Mùa thu năm 2022, khi đại dịch Covid-19 tạm lắng, Giáo sư Đào Hữu Dũng tức Nguyễn Nam Trân – dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa và văn học Nhật Bản – về Hà Nội giao lưu với bạn đọc nhân dịp bản dịch Vạn diệp tập được xuất bản, sau đó vào thăm lại TP Hồ Chí Minh, nơi sáu năm trước đó, ông đã về dự lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày mất của nhà yêu nước (24.3.2016).
Giáo sư Đào Hữu Dũng, tiến sĩ khoa học truyền thông, sinh năm 1945 tại Lâm Đồng, nguyên quán Hà Tĩnh, được đào tạo về văn học, giáo dục, báo chí và kinh tế tại Đại học Sài Gòn, Đại học Tokyo và Đại học Paris. Ông từng tham gia giảng dạy tại Đại học Paris Diderot – Paris 7, Đại học Josai và hoạt động trong Hội Giao lưu văn hóa Nhật – Việt. Ông có công lớn trong việc dịch thuật, giới thiệu những thành tựu về lịch sử, văn hóa, văn học Nhật Bản cho công chúng Việt Nam. Sống hơn nửa thế kỷ trên đất Nhật và vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với đất nước Việt Nam, ông luôn có ý thức về việc tiếp thu những thành tựu Nhật Bản phù hợp với yêu cầu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam mang bản sắc dân tộc, tinh thần hiện đại và chủ nghĩa nhân văn.
Qua hơn bốn thập niên nghiên cứu, trước tác, Đào Hữu Dũng đã công bố nhiều công trình dịch thuật và biên khảo có giá trị. Về khoa học xã hội, ông đã dịch thuật những tài liệu căn bản về lý thuyết quản trị, truyền thông, quảng cáo, văn hóa và xã hội ở Đông Á. Về văn học, ông đã dịch thuật những tác phẩm kinh điển như Vạn diệp tập, Bách nhân nhất thủ, Vô môn quan, Lịch sử Thiền Tông Nhật Bản cùng những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Urabe Kenkō, Ueda Akinari, Mori Ōgai, Higuchi Ichiyō, Nagai Kafū, Suzuki T. Daisetsu, Tanizaki Junichiro, Akutagawa Ryūnosuke, Kawabata Yasunari, Nakajima Atsushi, Endō Shūsaku, Mishima Yukio, Abe Kōbō, Mukōda Kuniko, Asada Jirō, Hayashi Mariko.
Ở thể loại biên khảo, Đào Hữu Dũng đã cho xuất bản những tác phẩm công phu là Quảng cáo truyền hình trong kinh tế thị trường; Thể chế, thị trường và xã hội của ngành truyền thông quảng cáo Nhật Bản; Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản. Cuốn sách sau, ký bút hiệu Nguyễn Nam Trân, dày 675 trang khổ 19 x 27, do NXB Giáo Dục Việt Nam ấn hành năm 2011, là một chuyên khảo có uy tín được sử dụng rộng rãi trong ngành ngữ văn các trường đại học Việt Nam hiện nay. Viết lời giới thiệu cho cuốn sách, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định công trình biên khảo này “ngoài sự giàu có đến ngồn ngộn về tư liệu, tri thức thâm hậu và sắc sảo chứng tỏ trong xử lý khối tư liệu đồ sộ ấy, phương pháp nghiên cứu vừa nghiêm nhặt, khoa học, vừa phóng khoáng, hấp dẫn, còn nổi bật vì tính khám phá, rõ ràng bộc lộ sự trăn trở của một nhà khoa học muốn khơi tìm cho đến tận cùng cái cốt lõi của tâm hồn Nhật Bản”.
Sự thông thạo tiếng Nhật, tiếng Pháp kết hợp với việc nắm bắt những sắc thái biểu cảm tinh tế của tiếng Việt làm cho các văn bản dịch thuật và trước tác của Đào Hữu Dũng – Nguyễn Nam Trân có sự chuẩn xác, mạch lạc, trong sáng và nhuần nhị. Sống nhiều năm xa quê hương, ông vẫn tiếp cận được nguồn mạch tinh thần và ngôn ngữ sống động, phong phú của dân tộc.
Trong diễn từ nhận Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, Đào Hữu Dũng xem việc dịch văn học như một lao động bình thường: “Ở vào cái tuổi sơ lão như tôi thì công việc này giúp cho tế bào óc làm việc để đỡ quên, đỡ lẫn. Hễ muốn dịch thì phải đọc, và như thế, dịch thuật lại là một cách học hỏi, một cách tu thân. Tiếp đến, khi dịch văn, tôi thấy mình giống như người sau khi ăn được miếng bánh ngon, muốn bẻ ra một chút mời người bên cạnh. Đúng vậy, dịch thuật là để thỏa mãn nhu cầu tương trợ, chia sẻ một tri thức cũng như chia sẻ một tình cảm, phần nhiều đều mang niềm vui của sự khám phá, và tất cả đã xảy ra rất tự nhiên”.
Ông quan niệm rất rõ ràng: “Trên một bình diện rộng lớn hơn và vượt hẳn tầm vóc có giới hạn của bản thân, tôi nghĩ dịch thuật nói chung là sự chuyển tải tri thức, văn hoá bằng cách vượt bức tường ngôn ngữ. Những quốc gia đang trên đường phát triển, muốn học tắt, học nhanh, đều phải sử dụng phương pháp này. Thế nhưng dịch còn có nghĩa là chọn lựa và người dịch phải lãnh lấy trách nhiệm. Giữ lấy cái hay, cái quý, bỏ qua cái xấu, cái tạp nhạp. Dịch tác phẩm cổ điển để tiếp nhận túi khôn của hiền nhân nhưng cũng dịch tác phẩm đương đại để giao lưu với người sống cùng một thời. Dịch kiến thức khoa học kỹ thuật đã đành nhưng phải dịch cả những tác phẩm trong lãnh vực nhân văn để đưa chính mình và độc giả lên những tầm cao trí thức và cùng nhau đạt được những tình cảm cao thượng và quảng đại”.
Đào Hữu Dũng tâm sự: “Dịch thuật đến với tôi còn do một duyên may. Năm 1965, vào một tối mưa phùn mùa xuân, tôi là một thanh niên Việt Nam 20 tuổi đã cùng tám người bạn đồng khoá đặt chân đến đất Nhật. Giữa những kiến thức trùng điệp của Nhật Bản mà tôi có may mắn nhặt nhạnh đôi phần, tôi lại chỉ xin phép được khoanh một mảnh vườn nhỏ nếu không nói là chăm sóc cho một chậu kiểng, vì tôi tin rằng làm được bấy nhiêu thôi, cũng đủ hết một đời người. Qua việc dịch thuật lịch sử và văn học, tôi đã tìm cách tiếp cận phép lạ Nhật Bản. […]. Đống tro ngút khói của thế chiến thứ hai đã giúp người Nhật nghiền ngẫm để phản tỉnh về những lỗi lầm. Họ biết đổi hàng sang trang một quá khứ u ám và đi đến thành công trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ, một cuộc sống văn minh và phồn vinh. Họ đã tìm cách trồng cây tư tưởng phương Tây trên mảnh đất đã có sẵn những giá trị phương Đông”.
Tuy nhiên, Đào Hữu Dũng nói tiếp, “những tình cảm hồ hởi và lòng cảm mến đặc biệt của tôi với đất nước Nhật Bản vẫn không ngăn tôi nghĩ rằng động cơ công việc dịch thuật của tôi là tình cảm đối với chính quê hương mình. Chuyển tải tri thức, chuyển tải công nghệ, trao đổi thông tin… nhưng dù là những điều hay đẹp, mọi thứ đó phải thích nghi với bản sắc của dân tộc tôi nghĩa là phải có những giá trị phù hợp với lối sống và cách suy nghĩ của dân tộc tôi. […] Ngày nào chúng ta biết tự mình khai sáng, có đủ nguyên khí, nội lực, người dân ta có thể đủ trình độ giao lưu trực tiếp với người nước ngoài không chút mặc cảm thì kẻ làm nghề dịch thuật dẫu có phải gác bút, hẳn cũng lấy làm mãn nguyện”.
Điều đặc biệt đáng quý ở Đào Hữu Dũng là ông phổ biến những thành quả dịch thuật và khảo cứu của mình cho độc giả Việt Nam không chỉ qua sách in mà còn qua sách điện tử, giúp cho công chúng rộng rãi có thể tiếp cận miễn phí trong thế giới mạng, một không gian truyền thông có sức lan tỏa lớn. Từ đó, một cánh cửa mới đã mở ra trước mắt những dịch giả tự nguyện “không chú trọng vào việc hưởng thụ vật chất từ tác quyền (copyright) mà chỉ mong sao có văn bản để lại (copyleft) dù là trong không gian ảo”.
Có thể khẳng định Giáo sư Đào Hữu Dũng là một trong rất ít học giả Việt Nam am hiểu sâu sắc lịch sử, văn hóa, văn học Nhật Bản và quảng bá những thành tựu của nó đến công chúng Việt Nam một cách hiệu quả. Bằng hoạt động đó, ông đã góp phần phát triển giao lưu văn hóa Việt – Nhật, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc, thúc đẩy con đường hiện đại hóa của nước ta qua việc học tập một mô hình xã hội Đông Á tiên tiến, điều mà các nhà duy tân tiền bối luôn khích lệ.
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Vanvn.vn.