Những năm chiến tranh thế giới thứ hai , lợi dụng tình hình lộn xộn , bọn đầu cơ kinh tế , đầu cơ chính trị thừa dịp làm giàu một cách bất chính . Có tiền chúng mặc sức ăn chơi sa đọa ,trong khi ấy đại đa số đồng bào sống cực khổ trong bom đạn loạn ly , đói khát. Đến năm Ất Dậu ( 1945 ) , nạn đói khủng khiếp đã lấy đi sinh mệnh của trên hai triệu đồng bào ta.Nguyên nhân là do thực dân Pháp và phát xít Nhật vơ vét hết lúa gạo của nông dân để cung ứng cho quân lính của chúng ; không những thế , bọn Nhật còn bắt chặt ngô đã có bắp , nhổ lúa đã lên đòng để lấy đất trồng đay , vì chúng cần đay để làm thuốc súng.
Xác người chết đói đầy đường đầy chợ . Hàng ngày ở các thành phố , các xe rác chở xác chết đưa ra ngoại thành quẳng xuống những cái hố khổng lồ đào vội , rồi lấp đất qua loa.
Hồi ấy , Văn Cao thuê một căn gác nhỏ nát làm nhạc , viết thơ văn kiếm ăn . Từ cửa sổ căn gác ấy nhìn về khu phố có những nhà hát ả đào ( mà Văn Cao gọi là phường Dạ Lạc đêm vui ) , Văn Cao đã được nhìn thấy cuộc sống những người phụ nữ buôn phấn bán hương này .
Văn Cao đã trông thấy :
... Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
... Áo thế hoa lả lướt lượn đêm trường
Từng mĩ thể rạc hơi đèn phù thế.
Hồng lâu là những nhà hát cô đầu. Nơi này , khách làng chơi đến để thưởng thức cung đàn tiếng hát ; đó là bộ mặt công khai. Nhưng đàng sau , bên trong là những trò trụy lạc : rượu , thuốc phiện và đĩ điếm . Để hấp dẫn khách , những cửa hàng " bán vui " này thi nhau trang hoàng lộng lẫy , sang trọng và các cô gái thì ra sức trang điểm mặt hoa da phấn , ăn mặc lụa là thật đẹp.
Khách tìm thú vui hoặc là người qua đường đến khu này , ngó vào những căn nhà hát cô đầu chỉ thấy một quang cảnh diễm lệ tuyệt vời tưởng chừng như lạc vào chốn động tiên :
... Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
... Áo thế hoa lả lướt lượn đêm trường
Họ bị say đắm , bị quyến rũ.
Nhưng dưới mắt Văn Cao , cũng cảnh ấy người ấy hiện ra với dáng vẻ khác.
Văn Cao thấy :
...Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
...Từng mĩ thể rạc hơi đèn phù thế
Những gì người ta tưởng là mỹ miều chẳng qua là mĩ thể ( cái thân đẹp ) , là áo thế hoa ( cái áo ngoài lòe loẹt của thế gian ) , là những sự vật được chiếu sáng dưới ngọn đèn phù thế ( ngọn đèn của kiếp sông nổi nênh mong manh ) ; tất cả những thứ ấy đều :
Chập chờn ảo hóa tà ma
đều là giả tướng , không thật.
Cứ vậy , Văn Cao , xuyên qua gia , nhìn thấu chân.
Tiếng ca , điệu nhạc muốn làm ra du dương , êm đềm , Văn Cao nghe :
Lạnh ngắt tiếng ca như phách giục
Tình tang não nuột khóc tàn sương
Nàng " phấn nữ " cất giọng hát khúc thanh xuân vui tươi và chàng - trai - khách - chơi cầm chầu thích thú gõ lên tang trống khiến Văn Cao bàng hoàng :
Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi , phấn nữ
Thanh xuân hờ thanh xuân
Bước gần ta bước nữa thêm gần
Khoảng giữa tuổi xuân nghe loạn trùng hút tủy
Ai hủy đời trai trên tang trống nhỉ ?
Hay ác thần gõ phách nạo mồ khuya
Đảo điên mê say thể phách chia lìa
Nghe reo mạnh chuỗi tiền cười lạnh lẽo
Thì ra khúc hát thanh xuân kia là gia; cái thật , ấy là tiếng loạn trùng hút tủy , là tiếng ác thần gõ phách nạo mồ khuya; là tiếng cười lạnh lẽo của chuỗi tiền trước sự đảo điên mê say thể phách chia lìa.
Bằng cái TÂM , Văn Cao nhìn rõchân tướng của cái Hội Chợ Phù Hoa mà ông khái quát thành một nhận định :
Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ
Kèn nhịp xa điệu múa Vô luân ...
Bốn vực nhạc động vãy người
Dãy đèn chao thắp đỏ quạnh máu đời ...
Cũng với cái TÂM ấy , Văn Cao chứng kiến một quang cảnh khác : những xác người chết đói gục ngã bên đường và chiếc xe chở xác người đi chôn :
Ta đi giữa đường dương thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây
Chiếc xe ma chở vội một đêm gầy
Xác trụy lạc gục bên thềm lá phủ
Văn Cao đâu phải đã xuống địa ngục mà còn đang đi giữa đường dương thế , giữa cõi người sống có cả tiếng đàn tiếng hát , có cả :
Lấp lánh hằng hà gạo rơi tiền rơi ...
Ấy thế mà chính mắt Văn Cao trông thấy xác trụy lạc gục bên thềm lá phủ và chiếc xe ma chở vội những cái xác ấy đi chôn.
Văn Cao sa vào một trạng thái hoảng loạn ma quái , không ý thức được mình ở dương trần hay âm phủ nữa , bị nhiếp hồn bởi sự chết chóc thê thảm diễn ra dưới mắt :
Ta lả nhìn cửa sổ mắt mờ rồi
Vàng mấy lá thừa đãi thây phủ chiếu
Văn Cao chập chờn mê tỉnh như kẻ mộng du theo dõi cái cảnh tượng quái dị của chiếc xe chở xác và khu phố xa hoa khoái lạc :
Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói Công Yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe xào xạc
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngã ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
Các hình ảnh , âm thanh , mùi vị hỗn loạn trái ngược nhau và trộn lẫn vào nhau , vừa kinh dị vừa lôi cuốn , vừa hư ảo , vừa xác thực ấy ... đột nhiên lại rọi cho Văn Cao một luồng sáng " giác ngộ " về nỗi khổ của chúng sinh :
Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương
Một nữa kêu than ma đói sa trường
Còn một nữa lang thang tìm khoái lạc
*
* *
Nói về Văn Cao nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ , ai ai đều thừa nhận : tài hoa , thiên tài, đa tài.
Rất đúng . Nhưng còn có cái quý hơn : Cái Tâm .
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI
( Nguyễn Du )
Cái TÀI ấy , chính là từ cái TÂM .
Văn Cao kể lại :
" Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng . Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên hồ mặt lạnh . Họ đang đun một thứ gì trong một ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tìm sẫm bập bùng trong những hốc mắt . Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi . Đôi mắt nó giống như mắt mèo con . Cháu bé không có mãnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc , cũng không phải là cháu tôi . Nó đã chết thật rồi . Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định - Hải Phòng . Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi.
Đêm ấy , về căn gác tôi đã viết được nét nhạc đầu của bài Tiến quân ca ... "
( Trích theo Thái Bá Vân ).
Thiên thai , Trương Chi , Buồn tàn thu , Đàn chim Việt , ... và Tiến quân ca , Văn Cao sáng tác vì nỗi khổ của con người và với ước nguyện giải thoát nỗi khổ cho con người.
Chú thích : Những lời thơ dẫn trong bài trích ở bài thơ Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc , Văn Cao sáng tác đầu năm 1945.