Toạ đàm về Văn học đô thị Nam Bộ 1945-1954

 

Vào lúc 14 giờ ngày 27/03/2012 tại khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH KHXN&NV TPHCM, đã diễn ra buổi toạ đàm Văn học đô thị Nam Bộ 1945-1954 nằm trong khuôn khổ đề tài cấp trọng điểm Đại học Quốc gia TPHCM Sưu tầm, khảo sát, và đánh giá văn học Nam Bộ 1945-1954, do TS. Võ Văn Nhơn làm chủ nhiệm. Nội dung buổi toạ đàm chủ yếu xoay quanh mảng văn học ở đô thị Nam Bộ giai đoạn này. Buổi toạ đàm do TS. Võ Văn Nhơn, chủ nhiệm đề tài làm chủ tọa. Tham dự tọa đàm có các thành viên thực hiện đề tài, gồm các nhà nghiên cứu ở trường ĐH KHXH&NV TPHCM và Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Đặc biệt, toạ đàm có sự góp mặt của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm, tác giả của một số công trình nghiên cứu đầu tiên về mảng văn học này (Văn chương tranh đấu miền Nam, Kỷ Nguyên xb, S.1969; Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1954, Lửa thiêng xb, S.1972...).

Vấn đề thu hút sự quan tâm của các cử toạ là việc phân chia ranh giới giữa văn học chiến khu và văn học đô thị ở Nam Bộ giai đoạn 1945-1954. Trong khi nhiều cử toạ tỏ ra phân vân về sự mơ hồ của ranh giới này, bởi có những tác giả sáng tác ở cả chiến khu lẫn đô thị, thì cũng có những ý kiến khẳng định sự phân chia như thế là cần thiết. Văn học xuất bản công khai ở đô thị, dưới những thiết chế luật pháp và quản lý của chính quyền đô thị, sẽ có những nét khác biệt với văn học vùng chiến khu.

Các cử toạ cũng đặc biệt quan tâm đến phương pháp tiếp cận văn học Nam Bộ 1945-1954. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hồng tỏ ra lo ngại về việc bộ phận văn học này được tiếp cận chủ yếu trên phương pháp xã hội học, trong khi văn chương vốn là địa hạt của cái đẹp và phải có những giá trị tự thân.PGS Nguyễn Thị Thanh Xuân lại cho rằng phương pháp tiếp cận phải phù hợp với đối tượng nghiên cứu. Các nhà văn Nam Bộ giai đoạn này không phải không trăn trở về cái đẹp của văn chương, nhưng họ đặt lợi ích đất nước và mục tiêu tranh đấn lên trên tất cả. Nếu không dựa chủ yếu vào phương pháp xã hội học để tìm hiểu tác động của hoàn cảnh lịch sử xã hội lên bộ phận văn học này, e rằng sẽ không thể đánh giá đúng giá trị của nó.

Để đánh giá đúng giá trị nghệ thuật của các tác phẩm văn học Nam Bộ, toạ đàm cũng đồng tình văn học mỗi miền có một đặc điểm riêng về nghệ thuật, và so sánh văn học Nam-Bắc không phải để xác định hơn thua, mà để làm nổi bật những đặc điểm có tính bản sắc ấy.

PGS Nguyễn Thị Thanh Xuân đọc báo cáo về phê bình văn học ở đô thị Nam Bộ 1945-1954, khơi gợi những vấn đề trao đổi thú vị về hoạt động lý luận và phê bình rất tự do và tiến bộ, cũng như việc giới thiệu văn học nước ngoài một cách rất cập nhật ở đô thị miền Nam giai đoạn ấy.

Toạ đàm kết thúc vào 16 giờ 30 phút cùng ngày, trong không khí học thuật hào hứng và nhiều gợi mở.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website