Hội thảo về văn học so sánh

Vừa qua, khoa Ngữ văn và báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức một hội thảo khoa học về văn học so sánh.

Cuộc hội thảo khoa học này, có lẽ do dụng ý khiêm tốn của lãnh đạo khoa, gần như chỉ là một cuộc trình bày, trao đổi trong nội bộ. Những người tham dự phần đông là các giáo sư, giảng viên của khoa và một số ít là cộng tác viên với khoa. Thời gian cũng chỉ có một buổi sáng.

GS Hoàng Như Mai. Ảnh: Tư liệu của Khoa Văn học và Ngôn ngữ 

Dụng ý khiêm tốn này cũng có lý do. Văn học so sánh là một bộ môn nghiên cứu rất non trẻ với thế giới, chưa nói gì với nước ta. Nếu tôi không nhầm thì hội thảo này là hội thảo đầu tiên tập trung vào chuyên đề này.

Do thời gian chỉ trong một buổi sáng nên tại cuộc hội thảo chỉ đọc hoặc tóm tắt một số báo cáo những công trình, bài viết được in đầy đủ trong một tập sách 343 trang, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành: Văn học so sánh – Nghiên cứu và dịch thuật.

Đúng như tên sách, có những bài dịch thuật các bài viết về văn học so sánh của các nhà nghiên cứu Pháp, Nga, Mỹ, Anh , Trung Quốc... Các bài này cung cấp cho độc giả Việt Nam lịch sử hình thành, các trường phái, quan niệm, các phương pháp, các thành tựu của văn học so sánh, các tác giả là những tên tuổi có tầm cỡ quốc tế. Đây là những bài dẫn luận rất bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về bộ môn nghiên cứu văn học mới mẻ này.

Có lẽ độc giả chú ý nhiều hơn đến các bài nghiên cứu liên quan đến văn học Việt Nam.

Tác giả Đoàn Lê Giang giới thiệu Sự ra đời của từ “văn học”và quan niệm mới về văn học của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản.

Bài Lý luận văn học Trung Hoa và Ấn Độ nhìn từ quan điểm so sánh của tác giả Dương Ngọc Dũng tuy không trực tiếp nói về văn học Việt Nam, nhưng vì văn hóa Việt Nam nhận không ít ảnh hưởng của hai nước này nên ta không thể không quan tâm đến lý luận văn học của họ.

Cũng như  vậy, bài Lý luận về kịch trong Poetics của Aristotle và Natyasatra của Bharata của tác giả Phan Thu Hiền gợi nhiều vấn đề cho giới sân khấu Việt Nam bởi lẽ kịch nói (hiện đại) của ta đặt cơ sở trên lý luận kịch phương Tây mà kịch phương Tây lấy lý luận về kịch của Aristotle làm quy tắc, và sân khấu truyền thống của ta (tuồng chèo) cũng có những điểm gần gũi với những luận điểm của Bharata.

Các bài Hoàng Chân Y và Hồ Xuân Hương và huyền thoại người nữ (tác giả Nhật Chiêu), Cảm hứng công án trong một số bài thơ thiền Việt Nam và Trung Quốc (tác giả Lê Thị Thanh Tâm), So sánh loại tiểu thuyết “Tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên) (tác giả Hà Thanh Vân), Từ phú Trung Quốc đến phú Việt Nam (tác giả Nguyễn Đình Phức), Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản (tác giả Đoàn Lê Giang), Tiếp cận truyện Kiều từ hướng văn học so sánh và phương pháp so sánh loại hình lịch sử (tác giả Trần Thị Phương Phương) là những công trình văn học so sánh từ góc độ văn học Việt Nam.

Những công trình hay nói khiêm tốn hơn, những bài viết về văn học so sánh này mới là những khám phá khai phá bước đầu, tất nhiên còn vấn đề – nhiều vấn đề – để bàn cãi, cần phải bàn cãi. Tuy nhiên giá trị mở đường của nó là điều không thể phủ nhận. Như vậy những bước chân – hãy gọi là thăm dò đi – của giới nghiên cứu Việt Nam đã đặt trên lĩnh vực văn học so sánh mới mẻ.

Những thành tựu của ngành nghiên cứu mới này sẽ thẩm định lại và phát hiện mới những giá trị của văn hóa văn học Việt Nam đặt ra và góp phần giải đáp nhiều vấn đề quan trọng, lý thú, bổ ích.

Xin lấy ví dụ từ trong cuốn sách Văn học so sánh – Nghiên cứu và dịch thuật.

Tác giả bài Từ phú Trung Quốc đến phú Việt Nam viết:

“... Nhưng Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục quyển 4, Thiên Chương lại nói: “Văn phú triều Trần rất kỳ dị, hùng vĩ lại lưu loát tươi đẹp, hơi giống vận điệu văn Tống”. Ở đây chúng tôi đồng quan điểm với họ Lê, giải thích là tuy Trần triều dùng luật phú cử sĩ, nhưng đương thời trong xã hội lại thịnh hành thể văn phú, điều này có phần tương tự với đời Tống ở Trung Quốc, tức tuy Tống chế dùng luật phú trong khoa cử nhưng tiêu biểu cho Tống phú lại là Văn phú chứ không phải luật phú. Thực ra phú đời Trần khi xếp vào văn phú cũng chỉ có nghĩa tương đối, bởi rằng trong phú đời Trần vẫn lưu lại không ít những yếu tố của luật phú. Thêm một điểm nữa là những gì mà chúng ta đã xét chỉ đúng với phú chữ Hán chứ hoàn toàn không đúng với phú chữ Nôm. Lý do phú chữ Nôm có rất nhiều đặc điểm khác xa với hai thể vừa xét. Về mặt thể chế, phú Nôm có thể sách với Hán đại phú về trường độ và mức độ hoa mỹ. Điều này có nguyên nhân từ việc sử dụng tiếng Việt để sáng tác. Nếu như các phú gia Việt Nam bị hạn chế nhiều mặt trong việc dùng tiếng Việt có thể giải quyết được nhiều điều...

... Điểm sáng tạo lớn nhất của phú học Việt Nam là về mặt chất liệu, tức từ một chất liệu đơn nhất là Hán tự, người Việt Nam đã vận dụng chính lời ăn tiếng nói của mình để viết phú, tạo nên một thể đặc sắc với chất liệu đặc biệt – phú Nôm. Tiếng Việt với tư cách một loại hình ngôn ngữ đơn lặp, với một lượng từ Hán Việt chiếm 7, 80% tổng lượng từ vựng, cả hai đều hết sức thuận lợi cho việc phát triển của phú Nôm”.

Chỉ với một đoạn trong bài của tác giả Nguyễn Đình Phức (xin lưu ý: tôi dẫn đoạn này làm ví dụ nên chưa phán đoán đúng sai) thì đã có nhiều vấn đề đặt ra.

1) Về sưu tầm, bảo tồn: di sản văn học trung đại mà hiện nay ta còn giữ được thì thơ khá nhiều mà phú quá ít, phú nôm càng ít, tại sao vậy?

Vì bị mất mát hay vì quan điểm đánh giá? Theo tác giả Nguyễn Đình Phức: “Trong sách vở cổ xưa, bất kể tổng hợp hay biệt lập vị trí của phú đều đặt ở vị trí đầu sách. Quan điểm “phú tiên ư thi” không chỉ thấy ở hầu hết các sách vở Trung Quốc mà cũng đúng với điển tịch Việt Nam.

Ta nghĩ thế nào về sự tình này? Giải thích làm sao? Trong chương trình văn học ở nhà trường (kể cả Đại học, trên đại học) vị trí của phú rất mờ nhạt. Có phải vì thế mà học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ... hiểu biết về phú rất sơ sài?

Lại nói thêm: thơ, từ thơ luật Đường chữ Hán đến thơ Nôm, thơ lục bát, song thất lục bát, đến thơ chữ quốc ngữ, đến thơ mới, thơ tự do, thơ văn xuôi... luôn luôn phát triển, ngày càng phong phú, trong khi ấy phú (cũng như một số thể văn cổ khác: câu đối, văn tế..) sang thời kỳ hiện đại dần dần tàn lụi. Tại sao? Để cho nó chìm vào quá khứ vì đã lỗi thời, hay nên phục hồi cái vốn cổ ấy như tuồng, chèo?

2) Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Trung Quốc, điều này là hiển nhiên không cần biện bạch. Một nghìn năm Trung Quốc đô hộ nước ta, áp đặt văn hóa của họ cho ta. Sau này, dân ta đã giành được quyền tự chủ, bao phen chống trả quyết liệt và chiến thắng oanh liệt các đạo quân xâm lược phương Bắc, ta vẫn dùng văn tự Trung Quốc nhưng đồng thời lại sáng tạo ra chữ Nôm, vẫn học văn học Trung Quốc, sử dụng các thể văn Trung Quốc nhưng lại có cải biên, lái sang công dụng khác, hiệu quả khác, cái ý thức và phương pháp vừa tiếp nhận vừa phản tiếp nhận ấy, nói lên gì? Phải chăng ta tìm thấy ở đó cái bản sắc, cái bản lĩnh của Việt Nam (cũng như sau này, tình hình này lại diễn ra trong thời kỳ nước ta bị đặt dưới sự cai trị của thực dân Pháp)? Cái bản sắc ấy cụ thể là thế nào?

Một thí dụ khác.

Bài Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản của tác giả Đoàn Lê Giang cung cấp cho ta mấy thông tin đáng suy nghĩ.

Bản dịch lần đầu tiên Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Nhật Bản là cuốn Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện dịch vào năm 1763, dịch giả là Nishida Jsoku (? – 1765) người đã dịch nhiều bộ sách nổi tiếng. Bản dịch này trung thành với nguyên bản đã nổi tiếng một thời, từng được nhiều nghệ sĩ dựa vào để phóng tác, cải biên, được đưa lên sân khấu Joruri và Kaburi.

Mấy chục  năm sau bản dịch Kim Kiều truyện ra đời ở Nhật Bản xuất hiện một cuốn tiểu thuyết phóng tác từ Kim Kiều truyện đó là Phong tục Kim Ngư truyện của Kyokutei Bakin. Trong tiểu thuyết phóng tác có một số thay đổi so với nguyên tác về cốt truyện, tính cách nhân vật: bối cảnh thời đại nhân vật thì Nhật Bản hóa tất cả, khi Hàn Dã Thái Lang (tức Từ Hải) khinh suất hòa với Quản Lãnh Phiến Cốc (tức là Hồ Tôn Hiến) thì nàng Ngư Tử (tức là Thúy Kiều) hết sức can ngăn, Ngư Tử trả thù cho chồng, giết chết Bố Lưu Biên Dị kẻ đã theo kế của Quản Lãnh đến thuyết hàng Thái Lang rồi được Quản Lãnh thưởng công gả Ngư Tử cho, cuối cùng cũng có đoạn Đình Tĩnh Kim Trọng (tức là Kim Trọng) đoàn viên với Ngư Tử nhưng chuyện đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ thì không có.

Kyokutei Bakin (1767 – 1848) là nhà văn rất nổi tiếng cuối thời E-do, tác giả của nhiều cuốn truyện sáng tác và phóng tác từ tiểu thuyết Trung Quốc (như Khuynh thành thủy hử truyện, Tân biên Kim Bình Mai).

Bakin và Nguyễn Du sống cùng thời. Hai tác giả viết phóng tác từ cùng một cuốn truyện: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nhưng theo hai cách khác nhau. Kim ngư truyện theo tác gia Đoàn Lê Giang chỉ là một tác phẩm bình thường dừng lại ở mức treo gương chưa phải là một thành tựu tiêu biểu của văn học Nhật Bản, còn Truyện Kiều là một tác phẩm kiệt xuất một áng văn chương tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, giá trị vượt ra ngoài phạm vi quốc gia thành một danh tác được thế giới ca ngợi. Tại sao hai tác phẩm lại có hai số phân khúc khác nhau? Do những nguyên nhân nào? Những yếu tố nào? Câu trả lời, ta đợi ở các nhà văn học so sánh.

 

GS.HOÀNG NHƯ MAI

(Hoàng Như Mai văn tập, NXB. Đại học quốc gia TP.HCM, 2008)

Thông tin truy cập

60764499
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8669
10454
60764499

Thành viên trực tuyến

Đang có 531 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website