(Nguyễn Thị Phương Thuý, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)
Nhiều năm trở lại đây, Australia đã trở thành một trong những lựa chọn du học hấp dẫn, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên châu Á, trong đó có Việt Nam. Không có bề dày lịch sử giáo dục như châu Âu, cũng không thể sánh ngang nước Mỹ về sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật nhưng Australia vẫn lôi cuốn du học sinh với những lý do riêng. Bài viết này sẽ không khai thác giáo dục đại học và sau đại học của Australia từ góc nhìn của người làm công tác quản lý, mà chỉ chia sẻ những hiểu biết của tác giả với tư cách của người đã có cơ hội thụ hưởng nền giáo dục này, dù chỉ trong một thời gian không lâu. Bên cạnh một số khía cạnh chung của giáo dục Australia, phần lớn những vấn đề trong bài viết này lấy từ thực tiễn giảng dạy và học tập tại trường Đại học Queensland, một trong 4 trường đại học hàng đầu của xứ sở chuột túi(1) và xếp thứ 45 thế giới năm 2012 theo xếp hạng của hệ thống uy tín ARWU (Academic Ranking of World Universities) (2).
(Ảnh: Đại học Queensland, Australia)
1. Hệ đào tạo và văn bằng
Để dễ hình dung về giáo dục đại học và sau đại học của Australia, có lẽ nên bắt đầu về cách thức tổ chức cũng như hệ thống bằng cấp của họ. Cũng như các quốc gia khác, Australia có bậc đào tạo cử nhân (đại học), thạc sĩ và tiến sĩ (sau đại học). Tuy nhiên, mỗi bậc đào tạo lại được chia nhỏ ra thành nhiều cấp, cụ thể, bậc đại học có 3 văn bằng xếp từ thấp lên cao với tên gọi là Undergraduate Certificate, Undergraduate Diploma và Bachelor; tương tự, bậc cao học có 3 văn bằng là Graduate Certificate, Graduate Diploma và Master. Các văn bằng trong cùng một bậc đào tạo (đại học hoặc cao học) tự động liên thông với nhau, nghĩa là sinh viên có thể đăng ký học Certificate sau đó chuyển sang Diploma rồi Bachelor/Master mà không cần phải thi hay xét tuyển liên thông, chỉ cần học thêm tín chỉ theo yêu cầu là được. Ngược lại, nếu sinh viên ngay từ đầu đăng ký văn bằng cao hơn như Master/Bachelor nhưng sau đó cảm thấy không thể hoàn thành chương trình, có thể chuyển xuống văn bằng thấp hơn. Việc chuyển đổi ngược này phải thực hiện trong một giới hạn thời gian cho phép tuỳ theo mỗi trường. Hệ thống văn bằng chia nhỏ này mang đến cho người học nhiều sự lựa chọn, giúp họ linh động hơn trong quá trình học. Tuy nhiên, nó chỉ thích hợp với những ai tiếp tục học tập và làm việc ở Australia, vì những văn bằng như Certificate hay Diploma không phải lúc nào cũng được chấp nhận ở các quốc gia có hệ thống bằng cấp không tương ứng.
Giống như một số quốc gia khác, bậc đại học ở Australia cung cấp hình thức đào tạo văn bằng đôi (Double degrees), nghĩa là sinh viên học cùng lúc hai ngành khác nhau trong cùng một trường đại học, rút ngắn thời gian so với việc học lần lượt từng ngành. Cao học có hai hình thức là cao học tín chỉ (Master by Coursework) và cao học nghiên cứu (Master by Research hay còn gọi là MPhil). Chọn cao học tín chỉ, sinh viên chỉ cần tích luỹ đủ tín chỉ là có thể tốt nghiệp. Các môn học không khó hơn chương trình cử nhân là mấy, nhiều môn thậm chí gộp vào học cùng với bậc cử nhân (nhưng mức điểm đánh giá khó hơn một chút). Hình thức đào tạo này chủ yếu phục vụ những ai muốn phát triển kiến thức theo chiều rộng, tức học thêm một ngành mới sau khi đã có bằng đại học ngành gần, hoặc cung cấp thêm kiến thức chuyên ngành cho những người có bằng đại học đúng ngành. Vì vậy ở Australia, người có 2, 3 bằng cao học không phải là chuyện hiếm. Khi công việc đòi hỏi họ có thêm kiến thức ngành gần, học cao học tín chỉ là cách dễ nhất để đạt được nó, vì ở Australia không có văn bằng hai đại học như ở Việt Nam (như đã giới thiệu ở trên, học cao học có thể lấy được 3 loại bằng khác nhau). Chỉ những ai muốn đi sâu vào các ngành khoa học chuyên biệt với tư cách nhà nghiên cứu thì mới lựa chọn cao học nghiên cứu, vì chỉ có con đường này mới đưa họ đến bậc tiến sĩ và xa hơn nữa. Học viên của chương trình tín chỉ nếu muốn học lên tiến sĩ bắt buộc phải làm luận văn, và luận văn này được tính tương đương một số lượng tín chỉ nhất định. Không có quy định cụ thể về việc những người chọn chương trình thạc sĩ nghiên cứu hay tiến sĩ có phải học thêm môn học hay không. Điều này tuỳ thuộc vào nhu cầu của người học và lời khuyên của cán bộ hướng dẫn khoa học.
Hệ đào tạo danh dự (Honour Program) có ở cả bậc đại học và cao học. Cũng giống như hệ cử nhân tài năng hay cử nhân chất lượng cao của hai Đại học Quốc gia ở Việt Nam, nó bao gồm những tín chỉ cơ bản và những tín chỉ nâng cao, với thời gian học kéo dài hơn so với hệ đào tạo bình thường. Ngoài ra còn có hình thức học bán thời gian (part-time) và toàn thời gian (full-time). Hình thức bán thời gian phục vụ người đang đi làm; sinh viên quốc tế bắt buộc học toàn thời gian. Đúng như tên gọi của nó, các hình thức này chỉ khác nhau về thời gian đào tạo, còn chất lượng đào tạo là như nhau. Người học dù lựa chọn hình thức nào thì cũng vẫn phải học đúng số môn yêu cầu, với cùng đề cương môn học và chuẩn đánh giá. Về điểm này, nó khác với hệ đào tạo vừa làm vừa học của Việt Nam.
2. Tổ chức học tập
Điểm đáng lưu ý đầu tiên trong cách tổ chức học tập ở các trường đại học Australia là cách chia môn học thành hai phần thuyết giảng và thực hành rõ rệt (đây là cách người viết tạm dịch hai từ lecture và tutorial). Việc phân chia này không áp dụng cho mọi môn học, mà phần lớn là những môn học đòi hỏi thực hành nhiều hoặc những môn có số sinh viên quá đông. Tất cả sinh viên (có khi lên đến hàng trăm) cùng nghe giảng viên chính của môn học thuyết giảng trong một giảng đường rộng, sau đó sẽ được chia nhỏ thành các nhóm thực hành (tutorial) khoảng 8-20 người cùng làm việc với nhau trong một phòng học nhỏ, dưới sự hướng dẫn của một trợ giảng (tutor). Nhiệm vụ của trợ giảng là giải đáp thắc mắc của sinh viên về bài giảng, cụ thể hoá bài giảng, hướng dẫn làm các bài thực hành có liên quan, tổ chức thuyết trình, và chấm điểm sinh viên. Cách làm này giúp mỗi sinh viên đều được quan tâm tỉ mỉ và đánh giá chính xác trong suốt quá trình học. Việc thuyết trình cũng trở nên hiệu quả hơn rất nhiều với số lượng thành viên của một nhóm thuyết trình không bao giờ quá 4. Nhiều môn học có cả sinh viên đại học và học viên cao học cùng dự giờ thuyết giảng, nhưng làm việc ở những nhóm thực hành riêng biệt, với tiêu chuẩn đánh giá khác nhau.
Số trợ giảng của mỗi môn học có thể lên đến 4-5 người tuỳ vào lượng sinh viên đăng ký học. Nguồn cung cấp cho nhu cầu trợ giảng quá lớn này chính là các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên đang theo học tại khoa/trường. Giảng viên chính tự chọn trợ giảng cho mình. Chỉ cần học viên/sinh viên đạt điểm tuyệt đối (ở trường Queensland là điểm 7) trong một môn học là sẽ có cơ hội được giảng viên chính của môn đó mời làm trợ giảng vào các học kỳ sau. Cơ hội này dành cho tất cả mọi người, kể cả sinh viên quốc tế, tất nhiên có xem xét khả năng truyền đạt và khả năng tiếng Anh. Thù lao cho việc trợ giảng tương đương với học phí của một môn học, giúp sinh viên có thể phần nào trang trải được việc học của mình. Giảng viên chính hoàn toàn chịu trách nhiệm về năng lực và kỹ năng của trợ giảng do mình chọn lựa và sử dụng. Phản hồi của người học khi kết thúc môn sẽ quyết định trợ giảng có được tiếp tục làm việc hay không. Nếu đội ngũ trợ giảng bị phản ánh tiêu cực quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín môn học cũng như giảng viên phụ trách, và khoa/bộ môn sẽ làm việc với những giảng viên này. Đối với môn tự chọn, đánh giá của sinh viên có tính chất quyết định đối với sự tồn vong của môn học, vì quá ít sinh viên đăng ký sẽ không thể mở lớp. Điều này cho thấy quyền tự chủ của các đại học Australia rất cao, và họ đã trao quyền lực ấy vào tay người trực tiếp giảng dạy thế nào.
Điểm đáng lưu ý thứ hai là việc chọn môn học liên ngành đào tạo. Mỗi chương trình đào tạo đều có các môn bắt buộc và môn tự chọn. Môn tự chọn có thể do chính ngành đó cung cấp, hoặc do ngành khác, khoa khác trong trường cung cấp. Chẳng hạn, sinh viên ngành lịch sử có thể chọn học môn văn học trung đại của khoa văn, và học cùng lớp với sinh viên khoa văn. Việc chọn môn liên ngành này có giới hạn rất rộng, một sinh viên ngành văn thậm chí có thể chọn học một môn của ngành âm nhạc hay mỹ thuật. Điều này đòi hỏi vai trò của người cố vấn học tập (academic advisor) trong việc đưa ra lời khuyên và trả lời cho sinh viên về tính hợp lệ của môn học liên ngành mà sinh viên chọn, căn cứ theo quy định của khoa và ngành. Việc chọn môn liên ngành mở ra một nguồn lựa chọn khổng lồ cho sinh viên, phục vụ tốt hơn nhu cầu của họ cũng như tạo thuận lợi trong việc sắp xếp thời khoá biểu môn học. Để phục vụ sinh viên trong việc chọn môn, đề cương của mỗi môn học đều được công bố trên website trường, với từng chi tiết nhỏ về nội dung học tập và cách phân bổ, tổ chức lớp học và các hoạt động tại lớp, điểm thành phần của môn học, danh mục tài liệu tham khảo… Đề cương luôn được cập nhật vào đầu mỗi học kỳ, sinh viên có thể chuẩn bị cho việc chọn môn bằng cách tham khảo các đề cương cũ trên webpage của môn học, thậm chí đề thi cũ lưu trên website thư viện. Tìm hiểu càng sớm, sinh viên càng thuận lợi, chẳng hạn như có thể nhanh tay mượn giáo trình ở thư viện. Trong tuần đầu tiên của mỗi học kỳ, sinh viên được quyền học thử các môn học mà mình dự định chọn để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Sau tuần đầu tiên, sinh viên phải hoàn thành việc đăng ký môn học, không được thay đổi môn nữa, nhưng vẫn có thể huỷ bớt môn. Ở trường Queensland, mỗi học kỳ sinh viên học toàn thời gian phải đăng ký tối thiểu 3 môn và tối đa 4 môn (những trường hợp đặc biệt phải thông qua người phụ trách chuyên môn), vì vậy sinh viên có thể huỷ bớt 1 môn trong 1 học kỳ khi cảm thấy bị quá tải. Sau 3 tuần kế tiếp, việc huỷ môn cũng chấm dứt. Sinh viên đã theo học được một tháng và phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, kết quả học tập của môn đó dù cao hay thấp vẫn sẽ xuất hiện trên phiếu điểm.
Việc học tập của sinh viên ở trường Đại học Queensland được kiểm soát qua hệ thống điện tử. Sinh viên khi nhập học được cấp một tài khoản sinh viên trên một webpage của trường (gọi là trang blackboard) kèm theo địa chỉ e-mail cá nhân. E-mail này cho phép kết nối với e-mail thường dùng của sinh viên để giúp thuận tiện trong việc kiểm tra thư hằng ngày. Sinh viên đăng ký môn, huỷ môn, theo dõi lịch học, lịch thi, xem đề cương môn học, nhận tài liệu tham khảo do giảng viên cung cấp, đọc tài liệu số của thư viện, nộp bài tập, trao đổi với nhau về môn học, xem điểm môn học, nhận thông báo của nhà trường và giao dịch với nhà trường như xin phiếu điểm, trả phí dịch vụ, chuẩn bị lễ tốt nghiệp… đều thông qua tài khoản cá nhân này. Thậm chí nhiều môn học còn có những hoạt động trực tuyến đòi hỏi sinh viên phải tham gia hàng tuần và tính điểm. Vì số thời gian tương tác trực tiếp của mỗi môn học không nhiều, thường là 1.5 giờ cho phần thuyết giảng và 1.5 giờ cho phần thực hành mỗi tuần, nên hoạt động trên blackboard cực kỳ quan trọng, giúp sinh viên có thể bám sát giảng viên/trợ giảng bất cứ lúc nào trong tuần và giúp giảng viên/trợ giảng biết được mức độ chủ động của sinh viên đối với môn học. Những sinh viên quốc tế nói tiếng Anh không thật sự lưu loát xem blackboard là một công cụ hiệu quả trong việc trình bày ý kiến cá nhân và hỏi kỹ hơn về bài học.
3. Phục vụ học tập
Các trường đại học ở Australia (và có lẽ ở những quốc gia khác xem giáo dục là một trong những ngành kinh doanh) rất chú trọng đến việc phục vụ người học –nguồn cung cấp tài chính của họ. Trường Queensland có bộ phận phục vụ sinh viên (Student Service) chăm sóc sinh viên rất chu đáo, từ đời sống, sức khoẻ, học tập, đến việc làm thêm.
Công tác phục vụ học tập được bộ phận phục vụ sinh viên xem là quan trọng nhất và đầu tư rất công phu. Họ tổ chức những lớp tập huấn tất cả những kỹ năng mà một sinh viên cần đến như sắp xếp thời gian, cách đọc tài liệu phục vụ viết luận, viết và trình bày bài luận, thuyết trình, làm việc nhóm, chuẩn bị ôn thi học kỳ… Thậm chí cả những vấn đề nhỏ hơn như cách tiếp cận, tìm hiểu và viết lịch sử nghiên cứu vấn đề cho tiểu luận hay luận văn, giới thiệu các quy chuẩn trích dẫn tài liệu tham khảo như MLA (dùng cho tất cả các ngành khoa học), APA (dùng trong khoa học xã hội), AMA (dùng trong y khoa), CSE (dùng trong khoa học tự nhiên), ACS (dùng trong vật lý, hoá lý)… cũng được mở lớp tập huấn. Một lớp tập huấn rất cực kỳ quan trọng và luôn khuyến khích sinh viên tham gia là lớp nói về vấn đề đạo văn và cách tránh lỗi đạo văn do vô ý. Lớp học này đặc biệt cần thiết đối với sinh viên quốc tế, vì không phải thói quen trình bày văn bản khoa học của các quốc gia đều giống nhau. Nhiều quốc gia không nghiêm khắc trong việc dẫn nguồn, hoặc có quy định dẫn nguồn khác với thông lệ quốc tế (như Việt Nam chẳng hạn). Australia sử dụng những hệ thống cước chú quốc tế đã giới thiệu ở trên, và đều quy định bất cứ một câu, một ý nào không phải do mình viết ra đều phải chú thích. Chẳng hạn, giới thiệu tiểu sử một nhà văn nhất thiết phải chú thích nguồn, vì sinh viên không thể tự biết được tiểu sử đó, mà phải đọc từ một hoặc nhiều tài liệu nào đó. Người phụ trách lớp tập huấn có thể là người của bộ phận phục vụ sinh viên, nhưng cũng có thể được mời từ bên ngoài, như thầy cô của các khoa trong trường, hoặc nhân viên thư viện, hoặc các cá nhân ngoài trường. Các lớp tập huấn này tập trung vào tuần đầu tiên trước khi học kỳ mới bắt đầu (tuần lễ orientation) để phục vụ tân sinh viên, những người còn lạ lẫm với môi trường đại học nói chung và môi trường đại học của Australia nói riêng. Sau đó, các lớp này vẫn được tổ chức lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt học kỳ, có lịch cụ thể ngay từ đầu học kỳ để các sinh viên còn lại sắp xếp tham gia khi cần thiết, đặc biệt là vào mùa thi cử, thuyết trình, làm tiểu luận…
Sinh viên, mà đa phần là sinh viên quốc tế còn được hưởng một dịch vụ nữa của bộ phận phục vụ sinh viên trường Queensland, đó là được cầm tay chỉ việc trong việc biên tập văn phong khoa học tiếng Anh (dịch vụ này không dành cho sinh viên ngành biên tập, xuất bản). Sinh viên sau khi làm xong bài luận có thể mang bài lên để nhân viên của bộ phận này hướng dẫn cách biên tập, sửa lỗi dùng từ, đặt câu, xây dựng đoạn văn, diễn đạt không rõ ràng hoặc văn phong chưa phù hợp. Tuy nhiên, mỗi sinh viên chỉ được sử dụng dịch vụ này vài lần một học kỳ, vì dịch vụ này sinh ra để cung cấp kỹ năng cho sinh viên, chứ không phải để làm thay cho họ.
Như vậy, việc chuẩn bị kỹ năng cho sinh viên, kể cả kỹ năng học tập cũng như nghiên cứu, không phải là công việc của giảng viên hay trợ giảng, mà chủ yếu do bộ phận phục vụ sinh viên đảm nhận. Giảng viên lên lớp nói về chuyên môn, chứ không cầm tay chỉ việc cho người học. Lớp học là môi trường để người học mài giũa kỹ năng đã biết, chứ không phải là nơi họ mò mẫm tìm hiểu từ đầu. Mỗi sai lầm của người học trên lớp và trong mỗi bài tập đều phải trả giá bằng điểm số nên họ phải chú ý tìm dự những lớp tập huấn này để trang bị cho mình kỹ năng cần thiết trước khi vào lớp.
***
Tóm lại, tuy xem giáo dục là một ngành đầu tư “hốt bạc” với học phí cao ngất ngưởng nhưng đại học ở Australia đã kiếm tiền dựa trên sự trao đổi sòng phẳng giữa chất lượng giáo dục và học phí. Người học luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để học tập và nghiên cứu, vừa được hướng dẫn chi tiết, vừa được khuyến khích sự chủ động. Nhiều đặc điểm của cách thức tổ chức giáo dục mang lại sự chủ động cho người thụ hưởng nhưng không phải văn bằng nào cũng giúp ích cho sinh viên nước ngoài trở về nước làm việc sau khi tốt nghiệp nên người học cần tính toán và lựa chọn cẩn thận. Một số đặc điểm, cách thức, phương pháp giáo dục đã được áp dụng tại Việt Nam, có cái tạo phản ứng tích cực, có cái không; một số vẫn chưa được áp dụng do điều kiện trong nước còn chưa phù hợp. Dẫu sao ta vẫn cần nhìn vào thành công của người để học hỏi, hoặc hy vọng.
NTPT.
(1) http://www.australianuniversities.com.au/rankings/
(2) http://www.shanghairanking.com/ARWU2012.html