Trúc Hà - một trong "Hà Tiên tứ tuyệt"

Lâu nay đọc các ý kiến bàn về tiểu thuyết, bên cạnh những tên tuổi như Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Vũ Bằng… chúng ta thấy các nhà nghiên cứu hay nhắc đến Trúc Hà với bài Lược khảo về sự tiến hoá của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết in trên Nam Phong tạp chí năm 1932. Bài phóng sự Hội chợ năm nay có những gì? của ông cũng được chọn in trong tuyển tập Phóng sự Việt Nam 1932-1945 do Nxb.Văn học ấn hành năm 2000. Nhưng có lẽ ít ai biết Trúc Hà lại là một nhà văn quê tận Hà Tiên, miền cực Tây Nam của đất nước, một trong Hà Tiên tứ tuyệt (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà) lừng lẫy một thời.

Trúc Hà tên thật là Trần Thiêm Thới, sinh quán tại Hà Tiên (nay là tỉnh Kiên Giang). Hiện không có tài liệu nào cho biết chính xác ngày sinh và thời điểm qua đời của Trúc Hà, chỉ biết ông trạc tuổi với Đông Hồ và mất sau khi báo Sống đình bản vài năm vì bệnh lao phổi (năm 1935). Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường ở Hà Tiên còn lưu giữ vài dòng tưởng niệm được treo trang trọng trên tường:

“Trúc Hà Trần Thiêm Thới 1909-1937, cháu gọi Đông Hồ bằng cậu: nhà văn nhà thơ nhà giáo cùng với Đông Hồ chủ trương tuần báo Sống ở Sài Gòn năm 1935. Sau đó chuyên dạy Việt văn ở các trường tư thục Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh (…)”

Nhưng trên Đại Việt tập chí Nam Kỳ tuần báo, mãi đến các năm 1942 – 1943, vẫn có những bài viết ký tên Trúc Hà. Bài viết cuối cùng đăng trên Nam kỳ tuần báo số ra tháng 6/1943. Có thể đưa ra ba trường hợp để lý giải. Thứ nhất: những bài viết đó là di cảo của Trúc Hà được bạn bè, người thân gửi đến toà báo; thứ hai: đây là một Trúc Hà nào khác, không phải Trúc Hà Trần Thiêm Thới; thứ ba: Trúc Hà Trần Thiêm Thới vẫn sống đến tháng 6/1943, không phải mất năm 1937. Trường hợp đầu tiên không thể xảy ra, vì trong số những bài báo ký tên Trúc Hà trên Nam Kỳ tuần báo có những bài mang tính xã luận bám rất sát với tình hình thời sự những năm 1942-1943. Trường hợp thứ hai cũng khó có thể. Trúc Hà Trần Thiêm Thới lúc sinh thời theo đánh giá của Nguyễn Hiến Lê là “khá có tiếng tăm” [1]. Ngày ấy, số người làm báo không quá đông đúc như bây giờ, một nhà báo, nhà văn có tiếng đã khẳng định được “thương hiệu” thì ít ai lấy trùng bút danh, nếu có thì cũng tìm cách phân biệt nó với bút danh của người đi trước. Chỉ còn trường hợp thứ ba là khả dĩ, nghĩa là Trúc Hà vẫn sống đến năm 1943, chứ không phải đã mất năm 1937.

Vậy ông mất vào thời điểm nào? Nguyễn Hiến Lê khẳng định ông mất trước 1945: như Trúc Hà, cũng quê ở Hà Tiên, có họ hàng với Đông Hồ, khá có tiếng tăm, mất trước 1945” 1. Nguyễn Phước Thị Liên trong bài viết về Hà Tiên tứ tuyệt có cung cấp chi tiết về Trúc Hà, “khi qua đời tại Sài Gòn, ông được đưa về Hà Tiên chôn cất vội vàng, đắp một đất tạm. Sau đó là thời kỳ Tây tái chiếm Hà Tiên, Đông Hồ, Mộng Tuyết sơ tán về Sài Gòn, lâu ngày không ai lập mộ bia cho ông.”[2]. Thực dân Anh đổ bộ đến giải giới quân Nhật và giúp thực dân Pháp đặt ách thống trị lại ở các tỉnh miền Tây từ 1945. Từ những căn cứ nói trên, có thể đoán chừng thời gian mất của Trúc Hà trong khoảng từ nửa cuối 1943 đến 1944.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng làm nên cuộc đời và văn nghiệp Trúc Hà, mà yếu tố đầu tiên phải kể đến chính là quê hương Hà Tiên. Mảnh đất cực Tây Nam Tổ quốc này được xem là một xứ sở kỳ lạ của phương Nam. Giữa đồng bằng bát ngát, tuy trù phú nhưng giản dị đến nhàm chán, thiên nhiên đã phá vỡ sự tĩnh lặng của tầm mắt con người bằng một khung cảnh bồng lai khác lạ với trời mây non nước, đá tạc sóng xô. Mũi đất nhỏ bé này gom góp và thu nhỏ dung quang đất nước, với hang sâu động hiểm, sông nước hữu tình, trời biển mênh mông, chùa chiền u tịch… thổi vào lòng người niềm tưởng tượng say mê để thêu dệt nên bao nhiêu huyền thoại. Các danh thắng đó là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống văn chương nảy mầm mạnh mẽ. Văn học Hà Tiên từng được biết đến với những chân dung vừa là dũng tướng tài ba vừa là thi nhân hết sức tài hoa. Tao đàn Chiêu Anh các thế kỷ XVIII là niềm tự hào của xứ sở này. Tác phẩm Hà Tiên thập vịnh (chữ Hán) và Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh (tự dịch sang chữ Nôm) của chủ soái tao đàn Mạc Thiên Tích qua ba thế kỷ vẫn gợi niềm kiêu hãnh, say mê trong bao thế hệ người Hà Tiên. Mảnh đất này như một mạch ngầm hun đúc nên tính cách, tâm hồn và văn chương Trúc Hà. Tìm hiểu văn nghiệp Trúc Hà, không khó để nhận ra ảnh hưởng của quê hương, từ bút danh, đến địa danh bối cảnh trong tác phẩm, đến tư tưởng và quan niệm văn chương cũng như văn phong mà ông gìn giữ và trau chuốt.

Là cháu gọi Đông Hồ Lâm Tấn Phác bằng cậu, Trúc Hà đặc biệt gắn bó với họ Lâm. Thuở nhỏ, hai anh em Trần Thiêm Thới, Trần Văn Quyện được đưa về ở chung nhà với Lâm Tấn Phác, khi ấy đã được bá phụ Lâm Tấn Đức, một người nổi tiếng văn hay chữ tốt của dòng họ, cưu mang nuôi dưỡng. Vì vậy họ tuy vai vế khác nhau nhưng thân nhau như anh em. Học xong sơ học ở Hà Tiên, Trúc Hà thi đậu vào bậc thành chung trường Trung học Cần Thơ (Collège de Cần Thơ) năm 1925. Ông là một trong những học trò đầu tiên của Hà Tiên học ở ngôi trường danh tiếng này, nơi sản sinh ra nhiều nhân vật nổi danh như Ung Văn Khiêm, Hồ Hữu Tường, Trần Đại Nghĩa, Sơn Nam…. Do tham gia viết báo tường mang nội dung ái quốc, nên Trúc Hà cùng với Ung Văn Khiêm, Hồ Hữu Tường… bị đuổi khỏi trường khi chưa kết thúc năm thứ nhất thành chung.

Trở lại quê nhà, Trúc Hà tiếp tục rèn luyện quốc văn theo chí hướng của Đông Hồ. Từ những biến cố thời kỳ này đã hé mở một tính cách năng nổ, hăng hái với thời cuộc, giàu tinh thần dấn thân, về sau thể hiện rất rõ trong văn nghiệp của ông. Đây chính là thời kỳ hoạt động văn chương, báo chí sôi nổi của Trúc Hà. Khởi nghiệp từ Nam Phong tạp chí, ông cộng tác với tờ báo này từ 1927 đến 1932 với nhiều thể loại: dịch thơ, tản văn, xã luận và nghiên cứu, phê bình văn học. Ít năm sau ông lên Sài Gòn dạy môn quốc văn ở các trường tư thục Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh cho đến tận gần ngày ông từ trần vì bệnh tật. Sau báo Nam Phong, Trúc Hà còn viết bài cộng tác với Phụ nữ tân văn. Đầu năm 1935, Trúc Hà và bạn bè Trí Đức học xá cùng chung tay cho ra đời tờ tuần báo chuyên về văn học, Sống. Ông gánh vác vai trò chủ nhiệm của báo lúc mới 26 tuổi. Khi Sống đình bản, Trúc Hà tiếp tục ở lại Sài Gòn dạy học. Đến cuối năm 1942, trên Đại Việt tập chíNam Kỳ tuần báo lại thấy xuất hiện bài viết của Trúc Hà với tần số rất dày. Những bài viết này thuộc đủ mọi thể loại: nghiên cứu, phê bình văn học, phóng sự, xã luận, triết luận… Bên cạnh đó Trúc Hà còn viết phê bình cho tạp chí Nay, ra đời năm 1940.

Chính từ những đóng góp của thời thanh niên sôi nổi này mà Trúc Hà được vinh danh là một trong Hà Tiên tứ tuyệt, gồm có Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê và Trúc Hà.

Tuy có một cuộc sống ngắn ngủi, nhưng Trúc Hà đã để lại một sự nghiệp không nhỏ. Ông là một nhà văn, đồng thời cũng là một nhà báo có ít nhiều đóng góp cho nền báo chí quốc ngữ đầu thế kỷ XX.

1.      Nghiên cứu, phê bình văn học

Về sự nghiệp văn học của Trúc Hà, đáng chú ý nhất là mảng nghiên cứu, phê bình văn học. Bài viết nổi tiếng nhất của ông là bài Lược khảo về sự tiến hoá của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết đăng trên Nam Phong tạp chí. Hầu như những nhà nghiên cứu sau này có nhắc đến Trúc Hà cũng là qua bài viết này. Chỉ với bài báo này, ông đã được điểm tên cùng với nhiều tác giả phê bình có tiếng đương thời khác như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Thiếu Sơn, Hoài Thanh… Công trình này gây chú ý vì nó thuộc vào số không nhiều những tác phẩm đương thời có tính chất tổng kết những thành tựu văn chương giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Trong bài viết này, tuy là người Nam Bộ, nhưng Trúc Hà chỉ khảo sát những tiểu thuyết của các tác giả miền Bắc, chủ yếu là của những người cộng tác với báo Nam Phong. Đây chính là điều khiến ông bị các bạn văn đương thời cũng như những nhà nghiên cứu ngày sau chỉ trích. Ngoại trừ cái “lỗi” lớn là bỏ qua văn xuôi quốc ngữ miền Nam, bài viết của Trúc Hà đã bao quát được sự phát triển của quốc văn trong hơn mười năm, từ 1919 đến 1932, điểm qua được những tác phẩm nổi trội, những cây bút tiêu biểu mà về sau vẫn được nhắc đến trong các công trình văn học sử. Tác giả theo dõi từng bước phát triển của quốc văn, từ thuở còn là những câu văn đăng đối biền ngẫu cho đến khi trở nên hết sức linh hoạt uyển chuyển trong những tác phẩm tả chân hay lãng mạn về sau. Bài viết của ông chủ yếu tập trung vào sự biến đổi của lời văn, cách diễn đạt, mà theo khái niệm của ông là “phần phô diễn” trong tác phẩm.

Công trình gây chú ý này ra đời năm 1932, gần như cùng lúc với những bài phê bình trên báo của Thiếu Sơn, người được xem là cha đẻ của nền phê bình hiện đại Việt Nam, vì thế cũng có thể xếp Trúc Hà vào lớp người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Tác giả của Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900-1945 đã xếp Trúc Hà vào nhóm phê bình truyền thống cùng với những tác giả nhà nho khác của Nam Phong như Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng[3], có lẽ căn cứ vào bài tiểu khảo nói trên.

Ngoài Nam Phong tạp chí, Trúc Hà còn viết nhiều bài phê bình khác đăng trên Phụ nữ tân văn, báo Sống, Nam Kỳ tuần báo.

Bài viết đầu tiên của Trúc Hà trên Phụ nữ tân văn là một tác phẩm dịch từ văn xuôi Pháp, Le poète Mistral của A. Daudet. Đây là một bài phê bình nhân vật: thi hào Frédéric Mistral, tác giả của những tập thơ viết bằng tiếng Provençal, một thổ ngữ miền Nam nước Pháp mà Mistral vô cùng yêu quý và suốt đời ra công chấn chỉnh, trau chuốt lại. Trúc Hà ngưỡng mộ Mistral vì ông đã dốc cả cuộc đời mình để trau chuốt cho một thổ ngữ đang dần đi vào quên lãng.

Bài viết còn lại trên Phụ nữ tân văn là bài phê bình tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách: Cảm tưởng sau khi đọc Tố Tâm. Tựa đề tác phẩm gợi nên ấn tượng một bài phê bình theo khuynh truyền thống, nghĩa là chỉ nêu cảm nhận mang tính cá nhân cảm tính mà ít phân tích.

Khi phụ trách báo Sống, Trúc Hà đã thể hiện một sự nhạy bén với thời sự văn học khi lần lượt cho ra đời trên tờ báo này những bài phê bình: Anh với em của Nguyễn Lan Sơn, Mấy vần thơ của Thế Lữ, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại, Cái hay cái dở của Tự Lực văn đoànPhong trào thi ca mới, khuynh hướng, hiện trạng, đặc sắc, khuyết điểm.

Những tác phẩm này đã thể hiện sự chuyển biến trong lối viết phê bình của Trúc Hà, từ phê bình truyền thống sang phê bình trực cảm, với lối viết mới nhìn có vẻ đầy cảm tính, nhưng thật ra được đặt trên cơ sở những nguyên tắc lý luận phương Tây hiện đại. Khi phê bình thơ, tác giả tỏ rõ lập trường của mình là bênh vực Thơ mới, nhưng ông cũng không hề cay nghiệt với thơ cũ. Thái độ này cũng được ông thể hiện trong bài phê bình Tự lực văn đoàn. Ông đánh giá cao những gì văn đoàn nổi tiếng này đã làm được cho nền quốc văn, nhưng cũng tỏ thái độ không đồng tình khi họ công kích Nho học quá đáng.

Đặc biệt Trúc Hà còn có bài giới thiệu Xuân Thu nhã tập trên Nam Kỳ tuần báo. Đây có lẽ là một bài giới thiệu hiếm hoi của báo chí Nam Bộ đối với hiện tượng văn học đặc biệt này.

Trong phê bình, chức năng giáo dục thường không được Trúc Hà đặt nặng bằng chức năng thẩm mỹ. Ông viết phê bình bằng một lối hành văn giản dị, trong sáng, xa lạ với văn phong đăng đối rườm rà. Sau những cảm nhận trực cảm tế vi ban đầu, Trúc Hà thường chuyển sang tranh luận để bộc lộ quan điểm cá nhân, bênh vực cho tác phẩm. Vấn đề luôn được lật đi lật lại, luôn bị “xoay” vào chiều sâu tranh luận với những ý kiến trái chiều, từ đó tác giả lập luận bảo vệ ý kiến của riêng mình, vì thế mà các bài phê bình của ông thường rất thuyết phục, một sự cứng rắn trong lối hành văn mềm mỏng hiền hoà.

Ngôn ngữ phê bình của Trúc Hà rất tự nhiên, không mang tính đăng đối như phê bình truyền thống, càng về sau càng lưu loát và linh hoạt hơn, kho từ vựng được thêm vào các khái niệm của phê bình văn học hiện đại. Cách kết cấu, trình bày những bài phê bình của ông có lúc không giống như một bài phê bình thông thường, mà đôi khi lại chêm xen những đoạn kể chuyện, miêu tả.

2. Sáng tác văn học

Bên cạnh nghiên cứu, phê bình văn học, mảng sáng tác của Trúc Hà cũng rất đáng chú ý. Những sáng tác đầu tay của ông cũng được đăng trên Nam Phong, mang tên chung là Lời cảm cựu gồm một nhóm bốn tác phẩm in trên cùng một số báo: Đi học, Hai cái sợ, Một bầy khỉ, Một cắc bạc. Đây là những mảng hồi ức của tác giả về thời thơ ấu. Văn chương trong những bài này đã tự nhiên hơn, không còn thấy dấu vết của biền ngẫu, đăng đối. Những hồi ức kể trên đều là nhịp cầu dẫn đến một sự chiêm nghiệm nào đó trước cuộc đời. Từ những xúc cảm quen thuộc về nỗi hoài nhớ, tiếc nuối đến ý thức về bản thân đã khiến những trang văn của Trúc Hà rất có chiều sâu. Hiện lên ở những tản văn này là một chân dung Trúc Hà hiền hoà, ít nói, phảng phất nỗi buồn, sâu đậm ưu tư và ít nhiều chán nản. Đằng sau những lời mạnh mẽ hô hào, những lý tưởng lớn lao, ông không giấu được những hoang mang thời đại, nỗi niềm chung của lớp thanh niên bấy giờ trước bao nhiêu biến thiên dữ dội của đời sống.

Về truyện ngắn, Trúc Hà có các truyện Hối hận, Sau đám cướp, Giấy đâu, Ngày xét trường, Chúa xuân để tội một mình cho hoaCô gái rừng sim, Một cách trợ cấp đăng trên báo Sống. Trúc Hà vừa có những trang miêu tả tình yêu đậm màu sắc lãng mạn, vừa xoáy ngòi bút vào hiện thực đời sống nhiều bất công, ngang trái. Nhưng có vẻ ông thành công hơn ở những truyện theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Như một phóng viên, ông chụp ảnh sự kiện, sau đó phơi những bức ảnh ấy theo thứ tự trước mặt độc giả và để chúng tự nói lên mọi việc, không chen lời bình luận nào. Những “bức ảnh” này ngay trong phần trình bày dưới dạng đoạn văn cũng được tác giả cố ý tách ra bằng dấu ô vuông. Trúc Hà đã học tập được ở cây bút truyện ngắn lừng danh Nguyễn Công Hoan lối viết mỉa mai, châm biếm bằng những hình ảnh độc đáo nhưng đã mất đi ít nhiều sắc sảo vì đan cài với văn phong bộc lộ quá nhiều cảm xúc của người Nam Bộ. Mở đầu truyện, ông cũng dùng những câu ngắn, câu đảo chủ ngữ, tạo ấn tượng về sự chớp nhoáng. Tuy nhiên, nếu ông chỉ dùng một điểm nhìn duy nhất của người ngoài cuộc để miêu tả thì truyện sẽ ấn tượng hơn, đủ lạnh lùng để làm đau lòng độc giả hơn là việc di chuyển điểm nhìn trần thuật qua các nhân vật bị hại.

Một cách trợ cấp thuộc thể loại truyện ngắn thật ngắn. Gói gọn trong 297 chữ, với 3 đoạn văn như 3 bức ảnh được chụp chớp nhoáng hiện lên sự tàn nhẫn của chủ nhà máy trước số phận bi thảm của người công nhân. Với sự hạn hẹp của tiểu loại, Trúc Hà hết sức kiệm lời trong trần thuật và tuyệt nhiên không hé ra bất cứ cảm xúc cá nhân nào, ông để cho chính bản thân chi tiết truyện làm nhói lòng người đọc. Ông thường gây ấn tượng ở phần cuối truyện. Sau những đoạn dông dài cảm xúc, ông thường “nện” cú sốc vào độc giả ở phần cuối và chấm dứt ngay, không bình luận gì, khiến cảm giác bàng hoàng còn đeo bám mãi.

Trúc Hà còn miêu tả những rung động tinh tế của tâm hồn những người trẻ tuổi trong các truyện ngắn lãng mạn. Điểm đặc sắc trong trong những truyện này là ngôn từ và văn phong hết sức mượt mà trau chuốt, hình ảnh hoa mỹ. Trong đó, thiên nhiên luôn được ưu đãi một vị trí quan trọng.

Về thơ, Trúc Hà có hai bài thơ Dưới rèmGiận bức rèm in trên báo Sống. Đây cũng là hai bài thơ hiếm hoi trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cả hai bài đều theo lối thơ mới, gieo vần khá tự nhiên, trôi chảy chứ không quá trúc trắc như một số bài thơ mới Nam Bộ thời bấy giờ.

Về phóng sự, Trúc Hà có các tác phẩm Trên vùng đất đỏ, Hội chợ năm nay có những gì?, Cuộc diễn thuyết về cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ.

Trên vùng đất đỏ là phóng sự đầu tay của Trúc Hà, được đăng trên báo Sống. Số phận những người công nhân cao su được phơi bày với tinh thần tố cáo gay gắt. Viết phóng sự này, hầu như Trúc Hà không gọt giũa hay cảm thán gì nhiều. Ông để cho sự việc tự nói lên tất cả dưới ngòi bút lạnh như băng, hầu như chỉ có sự kiện. Với nhiều sự việc nhỏ phân bố trong các tiểu mục, người đọc có thể tự ghép các mảnh với nhau để tái hiện bức tranh hoàn chỉnh về đời sống công nhân cao su, mà do bị lường gạt, nhiều thân phận cùng đinh đã từng chọn nó làm con đường lập thân của mình. Tất cả đều được kể một cách ngắn gọn, không nhấn nhá hay cảm thán, chỉ có sự kiện mà thôi. Nếu có câu cảm thán hay triết lý thì cũng từ miệng người trong cuộc. Đặt bài phóng sự này bên cạnh những phóng sự nổi tiếng trước đó như Tôi kéo xe (1932) của Tam Lang, Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934) của Vũ Trọng Phụng thì rõ ràng tác phẩm của Trúc Hà còn rất non tay. Ông chưa thâm nhập sâu vào đời sống của những nhân vật mình khai thác, chỉ dừng lại ở miêu tả bề ngoài và nắm bắt những nét gây ấn tượng mạnh. Cách miêu tả ngắn gọn theo kiểu điểm sự kiện của ông cũng không làm thoả mãn người đọc vì thiếu tính chi tiết.

Hai phóng sự Hội chợ năm nay có những gì?, Cuộc diễn thuyết về cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ là dạng phóng sự tường thuật sự kiện. Hội chợ năm nay có những gì? là bài phóng sự ghi chép lại hội chợ triển lãm Sài Gòn tổ chức vào tháng 12 năm 1942. Nội dung chính được xây dựng bằng việc miêu tả các gian hàng Hải lục không quân, gian hàng Canh nông, Trường Viễn Đông bác cổ  hết sức chi tiết, từ vị trí, lối đi, cách trang trí, sản vật… xen lẫn cảm nhận. Mỗi gian hàng được trình bày trong một mục nhỏ, được đặt một tiêu đề riêng mà thuật ngữ báo chí gọi là tít con hay tít xen. Kết thúc bài báo là phần cảm tưởng chung. Văn phong của Trúc Hà không còn bóng bẩy trau chuốt như ngày trước, nhưng trong sáng, rõ ràng, giản dị, không lộ vẻ dụng công như các tác phẩm buổi đầu khởi nghiệp.

Cuộc diễn thuyết về cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ đơn thuần là một bài tường thuật. Bài này không mấy đặc sắc, chỉ thuần ý nghĩa đưa tin, chen đôi dòng nhận xét dù tác giả đã tường thuật rất chi tiết. Đôi lúc ông cũng đưa vào suy nghĩ của mình bằng những hình tượng so sánh, giúp bài tường thuật bớt khô khan.

Trúc Hà cũng viết nhiều bài nghị luận, xã luận trên các báo. Đầu tiên là các bài trên Nam Phong như Câu chuyện dưới trăng, Quốc văn đối với công dụng và thời gian, Chuyện tao đàn, Nhà nho có lẽ chịu sầu… Những tác phẩm nghị luận của Trúc Hà thường có kết cấu tựa như một truyện ngắn đơn giản, có nhân vật, có cốt truyện, có đối thoại. Ông hay hư cấu ra các nhân vật, giả định tình huống, hoặc đôi khi tưởng tượng mình đang trò chuyện với một người bạn xa nào đó. Điều này khiến bài viết thêm phần sống động và có vẻ xác thực. Hơn nữa, việc sáng tạo nhân vật và xây dựng đối thoại khiến Trúc Hà có thể dễ dàng đưa vào tác phẩm những ý kiến trái chiều để tiện bề tranh luận, vì thế, tác phẩm của ông luôn giàu tinh thần phản biện. Mỗi ý kiến đều được hậu thuẫn bằng kho dẫn chứng rộng từ kim cổ Đông Tây.

Tuy là văn nghị luận, nhưng Trúc Hà đưa vào tác phẩm không ít những dòng tả tình tả cảnh đầy cảm xúc, có lúc phá vỡ kết cấu bài viết, khiến tác phẩm trở nên rườm rà, thiếu vẻ khoa học. Đó còn là tàn dư của một thời đại văn chương bất phân thể loại, không chia phong cách. Văn phong Trúc Hà thời kỳ này vẫn còn đậm nét truyền thống, nhiều đoạn vẫn còn đăng đối biền ngẫu hay sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng.

Một đặc điểm khác trong những tác phẩm này là sự dài dòng, thiếu tập trung. Đôi khi ông chêm xen nhiều vấn đề lớn nhỏ trong cùng một bài viết, nhưng chuyển mạch không rõ ràng, khiến kết thúc không giải quyết được vấn đề đã đưa ra ở phần đầu, gây ấn tượng văn nghị luận giống như bài tản văn. Hoặc có khi chỉ một vấn đề mà nói đi nói lại, đôi khi bị chồng ý lên nhau. Có lẽ ông muốn nói cho đến khi cạn lời cạn lẽ, không bắt bẻ được vào đâu, nhưng cách tổ chức ý chưa thật gọn gàng.

Khi phụ trách báo Sống và khi cộng tác với Nam Kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, Trúc Hà chính là người viết những bài nghị luận xã hội và văn học ở đầu mỗi số báo mà người ta vẫn quen gọi là những bài “phông”. Trong các bài viết ở báo Sống, Trúc Hà thường đưa ra những cảm nhận về thời cuộc, cộng với một chút tinh tế và rất nhiều sắc sảo đặc biệt khi ông bàn đến những vấn đề mang tính đối lập trong cuộc đời, qua đó chọn ra một hướng đi, chẳng hạn như các bài: Mới và cũ, Đời mới tục mới, Mưu lợi trước hết, Nhơn nghĩa và quyền lợi… Bên cạnh đó, ông vẫn tiếp tục con đường cổ vũ quốc văn mà ông đã theo đuổi từ những ngày còn viết cho Nam Phong.

Các bài nghị luận của Trúc Hà trên Nam Kỳ tuần báo đều là nghị luận xã hội: Lời và nhạc của thanh niên, Một nước trẻ là thế nào?, Làm việc xã hội, Ta muốn gì?, Ta có thể làm gì?, Ta làm gì trước?, Truyền bá quốc ngữ, Truyền bá quốc văn, Tổ chức cuộc truyền bá quốc văn (hai kỳ), Phải có danh gì. Những bài này xoáy vào các vấn đề mang tính cấp thiết của thời đại dưới góc nhìn vĩ mô: vấn đề thanh niên, sự năng động, sáng tạo, kế hoạch phát triển nền học thuật của đất nước…, mang đặc trưng báo chí rõ hơn hẳn những tác phẩm nghị luận trước kia. Tính văn chương trong các bài viết này cũng giảm thiểu hẳn, câu văn gãy gọn, không còn sử dụng những hình ảnh liên tưởng bay bổng nhiều như trước.

Riêng  với Đại Việt tập chí, ông lại xuất hiện đều đặn hàng tuần trên mỗi số báo trong chuyên mục Luân lý đạo Nho và đã viết được 18 bài triết luận. Những bài này được tập hợp lại thành quyển Luân lý đạo Nho, do Nxb. Đại Việt phát hành ngày 1/4/1944.

Nếu như trước kia văn nghị luận của Trúc Hà có những đoạn bay bổng thì đó thường chỉ là những đoạn miêu tả phụ, được chèn thêm vào và ít gắn kết với nội dung. Nhưng đến những tác phẩm triết luận Nho giáo thời kỳ này thì tính văn chương mềm mại đã thật sự trở thành một yếu tố nội tại của văn nghị luận Trúc Hà. Ông thường bắt đầu bài viết bằng việc kể một câu chuyện, dẫn một sự kiện nào đó, trích thơ, ca dao, hay có khi chỉ cần một đoạn tản mạn, mới nhìn có vẻ chẳng ăn nhập gì với nội dung bài viết nhưng lại gây hứng thú đặc biệt cho người đọc, chẳng hạn như Học tổng quan, Luân lý là gì?, Đức sanh và lòng nhân, Kính nhi viễn chi… Trúc Hà luôn luôn vừa đưa ra lý luận vừa minh họa, hoặc bằng câu chuyện văn học, dẫn chứng thơ ca, hoặc bằng chuyện kể trong Nho giáo, bằng danh ngôn, bằng hiện thực ở các nước phương Tây lẫn hiện thực xứ mình. Vừa kể, ông vừa phân tích nhằm hậu thuẫn cho lý luận. Chính vì thế mà những bài triết luận của ông không hề khô khan, mà ngược lại, có sức lôi cuốn nhất định, vì thật ra, đó là thứ triết luận gắn với đời sống. Điều này đã giúp ông gặt hái được ít nhiều thành công trong việc giành lại cảm tình cho Nho giáo nguyên thủy trong cái nhìn của mọi người thời ấy.

Xét về kết cấu, so với những bài nghị luận trước kia thì các bài triết luận này đã khúc chiết hơn rất nhiều. Mỗi bài xoáy vào một vấn đề và không bị lạc sang chuyện khác. Cách thức mở đầu bằng việc xây dựng hoàn cảnh sáng tác như một truyện ngắn có nhân vật đã không còn được sử dụng nữa. Câu văn cũng gọn gàng hơn trước, ít khi thừa từ, thừa chữ, và đặc biệt rất hoa mỹ và giàu hình ảnh, được trau chuốt cách biệt hẳn với lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Xét về nội dung các bài viết, Trúc Hà là một thanh niên yêu mến Nho học nên có thể đứng trên cả hai góc nhìn, thanh niên và nhà nho để đánh giá đạo Khổng. Ông không thiên hẳn về một bên nào, vì ở đâu ông cũng thấy những cực đoan sai lầm của họ. Đây cũng là công trình bàn luận về Nho giáo đáng kể của thời kỳ ấy, khi Nho giáo đang vào giai đoạn suy vi và bị chỉ trích nặng nề dưới bao ánh nhìn thiên kiến. Nhưng có vẻ như những ý kiến điềm tĩnh của ông đã bị sự xô bồ của phong trào đả phá cựu học lấn át.

3. Hoạt động báo chí

Với vai trò là một nhà báo, Trúc Hà cũng đã có những đóng góp đáng kể. Ông viết cho Nam Phong tạp chí từ 1927 đến 1932. Sau báo Nam Phong, Trúc Hà còn viết bài cộng tác với Phụ nữ tân văn, Đại Việt tập chíNam Kỳ tuần báo, tạp chí Nay.

Dấu ấn sâu đậm nhất của Trúc Hà trong sự nghiệp báo chí là khi ông phụ trách báo Sống, một trong số ít ỏi những tờ tạp chí chuyên về văn học của Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX. Đây là tờ báo mơ ước của tất cả bạn bè Trí Đức học xá thời còn chung chí hướng dạy quốc ngữ ở Hà Tiên, nhưng phải đến khi Trúc Hà lên Sài Gòn dạy học thì mơ ước này mới có thể trở thành hiện thực. Trúc Hà cũng giữ vai trò chủ nhiệm báo, đứng mũi chịu sào về tư cách pháp lý và nội dung của báo, quản lý nhân sự cũng như trăm ngàn công việc không tên khác. Về mặt nội dung, Trúc Hà thường xuyên là người viết các bài “phông” cho báo, chính là những bài viết đầu mỗi số, bình luận về thời sự cũng như các vấn đề xã hội và văn học, thể hiện khuynh hướng của báo. Những bài viết này thường được Trúc Hà ký bằng tên tờ báo: Sống, hoặc một bút danh khác là Hà Nhân (Hà Nhơn). Đông Hồ và Trúc Phong đôi lúc cũng góp sức trong phần việc này, nhưng chủ lực vẫn là Trúc Hà. Ông là tác giả viết nhiều và viết khỏe nhất trên báo Sống. Trên 30 số báo đều có sáng tác của ông, ở rất nhiều thể loại.

Báo Sống chủ trương dùng văn chương để vun đắp tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương, cổ vũ quốc văn, quốc ngữ, đề cao thống nhất chữ viết và văn học cả nước. Tuy là báo trong Nam, nhưng Sống lại ảnh hưởng sâu đậm từ báo chí ngoài Bắc, mà cụ thể là báo Nam Phong. Đây là tờ báo đầu tiên ở Nam Bộ in đúng chính tả, nhất là hỏi ngã, một tiến bộ trong nghề làm báo ở Nam Bộ lúc đó như nhận định của Nguyễn Hiến Lê. Trong báo có mục Trong vườn Trí Đức làm công việc bình văn và giới thiệu các bài văn hay. Nhà văn Bùi Hiển quê tận Nghệ Tỉnh cũng đã có lần gửi bài đến nhờ thầy Đông Hồ “coi giúp”. Bên cạnh lực lượng sáng tác chú yếu là hội bạn Trí Đức, báo còn thu hút sự tham gia của các tác giả khác trên khắp ba miền, trong đócó các nhà văn yêu nước, tiến bộ như Tản Đà, Thiếu Sơn, Huỳnh Văn Nghệ …

 Sau khi báo Sống đình bản, Trúc Hà lại tiếp tục cộng tác với Đại Việt tập chíNam kỳ tuần báo do Hồ Văn Trung sáng lập (tên thật của nhà văn Hồ Biểu Chánh). Đại Việt tập chíNam kỳ tuần báo là các tờ báo văn hoá, văn học, tập trung vào các vấn đề lịch sử, triết học, giáo dục, có các mục tiểu thuyết, diễn ca lịch sử…. Điểm đáng lưu ý trong chủ trương của các tờ báo này là ý định thống nhất tiếng nói ba kỳ, nhưng là sự thống nhất trong đa dạng, tức vẫn coi trọng từ ngữ địa phương. Chính điều này đã đưa Trúc Hà đến cộng tác với Hồ Biểu Chánh. Đó như một sự tiếp nối ước mơ dang dở của Trúc Hà từ ngày báo Sống đình bản.

*

Trong làng văn, làng báo quốc ngữ trước 1945, Trúc Hà không phải là cây bút xuất sắc thu hút nhiều sự chú ý, cũng không gây ra những ảnh hưởng lớn lao nhưng văn nghiệp của ông đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của một thời kỳ văn học. Chỉ hơn ba mươi tuổi, trên mười lăm năm cầm bút, góp mặt trên văn đàn là một Trúc Hà năng động trên nhiều lĩnh vực, từ dịch, sáng tác, phê bình, đến nghị luận, phóng sự, từ một chủ nhiệm báo quản lý trăm công ngàn việc đến làm phóng viên xuôi ngược đưa tin; một Trúc Hà nhạy bén với cái mới, đầy tinh thần dấn thân nhưng đồng thời cũng rất cẩn trọng, biết nâng niu những di sản quá khứ.

Những tài liệu về Trúc Hà vẫn chưa thể nào được kiếm tìm đầy đủ nên công việc tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông chưa thể gọi là hoàn thiện. Nhưng qua những gì mới tìm thấy, Trúc Hà xứng đáng là một trong Hà Tiên tứ tuyệt, là tác giả nhiều tâm huyết của văn học miền Nam một thuở.

 



[1] Nguyễn Hiến Lê, (2005), “Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lậm”, Mười câu chuyện văn chương, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.121.

[2] Nguyễn Phước Thị Liên, (2008), “Chuyện ít người biết”, Chiêu Anh Các, (số đặc biệt kỷ niệm 300 năm lập trấn Hà Tiên), tr.50.

[3] Nguyễn Thị Thanh Xuân, (2004), Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh, tr.177.

Nguồn: Bình luận văn học 2009, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60423725
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4700
6820
60423725

Thành viên trực tuyến

Đang có 185 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website