Mẹ tôi là con gái lớn của một gia đình nông dân nghèo quanh năm ăn cơm độn ngô khoai, chỉ ngày giỗ, ngày Tết may ra người già và trẻ nhỏ mới được bát cơm không độn.
Khi mẹ tôi về làm dâu ông bà nội tôi thì cha tôi là quan tri phủ. Sự việc này không có gì là kỳ dị vì nó đã diễn ra từ hồi cuối thế kỷ trước. Gia đình bên nội tôi vốn cũng sống bằng nghề nông. Đến đời ông bà nội tôi, cha và chú tôi đi học, thi đậu ra làm quan; nhưng ông bà nội tôi vẫn ở quê, làm ruộng, giữ nề nếp cũ. Cha tôi đã có một người vợ cả; nàng dâu trưởng thì có bổn phận phải ở quê, hầu hạ cha mẹ chồng, vì thế ông bà tôi cưới mẹ tôi cho cha tôi làm vợ lẽ để theo cha tôi đi các nơi mà cha tôi làm việc, lo cơm nước.
Là con gái quê mùa, không được học hành, nhưng vì theo cha tôi đi làm quan từ tri huyện, lên tri phủ rồi tuần phủ, tổng đốc, mẹ tôi dần dần cũng biết chữ nghĩa và biết cách cư xử với người trên kẻ dưới đàng hoàng.
Tiếng là làm quan, nhưng là quan kiểu cổ, lại xuất thân từ gia đình nông dân lao động, nên cha tôi giữ mực thanh liêm, trong nhà không có tiền của gì, nếp sống thanh bạch cho đến khi nghỉ hưu.
Nghỉ hưu được ba bốn năm thì cha tôi qua đời. Khi ấy, tôi là con út mới 6 tuổi. Hai anh con mẹ tôi còn đang đi học. Mẹ tôi phải giao người anh trên tôi và tôi cho người chị dâu (vợ người con đầu của mẹ tôi khi ấy đang học trường Sư phạm ở Hà Nội) còn mẹ tôi lên miền núi ở vùng Đông Triều trông coi một cái ấp nhỏ thu hoa lợi để nuôi chúng tôi ăn học (cái ấp này, cha tôi mua định nghỉ hưu thì về đó dưỡng già).
Cái ấp nhỏ ở vùng núi, thu hoạch chẳng được bao, mẹ tôi phải hết sức làm lụng tằn tiện.Tuy nhiên tôi dần dần cũng học hết tiểu học lên trung học rồi đại học.
Như thế, từ lúc 6 tuổi, tôi không ở với mẹ, chỉ có kỳ nghỉ hè mới về với mẹ tôi. Lần nào cũng vậy, khi hết hè, tôi từ biệt mẹ, mẹ tôi cũng ân cần bảo tôi: "Con đi, con cố con chăm, con học". Câu ấy, mẹ tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đã in sâu vào óc tôi. Cái mục đích của đời mẹ tôi chỉ có thế và vì cái mục đích ấy, mặc dù yếu đau bệnh tật (khi sinh ra tôi mẹ tôi đã gần như bị liệt , uống nhiều thuốc bắc mới đỡ) mẹ tôi vẫn cố sức làm lụng mong được thấy các con, nhất là tôi , con út, thành đạt.
Nếu không có những biến cố gì xảy ra, chắc là mẹ tôi cũng được thấy công lao trồng cây đến ngày ăn quả vì tôi là đứa con ngoan, trò ngoan học chăm, học giỏi.
Nhưng chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, rồi phong trào cách mạng bùng lên.
Như đông đảo các bạn cùng thế hệ hồi ấy, tôi bị lôi cuốn vào dòng thác chính trị. Đang học trường Luật, tôi bỏ học, vào các thư viện say mê đọc các sách chính trị. Vì miệt mài đọc sách, ăn uống thất thường, tôi bị một trận ốm nặng phải về với mẹ tôi để dưỡng bệnh.
Suốt gần 20 năm, từ lúc 6,7 tuổi đến 24 tuổi, lần này, tôi ở bên mẹ tôi lâu nhất. Mẹ tôi chẳng phiền trách gì cả về việc tôi bỏ học, còn vui là đàng khác, vì được săn sóc con trong cơn đau ốm. Từ nhỏ, vốn tôi khảnh ăn, không biết ăn nhiều thức thịt thà, nên thời gian tôi trọ học, mẹ tôi rất thương, lo tôi đói khát. Lúc này tôi về ở với mẹ, mẹ tôi sung sướng tìm các món tôi ưa thích làm cho ăn. Thế nhưng tôi chẳng ăn mấy tí, vì tôi vẫn nuôi chí hướng làm chính trị và tôi nghĩ làm chính trị ắt là phải chịu gian khổ, khó tránh tù đày vì thế phải tự rèn luyện cho quen: tôi ăn ít, ngủ ít, tập nhịn đói, chịu rét, cặm cụi đọc sách.
Mẹ tôi chẳng biết làm thế nào, cũng đành chiều ý tôi, miễn là có con ở bên thì yên tâm rồi.
Nhưng , những ngày vui của mẹ tôi cũng ngắn ngủi một vài tháng.
Một người bạn đến tìm tôi, rủ đi dạy học trường tư. Lúc này sức khỏe đã bình phục, tôi đi luôn, lúc ấy là giữa năm 1944.
Cuối năm 1944, nạn đói lên đến đỉnh điểm, rồi tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ở Đông Dương. Thế là giặc cướp nổi lên khắp nơi, tình hình nhiễu nhương, loạn lạc thật là kinh khủng.
Nơi mẹ tôi ở trở nên không an toàn, thổ phỉ từ biên giới Trung Hoa tràn sang cướp bóc, đốt phá, giết chóc. Một anh cháu họ tôi đánh nhau với thổ phỉ bị chúng bắt được chôn sống.
Tình hình nhộn nhạo ấy kéo dài đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lại trở nên ác liệt hơn. Ngoài thổ phỉ lại có thêm bọn lính Tàu Tưởng, bọn lính Nhật đào ngũ, và bọn lưu manh; chính quyền cách mạng ở các vùng xa xôi này làm gì có mà dù có cũng không có sức nào giữ được an ninh trật tự.
Anh tôi phải đưa mẹ tôi về quê nhà ở Hà Đông lánh nạn.
Trong suốt thời gian mẹ tôi lao đao trong loạn lạc, hiểm nguy ấy, tôi theo đuổi mục đích làm chính trị của tôi, hoạt động ở Hải Dương, rồi Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhưng khi anh tôi đưa mẹ tôi về quê nhà gần Hà Nội thì tôi đã tham gia đoàn quân Nam tiến, vào miền Nam.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, nổ ra cuộc toàn quốc kháng chiến. Quân Pháp mở rộng vòng chiến, đánh chiếm khắp nơi. Đầu năm 1947 tôi ở tỉnh Phú Yên (Trung Bộ). Các đồng chí lãnh đạo kháng chiến nơi ấy khuyên các chiến sĩ từ miền Bắc vào nên trở ra Bắc để kháng chiến thuận lợi hơn ở miền Trung xa lạ.
Tôi trở về miền Bắc và gặp được mẹ tôi lúc ấy không ở được nơi quê nhà vì gần Hà Nội (cách Hà Nội 15 cây số) đã phải tản cư về một làng xa. Mẹ tôi mừng quá vì đã lâu bặt tin con tưởng đâu chết ở mặt trận phiá Nam rồi, thế mà còn sống trở về.
Nhưng nỗi mừng ấy chỉ như vầng mặt trời trong những ngày mưa dầm liên miên, vừa ló ra liền bị mây đen ùn ùn kéo tới che phủ tối sầm.
Tôi ở với mẹ tôi 5,6 ngày rồi xin phép mẹ tôi đi. Mẹ tôi không bằng lòng, muốn giữ tôi lại với bà. Anh tôi nói: "Chú ấy là thanh niên, có phận sự đối với đất nước, bà để chú ấy đi. Có số tiền bán con trâu con đang cầm, bà cho chú ấy để chú ấy đi kháng chiến". Anh tôi đưa tiền cho tôi. Mẹ tôi tỏ ý giận: "Không cho!"
Tôi biết mẹ tôi không giận mà thương, chỉ định giữ tôi ở lại. Nhưng tôi cương quyết đi nên đưa lại mẹ tôi số tiền và chào mẹ, tôi ra đi.
Ấy là lần cuối cùng tôi gặp mẹ.
Sau này mẹ tôi chạy giặc lên nơi ấp cũ, lúc ấy đã thành chiến khu kháng chiến, còn tôi thì trôi nổi ở các tỉnh Khu Ba và Khu tả ngạn sông Hồng.
Về sau đọc ký sự và truyện ngắn của nhà văn Nguyên Hồng, tôi mới biết nơi mẹ tôi tản cư bị giặc Pháp càn đi quét lại các liệt khôn tả.
Quả là vài năm sau, cũng có mấy lần tôi định tìm thăm mẹ. Nhưng khi đến nơi ấy, phải vượt qua đường số 5 là con đường chiến lược nối Hà Nội với Hải Phòng, giặc Pháp canh giữ rất sít sao, tôi không thể nào vượt qua được.
Mãi đến năm 1949, có người ở nơi ấy về qua tỉnh Thái Bình gặp tôi, tôi mới biết mẹ tôi đã mất năm trước (1948) rồi.
Trong kháng chiến, người ta dạn dày với sự sống chết, ai mà biết chắc hôm nay còn sống, ngày mai có còn sống không, cho nên tôi cũng buồn, rồi cũng tự an ủi: buổi chiến trận mạng người như rác, mẹ tôi cũng đã già rồi, chết còn yên hơn sống.
Nhưng sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, hoà bình lập lại, gặp người nhà, tôi mới biết rõ những ngày cuối đời của mẹ tôi đau khổ như thế nào.
Mẹ tôi vốn đã nhiều bệnh, sau này bệnh nặng. Mỗi trận giặc càn, anh tôi phải đưa mẹ rời ra một cái lán trong rừng sâu, đợi yên giặc rồi mới dám trở về. Có lần giặc đốt cả vùng (nhà văn Nguyên Hồng đã tả trong bài ký sự Bến Tắm cháy) mẹ tôi đang đau nặng, anh tôi phải xông vào trong nhà cháy, ôm mẹ tôi chạy ra rừng.
Sức khỏe mẹ tôi ngày một kiệt quệ. Lúc mẹ tôi sắp trút hơi thở cuối cùng, bỗng nhiên anh tôi nảy ra một ý kiến, nói với mẹ tôi: "Chú Mai nhắn tin sắp về đây rồi, bà cố đợi chú ấy".
Mẹ tôi đợi thật, Người nhà kể lại: suốt ba ngày đêm, mẹ tôi nằm quay mặt ra cửa trông tôi.
Nhưng tôi đâu có về. Năm ấy mới là năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp còn phải 6 năm nữa mới kết thúc.
Đến nay, và cho đến hết đời tôi, tôi vẫn còn trông thấy đôi mắt của mẹ tôi, đôi mắt quá quen thuộc đối với tôi từ hồi tôi còn nhỏ, đôi mắt sâu thẳm đầy những lo âu và tình thương. Ba ngày cuối cùng của mẹ tôi, tôi không có mặt ở bên mẹ nhưng tôi trông thấy rất rõ đôi mắt ấy, tôi chắc chắn như thế: đôi mắt đầy lo âu và thương xót cho đến khi chút sống cuối cùng tiêu tan; đợi con, đưá con út mà bà thương yêu nhất và ít sống với bà nhất.
Đối với đất nước, có thể nói tôi lo tròn nghĩa vụ không có gì phải ân hận. Nhưng đối với mẹ tôi tự thấy có tội lớn, tôi không bao giờ thôi hối hận. Là người dân, tôi đã tham gia kháng chiến, tôi được dự phần trong chiến thắng; tôi vẫn biết cái gì cũng có cái giá của nó, nhưng cái giá phải trả quả là quá xót xa đối với người con.
Tháng 7 năm 1994