Andersen chào đời trong căn phòng áp mái của một gia đình nghèo khổ vào năm 1805. Người cha là thợ giày, tên Hans Christian, và cậu bé sinh ra được đặt tên giống bố. “Tên bố làm sao thì cứ gọi con là như vậy” . Đọc tiểu sử Andersen sao thấy nhớ đến nhà văn Nga N.V.Gogol và nhân vật “con người nhỏ bé” trong tác phẩm “Chiếc áo khoác” của ông: cũng nghèo khổ, xấu xí, thường bị trêu chọc, xúc phạm, sống cô đơn không gia đình…
Đường phố của Odense thời gian Andersen ra đời
Tuy nhiên, Andersen không phải là kẻ bất hạnh, dẫu cuộc đời không ít thăng trầm. Andersen đặc biệt hạnh phúc bởi ông biết rằng con vịt xấu xí sẽ biến thành thiên nga, mang trên mình đôi cánh mạnh mẽ của loài chim nữ hoàng. Andersen dấu dưới cái vỏ vịt xấu xí một tài năng, một hồn thơ đẹp đẽ tươi sáng. Và ông đã viết về cuộc đời mình: “Cuộc đời tôi là một câu chuyện cổ tích đích thực! Nếu như vào lúc tôi, đứa bé con nghèo khổ, yếu ớt, được sinh ra trên đời này mà có một bà tiên vạn năng gặp tôi trên đường và bảo: “Hãy chọn đường đi và công việc cho mình, ta sẽ nâng đỡ dẫn đường cho con tùy theo tài năng của con”, thì khi đó cuộc đời tôi cũng không tốt hơn, hạnh phúc hơn, vui sướng hơn…”
Người ta biết nhiều đến Andersen như “ông vua kể chuyện cổ tích”, mặc dù truyện cổ tích của ông không phải là cổ tích thông thường. Đối với trẻ em, chúng có thể là cổ tích, nhưng đối với người lớn thì lại là những truyện ngắn mang triết lý sâu xa.
Andersen còn là tác giả của những tiểu thuyết như “Người ứng tác”, “O.T.”, “Chỉ có người kéo vĩ cầm”, “Tồn tại hay không tồn tại”… Đương thời, Adersen được nhiều người coi là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại, ngang tầm với Walter Scott và Victor Hugo.
Từ thuở nhỏ Andersen đã say mê sân khấu. Hai mươi bốn vở kịch với đủ các thể loại đã khiến ông trở thành một kịch tác gia Đan Mạch nổi tiếng. Có những vở kịch như “Đứa con đầu lòng” đã được dàn dựng rất nhiều lần lúc sinh thời Andersen và về sau còn tiếp tục được dàn dựng, cải biến, thử nghiệm đến hàng trăm lần.
Và Andersen còn là một nhà thơ. Hồn thơ của ông tỏa khắp các truyện cổ tích, tiểu thuyết, các vở kịch. Tính chất đa tầng đa nghĩa, những biểu tượng,… cũng là những cái của thơ ca, là đặc trưng cho sáng tác của Andersen.
Andersen làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và chỉ dừng làm thơ khi cuộc đời ông không còn được mấy tháng. Thơ ông viết đủ thể loại: trường ca, thơ trào phúng… với đủ mọi chủ đề, và đăng ở khắp nơi từ các tờ tạp chí nghiêm túc cho đến những tờ báo giải trí, nhiều khi chúng xuất hiện xen lẫn trong các vở kịch, những bút ký...
Nếu so với các truyện cổ tích thì thơ của Andersen không được đánh giá cao bằng. Bản thân Andersen cũng ý thức được điều đó. Nhà văn lúc về già đã có lần nói về thơ mình với một nhà phê bình trẻ tuổi hơn: “Anh tất nhiên không thích thơ của tôi. Chính tôi cũng biết, rằng tôi thực ra không phải là người làm thơ, nhưng chẳng lẽ anh không thấy rằng một số bài cũng không đến nỗi tồi ư?”
Nhiều nhà phê bình cho rằng chỉ có những truyện cổ tích mới làm Andersen được lưu danh muôn đời. Nhưng có lẽ chính thơ của ông mới truyền đạt chân dung “người kể chuyện thiên tài” rõ hơn cả, và giúp chúng ta hiểu hơn những nét bi kịch cũng như những sắc màu tươi sáng trong cuộc đời và trong truyện cổ tích của ông.
Andersen là con người yêu thiên nhiên và hóm hỉnh, hài hước. Hãy xem bức tranh của một ngày tiết trời u ám trong bài “Thời tiết xấu”:
Màn hơi phủ cánh đồng và thành phố
Từ tầng mây, mưa chẳng thiết rỉ ra
Đến bầy vịt cũng trở nên buồn chán
Mỏ rúc vào trong cánh cứng đơ
Cụ bà ngủ trong ghế bành, đầu lắc lư
Cô cháu gái đẹp xinh tay tựa trán
Cũng mơ màng, cái ngáp dài cố nén
Món tóc vàng buông trên ngực thanh xuân
Tôi nằm dài duỗi thẳng đôi chân
Dòng thơ mình chẳng buồn đọc lại
Tranh Adersen cắt để minh họa cho truyện cổ tích của mình
Andersen là người từng đi chu du khắp nơi. Triết lý cuộc đời được ông đúc trong câu nói ưa thích: “Du hành là sống”. Những chuyến du hành để lại cho nhà văn nhiều ấn tượng và từ đó nảy sinh nhiều tác phẩm bất hủ. Cũng nhờ những chuyến du hành mà ông nổi tiếng ở nước ngoài: đến giữa những năm 30 ông đã là nhà văn được hoan nghênh đặc biệt ở Đức – nơi ông coi là quê hương thứ hai của mình, một thập niên sau trở nên nổi tiếng ở cả Anh lẫn Mỹ, và danh tiếng càng thúc giục các chuyến du hành. Ngay từ lúc sinh thời ông đã là nhà thơ của các dân tộc, nhà thơ quốc tế. Tuy nhiên, tình yêu tổ quốc vẫn là một trong những nét đẹp nhất nơi ông. Có lẽ chính lúc đi xa mới hiểu được tình yêu quê nhà. Như những lời thơ ông viết trong tập ký sự hành trình “Ở Tây Ban Nha” (1863):
Tháng mười một, giữa tháng
Nhưng tôi ở Tây Ban Nha đầy nắng
Mặc áo quần mùa đông
Mà sao vẫn lạnh run
Bầu trời Seville xanh
Những hàng cam biếc nắng
Tuyệt vời sao được ngắm vẻ đẹp này
Nhưng sao bằng cảm xúc trong tôi
Tôi thấy mình lạnh cóng
Và mọi người trùm áo khóac co ro
Trên ghế đá giữa những hàng cam biếc
Tôi thấy mình hoàn toàn không cô độc,
Dẫu là kẻ xa lạ nơi đây
Nơi đây đêm đêm cũng sáng lên
Những ngôi sao của đêm Đan Mạch
Vẫn những ngôi sao và cơn giá lạnh
Của quê hương nơi xa
Hỡi Seville ngươi mê hoặc ta
Nhưng trong ta vẫn hiện lên Đan Mạch.
Phong cảnh của xứ sở phương Nam ấm áp xen lẫn với những phác họa mùa đông giá lạnh phương Bắc tạo nên bức tranh kỳ diệu thấm đẫm lòng yêu nước.
Ký họa của Andersen khi du lịch ở Ý
Cuộc đời sáng tác của Andersen, kể cả khi đã nổi tiếng, không chỉ có vinh quang. Ông từng chịu tủi nhục vì những lời công kích, chê bai. Và đây là những gì ông viết về một vở bi kịch bị khán giả huýt sáo phản đối khi công diễn lần đầu:
Em ra đi tối qua vào lúc chín giờ
Em sinh ra ở nơi phương Bắc
Nhưng chẳng phải để dành cho phương Bắc
Gió phương Bắc rú rít giày vò
Thôi ngủ ngoan nào, hỡi bé yêu.
Bản in đầu vở kịch “Bọn cướp từ Vissenberg” của Andersen
Andersen hay viết về trẻ em, những bài thơ thiếu nhi của ông rất nổi tiếng. Đa phần người Đan Mạch làm quen với thơ Andersen từ thuở ấu thơ. Có những bài thơ thật tươi tắn hóm hỉnh, như bài “Những đứa con của năm” nói về mười hai tháng trong năm:
Tháng Giêng, con đầu không ngốc nghếch
Rúc mình trong áo lông vì rét
Tháng Hai em nó thích rong chơi
Mật ngọt tiền mua không biết tiếc
Còn Tháng Ba hoang dã lấm lem
Quen đùa nghịch, vui trong bùn đất
…
Viết về trẻ em, Andersen luôn có sự đồng cảm xót thương những mảnh đời bất hạnh, vất vả, côi cút như chính bản thân ông thuở ấu thơ. Mất cha khi lên 11, mẹ lấy chồng khác, cậu bé Andersen đã phải sớm nhọc nhằn lao động để kiếm sống và năm 14 tuổi một thân một mình lên thủ đô Copenhaguen lập nghiệp chỉ với 12 kuron trong túi.
Tấm căn cước cấp ngày 5 tháng 9 năm 1819 (khi Andersen 14 tuổi)
Bài thơ “Đứa trẻ hấp hối” (1825), cũng như câu chuyện “Cô bé bán diêm”, chính là những hồi ức về tuổi thơ tủi nhục cũng như những tình cảm tha thiết nhà văn dành cho mẹ mình, người phụ nữ nghèo hèn làm nghề giặt thuê luôn yêu thương và gắng sức bảo bọc đứa con trai bé nhỏ nhưng không thể:
Nếu mẹ biết, mẹ ơi, con quá mệt
Ước gì được thiếp đi trên ngực mẹ thân thương
Mẹ không khóc, mẹ yêu hãy hứa
Để nước mắt đừng làm bỏng má con.
Nơi đây gió rít quần, buốt giá
Nhưng ấm áp sao trong giấc mộng mơ màng
Mắt nhắm lại, kìa bao ánh hào quang
Và cả bầy thiên thần bay đến…
Andersen suốt đời sống độc thân. Thuở nhỏ ông hay bị trêu chọc vì thích chơi búp bê. Trưởng thành, ông bị cuốn hút bởi cả người khác phái lẫn người cùng phái. Người ta nói đến những tình cảm đặc biệt ông dành cho con trai nhà Collin (gia đình đã bảo trợ cho Andersen học trung học và đại học, giúp ông khởi sự sáng tác ở Copenhagen) và câu chuyện “Nàng tiên cá” dường như cũng là một sự thổ lộ của nhà văn về mối tình không thể thốt nên lời này. Bi kịch riêng đó làm Andersen ngay từ khi còn trẻ đã luôn cảm thấy mình là một “kẻ độc thân già” chỉ có thể đứng ngoài nhìn hạnh phúc gia đình của người khác. Bài thơ “Kẻ độc thân già” viết năm 1833 là tâm trạng nhà thơ trong đêm Giáng sinh khi ngắm bầy trẻ thơ vui đùa bên những ông bố trẻ:
…Tôi đơn côi trong những ngày lẽ ra chỉ có niềm vui
Sâu thẳm hồn tôi là bóng đen vĩnh cửu
“Chẳng bao giờ biết đến niềm vui chia sẻ
Của ái tình” – người ta nói thế về tôi.
Những ảo mộng ngọt ngào dối lừa tôi như những câu chuyện cổ
Tôi từng nghèo, từng trẻ, rồi năm tháng trôi đi
Tôi đã trông thấy nhành hồng – những màu sắc diệu kỳ
Lóa mắt tôi và niềm tin thắp sáng
Tôi mờ mắt khát khao được trút trước hoa
Những gì tôi từng thầm thì bày tỏ
Với các vì sao trong những đêm mất ngủ
Nhưng kẻ khác đến, bẻ mất nhành hoa bé nhỏ
Nhành hoa thân yêu thơm ngát của tôi.
Và thế là tôi thành đơn côi
Thành kẻ độc thân ôm mái đầu bạc trắng.
Andersen ngày 21 tháng 5 năm 1874
Andersen là con người cả cuộc đời sống để khát khao yêu thương, để đau khổ, để thăng trầm, để sáng tạo nghệ thuật. Và đây là “Bài ca cuối cùng của nhà thơ”:
Thời khắc đến rồi, hãy mang tôi đi hỡi Tử Thần
Vào thế giới những linh hồn bất tận.
Đừng hỏi đi đâu – tôi đã đi qua con đường trần gian
Tôi hiến dâng không phải cái của mình
Mà là cái đấng trên cao ban xuống
Không tính toán, không định giá cái mình dâng hiến
Tôi hát ca như con chim của Chúa dưới trời xanh…
Tạm biệt bạn bè! Vĩnh biệt thế giới tươi xinh
Tôi giã từ với tấm lòng ơn nghĩa
Ngợi ca Chúa vì những gì Người đã và sẽ ban
Trên hành trình tôi đến với điều toàn mỹ
Hỡi Tử Thần, hãy mang tôi vượt lên trên vực thẳm thời gian
Để lại gần, gần hơn với Hào Quang Vĩnh Cửu
Mộ của nhà văn ở nghĩa trang Copenhagen
Andersen từ biệt thế giới vào ngày 4 tháng 8 năm 1875, nhưng tên tuổi ông thì ở lại. Không chỉ những truyện cổ tích, mà là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, trong đó có thơ ca - những bài thơ mà Andersen từng khiêm tốn mong rằng “một số bài không đến nỗi tồi” - đã “vượt lên trên vực thẳm thời gian” để đến với “Hào Quang Vĩnh Cửu”.
Bằng Công dân Danh dự thành phố Odense của Andersen