20112024Wed
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Hán Nôm

Đồng bằng gợi nhớ…

         Sống ở miền Nam hơn 42 năm, đã đến nhiều tỉnh đồng bằng Nam Bộ, nhưng năm ngoái lần đầu tiên tôi mới được đi qua dòng sông Cổ Chiên. Cổ Chiên – cái tên thật lạ và thật đẹp, đẹp như dòng nước cuồn cuộn phù sa nuôi cây lá hai bên bờ, thật ra là một nhánh sông Tiền Giang, dài 82 cây số, trên bản đồ chỉ là một đường vẽ màu xanh nhỏ bé, nhưng không ngờ mặt sông mênh mông, khiến cho dự án xây cầu dài gần 1.600 mét này phải tính toán thiết kế thật cẩn trọng.

Cầu Cổ Chiên trước ngày thông xe, nhìn từ phía Trà Vinh. Ảnh: Văn Vĩnh

         Hồi trung học đệ nhất cấp, trường tôi thiếu thầy giáo, một năm thầy Phạm Văn Bảy, người thầy dạy toán hay nhất quận Mộ Đức hồi đó, đã nhận lời dạy thêm môn địa lý. Trong giờ giảng thầy ít khi truy bài học trò, nhưng bắt cả lớp phải chia nhóm để tập vẽ bản đồ đất nước, nhóm nào vẽ đúng và đẹp thì được điểm cao môn đó. Thầy dạy chúng tôi cách đo tỉ lệ thật chính xác và yêu cầu vẽ bản đồ nước Việt Nam thống nhất chứ không phải bản đồ của một nửa nước phía Nam. Chúng tôi mua giấy croquis khổ lớn dán rộng ra, nắn nót vẽ từng nét bút chì màu, và dòng sông Cổ Chiên vừa lạ lẫm, vừa thân thuộc đi vào trí óc non nớt của tôi hồi ấy, cùng với những tên sông xa xôi đầy thương mến: Nậm Thi, Lục Nam, Kinh Thầy… tận phương Bắc; Rạch Gầm, Vàm Nao, Gành Hào… ở phương Nam.

 

          Giờ địa lý của thầy nuôi trong lòng tôi giấc mơ một ngày nào được đi thuyền trên khắp các dòng sông nước mình. Lần đó, thầy khen lớp tôi ai cũng có hoa tay, rồi thầy chọn tấm bản đồ Việt Nam của nhóm tôi treo ở văn phòng nhà trường. Đứng ngắm hồi lâu “tác phẩm” của chúng tôi, thầy bảo: đất nước mình là một dải đất dài với nhiều hải đảo từ Bắc chí Nam, phơi ra trước biển, nên bao kẻ thèm khát, rồi loạn lạc và khổ sở hoài hoài mới giữ được đất đai, núi rừng, sông biển của Tổ quốc.

 

           Hôm tôi đến, cuối tháng 9, đã thấy cầu Cổ Chiên, nối liền hai huyện Mỏ Cày Nam và Càng Long, tượng hình với những móng cọc nhô lên biển nước. Và mới đây, chưa đầy một tháng sau ngày hợp long, ngày 16-5-2015 cầu Cổ Chiên đã được thông xe. Có lẽ rồi lịch sử sẽ ghi nhận việc xây dựng những cây cầu ở đồng bằng sông Cửu Long là một trong những thành tích lớn nhất thời công nghiệp hóa. Năm trước, cầu Cao Lãnh trên sông Tiền nối thành phố Cao Lãnh với huyện Lấp Vò, cầu Vàm Cống trên sông Hậu nối huyện Lấp Vò với quận Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ đã được khởi công gần như cùng một lúc. Cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối Trà Vinh và Sóc Trăng cũng đang được lập dự án xây dựng trong năm nay. Những cây cầu dây văng tiếp sau cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông lần lượt xuất hiện, kéo đồng bằng gần với thành phố và gần lại với nhau. Đường từ Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ về Sài Gòn rút ngắn bớt thời gian. Những chiếc phà tận tụy bao năm, giờ sắp hoàn thành sứ mệnh, sẽ lui vào ụ sắt. Sẽ không còn cảnh chờ đợi qua phà giữa ngày mưa dầm hay trong cơn nắng gắt. Đường tiêu thụ của nông sản đồng bằng thông thoáng và thuận lợi hơn. Gần Tết, hoa quả nơi đây vừa theo đường sông, vừa theo đường bộ tỏa về các ngả, đường dù xa vẫn giữ được hương vị của đất.

 

            Trước đó một tháng, trên đường về Bến Tre thăm nhà văn Trang Thế Hy, tôi bỗng nhớ nhận xét của thiền sư Nhất Hạnh về đất và người đồng bằng trong một bài tùy bút viết cách đây nửa thế kỷ nhân dịp nhà sư đến thăm xứ Dừa: “Sống bên những dòng sông như thế và qua lại trên những dòng sông trùng trùng gợn sóng như thế, làm sao có thể trở thành ủy mị và xa thực tế cho được?”. Người tu sĩ có một lòng tin sắt đá: “Cửu Long Giang vạn đời sẽ không mất vẻ oai hùng của nó, sẽ không bao giờ trở thành một dòng sông tầm thường và thoái hóa”. Nhưng bây giờ Mekong là “dòng sông nghẽn mạch” đang kêu cứu, vì những con đập án ngữ ở đầu nguồn cho đến hạ lưu, như nhà văn - bác sĩ Ngô Thế Vinh báo động.

 

            Những lần đến Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh… tôi vẫn thường vào các hiệu sách tìm các bưu thiếp in phong cảnh địa phương để gửi tặng người thân và bạn bè, nhưng rất khó tìm thấy. Hình như người đồng bằng quảng bá du lịch không giỏi bằng người Tây nguyên. Ở Đà Lạt, dễ tìm được bưu thiếp để nhắc Đặng Tiến những ngày dạy học xứ sương mù. Ở Ban Mê Thuột cũng tìm được bưu thiếp in cảnh Buôn Đôn để gửi tặng Hoàng Ngọc Biên đã có những ngày theo cha lên sống nơi đây. Những người làm văn hóa và du lịch ở đồng bằng chưa nghĩ ra hay do tôi chưa tìm kỹ?

 

            Lần đến Hồng Ngự đúng vào dịp rằm tháng bảy, nhớ nhà thơ Diễm Châu có một bút danh gắn với miền đất này, tôi đi ra bờ sông chụp mấy tấm ảnh bến đò thị xã. Dừa, bắp, đậu, dưa hấu, khoai lang, khoai mì, cam quýt… từ bên cồn chở về nườm nượp, trai tráng khiêng những giỏ cần xé chất đầy tú hụ lên bờ. Từ cầu Hồng Ngự nhìn xuống, những ngôi nhà bè nối tiếp nhau, mái tôn sáng lấp loáng dưới ánh nắng. Tôi hẹn mình sẽ trở lại nơi đây một lần nữa để vào thăm những xóm cồn đang sạt lở, thăm một vùng đất mà đồng bào theo đạo Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo cùng sống hòa thuận hàng mấy chục năm qua, ngày lễ trọng của tôn giáo này thì tín hữu của tôn giáo khác cũng tham dự như một ngày hội chung.

 

           Trước khi từ giã Trà Vinh, tôi được một cô giáo tặng hai tập sách mỏng viết về văn học địa phương. Lần dở những bài giảng văn, gặp lại những cái tên đáng kính: Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thi, Truy Phong… Tôi nói với các anh chị trong lớp là còn thiếu một người mà Trà Vinh phải ghi nhớ: giáo sư Lý Chánh Trung, người thầy đã sinh ra và đi học ở đây thuở thiếu thời, đã ghi lại không khí Trà Vinh những ngày Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến. Trong Hồi ký của một cựu học sinh trường Tây, thầy viết: “Tỉnh tôi có ao bà Om, chùa ông Mẹc, có những con đường rợp mát ngoằn ngoèo chạy qua những “sóc” Miên trầm lặng, những mái chùa nhọn lễu vàng tươi ẩn hiện giữa những rặng sao cao vút, mùa khô gió lộng thổi, hoa sao bay rợp trời, hai cánh quạt vù vù như máy bay lên thẳng…”. Thầy Trung bây giờ yếu lắm, trí nhớ lẫn lộn, chắc không biết những hàng sao và hàng dầu cổ thụ trên con đường dọc sân bay không còn nữa. May là đã có những cây sao và cây dầu mới được trồng lại để thay thế nên nhiều con đường trong phố vẫn rợp bóng lá xanh.

 

           Những dòng sông, những cây cầu, những chuyến phà, những hàng cây, những con người với bao nỗi niềm dâu bể sẽ còn kết nối với giấc mơ lãng du thời niên thiếu.