Giáo sư Lê Đình Kỵ suốt đời gắn bó với sự nghiệp dạy học, đó là cái duyên và cũng là cái nghiệp như thầy từng tâm sự. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh chủ tịch xã “trí thức” đã đi dạy bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ và bắt đầu thích nghề giáo vì đây là nhiệm vụ cách mạng, vì thấy những kiến thức của mình đã mang lại ích lợi thiết thực cho người dân.
Sau khi xuất ngũ, trong những năm 1952 - 1954, thầy dạy học ở trường Lê Khiết, một ngôi trường nổi tiếng ở Liên khu 5 thời chống Pháp. Sau 1954, thầy tập kết ra Bắc, tiếp tục công việc của một người thầy giáo ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi (Hà Nội), rồi xung phong đi dạy học ở trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên). Từ 1958, thầy được chuyển sang dạy ở khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đất nước thống nhất, thầy là người giảng những bài lý luận văn học Mác-xít đầu tiên cho SV các trường đại học ở Sài Gòn. Đến năm 1980, thầy chuyển hẳn về làm việc ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 1984, thầy được phong hàm giáo sư mà không qua giai đoạn phó giáo sư. Năm 1988, thầy được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân mà không qua giai đoạn Nhà giáo ưu tú. Năm 1995, thầy được trao Huân chương Lao động hạng nhất.
Giáo sư Lê Đình Kỵ còn là một cây bút phê bình sâu sắc, tinh tế, đặc biệt là trong phê bình thơ. Thầy đã có nhiều bài viết kịp thời về các sáng tác mới của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật... Những bài phê bình này đã được tập hợp trong các sách Đường vào thơ (NXB Văn học - 1969), Trên đường văn học (2 tập, NXB Văn học - 1995) và Phê bình nghiên cứu văn học (NXB Giáo dục - 1998).
Với 16 công trình nghiên cứu bao gồm gần 5.000 trang sách, chưa kể hàng trăm bài viết đã in trên các báo, các tạp chí ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, thầy Lê Đình Kỵ như một lực điền cần mẫn cày ải trên cánh đồng văn chương. Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2001 được trao cho thầy chính là sự công nhận cao nhất cho một đời lao động sáng tạo không mệt mỏi ấy.