Ảnh: Nhà báo Huỳnh Thanh Luân và nhóm SV thực tập
Từ 11/5/2017 đến 21/7/2017, 5 sinh viên năm thứ ba hệ Cử nhân tài năng (CNTN) thuộc quản lý của Khoa Văn học đã thực tập tại báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) và đạt kết quả tốt.
Trong buổi tổng kết thực tập diễn ra vào chiều ngày 21/7/2017, nhà báo Huỳnh Thanh Luân, Trưởng ban Công tác bạn đọc và Chương trình xã hội Báo SGGP và là người hướng dẫn thực tập của các sinh viên cho rằng đây là nhóm sinh viên làm việc hiệu quả nhất mà SGGP từng tiếp nhận, có năng lực viết tốt, thái độ làm việc tích cực và tư duy nhạy bén, tiếp thu nhanh. Sau hơn 2 tháng thực tập, nhóm sinh viên đạt được tổng cộng 38 bài đã đăng trên SGGP và một số bài đang đợi đăng. Có 2 sinh viên được đăng bài với tần suất dày hơn một vài phóng viên chuyên nghiệp (sinh viên Ngọc Diệp 13 bài, Thuỳ Nga 10 bài). Theo nhà báo Thanh Luân thì mặc dù sinh viên thực tập không đối mặt với yêu cầu cao như phóng viên, bài của sinh viên vẫn phải chỉnh sửa nhiều mới đăng được, nhưng kết quả trên rất đáng khích lệ. Có sinh viên viết tốt, có sinh viên chụp ảnh đạt tiêu chuẩn ảnh báo chí, có sinh viên lại có khả năng phát hiện vấn đề hiệu quả. Báo SGGP mong tiếp tục cộng tác với sinh viên Ngọc Diệp và Thuỳ Nga sau đợt thực tập và sẵn sàng tiếp nhận 2 sinh viên này sau khi tốt nghiệp.
Khoa Văn học đánh giá cao các sinh viên đã vượt qua áp lực vừa thi học kỳ vừa thực tập với yêu cầu công việc cao, tạo được uy tín cho Trường, Khoa, và hệ CNTN. Đồng thời, Khoa trân trọng báo SGGP, đặc biệt là nhà báo Huỳnh Thanh Luân đã tiếp nhận và hướng dẫn sinh viên rất chuyên nghiệp, tận tâm. Sinh viên họp hàng tuần ở toà soạn, được khuyến khích viết theo thế mạnh cá nhân và tin bài luôn nhận được góp ý tỉ mỉ thường xuyên. Nhận xét cuối đợt của nhà báo Huỳnh Thanh Luân dành cho từng sinh viên hết sức chi tiết, chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm trên tất cả các khía cạnh năng lực chuyên môn, thái độ làm việc, phẩm chất đạo đức, cũng như tiềm năng của mỗi người.
Nhóm sinh viên thực tập xem thời gian làm việc vừa qua ở SGGP là một trải nghiệm giá trị. Ngoài cơ hội rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, sinh viên còn nhận nhuận bút bài viết bằng với mức nhuận bút của phóng viên. Sau 2 tháng, sinh viên Ngọc Diệp nhận được gần 6 triệu đồng nhuận bút, cao nhất nhóm. Đối với một số sinh viên, kỳ thực tập này mang đến cho họ hứa hẹn tương lai, đối với một số khác, đây là cơ hội để họ thử sức và hiểu bản thân mình hơn.
Khoa Văn học và báo SGGP đều thể hiện mong muốn tiếp tục hợp tác tạo điều kiện cho sinh viên thực tập hướng nghiệp trong những năm tới.