Lê Hoằng Mưu sinh năm 1879 tại Cái Cối, làng An Hội, tổng Bảo Hựu, hạt Bến Tre (nay thuộc thị xã Bến Tre), xuất thân từ một gia đình tân học (cha là Lê Văn Dinh, nguyên là thông ngôn đề hình). Ngoài tên thật của mình, ông còn được nhiều người trong làng báo làng văn biết đến với bút hiệu Mộng Huê Lầu (ghép mẫu tự của Lê Hoằng Mưu). Ông còn ký là Le Fantaisiste, Hoằng Mưu. Theo Nguyễn Liên Phong, tác giả Điếu cổ hạ kim thi tập, Lê Hoằng Mưu có “hình trạng nho nhã, trung người, tánh nết thông minh thiệp liệp, có khoa ngôn ngữ”.
Thưở nhỏ Lê Hoằng Mưu học tại Bến Tre, sau đó ông lên Sài Gòn viết văn, làm báo và tiếng tăm nổi dậy như cồn, chinh phục cả xứ Nam Kỳ và cả một thế hệ thanh niên, đến ngay những nhà văn nổi tiếng thời đó như Trương Duy Toản, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Văn Chim, Nguyễn Háo Vĩnh đều chưa thể liệt ngang.
Lê Hoằng Mưu làm chủ bút Nông cổ mín đàm những năm 1912, 1915; chủ bút Lục tỉnh tân văn từ 1921 đến 1933. Năm 1921, Lục Tỉnh tân văn sát nhập với Nam Trung nhựt báo để thành báo ngày, ông lại đảm trách cương vị chủ bút.
Năm 1930 ông cùng Võ Thành Bút sáng lập báo Long Giang độc lập và làm chủ bút từ năm 1931. Là một nhà báo kỳ cựu, “khét tiếng” trong báo giới thời kỳ mới phôi thai, ông còn là người có lương chủ bút cao nhất thời đó. Ông được đồng nghiệp kính mến và thán phục bởi tài bút chiến. Ông sáng tác rất khoẻ, các tác phẩm của ông đã từng “bán chạy như tôm tươi giữa chợ buổi sớm”.
Lê Hoằng Mưu mất năm 1941 tại Sài Gòn.
Lê Hoằng Mưu bắt đầu sự nghiệp văn học của mình bằng những truyện dịch. Khác với các tác giả khác như Nguyễn Chánh Sắt,.... Lê Hoằng Mưu không dịch truyện Tàu mà chọn dịch các tác phẩm của Tây phương. Ông từng tâm sự trên Nông cổ mín đàm: “Tôi học văn Pháp có lấn hơn văn Tàu, nên tôi viết theo cách văn Pháp nhiều hơn”.
Chồng bắt vợ chạ, một truyện ngắn của Mỹ có thể là tác phẩm dịch đầu tiên của ông, đăng trên Nông cổ mín đàm. Đây là một câu chuyện hài mang ý nghĩa châm biếm và giáo dục nhẹ nhàng.
Sau giai đoạn dịch, Lê Hoằng Mưu có những tác phẩm phóng tác từ văn học phương Tây, như một kịch thơ phóng tác từ Racambole Tom V Les drames de Paris chẳng hạn (đăng trên Nông cổ mín đàm số 18 năm 1912)
Cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là cuốn gây nhiều tai tiếng nhất cho Lê Hoằng Mưu là tác phẩm Hà Hương phong nguyệt. Độc giả khen ngợi, bênh vực ông cũng nhiều và người đả kích, phê phán cũng không ít. Truyện bắt đầu được đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm từ ngày 20 tháng 7 năm 1912 với nhan đề Truyện nàng Hà Hương, đến năm 1915 tác phẩm này được nhà in J. Viết xuất bản với tên là Hà Hương phong nguyệt. Truyện kể chuyện của Nghĩa Hữu, một thanh niên con nhà giàu có ăn chơi lêu lỏng. Nghĩa Hữu cưới Hà Hương, một cô gái con nhà giàu, có nhan sắc nhưng tính nết xấu xa, vì thế chẳng bao lâu hai người đường ai nấy đi. Nghĩa Hữu lấy vợ sau là Nguyệt Ba, một cô gái nhà nghèo nhưng đẹp người đẹp nết. Hà Hương sau một thời gian ăn chơi chán chê lại dụ dổ Nghĩa Hữu trở lại với mình. Do ngòi bút có phần táo bạo khi miêu tả những cảnh ăn chơi trác táng, ông đã bị kết án là xúc phạm thuần phong mỹ tục. Công Luận báo thời đó đã gọi ông là “đứa tội nhơn lớn nhứt của An Nam”. Đã có những cuộc bút chiến xảy ra quanh tác phẩm này và cuối cùng chính quyền thuộc địa đã ra lệnh tịch thu và tiêu huỷ tác phẩm.
Hơn mười năm sau khi Hà Hương phong nguyệt ra đời, Lê Hoằng Mưu có nói về lý do viết Hà Hương phong nguyệt và nguyên nhân của những cuộc bút chiến này: “Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương phong nguyệt. Hay dở tự người xem, tôi mô dám biết. Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau này trong phe viết báo lắm kẻ người ưa đọc sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dở gì, chỉ thích điều lả lơi phong nguyệt. Tôi mĩm cười! Cười mấy ông này mắt mang kiếng đen, chưa hề có xem phong nguyệt của người các nước, còn lả lơi quá mười của tôi. Tôi thầm nghĩ nếu phong hóa vì tiểu thuyết tình tự lả lơi mà ra thì phong hóa các nước suy đồi biết mấy. Thoảng lại phong hóa nhà Nam suy đồi từ chưa có bộ Hà Hương phong nguyệt”.
Ngoài Hà Hương phong nguyệt, ông còn có các tiểu thuyết Ba gái cầu chồng (1915), Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920), Oán hồng quần tức Phùng Kim Huê ngoại sử (1920), Oan kia theo mãi tức Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật (1922), Đầu tóc mượn (1926), Đỗ Triệu kỳ duyện (1928), Đêm rốt của người tội tử hình (1929), Người bán ngọc (1931).
Lê Hoằng Mưu còn có một tác phẩm viết bằng thơ là Hoạn Thơ bắt Túy Kiều (1928).
Ở những tác phẩm ban đầu, văn của Lê Hoằng Mưu còn rất dài dòng, nhiều đoạn là văn biền ngẫu. Hà Hương phong nguyệt viết theo lối văn xuôi có đối có vần rất du dương réo rắt và thỉnh thoảng lại xen các bài thơ vào. Kể chuyện Nghĩa Hữu mê say Hà Hương phụ bạc Nguyệt Ba, Lê Hoằng Mưu viết: “Lúc vắng vẻ mặc tình sắc dục, đã đời rồi lắm lúc quên về, nào tưởng chi đến phận hiền thê, nằm thôi thức mỏi mê chờ đợi. Cuộc điếm đàng giả tuồng nhơn ngỡi, vui trăng hoa rồi tới chuyện trò, theo một bên rờ rẫm mằn mò, làm như cách ngao cò gặp mặt”.
Để dụ dỗ Nghĩa Hữu trở lại với mình, Hà Hương làm một bài thơ như sau:
Kính thăm anh đôi chữ bình an
Xin quân tử nghe em phiền trách
Kể từ thuở vợ chồng xa cách
Em lần tay tính đã mấy trăng
Vì cớ chi bặt tích vắng tăm
...
Em dẫu nhớ biết làm sao được
Dẫu mấy năm cũng phải đợi trông
Em xa anh như bướm xa bông
Chàng xa thiếp như ong lạc nhuỵ
Ngày nghĩ tới dòng châu hột luỵ
Đêm đêm nằm nước mắt rưng rưng
...
Nhưng lời văn có đối có vần tự nhiên lưu loát thời đó lại là một trong những yếu tố tạo ra sức hấp dẫn của tác phẩm Lê Hoằng Mưu như Nguyễn Liên Phong đã từng nhận xét: “hơi nôm na sắp đặt lanh lợi có duyên, người ta xem đến không nhàm mỏi”. Kết cấu của các tác phẩm này vẫn là kiểu kết cấu chương hồi. Nhưng những tác phẩm này cũng đã có những điều mới. Trong Hà Hương phong nguyệt, tác giả đã chú ý đến việc miêu tả, phân tích những diễn biến tâm lý, cảm giác của nhân vật trong quan hệ tình ái. Đó là những điều rất mới mẻ về bút pháp so với tiểu thuyết truyền thống. Qua mối tình của Tô Huệ Nhi và Châu Kỳ Xương trong Tô Huệ Nhi ngoại sử, Lê Hoằng Mưu muốn đả kích lễ giáo phong kiến, đấu tranh cho tự do hôn nhân. Tác phẩm bằng việc nói bóng gió về phong trào duy tân ở Trung Quốc, đã có ý hướng ca ngợi phong trào Duy Tân ở nước ta lúc bấy giờ. Oán hồng quần đã bắt đầu có những chi tiết tả thực như hoạt động ở thanh lâu, những thủ đoạn của bọn mẹ mìn và thám tử, những cuộc đào thoát mạo hiểm mang tính chất trinh thám.
Đến Oan kia theo mãi tức Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật, cách viết của ông đã tỏ ra hiện đại, mới mẻ hơn. Ảnh hưởng lối viết tiểu thuyết của phương Tây lộ rõ qua phụ đề Roman ghi dưới tác phẩm. Cái mới trước tiên là ở kết cấu. Cũng như trong Truyện Thầy Lazaro Phiền của người tiền bối Nguyễn Trọng Quản, nhân vật người kể chuyện trong Oan kia theo mãi được thể hiện ở ngôi thứ nhất, qua nhân vật xưng “tôi”. Điều này cho phép tác giả đưa vào việc trần thuật quan điểm riêng của nhân vật, sắc thái tâm lý, cá tính mang đậm tính chủ quan. Nhân vật Hồ Cảnh Tiên mang nặng một tâm trạng dằn vặt đau khổ và hối hận về những việc làm sai trái, đồi bại của bản thân mình. Mở đầu là những hiểu lầm giữa Hồ Cảnh Tiên với vợ và Chánh Tâm, xung đột trong truyện là xung đột của hai tuyến nhân vật. Nhưng Oan kia theo mãi không xoay quanh sự xung đột giữa hai tuyến nhân vật mà xoáy sâu vào sự xung đột ngay trong nội tâm của nhân vật chính Hồ Cảnh Tiên. Đi sâu vào nội tâm nhân vật, tác giả có điều kiện thể hiện tính cách của nhân vật và nắm bắt được bản chất nhân vật một cách sâu sắc. Sự xung đột ở đây xảy ra ngay trong tư tưởng Hồ Cảnh Tiên, xung đột trong cái ác và cái thiện, cái cao thượng và cái dâm ô. Nhân vật bị dằng xé trong những nỗi đau ấy.
Sang Đầu tóc mượn, ngòi bút của Lê Hoằng Mưu đã mang nhiều nét của văn xuôi hiện đại. Tiểu thuyết này đã có bố cục theo kiểu hiện đại, không kể chuyện mà miêu tả. Tác giả đã sáng tạo nhiều mâu thuẫn, xung đột rất phù hợp với sự phát triển của tính cách, tâm lý nhân vật.
Đến Đêm rốt của người tội tử hình và Người bán ngọc, việc phân tích tâm lý nhân vật của Lê Hoằng Mưu đã lên đến một trình độ cao. Kết cấu Đêm rốt của người tội tử hình không phát triển theo tuyến tính nữa mà đã theo diễn biến tâm lý của nhân vật. Người bán ngọc cũng có nhiều dáng dấp hiện đại trong việc xây dựng một cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn, xen lẫn những trang miêu tả tình yêu sắc dục với những tình tiết án mạng và phá án. Nhà văn đã chú ý đến thao tác miêu tả tâm lý nhân vật, đi sâu vào nội tâm nhân vật, để từ đó tính cách nhân vật hiện lên một cách rõ rệt.
Tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu có nhiều kịch tính, điều này góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho các tác phẩm của ông. Chúng ta cũng có thể thấy điều này trong những tác phẩm của những tác giả cùng thời với ông như Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Nguyễn Chánh Sắt. Đây có thể nói là một đặc trưng của truyện ngắn và tiểu thuyết Nam Bộ mà sau này các tác giả như Phú Đức và Việt Đông, Sơn Nam và Nguyễn Quang Sáng... đã kế thừa. Hầu như tác phẩm nào của ông cũng có các tình tiết rất ly kỳ. Sự xung đột giữa hai tuyến nhân vật trong các tác phẩm của ông diễn ra rất gay go quyết liệt, thậm chí chỉ cái chết mới giải quyết được những mâu thuẫn, xung đột đó.
Một điểm mới trong nghệ thuật kết cấu tác phẩm của Lê Hoằng Mưu là ở kết thúc của các tác phẩm. Không như những tác phẩm khác cùng thời, tác phẩm của Lê Hoằng Mưu kết thúc một cách bất ngờ, không có hậu, đi ngược với tiểu thuyết truyền thống. Nhân vật chính diện Triệu Bất Lượng trong Oán hồng quần Phùng Kim Huê ngoại sử đã bị "máy ăn" khi làm việc trong một nhà máy xay lúa, bỏ lại người vợ bất hạnh Phùng Kim Huê cùng hai con nhỏ. Đêm rốt người tội tử hình và Người bán ngọc cũng cho ta thấy điều này. Đó là những kết thúc trong bi kịch, bế tắc. Nhưng niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn thấy le lói qua nhiều trang viết của tác giả.
Ngôn ngữ tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu đã dần dần hoàn thiện theo thời gian. Ngay ở Người bán ngọc, tác phẩm cuối của ông, vẫn còn dấu vết biền ngẫu, vẫn còn xen các bài thơ vào Nhưng lối văn này càng về sau càng phai nhạt dần, nhường chỗ cho một lối văn hiện đại, súc tích và trong sáng hơn.
Lê Hoằng Mưu là một nhà văn tiên phong, là một trong những nhà văn Nam Bộ tiêu biểu cho lớp nhà văn thời kỳ giao thời, quá độ trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Qua tác phẩm của ông, chúng ta thấy thi pháp tiểu thuyết phương Đông, mà cụ thể là tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, đã hòa lẫn với thi pháp tiểu thuyết phương Tây một cách hết sức thú vị. Đó cũng là một đặc điểm chung trong tác phẩm của nhiều nhà văn Nam Bộ thời kỳ đó. Nhưng Lê Hoằng Mưu cũng có những điểm đặc biệt so với các nhà văn Nam Bộ khác cùng thời. Ông có nhiều thử nghiệm táo bạo trong các tác phẩm của mình. Thay vì kể chuyện, tự sự, ông đã sớm đi vào miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật và đã đạt được những thành công nhất định. Sớm hơn cả Trương Tửu, Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, ông đã đặt ra vấn đề tính dục và những trang viết nóng bỏng của ông trong Hà Hương phong nguyệt, Người bán ngọc đã làm xôn xao dư luận trong một thời mà ảnh hưởng của Tống Nho còn rất sâu nặng. Qua việc sáng tạo ra những cốt truyện có các tình tiết ly kỳ, qua việc thể hiện những vụ phá án ngoạn mục, ông có lẽ cũng là người gợi ý cho kiểu tiểu thuyết trinh thám sau này ở Phú Đức, Việt Đông... Kết cấu trong các tác phẩm của ông cũng rất đa dạng so với văn chương thời kỳ đó. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Bằng Giang trong Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930 đã khẳng định: “tiểu thuyết (không nói truyện ngắn) thì cũng chỉ bắt đầu với Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu”.
Nhà báo Lãng Tử trong một bài báo viết về Lê Hoằng Mưu trên báo Mai năm 1939 cũng cho rằng ông “đã có cái vinh dự tối cao của kẻ đàn anh ăn trước bước đầu mà lại có tài hoa lỗi lạc”.
Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập đã hết lời ca ngợi ông:
“Khen bấy thầy Mưu dạng mỹ miều
Có khoa ngôn ngữ nết không kiêu
Điển Tòa thuở nọ công siêng nhọc
Nông Cổ ngày nay bút dệt thêu
Tuổi hãy xuân xanh khuôn phép đủ
Phước nhờ đầu bạc đắp vun nhiều
Từ đây báo quán thêm khong ngợi
Rảng rảng như chuông cả tiếng kêu”
Sự nghiệp sáng tác và những đóng góp cho văn học, cho báo chí nước nhà của Lê Hoằng Mưu, một nhà báo, một nhà văn tiên phong, độc đáo, còn cần được chúng ta nghiên cứu một cách thấu đáo, sâu sắc hơn.