Đạo Phật trong tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên”

      Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên xuất bản năm 1933 là cuốn tiểu thuyết mở  đầu cho sự nghiệp sáng tác của nhà văn Khái Hưng , cũng là cuốn tiểu thuyết đăng nhiều kỳ  trên báo Phong Hóa của nhóm Tự Lực văn đoàn được độc giả nhiệt liệt hoan nghênh. Cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên tạo ra một uy tín lớn cho tờ báo Phong Hóa và nhóm Tự Lực văn đoàn , khích lệ các nhà văn của nhóm sáng tác , và tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn đã giành được vị trí hàng đầu trong phong trào văn học trong một thời gian dài ; cho đến nay , âm vang của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn vẫn còn đọng trong ký ức độc giả , trong đó , được cảm tình sâu sắc nhất là tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên.

 

            Thế nhưng , đối chiếu với tôn chỉ mục đích của Tự Lực văn đoàn và khuynh hướng chung của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn thì tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên lại đứng ở môt vị trí độc lập , biệt lập nếu không nói là đối lập.

 

            Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên hướng về đạo Phật rất rõ.

 

            Sau thế chiến thứ nhất , thực dân Pháp ra sức khai thác các thuộc địa để bù vào những tổn phí trong chiến tranh. Ở Việt Nam , cuộc khai thác thuộc địa này là lần thứ hai ( lần thứ nhất được tiến hành sau khi xâm lược Pháp đã chiếm xong cả ba miền Nam , Trung , Bắc ).

 

            Từ 1924 đến 1929 là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử khai thác thuộc địa của thực dân Pháp . Nhưng giữa lúc đó thì xảy ra cuộc kinh tế khủng hoảng thế giới kéo dài từ 1929 đến 1933 . Việt Nam không đứng ngoài cuộc.

 

            Cuộc sống cực kỳ khó khăn. Nạn thất nghiệp trầm trọng , người chết đói như rạ:

 

                        Một đồng được chín mười thương

 

                        Mẹ con chết đói vì chưng không tiền

 

            Trong cuộc tranh giành nhau cái sống , những tệ nạn xã hội diễn ra khủng khiếp.

 

            Năm 1929 , nổ ra cuộc bạo động do Việt Nam quốc dân đảng tổ chức. Các cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái , Hưng Hóa ,  Phú Thọ , Sơn Tây ,... vào đầu năm 1930. Không thành công ; bọn cầm quyền tiến hành đàn áp đẫm máu.

 

            Năm                 dấy lên phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh càng khiến cho thực dân Pháp lo sợ. Chúng không ngần ngại mở ra những cuộc khủng bố tàn bạo.

 

            Trong khung cảnh kinh tế và chính trị như vậy , nhân dân hoang mang , điêu đứng tột độ , tưởng chừng như sống trong địa ngục trần gian. Số người tự tử không ít.

 

            Và người ta cần có niềm tin để sống và hi vọng. Người ta tìm đến đạo Phật từ bi phổ độ.

 

            Một phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra mạnh mẽ. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1930 , cho xuất tạp chí Từ Bi Âm. Ở miền Trung , hội An Nam Phật học được thành lập năm 1932 , có tạp chí Viên Âm làm cơ quan ngôn luận . Ở Hà Nội sau một thời gian vận động , Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập ( 1934 ) . Hội cho xuất bản kỷ yếu và tạp chí Đuốc Tuệ.

 

            Sáng lập các hội là các thiền sư đạo cao đức trọng và các nhà trí thức đầy uy tín đương thời.

 

            Nhà văn Khái Hưng , một người có tâm hồn nhạy cảm , có học vấn sống trong hoàn cảnh xã hội ấy chắc chắn có chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo khi sáng tác tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên.

 

            Sơ lược cốt truyện như sau :

 

            Ngọc là sinh viên trường Canh Nông trong dịp nghỉ hè về ở với ông bác là sư tổ chùa Long Giáng . Chùa có một chú tiểu tên Lan. Thấy Lan là người có học , tính tình hòa nhã , Ngọc thân ngay . Nhưng Lan thực ra là gái , cha mẹ mất sớm , ở với chú bị chú ép gả chồng , mà Lan thì khuynh hướng về đạo Phật từ nhỏ do ảnh hưởng của mẹ , nên Lan bỏ nhà ,  cải dạng nam trang đến chùa Long Giáng xin  tu . Khi Ngọc phát hiện Lan là gái , chàng từ tình bạn chuyển sang tình yêu. Vì Lan quyết chí tu hành như đã hứa với mẹ  lúc lâm chung , cô khước từ tình yêu của Ngọc.

 

            Câu chuyện giản dị , không có gì ly kỳ gay cấn. Tác giả củng không diễn tả , phân tích tình yêu phức tạp , éo le như ta thường  thấy trong các tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và các tiểu thuyết đương  thời. Cả cái mô-tip : xung đột ái tình - tôn giáo cũng không được khai thác triệt để nhằm thu hút hứng thú của độc giả. Đọc tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên  , ta cảm nhận rõ ràng Khái Hưng mượn câu chuyện để nói về đạo Phật, để  trình bày cái nhìn của ông đối với đạo Phật.  Quả là Khái Hưng có nhìn đạo Phật qua cái lăng kính thi vị hóa , nhưng ông nhìn đúng , với cái tâm của một người am tường , và mộ  đạo.

 

            Ngay từ đầu tiểu thuyết , tác giả đã miêu tả chùa Long Giáng , một ngôi cổ tự thanh u tịch mịch dễ cảm hóa lòng người , nâng người ta vươn lên tinh thần hướng  thiện :

 

            " Phiá Tây  sau dẫy đồi cỏ biếc sắc đồi đỏ , ửng lấp loáng qua các khe đám lá xanh đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn màu cùng đất  cùng  cây , cùng cỏ. Khoảng khắc mấy bức tường và mấy cái cột  gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cái cảnh nhuộm đồng một màu tím thẫm. Lưng chừng  một cái đồi cao , mấy nóc nhà rêu mốc chen lẫn trong đám cây rậm rạp , bốn góc , bốn gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um.

 

            ... Trong làn không khí êm đềm , tiếng chuông thong thả ngân qua như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên .  Lá cây rung động , ngọn  khói thiết tha, bông lúa sột soạt như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch  mịch".

 

            Câu chuyện về sự tích Văn Khôi công chúa , con vua  Lý Nhân Tôn , không  chịu  lấy  chồng , đang đêm trốn khỏi cung , tìm đến tu ở chùa này ,vì thế nhà vua nổi giận sai phóng hỏa đốt  chùa ; nhưng ngọn lửa  vừa nhóm , có con  rồng  vàng hiện lên  phun  nước lửa tắt ngay, vì thế chùa mới có tên Long  Giáng lại  tôn thêm giá trị kỳ thú của ngôi chùa ,  làm nảy sinh trong lòng người môt niềm tin thành kính.

 

            Tác giả dẫn độc giả đến  với những sinh hoạt trong chùa được tác giả quan sát rất tinh tế :

 

            "... Trên chiếc bục gỗ trải chiếc đậu sư cụ ngồi tụng kinh cặp mắt đăm đăm nhìn thẳng vào quyển sách có chữ to đặt trên cái kỷ nhỏ gỗ mọc.

 

            Tay phải sư cụ cầm dùi gõ mõ như để  chấm câu cứ đọc bốn chữ lại đánh một tiếng .Tay trái sư cụ đặt lên trên quyển kinh , thỉnh thoảng lại rời quyển sách ,  nhắc chiếi dùi gõ một tiếng vào cái chuông con trông hình dáng như cái lon sành.

 

            Sư  cụ có vẻ tôn nghiêm lắm . Bao nhiêu tâm trí hình như thu cả vào  quyển kinh , không hề  thấy cụ liếc mắt ra chỗ  khác  . Các pho tượng ngồi trên bệ  gạch thì hình như đang lắng  tai nghe , có vẻ trầm tư mặc tưởng .

 

            Tiếng kinh du dương , mùi trầm ngào ngạt , Ngọc tưởng tượng sống trong một thế giới khác , thế giới mông ảo thần tiên.

 

            ... Chú  ( chú tiểu Lan ) vẫn chăm chú vào phậnsự : cứ đọc một câu lại đánh mọt tiếng bớt , khi câu niệm chỉ còn it chữ thì hai tiếng kế tiếp lại thêm gần nhau cho tới khi chu tiểu đổ hồi.

 

            Ngọc  cố chờ  đến mười lăm phút cho chú tiểu đánh dứt hồi  chuông , cuối cùng  đặt vồ  xuống ván gác , rồi  nghiêm trang hỏi rằng :

 

            - Sao chú phải cầu kinh thế mới đánh được chuông ?

 

            Lan cười :

 

            - Đánh chuông phải đọc thần chú  chứ.

 

            - Thần chú !  Hay nhỉ.

 

            - Nghĩa là mười sáu câu niệm Phật ,  ba hồi một trăm hăm ba tiếng.

 

            - Vậy nhớ được cũng khó  lắm nhỉ .

 

            - Phải học thuộc lòng  chứ .

 

            - Những  ba hồi , một trăm  hăm ba tiếng ! Thảo nào mãi bây giờ mới dứt hồi ".

 

            Những công  việc này , đối với các nhà tu hành thì  không   có gì đáng để ý vì là quen thuộc ; nhưng đối với những  ai chưa ở chùa thì tác giả đã cho thấy chùa  là nơi có  quy  củ, trật tự nghiêm chỉnh  , mỗi  hành vi đều có  ý  nghĩa , không phải là xô bồ luộm thuộm như nhiều người lầm tưởng.

 

            Mấy trang tiểu  thuyết diễn tả  lễ  làm chay thật là sinh động :

 

            " Luôn hai tối , các  nhà sư ở những chùa lân cận nhận được giấy mời của sư cụ  Long  Giáng tề tựu đến dự lễ rất đông .

 

            Ngoài  sân  chùa ,ở giữa bày ba  tầng án thư chồng lên nhau theo hình thang.  Hai bên cũng  đều  có án thư. Nến thắp linh tinh ,  ánh sáng phản  chiếu vào những  mặt kính  tròn  ở  các mũ giấy bày la liệt kín cả mấy hàng án thư trông lấp  lánh như các  ngôi sao trên trời.

 

            Tối nào  các nhà sư cũng cắt  lượt nhau tụng kinh đến  tận  hai ba  giờ sáng , hoặc ngồi ở chiếu giữa hoặc  đứng  sát các án thư bên. Cứ  xong một lần tụng niệm lại có đánh  trống lớn  , trống con , thanh la , não bạt ,nghe rất là  inh ỏi.

 

            Đến tối  thứ ba thì  vào đàn giải kết.

 

            ... Sư ông ngồi ở chiếu giữa tụng kinh một lúc lại  chạy vòng quanh đàn , nghĩa là đi lượn khắp các hàng án thư , theo nhịp nhanh hay chậm của  tiếng trống  và tiếng thanh la . Sau lưng sư ông gần hai chục người chạy theo , nào tiểu nào vãi , nào thiện nam tín nữ cùng là  những người sự chủ.

 

            ... Chạy  xong một tuần sư ông lại vào chiếu giữa múa mênh quyết  ấn  trông rất dẻo tay , rồi cầm kéo  cắt những đồng tiền kết  giấy thành hình người và treo lủng lẵng ở ba hàng dày chung quanh bàn. Cứ mỗi lần lại cắt bốn , năm đồng  , kỳ cho hết  là  tan đàn.

 

            Trong khi ấy thì những người tùy tùng  hoặc vào ngồi lễ  ở sau lưng sư hoặc  đứng sang một bên lẫn vào chỗ người đi xem  ".

 

            Đối với các nhà folklore học , đây là những  tư liệu để nghiên cứu rất bổ ích và thú vị. Với sự thông thái , họ sẽ lượng giá được  những đặc sắc của một nền văn hóa dân tộc không thể xem thường. Cuộc lễ làm chay có cả một cơ sở triết lý và biểu hiện một giá trị nghệ thuật đặc biệt.

 

            Những người dân Việt Nam  bình thường  dự lễ được ghi nhớ, hiểu thêm về lễ nghi phong tục đậm đà bản sắc dân tộc , những truyền thống quý báu mà  ông cha  ta đã  gây dựng và lưu truyền lại cho con cháu. Họ được học một cách trực  quan , sâu  sắc bài học đạo hiếu đối với cha mẹ :  một đạo lý thiêng liêng , một tín ngưỡng rất có ý nghĩa . Đạo Phật đi vào lòng nhân  dân một cách tự nhiên như vậy.

 

            Nhiều người  vẫn  cho  rằng tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên nêu lên sự  xung đột giữa Ái tình và Tôn giáo. Không hẳn như vậy, ấy chỉ là một tình tiết của  câu truyện.Ta hãy bàn về tình tiết ấy trước và vấn  đề có  xung đột hay không , sẽ  bàn sau.

 

            Khi phát hiện tiểu Lan là gái giả trai  ,  Lan lại xinh đẹp , hiền hòa ,dịu  dàng , Ngọc đã  nảy sinh tình yêu , điều này là  có  thể. Lan là cô thiếu nữ trẻ , có  học  , bấy lâu sống với những người trong chùa là dân quê chất  phác ,  nay gặp  Ngọc có học vấn , tính tình hòa  nhã vui vẻ , tất nhiên cũng có  cảm tình . Lan vì trốn một cuộc tình duyên ép buộc mà đi tu , cô mới tu được hai năm, chưa phải đã  dứt bỏ được thế  tục , mà Ngọc lại bộc  lộ tình yêu tha thiết , chân  thành , Lan làm sao tránh khỏi được  đôi lúc phân vân ? Nhưng mỗi  lúc nhận  thấy mình chơi vơi , Lan vội cầu viện sự cứu trợ của đức Phật.

 

            Lần thứ nhất , Lan leo lên thang gác chuông , bất thình lình gặp rắn , hoảng sợ ngã  vào lòng Ngọc ; sau đó Ngọc đứng canh rắn để Lan thỉnh chuông.

 

            Sự  đụng chạm giữa trai và gái , cùng lòng hào hiệp của Ngọc có tác động đến tình cảm của Lan. Lập tức đêm ấy , Lan thắp nhang  tụng niệm cầu khấn đức Từ bi phù hộ cho có đủ nghị lực xa chỗ trầm luân.

 

            Lần thứ hai , Lan đọc bức thư bày tỏ tình yêu của Ngọc ( Ngọc viết định đưa Lan nhưng không dám , xé đi , Lan vô tình chắp lại những mãnh giấy và đọc được ) , Lan bị xúc động :

 

            " Lan buồn rầu nghĩ  ngợi , hai bên má có ngấn hai hàng nước mắt.

 

            Bỗng có tiếng mõ tụng kinh ở chùa đưa tới.

 

            Một nụ cười kín đáo trên cặp môi Lan thong thả trở về.

 

            ... Vào trong nhà chùa ngửi thấy mùi trầm ngào ngạt nghe thấy tiếng tụng kinh dịu dàng , Lan tươi cười  thở dài , như kẻ ngã xuống sông vừa ngoi lên được mặt nước vậy.

 

            Làn không khí êm đềm tịch mịch bao bọc , những pho tượng khổng lồ , nét mặt thản nhiên . Trên bục gỗ sư cụ khóac  áo bốn thân ngồi ngay thẳng như pho tượng chỉ hơi mấp máy cặp môi và động đậy cánh tay gõ mõ.

 

            Lan đứng sửng hồi lâu , nhắm mắt lim dim hai tay , chắp ngực , rồi thong thả nhẹ nhàng như cái bóng , mon men lại sau lưng sư cụ ngồi xệp xuống đất , lâm râm khấn khứa ".

 

            Lần thứ ba , một cử chỉ không cố ý của Ngọc làm cho áo của Lan tuột cúc trễ vạt ra , Ngọc thoáng thấy ngực Lan quấn vải nâu . Lan sợ quá bỏ chạy và Ngọc cũng rất hối hận. Ngọc chạy tìm Lan và trấn an Lan là chàng không có tà tâm gì hết , thề với Lan sẽ về Hà Nội để Lan yên tâm tu hành.

 

            Ngọc về Hà Nội . Lan bỗng cảm thấy sầu khổ : Lan đã yêu  .

 

            " Lan lẩm bẩm : " Ta rất có tội với đức Phật tổ ". Lúc ấy ,  Lan thoáng ngửi thấy mùi trầm . Thì ra lên tới chùa trên từ bao giờ mà Lan không biết vẫn tưởng còn ngồi trong buồng Ngọc . Ngước mắt trông lên các tượng thấp thoáng trong bóng đèn tù mù dầu lạc . Tuy không nhìn rõ , nhưng Lan cũng tưởng tượng ra cái vẻ tươi cười khoan dung mà lãnh đạm của  những pho Bụt . Từ từ Lan cúi mặt như người vừa bị  quở mắng , rồi rón rén tới bục gỗ quỳ xuống  thì thầm khấn khứa ".

 

            Lần thứ  tư  là sau khi chùa Long Giáng vắng bóng Ngọc . Ba bốn ngày sau khi Ngọc đi , chú chẳng thiết làm gì , chẳng muốn ăn uống gì ...

 

            Chiều hôm ấy , mặt trời đã lặn sau rặng đồi tây , Lan còn thơ thẩn ở trên vườn sau chùa. Ngồi trên bó cành lẫn lá để ngổn ngang chưa buộc cặp mắt lờ đờ nhìn về phía xa xa , linh hồn Lan như đương theo đám mây phản chiếu sắc hồng của vừng thái dương mà bay về nơi hư vô tịch mịch. Lan thở dài buột mồm thong thả nói : " Nát bàn ! Bồng lai ! ".

 

            Hai ý tưởng " tôn giáo " và " ái tình " hình như đương công kích nhau ở trong tâm trí.

 

            Bỗng Lan giật mình tỉnh bừng giấc mộng . Tiếng chuông như cất giọng từ bi vỗ về an ủi dỗ dành . Lan mỉm cười lẩm bẩm : " Thế nào cũng phải lánh xa nơi trần tục" .

 

            Tiếng chuông đổ hồi như  vui mừng cười khanh khách vì đã giải thoát được tâm hồn Lan.

 

            Lan cũng cười tiếp theo hồi chuông , tiếng cười lanh lảnh trong làn không khí yên lặng dưới ánh tà mù thảm đạm buổi chiều tà".

 

            Xung đột giữa ái tình và tôn giáo ? Không có. Bởi vì nếu là xung đột thì cuộc giao tranh sẽ quyết liệt , giằng co , đưa tới bi kịch. Ở đây , quả là có những lúc ái tình gợn lên trong Lan , tuy nhiên nó cũng như những lượn sóng gợn lên trên mặt hồ khi có hòn đá ném xuống , nhưng chỉ  trong chốc lát mặt hồ lại trở về phẳng lặng ; nó cũng như hạt sương còn đọng lại trên lá buổi sớm mai , nhưng mặt trời chiếu nắng là sương tan ngay.

 

            Thế thì có thể nói : Đạo Phật đàn áp tình cảm ?

 

            Không đâu.

 

            Hãy đọc đoạn đối thoại của Lan và Ngọc ở phần kết thúc ; khi Ngọc trở lại chùa thăm Lan.

 

            -Vậy xin Lan cứ ở đây tu hành , rồi ngày Ngọc được nghỉ cho phép Ngọc phóng xe đạp lên đây thăm Lan , Lan có ưng như thế  không ?

 

            Lan mỉm cười :

 

            - Nếu được mãi như thế ?

 

            - Tôi xin thề với Lan rằng tôi giữ được mãi như  thế . Tôi nêu Phật tổ tôi xin thề với Lan rằng suốt trong đời tôi , tôi sẽ chân thành thờ ở trong tâm trí , cái linh hồn dịu dàng của Lan.

 

            - Thế nghĩa là thế nào ?

 

            - Nghĩa là suốt đời tôi , tôi không lấy ai , chỉ sống trong cái thế giới mộng ảo của ái tình lý tưởng , của ái tình bất vong  bất diệt .

 

            Lan hai dòng nước mắt đầm đìa , dịu dàng bảo bạn :

 

            - Không được . Còn gia đình của ông ?

 

            Ngọc lạnh lùng :

 

            - Gia đình ! Tôi không có gia đình nữa . Đại gia đình của tôi nay là nhân loại , là vũ trụ mà tiểu gia đình tôi là ... hai linh hồn của đôi ta ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ.

 

            Lan tươi cười , ôn tồn bảo bạn :

 

            - Tôi không ngờ Phật giáo đã cảm hóa ông được sâu xa đến thế.

 

            Đương nhiên hai người trẻ tuổi ấy chưa hoàn toàn rũ sạch được trần tâm , chưa đạt  tới được đỉnh " vô ngã " , nhân sinh thành Phật dễ đâu ( Truyện Nam hải Quan Thế Âm ), nhưng đích thật họ đã vượt qua được vũng bùn tình dục mê muội mà vươn lên tình yêu thuần khiết , tình yêu vị tha ; ấy là bước đầu giải thoát.

 

            Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên đã là cuốn sách làm say mê độc giả một thời , ấy là vì nó là lời tự bạch của một thế hệ , trong số đó có Khái Hưng là đại diện - một thế hệ bị khủng hoảng tinh thần , khủng hoảng niềm tin trước thời cuộc , hoang mang trước cái nguy cơ tự đánh mất mình , tự huỷ hoại và đã tìm thấy niềm tin , sự tế độ trong đạo Phật.

 

 

 

Tháng 6 - 1995

 
 
 

Thông tin truy cập

63687961
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8253
23426
63687961

Thành viên trực tuyến

Đang có 1009 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website