20112024Wed
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Văn học Việt Nam

Thúy bây giờ bên ấy

Ao daiChiều nắng tràn trên cánh đồng Erdinger Moos khi chuyến bay của hãng Germanwings đưa Hoàng Dũng và tôi từ Berlin về Munich.Nhờ Cao Quang Nghiệp và Cao Quang Của, hai người bạn đã nhiều năm sống  ở đây, hướng dẫn, chúng tôi tận dụng 48 giờ ngắn ngủi để khám phá thành phố công nghiệp và đại học này. Từ sân vận động Allianz Arena của đội Bayern Munich, trước khi đi xem di tích trại tập trung Dachau, chúng tôi nhận điện thoại Diệu Vân hẹn vào thành phố ăn trưa ở một nhà hàng Việt Nam, không quên kèm theo một câu tiếp thị: “Đến đó các thầy sẽ được ăn món bánh đập bò, hết sảy!”.

 

 

Nhà hàng Thúy với biểu tượng cô gái Việt mặc áo dài cầm chiếc nón che nghiêng, nằm ở một khu phố tĩnh lặng đầy cây xanh. Bà chủ tiếp chúng tôi ban đầu với một sự niềm nở theo thông lệ dành cho những thực khách phương xa lần đầu tiên làm quen với nhà hàng. Bên trong nhà hàng, những bức tranh phong cảnh Việt Nam được bài trí bên cạnh khóm chuối cảnh xanh mướt trồng dọc tường, sát dãy bàn ăn. Chúng tôi chọn chỗ ngồi dưới vòm cây bên lề đường để có thể ngửi thấy mùi phong lan, mùi nhựa cây và ngắm du khách qua lại trên phố.

 

      Khi món bánh đập bò dọn lên, sự niềm nở vừa phải của bà chủ lúc đầu đã chuyển thành sự vồn vã và nồng nhiệt của một người nghệ sĩ ẩm thực muốn truyền bá tác phẩm của mình cho công chúng. Một cái chõ tre lật ngược thường dùng hấp há cảo, xíu mại, được chế biến để đặt những chiếc lá sa-kê hình răng cưa, xếp cùng với rau mùi, rau quế, rau giá, dưa leo, sà- lách, dấp cá, tía tô, kinh giới, ngò gai…, những thứ tưởng như chỉ có thể có ở một quầy hàng rau quê nhà. Cạnh đó là bánh tráng xếp sẵn lên trên các vỉ tre hình cánh quạt. Rồi một cái đĩa gang nóng được bê ra, trong đó tấm lá chuối lót dưới những lát thịt bò phi-lê ướp gia vị đã được đảo qua một lần trong chảo nóng. Mùi thịt hòa với mùi lá chuối bốc lên trong khói kích thích khẩu vị cùng với mùi nước mắm cá mực pha tương đen hòa với dưa chua và đậu phộng.

 

       Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bằng giọng Nam không pha lẫn, bà chủ bày cho chúng tôi cách thức cuốn món bánh đập này. Chị cho biết lá chuối nhập từ Việt Nam nên mua giá hơn 10 euro một ký, mắc hơn tiền mua một ký thịt bò; còn bánh tráng đích thị là bánh tráng Củ Chi nhập vào Đức với giá 1,5 euro 300 gram. Nhờ chính đặc sản Việt này, nhà hàng thu hút không chỉ thực khách Đức mà cả du khách phương xa tìm đến Munich.

 

      Một linh cảm trong tôi mách bảo rằng người phụ nữ này có thể nói với mình nhiều hơn đằng sau món ăn của chị. Sự thân mật đã đến độ cho phép thực khách có thể tìm hiểu không chỉ “xuất xứ” món bánh đập bò mà cả “xuất xứ” của tác giả cái công thức chế biến món ăn đã qua nhiều cải tiến này. Biết chúng tôi đi từ Sài Gòn đến đây, Thúy tự giới thiệu: “Tôi cũng người Sài Gòn, gia đình còn ở Hóc Môn, món bánh đập là món ăn từ hồi nhỏ ở quê”.  Chỉ thêm vài câu trò chuyện nữa là chúng tôi nhận ra điểm chung của nhau: chung một lứa sinh viên dở dang đại học sau ngày hòa bình và chung một người bạn thân là anh Võ Văn Nhơn, bây giờ là phó trưởng khoa nơi tôi đang dạy học.

 

       Nhơn học Văn Khoa, Thúy học Luật khoa, sau 1975 đổi thành trường Kinh tế. Từ thị trấn Hóc Môn, mỗi sáng thứ hai Nhơn, Thúy và các bạn cùng đi xe buýt lên Sài Gòn, cuối tuần lại về chung một chuyến xe. Người học Văn không ham đọc sách kinh tế, nhưng người học Kinh tế vẫn thích mượn tiểu thuyết để đọc. Ra trường, bạn cùng quê nhưng khác nghề, họ ở lại thành phố để mưu sinh. Những ngày đó, Thúy kể, hoàn cảnh người nào cũng khó khăn, nhà Thúy lại càng khổ vì cửa hàng bán đồ gỗ ở thị trấn bị đóng cửa trong đợt cải tạo công thương nghiệp. Đồng lương một nhân viên chi cục thống kê không đủ nuôi cha mẹ già và lo cho hai em gái ăn học, thực sự Thúy không biết ngày mai sẽ ra sao.

 

       Một chiều thứ bảy, mấy người bạn cùng hẹn nhau đi xe buýt về thăm nhà, nhưng không thấy bóng dáng của Thúy. Mấy ngày sau mọi người mới biết tin Thúy ra đi. Nhơn chợt nhớ tháng trước Thúy nhờ giới thiệu người bán căn nhà nhỏ gần cầu Bông mà cha mẹ mua cho mấy chị em có chỗ tá túc trên Sài Gòn. Thì ra Thúy đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ lâu. Cầm hai lượng rưỡi vàng cha vừa bán nhà, Thúy dắt đứa em kế ra bãi. Khi ca-nô đưa người ra biển lên tàu, hai chị em lạc mất nhau và đứa em bị dạt trở lại đất liền. Thúy may mắn được tàu cáp Anamur của Đức cứu giữa biển khơi; qua hai tháng tạm trú trên đảo Galang thì được tiếp nhận định cư ở nước Đức, vùng đất lạ không một người thân thích.

 

       Cảm giác rõ rệt nhất mà Thúy còn nhớ là sợ, nỗi sợ mơ hồ nhưng dai dẳng của một cô gái trẻ trên đất khách quê người, bị rứt ra khỏi quê hương và gia đình tới một nơi mình không định tới, đúng là cảnh bèo dạt hoa trôi. Thúy không biết làm gì khác hơn là xin đi học lại. Tiếng Đức hoàn toàn mới lạ, nhưng Thúy đã “chiến đấu” với nó từng ngày để thi đậu bằng tú tài Đức. Rồi Thúy làm quen và nên duyên với một kỹ sư điện tử người Việt du học từ trước 1975.

 

       Suốt thời gian này, cứ đến mùa hè nghỉ học, Thúy đi phụ việc ở một nhà hàng Việt Nam. Công việc từ dễ đến khó được cô thực hiện chu đáo đến mức nhà chủ cũng phải ngạc nhiên. Và Thúy nhận ra sở dĩ mình làm tốt và có nhiều sáng kiến vì mình rất yêu thích nghề này. Năm 1987, Thúy bắt đầu kinh doanh, trải qua một vài địa điểm thì mua được ngôi nhà hiện nay. Khi ra đi là hai bàn tay trắng, sau mười năm, với kiến thức kinh tế, tài giao thiệp cộng với số vốn liếng ban đầu, Thúy dồn lại để xây dựng ngôi nhà hàng sang trọng trên phố Senserstrasse này.

 

       Cuộc đời con người trải qua biết bao nhiêu là ngả rẽ cũng như bao nhiêu cuộc gặp gỡ tình cờ! Gần 30 năm qua, Thúy hầu như không liên lạc với bạn bè, cả với Nhơn, người mà Thúy còn nợ mấy cuốn truyện dịch mượn từ ngày hàn vi ấy. Rời Munich, tôi mang về cho Nhơn cái brochure nhà hàng Thúy và tấm ảnh chụp quanh bàn ăn đang bày món bánh đập bò mà người phụ nữ Hóc Môn đang quảng bá trên một thành phố phương xa.