viên trực tuyến

Đang có 569 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website