Cánh tay và cái đẹp của bản ngã tính nữ

        Kawabata, nói như MishimaYukio, là “người lữ khách muôn đời đi tìm Cái Đẹp”, dường như đã dồn khá nhiều tâm sức trong việc phát hiện cho kỳ được những gì là tố chất làm nên bản thể cái đẹp của nữ giới, trong mối tương tác sinh động với phái mạnh, với quan hệ “cho và nhận” trong tình cảm, cảm xúc. Chính vì vậy, dường như không ở tác phẩm nào của Kawa, ta lại không được gặp gỡ và nhìn ngắm những nét dáng nữ tính đặc biệt. Và các cô gái của Kawa, những bức chân dung sống động đến độ lấp lánh ấy, dù được vẽ nên bởi những đường nét không trùng lặp, vẫn đồng qui ở một điểm: đều là những ca thể nghiệm của Kawa trong nỗi khao khát chỉ ra được đúng cái bản ngã tính nữ tuyệt đẹp mà có lẽ nhà văn  đã nhìn thấy – một cách hân hoan – nơi giới nữ ở đất nước mến yêu của mình.

 

            Cánh tay  cũng nằm trong cuộc hành trình khám phá cái bí mật ấy, nhưng lại được Kawa tiếp cận từ một tọa độ hơi khác thường; ở đó, cái đẹp kia chuyển sang một cung bậc mới, được cảm nhận bằng những rung động đầy bí ẩn, huyền hoặc của tâm linh; như một tấu khúc với sự hòa quyện của nhiều loại thanh âm: ý thức và vô thức, hiện thực và ảo ảnh, tri giác và tưởng tượng, sáng rõ và hư ảo, tỉnh thức và mộng mị…

            Vào một đêm sương ẩm ướt, khi đài báo đồng hồ có thể chạy sai giờ, phụ nữ có mang và những người buồn phiền nên đi ngủ sớm, khi hổ, báo trong vườn bách thú trở nên cuồng nộ, khi lòng đất cũng lên tiếng rên xiết, khi khối sương mù dày đặc có thể đổi màu bất kỳ như trò phù thủy…; vào một đêm như thế, người kể chuyện đã mượn của một cô gái một cánh tay và mang về phòng mình, rồi qua đêm cùng nó. Thế là, cái căn phòng vốn vẫn lặng lẽ, và người chủ của nó vốn vẫn cô đơn, bỗng được trải qua những giờ khắc hết sức lạ thường. Người đàn ông đã trò chuyện vô cùng thân ái với cánh tay, và về phần mình, cánh tay cũng đáp ứng một cách hồn hậu, dịu dàng mọi yêu cầu của người đang sở hữu nó. Trong chỗ ở mới, cánh tay tỏ ra vừa lòng, dễ chịu, và mang lại cho chốn không gian vốn vẫn ảm đạm ấy một thứ sinh lực tràn trề. Người đàn ông, trong một cảm xúc thiết tha, đã ráp nối cánh tay ấy vào chính bờ vai mình, và cứ thế, ấp ủ nó suốt đêm trong một tâm cảm yên lành chưa từng có.

            Ay chỉ là một cánh tay , nhưng lạ lùng sao, lại là một cánh tay biết nói, một cánh tay có linh hồn, và hơn thế nữa, có một tâm hồn. Cánh tay không muốn xa rời kỷ vật của mẹ; nó sợ sệt co người lại khi bất ngờ nghe thấy tiếng còi xe; nó cảm nhận ngay tức thì mùi hương mộc lan khi vừa vào phòng; nó khẽ khàng gom lấy những vụn nhị hoa rơi rắc trên mặt bàn; nó trầm trồ trước  tấm khăn trải giường tươi tắn; nó ngắm nghía tấm màn cửa sổ cùng màu; và khi đến với người đàn ông, dẫu chỉ là một phần thân thể, nó vẫn muốn có được vẻ mềm mại đáng yêu; nó hiền hòa, gần gũi một cách giản dịvà chân tình, nó không ngần ngại tin yêu, nhưng vẫn giữ gìn, e ấp, và thường khi lặng lẽ. Về phần nó, nó cũng cần một sự chăm chút – cánh tay ấy, với làn da khả ái, với những chiếc móng nhỏ trau chuốt, tinh tươm, và hẳn chiếc nhẫn cũng là chút làm duyên kín đáo.

             Tất cả những biểu hiện ấy, và những nét rất “cá tính” khác nữa, tiết lộ điều gì, nếu không phải là bằng chứng của một tấm lòng đôn hậu, một nhiệt tình mang lại sự dịu ngọt cho đời, một khả năng sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu đến từng ý nghĩ thầm trong tâm tư người kề cận? Và không nghi ngờ gì nữa, ở đó còn là một cảm xúc nồng hậu, tinh tế đối với cái đẹp, cùng là nhiệt tâm giữ gìn, trân trọng nó.Cũng không khó để thấy rằng, ấy chính là những đường nét không thể nhầm lẫn của cái đẹp nữ giới – ở đây là của một cô gái Nhật; cái đẹp mà sự trinh nguyên của nó còn chưa bị làm cho méo mó đi bởi sự tác động của những yếu tố ngoại giới tiêu cực.

            Cái đẹp của cánh tay, cái đẹp – nữ tính ấy, có thể thấy, được Kawa thể hiện không phải qua sự miêu tả, mà bằng khả năng cảm nhận tinh tế đến từng sự dịch chuyển nhỏ nhất, mong manh nhất như những nhịp luân lưu tế vi của mạch máu. Ở đây, chúng ta được chứng kiến một sự sẻ chia tuyệt vời về tinh thần, cảm xúc; qua đó, bừng sáng một cảnh tượng đẹp đẽ của sự hòa điệu về tâm hồn, và rộn rã những thanh âm đầy nhân bản. Cũng chỉ bằng một sự giao hòa hiếm có như vậy, nhân vật người đàn ông kia, hay cũng chính là Kawa, mới có thể tiếp cận và nhận biết được cái lớn lao, và cao vời của cái đẹp thực sự của bản ngã tính nữ.

             Kawa, chàng lãng tử, mà cũng là nhà hiền triết suốt đời tìm kiếm cái đẹp ấy, đã liều lĩnh làm một sự bứt phá, khi chọn cho mình một góc độ có ve  không nhiều hứa hẹn, để thể hiện cái đẹp kia. Thế nhưng, cái hiệu quả nghệ thuật mà tác phẩm lạ lùng ấy đạt được lại quá bất ngờ. Người ta không chỉ nhìn thấy ở đó mỗi hình hài một cánh tay, mà còn là sự kết tinh của vẻ đẹp, đúng hơn, là cái đẹp nữ tính của những Kaôru trong Vũ nữ Itzu; Kômakô, Yôkô ở Xứ tuyết; Yukikô, Fumikô ở Ngàn cánh hạc; Chiêkô, Nakiô trong Cố đo; Mitikô trong Tiếng gieo xúc xắc ban khuya; Kyôkô trong Trăng soi đáy nước…., và nhiều cô gái nữa trong các tác phẩm của Kawa cùng là những nhà văn  Nhật khác. Và hẳn là ở đó ta còn có thể nhìn thấy cái tinh tế, kỳ ảo của cảm xúc từng làm sáng rỡ những thiên diễm tình của hoàng tử Genji với những cô gái, nói như Tagore, “ nửa là đàn bà, nửa là giấc mộng”. Và phải chăng, cũng ở đó, cái đẹp kia lại thấm đẫm cái huyền diệu, sâu thẳm, lặng lẽ của nghệ thuật Nô; cùng với cái lắng đọng, xuyên thấm, đầy dư tình của những vần Haikư nữa? Và tất cả những điều đó xuất phát từ  đâu, nếu không phải từ  cái đẹp của văn hóa truyền thống Nhật?

            Có lẽ Cánh tay là một trong những truyện lạ trên thế giới, không hẳn thuộc loại “quái dị”, nhưng rõ ràng, một phương thức nghệ thuật mang tính bao trùm của nó là sự trộn lẫn mộngthực ; cũng chính điều đó đã đem lại cho vẻ đẹp được thể hiện ở tác phẩm thêm một chiều kích nữa, là độ sâu, gắn liền với sự trầm tư, suy gẫm. Hẳn là khó mà chỉ ra một cách minh bạch đâu là những yếu tố thực, đâu là phần tưởng tượng, thậm chí, phản hiện thực của câu chuyện. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề ở đây không phải là đặt câu hỏi rằng điều đó có thực hay không, mà lại là: tất cả những biểu hiện đó mang lại cho ta cảm xúc ra sao, và gợi nên tâm cảm thẩm mỹ thế nào.

             Người đàn ông đã qua đêm chỉ với cánh tay của một cô gái, nhưng vẫn có được một mối quan hệ nồng nàn, với sự xúc động mãnh liệt, và đã được thỏa mãn trọn vẹn về cảm xúc , cũng là điều anh ta mong đợi. Tuy vậy, có thể thấy, cái mà anh ta đạt tới, không thể đồng nhất với sự hoan lạc thường tình của quan hệ xác thịt( cũng không hẳn vì bạn tình của anh ta chỉ là một cánh tay), mà là đỉnh cao của sự thỏa mãn nhục cảm-tinh thần, nói khác đi, như một sự thăng hoa nào đó của nhục tình; mà điều đó, phải chăng, dễ có được hơn khi diễn ra trong vòng mộng mị? Chikamatsu, “Shakespeare của Nhật Bản”, từng ngẫm nghĩ, “nghệ thuật là cái gì đó nằm trên mép bờ mong manh giữa thực và ảo …; nó là ảo, song cũng chẳng phải là ảo; nó là thực, song cũng chẳng phải là thực …”. Cái cảm xúc khoái lạc trong trẻo được thể hiện ở đây chính là một hiện hưũ kỳ diệu như vậy, và hẳn ấy cũng là cái đẹp mà Kawa muốn tìm kiếm và diễn đạt.

             Nếu trong nhiều tác phẩm của Kawa, sự tiếp nhận của người đọc vẫn dựa trên một cơ sở thường được gọi là hiện thực, và sự mở ra các cảm xúc dường như chỉ là một tiếp nối tất yếu trên cái nền ấy, thì với Cánh tay , mọi điều không diễn ra theo cách thế như vậy. Hẳn không ít người cảm thấy bối rối vì chạm phải một thứ  hiện thực có vẻ  “nghịch dị”, làm xáo trộn ít nhiều những mối xúc cảm “qui phạm”. Phải chăng, Kawa đã làm bật ra được một dạng thức độc đáo của cái đẹp, chính trên cơ sở cái “nghịch dị” đó, một phát hiện đặc sắc trong cuộc khám phá cái bản ngã tính nữ  vốn đã được khai thác một cách đa diện qua các chân dung nữ ở các tác phẩm của ông?

            Cái đẹp nguyên sơ, bản chất của sự vật đã bị những xô bồ, phù phiếm của cuộc sống hiện đại hủy hoại, hay chí ít, làm cho biến dạng. Trong nỗ lực tìm lại bản thể của tự  nhiên như một nhu cầu, và cũng nhằm cân bằng lại sinh thái văn hóa Nhật vốn có một truyền thống sáng đẹp, nhiều nhà văn Nhật, qua các tác phẩm của họ, đã đến với thiên nhiên, với những đời sống hoang dã, như tìm về một thứ  cội nguồn ban sơ, còn Kawa thì lại truy tìm cái đẹp ấy ngay trong lòng thực tại náo loạn của thời hiện tại.

             Nhân vật tôi-người đàn ông trong truyện đã phải vượt qua bao nhiêu thứ nguy cơ rình rập, và trải qua lắm nỗi âu lo, hãi sợ mới đưa được cánh tay về phòng mình một cách yên lành. Cái thứ sương mù đặc quánh, những tiếng còi xe thảng thốt, những vòng ánh sáng ma quái, những ánh mắt đe dọa, những dự báo chẳng lành …; và nữa, những thấp thỏm, ám ảnh, những lo lắng xâm chiếm người đàn ông chính ngay trong căn phòng của mình…, chẳng phải là những biểu hiệu cho hiện thân của thời buổi bất an đó sao?

            Thế nên, cái đẹp, cũng là cái thiện, được thể hiện trong sự tương giao giữa người đàn ông và cánh tay cô gái, mang một ý nghiã nhân bản đẹp đẽ. Nó chứng tỏ rằng, giữa cuộc sống mẫn cảm với cái hời hợt hơn là cái sâu sắc, dễ dãi hơn là chọn lọc, tồi tệ hơn là tốt lành ấy, cái đẹp vẫn không bị hủy diệt; và sự cảm nhận cái đẹp vẫn không bị thui chột đi, nếu ta biết cách tìm đến nó, nâng niu, giữ gìn và nuôi dưỡng nó; bằng không, sẽ chẳng bao giờ có thể chạm tay đến được món quà quí giá mà thượng đế đã hào phóng ban tặng cho ta ấy.

            Nhân vật người đàn ông, ở cuối truyện, khi tỉnh giấc, hết sức bàng hoàng vì thấy cánh tay mình lăn lóc trên giường, đã vội vã giựt phắt cánh tay cô gái ra khỏi vai để lắp lại tay mình như cũ – dù chỉ trong khoảnh khắc vô thức, vẫn cho thấy sức mạnh của cái quán tính đáng sợ của con người: dễ dàng bỏ mất bản ngã mình, để rơi vào sự cám dỗ của cái thực dụng. Cánh tay từng nhắc người đàn ông nhớ đến việc “ con người đi quanh tìm kiếm bản ngã”, và theo nó, điều đó thực sự khó khăn. Giờ đây, chính con người đã tìm thấy sự an lành trong mối giao cảm với cánh tay-cái đẹp ấy, lại vô tình rời xa bản ngã. Và rồi, vì chợt nhận ra lỗi lầm của mình, anh ta lại khao khát ôm giữ  điều thánh thiện.

            Bằng lối đi riêng của mình, Kawa, người kể chuyện, đã thể hiện nghệ thuật độc đáo qua một cuộc kiếm tìm ngoạn mục, mượn lời của Bashô, là đa “lặn sâu vào trong lòng sự vật để nhìn thấy điều gì đó tựa như tia sáng mờ ảo đang ẩn dấu ở đấy”, và cuối cùng, chúng ta được nhìn thấy sự ngời sáng từ cái đẹp của bản ngã tính nữ, như một xác tín cho sự hiện tồn của cái nhân bản giữa những rối rắm của thời hiện đại.

            Trong lễ nhận giải Nobel văn học 1968, Kawabata đã đọc một diễn từ với nhan đề “Nhật Bản, cái đẹp, và tôi”, phải chăng với Cánh tay , ông đã thể hiện được một điều rất tâm đắc về Cái Đẹp ấy, và đã chuyển tải nó một cách kỳ diệu qua các trang văn của mình, với một “ nghệ thuật viết văn tuyệt vời và tình cảm lớn lao, thể hiện được bản chất và cách tư duy Nhật bản”, như lời nhận xét của Uy ban trao giải về phong cách nhà văn ?      

 

                                                                                                    TRẦN THỊ QUỲNH THUẬN

                                                                                      (Tạp chí Văn 6/2003)  

Thông tin truy cập

63613146
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20468
10905
63613146

Thành viên trực tuyến

Đang có 672 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website