CHÂN TRỜI
Ẩn mình sau những chấn song mưa
Nối dài thân với chân trời xa lạ
Một chân trời, nhiều chân trời em ạ
Bóng ta rồi tan với bóng mưa chưa?
GỞI
Gởi dòng sông giấc mơ tôi
Gởi em cho sắc gởi đời cho không
Gởi mây một chút nắng hồng
Gởi nghìn thu một chút nông nỗi tình
Lời bình: “…Nhưng với Nhật Chiêu, tứ tuyệt lục bát lại mang một sắc thái khác. Đó là chất trữ tình ca dao nhẹ nhàng pha một chút vị thiền lãng đãng. Tôi muốn nói đến bài Gởi như một dòng cảm xúc dâng trào không muốn kềm nén:
Gởi dòng sông giấc mơ tôi
Gởi em cho sắc gởi đời cho không
Gởi mây một chút nắng hồng
Gởi nghìn thu một chút nông nỗi tình
(Nhật Chiêu)
Chất thiền lãng đãng ấy tạo cho thơ Nhật Chiêu một sức hấp dẫn khác. Dường như chất thơ làm cho người đọc nhận thức được chất thiền ở một mức độ cao hơn, và chất thiền làm cho chất thơ có một chiều kích riêng:
Ẩn mình sau những chấn song mưa
Nối dài thân với chân trời xa lạ
Một chân trời, nhiều chân trời em ạ
Bóng ta rồi tan với bóng mưa chưa?
(Chân trời)
Phải chăng nhà thơ nói đến chân trời là để thấy không chân trời, không biên giới, không chấp trước “nhĩ - ngã”, “đó – đây”, “thị - phi”? Trong trường hợp này, phải nói thơ là một ẩn ngữ thú vị đối với người thưởng ngoạn. Mà thơ tứ tuyệt là tác phẩm siêu mỏng của thế giới nghệ thuật thì dung lượng của ẩn ngữ càng có khả năng vô tận”
( Trần Phò – Trích trong bài Lướt nhịp cùng tứ tuyệt mở rộng, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 672)