Sáng ngày 29/12/2018 tại văn phòng khoa Văn học đã diễn ra Hội nghị nhà tuyển dụng năm 2018. Đây là dịp để Khoa lắng nghe ý kiến của nhà tuyển dụng về chất lượng sản phẩm đào tạo của Khoa và hiểu thêm những nhu cầu mới của thị trường lao động nhằm có những điều chỉnh phù hợp trong chương trình đào tạo.
Tham dự hội nghị có đại diện các nhà tuyển dụng đến từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Tuổi Trẻ, Đài Truyền hình TP. HCM, và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thông tin Trẻ Thơ (Webtretho).
Các đại diện nhà tuyển dụng tham dự hội nghị hài lòng với năng lực chuyên môn của cử nhân do khoa Văn học đào tạo. Cử nhân tốt nghiệp khoa Văn học nhìn chung được đánh giá đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn cụ thể của các lĩnh vực giảng dạy, xuất bản, báo chí, truyền thông, có ưu điểm chăm chỉ, cầu tiến, nghiêm túc và trách nhiệm trong công việc, nhiều người có khả năng phát hiện vấn đề tốt, thích nghi nhanh. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cũng cho biết không ít tân cử nhân khoa Văn học vẫn còn chưa đủ năng động nhạy bén, chưa sử dụng ngoại ngữ hiệu quả, thiếu khả năng tổng hợp và vận dụng tri thức thuộc nhiều lĩnh vực, thiếu quan tâm đến các vấn đề chính trị-xã hội, kỹ năng ứng xử xã hội còn hạn chế, thậm chí có người còn thiếu cả những kỹ năng đời sống như không thể tự điều khiển xe máy, xe đạp, vốn rất quan trọng với những nghề nghiệp đòi hỏi phải di chuyển thường xuyên như phóng viên, nhân viên truyền thông...
Nhà tuyển dụng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho Khoa và Trường như: đề nghị tái cấu trúc nhóm môn chuyên ngành tự chọn để cân đối và bao quát hơn; tổ chức cho sinh viên tham quan cơ quan, đơn vị, toà soạn... để sinh viên sớm hiểu biết quy trình của từng công việc cụ thể; tổ chức cho sinh viên thực tập từ năm thứ nhất, thứ hai thay vì năm thứ ba, thứ tư như hiện tại để sinh viên sớm trải nghiệm nghề nghiệp từ đó đưa ra lựa chọn sớm hơn; tăng cường các buổi nói chuyện chuyên đề về nghề nghiệp; thực tiễn hoá những môn triết học, tư tưởng ở giai đoạn đại cương; tăng cường trang bị kỹ năng mềm; cải thiện chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học... Các nhà tuyển dụng sẵn lòng phối hợp với Khoa và Trường trong việc tổ chức thực tập, tham quan cơ quan đơn vị, nói chuyện chuyên đề... để có thể nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa, phục vụ nhu cầu của đơn vị.
PGS.TS Lê Quang Trường – Trưởng khoa khoa Văn học – cho biết với đặc thù là ngành đào tạo khoa học cơ bản, chương trình cử nhân của Khoa phải tìm cách giải bài toán khó giữa đảm bảo tính chất hàn lâm của ngành, định hướng nghiên cứu của nhà trường và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Các đại diện nhà tuyển dụng cũng cho rằng với sự thay đổi nhanh chóng của những ngành nghề hiện có và sự xuất hiện hàng hoạt các ngành nghề mới trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, điều quan trọng nhất là Khoa phải trang bị cho sinh viên khả năng tự thay đổi và thích nghi chứ không phải thiết kế chương trình chạy theo những biến đổi cụ thể hằng năm của thị trường lao động. Sinh viên cũng cần chủ động hơn trong việc lên kế hoạch và mục tiêu nghề nghiệp của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân.