Kỷ niệm 60 năm thành lập trường Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi)
Mười sáu tuổi, tôi lần đầu xa nhà ra tỉnh trọ học. Từ giã ngôi trường nghèo ở cái quận lỵ buồn thiu nép mình bên đường số 1 luôn nơm nớp lo sợ những trận đánh nhau, tôi bước chân vào thị xã mà trước đó, mỗi lần được mẹ cho đi theo lấy hàng về bán ở chợ Đồng Cát, khi xe lam đến cống Kiểu, lòng tôi đã thấy nôn nao. Thật lòng, cho đến bây giờ, tôi chưa thấy nơi nào đẹp bằng thị xã Quảng Ngãi của tôi. Trọn một năm học ở đây, tôi la cà khắp các ngõ ngách của thị xã – các sạp báo và hiệu sách dọc đường Quang Trung, ngôi nhà thờ, quán cà-phê Diễm xưa, đường lên Thiên Ấn…, khiến dì tôi phải để phần cơm tối những hôm tôi về muộn ở căn phòng trọ nơi khách sạn Trà Giang trên đường Võ Tánh.
Tôi yêu nhất Quảng Ngãi những ngày mưa. Ở trường về, xắn quần lội qua những ngả đường nước tuôn ào ạt vào cống rãnh, mải mê nhìn những nữ sinh mặc áo mưa mà để đầu trần đạp xe lướt qua, những ngón tay thon vuốt nước mưa ròng ròng trên má. Nhiều năm sau này tôi còn tiếc là mình chưa một lần nào dám chạy xe theo bóng dáng thiếu nữ một ngày mưa thị xã để nghe tiếng mưa reo vui trong lòng cậu con trai tuổi vừa mới lớn. Trong không khí chiến tranh, đời sống văn nghệ Quảng Ngãi ngày đó thật trầm lắng; tạp chí Trước mặt, nhà xuất bản Ngưỡng cửa, thơ Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức, Minh Đường…, nhạc Tùng Minh, tranh Nghiêu Đề, Phạm Cung… là những gợn sóng xao trên mặt hồ phẳng lặng. Lũ chúng tôi, đám học sinh từ quận lỵ chuyển ra, cũng tập tễnh làm văn nghệ, lập một nhóm đặt tên là Tự nguyện, tụ họp đọc thơ, hát hò những chiều chủ nhật.
So với trường cấp 2 Mộ Đức chỉ có hai dãy phòng đơn giản, sân trường lơ thơ mấy gốc dương liễu; trường Trần Quốc Tuấn thật bề thế với những dãy nhà dài và hành lang thoáng rộng, cây xanh tỏa bóng mát đến cửa lớp. Cậu học trò nhà quê lần đầu đặt chân đến đây dáng vẻ rụt rè xen chút tự hào. Tôi nhớ, trường có hai cổng vào, một dành cho học sinh, một dành riêng cho thầy cô giáo, học sinh nào đi nhầm sẽ bị thầy giám thị nhắc nhở. Sự nghiêm túc về kỷ luật đó không làm tôi e ngại cho bằng không khí có phần xa lạ trong lớp học. Trần Quốc Tuấn là trường nam sinh, dành cho nữ sinh đã có trường Nữ trung học. Hồi cấp 2, như một quy ước tự nhiên, lớp tôi bao giờ cũng dành hai bàn đầu cho con gái, bọn con trai ngồi sau tha hồ nhìn trộm những mái tóc dài thiếu nữ. Một trong những thú vui của tôi lúc bấy giờ là ngắm nghía các kiểu kẹp tóc của bạn cùng lớp rồi đoán xem tính tình của họ. Người cầu kỳ thì kẹp tóc bằng nơ trang trí rườm rà, người giản dị thì chỉ buộc tóc bằng một sợi thun thay màu mỗi sáng. Có những bạn thích dùng kẹp nhựa gắn hình trái dâu, trái nho hay một chiếc lá nằm nghiêng. Còn L. thì hay dùng kẹp tóc hình thoi đính những hạt thủy tinh nhỏ xíu lóng lánh; có lần thấy L. xõa tóc, tôi đánh bạo mượn cái kẹp tóc, săm soi hoài không muốn trả.
Lớp 10B6 của chúng tôi ở Trần Quốc Tuấn toàn là dân “mày râu”, không có cái kẹp tóc nào. Cả trường chỉ có các lớp ban C là được hưởng ngoại lệ: trường Nữ trung học không mở ban C nên chuyển các nữ sinh giỏi văn sang học chung ở Trần Quốc Tuấn. Tôi ghen với H. B. bạn tôi, được học cùng lớp M. T., T. A…, lại còn được thầy Huỳnh Châm hướng dẫn sưu tầm văn chương bình dân và giao cho thực hiện tờ báo Xuân của trường, trong khi đám học sinh ban A, ban B chỉ được góp bài mà thôi.
Lớp chúng tôi một nửa dân thị xã, một nửa từ quận ra, những ngày đầu không đoàn kết lắm. Bầu lớp trưởng và thư ký thì dân thị xã chiếm hết, nhưng cuối tháng cộng điểm xếp vị thứ thì top 5 thuộc về dân quận lỵ. Thầy Phạm Huệ là giáo sư hướng dẫn như ngày nay gọi là giáo viên chủ nhiệm. Tôi chưa bao giờ được học những giờ văn sâu sắc mà sinh động như học với thầy. Thầy nhỏ người nhưng rất linh hoạt, giảng bài không chỉ bằng tiếng nói mà cả bằng động tác, nhiều buổi nghe thầy mà chúng tôi không thể nín cười. Không biết dựa vào sách giáo khoa nào mà thầy ra đề thi lục cá nguyệt là bình luận một câu nói của Balzac, đại ý luật pháp là một cái mạng nhện, con ruồi lớn thì bay lọt qua, con ruồi nhỏ thì mắc lại. Chao ôi, chúng tôi học lớp 10, chỉ mới 15-16 tuổi mà phải đánh vật với cái đề hóc búa của thầy! Hôm thầy trả bài, bài tôi được 16 điểm, cao nhất lớp, nhưng cũng bị thầy đem ra mổ xẻ, phê bình nhiều nhất vì cái tội diễn đạt cầu kỳ. Gần Tết, báo Xuân của trường phát hành, đọc bài của tôi, thầy tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng chỉ góp ý nhẹ nhàng và cuối năm thầy vẫn dành cho tôi những nhận xét thật ưu ái trong học bạ.
Đây là lớp 10 duy nhất chọn Pháp văn làm sinh ngữ chính. Nhưng một số bạn học Pháp văn một cách miễn cưỡng, dành thời gian nhiều hơn cho Anh văn. Thành ra cô Hồ Thị Kim Duyên phụ trách môn này rất vất vả; cô trẻ và hiền quá nên đôi khi còn bị mấy tên đầu têu bày trò trêu chọc, quậy phá. Cô phải dỗ dành cả lớp bằng cách dạy bài hát tiếng Pháp; học trò than học hát mệt thì cô cho ngồi yên nghe cô hát. Cô Duyên bây giờ ở đâu, cô có nhớ cô đã cầm tay em an ủi khi em phải rời trường; còn em thì nhớ mãi giọng Huế của cô hát bài Huế - Sài Gòn – Hà Nội hay hơn bất cứ ai đã từng hát Trịnh Công Sơn.
Những ngày cuối năm học cả lớp hoang mang vì chính quyền ra lệnh đôn quân bắt lính, gần nửa số học sinh trong lớp trúng tuổi quân dịch. Chúng tôi mua những tờ giấy khai sinh giả mạo để khai nhỏ tuổi làm lại thẻ căn cước. Các bạn tôi đều qua lọt cửa ải này, chỉ có tôi bị loại vì không ai tin cậu con trai mặt lấm tấm mụn với mấy sợi ria mép này mới tròn 15.
Tôi phải vào Sài Gòn để tìm cách trốn lính. Trước khi đi, tôi đến trường gặp thầy Hiếu giám thị, nổi tiếng khó tính, xin rút hồ sơ. Đây là lần thứ hai tôi nói chuyện với thầy. Lần trước, không biết đứa nào chơi ác đã nộp bảng điểm danh khai với nhà trường tôi bỏ học 2 tuần không xin phép, nên thầy đưa tên tôi vào danh sách những học sinh bị buộc thôi học. Khổ thân tôi phải đem trình cho thầy tất cả những bài tập và vở ghi trong lớp 2 tuần đó để chứng minh mình đi học đầy đủ. Lần này, mới nghe tôi trình bày hoàn cảnh, thầy đến ngay tủ hồ sơ lấy thành tích biểu và chứng chỉ học trình trao cho tôi. Đặt tay lên vai tôi, thầy nói: “Em phải nghỉ học, thầy rất tiếc. Thầy chúc em vào Sài Gòn gặp may mắn”. Tôi chào thầy, ôm tập hồ sơ, bần thần đi ra cổng trường, lòng băn khoăn tự hỏi không biết ngày mai sẽ ra sao và đến bao giờ mình mới quay trở lại nơi chốn này.
Từ buổi chiều ấy đến nay đã 43 năm, tôi chưa có dịp bước chân trở lại ngôi trường Trần Quốc Tuấn. Những lần về thăm quê, tôi vẫn thường ngồi ở quán cà-phê bên kia đường Quang Trung nhìn sang để mường tượng lại hình ảnh cậu học trò bơ vơ ngày trước.
Năm nay, trường Trần Quốc Tuấn kỷ niệm tròn 60 tuổi. Tuổi học trò của tôi chỉ vỏn vẹn có một năm ở trường, một năm ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho một đời thương nhớ.