Ảnh hưởng của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn đến tiểu thuyết ở đô thị Nam Bộ 1945-1954

 

Nguyễn Thị Phương Thuý(*)

Tham luận tại Hội thảo Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - 80 năm nhìn lại    

             Với nhiều thành tựu rực rỡ cả về hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng, Tự Lực văn đoàn không chỉ là dấu son của một thời kỳ hiện đại hoá văn học Việt Nam đầy sôi động mà còn để lại ảnh hưởng sâu đậm trong sáng tác của nhiều nhà văn cùng thời và giai đoạn sau. Đô thị Nam Bộ 1945-1954 đã chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của nhiều cây bút giàu lý tưởng tranh đấu bảo vệ quê hương, giàu tình cảm với nhân dân lao động và những người nghèo khổ, thể hiện qua những phong cách lý tính nhưng lại không hề thiếu chất hào hoa, lãng mạn. Sáng tác văn xuôi của họ mang không ít dấu ấn của Tự Lực văn đoàn từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Tôn chỉ, mục đích, nội dung tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Tự Lực văn đoàn thống nhất trên tất cả các thể loại văn xuôi, và ảnh hưởng của họ đến văn học Nam Bộ không chỉ gói gọn ở lĩnh vực tiểu thuyết. Thế nhưng trong khuôn khổ một báo cáo khoa học, bài viết này chỉ có thể điểm qua ảnh hưởng của tiểu thuyết nhóm Tự lực đối với một số lượng giới hạn các tiểu thuyết của một số nhà văn Nam Bộ như Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, Dương Tử Giang, Sơn Khanh, Việt Quang, Thanh Thuỷ, Ngọc Sơn…

1. Tiểu thuyết luận đề

            Phần lớn tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn đều có tính luận đề. Điều này gắn với tôn chỉ và mục đích của văn đoàn đề ra khi thành lập, đó là dùng văn chương để cải tạo xã hội. Tiểu thuyết luận đề minh hoạ cho một tư tưởng, một quan điểm có sẵn, một vấn đề mà nhà văn luôn đau đáu suy nghĩ và tìm cách đấu tranh cho nó. Nhà văn có khi sẵn sàng hi sinh nghệ thuật, bỏ đi những cái hay trong nghệ thuật để phục vụ cho luận đề của mình. Đoạn tuyệt, Lạnh lùng của Nhất Linh, Nửa chừng xuân, Thoát ly, Gia đình, Thừa tự, Trống Mái của Khái Hưng, Con đường sáng của Hoàng Đạo đã rất thành công trong việc lên án quan niệm phong kiến khắc nghiệt lỗi thời, cổ vũ tự do cá nhân, đề cao tầng lớp bình dân và phản đối lối sống trưởng giả, kiểu cách. Qua những tác phẩm này, có thể thấy trong quan điểm của Tự Lực văn đoàn, văn chương là một thứ công cụ đắc lực để tác động vào xã hội. Các nhà văn Nam Bộ giai đoạn 1945-1954 cũng có cùng quan điểm đó khi họ sử dụng văn chương để cổ vũ cho cuộc đấu tranh chung của dân tộc, ca ngợi lý tưởng chiến đấu như Nửa bồ xương khô, Cây ná trắc của Vũ Anh Khanh, Sau dãy Trường Sơn của Lý Văn Sâm, Gió biên thuỳ, Đời tươi thắm, Người yêu nước của Thẩm Thệ Hà, Tàn binh của Sơn Khanh, Hờn chinh chiến của Việt Quang, Chàng đi theo nước của Tô Nguyệt Đình... hay ngợi ca tầng lớp bình dân, phản đối những kẻ giàu sang, trưởng giả, cổ vũ cho các hoạt động cải tạo xã hội như Tranh đấu của Dương Tử Giang, Gió mới của Thanh Thuỷ, Giai cấp của Sơn Khanh… Thật ra, việc sử dụng văn chương như một thứ công cụ để phục vụ mục đích ngoài văn chương không phải là điều mới mẻ. Do vậy, cho rằng các nhà tiểu thuyết ở đô thị Nam Bộ 1945-1954 kế thừa tính luận đề của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn là có phần khiên cưỡng. Cái họ kế thừa chính là cách trình bày những luận đề ấy trong cái vỏ của văn xuôi lãng mạn, tạo nên những nhân vật công cụ nhưng lại rất có hồn, tác động đến độc giả về mặt tình cảm, cảm xúc, chứ không chỉ ở tính đúng đắn của đạo đức.

            Luận đề nổi bật nhất trong tiểu thuyết đô thị Nam Bộ 1945-1954 chính là cổ vũ cho cuộc đấu tranh kháng Pháp của dân tộc. Đó là đặc điểm tất yếu của văn học thời chiến. Giá trị, phẩm cách của nhân vật được đánh giá qua việc họ đứng ở đâu trong cuộc chiến đấu này. Các tác phẩm ngợi ca những người ra trận, hoặc những người có cảm tình và ủng hộ kháng chiến. Họ có thể là những người trí thức xếp bút nghiên như Vũ (Người yêu nước của Thẩm Thệ Hà), Tuấn (Đời tươi thắm của Thẩm Thệ Hà), Chung (Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh) Long, Ngôn (Tàn binh của Sơn Khanh)… và có thể là những người nông dân nghèo khó như dân làng chài Khánh Thiện (Cây ná trắc của Vũ Anh Khanh), ba cô thôn nữ Cải, Tín, Huyện (Nửa bồ xương khô, Vũ Anh Khanh)…  Bên cạnh đó, còn có những luận đề khác như là một sự tiếp nối những luận đề mà Tự Lực văn đoàn đã từng trăn trở, chẳng hạn như việc phân chia giai tầng trong xã hội. Xem xét vấn đề này, các tác giả cũng đứng về phía người nghèo, ca ngợi họ với những đức tính tốt đẹp, đồng thời mơ ước và đấu tranh cho sự xoá nhoà ranh giới giai cấp. Tiểu thuyết Giai cấp của Sơn Khanh thể hiện rõ nhất điều này. Anh thư ký Xuân Hồ chỉ vì thầm tương tư con gái quan chủ quận là cô Lệ Ngôn mà bị đuổi việc. Căm tức thay cho bạn, thư ký Hoàng Long quyết tâm chiếm cho được trái tim Ngôn, không ngờ lại yêu Ngôn thật. Đôi tình nhân bị chia rẽ cũng chỉ vì không môn đăng hộ đối. Hoàng Long bị đuổi việc, lang thang khắp nơi, gặp và cưới Huệ, cô con gái nhà nghèo bị dì ghẻ thù ghét. Vơ chồng yên ấm chưa bao lâu, chị Năm của Long đã tìm đến sỉ nhục Huệ vì cho rằng Huệ nghèo hèn, không xứng với một thầy ký Tây học như Long, khiến Huệ buồn khổ mà chết. Kết thúc câu chuyện, Long rời bỏ thị thành theo kháng chiến và gặp lại Ngôn ở chiến khu.

            Cũng bàn về vấn đề giai cấp, trong tiểu thuyết Tranh đấu, Dương Tử Giang xây dựng một nhân vật Ngọc Nga lý tưởng, đẹp người đẹp nết, thông minh, quyết đoán, theo Tây học nên tư tưởng rất hiện đại. Cô được bao nhiêu quan Tây lẫn quan ta đánh tiếng hỏi cưới nhưng vẫn không đồng ý. Cô đặt ra mục tiêu lấy một anh dân cày với suy nghĩ:

            “Chỉ về mặt luân lý, sinh lý, và vệ sinh, lấy chồng là một anh dân cày khoẻ mạnh vẫn hơn. Huống chi tôi đã ghét bọn viên quan, hương chức và điền chủ thường ỷ thế hiếp đáp đám dân cày; tôi muốn bỏ giới kia để sang giới này; bỏ giới giàu sang vì nghét nó đã thối tha mà hay làm chuyện bất công, gia nhập với dân cày vì thích nó trong sạch, và chính mình ở trong giới ấy, mình mới bênh vực quyền lợi giới ấy cách đắc lực được” (Tranh đấu, tr.102).

            Nga chủ động làm quen với Trọng, một anh dân cày khoẻ mạnh, hiền lành, và ngỏ lời muốn làm vợ Trọng. Ở điểm này, Ngôn có điểm tương đối giống với Hiền trong Trống Mái của Khái Hưng. Hiền cũng là bậc tiểu thư quyền quý, nhưng chỉ yêu Vọi, một anh dân chài nghèo mạt rệp. Điểm khác nhau giữa Nga và Hiền là Hiền có cảm tình với Vọi trước rồi mới nghĩ đến sự khắc nghiệt của quan niệm phân chia giai cấp, trong khi Nga ngay từ khi chưa gặp Trọng đã xác định cho mình một con đường là chỉ lấy dân cày. Quyết định hôn nhân của Nga hoàn toàn mang tính chất phi cá nhân và đậm tính đấu tranh xã hội. Quyết định này khiến Nga bắt đầu để ý đến Trọng và tìm hiểu Trọng. Hai người lén gia đình đi đăng ký hôn thú ở Sài Gòn, đặt cha mẹ vào tình thế đã rồi. Trở lại quê nhà, hai vợ chồng sống yên ấm, hạnh phúc, bênh vực tá điền, làm việc phúc lợi. Chẳng bao lâu sau, hội đồng Liên khét tiếng tham lam và nguy hiểm kéo đến cướp đất của dân làng, mà luật pháp lại không đứng về phía những người chủ nhân thực sự của những khoảng đất đó. Trong lúc bảo vệ đất đai của mình, Trọng và dân làng xông vào đánh hội đồng Liên nên phải đi tù. Ngọc Nga về sau được dẫn dắt vào con đường cách mạng, bị bắt đày đi Côn Đảo và gặp lại Trọng ở đó.

            Tương tự như vậy, nhà văn Thanh Thuỷ đã dành một nửa tiểu thuyết Gió mới để nói về con đường giúp đỡ trẻ bụi đời, cơ nhỡ của hai chị em Vân và Dung. Vân, Dung là hai cô gái mồ côi nghèo khổ nên rất thông cảm với thân phận của những đứa trẻ lang thang. Dù nghèo nhưng hai chị em vẫn cố gắng làm lụng để giúp đỡ những đứa trẻ cùng cảnh ngộ, dạy chữ cho chúng, đưa chúng ra khỏi con đường bụi đời khổ sở, dạy chúng biết sống nên người tử tế.

            Có thể thấy, quan điểm về những vấn đề xã hội liên quan tới người nghèo và tầng lớp bình dân này của các tác giả Nam Bộ kể trên không khác gì với quan niệm của anh em Tự Lực văn đoàn. Họ bênh vực người nghèo, ca ngợi sự giản dị của tầng lớp cần lao và cái trong lành, thanh sạch của một cuộc đời gắn với ruộng vườn. Trong Gió mới có một chương kể về chuyến đi chơi của các chàng trai, cô gái thị thành về quê của Yến, và cảm mến không khí miền quê nơi đây.

            “Từ hôm tạm lánh đô thành đầy cát bụi, về đây để giải trí, Dung thấy tâm hồn mình thơ thới lắm. Thôn quê thiếu cảnh đài các xa hoa, thiếu ngựa xe rộn rịp, thiếu tiền rừng bạc bể, nhưng cảnh đẹp tuyệt xinh và nhất là có những tâm hồn đầy chất phác.” (Gió mới, quyển nhứt, tr.120).

            Phương pháp cải tạo xã hội của các tác giả, trong phần đầu của các tiểu thuyết, đều sa vào con đường lãng mạn, ảo tưởng như trong Con đường sáng của Hoàng Đạo hay Ngày mới của Thạch Lam. Thậm chí, trong Gió mới còn có cả một chương lấy tên là “Con đường sáng” viết về việc Dung và Yến mở lớp dạy học miễn phí, còn Tuấn thì cảm hoá được cô tiểu thư nhà giàu Bích Loan bằng chính sự tốt bụng, vị tha của mình. Tuy nhiên, những tác phẩm viết sau 1945 của các nhà văn Nam Bộ đã nghĩ đến một giải pháp khác hơn ở phần kết truyện. Cả Hoàng Long, Lệ Ngôn, Ngọc Nga đều tìm đến cách mạng, hay ngược lại, được cách mạng tìm đến, sau khi những ảo tưởng kia đã bị thực tế đập vỡ.

            Giống như các tác giả nhóm Tự Lực, các nhà văn Nam Bộ cũng xây dựng các tuyến nhân vật đối lập để làm rõ luận đề của tác phẩm. Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo luôn đặt nhóm nhân vật đại diện cho cái mới, cái tiến bộ luôn bên cạnh nhóm nhân vật đại diện cho cái cũ kỹ, lỗi thời. Những con người cũ được gọi theo địa vị xã hội như bà phủ, bà án, bà tham, ông huyện, cụ hàn… hay theo tên con giáp như Thân, Tuất... Như chính tên gọi của mình, họ là công cụ của những tư tưởng, quan niệm của người khác đã đặt ra từ mấy nghìn năm trước, và dùng cả cuộc đời mình để bảo vệ những tư tưởng ấy. Con người mới là những Loan, Mai, Tuyết, Nhung, Hiền, Dũng, Trúc, Tạo… thanh tân và cá tính, biết mình muốn gì và ra sức bảo vệ những ước muốn cá nhân chính đáng ấy. Tương tự như vậy, các tác giả Nam Bộ cũng đặt nhân vật tranh đấu của mình bên cạnh nhân vật phản tranh đấu: như Vũ (Người yêu nước), Ngôn, Long (Giai cấp, Tàn binh) bên cạnh đại gia đình của mình. Cha Vũ là một ông phủ thân Pháp chống cách mạng. Đối với ông, việc Vũ theo cách mạng nghĩa là chống lại ông, chống lại cái thế lực mà ông đang cố gắng bám vào. Ngôn luôn đối đầu với cha mình là quan chủ quận. Ông phản đối hôn sự của cô với Long vì không môn đăng hộ đối. Ông lại càng nóng giận hơn khi cô trốn nhà đi chiến khu. Bên cạnh quan chủ quận còn có anh trai Ngôn suốt ngày nhiếc móc và chì chiết sự lựa chọn của em gái. Tương tự như vậy, Long không tìm thấy tiếng nói chung với gia đình mình. Cha mẹ chàng rất tự hào khi chàng đỗ cao trong kỳ thi tuyển thơ ký Nam Kỳ Soái Phủ, còn chàng chỉ cảm thấy chán nản với cái đời thơ ký đang đợi chờ trước mặt, và cảm thấy “oán hận gia đình […] chánh sách nhồi sọ vinh thân phì gia của gia đình chàng chẳng cám dỗ được lòng chàng” (tr.10). Đến khi chàng lấy Huệ, chị Năm của chàng còn tìm đến nhà sỉ nhục Huệ chỉ vì Huệ nghèo, khiến nàng đau khổ mà chết.

Bên cạnh cốt truyện và các tuyến nhân vật, tính luận đề của các tác phẩm còn được bộc lộ ở việc các nhà văn đặt vào miệng nhân vật những tư tưởng và suy nghĩ của mình, nhờ họ phát ngôn thay mình. Mai và Huy (Nửa chừng xuân) nhiều lần nói thẳng quan điểm và suy nghĩ của mình với bà Án: “Cụ với bọn hậu sinh chúng cháu như hai con sông cùng một nguồn, cùng chảy ra bể, nhưng mỗi đằng chảy theo một phía dốc bên sườn núi, gặp nhau sao được”, hay vị luật sư (Đoạn tuyệt) cãi cho Loan cũng như cãi cho cả một nền tư tưởng mới: “Tha cho Thị Loan tức là các ngài làm một việc công bằng, tức là tỏ ra rằng cái chế độ gia đình vô nhân đạo kia đã đến ngày tàn và phải nhường chỗ cho một chế độ gia đình khác hợp với cái đời mới bây giờ, hợp với quan niệm của những người có học mới”. Tương tự như vậy, Bão (Người yêu nước) đã khảng khái nói với Vũ quan điểm của mình về con đường chiến đấu mà chàng đang theo đuổi: “Nước ta còn ở dưới chế độ thuộc trị, cái thời thế thuận tiện ta hẳn là không có rồi. Ta phải dùng đến phương pháp thứ hai: Giải phóng quốc gia. Ta không thể nào làm khác hơn” (tr.50). Bão giãi bày nỗi lòng mình với Vũ, cũng là nói thay cho Thẩm Thệ Hà lý tưởng của ông. Vì những lời nói của Bão mà Vũ nhận ra cuộc sống trưởng giả của mình tẻ nhạt và vô nghĩa, thấy con đường đấu tranh giải phóng quốc gia mới là việc mà những thanh niên như Vũ, Bão cần phải xông pha. Đề cao sức mạnh của lòng từ bi bác ái và ý chí kiên cường trên con đường cải tạo xã hội, nhà văn Thanh Thuỷ đã để Dung nói với Tuấn khi chàng ngỏ lời yêu cô: “Theo em, tình yêu của cá nhân phải bắt nguồn từ tình yêu của gia đình, của dân tộc trước nhất. Riêng chúng ta là những kẻ vô phúc: chúng ta đều mồ côi. Thiếu tình yêu của mẹ cha, chúng ta còn có tình yêu dân tộc, hay nói rộng hơn nữa: tình yêu nhân loại…” (Gió mới, quyển nhứt, tr.241). Khi vườn hoa sinh kế của chị em Vân, Dung bị kẻ gian phá nát, đứng trước cái đói, cái khổ mịt mùng, Vân vẫn can đảm khuyên em: “Đời là một mặt trận, nhân sinh là chiến sĩ. Muốn thắng trận, người chiến sĩ cần phải xông pha, can đảm, sáng suốt. Muốn đừng bị đời hắt hủi, hất bỏ ngoài lề cuộc sống, nhân sinh cần phải tranh đấu gian lao, khổ sở không kém người chiến sĩ ấy.” (Gió mới, quyển nhứt, tr.110). Đôi khi, vì quá hăng hái trong việc nhờ nhân vật phát ngôn hộ mình mà tác giả làm cho nhân vật trở nên có phần giáo điều và phi thực tế.

Để phục vụ luận đề, đôi khi tác giả hy sinh tâm lý nhân vật hoặc vô tình nắn nhân vật theo ý mình. Nhân vật bị lý tưởng hoá thành đơn điệu một chiều hoặc trở nên dễ dãi trong vận động tâm lý, thiếu nhất quán trong tính cách. Điều này đều không tránh được ở cả tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và tiểu thuyết đô thị Nam Bộ 1945-1954. Ở đoạn cuối tác phẩm Nửa chừng xuân, Lộc tìm Mai với một tâm trạng tội lỗi và một tình yêu bùng dậy nồng nàn sau nhiều năm cách trở. Mới mấy phút trước chàng còn quấn lấy con, còn tha thiết muốn sum vầy với Mai, thậm chí còn muốn rủ Mai trốn đi, vậy mà chỉ sau vài câu thuyết phục của Mai, Lộc đã lập tức đổi ra suy nghĩ yêu nhau ở ngoài sự sum họp” và hào hứng nghĩ đến một cuộc đời hành động, theo đuổi những việc xã hội. Sự thay đổi ở Lộc quá đột ngột. Ngay cả biến đổi tâm lý của Mai cũng không hợp lý. Tác giả đã dụng công xây dựng Mai là một cô gái mới mạnh mẽ, yêu Lộc bằng một tình yêu nồng nàn, vì Lộc mà lấy chồng không danh chính ngôn thuận, vì Lộc mà chịu cay đắng đủ điều. Sau nhiều năm, Mai vẫn không nguôi nỗi đau bị bà Án chà đạp, và vẫn yêu Lộc. Vậy mà không hiểu do đâu, Mai đột ngột nghĩ ngay tới việc yêu Lộc ngoài sự sum họp với một tâm trạng nhẹ nhõm – một điều chưa thấy Mai nghĩ đến bao giờ cho đến tận những trang cuối cùng của truyện. Có lẽ Khái Hưng cũng không cảm thấy thuyết phục với cách giải quyết của mình, nhưng không tìm ra cách nào khác. Ông vì một cái kết có vẻ êm đẹp, nhưng thực ra là thoả hiệp, mà hy sinh nhân vật mình hết sức yêu mến. Thạch và Bích Loan trong Gió mới của Thanh Thuỷ cũng thay đổi tâm lý dễ dãi như thế. Hai nhân vật này vốn con nhà giàu có, coi trọng đồng tiền và khinh khi người nghèo. Tác giả dùng rất nhiều chi tiết để nhấn mạnh tính cách này của họ, để họ xuất hiện thường xuyên qua đánh giá của Tuấn. Thạch muốn chiếm cảm tình của cô hàng hoa tên Vân mà cho người phá nát vườn hoa sinh kế của chị em Vân, hòng đẩy họ vào chốn khốn cùng, phải nhận sự giúp đỡ của mình. Vân không khuất phục, tự tay gây dựng lại mọi thứ. Thế là Thạch hối hận đến xin lỗi Vân và từ đó trở thành bạn của những người nghèo như Vân. Trong khi đó, Bích Loan có thừa sự nguy hiểm đến nỗi có thể giả vờ tự tử nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của Tuấn và chiếm lấy Tuấn, dù biết Tuấn yêu Dung, thế mà chỉ vài lần chứng kiến Dung dang tay che chở lũ trẻ nghèo đã có thể động lòng thay đổi tâm tính, trở thành người tốt. Sự thức tỉnh của các nhân vật ở đây có tính lý tưởng hoá, lãng mạn hoá và thiếu thuyết phục. Trong Tranh đấu của Dương Tử Giang, tính cách của Ngọc Nga lại quá đơn giản, một chiều. Để minh hoạ cho lý tưởng đấu tranh giai cấp, tác giả để cho nhân vật nữ chính của mình chọn giai cấp để lấy chồng. Từ quan điểm chọn chồng của Nga, có thể suy luận rằng nếu Nga không lấy Trọng thì cũng sẽ lấy một anh dân cày khác, và sẽ yêu người ấy như yêu Trọng. Để phục vụ luận đề, tác giả đã xoá bỏ thế giới tình cảm cá nhân của nhân vật. Nga không lấy chồng, mà là lấy cái giai cấp nông dân của chồng.

2. Tiểu thuyết tâm lý

Luận đề trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn sẽ khó chuyển tải một cách thành công, và tài năng cũng như đóng góp của các tác giả vào quá trình hiện đại hoá văn học cũng sẽ không được ghi nhận nếu không có những cách tân về nghệ thuật tiểu thuyết. Một trong những cách tân đó chính là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật bằng bút pháp lãng mạn. Trong chuyên luận Viết và đọc tiểu thuyết, Nhất Linh đưa ra quan niệm về một cuốn tiểu thuyết sâu sắc, có giá trị: Một cuốn tiểu thuyết cần nhất là sâu sắc. Thế nào gọi là sâu sắc? Sâu sắc chính ở chỗ mình diễn tả được tất cả những cái mông lung bí ẩn của tâm hồn”(1). Có khi những trang viết phân tích tâm lý là công cụ hỗ trợ cho việc xây dựng nhân vật luận đề, nhưng ở một vài tiểu thuyết, thế giới tâm lý của con người càng được ngòi bút của nhóm Tự Lực đi sâu vào từng ngõ ngách, trở thành nội dung chủ đạo của tác phẩm như Hồn bướm mơ tiên, Đẹp, Băn khoăn của Khái Hưng, Đôi bạn, Bướm trắng của Nhất Linh, Đời mưa gió của Nhất Linh-Khái Hưng, Ngày mới của Thạch Lam… Miêu tả tâm lý không phải là độc quyền của Tự Lực văn đoàn trong tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ta có Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng… là những bậc thầy trong miêu tả tâm lý bằng ngòi bút hiện thực. Thế nhưng phong cách khai thác tâm lý bằng bút pháp lãng mạn mới chính là những gì các nhà văn Nam Bộ giai đoạn sau học tập và đưa vào tiểu thuyết của mình.

            Thật ra, trong số những tiểu thuyết Nam Bộ khảo sát trong bài viết này, rất ít tác phẩm có thể gọi là tiểu thuyết tâm lý. Các nhà văn Nam Bộ ở đây chỉ dừng lại ở việc học hỏi kỹ thuật miêu tả tâm lý nhân vật và áp dụng chúng vào những tác phẩm có tính luận đề của mình. Những tiểu thuyết được khảo sát ở đây đa phần là những tác phẩm cổ vũ tranh đấu. Một vài tác phẩm khác hướng về nội dung hiện thực xã hội và phong tục tập quán. Không có tác phẩm nào mà thế giới nội tâm nhân vật là đối tượng khai thác quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Các nhân vật của tiểu thuyết Nam Bộ cho dù có được khai thác tâm lý tinh tế đến đâu thì tính cách nhìn chung cũng vẫn đơn giản, một chiều, ít chứa đựng những bí ẩn và gõ tối của tâm trạng. Họ hành động nhiều hơn là đứng lại suy nghĩ một điều gì quá lâu. Cùng xuất thân trong gia đình quyền quý, tìm cách tự thoát ra khỏi cuộc sống trưởng giả tẻ nhạt để đến với một con đường đấu tranh, nhưng Dũng của Đôi bạn mãi loay hoay và chìm đắm trong những cảm xúc, bối rối, trăn trở, còn Vũ của Người yêu nước sau khi đọc một vài quyển sách tranh đấu, nghe Bão “khai sáng” vài điều là đã bừng bừng lửa trong lòng, từ bỏ tất cả để ra đi. Đây cũng là đặc điểm chung của văn học Nam Bộ qua nhiều thời kỳ, phản ánh tâm hồn và tính cách người Nam Bộ. Bên cạnh đó, có thể đây còn là bóng dáng của một giai đoạn lịch sử đấu tranh sôi động phản chiếu vào trong tác phẩm.

            Trong số những tiểu thuyết khảo sát phục vụ bài viết này, nếu có thể gọi một tác phẩm là tiểu thuyết tâm lý thì đó là Ái tình và nghệ thuật của Ngọc Sơn, kể về mối tình đẹp của văn sĩ nghèo Hoàng Ngô và cô tiểu thư Thuỳ Nga. Cuộc tình rất thơ mộng, vượt qua những trở ngại về giai cấp một cách suôn sẻ, nhưng lại đổ vỡ vì cảm giác bất an của chính người trong cuộc. Thuỳ Nga vì yêu tài Hoàng Ngô mà lấy chàng, nhưng sau hôn nhân, cũng chính cái tài ấy đã kéo Hoàng Ngô ngập chìm trong công việc, bỏ bê nàng. Thuỳ Nga đấu tranh giữa một bên là nghĩa vụ hy sinh cho công việc của chồng và một bên là khao khát được yêu thương của người vợ trẻ sớm trở nên cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình. Cuối cùng, không chống lại được niềm khao khát của bản thân, Thuỳ Nga ngã vào vòng tay của người đàn ông khác. Ngọc Sơn đã có những trang dài phân tích cảm xúc và tâm trạng của cả Thuỳ Nga và Hoàng Ngô rất tinh tế. Sau những ngày trăng mật hạnh phúc, Thuỳ Nga đã bắt đầu cảm thấy không hài lòng với những điều mà trước kia nàng nghĩ mình có thể dễ dàng chấp nhận:

            “Không hiểu sao nàng thấy oán giận bạn bè của chồng quá, mặc dầu trước đây vài ba tháng nàng rất mến họ […] Lúc đầu, mỗi khi đi công việc về, Hoàng Ngô còn xin lỗi nàng, còn hỏi han săn sóc nàng. Dần dần, chàng quên mất cả lệ ấy. Tuy không dám làm phiền lòng chồng, nhưng Thuỳ Nga không thể vui trước những cảnh ấy. Tự nhiên, nàng không còn ưa văn chương nghệ thuật nữa, nàng cho tại nghệ thuật mà chồng nàng hờ hững với nàng” (Ái tình và nghệ thuật, tr.303)

            Từ cảm giác lẻ loi, cô đơn vì không còn được chồng chăm sóc, Thuỳ Nga bắt đầu nghĩ rằng mình không đủ sức quyến rũ chồng, cảm thấy tự ti, và trở nên quá nhạy cảm với thái độ của những người xung quanh. Khi hai vợ chồng cùng đi xem công diễn vở kịch của Hoàng Ngô, chàng đột ngột đứng dậy giữa vở, đi vào cánh gà để hướng dẫn anh em diễn đúng theo ý chàng, Thuỳ Nga “uất ức nhìn theo chàng, nàng bắt gặp cái nhìn lạ lùng của Nhàn và Liên cả đến những người khác. Tự nhiên nàng cảm thấy hai cô bạn và mọi người đều khinh thường nàng, bởi cử chỉ lãnh đạm của Hoàng Ngô đối với nàng […] Nàng muốn bỏ ra về cho đỡ ngượng, vì nàng đoán chắc có nhiều người đang để ý tới sự lẻ loi của nàng.” (Ái tình và nghệ thuật, tr.342).

Ngọc Sơn dựng nên một hình ảnh Thuỳ Nga rất đáng thương, giằng co trong một cuộc chiến nội tâm kéo dài để giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhưng cuối cùng nàng thua trận vì không có được sự hỗ trợ từ chồng, dù tác phẩm luôn nhắc đi nhắc lại rằng Hoàng Ngô là một người chồng mẫu mực hoàn toàn, vẫn yêu nàng tha thiết và vẫn cố gắng chiều nàng hết sức trong phạm vi có thể. Tuy nhiên, điều khiến tiểu thuyết này không đi được đến cùng ý tưởng của nó là bởi tác giả bộc lộ sự lúng túng trong chính quan điểm của mình. Ông một mặt có vẻ rất thương xót Thuỳ Nga, mặt khác lại công khai trách móc nàng. Ông xây dựng nhân vật Hạnh, là người vợ đoan chính của một nhà văn có tiếng đến để khuyên nhủ nàng phải biết hy sinh cho sự nghiệp nghệ thuật của chồng. Không còn cách kết thúc nào khác, ông để cho nhân vật phát triển đúng với quy luật tâm lý và sự vận hành tự nhiên của cốt truyện, tức là để Thuỳ Nga sa ngã, nhưng sau đó lại lên án nàng. Thuỳ Nga tự tử trong sám hối, nhưng vẫn không được một chút niềm lưu luyến vợ chồng nào của Hoàng Ngô, “chàng cảm thấy chàng chỉ có cái tình thương nhơn loại đối với họ” (tr. 519) và nhẹ nhõm dồn hết tâm trí mình vào con đường nghệ thuật. Thuỳ Nga có nét gì đó giống với Anna Karenina của Lev Tolstoy, nhưng có phần bi thảm hơn. Anna giằng có giữa một bên là tình yêu nồng nàn và một bên là cuộc hôn nhân sắp đặt không hạnh phúc, còn Thuỳ Nga lại phải chiến đấu để giữ lấy cuộc hôn nhân đang mất dần không khí hạnh phúc của chính nó. Anna bỏ chồng theo Vronsky vì tình yêu, còn Thuỳ Nga bỏ chồng theo Tường vì sa ngã. Anna và Thuỳ Nga đều bị tình nhân lạnh nhạt, và đều nhận lãnh một cái chết thảm khốc, nhưng Anna còn được lòng thương xót của Lev Tolstoy, còn Thuỳ Nga chỉ nhận được sự lên án của Ngọc Sơn: “Đứng về phương diện xã hội thì tội ngoại tình đền bằng cái chết cũng còn nhẹ lắm” (tr. 519).

            Một tác phẩm khác có tính luận đề nhưng khai thác tâm lý nhân vật rất sâu sắc là Hờn chinh chiến của Việt Quang. Câu chuyện triển khai theo vận động tâm lý của nữ cứu thương Mai Liên trước người chồng thương binh của mình. Ban đầu, Mai Liên nghe tin Hoàng Tân chồng nàng đã hy sinh ngoài mặt trận và vô cùng đau khổ, nhưng sau đó phát hiện ra Tân chưa chết mà chỉ bị thương. Hoàng Tân lẩn tránh Mai Liên vì sợ nàng sẽ phát khiếp với ngoại hình dị dạng của mình, nhưng Mai Liên vẫn tin rằng dù chàng có xấu xí, tàn tật đến đâu, nàng vẫn yêu chồng như ngày đầu. Nàng đã tận tay chăm sóc cho bao nhiêu thương binh bị đạn bom cày nát mặt mũi và cơ thể, đã động viên an ủi họ kia mà. Thế nhưng mọi thứ sụp đổ khi nàng tận mắt trông thấy Hoàng Tân, và tình yêu của nàng cũng chết theo khuôn mặt và những phần cơ thể chàng để lại ở chiến trường. Thì ra cái sự xấu xí, tật nguyền kia sẽ rất khác nếu nó ở trên cơ thể của những người thương binh xa lạ, những người mà nàng không có sợi dây tình cảm nào ngoài tình thương của đồng loại, còn tình yêu chồng của Mai Liên vẫn đòi hỏi một cái gì đó gắn với những ký ức thanh khiết và thơ mộng “Trước kia, khi thấy mệt nhọc, nàng chỉ nhìn bức ảnh Tân, nhìn miệng chàng cười, nhìn mắt chàng sáng là nàng thấy phấn khởi. Nhưng bây giờ, Tân ở bên cạnh nàng, có thể nghe được, thấy được, sờ được, thế sao nàng không còn nghe thấy đủ sức lực, sung sướng gì nữa” (Hờn chinh chiến, tr. 88). Nàng sợ đến cả tương lai chung sống với chồng dưới một mái nhà, vì nó tương phản quá dữ dội với những kỷ niệm ngày xưa cũ: “Rồi đây Tân sẽ trở về nhà cũ, cái nhà mà nàng tưởng sẽ là tổ uyên ương êm ấm của nàng sau bao ngày cách biệt Tân. Chàng sẽ sống ở đó, nơi mà mỗi vật đều nhắc nhở những ngày yêu đương xa vắng, nhưng sẽ không còn là Tân và Mai Liên ngày trước, mà là hai nhơn vật xa lạ ngỡ ngàng…” (tr.88). Mai Liên thấy ghê tởm chính mình, nhưng lại không sao sai bảo trái tim mình yêu được Hoàng Tân như cũ.

            “Đã cả trăm lần nàng làm những công việc như thế, nhưng bây giờ, oái ăm chưa, con người tàn tật đang nằm trên bàn mổ kia lại là Tân, chồng nàng. Cái vật dị hợm, ghê tởm ấy mà lại là chồng của nàng sao? Nếu vị bác sĩ mà thấu được những suy nghĩ của nàng, ông ta sẽ làm gì? Chắc là sẽ đuổi nàng ra ngay tức tốc và bảo nàng đừng bao giờ đến nữa. Nhưng may thay, ông ta vẫn không biết tí gì.” (tr.87)

Ngay cả những lý tưởng cứu nước, hình ảnh những người anh hùng cũng không đủ sức kéo Mai Liên ra khỏi những đau đớn, tuyệt vọng: Đôi khi nàng nghĩ phải dẹp tất cả những việc riêng để phụng sự lý tưởng chung, nhưng nàng chỉ còn là cái bóng của ngày trước” (tr.89), Nàng cảm thấy mình chẳng những phản bội Tân mà còn phản bội một thứ gì vô cùng cao cả, và sự phản bội ấy đã làm cho nàng yếu hèn đi, trống rỗng như một kẻ hèn hạ nhất trên đời” (tr.94). Để khai thác sâu sự mâu thuẫn trong lòng Mai Liên, tác giả mở đầu truyện bằng việc Mai Liên động viên, an ủi Biên, một thương binh bị thương giống hệt Hoàng Tân, khuyên anh đừng tuyệt vọng mà hãy tin vào lòng chung thuỷ của người vợ sắp cưới chốn quê nhà. Ngày ngày nàng đều giúp Biên đọc đi đọc lại lá thư của vị hôn thê ấy. Thế mà khi gặp lại chính người chồng yêu quý của mình, Mai Liên không thể nào chịu đựng nổi. Nàng vẫn chăm sóc Biên, vẫn đọc lá thư kia cho anh nghe, nhưng chỉ làm theo thói quen và nghĩa vụ, và nàng cảm thấy mình đang phản bội cả Biên và muôn ngàn người khác. Và Mai Liên vẫn cứ kéo lê cuộc đời mình trong những cảm xúc tiêu cực và đau đớn ấy, dù nàng vẫn luôn cố gắng phân tích cảm xúc của mình để tìm lối ra:

            Nhưng biết làm thế nào để cưỡng lại với lòng khi nàng cũng chỉ là một người đàn bà, khi mắt nàng không thể nào có cảm tình được với mảnh hình hài quái dị của chồng, khi mà tình yêu cần một cái gì rất tầm thường của người chồng chứ không phải sự cao thượng của tâm hồn. Sự tầm thường ấy chỉ là nét mặt, cái quân bình của hình hài. Còn tâm hồn cao thượng hay chí khí anh hùng chỉ là vật để phụ lực với hình hài, tô điểm cho lòng yêu thêm mạnh mẽ. Nàng không ngờ mình rơi vào một sự quá tầm thường như thế. Nhưng làm sao cưỡng được sự thật, một sự thật oái ăm?” (tr.106)

Cuối cùng, thứ cứu rỗi được linh hồn của Mai Liên chính là lòng cao thượng, chí khí can đảm của Hoàng Tân. Chàng không oán trách Liên, mà ngược lại, còn thông cảm cho nàng. Không tìm được tình yêu nơi Liên nữa, Hoàng Tân hướng lòng mình phụng sự cuộc đấu tranh của Tổ quốc bằng cách khác, đó là viết lách. Cánh tay phải đã mất, Hoàng Tân nhờ Liên chép lại lời mình. Liên cảm thấy mình bé nhỏ trước sự vĩ đại của chồng. Một ngày kia, vợ cuả đại đội trưởng Phượng Hùng, người chỉ huy trận đánh mà Hoàng Tân bị thương, đến quân y viện xin gặp chồng thì được biết rằng chồng mình đã chết trên chiến trường. Giấy báo thương mà bà nhận được chỉ là một sự nhầm lẫn, lẽ ra đó phải là giấy báo tử. Nỗi đau khủng khiếp của bà làm Mai Liên giật mình như tỉnh khỏi một giấc mộng dài, nhận ra rằng điều quan trọng nhất mà nàng luôn mong mỏi chính là chồng nàng còn sống, chứ không phải chồng nàng còn bao nhiêu phần thân thể. Nỗi đau lớn nhất của nàng vẫn là nỗi đau khi nàng không bao giờ còn có thể trông thấy chàng nữa. Nàng nhận ra tình yêu của nàng dành cho Hoàng Tân vẫn còn đó, chỉ bị che lấp đi mà thôi.

Phần khai thác tâm lý mà các tác giả Nam Bộ ảnh hưởng rõ nhất từ Tự Lực văn đoàn chính là những trang viết miêu tả tình yêu. “Văn nghệ Tự Lực văn đoàn còn như trăng mới lên, hoa mới nở, người ta muốn vui muốn nhìn đời qua cặp kính hồng"(2) Trước tiên, đó đều là những mối tình tự do, hiện đại, với vai trò quyết định của con người cá nhân. Những Tuyết-Chương (Đời mưa gió), Mai-Lộc (Nửa chừng xuân), Loan-Dũng (Đôi bạn, Đoạn tuyệt), Liên-Minh (Gánh hàng hoa), Hiền-Vọi (Trống Mái)... để lại dấu ấn trong Phượng-Vũ (Người yêu nước), Tuấn-Thuý (Đời tươi thắm), Tuấn-Dung (Gió mới), Lệ Ngôn-Hoàng Long (Giai cấp, Tàn binh), Thuỳ Nga-Hoàng Ngô (Ái tình và nghệ thuật), Ngọc Nga-Trọng (Tranh đấu), Bạt Xíu Lìn-Lương (Bạt Xíu Lìn), Huyện-Chung (Nửa bồ xương khô), Thu Cẩn-Hoàng Thái (Gió biên thuỳ), Ánh Mai-Quý (Sau dãy Trường Sơn), Mai Liên-Hoàng Long (Hờn chinh chiến)... Họ đều là những thanh niên trí thức có học, hoặc trường hợp của Vọi (Trống Mái), Trọng (Tranh đấu), Thơ (Con đường sáng) là những con người thôn quê nghèo khó nhưng hiểu biết lý lẽ, có tấm lòng trong sạch, thiên lương. Họ đều là những nam thanh nữ tú, được tác giả dành những dòng miêu tả trân trọng, nếu là nữ thì yểu điệu, dịu dàng, là nam thì khôi ngô, cương nghị, là dân quê thì mang nét thơ ngây mộc mạc của ruộng vườn.

            Có những đôi uyên ương trong văn học Nam Bộ đặc biệt rất giống với tiểu thuyết nhóm Tự Lực. Mối tình thanh mai-trúc mã của Phượng và Vũ trong Người yêu nước (Thẩm Thệ Hà) hay của Chung và Huyện trong Nửa bồ xương khô (Vũ Anh Khanh) chẳng khác gì Loan và Dũng trong Đôi bạn (Nhất Linh). Dũng, Vũ, và Chung đều là những chàng trai theo Tây học, trưởng thành ở một làng quê và trong lòng giữ mãi một mối xúc cảm với người bạn gái hàng xóm thời thơ ấu.

            “Ngày xưa, Vũ và Phượng là đôi bạn thân yêu. Thấy bạn buồn mà buồn, thấy bạn vui mà vui, đôi bạn trẻ ấy quấn quýt nhau, đắp đổi cùng những mộng ngày xanh đằm thắm. Những đêm trăng về trên vườn cau vươn bóng, hai người cùng dẫn ra cầu này, đứng bên nhau, nhìn làn nước tấp tênh cánh bèo trên bọt úa. Cảnh trời êm lặng. Vài con vật sành kêu khắc khoải trên bờ sương. Vũ cầm đàn khẽ nắn đường tơ. Tiếng đàn trầm bổng vang ra não nùng.” (Người yêu nước, tr.18)

   Tình bạn thơ ấu lớn dần thành tình yêu, báo hiệu bằng những cử chỉ lúng túng, ngượng nghịu, những cái đỏ mặt bất ngờ, và cả những ánh nhìn tình tứ. Đoạn trích sau trong Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh có cái vẻ đẹp dễ chịu, mềm mại và cũng rất tinh tế trong miêu tả cảm xúc của đôi bạn trẻ. Khung cảnh và chi tiết có nét giống với truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam.

            “Mỗi năm Chung về, chàng lớn lên một chút, Huyện cũng lớn lên một chút. Hai người cứ lớn dần và biết e thẹn với nhau mỗi khi trò chuyện. Huyện thường ngẩn người, nghĩ vẩn vơ về gã đàn ông hiền lành ấy để bâng khuâng.

            Huyện lim dim mắt, khoảng vườn cau xanh sáng rực lên trong nắng ấm. Những quả cau tròn nhinh nhỉnh, Huyện mơ đến những buồng cau cưới nằm gọn ghẽ trên chiếc thau đồng đánh bóng sáng như gương.

            Năm mười lăm tuổi, sau một lần Chung về, Huyện cảm thấy lòng mình đổi khác. Khi không nàng thấy mình vương vấn một ý thầm kín, mang mang dài, nhẹ hơn khói chiều, mỏng mẻo hơn tơ trăng.

            Lần ấy, cách đây hai năm, vào mùa hạ, Huyện còn nhớ rõ một buổi sáng…

            Huyện mang rổ ra vườn, tìm về phía dậu mồng tơi để hái lá, chỉ vì hôm qua Chung nói với cụ Lãnh trong bữa cơm chiều:

-  Sáng mai, bà cho con ăn canh mồng tơi, con thèm lắm.

            Cụ Lãnh âu yếm gật đầu, còn Huyện lúc ấy chỉ đứng lặng nhìn Chung mỉm cưởi.

            Buổi sáng mát, Huyện vén cao quần bước đi. Hơi sương đọng trên ngọn cỏ thấm vào da chân, nàng khẽ rùng mình, cũng như nhiều lần, giữa đêm khuya, Huyện chợt thức giấc trong gian phòng hiu quạnh, một làn gió rét thổi qua mau và để cho nàng cảm thấy lạnh lùng, đơn chiếc của cô gái quê mùa, nghèo nàn.

            Vẩn vơ, nàng ngước mắt nhìn trời. Một dải mây là là bay lửng lơ, đẹp như vuông lụa “Cẩm Châu” làng Hà Nhuận. Một chút nắng hanh vàng đọng trên mái ngói sẫm rêu, một chút nắng chảy loang trên mặt ao bèo.

            Huyện đứng lại trên cầu ao, bầy gà con đang lau nhau bươi đất tìm mồi dưới bụi chuối, vội chạy tứ tán. Huyện nghiêng đầu, soi mặt xuống nước, mỉm cười khi thấy mình xinh, duyên dáng.

            Cơn gió nhẹ thổi lào rào, đượm mùi thơm như mùi cốm non, Huyện đưa tay vuốt làn tóc rối, lim dim mắt.

-  Cô Huyện!

            Chung tay cặp sách, đi về phía Huyện vừa nhai roi vừa cười. Chàng nheo mắt nhìn Huyện chăm chú, làm cho nàng ngượng nghịu, cúi đầu sung sướng.

-  Cô ra vớt bèo sớm?

-  Dạ không, em đi hái lá mồng tơi.

            Nói xong, Huyện bước đi. Chung đi bên cạnh, Huyện cười nói:

-  Tại sao anh cứ hay ăn canh mồng tơi?

-  Tại vì canh mồng tơi ăn ngon, lá mồng tơi ăn mát.

-  Còn lắm thứ rau khác…

-  Như lá rau má, rau…

            Huyện đỡ lời:

-  Như rau đồng tiền, rau dền dền, như hoa bòng bòng, hoa bí rợ.

            Nàng tắc lưỡi, đưa tay vẽ vẽ trước mặt:

-  Nhiều thứ lắm.

            Chung mỉm cười. Đôi mắt to của Huyện sáng lên khi nàng nói. Chung thấy cả một vòm trời xanh và bóng mình nằm gọn trong hai con ngươi đen, rất đen như huyền. Ngắm Huyện, tự nhiên Chung muốn nói ra câu gì thật thân mật, chàng bảo:

-  Cô Huyện này.

-  Dạ?

            Nhưng hơi bối rối, Chung lại vẩn vơ:

-  Trời hôm nay đẹp lạ!

            Huyện quay mặt, giấu nụ cười, không trả lời. Nàng lấy dáng điệu thật đáng yêu đưa tay hái lá mồng tơi bỏ vào rổ.”

            Cái ngượng ngùng dễ thương ấy, cái ước mơ thầm kín ấy, và cả cái biến chuyển nhẹ nhàng trong suy nghĩ ấy cũng là cảm xúc của Dũng và Loan:

            “Loan không nói gì, vịn một cành khế đầy hoa hồng là lấm tấm những quả khế xanh non, ngước mắt nhìn ra vẻ tìm xem đã có quả nào to ăn được chưa. Mùi hoa khế đưa thoảng qua, thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là hương thơm của một thứ hoa nữa. Đó là một thứ hương lạ để đánh dấu một quãng thời khắc qua trong đời: Dũng thấy trước rằng, độ mười năm sau, thứ hương đó sẽ gợi chàng nhớ đến bây giờ, nhớ đến phút chàng đương đứng với Loan ở đây. Cái phút không có gì lạ ấy, chàng thấy nó sẽ ghi mãi ở trong lòng chàng cũng như hương hoa khế hết mùa này sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ.” (Đôi bạn)

            Các giác quan của họ dường như nhạy bén hơn, và trộn lẫn vào nhau, trộn lẫn với cái vị ngây ngất của tình yêu. Có những đoạn văn của các tác giả Nam Bộ giống với văn phong Tự Lực văn đoàn đến nỗi khó mà phân biệt được:

            “Bóng chiều sẫm dần dần, không khí mỗi lúc một trong hơn lên, trong như không có nữa, mong manh như sắp tan đi để biến thành bóng tối. Một mùi thơm nhẹ thoảng qua, hương thơm của tóc Loan hay hương thơm của buổi chiều?” (Đôi bạn)

            “Một cơn gió làm đôi bạn giật mình. Đống lá trước mặt hai người tung lên như để bộc lộ một phẫn uất. Một chiếc mới từ trên cành rụng cuống, là đà trên mái tóc Vũ rồi đến nép trên vai Phượng. Nàng cầm lấy chiếc lá lật qua lật lại, vơ vẩn đưa lên môi. Cái cử chỉ âu yếm ấy làm cho Vũ hồi hộp. Và cứ mỗi lần thấy lòng sắp rung động, Vũ lại tìm cách trấn tĩnh lại.” (Người yêu nước, tr.64)

            “Nàng nghểnh mặt trông con trăng đầu tháng nằm nghiêng sau cây đề xa, giống như một cánh diều. Một cơn gió thổi lào rào trên hàng cây, tự nhiên Huyện cảm thấy lạnh, nàng đi sát lại gần Chung. Huyện cố ý trông chỗ khác, để cho Chung được tự do nhìn mình. Hôm ấy Chung thoáng cảm động, bàng hoàng, ngạc nhiên khi thấy Huyện đẹp lạ lùng. Một sắc đẹp mộc mạc của những cô gái quê mùa vừa đến tuổi. Một sắc đẹp hiền hậu, nhu mì, duyên dáng, dễ thương bao nhiêu.” (Nửa bồ xương khô)

            Tâm trạng của những người đang yêu có những lúc lắt léo, kỳ quặc, bí hiểm mà chính người trong cuộc cũng khó lòng giải thích được:

            “Chàng lấy làm lạ rằng sao lại có thể mong Loan tha thiết như vậy, mong Loan như mong một người xa cách đã mấy năm. Muốn gặp Loan không khó gì cả, nhưng Loan phải tự ý đến và đến giữa lúc này thì gặp gỡ ấy mới quý. Mỗi một phút chờ đợi đối với Dũng là một phút hy vọng, cảnh trời đẹp quá mà lòng chàng lúc đó tự nhiên vui vẻ quá nên Dũng chắc rằng không thể thiếu được cái vui gặp mặt Loan. Nếu hết ngày hôm nay mà Loan không đến thì chàng sẽ ghé qua nhà Loan và trách Loan vì cớ sao lại không đến. Chàng mỉm cười vì cái ý trách ấy thật là vô lý.” (Đôi bạn)

            “Đó là một lời trách cứ êm đềm và thâm thuý. Vũ thấy lòng sung sướng trước những giọt nước mắt nhỏ vì mình, giọt nước mắt biểu lộ một tình yêu chân thật. Nhưng rồi Vũ lại lo sợ, chàng thấy lòng mình cảm động hơn là rung động, thương nàng hơn là yêu nàng. Chàng muốn Phượng hiểu chàng hơn, nhưng không có cách gì để giãi rõ lòng mình.” (Người yêu nước, tr.36)

            “Biết đâu chàng trai ngang tàng ấy rồi cũng đến phải đắm say vì một dáng kiều! Nghĩ đến đấy Thuý cảm thấy mặt nóng bừng và tim hồi hộp lạ. Nàng ôn lại những cử chỉ của Tuấn từ bấy lâu nay, và nàng lấy làm lạ là Tuấn hay pha trò nhưng lời nói của chàng bao giờ cũng đứng đắn. Cặp mắt của Tuấn có cái hấp lực làm cho lòng nàng rung động, nhưng cũng có cái vô tư để gieo cho nàng một mối đau buồn. Thuý thấy rằng tuy gần nhau, Tuấn và nàng hãy còn xa nhau quá…” (Đời tươi thắm, tr.56)

            Tâm trạng của Thuý khi nghĩ về Tuấn trong Đời tươi thắm chính là cái khoảng cách tâm lý mơ hồ mà văn học lãng mạn vẫn hay nhắc đến khi viết về tình yêu. Nó xuất hiện không chỉ trong văn chương của Tự Lực văn đoàn, trong cảm xúc tôn thờ tình yêu của Chương dành cho Thu trong Bướm trắng (Nhất Linh), của Ngọc dành cho Lan trong Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), mà còn xuất hiện trong cả những vần thơ Mới: “Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm” (Xuân Diệu).

            Tình yêu âm thầm, tình tứ của Tuấn dành cho Dung trong Gió mới của Thanh Thuỷ phảng phất chút ảo ảnh trong tình cảm của Trương dành cho Thu trong Bướm trắng của Nhất Linh, tuy không có cái nỗi ám ảnh sắp chết của Trương. Dung chỉ là một cô gái nghèo chứ không phải là tiểu thư cao vời như Thu, nhưng trong mắt Tuấn, nàng có một vẻ cao quý của tâm hồn, sự đoan trang của phẩm cách khiến chàng chỉ có thể đứng nhìn từ xa mà không dám chạm tới. Dung nhiều khi gần với ảo ảnh hơn là một hình ảnh thực:

            “Đúng ngay lúc ấy chợt có tiếng động ở ngưỡng cửa. Tuấn mở choàng mắt ra. Trước mắt chàng, Dung hiện rõ ràng ở đấy. Tuấn hoảng hốt, chàng ngỡ mình có phép thôi miên đã bắt Dung không về nhà mà lại phải đến đây, hay ít nhất chàng đã bị tự kỷ ám thị mất rồi.” (Gió mới, tr.154)

            Khi ngỏ nỗi lòng với Dung, cảm xúc hồi hộp nén chặt lấy lòng chàng, khiến chàng như ở một cõi nào:

            “Tuấn không còn nhớ là mình đã nói những gì. Chàng chỉ nhớ mang máng là đã nói rất nhiều, nói mê man không định hướng. Nhưng có lẽ lời chàng hẳn phải thành thật lắm, giọng chàng hẳn phải cảm động lắm, nên thấy Dung chỉ lẳng lặng nghe mà chẳng phản đối lại câu nào. Vẻ mặt nàng luôn luôn thay đổi theo lời chàng bày giải. Sau khi chàng đã dứt lời, Dung im lặng rất lâu khiến lòng Tuấn vô cùng hồi hộp. Chàng bồn chồn hối hận. Một nỗi hối hận vô nghĩa mà chàng chẳng hiểu xuất phát từ đâu. Nhìn những sợi chỉ nước mảnh mai giăng khắp bầu trời, Tuấn tưởng chừng đấy là lời trách móc của cô bạn gái nhiều đức tính.” (Gió mới, tr. 240-241)

            Đời tươi thắm cùa Thẩm Thệ Hà lại nhắc nhớ đến Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, nhưng là nhắc để phê phán. Tuấn tình cờ trông thấy cuốn Hồn bướm mơ tiên trên kệ sách của Thuý và nghĩ: “Đọc loại sách như thế này, tâm hồn sinh ra mơ mộng, lãng mạn cũng phải.” Tuấn chống lại tư tưởng lãng mạn mềm yếu, thoả hiệp với hoàn cảnh và đắm chìm vào tôn giáo như một sự giải thoát. Chàng là con người của hành động và tin rằng chỉ có lên đường giết giặc mới giải quyết được tất cả những buồn đau của dân tộc xưa nay. Tuy nhiên, mối xúc cảm giữa Tuấn và Thuý lại được tác giả miêu tả đậm chất lãng mạn tôn giáo không khác gì Hồn bướm mơ tiên. Đó có thể là không khí ở giáo đường Thiên Chúa, nơi gắn với cuộc đời tôn giáo của Thuý, hay là không khí ở núi Bà Đen khi Thuý và Tuấn cùng nhau du ngoạn.

            “Giữa bầu không khí yên lặng nặng nề bỗng có tiếng chuông, mõ nhịp đều thành một điệp khúc u uẩn, như muốn cởi toả những vòng dây oan nghiệt, nhưng nghìn đời vẫn vương mắc những dục vọng của thế nhân. Thuý mơ màng nhìn hai con chim non đang đứng dáo dác trên cây, dường như đang lắng nghe tiếng kinh quyện buồn trong không gian.” (Đời tươi thắm, tr.84)

               Trong khi miêu tả cái rung động mong manh của tâm hồn, có một hình ảnh rất hay được các nhà văn Tự Lực văn đoàn yêu chuộng, và sau này lại xuất hiện không dưới một lần trong tiểu thuyết đô thị Nam Bộ, đó là hình ảnh cánh bướm. Cánh bướm đập khẽ như sự rung động mới lạ, kỳ diệu của xúc cảm phụ tử lạ lẫm trong truyện ngắn Đứa con đầu lòng của Thạch Lam “Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”, hay là cái mơn trớn dịu dàng của một tà áo thiếu nữ trong Đôi bạn của Nhất Linh:

            “Nền trời lúc đó, Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rồi lẫn vào màu trời. Dũng tự nhiên nghĩ đến một bải cỏ rộng trên đó có Loan và chàng; hai người cùng đi ngược lên chiều gió; nàng mặc một tấm áo lụa trắng, và gió mát thơm những mùi cỏ đưa tà áo nàng phơ phất chạm vào tay chàng êm như những cánh bướm.”

            Cánh bướm dịu dàng thiếu nữ này của Nhất Linh đã trở lại trong Nửa bồ xương khô Bạt Xíu Lìn của Vũ Anh Khanh: “Hôm ấy, Huyện mặc áo dài, gió đưa tà áo lam nhạt, gần giống sắc da trời chạm nhẹ vào người Chung, chàng mơ hồ tưởng như những cánh bướm. Chiếc khăn rua choàng bằng lụa ngà làm cho da mặt Huyện trắng hơn mọi ngày, hơi xanh dưới ánh trăng” (Nửa bồ xương khô) “Đấy là một buổi sáng đẹp trời, thành phố Saigon tưng bừng vui trong gió thanh bình. Người Saigon cười trông thấy có duyên hơn mọi bận, cảnh Saigon đẹp hơn mọi khi, nắng chảy tràn trề xuống những hàng cây trồng rìa đường, nắng liếm vào những tà áo bay nhởn nhơ như muôn vàn cánh bướm đẹp.” (Bạt Xíu Lìn)

            Đó cũng có thể là cánh bướm mơ tiên nơi cửa Phật của Khái Hưng, hay con bướm trắng của thời thơ ấu lành mạnh và xa xôi trong tâm hồn đang chết dần chết mòn của Trương: “Một bông hoa cẩm chướng trắng, gió lọt vào làm rung động như một cánh bướm. Trương tưởng đến một ngày chủ nhật nắng, một ngày đã xa lắm chàng đứng nhìn những con bướm trắng, bay trên một luống cải lấm tấm hoa vàng…” (Bướm trắng, Nhất Linh). Những cánh bướm này lại như một thứ gì xa xôi, hư ảo, ngoài tầm với, chập chờn mộng mị. Trong Hồn bướm mơ tiên, đó là cánh bướm của một cõi cao khiết nào, vượt lên trên cõi tục. Trong Bướm trắng, đó là dĩ vãng tươi đẹp, tương phản với hiện thực tuyệt vọng và đau khổ. Những con bướm của giấc mộng, của quá vãng này đã bay vào tiểu thuyết của Thẩm Thệ Hà:

 “Thấy cử chỉ ngộ nghĩnh của nàng, thấy đôi mi nàng vẫn chớp lia như hai cánh bướm, Tuấn chợt nhớ đến hai câu thơ:

Đêm qua mơ thấy hai con bướm

Chắp cánh tình chung ở giữa trời”

(Đời tươi thắm, tr.61)

“Vũ biểu nàng ca. Nàng nhìn Vũ bẽn lẽn, rồi cất tiếng ca lảnh lót:

Một con bướm hồng

Bên hồng bay bướm.

Một làn phấn bướm,

Bay bướm bên hồng.

Tiếng đàn tình tang,

Tình tang kêu vang.

Thấy bướm thấy chàng,

Buông tay buông đàn…

Phượng ca dứt thì Vũ cũng vừa buông đàn. Hai người nhìn nhau cười vì tìm không thấy bướm.”

(Người yêu nước, tr. 18)

3. Thế giới nhân vật

3.1. Nhân vật người chiến sĩ – khách chinh phu – khách tình si

            Văn học đô thị Nam Bộ 1945-1954 do sản sinh trong thời kỳ cả nước cùng đồng lòng chống Pháp nên có rất nhiều tác phẩm tranh đấu và đã tạo nên một thế giới rất đông đúc những người chiến sĩ cứu nước. Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, ngược lại, ra đời trong một thời đại bế tắc và còn nhiều hoang mang, nên số lượng nhân vật chiến sĩ có hạn chế hơn. Đôi khi đó không hẳn là những người chiến sĩ cách mạng, họ chỉ là những con người hành động, dẫu chưa biết được sẽ hành động những gì. Tuy không có thế mạnh về số lượng, nhưng những nhân vật người chiến sĩ của Tự Lực văn đoàn ghi một dấu ấn sâu sắc trong văn học hiện đại Việt Nam, tạo nên một hình ảnh rất riêng, vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa mạnh mẽ vừa hào hoa. Họ là người chiến sĩ của thế kỷ XX, nhưng cũng đồng thời là một khách chinh phu, khách tình si của thơ cổ. Những người chiến sĩ của Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Trúc Giang, Sơn Khanh, Tô Nguyệt Đình... tuy khác người chiến sĩ của nhóm Tự lực ở chỗ họ có đường lối, có mục đích rõ ràng hơn, nhưng không khó để nhận ra họ đều mang một nét nào đó của Dũng, Trúc, Tảo, Cận, Thái trong Đôi bạn, Đoạn tuyệt hay Ngọc trong Dòng sông Thanh Thuỷ của Nhất Linh.

            Dù vẫn viết nhiều về nông dân, nhưng trong tiểu thuyết đô thị Nam Bộ, người chiến sĩ cách mạng đa phần vẫn xuất thân từ tầng lớp trí thức Tây học. Người nông dân làm cách mạng trong bộ phận văn xuôi này nói chung và tiểu thuyết nói riêng vẫn thường xuất hiện dưới hình ảnh đám đông, hoặc trong những đoàn quân trùng điệp không rõ mặt người cũng như từng số phận cụ thể. Điều này có thể do tầng lớp xuất thân của chính những tác giả tiểu thuyết. Họ viết về chính những nỗi niềm của mình, tâm trạng của thế hệ mình, lý tưởng và buồn vui của những người vừa biết ít nhiều chuyện cũ của thánh hiền vừa tiếp cận với bao nhiêu tư tưởng mới từ phương Tây xa xôi. Có thể thấy cuộc đời của Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, Dương Tử Giang, Sơn Khanh, Trúc Khanh... đều là những người chiến sĩ cả. Vũ Anh Khanh ngày ra chiến khu còn khảng khái ngâm Chiến sĩ hành, một sáng tác của chính mình, trong tiệc chia tay với những người bạn tâm giao. Mà những nỗi niềm buồn vui của họ, những người chiến sĩ ra đi từ khói bụi kinh thành, chắc hẳn phải mang theo bóng hình của người chiến sĩ Tự Lực văn đoàn mà họ đã từng đọc qua. Ngày ấy có ai viết văn mà không đọc Tự Lực văn đoàn, người khổng lồ trong tiến trình hiện đại hoá văn xuôi Việt Nam. Mà chính các tiểu thuyết gia nhóm Tự lực cũng viết về cái hoang mang của chính mình và của thời đại mình đấy chứ.

            Có những người chiến sĩ quyết định đi theo một lý tưởng, thực hiện một hành động đơn giản chỉ bắt đầu bởi cảm giác bức bách, ngột ngạt và tầm thường của cuộc đời mình đang sống. Dũng và Trúc của Đôi bạn là như thế.

            “Chàng nghĩ lại cũng không hiểu vì sao mình đã bãi khoá. Sáng hôm ấy thấy Trúc và mấy người bạn rủ nhau nhảy qua hàng rào, chàng cũng nhảy theo. Suốt ngày đi lang thang, chàng thấy có một cái thú mới lạ. Lúc đó đương mùa hoa gạo nở. Lần đầu chàng thấy những cây gạo nở hoa lá đẹp và ngỏ ý ấy với Trúc.”

            Dũng a dua theo bạn bè một phần vì ham vui, vì “cái thú mới lạ”, nhưng phần khác bởi vì sâu thẳm trong lòng chàng, việc đi học rồi về làm quan nối nghiệp cha chẳng còn một chút sức lôi kéo nào với chàng nữa cả. Chàng loay hoay đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Vũ trong Người yêu nước của Thẩm Thệ Hà cũng thế, cũng đến với cách mạng vì sự tò mò. Vũ khao khát tri thức, luôn cố gắng tìm hiểu những vấn đề của đời sống, quan tâm đến triết học, nhưng Vũ vẫn không thể nào giải thích được cơn bão cách mạng đang xảy ra xung quanh chàng, đập vào bức vách kiên cố của gia đình chàng mấy đời quan nghiệp.

            “Tiếng ‘cách mạng’ làm khủng khiếp tất cả các giới quan quyền, làm chấn động đến cả các giới trí thức và tư sản. Họ nơm nớp lo sợ, nhiều người không hiểu nó có mục đích gì. Chính Vũ cũng là một trong những hạng người ấy. Có một đêm, Vũ bị đánh thức bởi những tiếng ồn ào. Chàng trỗi dậy trong khi cha chàng thét lính canh phòng cẩn mật bốn mặt nhà, mẹ chàng run lên như cầy sấy khi nghe tiếng súng bắn doạ ở trước sân.” (Người yêu nước, tr. 26).

            Cả Vũ và Dũng đều thấy lạc lõng với gia đình mình. Họ không thể đi theo con đường mà cha mẹ đã vạch ra, lại càng cảm thấy kinh thường chính những người anh em ruột của mình theo gót cha tiếp tục cuộc đời vào luồn ra cúi với người trên và đày đoạ kẻ dưới, vì một chút hư danh mà biến mình thành nhỏ mọn, tầm thường. Trong khi cha Dũng và cha Vũ chỉ chăm chăm lo kiếm cho họ một chức tước gì đấy, thì trong lòng họ chỉ băn khoăn sợ bị xem là quá trưởng giả, quá sang trọng trong mắt những người xung quanh.

            “Chàng cảm động thấy những bạn nghèo của chàng đương bàn về một việc rất quan trọng mà bổng chốc đã quên hết, đắm đuối ngồi nghe một cái đĩa hát chỉ đáng vứt đi. Nhà chàng giàu nên chàng hết sức giữ gìn đối với anh em bạn, vì chàng nơm nớp lo sợ sự giàu sang là cái hàng rào ngăn không cho các bạn dễ dàng yêu mình. Chàng ngẫm nghĩ: sự giàu sang đối với mình bấy lâu như là sự nhục.” (Đôi bạn, tr.10)

            “Rồi Vũ thèn thẹn thấy mình sang trọng quá đối với họ. Chàng biết đó không phải là một cái tội, nhưng chàng vẫn thấy làm sao ấy […] Cái khổ của Vũ là mỗi lần đi hoạt động trở về, chàng lại nghe cái giọng gắt gỏng của cha, lại phải sống êm đềm trên nhung lụa, lại phải chịu trong khuôn phép của gia đình. Trước kia, Vũ cho đó là sự tự nhiên: chàng đã sinh ở đây và đã sống ở đây từ thuở nhỏ, chàng có quyền như thế. Nhưng sau khi thấy cảnh vất vả của những kẻ cần lao, sau khi lăn lộn trong lầm than để tìm ra cái ý sống mới, chàng thấy như thế là bất công, là áp chế.” (Người yêu nước, tr. 50)

              Một điểm giống nhau nữa là hành trạng của người chiến sĩ có lúc rất mơ hồ, độc giả không biết họ làm gì, có nhiệm vụ gì, ở tổ chức nào, đi đến những đâu. Người chiến sĩ cách mạng tên Thái trong Đôi bạn có hành tung rất bí hiểm, chỉ biết chàng bị đuổi học vì tham gia bãi khoá, rồi hoạt động ở một phương trời nào đó, bị bắt, vượt ngục, tìm đến anh em bạn cũ nhờ giúp đỡ, rồi sau đó lại phương trời bạt gió ra đi. Một ngày kia, anh em nhận được tin Thái đã hy sinh. Tuấn trong Đời tươi thắm, Vũ và Bão trong Người yêu nước, Chung trong Nửa bồ xương khô, Tảo và An trong Cây ná trắc đều không được miêu tả về hành trạng trên đường đi chiến đấu. Trên bước đường tranh đấu của người chiến sĩ là những vùng kháng chiến chung chung, những núi những sông, những bến nước xa vắng gợi nên nỗi nhọc nhằn gian khổ cùng cảm giác cô đơn đầy hào khí và đậm chất tráng ca. Dũng và Chúc trong Đoạn Tuyệt xong một nhiệm vụ nào đó và đang trên đường về Thanh Thuỷ phải ngủ đêm trên thuyền.

            “Về phía tay phải, núi Tản Viên đã bắt đầu mờ mờ trong sương. Những bãi cát nổi trên mặt sông lúc nãy nhuộm vàng dưới ánh chiều tà lướt qua, bây giờ đã biến ra sắc trắng dịu. Trong một vài chiếc thuyền cắm sào đậu bên cạnh bãi, ánh lửa thổi cơm chiều thấp thoáng giãi vàng trên mặt nước đen. Bỗng trên sông yên lặng, một tiếng hát ở đâu văng vẳng đưa lại, Chúc tắc lưỡi, rồi muốn đáp lại câu hát […] Hát xong, Chúc nói: Chúng mình tưởng như được ở bến Tầm Dương vậy.” (Đoạn tuyệt, tr.98)

Hoàng Long gặp lại Lệ Ngôn ở một vùng chiến khu nào đó trong một khung cảnh rất trữ tình.

“Đêm nay không sương. Trời lại mát và có trăng. Long trải chiếu trước mũi thuyền, bày ra hai cái chén và một bình trà […]

- Đêm nay trời sáng, thế nào đối phương cũng không dám tấn công ta. Tất nhiên, chúng ta cũng vẫn phải phòng thế thủ. Vậy ta có thể tạm yên, uốn trà thưởng trăng đêm nay.

- Anh lại định làm thơ.

- Không, tất cả cái gì ở đây cũng là thơ rồi!

- Anh làm như chúng ta đang ở thời bình!

- Thời bình cũng như thời loạn, ai có quyền cấm tôi sau khi làm tròn bổn phận có đôi phút trầm mặc để lắng xuống đáy linh hồn.

[…] Trong khung cảnh mộng và thơ ấy, xa xa là những cánh rừng tram thâm thẫm đến im lìm như ngủ mê man trên những thửa ruộng tràn đầy ánh bạc.”

(Giai cấp, tr. 139)

Có thể thấy người chiến sĩ ở đây rất lãng mạn. Họ mang theo trên đường chinh chiến cái hào hoa sách vở. Người chiến sĩ của Tự Lực văn đoàn hiện lên một cách rất mơ hồ bởi vì bản thân con đường cứu nước của họ cũng mơ hồ. Họ đa phần không bằng lòng với cuộc sống trưởng giả, tẻ nhạt, cũ kỹ, quyết dấn thân vào con đường gió bụi, mê man trong hành động, tuy chưa biết hành động sẽ đi đến đâu nhưng ít nhất cũng giải thoát cho mình khỏi nỗi mặc cảm đau xót của thân phận người dân mất nước. Trong khi đó, những người chiến sĩ của văn học đô thị Nam Bộ 1945-1954 tuy hành trạng mơ hồ nhưng lại rất chắc chắn và tự tin với sự lựa chọn của mình. Họ còn có sức tác động lớn đến người khác, lôi kéo người khác đi theo mình, như Tuấn tác động đến Thuý, Vũ tác động đến Phượng. Người chiến sĩ của Tự Lực văn đoàn sống mơ hồ trong bóng tối, tinh thần đấu tranh của họ mang tính tự phát, còn người chiến sĩ trong văn học Nam Bộ đã có cả cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại làm hậu thuẫn sau lưng. Bên cạnh những nhân vật mơ hồ về hành trạng, Nhất Linh có cả một tiểu thuyết Dòng sông Thanh Thuỷ kể về nhiệm vụ cách mạng của Ngọc, một đảng viên Quốc dân đảng. Tuy nhiên, ngay cả Ngọc, nhân vật giàu chất chính trị và ít chất văn học nhất của Nhất Linh, vẫn thể hiện một sự mơ hồ, bối rối trong tư tưởng, dù tác giả không trực tiếp nói ra. Ngọc là một điệp viên tài ba, tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên trừ khử hai gián điệp Cộng sản trà trộn vào hàng ngũ, thế nhưng có những lúc chính chàng hoang mang không biết vì sao mình lại giết họ, mình tha cho họ có được hay không. Chàng mơ hồ cảm thấy mình đang làm một việc rất vô nghĩa, đó là giết chết những người hoặc là bất tài vô hại, hoặc rất có tài, chỉ có điều họ đi theo một con đường có hại cho tổ chức của chàng, nhưng chưa chắc đã hại cho đất nước.

   Giống như những người chiến sĩ trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, người ra đi trong tiểu thuyết đô thị Nam Bộ cũng kiêu bạc, hào hoa, lãng mạn, rờn rợn nỗi cô đơn và luôn mang theo một bóng giai nhân trên dặm đường sương gió. Họ có cái chí khí của “Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”, vừa kiên cường, vừa sầu buồn. Dũng ra đi luôn mang trong tim hình bóng Loan. Trong lá thư gửi cho Thảo, Dũng đã viết những lời gan ruột về Loan: “Nghĩ Loan bị nhà bắt buộc lấy người khác, mà em lại phải sống cái đời phiêu bạt vô định, nên em không thể nào cùng Loan đi một con đường…” (Đoạn tuyệt, tr.103). Suy nghĩ này giống hệt với suy nghĩ của Tuấn trong Đời tươi thắm: “Chàng biết Thuý yêu chàng, nhưng đời trai thời loạn là một cuộc đời sóng gió, cuộc đời vô định, vương vấn yêu đương chỉ làm chồn gót người đi và đau lòng người ở lại. Vả lại, ngày mai lăn thân vào con đường tranh đấu, biết chàng có sống sót trở về đây để gặp cố nhân chăng?” (Đời tươi thắm, tr.93). Trên bước đường lý tưởng, Dũng có Loan (Đoạn tuyệt), Ngọc có Thanh (Dòng sông Thanh Thuỷ) thì Vũ có Phượng (Người yêu nước), Chung có Huyện (Nửa bồ xương khô), Tuấn cũng có Thuý (Đời tươi thắm) và Quý có Ánh Mai (Sau dãy Trường Sơn). “Những lúc Quý thấy buồn vơ vẩn là lúc Quý thấy nhớ Ánh Mai. Trên bước đường tương lai vòi vọi, Quý mơ màng một người bạn đồng hành chung tâm chí: người đi bên Quý sẽ là Ánh Mai vậy. Nhưng kể từ mai, Quý đã xa Ánh Mai rồi, xa Ánh Mai mà không hẹn ngày tái ngộ (Sau dãy Trường Sơn, tr.14)

   Khác với dòng văn học cách mạng của miền Bắc sau này, văn học tranh đấu ở đô thị Nam Bộ nói về những người đi chiến trận bao giờ cũng chuẩn bị tâm thế cho những kết thúc bi thương. Không phải chỉ trong tiểu thuyết mà cả truyện ngắn cũng đầy rẫy những cái chết bi thảm nơi chiến trường, và trong cảnh biệt ly lúc nào cũng có một chút buồn tang tóc. Cái màu trắng tang tóc trong tưởng tượng của Dũng (Đôi bạn) lại xuất hiện lần nữa trong hình dung của Tảo (Cây ná trắc của Vũ Anh Khanh). Đó là khi cả hai nhân vật đang nghĩ đến cái chết của chính mình một ngày kia ngoài chiến địa và được người yêu nhỏ nước mắt khóc thương.

“Chàng thốt nghĩ đến Loan và tự nhiên nhớ đến một hôm, đã lâu lắm, nhìn Loan mặc áo trắng đi qua vườn trong ánh nắng thu, lần đầu chàng cảm thấy cái vui thấy mình sống. Chàng không dám nghĩ đến một đời ở xa Loan, nay đây mai đó như Tạo, rồi một ngày kia cũng như Tạo chết một nơi xa lạ nào, nằm trong áo quan tối, trong khi Loan đứng bên mồ, dưới ánh nắng, tà áo trắng của nàng phấp phới trước gió.” (Đôi bạn)

“Tảo mường tượng bóng vợ ẵm con đứng yên trên một ngọn đồi thông xanh, tầm mắt xa vời, ngóng trông tà áo trắng bay rũ giữa sương chiều rơi mau, làm cho Tảo xót xa nghĩ đến những buổi mong chờ của một người chinh phụ, mặc áo tang, đợi người chồng đã chết ngoài chiến trận – không bao giờ về nữa!” (Cây ná trắc)

   Người ra đi không chỉ nghĩ về người ở lại, mà hình ảnh người chiến sĩ còn được tái hiện qua sự đánh giá, niềm ngưỡng mộ và nỗi nhớ nhung của người bạn ái, người yêu, người vợ chốn quê nhà. “Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ” (Lưu Trọng Lư) không phải chỉ là cảm xúc buồn thương mà còn là niềm hãnh diện, tôn thờ.

Rồi nàng thấy hiện ra trước mặt mình hình ảnh Dũng ngồi trước lò sưởi, vẻ mặt rắn rỏi cương quyệt, vẻ mặt của một người có chí khí cao rộng, và so sánh Dũng với Thân, chồng nàng, người có một vẻ mặt tầm thường và một cuộc đời mà nàng biết chắc cũng sẽ tầm thường. (Đoạn tuyệt, tr.29)

“Lòng người thiếu nữ luôn muốn nguôi đi nỗi niềm thương nhớ, nhưng lúc muốn quên lại chính là lúc nhớ thương thêm. Tâm hồn nàng luôn luôn phảng phất hình ảnh của người con trai ngang tàng khí phách đang chuyển gót chân lưu động đến một chân trời góc bể nào rồi.” (Đời tươi thắm, tr.104)

Bên cạnh niềm yêu thương, tôn thờ còn là một cảm giác thèm khát cái bầu trời tự do cao rộng của người đi. Người con gái ở nhà có cảm giác như đang sống một cuộc đời tù túng, bé mọn, tầm thường, còn người ra đi được vùng vẫy với non sông. Điều này có thể thấy rõ nhất trong cảm nhận của Loan khi phải cam chịu lấy Thân, làm nô lệ cho lễ giáo, còn Dũng đã có thể vùng vẫy ra khỏi sự kìm kẹp của gia đình mà sống đời gió bụi: “Thôi ta để mặc anh Dũng đi với cảnh đời gió bụi của anh, yêu nhau đành chỉ yêu nhau trong tâm hồn, còn mỗi người một ngả, người nào sống riêng cuộc đời người ấy” (Đoạn tuyệt). Tương tự như vậy, Lệ Ngôn khi nghĩ về Hoàng Long, “cái chàng con trai hiên ngang giữa đất trời để đem lại một cuộc sống vinh quang cho quê cha đất tổ ấy, độ nầy, biết đã lập nên nhiều thành tích vẻ vang cho giồng giống, hay đã bỏ thây ngang dọc giữa bãi sa trường” (Tàn binh) thì lại đau xót cho phận mình phải làm vợ Emile, bó thân trong bốn bức tường vô cảm và một cuộc đời tầm thường, bệ rạc. Trong khi đó, Thuý (Đời tươi thắm) vẫn còn bị lòng tin tôn giáo trói chân, chưa thể thoát ra để có thể cùng Tuấn vui dặm hải hồ.

“Thuý thấy thèm muốn đời sống nhàn hạ của đôi chim. Nàng muốn được như chúng, sống tự do với tình cảm thiên nhiên, hoà tâm hồn vào những cảnh nên thơ tìm sự rung cảm tế nhị trong những cảnh bao la, bát ngát. Trong phút ấy, nàng tự nhiên nhớ đến Tuấn. Nàng lại có ý nghĩ so sánh chàng trai ngang tàng ấy với một con chim đang sống một cuộc đời khoáng đạt, không phải như một con chim xanh nhởn nhơ trong một vườn hoa xinh đẹp, mà là một con chim bằng luôn luôn tìm cách vượt muôn vạn trùng dương để làm gì?” (Đời tươi thắm, tr.88)

Đôi khi, cả tác giả Tự Lực văn đoàn và Nam Bộ đều cường điệu tài năng của người chiến sĩ, thể hiện niềm ngưỡng mộ của người viết đối với chính nhân vật của mình. Ấy là khi Nhất Linh miêu tả Ngọc của Dòng sông Thanh Thuỷ mưu trí, tài ba, có thể lừa và giết được Nghệ, một nhân vật cốt cán của tổ chức Cộng sản, dù Nghệ được miêu tả không kém phần sắc sảo và đa mưu túc trí. Ngọc am tường mọi thứ, từ chính trị đến võ nghệ, đến văn chương nghệ thuật. Hoàng Thái trong Gió biên thuỳ (Thẩm Thệ Hà) và Lương, Sơn trong Bạt Xíu Lìn (Vũ Anh Khanh) cũng không hề kém cạnh. Các nhân vật này vừa am tường lịch sử, nhạy bén chính trị, xuất sắc ngoại ngữ, lại võ nghệ cao cường, súng ống đều thông thạo. Tác giả đặt họ trong đối sánh với những sĩ quan, điệp viên Nhật, Trung để cho thấy họ cao tay hơn, thông minh hơn. Trong những cuộc đối đầu thi thố tài năng với người nước ngoài, hoặc những hoàn cảnh bị rơi vào hang cọp, Hoàng Thái hay Lương và Sơn đều tỏ ra bình thản như không có chuyện gì, thậm chí còn mỉm cười thư thái.

2. Nhân vật nữ phản kháng, tranh đấu

Bên cạnh nhân vật người người chiến sĩ, các cô gái trong tiểu thuyết đô thị Nam Bộ 1945-1954 cũng ít nhiều mang dáng dấp về tính cách và tâm sự của những cô gái mới trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn. Họ đều là những người có tư tưởng hiện đại, cá tính, mạnh mẽ, có chính kiến và lòng tự tôn. Nếu Mai, Loan mạnh mẽ chống lại lễ giáo phong kiến để bảo vệ hạnh phúc cá nhân thì Tuyết, Nhung sống cuồng nhiệt đến tận cùng với niềm khao khát của bản thân mình. Họ biết được giá trị bản thân “Chỉ có trinh tiết của tâm hồn là đáng quý thôi” (Đoạn tuyệt), biết mình muốn gì và luôn đấu tranh vì ước muốn chính đáng đó. Tính cách này ta bắt gặp trong Lệ Ngôn. Ngôn gửi thư tỏ tình cho Hoàng Long và thẳng thắn nói với chàng: “Người con gái này không phải là hạng đặt đâu ngồi đấy, mà là một kẻ khi yêu biết đòi, khi cần biết hỏi, khi sầu biết than” (Giai cấp, tr.62). Ngôn yêu Long và chủ động tìm đến Long, không ngại miệng đời mai mỉa. Thuỳ Nga (Ái tình và nghệ thuật) cũng thế, nàng cũng tự quyết định hạnh phúc của mình bằng việc chủ động đến với Hoàng Ngô. Nàng biết chàng mặc cảm với cái nghèo và sự khác biệt giai cấp giữa hai người nên không bao giờ mở lời, vì thế mà nàng đến tận nhà Hoàng Ngô, xin làm bạn chàng. Tình yêu của họ bắt đầu từ đó. Hoàng Ngô mãi mãi nhớ hình ảnh của cô tiểu thư Thuỳ Nga đến thăm chàng, làm túp lều tồi tàn của chàng sáng bừng lên trong một ngày nắng đẹp. Để bảo vệ tình yêu của mình và đưa nó đến một cái kết có hậu, Thuỳ Nga chủ động sắp xếp để Hoàng Ngô có thể lấy lòng được cha mình. Nàng khen ngợi Hoàng Ngô với cha, thậm chí nói khéo để làm cho cha hiểu lầm là Hoàng Ngô là văn sĩ giàu có, sau đó khi hai bên gặp nhau, nàng hướng cuộc nói chuyện vào chỗ cha nàng thích thú nhất, khiến ông có cảm tình và nể tài Hoàng Ngô. “Bóng hạnh phúc đã thấp thoáng ngoài ngưỡng cửa đời nàng, nàng chỉ còn với tay nắm lấy là được. Bất giác nàng mỉm cười, chép miệng: ta sẽ thắng bất cứ trở lực nào trên đời này để mang lại hạnh phúc về cho ta.” (Ái tình và nghệ thuật, tr. 244). Sự mạnh mẽ, quyết liệt vì yêu này của Lệ Ngôn và Thuỳ Nga có khác gì Mai (Nửa chừng xuân) khi nàng vẫn quyết định lấy Lộc, dù biết người mà chàng dẫn đến hỏi cưới nàng chỉ là bà mẹ giả, cũng nào có khác gì Tuyết (Đời mưa gió) tìm cách giật lấy Chương khỏi tay Thu, cô tiểu thư con bà phủ, chỉ đơn giản là vì nàng thích Chương. Thậm chí nhân vật Ngọc Nga trong Tranh đấu của Dương Tử Giang còn độc lập đến mức tự chọn chồng và tự kết hôn, đặt cha mẹ vào tình thế đã rồi. Đứng trước quan lớn, quan bé, Ngọc Nga như cao hơn cả họ về lòng tự tin và dũng khí. Tuy nhiên, có thể thấy khi xây dựng nhân vật Ngọc Nga, tác giả đã có phần quá say sưa trong ý tưởng của mình, khiến cho cô thiếu sự mềm mại cần thiết của một nhân vật nữ. Những cô gái hiện đại ấy luôn tìm cách đạt đến ước mơ, hạnh phúc theo quan điểm của họ, dù có thành công hay không. Loan trong Đoạn tuyệt và Ngôn trong Tàn binh giống nhau ở chỗ đã chuyển từ thái độ cố thoả hiệp để cầu lấy cuộc sống bình yên sang vùng vẫy để thoát ra khỏi thế giới mà mình đang sống. Loan muốn thoát ra khỏi xã hội cũ khắc nghiệt mà gia đình chồng của nàng là một biểu tượng, còn Ngôn muốn thoát khỏi người chồng Emile và cuộc sống tầm thường để trở về với kháng chiến. Cả hai ban đầu đều miễn cưỡng chấp nhận sự sắp đặt của số phận: Loan chấp nhận lấy Thân để làm hài lòng cha mẹ, Ngôn chấp nhận lấy Emile để bảo vệ gia đình, vì nàng bị bắt vì tội tham gia kháng chiến. Sự xung khắc cựu-tân giữa nhà chồng và Loan đã đày đoạ tinh thần nàng, khiến nàng có cảm giác tuyệt vọng. Con nàng sinh ra nó cũng không còn là con nàng nữa, nàng không thể dạy nó như nàng muốn. Trong khi đó, chính tình yêu và sự chiều chuộng của Emile làm cho Ngôn càng ngày càng suy sụp, bởi tất cả sự tầm thường của cuộc đời nàng đang sống đã xoáy thêm vào nỗi đau sống thừa và mặc cảm phản bội của nàng. Loan và Ngôn chỉ thoát ra khi đứa con của mình chết đi, tức là sợi dây tinh thần nối giữa họ và cuộc đời họ đang sống đã không còn nữa. Thật ra đây là cách giải quyết mâu thuẫn có phần ngẫu nhiên của hai tác giả, nhưng gần như là cách giải quyết dễ chấp nhận nhất. 

Sự mạnh mẽ, cá tính và dám tranh đấu có từ thời Tự Lực văn đoàn đã theo các nhân vật nữ vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Từ các cô gái mới của Tự Lực văn đoàn đến các cô nữ cứu thương của văn chương tranh đấu miền Nam là cả một chặng đường phát triển vai trò của người phụ nữ từ đối với chính bản thân họ, đến vị trí của họ từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Ban đầu là những cuộc đấu tranh đòi giải phóng tự do cá nhân, để người phụ nữ được sống với tình yêu và khát vọng chân chính. Cùng với việc chống lễ giáo phong kiến, các cô đã đồng thời đấu tranh chống lại sự phân chia giai cấp. Hoạt động xã hội của chị em Vân, Dung trong Gió mới của Thanh Thuỷ, chăm sóc và dạy dỗ trẻ lang thang để chúng có một cuộc đời tươi sáng hơn, hiểu theo một nghĩa nào đấy, đã bắt nguồn từ những lớp học của Loan trong Đoạn tuyệt sau khi đã thoát khỏi nhà bà phán Lợi. Nối tiếp sau đó là cái ước mơ rộng lớn được thoát khỏi cuộc đời tù túng, chật hẹp, được hành động để làm thay đổi nó. Loan không có cái may mắn được vạch sẵn một con đường cứu nước để lựa chọn, nhưng bước chân ra đi của Loan đã khuấy động tâm hồn của nhiều cô gái khác, để rồi sau này các cô không đứng ngoài vận mệnh chung của đất nước. Khi người con trai ra trận, người con gái không chỉ ở nhà ngóng một bóng dáng chinh phu. Trong bức tranh Tảo vẽ về cuộc kháng chiến ở làng Khánh Thiện, Hồ đã góp ý cho chàng phải thêm vào đấy bóng dáng của “một người đàn bà” vì “Cùng là con một nước cả, dù là trai hay gái cũng phải đồng nhiệm vụ như nhau khi gặp thời binh lửa” (Cây ná trắc của Vũ Anh Khanh). Ngày trước, Loan theo Dũng lên đường với lý do chủ yếu là vì nàng yêu Dũng, muốn cùng chàng đi đến những chân trời bạt gió. Sự lên đường của nàng khi ấy vẫn còn lệ thuộc vào một người, đó là Dũng, nghĩa là vẫn chưa độc lập hoàn toàn. Trên dưới mười năm sau, trong kháng chiến chống Pháp, văn học đô thị Nam Bộ đã có những cô gái hoàn toàn độc lập trong quyết định lên đường. Quyết định ấy có thể là vì lòng yêu nước, vì được giác ngộ lý tưởng như Mai Liên (Hờn chinh chiến), Phượng (Người yêu nước), Thuý (Đời tươi thắm), nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là họ muốn sống một cuộc đời khác hơn, có ý nghĩa hơn, như Cải, Tín, Huyện trong Nửa bồ xương khô.

“Bọn mình cứ sống yên tĩnh trong bốn hàng lũy tre già quanh năm chải gió, yên phận mãi, buồn lắm và chán nữa! Nếu cứ thế, đời bọn mình chắc rồi cũng như những cô gái quê mùa khác, cần cù chăm chỉ từ nhỏ, lớn lên sẽ lấy chồng tổng, lý: sinh con, đẻ cháu và rồi cũng sẽ chết vô sự như mọi người tự thuở giờ. Cuộc sống bằng phẳng của mặt nước ao tù thầm lặng.” (Nửa bồ xương khô)

Nhân vật Phượng theo cách mạng là vì Vũ đưa đường dẫn lối, nhưng sau khi hoà mình vào cuộc kháng chiến, Phượng đã tách khỏi cái bóng của Vũ, không còn cảm thấy lệ thuộc vào tình yêu của Vũ nữa, mà có cảm giác đấy chính là sự lựa chọn của riêng nàng.

“Từ ngày bước chân vào con đường cách mạng, Phượng thấy tâm hồn mình thay đổi hẳn. Nàng không còn thấy hàng trâm lúc nào cũng đượm vẻ u buồn, và tấm lòng lúc nào cũng mênh mang một niềm thương nhớ. Có nhiều lúc nàng cũng nghĩ đến Vũ, nhưng nàng không thấy rung cảm một cách tha thiết nữa. Cái tấm nhu hoài của người con gái yếu đuối ngày xưa đã tàn theo dĩ vãng. Phượng chỉ nghĩ đến Vũ để gợi ra những ý niệm hùng tráng giúp cho nàng thêm phấn khởi.” (Người yêu nước, tr. 95)

Bên cạnh đó, tác phẩm Dòng sông Thanh Thuỷ của Nhất Linh đã để lại một chân dung nhân vật kỳ nữ khá độc đáo là Thanh, người phụ nữ dở dang bán hàng nước ở biên giới Việt Trung nhưng đồng thời cũng là đảng viên bí mật của Quốc dân đảng. Hàng cà phê Thanh Hương của Thanh cũng là nơi để cô bí mật theo dõi hành tung, hoạt động của các đảng cách mạng khác. Truyện viết theo phong cách lịch sử-trinh thám nên rất gay cấn. Ở Thanh có cái thông minh, sắc sảo, nguy hiểm của một điệp viên, nhưng đồng thời lại yếu đuối rất phụ nữ. Bóng dáng của Thanh phảng phất trong chân dung của Thu Cẩn trong Gió biên thuỳ của Thẩm Thệ Hà, Bạt Xíu Lìn trong Bạt xíu lìn của Vũ Anh Khanh. Thu Cẩn là gián điệp của một tổ chức cách mạng, còn Bạt Xíu Lìn đảm nhận một trọng trách quốc gia, tìm sang Nhật, kết thân với điệp viên Matahari của Hoàng thân Hamako để phá hoại bản chương trình Đại Đông Á của ông cũng như đánh cắp những tài liệu quân sự bí mật khác. Là những người con gái nhu mì, mưu lược của họ cũng được thực hiện một cách rất tinh tế, khéo léo. Để tiếp cận điệp viên Hoàng Thái, Thu Cẩn đã giả làm cô gái bán nồi đất và vờ đâm vào một người làm khi đi ngang trước nhà Hoàng Thái để bắt vạ. Để lấy được tập tài liệu mật của hai sĩ quan Nhật bất ngờ gặp trong một quán ăn, Bạt Xíu Lìn phối hợp với Lương rất nhịp nhàng. Bạt Xíu Lìn tiếp cận hai sĩ quan bằng nụ cười quyến rũ, và bằng những động thái có vẻ rất ngây thơ, nàng vơ tay và làm đánh rơi cặp táp của hai vị sĩ quan. Họ chẳng nỡ sẵn giọng với người đẹp, trong lúc đó Lương gây chuyện với họ để Lìn rảnh tay đánh cắp tài liệu. Khi bị phát hiện, Lương cứng cỏi chống trả, và Lìn đã cứu chàng chỉ bằng một cốc rượu uống dở hất vào mặt tên sĩ quan đang dí súng vào ngực Lương. Vũ Anh Khanh nhấn mạnh cái kỳ tài của Bạt Xíu Lìn khi đặt nàng bên cạnh những bậc kỳ nữ của dân tộc, qua miệng một người khách trò chuyện với Lương

“- Thích nhỉ! Con gái Việt Nam thì không thể “vừa vừa” được. Những bà Trưng, bà Triệu ngày xưa, những cô Bắc, cô Giang mấy năm trước, những chị em chị Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Hồng Liên, vợ mấy anh Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp vừa năm rồi và bây giờ thì… thì…?

- Bạt Xíu Lìn.”

Còn Thu Cẩn một mình xông pha chỉ huy cả một toán quân tấn công vào phủ Trùng Khánh, kế hoạch thất bại, nàng là gái nhưng lại chọn làm vật thế thân đánh lạc đường cho quân rút. Thu Cẩn đã chết một cái chết anh hùng như bậc trượng phu.

Tuy can trường là vậy, nhưng cả Thanh, Bạt Xíu Lìn và Thu Cẩn đều rất dịu dàng, họ cũng mềm yếu trong tình cảm, cũng có một bóng hình trai anh hùng trong lòng. Thu Cẩn dành một mối cảm tình sâu đậm cho Hoàng Thái, người lẽ ra đối đầu với nàng trên con đường chính trị, khâm phục và mến tài chàng. Bạt Xíu Lìn yêu Lương, người anh nuôi tài giỏi và là người bạn chiến đấu kề vai sát cánh của nàng. Lìn cũng có những giấc mộng rất bình dị về một tổ uyên ương, cũng nũng nịu khi hai người ở trong một khung cảnh thơ mộng dọc đường chiến đấu.

*

Số lượng tác phẩm khảo sát trong bài viết này rất ít ỏi so với lượng tiểu thuyết đồ sộ viết và xuất bản ở đô thị Nam Bộ giai đoạn 1945-1954, nhưng đó lại là những tác phẩm khá tiêu biểu, với những tên tuổi tác giả được nhiều người thời ấy biết đến và yêu chuộng. Có thể thấy được những nhà tiểu thuyết Nam Bộ thời kỳ này đã học hỏi không ít từ người đi trước. Cũng cần phải khẳng định rằng họ không phải là những người duy nhất. Tự Lực văn đoàn đã được công nhận giữ một vai trò rất quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá văn xuôi Việt Nam. Những nhân vật lãng mạn, hay mơ mộng, những cốt truyện luận đề đậm tính đấu tranh kêu gọi đã tác động sâu sắc đến nhiều nhà văn đương thời và hậu thế. Nhiều nhà văn Nam Bộ tuy trực tiếp chê bai tính lãng mạn của tiểu thuyết nhóm Tự Lực, nhưng họ lại không để ý rằng văn chương của mình cũng phảng phất vẻ thướt tha, yêu kiều của chính văn đoàn này, và nhân vật của mình cũng có những nỗi niềm sầu buồn, vương vấn như các nhân vật nam thanh, nữ tú ra đời từ những năm ba mươi. Sức sống bền lâu của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn không chỉ nằm trong tác phẩm của chính họ, mà còn nằm trong những tác phẩm của các nhà văn thời sau, trong đó có những nhà văn sinh trưởng và sáng tác ở đô thành phương nam những năm kháng Pháp.

Tiểu thuyết đô thị Nam Bộ 1945-1954 khảo sát trong bài viết:

1.      Tô Nguyệt Đình, Chàng đi theo nước, Tấn Phát xuất bản, Sài Gòn, 1953.

2.      Thẩm Thệ Hà, Người yêu nước, Nxb. Tân Việt Nam, 1949.

3.      Thẩm Thệ Hà, Gió biên thuỳ, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1949.

4.      Thẩm Thệ Hà, Đời tươi thắm, Nxb. Lá Dâu, Sài Gòn.

5.      Dương Tử Giang, Tranh đấu, Nxb. Nam Việt, Sài Gòn, 1949.

6.      Sơn Khanh, Giai cấp, Nxb. Sống Chung, Sài Gòn, 1949.

7.      Sơn Khanh, Tàn binh, Nxb. Sống Chung, Sài Gòn, 1949.

8.      Trúc Khanh, Giọt máu con trời, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1949.

9.      Vũ Anh Khanh, Cây ná trắc, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1947.

10.  Vũ Anh Khanh, Nửa bồ xương khô, Nxb. Tân Việt Nam, Sài Gòn, 1949.

11.  Vũ Anh Khanh, Bạt Xíu Lìn, Nxb. Tiếng Chuông, Sài Gòn, 1949.

12.  Việt Quang, Hờn chinh chiến, Nxb Nam Việt, Sài Gòn, 1949.

13.  Lý Văn Sâm, Sau dãy Trường Sơn, Nxb. Nam Việt, Sài Gòn, 1949.

14.  Lý Văn Sâm, Nga và Thuần, Nxb. Phạm Văn Sơn, Sài Gòn, 1950.

15.  Ngọc Sơn, Ái tình và nghệ thuật, Tấn Phát xuất bản, Sài Gòn.

16.  Thanh Thuỷ, Gió mới, Tấn Phát xuất bản, Sài Gòn.

NTPT

_____________

 

Chú thích

(1)   Nhất Linh (1961), Viết và đọc tiểu thuyết, Đời nay xuất bản, Hà Nội.

(2)   Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn, tr. 424.

 

_____________

 

Tài liệu tham khảo

1.       Trương Chính (1990), “Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn”, Tạp chí Văn học, (5).

2.       Phạm Thị Thu Hà (2010), Hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, Luận văn ThS., ĐH KHXH&NV, Hà Nội.

3.       Phan Mạnh Hùng (2012), “Thẩm Thệ Hà - nhà văn yêu nước đất Nam Bộ”, Khoa học Xã hội và Nhân văn, (54).

4.       Nguyễn Mẫn (2012), Ấn tượng văn chương phương Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

5.       Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn.

6.       Nguyễn Văn Sâm (1969), Văn chương tranh đấu miền Nam, Kỷ Nguyên xuất bản, Sài Gòn.

7.       Nguyễn Văn Sâm (1972), Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945 - 1950, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn.

 



(*) ThS., Khoa Văn học và Ngôn ngữ - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-TP.HCM.  

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

64101486
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
23275
29791
64101486

Thành viên trực tuyến

Đang có 450 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website