Văn học vô sản Nhật Bản qua một số tác phẩm tiêu biểu

Nguyễn Thị Phương Thúy (*)

  1. Văn học vô sản Nhật Bản và những tác phẩm được dịch ở Việt Nam

Văn học vô sản (proletarian literature) hay còn gọi là văn học công nhân (working-class literature), đúng như tên gọi của nó, là dòng văn học viết về những người lao động nghèo khổ thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, trong đó chủ yếu là những người công nhân vô sản. Những cuộc cách mạng vô sản nổ ra ở nhiều quốc gia trên thế giới vào nửa cuối thế kỷ 19 đã tạo tiền đề cho sự ra đời của dòng văn học này. Phong trào công nhân Chartism những năm 1838-1848 đã khởi xướng trào lưu thơ ca cách mạng ở Anh. Cách mạng vô sản Pháp 1871 khơi nguồn cho văn học công xã Paris với đại diện tiêu biểu là nhà thơ Eugène Pottier, tác giả bài Quốc tế ca. Về sau, những đặc điểm của dòng văn học này được hệ thống hoá thành một phương pháp sáng tác cụ thể, lấy học thuyết, tư tưởng Marx-Lenin làm điểm tựa và đặt dưới sự định hướng của đảng cộng sản, đó là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa (socialist realism). Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từng trở thành phương pháp sáng tác phổ biến, thậm chí chủ yếu, ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam suốt một thời gian dài.

            Văn học vô sản Nhật Bản cũng phát triển dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng đảng cộng sản, mặc dù không phải nhà văn vô sản nào cũng là đảng viên cộng sản. Trào lưu văn học vô sản Nhật Bản hình thành vào nửa cuối thập niên 1910, trước khi đảng cộng sản nước này ra đời. Thời kỳ này nó gồm những tác phẩm viết về đời sống và điều kiện làm việc của tầng lớp công nhân, chẳng hạn như tiểu thuyết Thợ mỏ của Miyajima Sukeo hay Kẻ lang thang Tomizo của Miyachi Karoku, nên nó còn có tên gọi khác là văn học công nhân thời Đại Chính.

Năm 1921, Omi Komaki và Hirofumi Kaneko cùng nhau thành lập tạp chí văn học Người gieo hạt. Năm 1924, Hatsunosuke Hirabayashi và Suekichi Aono cho ra đời tờ Mặt trận văn chương. Chẳng bao lâu sau nó trở thành tờ tạp chí chủ chốt của văn học vô sản Nhật Bản. Những tác phẩm tiêu biểu như Kỹ nữ của Hayama Yoshiki và Bầy lợn của Kuroshima Denji cũng xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí này. Năm 1928, Liên đoàn Nghệ thuật Vô sản Nhật Bản được thành lập dựa trên sự sát nhập Hội liên hiệp Nghệ sĩ Vô sản Nhật Bản, Hội liên hiệp Nghệ sĩ Công nhân-Người lao động Nhật Bản và Hội liên hiệp Nghệ sĩ Tiền phong. Hai tác phẩm gây tiếng vang lớn và cho đến nay vẫn được xem là tiêu biểu cho văn học vô sản Nhật Bản là Tàu đóng vỏ cua của Kobayashi Takiji và Khu phố không ánh mặt trời của Tokunaga Shunao đã ra mắt độc giả trên tập san Cờ chiến đấu – cơ quan ngôn luận của liên đoàn. Một tờ tạp chí quan trọng khác là tờ Tái thiết đã xuất bản những tác phẩm của những nhà văn trở về từ Liên Xô là Akutagawa Ryunosuke và Miyamoto Yuriko. Năm 1931, Liên đoàn Nghệ thuật Vô sản Nhật Bản đổi tên thành Hội liên hiệp Văn hoá Vô sản Nhật Bản, hoạt động phối hợp với những tổ chức văn hoá khác như hiệp hội của các nhà làm phim và các nhạc sĩ. Hội liên hiệp các Tổ chức Văn hoá Vô sản Nhật Bản cho ra đời một số tờ tạp chí trong đó có tờ Phụ nữ lao động.

Khi quân đội Nhật xâm lược Mãn Châu năm 1931, chính phủ Nhật càng ra sức đàn áp văn học vô sản trong nước, ráo riết bắt bớ giam cầm nhà văn. Nhà văn vô sản tiền phong Kobayashi Takiji bị bắt và bỏ trốn được. Trong những ngày tù đày và trên đường đào thoát, ông vẫn miệt mài sáng tác và cho ra đời tiểu thuyết Cuộc đời của một đảng viên, đăng trên tạp chí Chuo Koron. Năm 1933, ông sa vào tay cảnh sát và bị tra tấn đến chết, trở thành tượng đài bất diệt của dòng văn học vô sản Nhật Bản.

Sự hy sinh của Kobayashi Takiji như một điềm báo cho sự thoái trào của văn học vô sản Nhật Bản. Hầu hết nhà văn đã không chịu nổi sự truy đuổi gắt gao của nhà cầm quyền, mà cuộc đời ly hương lại không phải là lựa chọn của họ, nên cuối cùng họ đã quyết định từ bỏ lý tưởng. Thậm chí có người còn xoay ngòi bút sang phục vụ cho nhà cầm quyền. Những người này được lịch sử nhắc đến với tên gọi nhà văn “quy hồi” (tenko).

Sau nhiều thập niên yên ngủ, năm 2008, văn học vô sản Nhật Bản bỗng đột ngột gây chú ý trở lại khi tiểu thuyết Tàu đóng vỏ cua của Kobayashi Takiji sáng tác từ năm 1929 được tái bản. Nó lập tức trở thành sách bán chạy nhất trong năm, tạo nên một hiện tượng xuất bản mà báo chí gọi là “cơn sốt văn học vô sản” (proletarian literature boom). Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của đại đa số người dân Nhật Bản, và họ tìm thấy sự sẻ chia, đồng cảm với những người lao động cùng khổ trong tiểu thuyết của Kobayashi.

Văn học vô sản Nhật Bản đã được giới thiệu ở miền Bắc Việt Nam từ những năm 1960. Thời kỳ này, văn học vô sản là bộ phận duy nhất được miền Bắc Việt Nam chú ý trong toàn bộ kho tàng văn học phong phú của xứ sở mặt trời. Tuy nhiên, số tác phẩm được dịch cũng không nhiều, chỉ gồm các tác phẩm sau:

-          Khu phố không ánh mặt trời, tiểu thuyết của Tokunaga Shunao, Trương Chính và Hồng Bích Vân dịch, Nxb. Lao Động, 1961.

-          Núi đồi yên lặng, tiểu thuyết của Tokunaga Shunao, Trương Chính và Hồng Bích Vân dịch, Nxb. Văn hoá, 1962.

-          Mây gió Hakone, tiểu thuyết của Takakura Teru, Trương Chính và Hồng Bích Vân dịch, Nxb. Văn học, 1963.

-          Cánh đồng Banshu, tiểu thuyết của Miyamoto Yuriko, Hồ Dzếnh và Kim Lang dịch, Nxb. Văn học, 1964.

-          Sơi xích trắng, tuyển tập các truyện ngắn của Minakami Tsutomu, Harukawa Tetsuo, Nishino Tatsukichi, Handa Yoshiyuki, Trương Chính và Hồng Dân Hoa dịch, Nxb. Lao động, 1966.

-          Đường đến nguồn nước, tiểu thuyết của Hirotsu Kazuo, Xuân Bích dịch, Nxb. Lao động, 1974.

Như vậy, có thể thấy việc dịch thuật các tác phẩm văn học vô sản ở miền Bắc Việt Nam trước 1975 tuy không rầm rộ nhưng có tính chọn lọc. Những tác phẩm được chọn dịch đều là những tác phẩm tiêu biểu, một mặt đem đến cho độc giả một góc giai cấp vô sản rất riêng của nước Nhật với những cuộc đấu tranh riêng, những mâu thuẫn và nỗi niềm riêng trong lòng một đế quốc đương thời, mặt khác lại cho thấy cuộc đấu tranh chung của giai cấp vô sản toàn thế giới, điều mà miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ dễ dàng đồng cảm và chia sẻ, cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh giữ nước của mình. Bài viết này chỉ tìm hiểu những tác phẩm đã được dịch ở Việt Nam liệt kê ở trên.

  1. Văn học vô sản và nước Nhật những ngày tranh đấu

Đặc điểm tiêu biểu nhất của văn học vô sản là tính mục đích của nó, “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải thành ‘một bánh xe nhỏ và một đinh ốc’ trong bộ máy xã hội dân chủ vĩ đại, thống nhất do đội tiền phong hoàn toàn giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân mở máy”[1]. Văn học vô sản Nhật Bản cũng không nằm ngoài đặc trưng này, dù không phải nhà văn nào cũng tiếp xúc hay tuân theo một cách có ý thức với lý luận nói trên của Lenin về văn học.

Nội dung đấu tranh dễ thấy nhất trong các tác phẩm văn học vô sản là đấu tranh giai cấp. Tác phẩm Khu phố không ánh mặt trời của Tokunaga Shunao luôn được xem là ví dụ tiêu biểu cho nội dung này. Giá trị của tác phẩm được chú ý ở chỗ nó kể lại một cuộc đấu tranh có thực, và do chính một đại diện của giai cấp công nhân trong nhà máy viết ra. Lý luận về phản ánh của mỹ học Marxist ở đây được hiểu ở nghĩa hẹp nhất, tức là phản ánh những sự kiện thực sự xảy ra trong đời sống. Suy nghĩ này cũng đã từng chi phối văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá khứ, khiến các nhà văn luôn được kêu gọi đi thực tế và viết về những tấm gương anh hùng có thật. Sản phẩm văn học của những tác giả không chuyên nghiệp xuất thân từ tầng lớp công nhân và nhân dân lao động cũng dễ dàng được thừa nhận và ngợi ca. Tokunaga Sunao là con một gia đình bần nông. Chưa học hết tiểu học, ông đã phải đi làm kiếm ăn ở xưởng in, xưởng thuốc lá, nhà máy xay, nhà máy điện, v.v. và bắt đầu tham gia phong trào công nhân từ đó. Năm 1922, ông là công nhân sắp chữ ở xưởng in Hirubumidate (sau này đổi thành công ty in Taido), Tokyo, sau thành một người phụ trách phân đoàn xưởng. Đến năm 1927, ở công ty in Taido nổ ra một cuộc bãi công rất lớn, nổi danh trong lịch sử phong trào công đoàn Nhật Bản. Cuốn Khu phố không ánh mặt trời phản ánh cuộc bãi công đó.

Tác phẩm tuy có xây dựng một số nhân vật trung tâm như cô công nhân nhà máy Takaeta và em gái Katai, những chàng trai trong ban lãnh đạo công đoàn như Miyaike và Haghimura, nhưng trội lên hơn cả vẫn là nhân vật đám đông, là toàn thể công nhân nhà máy in Taido. Thời gian trong cả cuốn tiểu thuyết chỉ kéo dài khoảng một tháng, từ khi bãi công nổ ra cho đến lúc tạm thời thất bại do nhiều người trong công đoàn bị bắt bớ. Katai bị bắt và tra khảo khi đang mang thai, đến nỗi thai chết lưu, khiến cô cũng qua đời. Bãi công thất bại, Takaeta một mình lẻn đến đốt nhà của Ogawa – giám đốc nhà máy, và tác phẩm kết thúc ở đó. Tác phẩm xây dựng hai tuyến nhân vật rạch ròi trên lập trường ta – địch, làm nổi bật mâu thuẫn sâu sắc giữa chủ nhà máy và giai cấp công nhân. Những mâu thuẫn được cụ thể hoá bằng hành động, lời nói của nhân vật, và bằng cả những hình tượng mang sức gợi. Hai tuyến nhân vật thù địch cùng sống ở khu phố thung lũng, ngăn cách nhau bằng con suối Chigawa khô cạn vì rác rưởi. Ngược trên dốc núi là biệt thự của giám đốc và lãnh đạo nhà máy. Ẩn mình dưới thung lũng là “khu phố không ánh mặt trời” của công nhân. Tất cả mọi tình tiết của câu chuyện diễn ra trong vùng không gian hẹp ấy, khiến không khí như ngột ngạt hơn, sức nóng của cuộc chiến đấu khiến người đọc vừa cảm thấy sôi sục, vừa cảm thấy ngộp thở.

Mây gió Hakone của Takakura Teru tuy là một tiểu thuyết lịch sử nhưng vẫn viết trên tinh thần của giai cấp vô sản. Câu chuyện kể về việc xây dựng công trình đường dẫn nước Hakone vào thế kỷ 17, một trong những sự nghiệp vĩ đại của dân tộc Nhật Bản. Đó là một đường hầm dài 1290m đào xuyên qua núi Kojiri, từ hồ Asinoko ở phía Tây, dẫn nước tưới cho mấy nghìn chiobu (mỗi chiobu khoảng 0,9918 ha) ruộng của huyện Siyoka ở phía đông. Đường hầm này đào từ hai phía đông và tây núi Kojiri lại, vừa dài, vừa quanh co, nhưng đã gặp nhau rất chính xác ở một điểm. Người đứng ra xây dựng là ông Tomono Yoemen, một thương nhân ở Edo. Ông không được Mạc phủ và các chư hầu giúp đỡ, mà chủ yếu dựa vào sức của mình và của dân. Cuối cùng ông bị Mạc phủ bắt và kết thúc đời mình một cách bi thảm. Cốt lõi của câu chuyện này ngoài việc ngợi ca sức mạnh Nhật Bản còn là bức tranh sinh động về cuộc đấu tranh của dân nghèo cùng khổ xứ Hakone, dưới sự lãnh đạo của một thương gia, chống lại thế lực Mạc phủ bạo tàn, hủ lậu. Vào thế kỷ 17 ở Nhật Bản, chỉ có tầng lớp võ sĩ mới được xem là cao cấp và có quyền cai trị xã hội, còn thương nhân, và thấp hơn nữa là nông dân, bị xem thường dù họ chính là những người nuôi sống xã hội. Thương nhân Tomono Yoemen lên kế hoạch xây dựng đường dẫn nước Hakone với ý định ban đầu là kiếm lời, nhưng sau đó sự vĩ đại của công trình và lòng tin của nhân dân trong vùng dành cho ông đã khiến ông dốc hết của cải và tâm huyết cả cuộc đời cho nó. Mạc phủ chẳng những không tạo điều kiện cho ông làm một việc ích nước lợi dân, mà ngược lại, còn ra sức khống chế và hành hạ ông, với suy nghĩ làm như thế sẽ hạ thấp uy tín của ông, điều mà họ cho là mầm mống làm lung lay chế độ.

Bên cạnh đấu tranh giai cấp, những tác phẩm văn học vô sản còn nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh giữa những mặt đối lập khác như lạc hậu – cấp tiến, cổ học – Tây học, quốc gia – quốc tế... Nhà văn Takakura Teru khi xây dựng nhân vật thương gia Tomono đã đan cài vào đấy niềm ngưỡng mộ của ông với khoa học kỹ thuật phương Tây. Qua ngòi bút kể chuyện và miêu tả của Takakura, ông Tomono toả sáng như biểu tượng cho sức mạnh trí tuệ thời đại, còn chính quyền chỉ rặt những kẻ hủ lậu mù quáng.

Xung quanh lập trường giai cấp và những quan niệm về sự tiến bộ còn có cuộc xung đột về quan điểm chính trị liên quan đến chiến tranh, vai trò của nước Nhật trong thế chiến thứ hai, quyền lực của Mỹ đối với Nhật Bản thời hậu chiến và những hệ luỵ của nó. Đảng Cộng sản Nhật Bản trước sau vẫn phản đối nước Nhật tham chiến. Người đọc dễ dàng nhận diện các nhà văn vô sản từ những trang viết phản chiến của họ. Tiểu thuyết Cánh đồng Banshu của Miyamoto Yuriko kể câu chuyện gói gọn trong khoảng vài tháng sau ngày nước Nhật bại trận trong thế chiến thứ hai. Tiểu thuyết mở đầu bằng sự kiện Thiên hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 15/8/1945, kéo theo sau đó là những ngổn ngang tâm trạng của các thành viên một gia đình trí thức ngay từ đầu đã tìm cách lẩn tránh, thậm chí chống lại cuộc chiến tranh của nước Nhật. Qua Cánh đồng Banshu, người đọc sống lại những ngày tháng đen tối nhất của nước Nhật sau thế chiến: ngổn ngang, tan nát, thất vọng và tủi nhục. Cả thành phố Tokyo hoa lệ chỉ còn là bãi gạch khổng lồ, đường sắt quốc gia bị ngắt quãng liên tục vì bom đạn, những đoàn tàu chở lính bại trận lê thân qua những miền quê, những người dân thất nghiệp lắt lay tìm lối thoát cho cuộc sống hàng ngày của họ... Nhưng trên tất cả, tinh thần Nhật Bản vẫn sống. Đó là sự kiên cường sau chiến bại, tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân đối lập với đường lối của nhà cầm quyền. Họ tủi thẹn không phải vì nước Nhật bại trận, làm ảnh hưởng hình ảnh của một đất nước võ sĩ đạo, mà vì những gì chính quyền đã làm với dân tộc của những nước lầm than: “Trong chiến tranh, Hiroko đã nhiều lần cảm thấy ngờ vực những tin tức đăng báo, hoặc những bản thông cáo của đại bản doanh. Chị không thể nào tha thứ được những việc đã xảy ra mà chị cho là dã man và bi thảm”[2].

Như vậy, giá trị về mặt nội dung của văn học vô sản Nhật Bản chính là sự tái hiện sinh động nước Nhật của một thời kỳ tranh đấu sôi nổi. Nếu như văn học vô sản ở Việt Nam dồn toàn lực cho sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược thì văn học vô sản Nhật Bản lại xoáy vào những mâu thuẫn trong lòng nước Nhật một thời. Những nhà văn vô sản luôn viết văn với một cái đầu tỉnh táo, luôn ý thức rõ mục đích của những dòng chữ mình viết ra. Nó là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, quay lại phục vụ những nhiệm vụ lịch sử nhất định. Điểm chung có tính chất đặc trưng này của văn học vô sản cho thấy Việt Nam và Nhật Bản, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã từng chia sẻ cùng nhau những nỗi niềm, lý tưởng chung trong quá khứ.

  1. Vài nét về nghệ thuật

Những tác phẩm giới thiệu trong bài viết này nhìn chung không thoát khỏi những đặc trưng thi pháp của văn học vô sản nói chung. Tính mục đích đã chi phối hình thức thể hiện của tác phẩm, khiến nó không vượt thoát ra khỏi những nguyên tắc sáng tạo nhất định về cảm hứng, nhân vật, cốt truyện, v.v. Tuy nhiên, như bất cứ dòng văn học nào khác, độ hấp dẫn và sức sống của những tác phẩm văn học vô sản Nhật Bản khác biệt nhau tuỳ thuộc vào tài năng của từng nhà văn cũng như chân trời chờ đợi của độc giả.

Đọc văn học vô sản Nhật Bản, độc giả Việt Nam có lẽ sẽ cảm giác như gặp lại những người quen cũ trên đất nước mình. Cha con Tomono Yoemen và Tomono Yoichi trong Mây gió Hakone có kiểu “truyền lửa” thế hệ giống hệt như hai cha con Kinh và Lữ trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu. Anh nhà báo có tinh thần cách mạng Tanazaka trong Đường đến nguồn nước phảng phất vẻ cương nghị của Lữ, bên ngoài bình thản nhưng bên trong lại sục sôi nhiệt huyết. Miyaeki và Naghimura, hai thành viên ban lãnh đạo của cuộc bãi công ở nhà máy in Taido trong Khu phố không ánh mặt trời, cũng can đảm, có óc tổ chức và đầy tinh thần phản kháng như anh thợ mỏ Tuấn, người lãnh đạo cuộc bãi công ở vùng mỏ Quảng Ninh trong tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm. Hình ảnh chị Sứ dịu dàng mà mạnh mẽ, gan dạ trong Hòn Đất có thể thấy trong chân dung Takaeta, cô công nhân tiêu biểu của phong trào bãi công nhà máy in Taido... Sở dĩ có những tương đồng này là do nhân vật của văn học vô sản thường được xây dựng với cảm hứng sử thi, ca ngợi, được lý tưởng hoá cao độ với những phẩm chất tốt đẹp. Mối quan hệ lãnh tụ - cộng đồng cũng xuất phát từ tư duy sử thi này. Ông Tomono như được cả vùng Hakone phong thánh. Sự cao cả của ông có khả năng lôi kéo người khác, thậm chí khiến người xấu thành người tốt, khiến người thờ ơ trở thành người nhiệt tâm. Đặc trưng có tính khuôn mẫu này không phải lúc nào cũng là nhược điểm, dù văn chương xưa nay vẫn luôn ca ngợi cá tính và sự khác biệt. Những trang viết về ông Tomono gợi nên xúc cảm thẩm mỹ về cái cao cả, phi thường và khó với. Đọc những trang viết này, tính chân thực phần nào mờ nhoè đi, nhưng người đọc lại thấy rõ ước mơ, khát vọng. Nhân vật hoặc là không có sự vận động, thay đổi tính cách, hoặc thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, hướng về cái thiện.

Tuy nhiên, vì quá chú trọng vào lý tưởng, nhà văn nhiều khi không tuân thủ logic của đời sống và tâm lý con người. Khi biết tin người yêu năm xưa của mình giờ đã là vợ ông Tomono, sư cụ chẳng những không đau lòng mà còn cảm thấy tràn đầy niềm cảm phục dành cho người lẽ ra là tình địch. Trước khi qua đời, hình ảnh hiện tra trong đầu sư cụ lại là ông Tomono chứ không phải người con gái cụ đã thương nhớ suốt cả cuộc đời. Khó hiểu hơn là anh nông dân Yokichi, người mất cả bốn đứa con trong một vụ hoả hoạn. Ban đầu anh đau khổ tột cùng, nhưng rồi nỗi đau cũng nguôi ngoai khi anh dốc lòng dốc sức vào sự nghiệp Hakone. Anh làm việc hăng hái hơn xưa, không chỉ làm cho Hakone mà còn làm việc riêng ở nhà, một mình đắp đất, trồng khoai, dựng lại nhà cửa. Khi ngây ngất trong cảm hứng ca ngợi Hakone, tác giả đã vô tình biến những nhân vật ban đầu được xây dựng rất tinh tế thành những cỗ máy. Tất cả mọi tình thân và cảm xúc yêu đương đều trở nên lu mờ trước tình cảm dành cho Hakone.

Cốt truyện thường vận động từ tối ra sáng, từ bi quan đến lạc quan, từ ngây thơ đến giác ngộ, từ vụ lợi đến vì mục đích cao cả, từ thù hận cá nhân đến hạnh phúc cộng đồng. Kết thúc tác phẩm dù buồn hay vui – bãi công ở nhà máy Taido thất bại (Khu phố không ánh mặt trời), ông Tomono chết trong nhà tù Mạc phủ (Mây gió Hakone), chị Hiroko vẫn còn phải vượt muôn dặm sơn xuyên để đến gặp chồng (Cánh đồng Banshu), nước Nhật còn chìm trong cảnh nghèo đói và sự kiểm soát của quân Mỹ những ngày hậu chiến (Lửa đêm), Koto và Kanazaka đến với nhau trong ánh sáng của lý tưởng đấu tranh cho tầng lớp cần lao (Đường đến nguồn nước) – thì lòng tin tưởng vẫn được tác giả nối dài thêm thể hiện qua cách xử lý kết thúc tác phẩm.

Chủ thể phát ngôn trong tác phẩm văn học vô sản hiếm khi cùng độc giả khám phá từng bước những bí ẩn của đời sống. Họ thường phát ngôn với tư cách đã biết hết quy luật của đời sống và hướng dẫn người đọc đi theo mình. Văn học vô sản là lời của người chiến thắng, nên dù tác phẩm có dừng ở thất bại thì nhà văn vẫn làm cho độc giả tin rằng thất bại ấy chỉ là tạm thời. Đó là văn học của lòng tin, mà đã là lòng tin thì mọi thứ đều phải hướng về cái tích cực để củng cố thêm cho lòng tin ấy.

            Trong khuôn khổ những đặc trưng thi pháp có tính công thức nói trên, các nhà văn vô sản vẫn thể hiện khả năng sáng tạo của mình ở những mức độ khác nhau. Thông thường, nhân vật của văn học vô sản thường thiên về hành động và suy nghĩ, vì nó là loại văn chương kích thích độc giả hành động. Tuy nhiên, việc các nhân vật có thế giới tình cảm, rung cảm phong phú hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào ngòi bút nhà văn. Khu phố không ánh mặt trời của Tokunaga Shunao xây dựng nên một thế giới toàn những nhân vật hành động. Mọi suy nghĩ đều thể hiện trực tiếp qua hành động, còn rung cảm, xúc động phần lớn một chiều, đơn giản. Nhân vật nữ chính Takaeta là một chiến sĩ công đoàn gan dạ, cương trực, hay bênh vực kẻ yếu. Cô thương em gái và lo lắng cho cha già, thế nhưng tác giả hầu như không dành trang nào nói về tình cảm của cô dành cho cha, chỉ khắc hoạ mối xung đột cha con liên quan đến cuộc bãi công mà cô tham gia lãnh đạo. Cô thầm yêu Miyaeki, bạn trai của em gái mình, thế nhưng ngay cả thông tin này cũng là tác giả nói cho ta biết, chứ ông không tả để ta cảm nhận. Ông không cho người đọc cùng nhân vật trải qua những đau khổ dằn vặt của một cô gái còn trẻ tuổi vướng vào một mối tình ngang trái. Cô dễ dàng dẹp nó qua một bên, vì trước mắt cô có những việc khác còn quan trọng hơn, đó là bảo vệ an nguy của em gái và sự vững bền của tổ chức. Tokunaga Shunao là một nhà văn công nhân nên cách kể chuyện của ông rất gần gũi với độc giả bình dân và người lao động. Tác phẩm của ông phù hợp để chuyền tay nhau, kể cho nhau nghe trong những ngày nóng bỏng nhất của phong trào, nhưng để có được sức sống bền lâu với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ thì sáng tác của Tokunaga cần nhiều hơn thế. Tuy nhiên, ông vẫn được đánh giá là một trong hai nhà văn tiêu biểu nhất của dòng văn học vô sản Nhật Bản – bên cạnh Kobayashi Takiji, tác giả của Tàu đóng vỏ cua – có lẽ vì tầm ảnh hưởng sâu rộng đến giai cấp công nhân Nhật Bản đương thời. Hơn nữa, tiểu thuyết của Tokunaga thuộc vào hàng xuất sắc nhất trong số những tác phẩm do chính thành viên của giai cấp vô sản viết ra, mà đây lại là một bộ phận đáng kể của văn học vô sản. Người ta đánh giá cao bộ phận này vì tính xác thực của sự kiện nền trong tác phẩm.

            Khác với Khu phố không ánh mặt trời, Người lao động Nhật Bản, hay Lửa đêm với những nhân vật hướng ngoại đặc trưng, khi đọc Mây gió Hakone, Cánh đồng Banshu hay Đường đến nguồn nước, người đọc sẽ nhận ra thấp thoáng sau những đoạn văn miêu tả các chân dung hành động đầy lý trí vẫn có những nét rung cảm tinh tế mang vẻ đẹp Nhật Bản. Takakura Teru khi viết Mây gió Hakone đã rất ý thức về đối tượng độc giả của mình – những người lao động. Trong lời nói đầu của bản dịch, dịch giả Trương Chính cho biết Takakura đã chủ động dùng một thứ ngôn ngữ đại chúng, dễ hiểu, bỏ cách phân tích tâm lý “chẻ sợi tóc làm tư” của phái văn học thuần tuý mà dung cách diễn tả tâm lý theo “thủ pháp điện ảnh”, nghĩa là cho nhân vật hoạt động như trên màn ảnh.

Như vậy, tác phẩm văn học vô sản Nhật Bản xét trên khía cạnh nghệ thuật một mặt vẫn mang những đặc trưng của văn học vô sản nói chung, mặt khác vẫn phảng phất vẻ đẹp Nhật Bản tinh tế ở những cây bút tài hoa. Những tác phẩm ít ỏi được dịch ở Việt Nam không đủ để kết luận chắc chắn cho toàn bộ sản nghiệp văn chương của những nhà văn khuynh hướng vô sản Nhật Bản, nhưng điều này phù hợp với quy luật chung của văn chương: đẹp hay không là do tài hoa của người cầm bút, không thể đổ lỗi cho giới hạn thi pháp của một trào lưu văn học.

*

Văn học vô sản Nhật Bản tuy được dịch khá ít ỏi ở miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 nhưng đã phần nào đem đến cho độc giả Việt Nam diện mạo chung của bộ phận văn học này. Về mặt nội dung, nó mang tính lịch sử đậm nét, phản ánh sinh động một góc Nhật Bản trong quá khứ mà Việt Nam cảm thấy vô cùng gần gũi. Về mặt nghệ thuật, nó vừa mang đặc trưng chung của văn học vô sản ở nhiều quốc gia trên thế giới – cho thấy giai cấp vô sản toàn cầu không chỉ chia sẻ với nhau một lý tưởng mà còn cả phương pháp để đạt thành lý tưởng ấy – đồng thời vẫn phảng phất sắc màu Nhật Bản. Qua những tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt, có thể thấy đặc trưng chung giai cấp lấn át đặc điểm riêng dân tộc. Có thể nhận định này đúng với toàn bộ nền văn học vô sản Nhật Bản, nhưng cũng có thể các dịch giả Việt Nam đã chủ động chọn những tác phẩm phù hợp nhất với môi trường tiếp nhận, gần gũi nhất với cuộc đấu tranh của người Việt thời bấy giờ, khiến cho những tác phẩm văn học vô sản mang màu sắc văn hoá Nhật Bản rõ nét hơn đã bị bỏ qua. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chưa có cơ hội trả lời nghi vấn trên, hy vọng sẽ được giải đáp trong những nghiên cứu khác sâu rộng hơn.



(*) ThS – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

 


[1] V. I. Lenin: Tổ chức Đảng và văn học Đảng, Nxb. Sự thật, H., 1957, tr. 13.

[2] Miyamoto Yuriko: Cánh đồng Banshu (Hồ Dzếnh và Kim Lang dịch), Nxb. Văn học, H., 1964, tr. 17.

 

Nguồn: tạp chí Nghiên cứu văn học,  số 5.2014, tr. 45-54.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63609313
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16635
10905
63609313

Thành viên trực tuyến

Đang có 632 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website