Tọa đàm khoa học Giới thiệu tuyển tập Ca Văn Thỉnh: Hào khí Đồng Nai

           Sáng ngày 5/12/2014 tại văn phòng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, Bộ môn Văn học Việt Nam đã tổ chức toạ đàm khoa học về tuyển tập tác phẩm Ca Văn Thỉnh Hào khí Đồng Nai (NXB.ĐHQG HN, 2014). Đến dự toạ đàm có đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng, ái nữ của giáo sư Ca Văn Thỉnh cùng phu quân là ông Nguyễn Long Trảo; ông Đoàn Hoàng Hải, Phó Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP. HCM; bà Trần Kiều Lan – ái nữ của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vốn là đồng chí của GS Ca Văn Thỉnh; cùng nhiều thầy cô, học viên và sinh viên của Khoa Văn học và Ngôn ngữ.

          PGS. Võ Văn Nhơn chủ trì cuộc Toạ đàm. PGS.Đoàn Lê Giang, PGS.Nguyễn Công Lý đã phát biểu ý kiến khẳng định GS. Ca Văn Thỉnh (1902-1987) là một trí thức lớn của Nam Bộ và cả nước. Xuất thân trong một gia đình nông dân lao động ở Bến Tre, nhờ nỗ lực học hành, Ca Văn Thỉnh được học bổng vào trường Sư phạm Sài Gòn và sau đó là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nơi ông học cùng với Đặng Thai Mai, Phạm Thiều, Hoàng Ngọc Phách… và trở thành một trong những thanh niên nòng cốt trong phong trào yêu nước ở Hà Nội lúc bấy giờ.

          Ca Văn Thỉnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, nghiên cứu, ngoại giao. Với tư cách là nhà giáo dục, ông có 17 năm dạy trung học, rồi làm quản lý giáo dục cấp tỉnh. Ông là một nhà giáo mẫu mực, nhân cách cao đẹp, được nhiều thế hệ học sinh kính trọng, mến phục.

Với tư cách là nhà nghiên cứu, ông là một trong vài người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu, giới thiệu về Nam Bộ trên các lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, sử học, văn học. Những bài viết của ông trước 1945, đặc biệt là chuỗi bài khảo cứu đăng trên Đại Việt tập chí của Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh) đều là những bài viết rất giá trị trên lĩnh vực tư tưởng, là nguồn tư liệu tham khảo quý cho các nhà sử học, văn hoá học khi nghiên cứu về Nam Bộ: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta; Nguyễn Thông: Chuyện ếm quỷ, Sơn thuyết; Minh bột di ngư – một quyển sách hai thi xã; Lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu – tác giả Lục Vân Tiên; Khổng học ở đất Đồng Nai; Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế…Sau 1954 ông có biên soạn nhiều công trình có giá trị như: Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX biên soạn chung với Bảo Định Giang, Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, Nguyễn Thông- con người và tác phẩm, Hào khí Đồng Nai… Ca Văn Thỉnh nghiên cứu Nam Bộ không phải chỉ để nói về Nam Bộ mà muốn tạo ra sự kết nối giữa hai miền Nam-Bắc, để chứng minh rằng Nam-Bắc là ruột thịt không chỉ về mặt lãnh thổ mà còn cả về văn hoá, văn hiến.

          Thời cuộc nhiều biến động đã cuốn người trí thức yêu nước Ca Văn Thỉnh vào con đường chính trị, ngoại giao. Ông đã đảm nhiệm các vị trí uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Bến Tre, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Ban chấp hành Hội Liên Việt Nam Bộ. Năm 1946, ông tham gia phái đoàn Nam Trung Bộ ra Bắc gặp Trung ương xin chi viện vũ khí cho miền Nam. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đảm nhiệm công tác ngoại giao: Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Tổng lãnh sự ở Indonesia, đại diện chính phủ Việt Nam ở Camphuchia…

          Sau ngày đất nước thống nhất, Ca Văn Thỉnh trở lại với hoạt động giáo dục và học thuật. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, giáo sư thỉnh giảng môn Văn học Nam Bộ ở Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp.

          Trong dịp này, đại diện gia đình của GS Ca Văn Thỉnh cùng các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Văn học và Ngôn ngữ đều thể hiện mong muốn xuất bản toàn tập tác phẩm của giáo sư Ca Văn Thỉnh, nhằm tôn vinh một trí thức lớn của đất nước cũng như lưu lại những di sản quý giá cho đời sau.

Đại diện gia đình GS Ca Văn Thình chụp ảnh lưu niệm với khách mời và thầy trò Khoa Văn học và Ngôn ngữ  

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

64054435
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6015
19797
64054435

Thành viên trực tuyến

Đang có 576 khách và không thành viên đang online

Danh mục website