Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác - một thiên ký sự về các nước Đông Á đầu thế kỷ XX

VÕ VĂN NHƠN (*)

Nguyễn Bá Trác sinh năm 1881 (Tân Tỵ) tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thuở nhỏ ông theo Nho học ở quê nhà, đến năm 1906 thi đỗ cử nhân ở trường thi Huế. Ông mất năm 1945 tại Bình Định. Theo chân những nhà ái quốc trong phong trào Đông Du, Duy Tân, Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp để từ đó có thể tiếp thu Tân học. Khi phong trào bị đàn áp, Nguyễn Bá Trác trốn vào Nam Bộ và năm 1908 sang Thái Lan, Hồng Kông, Thượng Hải rồi sang Nhật. Sau đó ông sang Trung Quốc rồi trở về Hà Nội năm 1914, làm ở Phòng báo chí Phủ Toàn quyền Đông Dương và chủ bút phần Hán văn tờ Cộng Thị cho đến năm 1916. Năm 1917, ông nhận làm chủ bút phần Hán văn của Nam Phong tạp chí. Năm 1919, sau khi rời báo Nam Phong, ông vào Huế làm Tá lý Bộ Học và lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần vũ Quảng Ngãi, Thị lang Bộ Binh, Tổng đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định. Nguyễn Bá Trác để lại số lượng tác phẩm lớn, gồm cả chữ Hán và quốc ngữ, văn khảo cứu và sáng tác, kể cả phần tự dịch tác phẩm chữ Hán sang chữ quốc ngữ.

Nguyễn Bá Trác được xem là tác giả của bài thơ Hồ Trường hào sảng, mang tâm trạng của một người bất đắc chí:

Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường

Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương

Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương

Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương

Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương.

Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan

Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương

Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương

Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy

Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí

Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử.

Chính ông đã dịch bài thơ ra chữ quốc ngữ như sau:

Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường;

Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương

Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương

Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.

Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?

Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;

Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan

Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;

Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng

Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay

Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

 

Phạm Thị Ngoạn, con gái Phạm Quỳnh, đã viết về Nguyễn Bá Trác: “Vào năm 1917, bên cạnh và đối với Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác quả thực đã đóng vai đàn anh, vì tuổi tác, vì danh vị đỗ Cử nhân, và nhất là uy tín của một quá khứ mạo hiểm đã khiến ông nổi danh là lịch duyệt”([1]).

Cái quá khứ mạo hiểm đó của ông đã được ghi lại đầy đủ trong Hạn mạn du ký, được viết bằng Hán văn, đăng trên báo Nam Phong từ số 22 tháng 4 năm 1919. Việc sáng tác Hạn mạn du ký bằng chữ Hán giữa lúc chữ quốc ngữ đã tương đối ổn định, nói theo Phạm Hoàng Quân, có lẽ do Nguyễn Bá Trác nhằm đến đối tượng độc giả là “tầng lớp trí thức quan lại đang điều độ guồng máy xã hội còn quen dùng chữ Hán” “đối tượng cần được khai trí, cần được tác động” (Đông Du - một góc nhìn, Tuổi Trẻ cuối tuần, 30/01/2014). Sau đó chính Nguyễn Bá Trác tự dịch bút ký này ra chữ quốc ngữ la tinh đăng lại trên Nam Phong từ số 38 đến 43 trong năm 1920, chắc là để nhắm đến một đối tượng độc giả rộng rãi khác.

Tác phẩm ghi lại cuộc hành trình kéo dài sáu năm (từ 1908 đến 1914) của Nguyễn Bá Trác qua các nước Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản. Cuộc ra đi vô cùng vất vả, có lúc ông phải chui nhủi trong rừng rậm miền Trung, lúc phải giả làm tu sĩ Phật giáo ở Phú Yên, lúc phải nằm trong hầm tối chật hẹp dưới tàu thủy sang Thái Lan, lúc lang thang bị trinh thám Nhật theo dõi sát, lúc đối diện với cái sống cái chết trong chiến tranh ở Trung Quốc,… nhưng cũng gặp được không ít quý nhân tận tình giúp đỡ, yêu thương.

Nước đầu tiên Nguyễn Bá Trác đến là nước Siam (Thái Lan). Ông đã mượn lời một người đồng hương Việt Nam sống ở Thái Lan đã bảy năm để lược thuật lại lịch sử Thái Lan, đạo Phật ở Thái Lan. Có những nhận xét mà giờ này đọc lại ta không khỏi xót xa cho sự phát triển của Việt Nam, ví dụ như so sánh giữa Thái Lan và Việt Nam ngày đó, Nguyễn Bá Trác cho rằng “nói tóm lại trình độ người Siam còn kém người An Nam”, nhưng ông đánh giá cao chủ nghĩa khai phóng của Siam (Thái Lan), cho rằng nhờ đó mà họ giữ được địa vị độc lập. Nhưng nhận biết Thái Lan không phải là nơi cầu học, mà mục đích của ông là “muốn tìm được ngay nơi học hành cho thêm trí thức”, vì thế ông sang Hồng Kông, học tiếng Anh ở đó vài tháng.

Ngoài Thái Lan, Hạn mạn du ký còn có những ghi chép về địa lý và lịch sử Trung Quốc, về lịch sử Triều Tiên, nhưng đáng chú ý là những trang viết của Nguyễn Bá Trác về Nhật Bản. Việc Nguyễn Bá Trác đi sang Nhật, theo ông kể trong du ký, cũng là một duyên may. Chúng ta cũng biết là từ năm 1908, do thỏa hiệp với Pháp nên chính phủ Nhật đã không còn ủng hộ phong trào Đông du của chúng ta nữa, vì thế việc Nguyễn Bá Trác sang Nhật không phải là theo phong trào Đông du. Số là trên tàu từ Hồng Kông sang Thượng Hải, ông tình cờ gặp một người Trung Hoa cũng là một người đông độ (người Trung Hoa thường gọi đi Nhật Bản là đông độ). Biết Nguyễn Bá Trác là người có tinh thần cầu học, người đó bèn giúp ông sang Nhật. Việc tưởng là sự ngẫu nhiên của số phận, nhưng thật ra là từ tinh thần cầu học của Nguyễn Bác Trác, của những trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Nhật Bản đang nổi lên với chiến thắng trước nước Nga, đang trên đường canh tân mạnh mẽ đã có sức hấp dẫn những trí thức yêu nước của Việt Nam đang đau đáu trước số phận nô lệ của đất nước, dân tộc mình.

Những ngày đầu ở Nhật Bản, Nguyễn Bá Trác đã gặp rất nhiều khó khăn.  Lúc ông bị nghi là người Triều Tiên, lúc bị tưởng là người của “đảng Cách mệnh Tàu”, vì thế bị mật thám theo dõi suốt. Sau được một người Nhật “vị cao vọng trọng” giúp đỡ nên ông mới có điều kiện ngao du Nhật Bản trước khi về lại Trung Quốc.

Trong hơn 40 trang sách dành cho Nhật Bản, Nguyễn Bá Trác đã có những ghi nhận rất sâu sắc về lịch sử, văn hóa, phong tục, chính trị, giáo dục của đất nước này. Ông ghi chép rất tỉ mỉ, miêu tả rất chi tiết phong tục tập quán của Nhật Bản, từ cách giao tiếp đến ăn uống, tắm gội, ăn mặc, tang lễ và cả cách tổ chức quân đội, nhà nước,… Ông không chỉ thuật lại những điều mắt thấy tai nghe ở Nhật Bản mà còn qua đó so sánh với nước ta để thấy những chỗ còn kém cỏi, còn phải học hỏi của nước ta, chỉ ra những nguyên nhân làm cho nước ta chậm tiến bộ. Ông đã có những nhận xét rất sắc sảo, như so sánh giữa việc tiếp thu Hán học của ta và Nhật Bản: “Nhật Bản thụ giáo Khổng Mạnh mà không thụ trị Trung Quốc. Còn nước ta từ khi có Hán học truyền sang, thì cam làm tôi tớ cho Hán học”, “người Nhật Bản theo Hán học mà không nhiễm phải cái độc khoa cử; không kể những nhà đã xướng ra đạo học, đã phát minh lý thuyết, còn những nhà từ chương cũng có vẻ xuất sắc, không làm những văn vô dụng như thơ, phú, kinh nghĩa”, “bạn Hán học nước ta trừ ra mấy điều luân lý, lễ giáo, thực không phát minh được cái lý thuyết gì để giúp nước nhà lên đường tiến bộ”. Ông chỉ ra sự khác nhau giữa Tây học của ta và Nhật: “Xét ra người Nhật vì trí thức loài người mà phải học chữ Âu, còn người nước ta là vì việc sinh hoạt từng người mà phải học chữ Tây, mục đích khác nhau cho nên kết quả cũng khác”. Ông cho rằng chính giáo dục đã đưa Nhật Bản đến phú cường, ông so sánh tính cần kiệm, ham làm việc của người Nhật và cái nghèo của người Việt và xấu hổ khi thấy: “mình cũng là một người đồng văn đồng hóa, sao người ta hớn hở như hoa tươi, mà mình tiêu điều như lá rụng? Nếu đem lòng so sánh chẳng càng hổ thẹn lắm ru?”.

Nhưng ông cũng nói đến “thời kỳ phá hoại của Nhật Bản”, cái “xu hướng tân trào” cực đoan đến nỗi Thượng thư Bộ Học của Nhật Bản lúc ấy đã dám đề xướng “lấy chữ Anh làm quốc văn”, việc cải lương hí kịch, phá hủy đền chùa,…  đến nỗi “lễ nghĩa bại hoại, phong hóa lăng di, đang đời văn minh mà thành ra hắc ám địa ngục”. May mà qua cái thời kỳ “xu hướng tân trào” ấy lại có ngay thời kỳ “bảo tồn quốc túy” nên tinh thần lập quốc của Nhật Bản không đến nỗi tuyệt duyệt.

Có thể là những nhận xét của Nguyễn Bá Trác có phần còn cực đoan, nhưng nhìn chung đó là tấm lòng của một trí thức trước “bệnh mê” của dân tộc, trước ‘‘căn bệnh trầm kha’’ của “bốn ngàn năm bệnh thuốc lâu thuyên’’, tình trạng “nhân bần khí đoản”, “nước nhược dân hèn” dẫn đến mất độc lập tự do mà văn học duy tân với Chiêu hồn nước (Phạm Tất Đắc), Tỉnh quốc hồn ca (Phan Chu Trinh), Gọi tỉnh hồn quốc dân (Phan Bội Châu), Chiêu hồn dân ruộng (Nguyễn Quang Diêu), … đã lên tiếng cảnh tỉnh. Những nhận xét của Nguyễn Bá Trác về những thói hư tật xấu của người Việt cũng không khỏi làm cho chúng ta liên tưởng đến hình tượng Đông Á bệnh phu trong các tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, Lương Khải Siêu và Trần Hữu Độ([2]).

 Thời gian ở Nhật Bản của Nguyễn Bá Trác không lâu (chỉ khoảng vài tuần), nhưng ảnh hưởng của tinh thần, văn hóa, học thuật Nhật Bản đến ông có lẽ không nhỏ. Phạm Hoàng Quân cho rằng: “Nguyễn Bá Trác chịu ảnh hưởng học thuật Nhật Bản nhiều mặt, tiêu biểu là phép làm niên biểu theo phương pháp khoa học. Xưa nay phần đông giới sử gia nước ta hình như kém về toán học hoặc lười tính toán, việc tổ chức sắp xếp đối chiếu chọn lọc năm tháng và sự kiện vào bảng biểu có khuôn mẫu nhất quán mãi cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn chưa làm được.

Khác với việc soạn sử biên niên hay chép biên niên sự kiện, việc lập niên biểu cần thêm óc tổ chức, xem Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu (Hán văn, 1925) do Nguyễn Bá Trác và cộng sự ở Bộ Học biên soạn thấy rất giống các niên biểu lịch sử Nhật Bản hồi thế kỷ 18. Sách này ngoài cột chính ghi niên biểu Việt Nam, hai cột phụ là niên biểu Trung Quốc và Nhật Bản, lại phụ thêm các đại sự kiện của các nước khác”([3]).

Hạn mạn du ký không chỉ là cảm xúc còn lại sau một chuyến đi dài như ông nói trong lời mở đầu du ký. Khác với cái tựa đề nhẹ tênh, du ký này không chỉ là những ghi chép của một khách du lịch mà nặng trĩu tấm lòng của một trí thức đang khát khao cầu tìm tri thức để có thể giúp ích cho đất nước, dân tộc: “Thế giới như ngày nay, phong trào cạnh tranh càng ngày càng kịch. Đại trượng phu sinh ở thời, cũng nên đi cho cùng bốn bể, học cho khắp năm châu, thu lấy mây Mỹ mưa Âu mà tẩm nhuận cho thiên hạ”. Đó không phải là “lời ký của một người đi chơi phiếm” mà là sự trải nghiệm sâu sắc, là những suy nghĩ gan ruột của một trí thức luôn đau đáu trước sự lạc hậu của đất nước, là tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà nhà ái quốc Phan Chu Trinh đã từng đề xướng. Tác phẩm còn ghi nhận tình cảm sâu nặng đối với đất nước của những người con đất Việt vì hoàn cảnh phải bôn ba nơi xứ người. Đó là tình yêu đất nước rất cảm động của mẹ con một bà cụ người Việt lưu lạc sang Trung Quốc, trong đó có tình cảm rất đáng trân trọng của con gái bà cụ đối với Nguyễn Bá Trác, một người con gái tuy chỉ có nửa dòng máu Việt nhưng ý thức rất sâu sắc về quê mẹ. Đó là giọng hát bi tráng của Nguyên quân trong bài Nam phương ca khúc (Hồ trường) khi say rượu nhớ về quê hương ở phương Nam xa lắc, mịt mù.

Cuộc đời của Nguyễn Bá Trác vẫn còn nhiều điều chưa thống nhất. Sau thế hệ đối kháng phương Tây, ông có thể được xếp vào thế hệ liên hiệp (dung hòa), nói theo Thanh Lãng. Ông làm quan cho triều đình Huế và đã trả giá đắt khi Cách mạng tháng Tám thành công. Nhưng không thể không ghi nhận những đóng góp của ông trong khảo cứu, không thể không xem ông là một nhà văn sâu sắc, tài hoa nửa đầu thế kỷ XX.

(*) PGS, TS – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh


([1]) Phạm Thị Ngoạn:  Introduction au Nam Phong (Tìm hiểu tạp chí Nam Phong), bản dịch Phạm Trọng Nhân, Ý Việt, Paris, 1993,tr. 68.

([2]) Lê Ngọc Thúy, Hình tượng “Đông Á bệnh phu” trong văn học duy tân Đông Á, Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sách Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á,Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 465-467.

([3])Đông Du - một góc nhìn, Tuổi Trẻ cuối tuần, 30/01/2014.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63743167
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6038
35223
63743167

Thành viên trực tuyến

Đang có 561 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website