Tinh thần Thanh giáo: truyền thống Anh trong văn học Mỹ thời Kiến tạo

(Trần Thị Thuận, In trong " Những vấn đề ngữ văn " (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)

Nền văn học Mỹ trẻ trung, sung sức đã có một quá trình hơn bốn trăm năm xây dựng và phát triển, và đã tạo được một vị thế “lớn” trong danh sách các nền văn học trên thế giới. Tuy vậy, những câu hỏi hệ trọng vẫn luôn được đặt ra: trở về với thực tiễn lịch sử, nước Mỹ há chẳng phải là một “khúc ruột” của tổ quốc Anh sao? Với căn cơ tách ra từ một cái nôi văn hóa và văn chương cổ kính và bề thế như vậy, liệu nền văn học Mỹ mới có phải là một nhánh của văn học Anh? Liệu văn học Mỹ có thể phát triển độc lập, để hình thành và khẳng định một “chất Mỹ” thay vì “chất Anh”? 

Thực tế là, già bốn thế kỷ qua, văn học Mỹ đã phải trải qua những chặng đường gian nan, không chỉ để lớn mạnh như một cơ thể đủ sinh lực và tiềm lực, mà còn là để sống bằng chính hơi thở Mỹ, bước đi trên chính đôi chân Mỹ, và cảm xúc qua chính tính cách Mỹ của mình. Cuộc đấu tranh của người Mỹ nhằm vươn đến một nền văn hóa, văn học không bị cái bóng Anh quá lớn che phủ đã diễn ra một cách cam go, lâu dài và đầy “kịch tính”, trong ý nghĩa thường trực phải giải quyết mối xung đột mang tính nội tại, với cơ sở tranh chấp nằm trong chính tư duy, nhận thức của chủ thể, và khó có thời điểm kết thúc.

Văn học Mỹ chính thức được khởi dựng vào thời kỳ Phục hưng, khi cộng đồng Anh vượt Đại-tây-dương đến Tân thế giới để xây dựng cơ nghiệp mới. Cũng như những vị tiền bối phiêu lưu của dân tộc Anh ngày nào chọn xứ đảo sương mù làm quê hương, mà hành trang mang theo, ngoài lửa, vũ khí, dụng cụ lao động, vợ con…, còn là một di sản văn hóa của cha ông họ ở vùng Bắc Âu; những hậu duệ Anh di cư giờ đây cũng không quên gói ghém tất cả tài sản vật chất và tinh thần từ cố quốc để kiến tạo cuộc sống trên xứ sở mới. Nói cách khác, cơ sở đời sống văn hóa, văn học Phục hưng Anh chính là cái nôi trực tiếp, là những viên gạch đầu tiên làm nền cho văn học Mỹ.

Cụ thể, thực tiễn văn học Mỹ ở thời đoạn trong khoảng một thế kỷ rưỡi, từ cột mốc lập quốc 1607, nhìn một cách khách quan, chính là một nhánh “thứ phát” của gốc cây văn học Anh. Với mối liên hệ hữu cơ, máu thịt khó có thể chia cắt, tác phẩm của các nhà văn Mỹ thể hiện tính chất mô phỏng văn học Anh Phục hưng và truyền thống văn hóa Anh nói chung một cách rõ nét. Như vậy, ở bên này đại dương, lại có thể tìm thấy các tập quán văn hóa cùng các mô hình nghệ thuật Anh, trong bối cảnh cuộc sống mới.

Không khó để chỉ ra các đường dẫn giữa văn chương thuộc địa với các tác phẩm đã thành danh của những nhà văn Anh đàn anh. Đó là sự nối kết giữa các sáng tác tường thuật về các chuyến vượt biển sang Tân thế giới và việc khởi nghiệp của người Anh di cư trên các vùng đất mới của John Smith, William Bradford, William Byrd… với các ghi chép về những cuộc thám hiểm các xứ lạ của Richard Hakluyt, Sir Walter Raleigh…; hoặc các biên niên sử và biên khảo nổi tiếng của Raphael Holinshed, John Stow, William Camden… Tập thuật sự Những việc làm vinh quang của Thiên chúa trên đất Mỹ [Magnalia Christi Americana] của Cotton Mather tái hiện cuộc đời các “vị thánh” của New England mang nhiều âm hưởng bản dịch nổi tiếng của St. Thomas North Những cuộc đời của Plutarch [Plutarch's Lives] từ tác phẩm biên khảo về tiểu sử các danh nhân Hy-lạp và La-mã cổ đạicủa Plutarch; và xa hơn nữa, là tác phẩm Lịch sử giáo hội của dân tộc Anh [Ecclesiastical History of English People] của Bede vàothế kỷ VII thời Trung đại. Hoặc các tác phẩm thần học, triết luận của Jonathan Edwards, Cotton Mather, Nathaniel Ward…, ởcác phương diện nhất định, có thể xem là sự nối dài thành tựu của các tác giả Anh lớn thời Phục hưng: Roger Ascham, Richard Hooker, John Donne…

            Trong bức tranh văn học Anh “phục sinh” trên đất Mỹ ấy, bên cạnh các thành tựu vùng miền khác với những đặc trưng riêng, văn chương Thanh giáo New England chiếm một vị trí rất đặc biệt, không chỉ ở khối lượng tác phẩm đáng kể, mà còn bởi vai trò quan trọng của nó đối với việc tạo lập cơ sở, cũng như định hướng cho nền văn học Mỹ. Qua đó, có thể tìm thấy ở đây phiên bản một góc thế giới Anh, chia sẻ các truyền thống lớn của văn hóa và văn học Anh một cách sống động.

1. Thanh giáo: chiếc cầu bắc qua đại dương

Vào thời Phục hưng ở Anh, đặc biệt là dưới triều đại Elizabeth I, các nhân tố tiến bộ đã mở ra triển vọng về một kỷ nguyên nhân bản và phồn vinh cho đất nước, thế nhưng cục diện mới ấy đã không đủ sức thành hình một cách trọn vẹn: những thế lực cũ, lề thói cũ vẫn không bị đánh bật khỏi chỗ ngồi thâm căn cố đế của nó, và trước sau, xứ đảo Anh vẫn cứ là vương quốc của sự sóng đôi giữa cấp tiến và bảo thủ, dân chủ và quân chủ chuyên quyền; cùng với các mối xung đột thường trực và kịch liệt về chính trị, sắc tộc…; và nhất là tôn giáo, vốn là một lĩnh vực quan yếu trong đời sống tinh thần, lại bị lũng đoạn bởi vương quyền với những quan điểm hẹp hòi.

Cũng từ thời điểm đó, ý thức rằng không thể chuyển đổi được sự độc đoán và nhận thức thấp kém của giáo hội Anh, một bộ phận tín đồ Cơ-đốc đã lập nên tôn giáo riêng của mình, và các Puritan- tín đồ Thanh giáo, từ đó đã chọn lựa một cách sống, một điểm đích nhân sinh phù hợp với tâm nguyện. Từ tình cảnh thực tế của thân phận những kẻ ly khai với sự cai trị chuyên quyền, và chính sách ngược đãi các giáo phái của những bạo chúa tôn giáo như James I, Charles I, thiên đường ảo tưởng trên mặt đất trong mơ ước của họ đã nhanh chóng biến thành một địa ngục có thật. Chẳng còn con đường nào khác, các tín đồ Thanh giáo xác quyết chỉ có duy nhất một cõi địa đàng vĩnh hằng sau cái chết.

Thanh giáo- Puritanism, với “pure” ở đây có nghĩa là thanh khiết, trong trẻo, đức hạnh… xây dựng triết lý dựa trên tín lý Calvin, nhằm cải tổ Cơ-đốc giáo theo một lý tưởng chính trực, với hình thức hành đạo phù hợp. Với một giáo thuyết cận nhân sinh, cộng đồng Thanh giáo thực tế đã trở thành một lực lượng gieo trồng các nhân tố bổ khuyết cho văn hóa Phục hưng Anh, khiến nó được hoàn thiện. Nói cách khác, chính văn hóa Thanh giáo đã nâng cao và phát huy hơn nữa những ưu chất văn hóa thời Elizabeth I.

Trong suốt hơn hai thế kỷ vừa gây dựng cộng đồng, vừa phải chống chọi với chính sách đối xử bất công của chính quyền, những người Thanh giáo Anh kiên cường vẫn giữ vững tín lý nhất quán của mình. Và khi bắt tay xây dựng một cuộc sống mới ở Tân thế giới, thì cộng đồng Thanh giáo di cư vẫn tiếp tục duy trì một sự nghiệp Thanh giáo “thuần khiết”, khi mục đích tối hậu của họ là tìm kiếm một đời sống tinh thần lý tưởng, chứ không vì sự giàu có vật chất, quyền lực, hay ngay cả sự thỏa mãn về nhu cầu hiểu biết như với nhiều người Anh tha hương khác.

Về nhiều phương diện, các tín đồ Thanh giáo Mỹ là sự tiếp nối hình mẫu con người Phục hưng Anh; và hơn thế nữa, với nhiều thử thách, cùng những cơ hội ở một thế giới mới, họ đã làm nên nhiều điều kỳ diệu. Thật vậy, trong thời kỳ kiến tạo một New England- nước Anh mới trên đất Mỹ từ 1620 đến 1640, chỉ khoảng 20.000 tín đồ Thanh giáo đã thiết lập được một vương quốc văn hóa riêng biệt, góp phần tích cực để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình xây dựng một Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lớn mạnh hiện tại.

            Không thể phủ nhận là các tín lý Thanh giáo vừa đầy tính nguyên tắc, khắt khe, khô cứng; song về cơ bản, vẫn rất thiết thực, bởi không xa rời thực tế đời sống. Theo đó, mỗi tín đồ Thanh giáo phải vươn lên không ngừng về trí tuệ, bằng cách xem các hoạt động trong lĩnh vực tri thức, tinh thần vừa là mục đích, vừa là phương tiện để tích lũy kinh nghiệm và trau giồikỹ năng nhận thức của mình. Nhưng mặt khác, mỗi cá nhân cũng phải hết sức nỗ lực vì một cuộc sống vật chất sung túc; bởi đó vừa là bằng chứng của sự phấn đấu toàn diện, đồng thời, là phương tiện thực tế để theo đuổi lý tưởng tinh thần của bản thân.

Có lý do xác đáng để liên hệ triết lý Thanh giáo với chủ nghĩa tư bản qua những tương đồng cơ bản về định hướng đấu tranh trong cuộc sống. Tuy nhiên, Thanh giáo còn biết cách bảo vệ cho tiền đồ của mình: đạo đức Thanh giáo yêu cầu việc mưu cầu lợi ích cá nhân không tách rời quyền lợi của cộng đồng.

Trong bối cảnh định cư của các tín đồ Thanh giáo trên đất Mỹ, mọi phương diện trong môi trường mới chính là cơ hội thử thách để họ vượt qua bằng năng lực và bản lĩnh Thanh giáo của mình.

Trên quê hương mới, hay “New Eden” của cộng đồng Thanh giáo, các mục sư Thanh giáo đáng kính cũng là những người cha tinh thần, truyền giảng cho các thế hệ con cháu mọi bài học Thanh giáo thiết yếu, được hỗ trợ bởi môi trường Thanh giáo ở từng gia đình và giáo xứ. Và kết quả của quy trình giáo dưỡng “khép kín” ấy là sự phát triển vững chắc một cộng đồng Thanh giáo “thuần chủng”, cùng là sự duy trì lâu dài một truyền thống văn hóa, một tinh thần Thanh giáo bất khả xâm phạm. Điều đáng lưu ý, là bản thân các mục sư lãnh đạo, đồng thời cũng là các nhà văn, và chính văn chương của họ sẽ đóng góp một phần rất quan trọng làm nên gương mặt văn hóa, tinh thần của New England, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nó.

Buổi đầu của sự nghiệp Thanh giáo trên đất Mỹ ghi nhận tên tuổi của nhiều vị công thần văn hóa và văn học New England, đã hiến mình cho đức tin và tận tâm tận lực vì một quê hương Thanh giáo thứ hai ở Tân thế giới. Thuộc thế hệ trưởng thành tại Anh và di cư sang Mỹ, có William Bradford (1590-1657), John Winthrop (1588-1649), Roger Williams (1603-1683)… Thế hệ sinh ở Anh, hoặc ở Mỹ, nhưng được đào tạo tại Mỹ, là Cotton Mather (1663-1728), Samuel Sewall (1652-1730), Edward Taylor (1644-1729), Michael Wigglesworth (1631-1705), Jonathan Edwards (1703-1758)… Riêng Nathaniel Ward (1578-1652), dù chỉ đến Mỹ định cư trong 12 năm, nhưng có vai trò tinh thần hết sức quan trọng đối với địa phương tòng sự là Massachusetts.

Tuy nhiên, không phải chỉ có các mục sư uyên bác, mà mọi tín đồ Thanh giáo đều được tạo điều kiện để thấm nhuần và thực thi một cách qui chuẩn văn hóa Thanh giáo, từ quan niệm nhân sinh, đạo đức, đến cách hành xử xã hội, gắn liền với một đức tin bền vững.

Có thể nói, truyền thống Thanh giáo New England, với những thành tựu văn hóa, tinh thần ưu việt, đã góp phần đặt nền móng cho một nền văn hóa Mỹ trong tương lai.

2. Truyền thống Thanh giáo với những gương mặt văn chương tiêu biểu của New England thời khởi dựng

               Trên quê hương mới, văn học ở miền Nam- Virginia đã tiếp nối truyền thống văn hóa Phục hưng- quý tộc Anh. Với các thuộc địa miền bắc- New England, bức tranh văn chương cũng cho thấy sự nuôi dưỡng nguồn mạch Anh, nhưng trong dòng chảy Thanh giáo.

               Nhìn chung, trong quỹ đạo vận dụng các nguyên lý lao động, sáng tạo của triết lý Thanh giáo, văn chương có một chỗ đứng đặc biệt; và tại Tân thế giới, thế kỷ XVII chính là thế kỷ văn học Thanh giáo của người Anh. Về truyền thống văn hóa và văn học, cộng đồng Thanh giáo Anh ở hai bờ đông và tây Đại-tây-dương, cho đến thời điểm này, và trong khoảng cả thế kỷ nữa, là không hề chia cắt. Với hoàn cảnh thực tế, các tác giả New England còn có thêm niềm tin thiêng liêng vào nhiệm vụ lớn lao của chính họ trong sự nghiệp xây dựng một vùng “đất thánh mới” cho cộng đồng Thanh giáo Anh. Chuyến đi xuyên đại dương và công cuộc định cư tại tân thế giới của những “người hành hương” trên chuyến tàu Mayflower thực sự là một câu chuyện mang tính ẩn dụ đầy ý nghĩa về “sứ mệnh của những kẻ được chọn” bởi ân sủng của Thượng đế.

               Thế nên, nhiều sáng tác của họ, dù nội dung chỉ đơn giản là những dữ kiện “người thực việc thực”, thì cũng đã là một “bị vong lục” về việc thực hiện lý tưởng lớn lao của những tín đồ Thanh giáo. Bởi, con mắt tâm linh đã mách bảo, chẳng phải họ là những người Israel vừa rời bỏ đất Ai-cập vì sự tàn bạo của quân nghịch đạo, rồi vượt qua biển Đỏ, và cũng với “phép lạ” của Thiên chúa, đã vào hoang mạc để đến vùng đất Canaan đó sao? Chẳng phải bản Thỏa ước Mayflower [The Mayflower Compact] cũng không xa với bảng chứng Mười điều răn của Chúa? Và tại đây, những William Bradford, John Winthrop, Cotton Mather…, các lãnh tụ lớn của cộng đồng Thanh giáo, đã tận tâm tận lực cùng các tín hữu xây dựng miền đất hứa, có khác gì những hiện thân của thánh Moses?

               Qua mảng văn học Thanh giáo thời kỳ này, với một khối lượng tác phẩm thuộc loại “bề thế” nhất, so với thành tựu văn chương ở các thuộc địa khác, có thể tiếp cận một cách khá toàn diện thực tế đời sống New England và nước Mỹ buổi đầu xây dựng. Bức tranh đời và đạo sống động ấy được thể hiện trên các trang viết với nhiều hình thức: từ thuật sự, nhật ký hành trình đến nhật ký riêng tư, từ ghi chép các sự kiện thực tế của địa phương đến tái hiện, diễn giải Kinh thánh, từ triết luận về các chủ đề chính trị, văn hóa, tôn giáo, xã hội… đến các trầm tư nhân sinh, triết học... Về cơ bản, văn học New England chia sẻ những đường nét lớn với thành tựu văn chương của các cộng đồng Anh trên đất Mỹ, qua các đặc điểm của thời kỳ đầu định cư; nhưng đồng thời, với sự chi phối mạnh mẽ của văn hóa Thanh giáo, các tác phẩm dù được sáng tạo với dạng thức nào, khai thác đề tài gì, thì nói chung, vẫn đồng quy ở một định hướng tinh thần, đó là cổ xúy cho đức tin Thanh giáo, giáo huấn đạo đức Thanh giáo, và truyền bá, đề cao một chuẩn mực thẩm mỹ Thanh giáo đặc thù.

               Song có điều cần làm rõ, văn chương New England, dù vẫn nối kết chặt chẽ với văn học Thanh giáo ở mẫu quốc Anh, và không xa rời cốt lõi của lý tưởng Thanh giáo “chuyên chính”; nhưng sinh thành trên đất Mỹ, được nuôi dưỡng bởi những tố chất của bối cảnh mới, và được bổ sung các chất liệu mới, nên sẽ thể hiện một cách nhìn nhân sinh gắn liền với những điều kiện mới.

               Qua đa dạng các giọng tự sự của các cây bút với chức năng và tư thế kép: là nghệ sĩ, đồng thời cũng là những tu sĩ “thuần thành”, lại là các tài năng, bản lĩnh và nhân cách lớn, chúng ta sẽ được chứng kiến một bức tranh tinh thần Thanh giáo sinh động, với nhiều cung bậc xác tín; thậm chí, có mặt cả những “đối âm”, nhưng chung quy, vẫn thuộc về một quỹ đạo vận động đồng chất, và đều hướng tới việc vun đắp cho ngôi nhà chung Thanh giáo được vững vàng, trường cửu.

            Nathaniel Wardthuộc nhóm các nhà văn Mỹ “đến rồi đi”, nhưng vị mục sư- trạng sư uyên bác này vẫn ở trong số các nhân vật lãnh đạo hàng đầu thuộc địa Vịnh Massachusetts vào nửa đầu thế kỷ XVII. Từ vị  trí chủ chốt ấy, Ward đã nỗ lực bảo vệ cho bức tường đạo đức Thanh giáo cả trong hoạt động thực tiễn lẫn văn chương.

Với Cương yếu về các đặc quyền [The Body of Liberties], có thể tìm thấy những đường nét gốc rễ của tinh thần Thanh giáo qua sự xác định quan niệm về dân luật, dân quyền, gắn liền với nội dung Kinh Thánh. Bên cạnh văn kiện hành chính ấy, Ward còn viết một “văn kiện đạo đức”, thể hiện lý tưởng đẹp đẽ của một tín đồ Thanh giáo. Đúng với tư thế và phẩm chất của một mục sư lãnh đạo Thanh giáo kiểu mẫu, Ward tự nhận mình là “người thợ vá giày”, và có tham vọng dùng văn chương để góp phần xây dựng và phát triển một xã hội New England chuẩn mực, mà vào thời đại ông, điều đó đồng nghĩa với một xác tín mang tính thực tế. Khát vọng nghiêm túc và thực tiễn ấyđược thể hiện trong nhan đề đầy đủ của tác phẩm: Người thợ sửa giày trung thực xứ Aggawam tại Mỹ. Mong muốn góp sức sửa chữa đất nước mình, đã rách nát thảm thương, cả ở phần da giày phía trên lẫn phần đế, với tất cả năng lực khiêm tốn có được. Và không bao giờ muốn được những người Anh cũ trả công cho việc làm của mình. Vì cách kinh doanh của ông ta thực sự là vá giày quanh năm miễn phí [The Simple Cobbler of Agawam in America. Willing to help mend his Native Country, lamentably tattered, both in upper-Leather and sole, with all the honest stiches he can take. And as willing never to be paid for his work, by old English wonted pay. It is his trade to patch all the year long, gratis].

               Cũng trong quỹ đạo giáo huấn, xuất phát từ “cảm hứng tội lỗi- trừng phạt” kinh điển, vốn gắn liền với tâm niệm của các tín đồ Thanh giáo, Michael Wigglesworth, một mục sư và bác sĩ y khoa - người thày thuốc của cả linh hồn và thể xác, đã “hành đạo” qua văn chương vớiNgày phán xử cuối cùng.

               Cũng “mộc mạc” như sự chuyển tải đạo đức Thanh giáo qua cách nói của Ward, ngày tận thế trong sáng tác của Wigglesworth được kể lại như một câu chuyện thực tế phù hợp với sự tiếp nhận của mọi đối tượng. Cũng dễ hiểu khi bài ballad bình dân dài hơi này lại là một trong những tác phẩm “best seller” đầu tiên ở Mỹ. Bởi tính giáo huấn của nó là trực tiếp, thông qua sự tác động sâu xa của các hình tượng “khủng khiếp”, về hình phạt mà Chúa trời sẽ ra tay thực hiện đối với những kẻ phạm tội. Đây là cảnh quan “hiện trường”, chuẩn bị cho cuộc “đại trừng phạt”: “Núi rừng bốc khói, đồi gò rung chuyển,/ mặt đất bị xé nát, tơi tả,/ Như thể bị phân rã đến cùng kiệt/ hay tan ra từ chính giữa lòng đất/ Biển cả gầm thét, tách ra khỏi bờ/ và co rúm lại vì sợ hãi/ Vô số dã thú biến mất vào lòng biển khơi…”[1]. Trong suốt mấy thế kỷ, câu chuyện bằng thơ này đã khắc sâu trong trí nhớ của các tín đồ Thanh giáo New England, từ già đến trẻ, thay thế một cách hiệu quả cho các loại sách vở củng cố đức tin và đạo đức Thanh giáo.

               William Bradford, vị mục sư Thanh giáo thông thái, thong thạo nhiều ngôn ngữ, thống đốc thuộc địa Plymouth, cũng là người đóng góp các tác phẩm thể hiện tinh thần Thanh giáo tiêu biểu.

               Lịch sử thuộc địa Plymouth[History of Plymouth Plantation] được viết trong vòng 20 năm, từ 1630 đến 1650, thuật lại một cách chi tiết toàn cảnh con đường hành đạo của cộng đồng hành hương trên con tàu Mayflower, từ chuyến đi Hà-lan- Bắc Mỹ, đến công cuộc định cư tại Plymouth, bao gồm vừa các sự kiện cá nhân của người viết, vừa là các diễn biến lớn của cuộc sống cộng đồng.

               Bao trùm câu chuyện dài ấy là cảm xúc kính tín sâu sắc đối với quyền lực, lòng nhân ái, cũng như sự hiển linh của Thiên Chúa. Đây là nỗi bất hạnh của một thủy thủ trẻ tuổi thuộc loại báng bổ thần thánh, và cư xử rất thiếu đạo đức: “Vậy là những lời nguyền rủa của anh ta đã cháy trên đầu của chính mình, khiến tất cả bạn bè của anh ta sửng sốt, bởi họ hiểu rằng, đó chính là do bàn tay của Chúa trừng phạt anh ta”[2]. Còn với những kẻ “thương khó”, thì luôn nhận được lòng lành của Người: “Dù cho hôm nay là một ngày đầy khó khăn và hiểm nguy đối với họ, nhưng Chúa lại dành cho họ một buổi sáng dễ chịu và tươi mát (như người vẫn thường ưu ái như thế với các con trẻ của mình ”[3].          

               Với mọi khu định cư, thời gian khởi sự đồng nghĩa với đủ các thứ tai họa, rủi ro, những mối đe dọa đối với sinh mạng của từng cá nhân cũng như sự tồn tại của cả cộng đồng, và Plymouh cũng ở trong số đó. Một chỗ dựa tâm linh và niềm hy vọng là tất cả động lực để vượt qua mọi thử thách; và thủ lĩnh tinh thần Bradford đã xác quyết:“Giờ đây, điều gì có thể duy trì sinh lực của họ ngoài ý Chúa và ân sủng của Người?”[4]

               Không nghi ngờ gì nữa, Thỏa ước Mayflower, được đoàn hành hương Leyden soạn thảo ngay khi còn lênh đênh trên biển, là nằm trong ý nguyện của Chúa, để những đứa con của người có được các nguyên tắc đúng đắn hầu xây dựng Plymouth thành “đất Chúa”, nơi họ được tự do kính Chúa, đi theo con đường của Chúa, vớitâm nguyện của họ, mà cũng là ýmuốn của Người.

               Nếu  Bradford thể hiện đức tin cùng với quá trình lao động thực tế để tạo dựng một quê hương Thanh giáo, thì Jonathan Edwards, một học giả xuất sắc, nhà thần học lớn, vị mục sư với những tư tưởng riêng biệt, người bảo vệ nhiệt thành cho giáo thuyết Calvin, đã diễn giải các vấn đề của thế giới tâm linh trong sự nối kết với Thượng đế qua các sáng tác đầy chất triết luận của mình. Ở Thiên chúa được tôn vinh trong sự tin cậy của con người [God Glorified in Man’s Dependence], ông xác định vị trí và vai trò của Chúa trời trong cuộc sống của loài người trên trần thế. Theo đó, Chúa đã để đứa con trai duy nhất của mình xả thân hòng cứu chuộc nhân loại; và ân sủng cứu rỗi ấy gắn liền với quyền lực độc tôn của Chúa.

               Còn với Chuyện riêng tư [Personal Narrative], một chàng trai Edwards trẻ trung, nhạy cảm, và mộ đạo đã bộc bạch chân thành đời sống nội tâm đầy biến động của mình với tư tưởng và tình cảm hướng về Thượng đế toàn năng: “Trong tôi thường xuất hiện nỗi phấn khích được hợp nhất với Chúa, có Người là thủ lĩnh của tôi, và được là một thành viên trong hội đoàn của Người, cũng như có Chúa là người thày và người chủ xướng của tôi. Tôi rất thường nghĩ ngợi, với cảm xúc ngọt ngào, khao khát và thiết tha, rằng linh hồn tôi đang là đứa trẻ nhỏ được Chúa dìu dắt qua cõi hoang dã của thế giới này…”[5]

               Trong số nhiều tác giả Thanh giáo, cả những người đi trước và cùng thời với ông, có lẽ Jonathan Edwards là một trong những cây bút nhiệt tâm và xả thân vì đức tin nhất. Những trầm tư của vị mục sư- triết gia luôn khao khát lý giải cácvấn đềvề đời sống tâm linh trong mối tương thông với Thượng đế còn được thể hiện một cách đầy trí tuệ trong Tự do của ý chí [Freedom of the Will], Bản chất của đức hạnh đích thực [The Nature of True Virtue]...

Không đáng ngạc nhiên khi tên tuổi Edwards thường được nhắc đến cùng với bài thuyết giáo Những kẻ tội lỗi trong tay một Chúa trời giận dữ [Sinners in the Hands of an Angry God]. Đó chính là niềm tin mãnh liệt của một tín đồ sùng đạo vẫn từng ngày chìm đắm trong nỗi khắc khoải: làm cách nào con người có thể gột rửa hết tội lỗi, để thoát khỏi nỗi bất hạnh vào ngày phán xử cuối cùng?

Qua các lý giải, biện luận của ông, thế giới và cuộc sống con người hiện ra như một mặc định, và tiền định; vũ trụ và sự vận động của nó nằm gọn trong lòng bàn tay của thượng đế; theo đó, bổn phận, và cũng là cái đích cần đạt được của mỗi cá nhân, là tìm cách hiểu thấu sự sắp đặt đó. Các tác phẩm của Edwards, dù được viết với phong cách thuyết giảng, tự thuật, hay tiểu luận, đều thống nhất ở định hướng tư tưởng và quan niệm ấy.

Thuộc thế hệ hậu sinh, Edwards ra đời sau những nhà văn Thanh giáo lập quốc Mỹ khoảng một thế kỷ. Thế nên, ông có điều kiện nghiên cứu tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn, của Anh, như John Locke, Isaac Newton…, của Ireland, như George Berkeley, và chắc cũng không xa lạ với các triết gia hàng đầu của Pháp, như Montesquieu, Voltaire… Bên cạnh đó, Edwards còn được tiếp nhận trực tiếp cả tư tưởng và quan niệm tôn giáo tiến bộ của bố ông, mục sư Solomon Stoddard. Mặc dù vậy, Edwards, khi thay thế bố mình ở cương vị lãnh đạo, lại một mực muốn duy trì mọi “nề nếp cũ”. Hơn thế nữa, nhất quán với tâm niệm trong văn chương, quyết tâm tái lập một thế giới Thanh giáo thời hoàng kim, không bằng cách chỉ thụ động ôm lấy nỗi u hoài như Mather, Edwards đã vận động để dấy lên phong trào “Đại thức tỉnh” cùng các tín hữu đồng chí hướng.

               Trong bối cảnh một xã hội đô thị thương nghiệp ngày càng phát triển, với hậu thuẫn lớn là những luồng tư tưởng như gió bão của thế kỷ XVIII sẵn sàng cuốn phăng mọi chướng ngại trên đường đi, Edwards, con người xem tiền đồ Thanh giáo là lẽ sống ấy, nhận rõ các mối hiểm họa đối với cơ chế cũ đến từ mọi phía, đặc biệt là chủ nghĩa tri thức vô thần. Qua văn chương, như đã chỉ ra,Edwards thể hiện lòng mộ đạo tha thiết, và tâm tư ấy được giãi bày bởi một trí tuệ sắc sảo, với những xúc cảm tâm linh mạnh mẽ. Đắm mình trong cõi tín niệm, nhưng với nền tảng học vấn của kỷ nguyên mới, vị mục sư- nhà trí thức Edwards đã chủ động vận dụng các nguyên lý của triết học thực nghiệm, duy lý để kiến giải qui luật vận động của thế giới tinh thần, tâm linh theo quan điểm Thanh giáo. Trong một chừng mực nào đó, có thể liên hệ những nỗ lực của Edwards nhằm chứng minh tính hữu thể của Thiên chúa cùng sự xác thực của các dạng thái xúc cảm tâm linh với những chứng giải của George Berkeley, nhà triết học tôn giáo Ireland cùng thời.

            Xét trong tiến trình trưởng thành của văn hóa và văn chương Mỹ, Jonathan Edwards có thể xem là một trường hợp “lội ngược dòng”, về quan điểm và hoạt động xã hội, cũng như về tiếng nói tinh thần trong các tác phẩm.

            Trong quá trình chuyển biến của văn hóa Thanh giáo ở New England, Cotton Mather có thể xem là một gạch nối giữaMichael Wigglesworth và Jonathan Edwards. Là một trí thức lớn, một cây bút cần mẫn, Mather đã để lại nhiều dấu tích tinh thần thời đại trong tác phẩm.

               Dường như cuộc đời đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để Mather bước vào chỗ dành riêng cho mình, với tư cách một mục sư uyên bác, chỉn chu, một nhà lãnh đạo tài năng, một nhà giáo dục nguyên tắc, và tất nhiên, một tín đồ Thanh giáo không chút khiếm khuyết. Nói khác đi, Mather được sinh ra để làm một hình mẫu hoàn hảo theo đúng lý tưởng Thanh giáo.

               Có lẽ Mather ở trong số những người thông thái nhất thuộc địa thời đó: học rộng, hiểu nhiều, bao quát mọi lĩnh vực, tiếp cận kịp thời thực tế cuộc sống, thể hiện rõ tư tưởng tự do, thức thời. Tuy vậy, suốt đời mình, nỗi khắc khoải của Mather chính là không thể “phục hưng” được sự huy hoàng của đời sống Thanh giáo như thời của những vị tiền bối thuộc thế hệ thứ nhất, cũng như không có cơ hội trở thành hiệu trưởng của đại học Harvard để có thể đào tạo “đúng hướng” các nhà lãnh đạo Thanh giáo mẫu mực. Tác phẩm của Mather chính là bộc lộ tâm nguyện ấy của ông, và là một pháo đài Thanh giáo kiên định.

               Một phần nào đó, chính tâm cảm đặc biệt của ông đã làm nên một giọng riêng trong di sản đồ sộ, khoảng 450 trước tác đủ loại: nhật ký, ghi chép về lịch sử, sinh hoạt của vùng New England, tiểu sử các nhân vật tên tuổi, khảo luận về cácvấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo, khoa học...

               Vào thời của Mather, New England không còn là một thế giới Thanh giáo cổ kính, với đức tin hồn nhiên như Wigglesworth từng được chứng kiến; nhưng thời cuộc cũng chưa xoay vần đến bước chuyển đổi với những nhân tố mới mẻ hiển nhiên khiến Edwards thất vọng. Vì thế, ở Mather, là sự tỉ mẩn lưu giữ một thái độ sùng kính bất di bất dịch, một niềm trân trọng vô hạn đối vớicác tín lý thiêng liêng, và riêng với khí chất của ông, lúc nào cũng  nặng trĩu một tâm tư hoài cổ.

               Trong Những điều kỳ diệu của thế giới vô hình [The Wonders of the Invisible World], tác phẩm tái hiện sự kiện “phù thủy Salem” đã một thời làm kinh động toàn thuộc địa, người chăn dắt phần hồn các tín hữu là Mather đã bộc lộ nỗi âu lo, bởi biến cố ấy đồng nghĩa với sự đe dọa làm dịch chuyển một cơ cấu Thanh giáo bền vững.

               Trong số các tác phẩm của Mather,Những việc làm vinh quang của Thiên chúa trên đất Mỹ  [Magnalia Christi Americana] hay còn gọi là  Lịch sử giáo hội của New England từ ngày đầu thành lập [The Ecclesiastical History of New England from Its First Planting] thườngđược nhắc đến như một tác phẩm quan trọng. Cùng với cácthuật sự, biên khảo khác về New England, sáng tác này, đúng như tên gọi của nó, đã phác họa một cách chi tiết các biến cố quan trọng liên quan đếnviệcxây dựng và phát triển thuộc địa Massachusetts Thanh giáo và các vùng lân cận của New England, từ 1620 đến 1698. Qua đó, có thể cảm nhận được một tình cảm sâu nặng của người viết đối với sự trưởng thành của quê hương Thanh giáo. Hơn ai hết, như đã nói, Mather luôn khao khát một đời sống Thanh giáo cũ, ở đó, vị mục sư chủ quản sẽ là người có quyền lực tối cao, để có thể dẫn dắt cộng đồng tín hữu của mình đi đúng con đường định sẵn của Chúa trời. Tâm tư ấy của Mather được minh họa bởi hình ảnh các nhân vật lãnh đạo chói sáng của các thuộc địa New England. Như trong câu chuyện về William Bradford, một trong những vị tiền bối xuất sắc tại New England, đảm nhận vị trí thống đốc thuộc địa Vịnh Massachusetts trong gần 40 năm, Mather đã bộc lộ cảm xúc ngưỡng mộ vị mục sư đầu lĩnh “toàn diện” này như đối với một vị thánh.

               Cũng trong tinh thần đầy trách nhiệm, để góp phần vào việc “chuẩn bị” cho các hậu duệ sẽ tiếp bước các mục sư tiền bối trong tương lai, cũng là hiện thực hóa ước mơ lớn về một viễn cảnh Thanh giáo hưng thịnh như vào thời của thế hệ Mather thứ nhất và thứ hai, Mather thế hệ thứ ba đã gửi tâm huyết vào cuốn sách chỉ nam dành cho các sinh viên trẻ tuổi tốt nghiệp đại học, sẽ đảm nhiệm chức phận mục sư: Cẩm nanghướng dẫn ứng viên gia nhập hội mục sư [Manuductio ad ministerium: Directions for A Candidate of the Ministry]. Bên cạnh đó, nhằm gìn giữ phẩm chất và đạo đức Thanh giáo cho thế hệ trẻ, để duy trì một xã hội với cơ chế đời sống tinh thần tốt đẹp, người hướng đạo Mather còn dày công soạn thảo một “phác đồ” giáo dục giá trị: Luận bàn về vấn đề làm việc thiện [Bonafacius: Essays to Do Good].

             Tận hiến đời mình để vun đắp cho lý tưởng Thanh giáo qua việc cầu nguyện, thuyết giảng, và chuyển tải một vốn liếng tinh thần to lớn trên các trang viết, Cotton Mather đã hiện diện trong đời sống New England như một phần tất yếu, và ở một góc độ nhất định, điều đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh một ngày hội Thanh giáo đang bước vào hồi kết thúc.

3. Những “nét chỏi” trong văn chương New England, hay thực tế tùy biến của văn hóa Thanh giáo trên đất Mỹ

               Tuy nhiên, trong bức tranh văn chương Thanh giáo nhìn chung là thuần nhất ấy, vẫn có những “nét chỏi”. Về thực chất, đó không phải là việc “quay lưng” lại truyền thống, hay phủ nhận cái sườn cơ bản của văn hóa Thanh giáo, mà chỉ là sự thể hiện của nhu cầu tìm kiếm một lối đi riêng, để đáp ứng những đòi hỏi về tinh thần, xuất phát từ thiên hướng cá nhân. Suy cho cùng, những lối rẽ này cũng vẫn nằm trong ý hướng “phụng sự” lý tưởng Thanh giáo, nhưng so với mặt bằng đồng màu, đồng chất của các tác giả khác trong tư duy và sáng tạo, thì sự xuất hiện những cây bút “phá cách” này lại trở thành những “trường hợp” được lưu ý. Và điều đó càng là “vấn đề” trong bối cảnh một xã hội Thanh giáo New England vẫn được xem là quy củ, chặt chẽ, như nhất, đến các tiền bối Thanh giáo ở đất Anh gốc rễ cũng phải “kiêng nể”. Và như vậy, dù cho những “cá tính” tư tưởng và văn chương ấy không đến mức làm biến dạng công trình văn hóa, văn học một New England uy nghi, nhưng cũng vẫn mang lại những “nét gãy” nhất định. Và điều đó, như sẽ làm rõ, có dự phần trong việc góp thêm vào “bước rẽ” của văn chương Mỹ những động thái tích cực. 

               Trong số các nhà văn Thanh giáo buổi đầu, Roger Williams  gần như tự khai mở một con đường độc lập, cả về tư tưởng lẫn hành động thực tiễn, dù vẫn ở trong cánh rừng Thanh giáo “nguyên sinh”. Thuộc thế hệ được đào tạo chính qui tại Anh, Williams là một mục sư đầy nhiệt tình cống hiến. Cũng vì thế, năm 28 tuổi, ông đã sang Mỹ để được hành đạo theo đúng đức tin của mình. Nhưng tại đây, con người đầy khát vọng này lại thất vọng khi nhận thấy chế độ thần quyền chủ yếu quản lý xã hội bằng bạo lực, thông qua cơ chế độc đoán hiện hành. Ông thể hiện thái độ bất hợp tác bằng việc từ chối chức mục sư ở Boston. Công khai những quan điểm “vì nhân phẩm và quyền con người”, Williams bị liệt vào thành phần “nguy hiểm” và bị trục xuất khỏi Massachusetts. Tuy vậy, ông đã “tùy biến” trong mọi hoàn cảnh với bản lĩnh và cái nhìn thấu thị về nguyên lý Thanh giáo của mình. 

               Thuyết khủng bố đẫm máu đối với nguyên lý đạo đức [The Bloudy Tenent of Persecution for Cause of Conscience],tác phẩm bút chiến chống lại quan điểm hẹp hòi, khắc nghiệt, bảo thủ của John Cotton, một trong các mục sư lãnh đạo đầy uy thế của New England thời điểm ấy, cho thấy rõ quan điểm của Williams về tự do tôn giáo, cũng là quyền được sống theo ý nguyện, quyền bình đẳng về đời sống tinh thần, tín ngưỡng của con người. Trong một bài thơ ngắn, ông bộc lộ cách nhìn đầy tính nhân bản về chân lý “bình quyền” giữa người Anh và người da đỏ: “Đừng khoe khoang, hỡi người Anh kiêu hãnh, về dòng dõi và huyết thống của mình:/ Người anh em da đỏ của mi cũng có nguồn cội tốt lành./  Cùng một thứ máu, Thượng đế đã tạo ra hắn, ra mi, ra tất thảy mọi người./ Cũng khôn ngoan, cũng đẹp đẽ, cũng mạnh mẽ, cũng có tính cách riêng tư/ Sự phẫn nộ cũng đều có ngang nhau trong bản chất của mi và của hắn/ Cho đến khi nhờ ân sủng mà  linh hồn hắn và mi được trả lại cho Chúa trời,/ Chắc chắn là ở cuộc sống bên kia, mi sẽ thấy điều khác hẳn/ Thiên đàng mở ra cho những người da đỏ hoang dã, mà đóng lại với mi.”[6].

               Ông cũng mỉa mai cái vỏ đạo đức giả của những tín đồ Anh văn minh: “Kẻ ngoại giáo có văn hóa sẽ kết tội/ Bọn Anh vô văn hóa/ Những kẻ sống như chồn cáo, gấu beo và lang sói,/ Hay hổ báo trong hang ổ thú dữ của mình…”[7].

               Cuộc sống và tác phẩm của Williams thực sự là một hình ảnh rất tiêu biểu cho quá trình “tìm đường” để đến với một thế giới mới của nước Mỹ. Vào thời của ông, những “cái mới” ấy vượt ra khỏi biên giới nhận thức của số đông, nhưng Roger Williams đã dũng cảm mở ra cánh cửa tiên báo cho nền văn hóa dân chủ Mỹ, tách khỏi sự lệ thuộc vào cái nhìn truyền thống Anh cũ kỹ.

               Trong số những biểu hiện tích cực của ý thức “lối rẽ” theo tinh thần Mỹ, cho đến thời kỳ cách mạng, có lẽ Roger Williams là trường hợp quyết liệt nhất, nhưng vào thời điểm này, bối cảnh chung còn chưa sẵn sàng tiếp ứng bước đi sớm của ông, nên chỉ có “nạn nhân của đủ mọi loại áp bức” kéo đến sinh sống tại khu định cư Rhode Island của “Williams quyền quý và độ lượng”![8].

               Ra đời muộn hơn Williams nửa thế kỷ, Samuel Sewall cũng là một trường hợp “cá biệt” ở một phương diện khác. Xuất thân trong một gia đình mộ đạo, Sewall tốt nghiệp thần học tại Harvard. Nhưng chàng trai trẻ Sewall đã không quyết định vào Hội mục sư để tiến thân, theo con đường rất truyền thống trên quê hương Thanh giáo New England vào thời điểm ấy, mà lại chọn một hướng đi khác, là bước vào thương trường. Gắn bó với địa bàn Boston và Massachusetts, Sewall là một trong những gương mặt sáng giá nhất thuộc địa.

               Về nhiều phương diện, Sewall đã gánh lấy trách nhiệm làm một vạch mốc của sự chuyển dịch từ văn hóa Thanh giáo truyền thống sang cuộc sống xã hội mới, với vai trò lịch sử thuộc về tầng lớp tư sản. Có thể thấy, hai bên vạch mốc hệ trọng ấy là hai nửa của con người- hai- thời- đại Sewall: bên kia là phần năng động, thức thời, mà sự lựa chọn một ngã rẽ về nghề nghiệp chính là một minh chứng lớn; còn bên này, vẫn cứ là một đời sống tinh thần sùng tín của một tín đồ Thanh giáo mộ đạo.

               Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ nhất định, sự kết nối ấy, mà thực chất là phép cộng của nhân tố truyền thống và nhân tố hiện đại, đã tạo nên một hợp chất đặc biệt, đó chính là “chất Mỹ mới”. Thực vậy, có thể tìm thấy ở cái mốc chuyển giao lịch sử và văn hóa Sewall hình ảnh một “nhân vật” hơi vụng về, thô thiển, thiếu sâu sắc, nên khá tẻ nhạt, nhưng mạnh mẽ, quyết đoán, tốt bụng, trung thực, và rất ngoan đạo. Trong một chừng mực nào đó, ta nhận ra ở Sewall diện mạo của một “gã Yankee tư sản”, mà rồi đây, sẽ là trụ cột để xây dựng một nước Mỹ hùng cường.

               Cũng trong xu thế tinh thần đó, về quan điểm xã hội, ông đã mạnh mẽ phản kháng tội ác kinh doanh nô lệ trong Việc bán Joseph [The Selling of Joseph], tiểu luận đầu tiên bàn về việc chống chế độ nô lệ ở Mỹ.

               Rõ ràng là, Sewall chiếm giữ một vị trí hết sức đặc biệt trên con đường tiến về phía văn minh, cũng là thoát ra khỏi sự kìm hãm của gánh nặng văn hóa truyền thống, của dân tộc Mỹ. Và như đã thấy, tất cả những “khác biệt” của một Sewall “thức thời” ấy đã để lại những bản “sao y” trong sáng tác văn chương. Ngoài Việc bán Joseph, ông còn viết Cuộc cách mạng ở New England được chứng minh là đúng [The Revolution in New England Justified], Bàn về sự chứng nghiệm của những lời tiên tri [Proposals Touching the Accomplishment of Prophecies], Nhật ký [Diary]…

               Dù tác phẩm Sewall để lại không nhiều, nhưng qua tài sản tinh thần vô giá của ông, chúng ta có thể hiểu thêm về một khúc quanh lịch sử hệ trọng của nước Mỹ từ tiếng nói trung thực của một người trong cuộc. Đặc biệt, với Nhật ký, cả một giai đoạn bản lề của đời sống Mỹ trong khoảng 40 năm đã được Sewall tái hiện một cách chân thật, là một cuốn phim lịch sử- xã hội hết sức quý giá. 

               Trong di sản thơ New England, tên tuổi Edward Taylor được nhắc đến một cách trân trọng, là nhà thơ Thanh giáo Mỹ độc đáo. Tuy nhiên, phải gần 160 năm sau ngày Taylor qua đời, tác phẩm của ông mới được xuất bản. Không nghi ngờ gì nữa, đây lại là một “giọng nghịch” trong bản hòa âm tinh thần chính thống ở “dinh lũy” Thanh giáo New England.

               Tài sản văn chương Taylor để lại gồm khoảng 300 bài thơ, gồm hơn 200 bài của tập thơ lớn Những suy nghiệm chuẩn bị trước khi đến với bữa ăn tối của Chúa [Preparatory Meditations before My Approach to the Lords Supper]; mộtbài thơ dài rất nổi tiếng Quyết định của Chúa đến với kẻ được Người chọn [Gods Determinations Touching His Elect]…, cùng một bộ phận thơ được sáng tác riêng rẽ. Qua đó, có thể thấy, lòng yêu đạo, kính Chúa, và một tâm nguyện lành thánh trong các sáng tác của Taylor cũng không hề kém độ nóng bỏng so với những “ngọn đuốc sống” tâm linh, hiến trọn mình cho đức tin đã “tự bạch” ở các tác phẩm tiêu biểu của William Bradford, Cotton Mather, Jonathan Edwards, Michael Wigglesworth… Đồng thời, thơ Taylor cũng bộc lộ chất nghiêm túc, trung thực, nhiệt hứng, sùng tín rất tiêu biểu cho tinh thần Thanh giáo. Không phải ngẫu nhiên mà Taylor lại được xem là thi sĩ lớn nhất thời thuộc địa: thơ ông cho thấy một tài năng đặc biệt.

               Nếu các cây bút New England đặc biệt ngưỡng mộ John Milton [1608-1674], John Bunyan [1628-1688], các “ngọn nguồn” Thanh giáo chính thống, cùng các tác giả lớn như John Donne (1572-1631), Francis Quarles (1592-1644), George Herbert (1593-1633), Richard Crashaw (1613-1649)… ở mẫu quốc, thì Taylor cũng là một môn đệ xuất sắc, nhưng lại tiếp thu các bậc thày ấy theo cách riêng.

               Cũng hấp thụ sâu sắc phong cách siêu hình, phúng dụ, và suy nghiệm [meditation], vốn là các yếu tính của thơ ca thần học; nhưng bên cạnh đó, Taylor lại cũng gắn bó với chất trữ tình, tưởng tượng, cách nói gần gũi, thân mật... của đời sống tự nhiên. Thực chất, Taylor yêu Chúa, kính Chúa, và mê đắm cái thế giới kỳ diệu mà Chúa toàn năng đã tạo ra, với nhịp tim mãnh liệt của riêng ông. Và khi sáng tạo, ông đã bộc bạch bằng một thứ ngôn ngữ tâm linh- cảm xúc đặc biệt; thể hiện một cách nhìn và cách viết nguyên gốc của một nghệ sĩ thực thụ. Chính vì thế, sáng tác của Taylor phần nào đã đi “chệch đường” so với tinh thần sáng tạo Thanh giáo.  Hẳn vì lý do đó mà tài sản văn chương quý giá của ông đành phải “ngủ đông” hàng mấy thế kỷ!

               Một mặt, ông vẫn là đứa con Thanh giáo tiêu biểu, nhưng trong “cách nói”, ông lại là một “phản đồ” về nguyên tắc sáng tạo. Theo đó, trong thơ ông, lý tưởng Thanh giáo vẫn được xác tín, bên cạnh đó, cuộc hành trình tinh thần từ nỗi khắc khoải trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa cái ác và cái thiện, nỗi vui sướng được tiếp cận Chúa về mặt tâm linh, và lòng ước ao là “kẻ được chọn” vẫn là cơ sở của mọi cảm xúc, mọi hình tượng thơ. Nhưng điều “khó chấp nhận”, là Thiên chúa lại được đặt vào quỹ đạo nghệ thuật trong sự sáng tạo của nhà thơ. Trong Suy nghiệm thứ năm mươi sáu, Chuỗi thứ hai [Meditation Fifty-Six, Second Series], Taylor đã tô vẽ một Thiên chúa của riêng ông: “Người là cái cây được cắt tỉa tự nhiên hoàn hảo/ Với lớp vỏ bằng vàng duyên dáng vô ngần/ Sực nức mùi hương thần thánh/ Quả cây Người, sự tuyệt mỹ, lớn lên với vẻ yêu kiều/ Nụ của Người, hoa của Người, và trái của Người, trang hoàng cho/ Bản thân Người và các công trình của Người, chói lọi hơn sớm mai.”[9].

               Trong hàng loạt các bài thơ độc đáo, Taylor đã tự bộc lộ diện mạo tinh thần của mình một cách đầy cá tính như thế. Đó thực sự là một tâm hồn nghệ sĩ- trẻ thơ, khi tiếp cận và thâm nhập thế giới hữu hình bằng đôi mắt mở tròn ngạc nhiên, với bao nhiêu dấu hỏi. Không phải vô cớ mà thường trực trong thơ Taylor lại là những từ nghi vấn who, what, whose, where, when, which... [ai, điều gì, của ai, ở đâu, khi nào, cái nào…], và những diễn ngôn bắt đầu bằng Do, Does, Did, Am, Are, Is... , tức các câu hỏi “Có phải…?”. Ông đã mở đầu Lời tựa [Preface] với cái nhìn “ngây thơ con trẻ” ấy: “Sự vô tận, khi vạn vật nó nhìn thấy,/ Chỉ là cái hư không, và từ hư không mà tất thảy đều được tạo dựng,/ Trên cái bệ đỡ nào mà máy tiện được đặt lên/ Người đã xoay quả đất này và xoi một đường rãnh gọn ghẽ?/ Ai thổi ống bễ lò rèn khổng lồ của Người?/ Ai giữ cái khuôn để đúc nên thế giới?/ Ai đặt viên đá nền? Đó là mệnh lệnh của ai?/ Chỗ nào các trụ cột được đặt để chúng đứng ở đó?/ Ai buộc thắt dây nơ vòng quanh trái đất thanh nhã dường kia/ Với các dòng sông như những dải ruy-băng  xanh ngọc?”[10].

               Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, Taylor đã xác tín bằng cảm xúc- cảm tính, hơn là bằng tín điều- lý trí, nên thái độ sùng kính trong thơ ông, vốn vẫn được thể hiện một cách nghiêm cẩn, trang trọng, khép nép ở các tác giả Thanh giáo “mũ cao áo dài”, thì ở đây, lại cứ xôn xao bao nhiêu ảnh tượng và sắc màu hồn nhiên, thơ trẻ.   

               Như vậy, thơ Taylor, một mặt, vẫn nằm trong lòng ngôi đền Thanh giáo, nhưng mặt khác, lại được thể hiện với một giọng điệu riêng, và cũng là “giọng thật”.  

               Nhìn lại những bước đường của các nhà văn tiền bối New England trong sự gắn bó với truyền thống văn hóa Thanh giáo, có thể thấy, ở góc độ toàn cảnh, đó là một sự đồng quy, dù từ tọa độ riêng của mỗi người, màu sắc của sự hiến mình vì lý tưởng có thể không giống nhau. Ngay cả với các trường hợp “nghịch phách”, thì cũng không phải là một sự “phản đạo”, mà chỉ là trong chiều hướng điều chỉnh nguyên lý tín ngưỡng cho tốt đẹp hơn, hoặc tìm kiếm một cách “hành đạo” cho hiệu quả, phù hợp với nhu cầu tinh thần, cảm xúc của người sáng tạo hơn.

               Với một cảnh quan đức tin như vậy, khúc ngoặt biến động vào thời kỳ chuyển giao thế kỷ thực sự là một thử thách quá lớn lao đối với đời sống tinh thần của những “linh hồn Thanh giáo”, và dẫn tới những tâm tư đầy nỗi niềm. Trong bức tranh thời cuộc ấy, mỗi tín đồ- nghệ sĩ đãđể lại những dấu ấn đậm nét cá tính, qua thực tế “xuất xử” của họ. Và những cá nhân- xã hội ấy đã ngẫu nhiên đứng vào những góc nhất định của hành động “tiến thoái” trước bài toán thời thế. Thực vậy, trong ý nguyện tìm được “nghiệm đúng”, mỗi người đã chọn lựa một giải pháp riêng.

               Thực tế, các diễn biến ấy cũng là những tiếng đồng vọng của sự nhộn nhịp trong thời đoạn chuyển mình mạnh mẽ của tiến trình văn minh, văn hóa châu Âu. Về chính trị, xã hội, đó là thời kỳ dàn trận của lực lượng tư sản, mà cuộc tập trận đầu tiên đã diễn ra tại Anh, khiến cơ chế phong kiến bị lung lay. Về khoa học kỹ thuật, kỹ nghệ, đó là giai đoạn nối kết giữa thế kỷ sáng tạo, phát kiến thiên tài và thế kỷ ứng dụng thần kỳ. Về nhận thức, tư duy, đó là cuộc hội tụ của các trí tuệ kiệt xuất, với sự nở rộ các tư tưởng, lý thuyết trác việt về mọi lĩnh vực, bao gồm cả khoa học tự nhiên và xã hội, giáo dục và luật pháp, tôn giáo và văn hóa… Riêng tại Anh, cũng xuất hiện rất nhiều các nhân tài lớn ở mọi địa hạt, trong số đó có những tên tuổi sáng chói, như John Locke (1632-1704), Isaac Newton (1642-1727), David Hume (1711-1776) …

               Thời điểmchúng ta đang đề cập, dù mới chỉ là lúc “khai hội”, và đối với Bắc Mỹ, vốn cách trở Anh và châu Âu ít nhất là hơn hai ngàn dặm biển, nhưng chắc chắn, những âm vang của đại lễ hội Khai sáng đã gây nên cơn chấn động lớn về nhận thức trên mảnh đất vốn ra sức bảo tồn một truyền thống văn hóa cổ kính. Qua những bước đi của các cây bút New England “đầu lĩnh”, có thể hiểu rõ thêm về tình trạng “giằng co” giữa mới và cũ, hay nói khác đi, giữa mô hình “Anh cũ” và “Anh mới” vào giờ khắc “giao thừa” của lịch sử.

               Sau thời của các tiền bối văn chương Mỹ buổi đầu, Benjamin Franklin (1706- 1790) sinh tại Boston, thuộc thế hệ “thế kỷ XVIII”, là một gương mặt gắn liền với “vận mệnh” một thời đoạn văn hóa, văn học bản lề đặc biệt quan trọng của cộng đồng Mỹ. Cũng như các tiền bối của mình, sự nghiệp Franklin không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực văn chương, mà còn  bao gồm các đóng góp đa dạng về xã hội, chính trị, ngoại giao, khoa học… Cũng trưởng thành từ cái gốc Thanh giáo truyền thống, nhưng một Benjamin thức thời, năng động đã rất kịp thời nắm bắt xu thế tiên tiến của thời cuộc, và trở thành người “khai hoang” cho một kỷ nguyên mới của nước Mỹ, là người “khai sáng” đối với dân tộc Mỹ. Với bước đi mới của Franklin trong sáng tạo văn chương, trong bối cảnh một đời sống Mỹ đầy sự kiện vào thế kỷ XVIII, một thế hệ nhà văn mới của Mỹ bắt đầu xuất hiện, với những đặc điểm mới, thế chỗ cho các cây bút thuộc lớp nhà văn đầu tiên. Từ đây, văn chương Mỹ, xuất phát từ một “ý thức Mỹ” ngày càng rõ nét, sẽ từng bước khẳng định “chất Mỹ”, để không chỉ là một khúc nối tiếp của văn học Anh. Trong một chừng mực nào đó, Franklin vừa là người khởi xướng, đồng thời cũng là người cầm chịch cho sự chuyển hướng quan trọng ấy của văn chương Mỹ trong suốt thế kỷ XVIII.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA

2. Tập thể tác giả (1993) The Norton Anthology of American Literature (tập 1), W.W.Norton & Company, New York

3. Tập thể tác giả (1989) The Norton Anthology of English Literature (tập 1) W.W.Norton & Company, New York

4. Margaret Denny và William H. Gilman (chủ biên) (1964) The American Writer and the European Tradition, McGraw-Hill Book Company, New York

5. Francis J. Bremer (2012), First Founders: American Puritans and Puritanism in an Atlantic World (New England in the World), New Hampshire Press, New England 

6. Colin Craig Kidd (1999) British Identities before Nationalism: Ethnicity and Nationhood in the Atlantic WorldThe Atlantic World is an organizing concept for the historical study of the Atlantic Ocean rim from the fifteenth century to the present. Geography
The Atlantic World comprises the four continents bordering the Atlantic Ocean: Europe, Africa, North America, South America;
.....Click the link for more information., 1600-1800, Cambridge University Press        , UK

7. Leonard Tennenhouse(2007) The Importance of Feeling English: American Literature and the British Diaspora, 1750-1850, Princeton University Press, USA

[1] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.156-157.

[2] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.11.

[3] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.18.

[4] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.14-15.

[5] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.101.

[6] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.205.

[7] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.205.

[8] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.194.

[9] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.187-188.

[10] Milton R. Stern và Seymour L. Gross (chủ biên) (1965) American Literature Survey (tập 1), The Colonial Press Inc., USA, tr.170.

Thông tin truy cập

63662373
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6091
17595
63662373

Thành viên trực tuyến

Đang có 1086 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website